Chứng sỹ săn tin!

G7 không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, Nga nói không bán khí đốt, rồi sẽ ra sao?

TTO - Ngày 28-3, Điện Kremlin ‘nói thẳng’ với phương Tây ‘không trả tiền thì không có khí đốt’ sau khi nhóm G7 bác yêu cầu của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp. Sự bất đồng này có nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Nhóm G7 tuyên bố việc thanh toán khí đốt nhập từ Nga bằng đồng rúp là “không thể chấp nhận”. Nhưng thực tế cho thấy để giải quyết vấn đề năng lượng, châu Âu không thể chỉ dùng những tuyên bố như vậy.

Không có gì là miễn phí

“Tất cả bộ trưởng năng lượng G7 nhất trí đây là sự vi phạm đơn phương và rõ ràng các thỏa thuận hiện tại… Chúng tôi kêu gọi tất cả công ty liên quan không tuân theo đòi hỏi của (Tổng thống Nga) Vladimir Putin”, Bộ trưởng Kinh tế Đức, nước đang giữ chức chủ tịch G7, Robert Habeck, nói ngày 28-3.

Trước đó, Pháp cũng nói sẽ không thực hiện yêu cầu của Nga.

Tuần trước, Moscow yêu cầu các nước “không thân thiện” phải trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp nhằm đáp lại các trừng phạt của Mỹ và đồng minh đang khiến kinh tế và đồng rúp của Nga bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngân hàng trung ương, chính phủ và Công ty Gazprom - nhà cung cấp đến 40% khí đốt nhập khẩu của châu Âu - sẽ trình các đề xuất về cơ chế chi trả mới lên ông Putin trước ngày 31-3.

“Chúng tôi không cung cấp khí đốt miễn phí”, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói. Trả lời Đài PBS ngày 28-3 khi được hỏi liệu Nga có cắt nguồn khí đốt với những nước không trả tiền không, ông Peskov đáp “không trả tiền thì không có khí đốt”, dù vẫn nói thêm là chưa “chốt” việc này.

Gazprom cũng xác nhận dòng khí đốt vẫn đang chảy từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine. “Trong hoàn cảnh bây giờ, rất khó để chúng tôi làm từ thiện cho châu Âu”, ông Dmitry Peskov nói.

Phát biểu ngày 28-3, ông Habeck vẫn nói cứng khi cho rằng đòi hỏi của Nga cho thấy “ông Putin đã bị dồn đến chân tường”.

Đức cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, đặt mục tiêu đầy tham vọng: giảm 2/3 và tiến tới ngừng hoàn toàn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy.

G7 không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, Nga nói không bán khí đốt, rồi sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Dữ liệu: TRẦN PHƯƠNG/AXIOS - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tiến thoái lưỡng nan

Trong năm 2021, Nga xuất sang EU khoảng 155 tỉ m3 khí đốt. Cuối tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ tìm cách “bơm” khoảng 15 tỉ m3 LNG cho EU trong năm nay và tăng lên 50 tỉ m3/năm vào năm 2030.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ khó tìm được nguồn năng lượng thay thế trong ngắn hạn. Ngày 28-3, những lo ngại về nguồn cung từ Nga đã đẩy giá khí đốt bán sỉ ở Anh và Hà Lan tăng thêm 20%, theo Reuters.

Trước đó, tuyên bố của Nga về việc chi trả bằng đồng rúp đã khiến giá khí đốt ở châu Âu vọt lên hơn 30% trong ngày, trong lúc đang phải vật lộn với giá dầu tăng.

Việc thay đổi không đơn giản chỉ là tìm nguồn cung khác, châu Âu còn phải đầu tư hạ tầng, hạn chế tiêu thụ năng lượng nội địa…

Báo New York Times dẫn ý kiến của các chuyên gia năng lượng cho biết để xây dựng các trạm vận chuyển LNG giữa hai bờ Đại Tây Dương phải mất từ 2 - 5 năm. Nếu không có khí đốt từ Nga, châu Âu sẽ phải tích trữ một lượng LNG kỷ lục ngay từ mùa hè năm nay để vượt qua mùa đông năm sau.

Tương tự, việc bù đắp bằng dầu cũng buộc phải đầu tư vào hạ tầng và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu cắt giảm khí thải của châu Âu.

“Nếu EU hấp tấp quyết định ngừng nhập khí đốt của Nga, nó có thể làm suy yếu đáng kể các nền kinh tế châu Âu ở thời điểm mà sức mạnh kinh tế là mấu chốt không chỉ để đối phó với Nga mà còn để tham gia sự cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc”, các chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định trong bài viết ngày 24-3 về tình thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu hiện nay.

Nguồn bài viết: G7 không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, Nga nói không bán khí đốt, rồi sẽ ra sao? - Tuổi Trẻ Online

Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng VinFast xây nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ

Ông Biden cho biết VinFast sẽ xây nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm


“Hôm nay, VinFast công bố sẽ xây nhà máy sản xuất xe điện và pin tại North Carolina - nhà máy 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm. Đó là ví dụ mới nhất về chiến lược kinh tế của chúng ta đã phát huy tác dụng”, tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ @POTUS đăng tải thông tin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng VinFast xây nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ - Ảnh 1.

Trang thông tin chính thức của Nhà Trắng cũng đăng tải thông tin này, cho rằng việc VinFast xây dựng nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ, cùng với các nỗ lực của Ford, GM và Siemens đầu tư trở lại vào Mỹ và tạo việc làm thể hiện nỗ lực của chính phủ Tổng thống Joe Biden trong việc xây dựng một nền kinh tế năng lượng sạch, xây dựng lại chuỗi cung ứng tại Mỹ và giảm chi phí cho người dân Mỹ.

Chia sẻ trên Twitter vào sáng ngày 30/3, ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết: “Thật vinh dự và tự hào được tham dự lễ ký kết giữa VinFast và Carolina hôm nay. Hàng nghìn mẫu ô tô điện của VinFast sẽ được sản xuất và tạo ra hàng nghìn việc làm, giúp hành tinh của chúng ta xanh hơn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng VinFast xây nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ - Ảnh 2.

Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.

Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ được khởi công ngay trong năm 2022 sau khi nhận được giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 7/2024. Công suất giai đoạn 1 dự kiến là 150.000 xe/năm. Theo biên bản ghi nhớ, VinFast sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy theo nhiều giai đoạn khác nhau. Các mẫu xe đầu tiên được sản xuất tại nhà máy bao gồm VF 9 - dòng xe SUV cỡ lớn 7 chỗ ngồi và VF 8 - dòng xe SUV cỡ trung 5 chỗ.

Thống đốc bang Bắc Carolina, Ông Roy Cooper phát biểu: “Bắc Carolina đang nhanh chóng trở thành trung tâm của nền kinh tế năng lượng sạch. Dự án tầm cỡ của VinFast sẽ mang đến nhiều việc làm tốt cho địa phương, cũng như một môi trường trong lành hơn khi ngày càng nhiều xe điện xuất hiện trên đường phố, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.”

Nhà máy cũng sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới cho địa phương. Bộ Thương mại bang Bắc Carolina là cơ quan xúc tiến thu hút đầu tư từ VinFast, cùng sự phối hợp của nhiều tổ chức cấp bang, cấp vùng và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Bắc Carolina, Bà Machelle Baker Sanders cho biết: “Các nhà máy lắp ráp ô tô là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bởi những tác động tích cực lên nền kinh tế khu vực. Tôi rất vui vì VinFast đã lựa chọn bang Bắc Carolina làm nơi khởi động cho các hoạt động sản xuất của hãng tại Bắc Mỹ. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp để đảm bảo VinFast có thể tuyển dụng được lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của công ty.”

VinFast được thành lập năm 2017 với trụ sở chính tại Hà Nội và khu phức hợp sản xuất quy mô, hiện đại, công suất sẽ lên tới 950.000 xe mỗi năm vào năm 2026 tại Hải Phòng, Việt Nam.

VinFast hiện đã thiết lập hoạt động tại các thị trường quốc tế, bao gồm Mỹ, Canada, Đức, Pháp và Hà Lan. Hệ sinh thái sản phẩm xanh của công ty đang phân phối tại Việt Nam bao gồm xe ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện, hệ thống trạm sạc cùng các giải pháp năng lượng sạch.

Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu chia sẻ: “Những cam kết mạnh mẽ của Bắc Carolina về phát triển năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải biến nơi đây thành địa điểm lý tưởng để VinFast phát triển các sản phẩm xe điện cao cấp, thông minh và thân thiện với môi trường. Cơ sở sản xuất ngay tại thị trường sẽ giúp VinFast chủ động nguồn cung, ổn định giá thành và rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm, giúp xe điện của VinFast trở nên dễ tiếp cận hơn với khách hàng, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu cải thiện môi trường của địa phương.”

Nguồn bài viết: Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng VinFast xây nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ - DNTT online

Thiếu gần 1,4 triệu tấn than, nhiều nhà máy điện đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động

EVN cho biết, số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3/2022 cho thấy, trong quý 1, các nhà máy nhiệt điện của EVN chỉ nhận được 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn than đã ký theo hợp đồng. Nhiều tổ máy của các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ không thể hoạt động vì thiếu than.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.

Số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3/2022 cho thấy, trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký. Với mức cung cấp này, lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN chỉ tương ứng 76,76% số lượng theo hợp đồng đã ký. “Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng”, đại diện EVN cho hay.

Theo EVN, do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

“Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu”, EVN cho hay.

Theo đại diện EVN, trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,… góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện. EVN rất mong nhận được sự chia sẻ của các khách hàng sử dụng điện.

Về việc thiếu than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương cho biết, đã nhận được văn bản của một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong các tháng đầu năm 2022 theo hợp đồng đã ký dẫn đến nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

Bộ Công Thương cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là các nhà máy BOT sử dụng than trong nước, bộ đã có văn bản số 1225 yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than.

Theo đó, hai đơn vị trên phải thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký, nhất là với các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

“Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký”, Bộ Công Thương yêu cầu.

Theo báo cáo của Tập đoàn TKV, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong thời gian vừa qua là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt nhân lực làm việc tại các mỏ than.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu và vận chuyển nhiên liệu bằng các phương thức vận tải đều có nhiều khó khăn, làm hạn chế khối lượng than lưu thông trên thị trường trong bối cảnh giá than quốc tế cũng đã tăng cao chưa từng có.

Nguồn bài viết: Thiếu gần 1,4 triệu tấn than, nhiều nhà máy điện đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giám sát chặt thị trường chứng khoán, ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế. Chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Ngày 30/3/2022, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Theo đó, Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi và xử lý sớm, dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán như hệ thống giao dịch chứng khoán, việc công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo kiểm toán doanh nghiệp…

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xử lý nghiêm các vụ việc, vi phạm trên thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, minh bạch, ổn định và an toàn.

Nguồn: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giám sát chặt thị trường chứng khoán, ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước

Tin tức ngày 30.3.2022

Tin trong nước:

  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giám sát chặt thị trường chứng khoán, ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước
  • Thiếu gần 1,4 triệu tấn than, nhiều nhà máy điện đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động
  • Xuất khẩu cá tra có thể duy trì đà tăng trưởng 50% trong quý II
  • Từ đà tăng trưởng quý 1, kinh tế Việt Nam bước sang quý 2 với cấp độ mới, khi các chính sách thuế và hỗ trợ lãi suất được triển khai, giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, du lịch trở lại rõ ràng hơn.
  • Xuất khẩu cà phê tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay ước tính tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Chuối tiêu tắc biên quay đầu bán giải cứu, giá rẻ chưa từng có 5.000 đồng/kg
  • AFD cho EVN vay 80 triệu EUR để tăng cường lưới điện ở miền Nam
  • Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, gắn với diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo 2 kịch bản này, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6 - 6,5%.
  • Đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
  • Chính thức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4, tức là xăng được giảm khoảng 2.200 đồng mỗi lít.

Tin quốc tế:

  • Giá quặng sắt gần cao nhất 7 tháng vì kỳ vọng nhu cầu tăng
  • Đàm phán kết thúc: Nga tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh hoạt động quân sự gần Kiev và Chernihiv của Ukraine
  • Số ca mắc Covid-19 kỷ lục, Thượng Hải gấp rút mở rộng phong tỏa
  • Thượng Hải bị phong tỏa theo chiến lược “không khoan nhượng” để đối phó với Covid-19, chuỗi cung ứng sẽ ra sao?
  • Nông dân, ngư dân Hàn Quốc biểu tình phản đối chính phủ gia nhập CPTPP
  • Trước tác động của xung đột Nga - Ukraine, Fitch Ratings đã điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống còn 3,5%. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022, trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 4,4%.

