[Chứng khoán nghìn lẻ một phiên] GIA TỘC ROTHCHILD, TÀI CHÍNH VÀ BƯỚC CHÂN VÀO THỊ TRƯỜNG QUA TÀI KHOẢN CỦA…BỐ BẠN

GIA TỘC ROTHCHILD, TÀI CHÍNH VÀ BƯỚC CHÂN VÀO THỊ TRƯỜNG QUA TÀI KHOẢN CỦA…BỐ BẠN

I – Những ngày đầu non trẻ

Có lẽ đến tận lúc này, đại dịch Covid vẫn đang thay đổi và tác động đến cách sống, cách sinh hoạt của rất nhiều người, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Trẻ con lần đầu tiên trải qua những kỳ nghỉ Tết dài… nửa năm, lần đầu ôm di động nhiều giờ đồng hồ mà bố mẹ không mắng vì bọn nó đang hí hoáy học online. Trên thị trường cũng vậy, kể từ giai đoạn 2006-2007 đến nay, thì giai đoạn 2020-2021 là lần thứ hai chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về số nhà đầu tư mở mới tài khoản. Có những thống kê chỉ ra rằng tính riêng trong năm 2021, số tài khoản mở mới bằng tổng số tài khoản của 05 năm liền kề trước đó cộng lại – “một con số thật sự ấn tượng!!” – Tôi trầm ngâm cảm thán. Cùng với tiết trời xuân mát mẻ, ngồi trong căn phòng làm việc tại nhà (do ảnh hưởng của Covid, tôi cũng phải work from home), bên ly cà phê sáng như thường nhật, bỗng đầu óc tôi bay bổng và bồi hồi với sự hồi tưởng về những bước chân đầu tiên trên thị trường.

Đó là vào một ngày hè, khi tôi mới chỉ là cậu nhóc sinh viên Kế toán năm 2, nằm trong căn phòng trọ với diện tích vỏn vẹn chỉ 18m2, kiếm tiền với tôi lúc này nó như một ngọn lửa âm ỉ, lúc nào cũng chực bùng cháy, với tư duy non nớt của cậu nhóc với chớm tuổi 19 đôi mươi, tôi không biết làm thế nào để kiếm tiền, chỉ biết rằng tôi luôn đau đáu việc mình phải kiếm được thật nhiều tiền, phải giàu có. Khi ấy đang độ nghỉ hè, thời gian rảnh khá nhiều, tài sản lớn nhất khi đó với tôi là cái laptop, lướt lát chém gió trên các diễn đàn voz, game4v, v.v. với tôi như thói quen hàng ngày, chắc cũng giống với nhiều thanh niên thời đó. Lướt qua loạt thread về review sách kinh tế, tài chính, tôi bỗng dừng lại tại một topic, thật khác với những lần trước, quyền sách này không nói về kiến thức tài chính hàn lâm, cũng chẳng có những công thức phức tạp, không đề cập gì đến cách làm giàu từ hai bàn tay trắng như những quyển sách tôi vẫn hay thường đọc, mà là một quyển sách mang màu sắc kể chuyện thuần túy – Chiến tranh tiền tệ của tác giả Song Hongbing.

“Bạn nghĩ ai là người giàu có và quyền lực nhất hành tinh? Nếu bạn nghĩ đến Bill Gates thì bạn đã sai rồi đấy”, câu đầu tiên trong bài viết review về sách khiến tôi tò mò và xen lẫn chút hào hứng, tôi nghĩ bụng với khối tài sản khồng lồ của Bill Gates, nếu không phải ông thì chắc quyển sách định viết về ông trùm dầu mỏ John D.Rockefeller đây. Với tất cả sự tò mò, tôi lên google tìm tải quyển sách về đọc thử (chứ tiền đâu mà mua, giá quyển sách lúc đó bằng hơn cả ngày ăn của tôi :D). Nhưng không, tôi đã lầm, ngay ở những trang đầu của chương 1, quyển sách lập tức đề cập đến gia tộc Rothchild, gia tộc giàu xuyên suốt nhiều thế hệ tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Thú thực, đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến cái tên này, thậm chí tôi còn chẳng biết họ làm cái gì, kiếm tiền bằng cách nào nữa, thế là tôi cứ như bị cuốn vào từng trang sách, đọc ngấu nghiến cho đến trang cuối cùng. Cho đến rất lâu kể từ khi đọc xong quyển sách, tôi vẫn nhớ như in và suy nghĩ về nội dung cuốn sách trong đầu. Ngoài việc tài trợ tài chính cho chiến tranh, gia tộc này còn xây dựng lên một đế chế tài chính – ngân hàng khổng lồ, các thế hệ con cháu trong nhà cũng được sớm định hướng tiếp cận con đường học vấn và có hiểu biết chuyên sâu về tài chính, như truyền thống dạy con bao đời của tộc người Do Thái.

