Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại, do đó phải đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm và dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, nhờ tận dụng tốt các thông tin cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chủ động, chuẩn bị từ sớm, qua đó ứng phó hiệu quả với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, giảm tác động đến hoạt động xuất khẩu nói chung và nông sản nói riêng.
Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ đã tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đều phải lưu ý tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), càng hội nhập sâu rộng, càng phải nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ luật chơi quốc tế, đặc biệt là với những thị trường có nhiều quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các quy định về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Những nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đều phải lưu ý tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS), để tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm soát, hoặc tăng tần suất kiểm soát ở biên giới, hay nặng hơn là yêu cầu thêm chứng nhận phân tích mẫu khi xuất khẩu.
“Các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp, Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối, tiếp nhận những thông tin thay đổi đầu tiên về xuất khẩu, những thay đổi các quy định từ các đối tác thương mại. Do vậy, SPS thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn để góp ý, khuyến cáo DN cũng như người sản xuất thường xuyên cập nhật, để đáp ứng các quy định của nước xuất khẩu và đối tác về thương mại”- ông Nam cho biết.
Minh Long/VOV1