Ông Lê Hải Trà nói gì về thị trường chứng khoán bị thao túng từ vụ ông Trịnh Văn Quyết?

TPO - Sau vụ ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam do thao túng thị trường chứng khoán, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) có cuộc trao đổi với Tiền Phong chiều 30/3.

Chiều 30/3, trao đổi với phóng viên về thông tin ông Trịnh Văn Quyết, và câu chuyện thao túng giá cổ phiếu, ông Trà cho rằng, thao túng thị trường luôn là nguy cơ tiềm ẩn tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Giao dịch nội gián cũng có sự khác biệt đáng kể trong quy định pháp luật và thực tế diễn ra giữa các thị trường chứng khoán phương Đông và phương Tây.

Ông Lê Hải Trà nói gì về thị trường chứng khoán bị thao túng từ vụ ông Trịnh Văn Quyết? ảnh 1
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Theo ông Trà, thông lệ chung của cách thức ngăn chặn việc thao túng thị trường chứng khoán là bộ máy quản lý, giám sát thị trường chứng khoán có đủ thẩm quyền và quy định pháp luật xử lý vi phạm nghiêm khắc, từ dân sự đến hình sự.

“Các thị trường tiên tiến đặc biệt nhấn mạnh đến các hình phạt về kinh tế và phi kinh tế đủ sức răn đe. Trong đó, các cá nhân vi phạm có thể bị cấm hành nghề (chứng khoán/ngân hàng, kiểm toán, luật sư…), cấm tham gia hội đồng quản trị, điều hành,kiểm soát công ty đại chúng, niêm yết… vĩnh viễn”, ông Trà nói.

Ông Trà cũng cho biết thêm việc đầu cơ, theo nghĩa các chiến lược đầu tư rủi ro cao, quay vòng nhanh, luôn là một phần của thị trường chứng khoán. Luôn có các nhà đầu tư có nhu cầu và có khẩu vị rủi ro này.

Tuy nhiên, ông Trà cho rằng, quan trọng của hệ thống pháp lý, quản lý là đảm bảo một khuôn khổ quy định rõ ràng, giám sát hiệu quả để phát hiện vi phạm, và xử lý nghiêm khắc đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Trước đó, ngày 29/3, cơ quan điều tra bắt ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được “đánh lên” với giá rất cao, ngày 10/1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15 - 40 triệu cổ phiếu.

Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư vừa mới “đua lệnh” mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.

Sau sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC “bán chui” cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.

Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn tiền đã mua.

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định.

Đồng thời chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Nguồn bài viết: Ông Lê Hải Trà nói gì về thị trường chứng khoán bị thao túng từ vụ ông Trịnh Văn Quyết?

“P/E Chứng khoán Việt Nam thấp hơn Thái Lan là điều không hợp lý, hoàn toàn xứng đáng với mức định giá tốt hơn”

Trong 8 năm qua, chứng khoán Thái Lan chỉ có mức tăng trưởng 20% thì chứng khoán Việt Nam lại mang về mức sinh lợi lên tới 140%. Điều này bắt nguồn từ việc tăng trưởng lợi nhuận thấp của các doanh nghiệp Thái Lan so với Việt Nam.

image
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.

Theo Petri Deryng, Việt Nam hiện có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức thấp. Cuộc chiến Nga – Ukraine hay các lệnh trừng phạt với Nga sẽ không tác động tiêu cực trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng lợi nhuận các công ty Việt Nam.

Rủi ro đáng kể nhất với Việt Nam là cuộc suy thoái tiềm tàng ở Âu – Mỹ, kéo theo ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Dù vậy, bất chấp lo ngại này, xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhờ khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.

Người đứng đầu Pyn Elite Fund tin rằng kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 cũng như 2023.

Theo dự báo của Pyn Elite Fund, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 các doanh nghiệp niêm yết năm vào khoảng 25%, tương ứng P/E dự phóng VN-Index năm 2022 ở mức 13,3 lần. Việc các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán Thế giới suy yếu cũng là yếu tố trở nên hấp dẫn.

Các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa trong năm 2022. Một số được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như thép, dầu khí, phân bón…Dù vậy, Petri Deryng cho biết những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành kể trên không nằm trong danh mục của Pyn Elite Fund và quỹ cũng không có ý định đột ngột thay đổi danh mục vì giá hàng hóa thế giới cũng có thể đảo chiều nhanh chóng.

Khả năng thanh toán của các công ty niêm yết Việt Nam hiện khá tốt. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ (D/E) của các công ty niêm yết lớn ở Việt Nam là 22%. Do đó, Pyn Elite Fund cho rằng việc lãi suất tăng sẽ không gây ra rủi ro lớn với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Thời gian qua, khối ngoại đã bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ đã bán ra trước thời điểm “sóng” tăng mạnh và điều này giúp các nhà đầu tư trong nước thu được khoản lợi nhuận đáng kể.

Theo Petri Deryng, dòng vốn không chỉ rút ra khỏi Việt Nam mà cũng diễn ra tại nhiều thị trường khác trong bối cảnh nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ. Dù vậy, điểm tích cực là nhà đầu tư Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) ngày càng quan tâm tới chứng khoán Việt Nam khi liên tục ra mắt các quỹ mới.

Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 90% thanh khoản thị trường, điều này cho thấy người dân trong nước đã hiểu biết hơn về chứng khoán và họ đã đưa ra quyết định đầu tư dựa trên điều kiện tài chính cũng như triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Petri Deryng: “P/E Chứng khoán Việt Nam thấp hơn Thái Lan là điều không hợp lý, VN-Index hoàn toàn xứng đáng với mức định giá tốt hơn” - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch chứng khoán Việt Nam

Chứng khoán Việt Nam xứng đáng với định giá cao hơn

Ông Petri Deryng cho rằng 2022 là một năm không hề dễ dàng. Mặc dù kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc năm 2022 cao hơn so với đầu năm, nhưng những biến động trong năm khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Dù vậy, doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận vượt trội cùng định giá phù hợp sẽ là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường.