Tự thú, thời kỳ đầu mới lên đại học, việc học với tôi chưa được chú trọng, tôi vẫn còn mải bay bổng, chơi bời lắm, nhưng sau khi đọc xong quyển Chiến tranh tiền tệ, bỗng tôi trở nên nghiêm túc hơn với việc học tập và nghiên cứu, đặc biệt là với lĩnh vực tài chính. Như có nguồn cảm hứng bất tận, kết quả học tập của tôi dần tốt lên, tôi cũng chăm đọc them sách về kiến thức tài chính hơn, kiến thức với tôi khi ấy bao nhiêu vẫn không đủ. Cho đến một ngày định mệnh, khao khát kiếm tiền của tôi vốn âm ỉ nay có dịp bùng cháy hơn bao giờ hết, “cái trí của anh mà không giúp anh kiếm ra tiền, thì cũng chỉ là trí nhớ”, thật vậy, câu nói của ông Lý Quang Diệu thôi thúc tôi phải làm gì đó để kiếm tiền, chứ không thể chỉ dừng lại ở việc học không thế này được.

II – Những bước chân đầu tiên chập chững vào thị trường

Thời đó, những khái niệm thời thượng , sang chảnh bây giờ như tài chính cá nhân hay tự do tài chính còn chưa quá phổ biến, thị trường tài chính, đầu tư chứng khoán với đa phần người dân Việt Nam còn rất mới mẻ. Nói không ngoa việc học trên trường, cùng với đọc sách tài chính dẫn tôi đến khái niệm đầu tư chứng khoán. Thông qua vài bước tìm hiểu cơ bản, tôi bị thu hút, chỉ cần trên 18 tuổi, có chứng minh nhân dân, không kể học vấn, giới tính đều có thể tham gia đầu tư và kiếm tiền, đây chẳng phải thứ mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay sao? Với việc học toàn thời gian trên trường, tôi không có nhiều lựa chọn để kiếm tiền, nếu đi làm thêm thì chi phí cơ hội cũng rất lớn, tôi phải đánh đổi bằng thời gian tự học và vui chơi của mình với chúng bạn, thị trường chứng khoán khi ấy với tôi như một sự bổ khuyết hoàn hảo, là nơi mình có thể vận dụng những kiến thức tài chính đã học, bỏ tiền vào, không cần quá nhiều thời gian lao động, vẫn có thể kiếm ra tiền, còn gì tuyệt vời hơn?

Không chần chừ, ngay sau đó tôi liền tìm hiểu về cách tạo tài khoản, nhưng than ôi, một tràng giang đại hải các bước, nào viết hồ sơ, nào photo đủ thứ giấy tờ cá nhân, rồi đến trụ sở công ty chứng khoán ký tá các kiểu. Mang theo sự lười biếng ấy theo mình, tôi kể cho thằng bạn về việc đâu tư chứng khoán, dù thằng bạn tôi là một đứa học chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, và có biết về thị trường chứng khoán do bố nó một thời cũng đầu tư và chỉ cho nó, nhưng nó lại chả mấy hứng thú với thị trường, nó cho rằng chỉ những chuyên gia tài chính mới đầu tư được trên thị trường chứng khoán, chứ sinh viên tôm tép như bọn tôi khi ấy tham gia chỉ cúng tiền cho thiên hạ thôi.

