4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 4,84 tỷ USD, tăng trưởng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gỗ thu về gần 4,8 tỷ USD trong 4 tháng. Ảnh: Internet
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên. Điều này thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Với đà tăng trưởng hiện tại, dự báo ngành gỗ sẽ có nhiều triển vọng khả quan trong năm 2024.
Hiện gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành từ 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đạt trên 11,74 tỷ USD, chiếm trên 89,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này giảm từ 12% đến 30% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, chiếm trên 53,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 1,73 tỷ USD, giảm 20,4% so với năm 2022, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản: đạt trên 1,65 tỷ USD, giảm 12,5%, Hàn Quốc: đạt trên 796,81 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2022, EU đạt trên 455,52 triệu USD, giảm 29,5% so với năm 2022.
Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn.
Mặc dù nhiều thuận lợi nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
Theo đó, để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.