Xếp hàng mua vàng khi gần 100 triệu/lượng: Chuyên gia cảnh báo, sau đợt tăng mạnh là 1 nhịp giảm

Bất chấp những động thái từ cơ quản nhà nước, nhằm kiểm soát giá vàng, ổn định thị trường, tuy nhiên vàng miếng SJC vẫn tăng bất chấp, bỏ xa giá vàng thế giới. Vậy với các nhà đầu tư cá nhân thì lựa chọn sao cho hợp lý trong bối cảnh này.

Cứ có tiền là mua vàng

Chị Vũ Phượng, 30 tuổi ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cách đây 3 tháng chị cũng mua 1 cây với giá 73 triệu đồng/ lượng, sau đó thấy giá vàng tăng nhẹ chị tiếp tục mua thêm 1 cây nữa. Ngày 15/04 chị mới bán toàn bộ 2 cây vàng tích luỹ với giá 83 triệu đồng/1 lượng.

“Tính ra là lãi được khoảng 10 triệu đồng/1 cây, tuy không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng bản thân vợ chồng chị từ xưa khá thích tài sản này, vì vậy mà cứ có đủ tiền là mua vàng, theo tình hình thị trường”, chị Phượng kể.

Người dẫn vẫn đi mua vàng khá đông tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, bất chấp giá vàng tăng cao gần 100 triệu đồng/ lượng. Ảnh: Xuân Thạch

Theo bà Mai Kim Thanh(60 tuổi), ở Thanh Xuân, Hà Nội, bà có thói quen mua vàng đều hàng năm từ khá lâu rồi. Năm 2013 có làm nhà cần tiền nên đã bán hết vàng tích luỹ từ gần 20 năm trước. Sau đó bắt đầu mua lại vàng nhẫn, 1 năm khoảng 3-4 lần, trích từ lương hưu của cả 2 vợ chồng, mỗi lần mua 1 chỉ vàng. Thời điểm 2013 mua giá khoảng gần 4 triệu đồng, gần nhất bà Thanh có mua thêm 1 chỉ tháng 4/2024 với giá 7,2 triệu đồng/ chỉ vàng.

“Hiện tháng này tôi chưa mua vì thấy giá vàng nhẫn tăng lên cao quá, mới tham khảo giá vàng nhẫn chỉ 9999 giá khoảng 7,6 – 7,7 triệu đồng. Tôi tạm thời chưa mua thêm, chờ xem giá có giảm về mức khoảng 7- 7,2 triệu hay không”, bà Thanh nói thêm.

Mấy ngày nay, khi giá vàng vượt 90 triệu đồng/lượng thì lượng người đổ xô mua vàng càng đông. Tại nhiều hàng vàng có tình trạng nhiều người xếp hàng nhưng chỉ nhận được giấy hẹn sau 1 tuần mới có vàng. Trong số những người xếp hàng mua vàng thì dường như nhu cầu đầu cơ, lướt sóng... đón sóng kiếm lời với hy vọng vàng sẽ tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, đầu tư theo cơn sốt và đu đỉnh kiếm lãi không phải là dễ dàng và nhiều khi phải chuốc lấy rủi ro.

Đầu tư vàng sao cho hợp lý?

Theo ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, để lựa chọn đầu tư một tài sản sẽ có 6 yếu tố cần quan tâm đó là chu kỳ kinh tế, cấu trúc vốn, tính thanh khoản, thời gian đầu tư, biến động lợi nhuận và các thủ tục thuế phí. Với vàng thì có thể không cần quan tâm nhiều đến tính thanh khoản, cấu trúc vốn nhưng cần quan tâm đến chu kỳ kinh tế và thời gian đầu tư.

Thứ nhất cần tìm “biên an toàn” trong chu kỳ, ông Huấn ví von rằng, thà chọn một sản phẩm sai trong một chu kỳ đúng, còn hơn là chọn sản phẩm đúng trong một chu kỳ sai và khẳng định tính quan trọng của chu kỳ kinh tế.

Ông Huấn ví dụ, giai đoạn 2016 – 2018 là thời điểm kinh tế đi lên, lúc đó đầu tư vào lớp tài sản như bất động sản, phần lớn nhà đầu tư đều có lãi, hay như giai đoạn tháng 10/2022, rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán F0, chưa có kiến thức, kinh nghiệm thị trường, nhưng cứ tham gia đầu tư là có lãi. Đó là do thời điểm của một chu kỳ kinh tế tốt.

Còn về yếu tố thời gian thì vàng luôn trả về mức lợi nhuận từ 8-9%/năm khi nắm giữ đủ lâu và trong thời gian dài.

Tuy nhiên, ông Huấn lưu ý về lịch sử tăng giá của vàng, cụ thể năm 2013 giá vàng khoảng 40 - 43 triệu đồng/lượng, nhưng giá này gần như giữ từ 2013 – 2019 trong khoảng 6 năm. Theo dữ liệu thống kê, giá vàng suốt giai đoạn 2013 đến cuối 2019 có lên - xuống nhưng biên độ không mạnh, loanh quanh vùng hơn 40 triệu đồng/lượng. Thậm chí nếu so giá tại thời điểm đầu năm 2013 với ngày cuối năm 2019, giá vàng còn giảm.

“Giả sử thời điểm đó có 1 tỷ mua vàng năm 2013, thì năm 2019 bán cũng chỉ được khoảng 1 tỷ, nhưng vậy so với kênh tiết kiệm ngân hàng là lỗ”, ông Huấn nói thêm.

Để lý giải cho việc giá vàng tăng liên tục trong thời gian gần đây, ông Huấn đưa ra một vài lý do. Thứ nhất, từ 2012 nhà nước đã không nhập khẩu vàng, 2014 không đưa vàng miếng ra thị trường, nên nguồn cung rất thấp. Thứ hai là ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến kinh tế khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, giá vàng thế giới luôn đi ngược với tình hình kinh tế.

Và cuối cùng, đó là sự nghịch đảo của vàng với sức mạnh của đồng USD, tới thời điểm này Cục Dự trữ FED vẫn chưa giảm lãi suất như kế hoạch công bố.

“Chúng tôi thống kê được vàng có xu hướng mạnh, nhưng sau đó sẽ giảm, mức tăng trong 1 khoảng thời gian cũng chỉ 10-15% rồi sẽ có nhịp chỉnh giảm, nếu các nhà đầu tư quan tâm kênh vàng thì có thể đợi nhịp này để tham gia mua bán. Nguyên tắc là giảm thì mua, tăng thì bán và lưu ý biên độ lợi nhuận 10-15%” ông Huấn khẳng định.

Chuyên gia Huấn cũng khuyến nghị, trong quản lý tài chính cá nhân tỷ trọng vàng nên ở khoảng dưới 10% tổng tài sản, và nắm giữ trong thời gian dài với mục tiêu chính là phòng thủ tài chính. Đặc biệt, dùng làm quỹ khẩn cấp cho gia đình, cầm dài hạn lợi nhuận 8-9% trung bình, bởi với các nhà đầu tư không chuyên thì đầu tư vàng là khá rủi ro.

Giữa SJC và vàng nhẫn trơn thì có thể xem xét mua và giữ vàng trơn vì vàng trơn đang theo sát hơn với giá vàng của thế giới so với vàng miếng SJC. Ông Huấn cũng dự đoán giá vàng khó giảm trong 2024 và biên độ có thể tăng thêm khoảng 10% nữa.

Các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân cho rằng việc lựa chọn kênh đầu tư còn tùy thuộc vào, mục tiêu, kiến thức và khẩu vị rủi ro. Nếu chỉ đơn thuần dựa trên biến động thị trường của các loại tài sản thì rất có thể "ăn được sóng vàng" rồi lại vấp ngã với cơn sóng khác. Bối cảnh hiện giờ đang khá giống thời kì 2019-2020. Giá vàng tăng cao đi kèm với các rủi ro địa chính trị, trong khi mặt bằng lãi suất còn thấp hơn cả thời kỳ Covid-19.

“Giá vàng vẫn còn khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mặt hàng này lại tiềm ẩn rủi ro từ biến động chính sách điều chỉnh của Nhà nước, vì vậy với quản lý tài chính cá nhân cần ưu tiên vàng là tài sản phòng thủ, và tư duy đầu tư là nắm giữ tài sàn này dài hạn”, một vị chuyên gia TCCN nói thêm.

Xuân Thạch

Link gốc

https://vietnamfinance.vn/gia-vang-len-gan-100-trieu-luong-chuyen-gia-canh-bao-sau-dot-tang-manh-la-mot-nhip-giam-d110601.html