[Chứng khoán nghìn lẻ một phiên] Media và những điều có thể bạn chưa biết

Xin tự giới thiệu với cộng đồng F247, tôi vừa là một NĐT, vừa làm công việc mảng truyền thông marketing. Trong thời gian vừa qua, tôi có nghe và đọc nhiều bài viết, nhiều comment trên diễn đàn liên quan đến thông tin trên các kênh truyền thông hiện nay.
Tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trước khi làm sâu về truyền thông marketing, tôi cũng rất ngây thơ khi đọc báo hoặc tiếp nhận thông tin trên truyền hình, hay các kênh mà mình cho là uy tín. Thế nhưng cứ phải làm trong nghề thì mới hiểu và được tiếp cận những điều mà không phải ai cũng tường tận được. Và truyền thông trong lĩnh vực Tài chính- Chứng khoán là một phần như vậy.

Có một số comment của một vài bạn khá đúng “bây giờ phải dùng não để đọc tin tức, chứ không phải đọc tin tức để tốt cho não như trước đây”. Thời thế loạn nhiễu thông tin như bây giờ, thật thật giả giả lẫn lộn, đâu là cách để bạn xác định được đó là thông tin chính xác, hay đó là nguồn đáng tin cậy? Bởi ngay trong chính những người làm trong ngành của chúng tôi cũng rất khó để có thể phân định được điều đó. Thế nhưng, tôi sẽ tiết lộ cho mọi người những điều sau để các bạn một phần nào hiểu được “mọi chuyện không hề đơn thuần trong truyền thông tài chính- chứng khoán” hay thông tin mà bạn tiếp nhận, bao nhiêu phần là sự thật, bao phần giả dối, dù khó vẫn có cách tìm hiểu.

Đầu tiên, về năng lực của người làm báo: tôi lấy ví dụ đó là tờ báo ABC nào đó. Bạn có biết đội ngũ của họ là những người như thế nào không? là những chuyên gia kỳ cựu, phóng viên có kinh nghiệm, có năng lực viết bài, phân tích chuyên sâu hay chỉ là những cô bé cậu chàng mới tốt nghiệp, vừa mới ra trường đi lấy tin bài, xào nấu từ báo này qua báo nọ núp dưới cái tên của một tờ báo uy tín. Tôi có đến toà soạn báo của một chuyên trang báo nổi tiếng trong giới chứng khoán, nhưng số lượng nhân sự cũng như trình độ chuyên môn thì thuộc hàng trẻ, không có nhiều kinh nghiệm và năng lực phân tích thì cũng hạn chế, và rồi đó cũng chính là những tin tức các bạn đọc hàng ngày, được báo này báo nọ xào nấu của nhau cả thôi. Rồi họ sẽ phỏng vấn ai, người đó có tiếng nói như thế nào, mục đích của người được phỏng vấn có khách quan không hay có ý định điều hướng người đọc, người nghe sang điều họ muốn. Muốn cùng nhau dìm một cổ phiếu, một nhóm ngành, dùng đồng thời các kênh media, phủ đầy mặt báo quen thuộc với Nhà đầu tư thì quá dễ dàng với những người có tiền. Các bạn có biết để lên báo bạn chỉ cần tốn từ mấy triệu đến mấy chục triệu, nếu cầu kỳ hơn là trăm triệu để có những khung hình đẹp, ngôn từ bay bổng, có cánh hay những bài viết nâng hình ảnh của một doanh nghiệp, một chủ tịch, hay bất cứ cái gì họ - những người sẵn sàng chi tiền muốn thể hiện. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tờ báo làm việc có tâm, có uy tín và đưa nội dung phân tích có chiều sâu cho nhà đầu tư.

Thực chất, trong thời đại thông tin như bây giờ, điều này không có gì là sai các bạn nhé. Đó chỉ là một cách thức đưa thông tin đến đối tượng mục tiêu- chính là nhà đầu tư. Còn việc của bạn, là phải lọc tin.

Liên quan đến chứng khoán, mọi người có thể lưu ý: Đưa tin này có lợi cho ai ? Tại sao lại ra vào thời điểm này? Với thông tin này thì mình cần phản ứng như thế nào? Đừng vội thấy một tin hot rồi đua nhau fomo mua giá trần, đặt mình vào thế “đu đỉnh” và kết cục là sợ hãi “bán đáy” vì chạy theo tin tức báo chí, tin phím hàng. Hãy nhớ rằng, khi chạy theo tin là bạn đã lỡ một hoặc nhiều nhịp trước đó rồi. Đừng đặt mình vào “vị thế nguy hiểm của một người đến sau”.

Truyền thông báo chí cũng chỉ là công cụ, mà đã là công cụ thì ắt có người sử dụng công cụ để đạt mục đích của mình. Thời nay, khi đọc báo, khi nghe tin tức, hãy đặt mình vào vị thế của một người luôn tự vấn về tính chính xác của tin tức, tự tìm hiểu để xác thực nếu bạn thực sự quan tâm. Đừng nghe nhà báo này nói A thì tin nó chắc chắn là A và đi trích dẫn và chia sẻ nó cho bạn bè người thân xung quanh. Trong ngành chúng tôi mọi người hay nói đến cụm “định hướng thị trường”, “định hướng dư luận”… vậy thì bạn sẽ bị định hướng trong nhóm đó không, tuỳ thuộc năng lực phân tích và tư duy của bạn khi đọc báo, tiếp nhận thông tin trên các kênh truyền thông.

Điều tiếp theo đó là khả năng nhìn nhận vấn đề một cách tổng quan và khách quan khi tiếp nhận thông tin:
Tôi lấy ví dụ 1 trường hợp điển hình mà chắc hẳn những NĐT tại Việt Nam thời gian vừa qua đã rất quen thuộc với một NĐT, tôi gọi tắt là anh A với “khẩu vị” là cổ phiếu Bất động sản. Theo dõi anh ấy một thời gian, tôi nhận ra một điều, những cái thể hiện ra gai góc lại hoá ngược lại. Còn những kẻ cho là mình có học vấn, có kinh nghiệm hơn người lại có những hành động, thái độ đi ngược với những điều họ thể hiện. Bạn có biết những thứ “thô mà thật” nó thường khó nhận ra hơn so với những thứ “màu mè che lấp bản chất lươn lẹo, xấu xa” khi bị đụng đến lợi ích cá nhân. Và anh A dưới góc nhìn của số đông, của truyền thông thì đó là một người “lái” cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu đến mức các NĐT phải sững sờ trầm trồ, và rồi giai đoạn cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, cổ phiếu ngành BĐS bị media dập tơi tả mặc cho NĐT ôm cổ BĐS vẫn khí thế hừng hực. Những mặt trái ở đây là gì? bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các tờ báo đồng thời đưa tin xấu về cổ phiếu BĐS không? Dẫn chứng họ đưa ra liệu có hợp lý không? để có được điều này thì chính bản thân bạn phải hiểu thế nào là hợp lý, thế nào là bất hợp lý. Tức tự mình phải trau dồi năng lực này trước khi tiếp nhận thông tin.

Rồi thì tại sao cứ phải đưa hoa hậu, người đẹp lên mặt báo, lên truyền hình để nhắc cụ thể về một mã chứng khoán. “Phím hàng” xong thì cổ phiếu tím trần, vậy đó là do sức ảnh hưởng to lơn của các cô ấy hay là đã có một kế hoạch đằng sau và họ chỉ cần một lý do, một thời điểm để thực hiện? Bạn hãy tự trả lời xem.

Vậy làm cách nào để một người chưa có kiến thức kinh nghiệm, là NĐT F0, một tấm chiếu mới 100% có thể nhận biết được sự đúng - sai đó? Tôi nghĩ chỉ đơn giản là bạn hãy học cho mình cách quan sát: quan sát vấn đề đến từ đâu? nguyên nhân gì dẫn đến điều đó? gốc gác của mọi vấn đề đều có, chỉ là bạn có muốn tìm hiểu hay không. Nói ngắn gọn là hãy đặt câu hỏi “tại sao” một cách thường xuyên nhất để bảo vệ bản thân trước quá nhiều luồng thông tin như hiện nay.

Có một đặc điểm khác giữa media trong tài chính- chứng khoán so với media trong lĩnh vực khác, đó là sự “nhạy cảm” , “nghi ngờ” vô cùng cao. Bất cứ thông tin nào ra đều dễ bị cho là “lùa gà, úp bô”. Người ta gọi đó là sự nghi ngờ thái quá, nên nhớ, việc đưa thông tin là của họ, việc đưa ra quyết định đầu tư là việc của mình. Đừng đổ lỗi cho bất cứ ai về quyết định đầu tư của mình.

Tôi còn biết nhiều chiêu trò trong hoạt động truyền thông mảng tài chính, chứng khoán nhưng có lẽ không tiện để nói hết tất cả ở đây.
Chúc bạn luôn sáng suốt trước mọi lựa chọn của mình!

Tác giả: xin phép BQT ẩn danh
Xem bài viết trên Fanpage F247 tại link này

“bây giờ phải dùng não để đọc tin tức, chứ không phải đọc tin tức để tốt cho não như trước đây” (1)

19 Likes

Bài rất hay!

Tôi từ xưa đến giờ cũng hay nói, lúc các bạn hô hào bán thì tôi mua, còn khi người ta xô nhau mua thì tôi bán. Là để dằn lòng tránh bị dẫn dắt bởi truyền thông bẩn và chiêu trò media như bác nói đấy.

Cứ như A7 tuy thô nhưng thật.

Hay…

Bài viết hay, đáng để đọc và suy ngẫm, hành động theo tin là bạn đã chậm. Truyền thông bẩn ngập tràn.

Hay phết , ông này chắc làm trong ngành quá

Mặc dù vậy thì tôi chỉ là F0, trình độ còn kém. Chưa đủ trình mổ xẻ 1 báo cáo tài chính. Nhưng cách chơi của tôi là tôi chỉ nhìn vào đồ thị vì theo tôi mọi thứ được thể hiện trên đấy cả rồi. Tin tức chỉ để giải thích tại sao sau khi một cổ nào đấy đã tăng hay đã giảm.

tôi f0 nhưng cũng nghĩ cái gì ngon mà lên báo là còn cái nịt ,nên nghe media chỉ để biết thôi add ,

hay quá, bác cũng làm báo ạ?