Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2024) đã tăng lên 25.340 tỷ yen (khoảng 163 tỷ USD).
Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2024) đã tăng lên 25.340 tỷ yen (khoảng 163 tỷ USD), tăng 2,8 lần so với một năm trước đó và là mức cao nhất từ trước đến nay, nhờ lợi nhuận kỷ lục từ đầu tư nước ngoài và thâm hụt thương mại giảm mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, thu nhập cơ bản trong tài khóa 2023 đạt 35.530 tỷ yen, tăng 0,6% so với năm trước đó, do giá đồng yen giảm và lãi suất trái phiếu nước ngoài cao hơn giúp doanh thu từ hoạt động tài chính tăng.
Thâm hụt thương mại giảm gần 80% xuống 3.570 tỷ yen nhờ xuất khẩu tăng 2,1% lên 101.870 tỷ yen trong khi nhập khẩu giảm 10,3% xuống 105.440 tỷ yen.
Một yếu tố khác góp phần tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản là du lịch nội địa phục hồi nhờ giá đồng yen giảm mạnh khiến chi phí du lịch và mua sắm ở Nhật Bản rẻ hơn đối với du khách nước ngoài.
Thặng dư du lịch của Nhật Bản tăng gấp 3 lần lên mức cao kỷ lục 4.230 tỷ yen, khi tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên số khách du lịch nước ngoài tăng lên 3 triệu người/tháng. Thặng dư du lịch nghĩa là chi tiêu của du khách nước ngoài đến Nhật Bản cao hơn số tiền chi tiêu của người Nhật Bản ở nước ngoài.
Chỉ riêng trong tháng 3/2024, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này tăng 44% lên 3.400 tỷ yen, mức cao nhất đối với tháng 3 kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1985.
Giá phòng khách sạn tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm qua trong tháng Ba, khi đồng yen rẻ và mùa hoa anh đào nở đã thu hút lượng du khách cao kỷ lục đến với Nhật Bản.
Theo công ty cung cấp thông tin bất động sản toàn cầu CoStar Group, giá phòng khách sạn trung bình trong tháng Ba ở mức khoảng 20.986 yen (136 USD)/đêm, mức cao nhất kể từ tháng 8/1997 và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy cũng tăng lên 78%.
Lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã chạm mức cao kỷ lục 3,1 triệu người trong tháng Ba. Đồng yen đang dao động ở mức thấp nhất 34 năm so với đồng USD, khiến Nhật Bản trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách nước ngoài. Dẫn đầu làn sóng du lịch đến Nhật Bản là du khách từ Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc trong mùa hoa anh đào. Đây là thời điểm thường thu hút nhiều du khách đến với Nhật Bản.
Theo chuyên gia Harumi Taguchi của công ty S&P Global Market Intelligence, một yếu tố khác cũng góp phần khiến giá phòng khách sạn tại Nhật Bản tăng mạnh là tình trạng thiếu lao động. Bà Taguchi cho biết các khách sạn phải tăng giá phòng để có thể hoạt động trong điều kiện tỷ lệ lấp đầy cao mà thiếu hụt lao động. Bà cho biết nhu cầu cao từ du khách quốc tế, và điều này tạo điều kiện để tăng giá phòng.
Đồng yen suy yếu cũng đang thúc đẩy du khách chi tiêu nhiều hơn trong các chuyến du lịch. Du khách nước ngoài đã chi 1.750 tỷ yen trong giai đoạn từ tháng 1-3 năm nay, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu từ Cơ quan du lịch Nhật Bản. Du khách cũng đang tranh thủ mua các loại hàng hoá xa xỉ ở mức giá hấp dẫn.
Bà Taguchi dự đoán nếu nhu cầu từ du khách nước ngoài tiếp tục tăng lên, giá phòng khách sạn có thể cũng vẫn tăng theo, nhưng với đồng yen yếu, thì mức giá đó vẫn rẻ với du khách nước ngoài.
Kết quả khảo sát do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố mới đây cho thấy chỉ số niềm tin của các công ty dịch vụ lớn của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất của hơn 30 năm, làm dấy lên hy vọng nhu cầu trong nước sẽ hỗ trợ đà phục hồi kinh tế mong manh.
Theo kết quả khảo sát Tankan của BoJ, chỉ số niềm tin doanh nghiệp của các công ty dịch vụ lớn cải thiện từ mức +32 trong ba tháng trước đó lên +34 trong tháng 3/2024, tăng nhẹ so với dự đoán +33 của thị trường.