Trong 8 năm qua, chứng khoán Thái Lan chỉ có mức tăng trưởng 20% thì chứng khoán Việt Nam lại mang về mức sinh lợi lên tới 140%. Điều này bắt nguồn từ việc tăng trưởng lợi nhuận thấp của các doanh nghiệp Thái Lan so với Việt Nam.

“P/E forward của Việt Nam năm 2022 chỉ là 13,3, thấp hơn P/E forward 17,7 của Thái Lan, điều này có vẻ không hợp lý. Với lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, chứng khoán Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với mức định giá P/E cao hơn”, ông Petri Deryng đưa ra quan điểm.

Ông Petri Deryng: “P/E Chứng khoán Việt Nam thấp hơn Thái Lan là điều không hợp lý, VN-Index hoàn toàn xứng đáng với mức định giá tốt hơn” - Ảnh 2.

Tăng trưởng EPS của Việt Nam tốt hơn Thái Lan, trong khi định giá P/E lại thấp hơn

Cũng theo Petri Deryng, thời gian gần đây ông đã đi thăm nhiều doanh nghiệp đầu tư và nhận về những kết quả tích cực, củng cố kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm nay.

Một số khoản đầu tư lớn của Pyn Elite Fund có lợi nhuận không thực sự tốt trong năm 2021 như ACV, VRE, CTG, VEA bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như gia tăng trích lập (CTG). Dù vậy, Petri Deryng kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022 và cho biết quỹ sẽ còn nắm giữ dài hạn. Ngoài ra, các khoản đầu tư lớn khác như nhóm ngân hàng MBB, TPB, HDB, (chiếm 23% danh mục) hay VHM cũng được kỳ vọng lãi lớn trong năm nay.

Nguồn bài viết: “P/E Chứng khoán Việt Nam thấp hơn Thái Lan là điều không hợp lý, hoàn toàn xứng đáng với mức định giá tốt hơn” - DNTT online

Ấn Độ tranh thủ mua dầu rẻ của Nga, tiếp theo có thể là Trung Quốc

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có vẻ muốn tranh thủ cơ hội giá dầu Nga giảm sâu để tăng nhập khẩu dầu từ ước này…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: BBC.

Đã có một “sự gia tăng quan trọng” trong khối lượng dầu Nga lên đường tới Ấn Độ trong tháng 3 này, sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine. Sắp tới, New Delhi có thể sẽ mua thêm nhiều dầu giá rẻ từ Nga – giới quan sát nhận định với hãng tin CNBC.

Trung Quốc, vốn dĩ đã là nước nhập khẩu nhiều dầu nhất từ Nga, cũng được cho là sẽ tăng mua dầu từ nước này ở mức giá đang rẻ hơn rất nhiều so với bình thường.

Các nước nhập khẩu dầu lớn trên thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đương đầu với nhiều thách thức khi giá dầu không ngừng đi lên kể từ năm ngoái. Mấy tuần gần đây, giá dầu giằng co mạnh giữa tăng và giảm, nhưng vẫn đang cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ 2021.

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc, và Ấn Độ ở một mức độ ít hơn, sẽ nhảy vào mua dầu thô với mức giá giảm sâu của Nga”, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu lửa của Kpler, ông Matt Smith, nhận định.

Điều này sẽ đối nghịch hoàn toàn với những gì mà một số nước phương Tây và doanh nghiệp của những nước này đang thể hiện là “tẩy chay” dầu Nga. Nhằm đáp trả việc Nga tấn công Ukraine, Mỹ đã đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu thô và khí đốt từ Nga. Anh cũng có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu khí Nga từ cuối năm nay. Liên minh châu Âu (EU) còn lưỡng lự trong vấn đề trừng phạt ngành năng lượng của Nga vì mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn dầu thô và khí đốt từ nhà cung cấp quan trọng này.

ẤN ĐỘ TĂNG ĐỘT BIẾN NHẬP KHẨU DẦU TỪ NGA

Việc dầu Nga bị “xa lánh” đang tạo ra một khoảng trống trên thị trường dầu lửa toàn cầu, mà ở đó Nga bỗng dưng không thể bán được dầu.

“Dầu thô Urals của Nga đang được rao bán với mức giảm giá kỷ lục, nhưng cũng chẳng có mấy khách mua. Các nước nhập khẩu dầu ở châu Á vẫn chủ yếu gắn bó với nguồn cung truyền thống ở Trung Đông, Mỹ Latin và châu Phi”, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào hôm 17/3 cho hay.

“Ở thời điểm giữa tháng 3, chúng tôi nhận thấy khả năng nguồn cung dầu từ Nga có thể bị gián đoạn 3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4. Con số này có thể tăng lên nếu các biện pháp trừng phạt hoặc chỉ trích của dư luận nhằm vào Nga gia tăng”, báo cáo viết.

Cách đây 2 tuần, một số công ty giao dịch hàng hoá cơ bản lớn của thế giới, như Glencore và Vitol đang chào bán dầu Urals của Nga với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25-30 USD/thùng – theo tiết lộ của bà Ellen Wald, Chủ tịch Transversal Consulting.

Ông Smith cho biết trong năm 2021, các lô dầu Nga vận chuyển tới Ấn Độ là khá ít ỏi, tổng cộng chỉ khoảng 12 triệu thùng được giao hàng. Cũng theo ông Smith, từ tháng 12 đến hết tháng 2, Kpler không nhận thấy có bất kỳ thùng dầu Nga nào được giao tới Ấn Độ.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 trở đi, 5 lô dầu Nga tổng cộng khoảng 6 triệu thùng đã lên đường tới Ấn Độ, dự kiến cập cảng vào đầu tháng 4. “Số dầu này bằng khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ trong cả năm ngoái, một sự gia tăng đột biến”, ông Smith phát biểu.

“Dầu Nga vẫn đang tìm được khách mua. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã đưa ra nhiều lời chào mua đối với dầu Urals của Nga, vì mức giảm giá của dầu Urals so với dầu Brent tiếp tục tăng lên”, một báo cáo vào tuần trước của ANZ Research cho hay.

Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày – theo dữ liệu của IEA. Nước này là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Ngoài ra, Nga còn là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ có thể sẽ mua thêm dầu rẻ từ Nga, với mức giá thấp hơn khoảng 20% so với giá dầu tiêu chuẩn. Với mức giá dầu thế giới hiện tại, mức chiết khấu như vậy tương đương hơn 20 USD trên mỗi thùng dầu Nga.

Nga chỉ chiếm khoảng 2-5% tổng nhập khẩu dầu thô hàng năm của Ấn Độ - theo ông Samir N. Kapadia, trưởng bộ phận giao dịch thuộc công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group. Các nguồn nhập khẩu dầu chủ đạo của nước này là Iraq, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nigeria. Tuy nhiên, tất cả các nhà cung cấp này đều đang “hét” giá dầu cao hơn nhiều so với dầu Nga ở thời điểm hiện tại, ông Kapadia nhấn mạnh.

“Động cơ hiện nay của Chính phủ Ấn Độ là kinh tế, không phải chính trị. Ấn Độ luôn tìm kiếm mức giá hời trong chiến lược nhập khẩu dầu của họ. Thật khó để không mua dầu thô với mức giá chiết khấu 20% khi mà bạn phải nhập khẩu 80-85% số dầu mà bạn tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh đại dịch và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm”, ông Kapadia nhận định.

Ngoài lợi ích của mức giá rẻ, Ấn Độ cũng tính đến mối quan hệ hữu nghị với Nga khi mua dầu từ nước này.

“Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới hiện nay, và họ đang cân nhắc các lựa chọn để bắt tay với một người bạn lâu năm”, ông Kapadia nhấn mạnh. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về Liên hiệp quốc về lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga có một lịch sử lâu dài. Nga đã hỗ trợ Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cung cấp các trang thiết bị quân sự. Khoảng 60% nhu cầu trang thiết bị quân sự của Ấn Độ được đáp ứng bởi Nga, theo ông Kapadia. Vào cuối thập niên 1950, Ấn Độ cũng dựa vào các thoả thuận hoán đổi tiền tệ Rupee-Rúp với Nga để có nguồn ngoại tệ phục vụ cho hoạt động nhập khẩu trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Nga còn ủng hộ Ấn Độ trong những vấn đề quan trọng như tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir với Trung Quốc và Pakistan.

“Sức ép từ Mỹ đòi các quốc gia cắt giảm việc mua dầu từ Nga đã bị New Delhi phớt lờ”, ông Kapadia nói. “Câu hỏi thực sự ở đây là Mỹ và châu Âu sẽ phản ứng như thế nào với Ấn Độ nếu Ấn Độ chìa tay ra với dầu Nga”.

Về phần mình, Ấn Độ đã thể hiện một thái độ bất chấp. “Các quốc gia có khả năng tự cung tự cấp dầu hoặc những nước nhập khẩu dầu từ Nga đều không thể ủng hộ việc hạn chế giao dịch”, một quan chức chính phủ Ấn Độ phát biểu cách đây 2 tuần.

“Nếu các nước phương Tây khiến Ấn Độ đặt câu hỏi liệu việc hỗ trợ Nga có thể củng cố ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc trong khu vực hay không, thì mọi chuyện có thể thay đổi”, ông Kapadia nói thêm.

TRUNG QUỐC CÓ THỂ CŨNG GOM DẦU NGA

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng sẽ mua dầu giá rẻ từ Nga.

Trung Quốc hiện đã là nước nhập khẩu dầu Nga lớn nhất. Năm 2021, Trung Quốc mua bình quân 1,6 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày – theo dữ liệu của IEA.

“Trung Quốc vẫn đang nhập dầu Nga, nhưng có thể mua thêm nếu có thể thanh toán bằng Nhân dân tệ và giá dầu Nga giảm sâu. Về cơ bản, Nga đang chịu áp lực vì gặp khó khăn trong việc bán dầu”, bà Wald nói với CNBC.

“Trung Quốc thực sự muốn dầu rẻ hơn nhiều. Ngay cả giá dầu 90 USD/thùng cũng là quá đắt đối với Trung Quốc”, bà Wald nói thêm. “Nếu Trung Quốc có thể mua dầu Nga với giá rẻ, chẳng hạn rẻ hơn 30 USD/thùng so với giá dầu tiêu chuẩn, thì tôi thực sự không thấy có lý do gì có thể ngăn họ mua nhiều dầu Nga”.

Một số quốc gia đã áp lệnh trừng phạt lên dầu Iran, bắt đầu là lệnh cấm của Mỹ và EU vào năm 2011, do chương trình hạt nhân của Tehran. Nhưng điều đó không hề ngăn Trung Quốc mua dầu Iran thông qua “tất cả những kênh bí mật” – bà Wald nói.

“Bởi thế, tôi không tin là họ thực sự lo lắng về những vấn đề như bảo hiểm”, vị chuyên gia nói, đề cập tới việc các công ty bảo hiểm tăng phí đối với các chuyến hàng trong khu vực sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, dẫn tới rủi ro tăng mạnh đối với các con tàu và cảng biển.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm dầu Nga dịch chuyển về phía Trung Quốc, và dầu từ những nhà cung cấp khác như Kuwait, UAE, và thậm chí Saudi Arabia dịch chuyển đi nơi khác. Nhưng việc Trung Quốc có thể mua dầu với giá mềm có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu”, bà Wald nhận định.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đã tăng mạnh trong năm nay, nhưng giới phân tích không cho rằng đó là do chiến tranh.

“Dòng dầu từ Nga sang Trung Quốc năm nay có mạnh hơn năm ngoái, nhưng chủ yếu là do Trung Quốc cần nhập nhiều dầu ESPO từ các cảng phía Đông của Nga, chứ không liên quan đến dầu Nga bị dịch chuyển khỏi thị trường châu Âu”, chuyên gia Smith của Kpler phát biểu. ESPO là dầu Nga xuất khẩu sang các thị trường châu Á-Thái Bình Dương và được ưa chuộng bởi các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc.

“Chúng tôi chưa nhận thấy sự thay đổi trong những dòng chảy này, nhưng cho rằng thay đổi sẽ sớm xuất hiện”, ông Smith nói thêm.

