Đến hết quý 1/2024, khối nợ của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) vẫn đang trên mức 27.834 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). Mỗi ngày, ‘vua đào hầm’ đóng lãi hơn 2,3 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 1/2024 của Hạ tầng Giao thông Đèo Cả thể hiện, nợ phải trả của Công ty đang hơn 27.834,1 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ dài hạn. Khối nợ này cao gấp hơn 2,8 lần vốn chủ sở hữu Công ty. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính rất lớn, trong ngắn hạn ở mức 931,4 tỷ đồng, dài hạn lên đến 19.168,1 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý đầu năm 2024, Hạ tầng giao thông Đèo Cả phải trả chi phí lãi vay hơn 208,2 tỷ đồng, tức mỗi ngày Công ty phải trả hơn 2,3 đồng tiền lãi. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Công ty bị bào mòn quá nửa.
Trong ngắn hạn, chủ nợ lớn nhất của HHV là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội, với khoản vay hơn 701,2 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (hơn 172,1 tỷ đồng). Ngoài ra, ‘ vua đào hầm ’ còn có các khoản vay ngắn hạn tại một số nhà băng và công ty tài chính.
Không chỉ vay các nhà băng hay tổ chức tài chính, Đèo Cả còn vay cả cán bộ công nhân viên theo hình thức tín chấp |
Tài sản được Đèo Cả mang thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn là phương tiện vận tải, cổ phiếu, bất động sản, quyền đòi nợ từ các hợp đồng do ngân hàng cấp tín dụng…
Đặc biệt, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả còn vay cả cán bộ, công nhân viên với tổng giá trị gần 2,8 tỷ đồng theo hình thức tín chấp. Lãi suất cho khoản vay này bằng lãi tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng Công ty đang giao dịch.
Trong dài hạn, Đèo Cả đang có hàng loạt hợp động vay vốn tại nhiều nhà băng. Có thể kể đến hợp đồng vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong với hơn 41,8 tỷ đồng, thời hạn 60 – 72 tháng, lãi suất 8%/năm và thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Nam Hà Nội (18,9 tỷ đồng trong 60 tháng).
Đặc biệt, Đèo Cả đã mang hàng loạt quyền thu phí BOT thế chấp cho những khoản vay rất lớn tại nhiều nhà băng. Trong đó, riêng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội đã có 05 hợp đồng vay dài hạn với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng. Gồm: Khoản vay 2.500 tỷ đồng thời hạn 204 tháng; Khoản vay 4.182 tỷ đồng thời hạn 20 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên; Khoản vay 4.800 tỷ đồng thời hạn 180 tháng; Khoản vay 1.190 tỷ đồng thời hạn 192 tháng và khoản vay 10.169 tỷ đồng trong 26 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên đến năm 2043. Lãi suất cho các khoản vay vừa nêu được tính theo từng giấy nhận nợ.
Đèo Cả thế chấp các quyền thu phí BOT cho những khoản vay hàng nghìn tỷ tại các nhà băng |
Tại Ngân hàng TMCP Việt Á – Chi nhánh Hà Nội, Hạ tầng giao thông Đèo Cả đang có khoản vay 1.148,9 tỷ đồng có thời hạn 233 tháng, lãi suất tính theo từng giấy nhận nợ. Thế chấp cho khoản vay này là quyền thu phí dự án BOT; phần vốn góp của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả và Công ty CP ĐTMT Hà Thành vào Công ty CP Phước Tượng Phú Gia BOT.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2024, Hạ tầng giao thông Đèo Cả có doanh thu 689,6 tỷ đồng, lãi gộp 334,9 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí lãi vay quá lớn như đã đề cập đã bào mòn quá nửa, bên cạnh các chi phí khác và thuế. Khép lại quý đầu năm, HHV lãi ròng 113,9 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản Công ty tại 31/3/2024 ở mức 37.660 tỷ đồng, tăng khoảng 80 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do tài sản ngắn hạn tăng mạnh. Trong đó, hàng tồn kho tăng từ 77,2 tỷ đồng lên 113,4 tỷ đồng sau 3 tháng; tiền và tương đương tiền tăng từ 296,1 tỷ đồng lên 657,7 tỷ đồng. Tiền cuối kỳ dồi dào nhờ vào việc Công ty thu về hơn 830,2 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu.