Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng, báo hiệu nhu cầu phục hồi

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm mạnh trong tháng 3. Đó là dấu hiệu cho thấy sự cải thiện nhu cầu trong nước lẫn ngoài nước. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang giảm giá hàng hóa xuất khẩu để tăng doanh số và giới phân tích nhận định xu hướng giảm giá này sẽ tiếp tục trong những tháng tới.

Nhân viên hải quan kiểm tra hàng hóa chờ xuất khẩu sang châu Âu tại một nhà ga xe lửa ở trung tâm hậu cần quốc tế Trùng Khánh, ở tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Xuất khẩu là điểm sáng khi khủng hoảng bất động sản kéo dài

Theo dữ liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố hôm 9-5, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 4 tăng trưởng hàng năm 1,5%, lên 292,5 tỉ đô la Mỹ, phù hợp với dự báo. Xuất khẩu ô tô, màn hình LCD và thiết bị gia dụng tăng trong tháng trước, trong khi xuất khẩu điện thoại di động giảm nhẹ. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm sâu 7,5% trong tháng 3, đánh dấu tháng suy giảm đầu tiên kể từ tháng 11-2023.

Trong cùng tháng, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 8,4%, vượt xa mức dự báo 4,8% của các nhà kinh tế và đảo ngược mức giảm 1,9% trong tháng 3.

Mỹ vẫn là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nếu xét theo khu vực. Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng 8% trong tháng 4 so với một năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 5%. Dữ liệu cho thấy cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Trung Quốc với Việt Nam đều tăng.

Dữ liệu thương mại mới nhất chỉ ra rằng một loạt biện pháp hỗ trợ chính sách của Bắc Kinh trong những tháng qua đang “ngấm” vào nền kinh tế, giúp ổn định niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng.

“Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm đến nay”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nói và giải thích thêm, nhu cầu trong nước yếu dẫn đến áp lực giảm phát, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quí đầu tiên. Một chuỗi dữ liệu kinh tế vượt dự báo trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 và cuộc khảo sát chủ sở hữu nhà máy trong tháng 3 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua thành công một số thách thức ban đầu. Điều này giúp giới chức trách có thêm thời gian để vực dậy niềm tin mong manh của nhà đầu tư và khôi phục tăng trưởng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng hiện nay có ít dấu hiệu cải thiện, làm dấy lên những lời kêu gọi kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024. Nhưng các nhà phân tích cho rằng mục tiêu tham vọng này khó đạt được nếu không thêm biện pháp kích thích.

Gần đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hạ triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc xuống mức tiêu cực với lý do rủi ro tài chính công tăng lên khi tăng trưởng chậm lại và nợ chính phủ tăng.

Trong cuộc họp tháng trước, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, thông qua điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Trong những ngày qua, nhiều thành phố của Trung Quốc cũng đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế mua nhà ban đầu được áp dụng nhằm kiềm chế bong bóng bất động sản.

Giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc gặp khó khăn trong năm ngoái khi lãi suất tăng cao kìm hãm nhu cầu ở các thị trường nước ngoài. Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nước phát triển khác báo hiệu không vội giảm cắt chi phí vay, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể đối mặt nhiều căng thẳng hơn nữa khi họ cố gắng mở rộng thị phần xuất khẩu.

Theo giới phân tích, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tiếp tục giảm giá để duy trì doanh số bán hàng ở nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.

“Dư thừa công suất ở nhiều ngành công nghiệp sẽ tiếp tục làm giảm giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới”. Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hang Seng Bank China, nhận định.

Bà cho biết thêm, khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để tránh các lệnh trừng phạt tiềm tàng từ Mỹ, Trung Quốc dự kiến tăng xuất khẩu nguyên liệu của các lĩnh vực như hóa chất, vải, phụ tùng ô tô và máy móc.

Căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong báo cáo hồi đầu tháng 5, các nhà phân tích của ngân hàng Nomura cho rằng phần lớn hàng hóa chuyển hướng này có thể vẫn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc các nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở các nước khác.

Zichun Huang, nhà kinh tế của Capital Economics, dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm trong những tháng tới do chi tiêu tiêu dùng giảm ở các nền kinh tế tiên tiến và tác động của giá xuất khẩu thấp giảm dần.

Bà cho biết tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu nhờ hiệu ứng nền tảng so sánh thấp vào cùng kỳ năm ngoái. Nhưng bà dự báo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhờ Bắc Kinh tăng chi tiêu tài khóa hỗ trợ ngành xây dựng, vốn dựa nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Lynn Song, chuyên gia kinh tế của ING Economics, cũng đồng tình với nhận định này. “Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể vẫn ổn định nhưng xuất khẩu sẽ đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn trong những tháng tới. Chúng tôi dự báo thương mại sẽ đóng góp ít hơn cho tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu từ quí 2”, Song viết trong một báo cáo.

Theo Reuters, CNBC, AP

Link gốc

https://thesaigontimes.vn/xuat-nhap-khau-cua-trung-quoc-tang-bao-hieu-nhu-cau-phuc-hoi/