Nguồn bài viết: Ấn Độ tranh thủ mua dầu rẻ của Nga, tiếp theo có thể là Trung Quốc - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Đông Nam Á lo lạm phát

TTO - Tình trạng lạm phát gia tăng ở Đông Nam Á đang làm dấy lên phỏng đoán ngân hàng trung ương các nước trong khu vực có thể sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Giá lương thực và năng lượng tăng được nhận định sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình ở Đông Nam Á. Trong ảnh là một siêu thị ở Singapore - Ảnh: Nikkei Asia

Giá thực phẩm, năng lượng và dịch vụ đang tăng nhanh ở Đông Nam Á.

Mới đây, tạp chí Nikkei Asia cảnh báo nếu giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng thì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với viễn cảnh lạm phát thậm chí còn tăng nhanh hơn nữa, nhất là khi lương cũng tăng thêm.

Lạm phát cao ở các nước

Tại Singapore, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua do chi phí vận tải của khu vực tư nhân tăng. Giá điện và khí đốt (tăng 16,7%) cũng là nguyên nhân góp phần.

Trong khảo sát hồi tháng 2 của Ngân hàng Trung ương Singapore, khoảng 94% chuyên gia kinh tế khối tư nhân cho rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu với nền kinh tế, trong khi ở cuộc thăm dò tháng 12-2021 chỉ 56% nhận định như vậy.

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đã cảm nhận được tác động của lạm phát.

Một tiệm bánh ở Singapore đã tăng giá từ 10-17% sau Tết Nguyên đán vừa qua. Một nhân viên của tiệm này chia sẻ: “Chúng tôi đang thấy chi phí nguyên liệu và những thứ khác cao hơn, và không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa chúng vào giá bán của mình”.

Trong tháng này, Hãng vận hành taxi ComfortDelGro ở Singapore đã lần đầu tiên trong gần 10 năm phải tăng mức giá tối thiểu do chi phí nhiên liệu tăng hơn 5% và vẫn đang có kế hoạch phải tăng thêm nữa.

Tại Lào, tỉ lệ lạm phát tháng 2 năm nay đã tăng 7,3% và là mức cao nhất kể từ tháng 1-2016. Giá tiêu dùng tăng vọt ở Lào do chi phí nhiên liệu và các sản phẩm nhập khẩu khác tăng lên vì đồng kip tiếp tục mất giá.

Tại Indonesia, lạm phát trong tháng 1-2022 là 2,18%, mức cao nhất trong 20 tháng qua. Trong khi đó, CPI của Thái Lan đã tăng lên mức 5,28% vào tháng 2 năm nay. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 13 năm qua ở Thái Lan, tiếp tục tăng hơn so với mức 3,23% của tháng 1. Giá thịt, cá và các loại thực phẩm khác đắt hơn đã ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình.

“Cuộc sống vốn đã vất vả vì đại dịch COVID-19, nên việc tăng giá giờ đây thực sự gây khó khăn. Để tiết kiệm tiền, chúng tôi sẽ ăn ở ngoài ít hơn”, một người dân tại Bangkok chia sẻ.

Hết dịch bệnh lại chiến tranh

Theo báo Bangkok Post, kể từ lúc chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ vào ngày 24-2, giá năng lượng và thực phẩm tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực và đời sống của người dân Thái Lan. Tuy nhiên, ngay cả khi không có chiến tranh, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác vẫn đã chịu áp lực lớn.

Ông Steve Soh, giám đốc tiếp thị tại một cửa hàng cung cấp vật dụng thú cưng ở Malaysia, cho biết lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 và việc đóng cửa các cảng đã dẫn đến “tắc nghẽn, chậm trễ kéo dài và chi phí vận chuyển cao ngất”.

Ông cho biết cước vận chuyển container đối với hàng hóa dành cho thú cưng từ Trung Quốc đã tăng gấp 6,5 lần và công ty của ông gần đây đã tăng giá bán lên khoảng 20%.

Ngoài ra, tình trạng tăng giá dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, kim loại màu và các hàng hóa khác gần đây dự kiến cũng sẽ làm tăng lạm phát ở Đông Nam Á trong tháng 3-2022 và sau đó nữa.

Nếu so sánh với Mỹ (quốc gia có tỉ lệ lạm phát 7,9% vào tháng 2 năm nay), giá tiêu dùng ở Đông Nam Á vẫn không tăng nhanh. Tuy nhiên, khoảng cách đang ngày càng thu hẹp nhanh. Chính phủ Singapore cho rằng mức lương và giá dịch vụ tăng sẽ còn làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Để đối phó với giá cả tăng, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này, dự kiến siết chặt hơn chính sách tiền tệ trong tháng 4. MAS đã siết chặt chính sách của họ trong tháng 10-2021 và tháng 1-2022, trở thành ngân hàng đầu tiên ở Đông Nam Á làm như vậy.

Các ngân hàng trung ương Malaysia và Indonesia dự kiến sẽ không làm như Singapore cho đến cuối năm 2022. Nhưng hiện nay có thông tin cho rằng các ngân hàng này có thể sẽ hành động sớm hơn, tùy thuộc vào tốc độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng lãi suất của các nền kinh tế phát triển.

Thái Lan vẫn giữ lãi suất thấp kỷ lục

Theo Hãng tin Bloomberg, ngày 30-3 Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch dù lạm phát đang tăng ở tốc độ nhanh nhất trong 13 năm.

Cụ thể, Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã nhất trí duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 0,5% (mức từ tháng 5-2020) trong cuộc họp lần thứ 15 liên tiếp. Ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2020.

Nguồn bài viết: Đông Nam Á lo lạm phát - Tuổi Trẻ Online

Xuất nhập khẩu của TP.HCM tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2022

Trong quý I năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại quốc tế, tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng…

Kinh tế TP.HCM phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng. Chỉ số IIP tháng 3 tăng 25,9% so tháng 2 và tăng 5,5% so cùng kỳ 2021.

Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí trong quý I, đặc biệt là tháng 3/2022, theo ghi nhận của Cục Thống kê TP.HCM là, dần dần trở nên nhộn nhịp, học sinh, sinh viên các trường học đi học trực tiếp trở lại.

THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ PHỤC HỒI VÀ TĂNG TRƯỞNG

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM ghi nhận, hoạt động thương mại dịch vụ của Thành phố đang trên đà phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, người dân quay trở lại thành phố làm việc, thích nghi với tình hình dịch hiện nay. Tâm lý e ngại dịch bệnh như trước đây cũng dần thay đổi.