Nghe thằng bạn nói vậy, thật lòng tôi cũng có chút chột dạ, vì ít nhiều nó cũng là con nhà nòi, biết đến thị trường từ sớm, chắc nó nói không sai đâu, nên tôi cũng “chùn”, hoãn binh suy nghĩ them đã. Tối đó về nhà, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi cứ miên man tự vấn vậy nếu không tham gia đầu tư chứng khoán tôi còn con đường nào để kiếm tiền nữa đây? Thật sự tôi không có quá nhiều sự lựa chọn, lại không muốn tốn thời gian đi làm thêm, thật không còn cách nào khác ngoài lao mình vào thị trường. Nghĩ đoạn tôi bật dậy, lại với lấy cái laptop cũ kỹ điên cuồng search về chứng khoán, lúc bấy giờ không có nhiều khóa học chứng khoán f0 mọc lên như nấm như bây giờ, mà học phí với tôi cũng không phải là rẻ, tôi chỉ là tỷ phú thời gian thôi, nên tôi muốn tự mày mò tìm hiểu. Và có lẽ, bất cứ ai lúc mới đầu tìm hiểu học về đầu tư chứng khoán cũng sẽ được chỉ điểm đến hai quyển sách huyền thoại “Nhà đầu tư thông minh” và “Phân tích chứng khoán” của Benjamin Graham với những lời tán thưởng có cánh từ ông Warrent Buffett. Đương nhiên tôi cũng không phải ngoại lệ, “ừ thì lại tải sách về máy tính đọc thử xem sao”.

Với vốn kiến thức non trẻ về tài chính của tôi khi ấy, hai quyển sách này thực sự vẫn rất nặng, vì không chỉ với sự đồ sộ về kiến thức, chúng còn bổ sung cho tôi về tư duy đầu tư. Tôi nhớ khi ấy tôi mất gần 3 tháng để đọc xong 2 quyển này, mặc dù vậy tôi nghĩ lúc đó tôi cũng không hoàn toàn ‘’thấm’’ hết những gì quyển sách nói, nhưng không sao, sau này có thể đọc lại lần 2, lần 3 cũng được. Nhưng điều tuyệt vời nhất với tôi khi ấy không phải là kiến thức tài chính, mà 2 quyển sách này thực sự như chiếc búa của thần Thor giúp tôi đập nát định kiến thị trường chứng khoán chỉ dành cho những chuyên gia tài chính, mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia và kiếm tiền từ đó. Với niềm hy vọng mới được thắp lại đó, tôi lại rủ thằng bạn ngồi cà phê vào sáng một ngày thứ 7 nọ, tôi nói với nó dõng dạc rằng tôi muốn tham gia đầu tư chứng khoán, rằng tôi cũng có thể đầu tư kiếm lời như bao chuyên gia tài chính khác. Đáp lại quyết tâm trời biển và ánh mắt long lanh đầy sự tự tin của tôi lúc ấy, nó đáp lại bằng một trận cười sặc sụa. Nhưng vốn đã quá hiểu tính nhau, nó hiểu tôi là một đứa lì lợm, khi tôi đã muốn điều gì đó, thì chẳng có ai có thể ngăn cản được.

“Thôi thì chỗ bạn bè, tao cũng chả giúp gì được mày, nhưng coi như để tao tiễn mày một đoạn, chuyện là bố tao cũng đầu tư chứng khoán, ổng có 2-3 tài khoản và có vứt cho tao một tài khoản nhưng tao không dùng đến, nếu mày muốn thì có thể dùng tài khoản ấy mà đầu tư, đỡ phải tao tài khoản mới lằng nhằng”, cậu bạn tôi bộc bạch.

“Chơi luôn”, tôi quả quyết!

Và sau đó là lịch sử, tôi bước vào thị trường với tài khoản đứng tên… bố thằng bạn, mà mãi sau này giai đoạn 2021 bùng nổ thị trường chứng khoán nó mới bọc bạch bắt đầu muốn tập tành đầu tư, sau rất nhiều năm, thế là tôi lại thửa lại cho nó cái tài khoản đã gắn bó với biết bao kỷ niệm và cảm xúc đầu đời với thị trường và chính thức tạo cho mình riêng một tài khoản. Nhưng thời thế lúc này đã khác đi rất nhiều so với lúc trước, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ số KYC, tôi đã có ngay cho mình một tài khoản chính chủ chỉ sau…5 phút. Kỳ diệu thật, thế mà đã có lúc tôi từng phải phát ngán khi đọc thủ tục mở một tài khoản chứng khoán đấy :smiley:

Câu chuyện đến đây có lẽ cũng đã hơi dài dòng rồi nên tôi cũng sẽ dừng lại, nếu anh em ủng hộ và thấy hay, muốn tôi kể thêm về những ngày đầu mày mọ tự đầu tư, những bài học và kinh nghiệm xương máu thì tôi để dành cho phần sau vậy :smiley:

Tác giả: @BenjaminGraham Theo dõi & tương tác bài viết trên fanpage F247 tại Link này

8 Likes

Ôi cuối cùng bài viết cũng lên sóng :)) tưởng mất tích luôn rùi chứ

2 Likes

Sau 16 năm bôn ba chìm nổi giờ tôi chỉ có kiếm đc tiền từ chứng khoán chứ ít khi thị trường thịt được của tôi lắm

2 Likes

Tuyệt vời quá, chúc mừng bác, có cái nguyên tắc vui là 90-90-90 tức là trong 90 ngày đầu sẽ có 90% số nhà đầu tư mất 90% tài khoản :smiley: nhưng theo exp của tôi thì thường là 6 tháng-1 năm, những người nào liên tục trau dồi kiến thức, trải nghiệm trên thị trường và tồn tại liên tục quá 1 năm k bị đào thải thì từ mốc đó trở đi thị trường sẽ đi theo họ trở thành cái mỏ vàng đến mãi sau này ^^

2 Likes

Đang đọc thì hết hơi , bác viết tiếp đi

1 Likes

Đúng là bước chân càng sớm càng tốt nhể bác … câu chuyện của bác giống oánh ck bây giờ ghê … đại loại như ng ta hay nói cái gì rõ ràng nhất thì ko đến phần mình … đến b h ng ta vẫn quan niệm đầu tư ck như một chò chơi cờ bạc mà ko hiểu nó là cả một quá trình học tập … ngay cả dân tài chính chưa chắc đã rành hết có chăng là lợi thế … ví dụ chẳng hiểu tại sao chính trị chiến tranh văn hoá lại liên quan đến ck hay dịch bệnh … bla bla các vấn đề ko tưởng mà nó lại ảnh hưởng đến ck… ví ck nó là tinh hoa tri thức nhân loại có khi hơi quá nhưng thực tế nó vậy …

Còn chuyện có tiền mua theo một đội nhóm một chào mời hay nhiều ng còn ủy thác tiền cho ng khác … lại còn chán nữa có thể những ng này họ ko quan tâm đến xiềng chăng?

Đến tận nay ng ta vẫn mơ hồ về ck nhắc đến ck là nhiều ông bĩu môi nhưng nhắc đến đất đai thì có vẻ hoành tráng Âu cũng là cái nét văn hoá ng việt …. Gà em đi uống Cafe với thằng bạn hỏi mày dịch mày làm gì em nói luôn tau ngồi trade ck nói xong nó còn cái giọng ồ rồi đá đểu chắc đại gia, cái kiểu đá đểu nhưng em biết là nó chẳng hiểu mẹ gì về ck nên thôi đôi co với đứa chẳng biết gì nhưng tỏ ra nguy hiểm ko khác gì mình là thằng ngu hơn nó … câu chuyện về ck của em đấy bác thật buồn khi họ ko nghĩ rằng ck thật sự là rất nghiêm túc và tốn rất nhiều thời gian công sức chứ ko phải trò chơi … còn gà em nghĩ nó là một nghề nghiêm túc …

