Xuất khẩu gạo tăng 4000% trong tháng 8

, ,

Một quốc gia Nam Mỹ bất ngờ gom mạnh gạo Việt Nam, nhập khẩu tăng hơn 4.000% trong 8 tháng

#LTG #TAR #TSC

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 537 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác lại đang tích cực nhập khẩu với mức tăng trưởng đột biến, trong đó phải kể đến quốc gia Nam Mỹ - Chile.

Cụ thể, xuất khẩu gạo Việt sang Chile trong 8 tháng đầu năm đạt 7.123 tấn với kim ngạch đạt 3,3 triệu USD, tăng 4.114% về lượng và tăng hơn 2.708% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 462 USD/tấn, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng tháng 8/2023, nước này nhập khẩu 54 tấn, trị giá 46.092 USD. Trong khi đó, tháng 8/2022, Chile không nhập bất cứ một đơn hàng nào từ Việt Nam. Điều này cho thấy, quốc gia châu Mỹ đang ngày càng quan tâm đến gạo Việt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước hàng đầu như Ấn Độ đang tăng cường cấm xuất khẩu.

Với 7.123 tấn gạo, xuất khẩu gạo sang Chile tăng gấp 27,1 lần so với tổng lượng cả năm 2022. Trong năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang Chile chỉ ở mức rất khiêm tốn. Tổng kết cả năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Chile chỉ đạt 262 tấn, trị giá 192.035 USD. Xét về tỉ trọng, thị trường này chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng sản lượng xuất khẩu của gạo Việt.

Hai nước Việt Nam và Chile có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và cả hai đều là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với lợi thế này, trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của hai nước gia tăng đáng kể. Việt Nam có thế mạnh trong việc xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, nguyên vật liệu cho ngành dệt may…

Thị trường Chile vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam do đây là thị trường mở, thuế nhập khẩu trung bình xếp vào loại trung bình thấp của thế giới, dưới 2%. Dự báo đây sẽ tiếp tục là một thị trường tiềm năng cho hạt gạo Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.