Một quan chức của BoJ cho hay đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1991, khi nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ sau đợt bong bóng bất động sản và hoạt động du lịch trong nước gia tăng, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp tăng sau các đợt tăng giá.
Nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết BoJ dường như vẫn lạc quan về niềm tin doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ. Ông cho rằng BoJ có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay nếu tốc độ tăng lương nhanh.
Khảo sát của Tankan cũng cho thấy chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất lớn tại nước này đã giảm sau 3 quý tăng liên tiếp. Cụ thể là chỉ số niềm tin của các công ty sản xuất lớn ở mức +11 trong tháng 3/2024, thấp hơn so với mức +13 trong tháng 12/2023.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy cả các nhà sản xuất và dịch vụ lớn đều dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong ba tháng tới. Một quan chức của BoJ cho biết một số công ty lo lắng về sự bất ổn kinh tế toàn cầu và triển vọng chi phí lao động tăng cao do thị trường việc làm bị thắt chặt.
Trước đó, số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Du lịch quốc gia của Nhật Bản (JNTO) cho biết, lượng khách du lịch nước ngoài tới Nhật Bản đã phục hồi mạnh mẽ với mức 25,06 triệu lượt người trong năm 2023. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo việc thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch và giải trí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, bao gồm khu vực Kansai, một trong những "thủ phủ du lịch' của Nhật Bản.
Trong khi đó, một khảo sát của khu vực tư nhân công bố ngày 1/5 cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản đã giảm với tốc độ chậm lại trong tháng 4/2024. Khảo sát này cũng cho thấy sức ép lạm phát vẫn lớn, song các doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu thị trường đủ mạnh để cho phép họ tăng chi phí sản xuất.
Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của au Jibun Bank đã tăng từ 48,2 trong tháng 3/2024 lên 49,6 trong tháng 4/2024, nhưng không đạt được mức 49,9 như khảo sát sơ bộ trước đó. Chỉ số này vẫn thấp hơn ngưỡng 50, mốc phân chia giữa tăng trưởng và giảm sản xuất, nhưng đây là mức giảm chậm nhất trong 8 tháng.
Chuyên gia Paul Smith tại công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence cho biết số liệu PMI mới nhất tiếp tục cho thấy bức tranh ảm đạm về hoạt động của lĩnh vực sản xuất Nhật Bản. Tuy vậy, mức tăng nhẹ của chỉ số này cho thấy lĩnh vực sản xuất đang tiến gần đến "sự ổn định trong thời gian ngắn".
Cả sản xuất và lượng đơn đặt hàng mới đều giảm trong 11 tháng liên tiếp tính đến tháng 4/2024, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Khảo sát cho thấy một số công ty đã giảm lượng đơn hàng mới làm ảnh hưởng đến sản xuất, trong khi một số khác lại thích sử dụng hàng dự trữ thay vì tăng sản xuất.
Lượng đơn đặt hàng mới giảm do nhu cầu trì trệ, đặc biệt là đối với ô tô, trong khi đơn hàng xuất khẩu mới giảm do nhu cầu thấp từ các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng do giá cả tăng cao ở nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là kim loại. Cước vận tải và logistics cũng được cho là yếu tố gây ra lạm phát. Khảo sát cho thấy giá đầu vào tăng mạnh hơn là nguyên nhân dẫn đến tăng giá đầu ra. Ông Smith cho hay các doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu thị trường đủ mạnh để cho phép họ tự tăng giá bán.
Mặc dù xu hướng đồng yen yếu giúp thúc đẩy xuất khẩu, song lại đẩy giá nhập khẩu lên, làm tăng thêm áp lực lạm phát và hạn chế chi tiêu của hộ gia đình.
Tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản tăng lương cơ bản đã tăng so với năm tài chính trước đó, đạt 63,1% trong bối cảnh lạm phát cao và tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Một cuộc khảo sát của chính phủ công bố mới đây cho biết con số của năm tài chính 2024 đã tăng 8,8 điểm phần trăm so với mức 54,3% của năm trước.
Điều này chứng tỏ việc tăng lương đã lan rộng trong một diễn biến tích cực đối với BoJ trong bối cảnh ngân hàng này đặt mục tiêu đạt được lạm phát ổn định nhờ tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ.