Trong đại dịch COVID-19, vợ chồng Kathy Zhuo bị cắt giảm 50% lương. Đó là một cú sốc lớn vì Zhuo còn phải chăm sóc mẹ vốn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cách đây 5 năm.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 10/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Bà mẹ hai con sống ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng hầu như không còn tiền. Tôi thấy bất an nhưng không biết phải làm gì”.
Cú sốc về tài chính của gia đình đã khiến cô Zhuo (36 tuổi) tham gia vào xu hướng tìm kiếm bạn đồng hành - hay da zi - có cùng sở thích trên mạng của giới trẻ Trung Quốc. Nhưng thay vì sở thích liên quan đến đi du lịch hay tập thể dục, cô tìm đến những người có chung tư tưởng tiết kiệm để chia sẻ mẹo với nhau.
Từ khóa "bạn đồng hành tiết kiệm" lần đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc vào tháng 2/2023. Theo công ty phân tích dữ liệu Newsrank, từ khóa này đã thu hút 1,7 triệu lượt xem tính cho đến nay. Trên weibo, chủ đề về “bạn đồng hành tiết kiệm” đã được xem hàng triệu lần.
Giáo sư Lu Xi tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết xu hướng này cho thấy tự tin thấp với kinh tế tương lai. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên năm nay nhưng nước này vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, đầu tư nước ngoài giảm.
Cô Zhuo cảm thấy may mắn khi được làm việc trong lĩnh vực năng lượng sạch, một ngành đang phát triển và ước tính đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2023. Tuy nhiên, cô cảm thấy buộc phải chuẩn bị cho rủi ro trong bối cảnh nhiều bạn bè và người thân trong gia đình đang mất việc.
Vào tháng 2 năm nay, Zhuo tham gia một số nhóm tiết kiệm trực tuyến, với hầu hết thành viên là phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40. Hằng ngày, họ ghi lại ngân sách và chi tiêu của mình. Họ cũng giúp nhau không mua sắm bốc đồng.
Zhuo kể rằng một thành viên đã muốn mua chiếc túi sang trọng giá 5.000 nhân dân tệ (17,5 triệu đồng) nhưng sau khi nói chuyện với những phụ nữ khác trong nhóm, cô này đổi ý và quyết định mua một chiếc túi cũ, rẻ hơn nhiều.
Zhuo nói rằng cô ấy cảm thấy có tình bạn thân thiết với những người bạn đồng hành tiết kiệm. Chỉ một tháng sau khi tham gia hội nhóm, Zhuo đã giảm 40% chi tiêu. Hiện cô đặt mục tiêu tiết kiệm 100.000 nhân dân tệ trong năm nay.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giáo viên tiểu học 30 tuổi Wen Zhong, một người cũng tham gia vào xu hướng, chia sẻ cô đã cắt giảm mua sắm trực tuyến nhờ sự giúp đỡ của “bạn đồng hành tiết kiệm”. Thay vào đó, giờ đây Wen Zhong dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách và dệt vải. Cô còn bán các sản phẩm thủ công tự tay mình làm ra tại một khu chợ địa phương để kiếm thêm tiền.
Quan trọng hơn, theo Wen Zhong, điều này giúp cô hướng tới lối sống tối giản. Đây là yếu tố cô đánh giá cao. Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới. Số liệu chính thức cho thấy, đến cuối năm 2023, các hộ gia đình Trung Quốc có khoảng 138 nghìn tỷ nhân dân tệ trong ngân hàng, tăng gần 14% so với một năm trước đó.
Nhưng giáo sư Lu Xi cho biết mức tiết kiệm cao này có thể là một vấn đề lớn đối với chính phủ Trung Quốc. Thông thường, ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất vì điều đó khiến tiết kiệm kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu mọi người tiếp tục tránh chi tiêu và tiết kiệm tiền, điều đó có thể làm giảm khả năng tác động đến nền kinh tế của ngân hàng trung ương.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Báo Tin Tức
https://cafef.vn/xu-huong-tim-ban-dong-hanh-tiet-kiem-cua-phu-nu-trung-quoc-188240502141519041.chn