Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đã có nhiều khởi sắc
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản có kết quả kinh doanh quý I/2024 khởi sắc - Ảnh: Đình Đại.
Cụ thể, trong quý đầu năm, Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX ) ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước lên 790 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành thủy sản này tăng 58% so với cùng kỳ, lên 109 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của doanh nghiệp giảm một nửa về mức gần 7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 36% so với cùng kỳ, lên 42 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 111% so với cùng kỳ, lên hơn 19 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CMX ghi nhận đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 8 tỷ đồng trong kỳ là do số lượng và cơ cấu bán hàng, đồng thời nhu cầu thị trường có sự khác biệt về giá cả giữa hai kỳ.
Tương tự, Công ty CP Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL ) mang về hơn 316 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 126,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng cũng tăng 144,4%, lên 276,8 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ tăng 49% so với cùng kỳ, lên 39,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, hầu hết các chi phí của doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng gấp 2 lần, lên 21 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí vật liệu, bao bì và vận chuyển; Chi phí vận chuyển và phí khác tăng từ 3,5 tỷ đồng lên 9,3 tỷ đồng, tương đương tăng 2,6 lần so với cùng kỳ; Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 65% lên gần 11 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí nhân viên.
Kết quả, ACL báo lãi quý I/2024 đạt 2,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh nghiệp hoàn thành 22,5% kế hoạch doanh thu và 3,25% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Kết thúc quý đầu năm, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC ) ghi nhận doanh thu đạt 1.461 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng 47% so với cùng kỳ, lên 1.364 tỷ đồng, khiến lãi gộp của doanh nghiệp chỉ tăng 20% so với cùng kỳ, lên 96 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, tổng sản lượng tiêu thụ của FMC tăng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ thủy sản tăng 27% so với cùng kỳ, lên 4.272 tấn; trong khi đó, tiêu thụ nông sản kém hơn cùng kỳ gần 19%, ghi nhận gần 336 tấn.
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của FMC ghi nhậnđạt 57 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng tăng 14% so với cùng kỳ, lên 50 tỷ đồng.
Năm 2024, FMC đặt ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 2% và 4,9% so với năm trước, đạt 5.187 tỷ đồng và 320 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm hợp nhất là 19.000 tấn, tăng 9,6% và sản lượng tiêu thụ nông sản là 1.400 tấn, tăng 2,5% so với năm trước. Ngoài ra, FMC còn có kế hoạch tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu vào Nhật Bản, giảm xuất khẩu vào Mỹ và từng bước thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Không được may mắn như các doanh nghiệp trên, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UpCOM: MPC ) ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm 34% so với cùng kỳ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng quý I/2024 mới công bố, doanh thu thuần của MPC đạt 1.316 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán trong kỳ tăng thêm 37%, lên mức 1.215 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 7,7% lên 101,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh về còn 37 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 79%, còn 26 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 26%, lên mức 66,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ 4%, đạt mức gần 30 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của MPC ghi nhận sụt giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn gần 25 tỷ đồng. Công ty giải trình nguyên nhân là do công ty mẹ nhận cổ tức từ công ty con giảm so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm - Nguồn: Vasep.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt tổng cộng 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm dù không tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng tháng 4 đạt mức cao nhất từ đầu năm với 285 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành tôm mang về doanh số 971 triệu USD, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Vasep, ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn “phấp phỏng” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp. Hiện nay, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, hy vọng đạt kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thuế CVD được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các doanh nghiệp tôm xuất khẩu Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 4 tăng 13%, đạt 168 triệu USD cũng là tín hiệu đáng mừng sau khi sụt giảm liên tục trong tháng 2 và tháng 3. Trong đó, xuất khẩu khả quan hơn tại thị trường Mỹ, đặc biệt sau khi các doanh nghiệp cá tra tham gia Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ hồi tháng 3, tiếp sau đó là Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha cuối tháng 4.
Ngoài các mặt hàng chủ lực là cá tra phile đông lạnh, Vasep cho biết, các doanh nghiệp có khuynh hướng tăng cường giới thiệu các sản phẩm cá tra chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nhập khẩu cũng như khách tham quan. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4 tăng 28% đạt trên 86 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 301 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các ngành hàng khác, cá ngừ có tăng trưởng ổn định hơn trong cả 4 tháng qua (trừ tháng 2 giảm 11% do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cá ngừ, nhập khẩu của các thị trường tăng trở lại vì tồn kho giảm mà không phải vì thị trường tốt hơn và giá xuất khẩu tốt hơn.
Về thị trường, Vasep cho biết, trong top 5 nước nhập khẩu lớn nhất, chỉ có xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhẹ trong tháng 4, trong khi, xuất khẩu sang EU và Mỹ chỉ ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ, đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông giảm trên 22%.
“Các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên nhập khẩu vẫn có tính thận trọng. Điển hình thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm từ tháng 2, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Thị trường Trung Quốc có nhiều nguồn cung cấp, giá cạnh tranh nên các đối tác Trung Quốc nhiều lựa chọn và tìm cách mua vào với giá thấp”, đại diện Vasep đánh giá.
ĐÌNH ĐẠI
https://diendandoanhnghiep.vn/xuat-khau-tang-truong-doanh-nghiep-nganh-thuy-san-khoi-sac-263324.html