Xây dựng chuỗi liên kết không còn là vấn đề mới trong sản xuất – tiêu thụ nông sản, nhưng để duy trì được chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu ổn định, hiệu quả cho các bên vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thông tin tin cậy
Thị trường nông sản thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng từ xung đột và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, dự báo cung cầu - nắm bắt thông tin quyết định lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, Hiệp hội Điều Việt Nam và các tổ chức quốc tế đều khẳng định, sản lượng điều thô thế giới đã tăng liên tục trong vòng 10 năm gần đây và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ riêng Bờ Biển Ngà, nước có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới hiện có tới 1,25 triệu tấn/năm; Campuchia đang nỗ lực để đạt 1 triệu tấn điều thô trong vài năm tới. Sản lượng điều thô toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng do diện tích trồng mới ở các nước châu Phi và Campuchia khá lớn và đang vào giai đoạn trưởng thành, cho thu hoạch.
Doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu. Ảnh: Uyên Hương/TTXVN
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam phân tích thêm, mặc dù tăng diện tích và sản lượng nhưng năng lực chế biến điều ở các quốc gia nói trên vẫn rất hạn chế, họ chủ yếu xuất khẩu điều thô và Việt Nam vẫn đang là thị trường quan trọng, tiêu thụ tới 65% sản lượng điều thô toàn cầu. Do đó, ít nhất trong khoảng 5 năm tới, sẽ không có tình trạng thiếu nguyên liệu điều thô. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện nắm giữ 80% lượng điều nhân thế giới, có khả năng điều tiết được nguồn cung để đàm phán giá hợp lý.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội đã, đang và sẽ cập nhật thông tin về cung - cầu cả điều thô lẫn điều nhân định kỳ; đồng thời, đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cân nhắc quyết định thời điểm mua nguyên liệu – bán thành phẩm để việc kinh doanh đạt hiệu quả cao. Với vị thế trong chuỗi cung ứng điều thế giới như hiện nay, chỉ cần nắm chắc các thông tin nền, thường xuyên cập nhật diễn biến thị trường doanh nghiệp điều Việt Nam nếu không lãi cũng sẽ tránh được thua lỗ.
Với ngành cà phê, các doanh nghiệp kiến nghị ngành nông nghiệp và các địa phương cần sớm có thống kê diện tích canh tác thực tế để có cơ sở dự báo sản lượng chính xác hơn. Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp cho rằng, diện tích cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên những năm gần đây biến động theo chiều hướng giảm nhưng thống kê chưa cập nhật kịp . Một số diện tích cà phê được trồng xen với các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng dẫn đến thống kê chồng chéo, rất khó để tính được sản lượng.
“Nhu cầu cà phê thế giới được dự báo có xu hướng tăng trong khi nguồn cung hạn chế khiến mặt bằng giá cà phê lên cao. Đây có thể là cơ hội tốt để nâng cao kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, để cơ hội đó đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu rất cần nguồn thông tin chính xác, tin cậy về tương quan cung - cầu để dự báo đúng xu hướng giá cả thị trường.”, ông Hiệp nêu quan điểm.
Quay lại với ngành gạo, theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 ước tính đạt gần 518 triệu tấn; trong khi tổng mức tiêu thụ rơi vào khoảng 525 triệu tấn. Như vậy, cán cân cung cầu gạo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn, tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm hơn 500.000 tấn so với năm 2023. Chưa kể, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra khốc liệt, có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng vụ lúa Hè Thu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, giá gạo xuất khẩu năm nay vẫn sẽ có biến động theo từng thời điểm nhưng ít khả năng tăng đột biến như năm 2023. Mức giá xuất khẩu bình quân có thể đạt 600 USD/tấn, cao hơn năm trước (575 USD/tấn).
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, trải qua một năm 2023 biến động khó lường và buồn nhiều hơn vui nên năm nay hầu hết doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu từ trước mà ưu tiên việc thu mua rồi mới ký hợp đồng bán ra. Các doanh nghiệp cũng chú ý nghiên cứu kỹ thị trường rồi mới tham gia các gói thầu cung ứng để tránh thiệt hại do mua cao – bán thấp.
Chia sẻ trách nhiệm và lợi ích
Cạnh tranh là động lực cho phát triển, tuy nhiên để phát triển bền vững thì cạnh tranh phải lành mạnh, tránh vì lợi ích trước mắt của một vài doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến lợi ích chung. Bên cạnh đó, cần có giải pháp khắc phục sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm giữa các bên tham gia trong chuỗi liên kết từ sản xuất – thu mua – xuất khẩu.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu ngành lúa gạo, cho rằng, gạo Việt Nam đã có chất lượng tốt, được nhiều khách hàng thế giới ưa chuộng, đây là cơ hội đưa hạt gạo vươn xa. Muốn xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững, doanh nghiệp và nông dân phải tăng cường liên kết dựa trên nguyên tắc minh bạch trách nhiệm và chia sẻ cả lợi ích lẫn rủi ro. Trong số đó, nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất lúa gạo đạt chuẩn về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc với giá thành tốt. Doanh nghiệp công khai giá bán gạo ra thế giới và thoả thuận giá thu mua với nông dân để cả hai bên đều có lãi, hài hòa lợi ích lâu dài.
Song song với liên kết sản xuất, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thiết lập quan hệ hợp tác, thương mại lâu dài với các đối tác nhập khẩu. Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, từ đó phối hợp với nông dân vùng liên kết chủ động chuẩn bị nguồn cung phù hợp. Liên kết chuỗi càng dài, càng minh bạch thì việc tổ chức sản xuất – thu mua – xuất khẩu lúa gạo càng dễ vận hành ổn định. Cách làm này cũng tránh được tình trạng nông dân tự bơi khi sản xuất nhưng không biết sẽ bán cho ai, với giá nào còn doanh nghiệp xuất khẩu phải đi gom mua theo kiểu hàng xáo, “đuổi hình bắt bóng” khi giá cả nhảy múa.
Với ngành cà phê, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn thế giới và trong nước đều giảm tạo điều kiện để thị trường thiết lập nên mặt bằng giá mới, không quay về mức giá cũ nhưng cũng khó tăng vọt như thời gian gần đây. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam lưu ý, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nông dân, đại lý, doanh nghiệp xuất khẩu nên hạn chế tối đa việc mua xa – bán xa để tránh rủi ro. Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, người mua và người bán nên cùng nhau đàm phán, thỏa thuận để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ giá cả cũng như tiến độ và thời gian giao hàng khi giá cà phê tăng cao đột ngột, tránh thiệt hại dồn cho một phía.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, phần lớn sản lượng cà phê Việt Nam phục vụ cho thị trường xuất khẩu, kể cả các doanh nghiệp chế biến trong nước cũng hướng đến xuất khẩu. Do đó, nếu đại lý hay đơn vị thu mua phá vỡ liên kết, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu từ bỏ thị trường thì nông dân sẽ là người chịu thiệt hại lớn nhất. Ngược lại, nếu doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, giá cà phê giảm sâu sẽ khiến vùng trồng tiếp tục bị thu hẹp, lâu dài doanh nghiệp cũng không còn nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Đại diện một Tập đoàn xuất khẩu nông sản trái cây lớn ở phía Nam từng lên tiếng, trên thực tế, việc cạnh tranh không lành mạnh không chỉ diễn ra ở ngành gạo, cà phê hay điều mà còn có thể thấy ở rất nhiều mặt hàng nông sản khác nhau. Đặc biệt trong những thời điểm giá cả biến động tăng hoặc giảm mạnh nạn tranh mua, tranh bán, ép mua, ép bán, loạn giá, bẻ cọc, gian lận xuất xứ, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng càng phổ biến hơn. Tình trạng này không chỉ gây nhiễu loạn thị trường, khiến nông dân, doanh nghiệp khó khăn trong lên phương án sản xuất, kinh doanh mà tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Những bài học “đắt giá” từ lúa gạo, điều hay cà phê thời gian gần đây cần được xem là hồi chuông cảnh báo cho cả ngành nông sản trong việc tổ chức, liên kết chuỗi cung ứng. Theo đó, muốn làm chủ tình hình, những người trong cuộc phải thường xuyên cập nhật thông tin, sản xuất – kinh doanh theo nhu cầu thị trường; minh bạch trong chia sẻ lợi ích, rủi ro vì mục tiêu đồng hành, phát triển lâu dài. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần phát huy vai trò định hướng; có cơ chế khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cũng như xây dựng chế tài xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín của ngành hàng và quốc gia.