Trong các lý do thua lỗ thì có một nguyên nhân được các nhà đầu tư ở Việt Nam xếp là tệ hại nhất, đó là “ham gà rù”, hay như mấy tay mê phim hành động Mỹ gọi là “đặt táo trên đầu”. Vâng, tôi đã từng đặt táo trên đầu như vậy, tự cầm “mấy quả táo thua lỗ” rồi tự trói mình vào, để mặc tiền của mình trôi theo dòng nước.
“Gà rù” là chỉ các cổ phiếu của công ty vốn hóa ở mức trung bình, nhưng giao dịch vẫn không quá thấp. Các doanh nghiệp này xuất hiện trên tất cả các sàn niêm yết HNX, HOSE, UPCOM và thường chẳng ai dại mà dây vào, vì tính mạo hiểm cao do không có nhiều thông tin chuẩn, hoặc thông tin khá mơ hồ, nhiều khi loạn chẳng biết đâu mà lần.
Vậy mà có nhà đầu tư liều lĩnh nghĩ ra chiến lược đánh vào mấy con “gà rù” này. Người đó có vẻ như đã kiếm nhiều từ việc đầu tư mạo hiểm, mua các cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn không tốt, thua lỗ liên tục, và ôm số cổ phiếu đó một thời gian. Đến khi cảm thấy “có mùi” đánh lên, anh ta đã bán hết số cổ phiếu nhỏ đó và thu lãi. Lý thuyết đó nghe có vẻ vô lý vì, nhưng thực sự tôi biết đã có người kiếm được lãi bằng cách này, vì số lượng họ mua rất nhỏ, chỉ tầm vài ngàn cổ phiếu nên vẫn bán được.
Biết là kiếm lãi kiểu đó quá mạo hiểm nên tôi chủ trương không dại gì dây vào bọn “gà rù” đó. Nhưng có một lần sự việc diễn ra ngay trước mắt khiến tôi cảm thấy thú vị và muốn tìm hiểu thêm về cách đầu tư mạo hiểm này. Một ông anh có thâm niên chơi chứng khoán đã theo đuổi con đường này và kiếm lãi liên tục. Chiến thuật của anh ta là đánh vào mấy cổ “mơ hồ”, kín tiếng nhưng vấn có thanh khoản khá, tức là giao dịch tầm vài trăm ngàn cổ phiếu mỗi ngày. Dù có lỗ thì vẫn cắt được an toàn, đó là lý do để chơi theo cách này. Anh ta lý giải rằng, chơi mấy con “gà rù” này có lợi thế là không bị chú ý quá nhiều, mà dù có được phím thì cũng ít ai dám nhảy vào ào ạt. “Chú nghĩ mà xem, anh đâu có dại mà mua bừa bọn thua lỗ. Anh phải nát óc soi bọn nó cả đấy”. Theo cao thủ này, phải đi sâu tìm hiểu xem lý do tại sao mấy công ty đó thua lỗ như vậy. Nếu doanh nghiệp vẫn sản xuất kinh doanh ổn định, tổ chức ổn định, điều hành ổn định, công nghệ vẫn tốt và thua lỗ vì lý do khách quan thì cổ phiếu đó không hẳn là xấu. Phi vụ ăn hơn 30% lãi của “người nuôi gà rù” (biệt danh của tay chơi đó) đã khiến tôi thích thú và phấn khích, đi sâu tìm hiểu cách chơi mới mẻ mày.
Sau vài ngày nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng cách ôm “gà rù” là hoàn toàn khả thi, lại không cần đổ nhiều vốn vào, vì mấy ngàn cổ ở mức giá tầm chục ngàn cũng chỉ rất ít tiền. Mức lãi tuy hơi “cò con” nhưng nếu nghiên cứu chơi vài mã như vậy cũng là một nguồn thu đáng kể. Vậy là tôi tìm ra được 2 cổ phiếu có vẻ không quá tệ trong số đám “gà rù” và dùng 10% tiền để mạo hiểm, tuy chỉ vài trăm triệu nhưng tôi nghĩ nếu lãi thì chứng mình được mình đã đi đúng hướng, còn nếu lỗ cũng chẳng thiệt hại gì nhiều.
Đúng là tôi lãi thật. chỉ lãi hơn một ngàn đồng một cổ phiếu nhưng cũng đã hơn 10% rồi. Tôi càng có nhiều cơ sở để đi theo hướng mạo hiểm này, bởi chơi an toàn thì cũng lỗ, sao không thử mạo hiểm hơn một chút? Tôi càng củng cố thêm suy nghĩ đó mà không biết mình đã rơi vào một cái bẫy nguy hiểm khi cứ cố mạo hiểm với chính tiền của mình mà không cần biết những nguy cơ nào đang rình rập.
Rõ ràng, việc tôi thành công với 2 cổ phiếu kia phần lớn là do may mắn chứ không phải do “chiến lược” hay “nghiên cứu”. Thị trường Việt Nam không dễ ăn như vây, đó là sai lầm vô cùng cay đắng của một chú ngựa non háu đá. Sau lần thu lãi vài chục triệu, tôi quyết định làm cú to hơn, bỏ tiền gấp mười lần lúc đầu để chơi mạo hiểm mấy con “gà rù” khác. Lần này, tôi rất tự tin vì đã “nghiên cứu” khá kỹ công ty kia, chúng có vẻ hào nhoáng nhưng thật ra ít người nói rằng chúng tốt và ổn định. Nhưng tôi đâu biết đó là cái bẫy, vẻ bề ngoài không thể nói lên được bất ổn bên trong ra sao. Và tôi đã mất tiền, liều ăn nhiều nhưng thua thì cũng rất đau, tôi mất hoàn toàn số tiền kia, và ôm về một mớ cổ phiếu mà không thể chạy được. Sau vài phiên sàn, cổ phiếu tôi mua lâm vào tình trạng chết do không có giao dịch, tôi đã không thể chạy được trong khi giá luôn sàn và giảm.
Thị trường năm 2017 khá điên đảo, VN-INDEX lên cao, sự kỳ vọng và lạc quan tràn ngập khắp nơi, từ sàn giao dịch đến quán café. Trên các diễn đàn mạng, không khí hồ hởi, hào hứng dường như lấn át hết bè lũ “chim lợn” ít ỏi. Một hôm, bỗng rộ lên tin tốt về họ FLC, rằng chúng sẽ được đánh lên đồng loạt. Tôi cố tìm hiểu xem mức độ đánh lên sẽ như thế nào và chỉ nhận được thông tin “lên cao lắm, gấp đôi không biết chừng”.
Nếu đó là thời điểm thị trường xuống thấp thì tôi sẽ không vội tin ngay vào những tin tức như thế này, nhưng đó là lúc thị trường tràn ngập sự lạc quan và tin tưởng sẽ còn tăng nữa. Hơn nữa nguồn tin cũng đến từ các cao thủ, họ là người cẩn trọng nên sẽ không có chuyện phím bừa. Và tôi đã quyết tâm mua mấy con gà rù này dù biết chúng cũng không quá tốt. Tôi đã “xúc” luôn hai cổ phiếu ROS và HAI trong lúc vội vã và không tính toán cẩn thận. Cũng chỉ bởi ý nghĩ “thị trường này thì đánh gì cũng thắng thôi”. Đó là suy nghĩ hết sức sai lầm ở thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi biết vậy nhưng vì quá tin vào nguồn tin được cung cấp mà đã bỏ qua nghi ngờ đó.
Đúng là tôi đã thua thật. Dù cắn răng cắt lỗ giá thấp nhưng số lỗ tai hại tôi mất đã hơn 30%. Số tiền bốc hơi đó là một đòn chí mạng vào tôi, bởi sau đó dù có nghiên cứu ra được một cổ phiếu tốt thực sự tôi lại không có quá nhiều tiền để mua, và y như rằng cổ phiếu kia đã lên mạnh.
Sai lầm của tôi ở đây do nhiều nguyên nhân, đáng buồn là tôi đã biết, hoặc đoán ra nguy cơ đó nhưng vẫn bỏ qua và mua theo người khác
Lần mất tiền này quả thật quá đau, chỉ vì “nhàn cư vi bất thiện”, muốn “đú đởn” theo mấy tay liều lĩnh để cho ngầu, cuối cùng lại thất bại. Vẫn biết thị trường là nơi có thể thử mạo hiểm, nhưng mạo hiểm quá rồi mất tiền thì tin rằng chẳng ai muốn.
Tác giả: @huyenthoaiL
Xem bài viết trên Fanpage F247 tại link này