Bên cạnh khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực
Sáng 13/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.
Ở trong nước, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét những nội dung quan trọng, trong đó đã sửa đổi, thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng. Vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng thông tin, xuất khẩu hàng hóa 4 tháng tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực tăng khá, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng.
Khách quốc tế đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019; du lịch nội địa phát triển, đặc biệt tăng cao ấn tượng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhờ nhiều yếu tố, trong đó có hiệu ứng tích cực từ nhiều tuyến cao tốc được quyết liệt đẩy mạnh xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian qua.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác bảo đảm an toàn giao thông được tăng cường, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là về nồng độ cồn. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được triển khai chủ động, tích cực, đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.
Đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn 6 vấn đề
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng.
Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng 15% trong 4 tháng đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện, quý I/2024 nhập siêu dịch vụ là 2,33 tỷ USD; hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận.
Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch Covid-19.
Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp); cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Thứ ba, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro (tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân toàn hệ thống ngân hàng thương mại cuối tháng 2/2024 là 4,86%).
Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức. Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25 nghìn đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây) trong đó, nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra; việc di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ năm, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại; vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn bộc lộ vướng mắc, bất cập; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính.
Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra.
Một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn tồn tại, hạn chế như mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục; việc huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế...
Thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro, xuất hiện tình trạng lao động xin nghỉ việc hàng loạt do tâm lý e ngại chính sách đối với người lao động thay đổi; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tình hình trật tự an toàn giao thông chưa có nhiều chuyển biến, vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tác động, ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý hiệu quả đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, có độ mở lớn, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, còn có những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, điểm nghẽn tăng năng suất lao động... Công tác dự báo còn hạn chế, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số Bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao.
Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương chưa quyết liệt, nhạy bén, kịp thời, trách nhiệm với nhiệm vụ, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc. Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.