Theo nhận định của Cục Thống kê Thành phố, trong tháng 3/2022, nhiều đơn vị kinh doanh đã triển khai các chính sách kích cầu trên nhiều phương tiện điện tử, kênh mua hàng trực tuyến, trực tiếp tại cửa hàng nhằm thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới, diễn biến giá cả thị trường ở một số nhóm ngành hàng như xăng dầu, sắt thép, vàng bạc, nguyên liệu sản xuất… có nhiều biến động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 dự ước đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so cùng kỳ; ngành lưu trú và ăn uống tăng 7,8% so với tháng trước và giảm 5,8% so với kỳ.

TP.HCM dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng như du lịch Thành phố dự báo sẽ có nhiều khởi sắc trở lại sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3, doanh thu ngành du lịch trên địa bàn trong tháng này ước tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Tính cả quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ do lộ trình mở cửa hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 diễn ra vào các tháng đầu năm 2022 như dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, du lịch… Vì vậy, doanh thu ở các ngành này vẫn còn hạn chế trong quý 1/2022.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, sở dĩ tính cả quý có tỷ lệ giảm, vì ngoài thu nhập và thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi, thì tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sau thời gian đầu kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, Thành phố dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.

Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, ước tính quý 1/2022, thị trường bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Thành phố có những tín hiệu tích cực, duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu ước đạt 161.343 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 3 ước đạt 5.764 tỷ đồng, tăng 7,8% so với tháng 02 nhưng giảm nếu tính chung cả quý.

Ước tính cả quý 1, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 15.810 tỷ đồng, giảm 22,4% so cùng kỳ. Ghi nhận cho thấy, liên tiếp qua các tháng 1, 2, 3 của quý I/2022, doanh thu ở nhóm ngành này tháng sau đều có mức tăng khá so với tháng trước. Mặc dù chưa khôi phục được so với cùng kỳ năm 2021, nhưng với tỷ lệ tiêm chủng tại TP.HCM rất cao cũng như người dân đã thích nghi với dịch Covid-19 nên hầu như các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, lưu trú đã và đang dần khôi phục trở lại.

XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Về xuất khẩu, ước tính tháng 3/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.585,5 triệu USD, tăng 42,7% so với tháng trước. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.428,8 triệu USD, tăng 44,7%.

Tính riêng tại Thành phố, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng tại TP.HCM gồm cả dầu thô, trong tháng 3/2022 đạt 3.917,7 triệu USD, tăng 40,2% so với tháng trước.

Lũy kế cả quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 11.878,6 triệu USD, tăng 3,5% so cùng kỳ (xuất khẩu không tính dầu thô đạt 11.427,4 triệu USD, tăng 0,9%). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng Thành phố bao gồm cả dầu thô, quý I đạt 10.315,6 triệu USD, tăng 0,2% so cùng kỳ. Khu vực kinh tế FDI chiếm tỷ trọng cao nhất: 6.522,5 triệu USD, giảm 9,9%. Kế đến là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 3.228,7 triệu USD, tăng 16,1%. Khu vực kinh tế nhà nước có tỷ lệ thấp nhất: đạt 564,4 triệu USD, tăng 107,9%.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu qua các cảng Thành phố trong quý 1, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 7.432,3 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 75,3%; tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt – may, giày dép, máy móc – trang thiết bị khác. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Thành phố với kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 đạt 2.523,3 triệu USD, chiếm 24,5% tỷ trọng xuất khẩu. Kế đến theo thứ tự là Hoa Kỳ, tỷ trọng 16,2%; Nhật Bản, tỷ trọng 6,8% và Hong Kong tỷ trọng 6,3%.

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố trong tháng 3 tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 6.765,1 triệu USD, tăng 30,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua các cảng của Thành phố đạt 5.318,3 triệu USD, tăng 30,6% so với tháng trước.

Tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 17.382,5 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng Thành phố đạt 14.035,3 triệu USD, tăng 14,7% so cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM tăng trong tháng 3, trong quý 1 và tăng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý 1, là do kinh tế TP.HCM phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 25,9% so với tháng 02/2022 và tăng 5,5% so cùng kỳ. Tính chung cả quý 1, IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 1,0% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%.

Cụ thể, trong các nhóm hàng nhập khẩu của Thành phố, nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất là nguyên nhiên vật liệu, đạt 4.199,5 triệu USD, tăng 1,4% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 29,9% giá trị nhập khẩu. Kế đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 8.120,0 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm tỷ trọng 57,9%. Đây là những nhóm hàng phục vụ sản xuất công nghiệp đang hồi phục và tăng trưởng trở lại của TP.HCM.

Kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM tăng trong tháng 3, trong quý 1 và tăng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý I, là do kinh tế TP.HCM phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 25,9% so với tháng 02/2022 và tăng 5,5% so cùng kỳ. Tính chung cả quý I, IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 1,0% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%.

Nguồn bài viết: Xuất nhập khẩu của TP.HCM tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2022 - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

FLC có chủ tịch mới thay ông Trịnh Văn Quyết

TTO - Ông Đặng Tất Thắng, phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị FLC thay ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 31-3 đến khi có quyết định mới của đại hội đồng cổ đông và đại hội đồng quản trị.


Ông Đặng Tất Thắng giữ vị trí chủ tịch FLC và Bamboo Airways thay ông Trịnh Văn Quyết - Ảnh: CTV

Sáng 31-3, Tập đoàn FLC có thông cáo về việc ông Đặng Tất Thắng chính thức đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) từ ngày 31-3 cho đến khi có quyết định mới của đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị.

Như vậy, kể từ ngày 31-3, ông Thắng chính thức đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của cả hai doanh nghiệp là Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.

Ông Đặng Tất Thắng sinh năm 1981, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành xây dựng và quản lý dự án tại Đại học Northumbria (Anh). Hiện ông là phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Bamboo Airways. Tại FLC, ông đảm nhiệm vị trí phó tổng giám đốc kể từ năm 2014 và được bầu làm phó chủ tịch FLC nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ tháng 4-2021.

Dự kiến cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần nhất của FLC và Bamboo Airways sẽ xem xét bầu bổ sung, kiện toàn cơ cấu thành viên hội đồng quản trị của cả hai doanh nghiệp này.