Năm vừa rồi em lãi cũng ko nhiều so với những bác ở trên f247 hay F3x9 nhưng đối với em như vậy cũng là tốt với mình xứng đáng với công sức mình bỏ ra … đấy ck khoán vẫn sinh lời như đất đai vẫn mang dòng tiền tốt cho mình thậm trí là một nghề …

Gà em sau bao năm cũng say mê tìm kiếm tìm hiểu và bắt đầu khoái đang có ý định … sách bị đi theo mấy bác trên này luôn gà em bỏ nghề nhặt rác …

:smiley:

Haha à quên gà em chỉ thằng nhặt rác mới học chữ nên hay đọc nhiều mấy cái hiểu biết đấy ăn cắp được đấy … chém gió ấy mà

2 Likes

Ok bác, tại đột nhiên cảm xúc ùa về nhớ lại thời chập chững bước chân vào thị trường nên tay cứ gõ tuôn ra, chứ nhiều khi chẳng cần nghĩ, nếu bác thấy thú vị thì khi nào rảnh rảnh tôi lại viết tiếp :smiley:

1 Likes

Chứng khoán VN giờ mới lèo lèo 3-4% dân số tham gia đầu tư nên nó vậy bác ạ, thời nhiều năm về trước tôi tham gia đầu tư chứng khoán gần như ai cũng nhìn mình như kiểu giáo sư, phân tích tài chính vĩ mô bla bla này nọ, nhưng thật ra nó có cao siêu gì đâu, cũng chỉ là một kênh đầu tư sinh lời, không thì chí ít cũng không để tài sản của mình nằm yên mất giá trị thôi bác nhỉ :smiley: tôi mơ về ngày VN có khoảng 60-80% dân số tham gia thị trường thì chắc nền kinh tế VN sẽ rất phát triển, chứng khoán sẽ trở thành một kênh huy động vốn vô tận cho doanh nghiệp, người dân cũng có một kênh để làm giàu rất tiềm năng ^^

2 Likes

Đúng thế bác … nhiều ng nghĩ cao siêu, rồi sợ nhất là cái kiểu dè bỉu cơ bạc nhìn ae ck sĩ như mấy thằng cờ bạc … mà ko hiểu nó là nơi giữ tài sản đỡ mất giá … :grinning:

Thâm trí làm giàu x lần ấy chứ thua kém gì đất đai … gà em ko phải broker nên nói về ck là đam mê thôi … :grinning:

Nhìn năm 2021 ae nhỏ lẻ cân hết pht của các dn mà tưởng xem 80% dân số góp vốn cùng dn thì kinh tế ôi như vũ bão … nó mang lại cơ hội cho rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, ndt … làm giàu ck cũng là điều bình thường ai bảo ko làm giàu từ ck … gà em thấy năm rồi nhiều bác triệu Phú đô La bên F3x9 có bác từ 700 tt lên 7tr $ trong vòng hai năm … bác gì mua Cii đấy có post tk lên f … :grinning:

1 Likes

Đúng rồi bác ạ, thực ra năm 2021 cũng là năm mà cơ số ông bạn của tôi mới tham gia thị trường, và cho đến khi học về cách đầu tư và trực tiếp tham gia đầu tư rồi bọn nó mới thấy hóa ra thị trường này cũng chả có gì cao siêu, cũng chả phải cái sòng bạc mình không thể thắng dc nhà cái như bọn nó hay tưởng, và việc làm giàu từ thị trường này cũng là hoàn toàn bình thường, kể cả việc trở thành tỷ phú sau 1-2 tuần cũng có nếu đủ may mắn, còn không vẫn có thể làm giàu bền vững qua năm tháng :smiley:

3 Likes

bài viết hay lắm, tks tác giả

1 Likes

Thanks bác đã ủng hộ :smiley:

1 Likes

Chờ những bài tiếp theo của bác ^^

Hóng bài viết tiếp của bạn!
Cảm ơn bạn đã chia sẻ!