“Bank run” là khi một số lượng lớn khách hàng của một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác rút tiền gửi của họ cùng một lúc vì lo ngại về khả năng thanh toán của ngân hàng. “Bank run” thường là kết quả của sự hoảng loạn hơn là mất khả năng thanh toán thực sự. Tuy nhiên, một vụ “Bank run” do sợ hãi có thể đẩy ngân hàng vào tình trạng mất khả năng thanh toán thực sự.
Thông thường, ngân hàng chỉ dự trữ một lượng nhỏ tiền mặt ở kho cho nhu cầu rút tiền hằng ngày của khách hàng. Tuy nhiên, khi nhu cầu rút tiền tăng cao, các ngân hàng buộc phải thực hiện các biện pháp sau: 1) Tạm đóng cửa; 2) Bán tài sản; 3) Bổ sung thanh khoản từ vay mượn hoặc từ phía NHTW.
“Bank run” đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, kể cả trong cuộc Đại suy thoái và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) được thành lập vào năm 1933 để cố gắng ngăn chặn hoặc giảm thiểu các vụ “bank run” hoặc ít nhất là giảm tác động mà nó mang lại.
Các vụ “Bank run” trong lịch sử:
Washington Mutual (WaMu): WaMu có tài sản khoảng 310 tỷ đô la vào thời điểm phá sản năm 2008, là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ. Sự sụp đổ của nó là do một số yếu tố bao gồm thị trường nhà ở yếu kém và sự mở rộng nhanh chóng. Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi khách hàng rút 16,7 tỷ đô la trong vòng hai tuần. Washington Mutual cuối cùng đã được JPMorgan Chase mua lại với giá 1,9 tỷ USD.
Ngân hàng Wachovia cũng bị đóng cửa sau khi người gửi tiền rút hơn 15 tỷ đô la trong khoảng thời gian hai tuần sau khi Wachovia báo cáo kết quả thu nhập âm. Wachovia cuối cùng đã được Wells Fargo mua lại với giá 15 tỷ USD.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3 năm 2023 là kết quả của việc dùng vốn huy động ngắn hạn mua và nắm giữ tài sản dài hạn là trái phiếu kỳ hạn 10-30 năm. Khách hàng chủ yếu SVB đều tập trung vào nhóm Start up Công nghệ dẫn đến khi nhóm khách hàng này đồng loạt rút tiền, SVB đã bán lỗ các tài sản trái phiếu của mình những vẫn không giải quyết được thanh khoản.
Những vụ sụp đổ như Lehman Brothers, AIG và Bear Stearns không phải là kết quả của việc “Bank run”. Thay vào đó, những vụ sụp đổ này là kết quả của một cuộc khủng hoảng tín dụng và thanh khoản liên quan đến các công cụ phái sinh và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản.
Ở Việt Nam có 2 vụ “Bank run” nổi tiếng là ACB vào 2012 và SCB 2022. ACB sau đó đã xử lý được khủng hoảng trong khi đó SCB đã được NHNN tiếp quản trong yên ổn.