Xe điện Trung Quốc tràn tới Việt Nam, PGS Đại học Bách khoa: 'Vật cản' chính là 1 thứ VinFast đang có

PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc tại Đại học Bách khoa chỉ ra một bất lợi lớn với xe điện Trung Quốc khi vào Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thị trường đích mà ô tô Trung Quốc sẽ đổ bộ trong thời gian tới. Dù đã có những thành công nhất định tại Thái Lan - một trong các thị trường ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải vượt qua vài trở ngại để thành công tại Việt Nam.

Nhiều hãng xe Trung Quốc sẽ sớm bán xe tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề lớn, khi họ đã sản xuất được số lượng ô tô vượt ngưỡng tiêu thụ của thị trường nội địa, dù bản thân Trung Quốc đã là thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Tình cảnh cung vượt cầu còn trở nên tệ hơn khi Mỹ mới đây áp thuế 100% giá trị với xe từ Trung Quốc, khiến các nhà sản xuất xe Trung Quốc phải tìm các thị trường khác để xuất khẩu xe tới. Bên cạnh châu Âu hay Mỹ Latin thì Đông Nam Á cũng là khu vực mà nhà sản xuất xe Trung Quốc để mắt tới.

BYD là hãng xe điện có doanh số cao nhất Thái Lan.

Các hãng xe Trung Quốc đã thành công với Thái Lan khi có 4/5 hãng lọt trong top 5 hãng xe điện bán chạy nhất tại Thái Lan. Trong khi BYD đứng đầu với 30,6 nghìn xe thì Tesla chỉ xếp thứ 4 với 8,2 nghìn xe.

Việt Nam đang là điểm đến mới của nhiều hãng xe Trung Quốc. Những cái tên lớn bậc nhất ngành ô tô Trung Quốc như BYD, Chery (thông qua Jaecoo và Omoda), hay cả Great Wall Motor (với Haval và Tank) đều đã và đang chuẩn bị bán xe tại Việt Nam.

Song, các hãng xe Trung Quốc khi vào Việt Nam sẽ phải đối mặt với hai trở ngại lớn. Nikkei Asia nhận định hai vấn đề này lần lượt là nhà sản xuất ô tô nội địa VinFast, và định kiến của người dùng về xe từ Trung Quốc.

Chery sẽ có nhà máy ô tô công suất 200.000 chiếc/năm đặt tại Việt Nam.

Cũng trên Nikkei Asia, ông Đinh Quốc Đạt, giám đốc bán hàng tại nhà phân phối Carvivu của hãng Haima (Trung Quốc) cho biết: "Quan điểm tiêu cực về hàng Trung Quốc, đó là vấn đề xuất hiện ngay từ lúc đầu. Nhưng tôi khuyên rằng nên tới showroom. Mọi người sẽ bất ngờ vì chất lượng", công nghệ và giá bán.

Ông cũng cho rằng: Quan điểm về chất lượng xe Trung Quốc đang thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Đàm Hoàng Phúc tại Đại học Bách khoa cho rằng VinFast đang sở hữu hệ thống trạm sạc duy nhất trên cả nước. Đây chính là một trở ngại mà các hãng xe Trung Quốc phải vượt qua.

VinFast có hệ thống trạm sạc rất lớn tại Việt Nam.

Tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, xe điện đã giảm sức tăng trưởng nhưng tại Việt Nam, điều đó dường như chưa xảy ra. Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy rằng trong năm 2023, doanh số xe thuần điện tại nước ta đã tăng gấp đôi, chiếm khoảng 10% con số gần 370.000 tổng doanh số ô tô. Doanh số xe thuần điện tại Việt Nam chủ yếu đến từ VinFast.

Số liệu của Hải quan cho thấy rằng Việt Nam trong tháng 1 đã nhập khẩu gần 2.000 xe nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm khoảng 28,5%. Tuy nhiên, số lượng xe Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian tới có thể tăng lên mạnh. Bên cạnh nhiều hãng xe có kế hoạch nhập khẩu, Chery đã ký kết với Geleximco (Việt Nam) để xây dựng một nhà máy ô tô có công suất 200.000 xe/năm.

Ông Đinh Quốc Đạt cũng cho Nikkei Asia biết rằng Carvivu sẽ tiếp tục phân phối thêm một vài thương hiệu xe Trung Quốc khác tại Việt Nam; song, ông không nêu cụ thể hãng xe nào. MG, thương hiệu Anh quốc nhưng nay thuộc sở hữu của SAIC, được cho đã đưa mẫu hatchback thuần điện cỡ B MG4 về Việt Nam để chuẩn bị cho ra mắt.

Tham khảo: Nikkei Asia

Nhật Quỳnh

Link gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/xe-ien-trung-quoc-tran-toi-viet-nam-pgs-ai-hoc-bach-khoa-vat-can-chinh-la-1-thu-vin-fast-ang-co-a424618.html