Ông Trịnh Văn Quyết, nguyên chủ tịch Tập đoàn FLC, bị khởi tố và bắt hôm 29-3 với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.

Ngày 10-1, ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn tiền đã mua.

Ngày 18-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định. Đồng thời chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Nguồn bài viết: FLC có chủ tịch mới thay ông Trịnh Văn Quyết - Tuổi Trẻ Online

Việt Nam phải lo gần 1,2 triệu tỷ đồng trả nợ công giai đoạn 2022-2024

Năm 2022, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ tối đa là 673.546 tỷ đồng. Con số này bằng dự toán được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 34/2021/QH15…

Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.

Theo đó, với mức tăng bội chi ngân sách Nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ giai đoạn 2020-2024 tối đa là khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.

Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương khoảng 1,3 triệu tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 612.000 tỷ đồng; vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 117.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2022, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ tối đa là 673.546 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương là 450.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương là 196.149 tỷ đồng (bằng dự toán được Quốc hội phê duyệt); huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho vay lại khoảng 26.697 tỷ đồng.

Dự kiến các nguồn vay bổ sung trong giai đoạn này chủ yếu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 là khoảng 1,19 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 1,04 triệu tỷ đồng, trả nợ các khoản vay về cho vay lại khoảng 146.000 tỷ đồng.

Trường hợp thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính Quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cho chương trình, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.

Kết hợp với việc áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế để thực hiện chương trình, Bộ Tài chính nhìn nhận chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách giai đoạn này có thể có năm tiến sát 25%. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Với phương án tăng bội chi ngân sách Nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến đến năm 2024 nợ công khoảng 46-47% GDP, nợ Chính phủ khoảng 44-45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 24-25%.

Kết hợp với việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước giai đoạn này có thể có năm vượt 25%, nhưng Bộ Tài chính cho biết sẽ phấn đấu để bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.

Hiện tại, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang diễn ra. Gần nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua. Biểu đồ khảo sát của Fed cũng cho thấy có ít nhất thêm 6 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam chưa chịu tác động nhiều do mức tăng lãi suất của Fed không lớn (0,25 điểm phần trăm) và đã được tiên lượng trước.

Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, từ quý 4/2022, việc Fed tăng lãi suất sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế Việt Nam. Trong đó, USD lên giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND, điều này kéo theo chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát.

Nguồn bài viết: Việt Nam phải lo gần 1,2 triệu tỷ đồng trả nợ công giai đoạn 2022-2024 - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Ông Trần Văn Dũng: Vốn hoá FLC không lớn, tác động chỉ ngắn hạn, nhà đầu tư nên bình tĩnh bởi vĩ mô vẫn rất tốt!

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường, nên tác động đến thị trường không quá lớn…

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Như VnEconomy đưa tin, ngày 29/3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch FLC ông Trịnh Văn Quyết. Sự việc gây xôn xao thị trường suốt mấy ngày qua.

Xung quanh vụ việc này, ngày 31/3/2022 trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một lần nữa khẳng định thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, xin ông cho biết cụ thể hơn về vụ việc này?

Chiều ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (mã Ck: FLC), các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo quyết định của C01, hành vi trên của ông Trịnh Văn đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ngày 29/3/2022, C01 đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết; đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Như thông tin đã công bố, ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã có hành vi bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thông báo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Ngay sau đó, Uỷ ban đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Tiếp đó, ngày 11/1/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết. Ngày 18/1/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông Quyết trong vòng 5 tháng.

Cùng với việc xử lý vi phạm, thời điểm đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý vụ việc.

Vậy sau khi thông tin chính thức từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được công bố, Uỷ ban Chứng khoán đã triển khai những vấn đề gì để đảm bảo đúng quy định của pháp luật chứng khoán và ổn định tâm lý thị trường, thưa ông?

Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố thông tin chính thức, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ngay lập tức họp để tiến hành các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ngay trong tối 29/3, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công bố thông tin chính thức trên website và gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Trong thông tin phát đi, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

"Những tác động đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường, lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường.

Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư".

Ông Trần Văn Dũng.

Liên quan tới vụ việc này, Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng, cụ thể đối với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Đây cũng là tinh thần hành động của Uỷ ban trong vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chưa thoát xu hướng giằng co bởi các thông tin quốc tế tiêu cực, vụ việc lần này tại FLC ít nhiều cũng gây tâm lý hoang mang đối với nhà đầu tư trên thị trường. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư hiện nay?

Thị trường chứng khoán được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực.

Các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, do đó cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những tác động đó đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường, lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường.

Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.

Theo các số liệu chính thức vừa được công bố, trong quý 1/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, …

Về phía cơ quan quản lý, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới.

Nguồn: Vneconomy

1 Likes

Tổng hợp tin tức ngày 31.3.2022:

Tin trong nước:

  • Hàng hóa qua cảng biển đạt 77 triệu tấn trong 2 tháng, tăng 1%
  • Tăng vọt từ quý 1, thu ngân sách nhà nước đạt gần 450.000 tỷ đồng
  • Hà Nội: Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gần 11.000ha
  • Doanh nghiệp thuỷ sản “ngóng” giải pháp đột phá trong phát triển cảng biển, logistics đồng bằng sông Cửu Long
  • Đất Lâm Đồng lại dậy sóng: Hơn 12.000 lô đất nền được bán, trao tay gần 12.000 tỷ đồng trong 3 tháng
  • Xuất nhập khẩu của TP.HCM tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2022
  • Cần một cơ chế bình ổn giá cao su, đảm bảo lợi ích của các bên

Tin quốc tế:

  • Kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021
  • Nga trấn an các bạn hàng châu Âu chuyện mua khí đốt trả bằng rúp
  • Mỹ, Úc chỉ trích Ấn Độ vì cuộc gặp với ngoại trưởng Nga
  • Lãnh đạo Chechnya: Nga sẽ không nhượng bộ hay từ bỏ mục tiêu ở Ukraine
  • NÓNG: Apple và Meta (Facebook) để “lọt” nhiều dữ liệu mật người dùng vào tay hacker giả danh quan chức suốt từ năm 2021
  • Mỹ rút tàu chiến khỏi Biển Đen trước khi Ukraine “có biến”; Lầu Năm Góc giải thích ra sao?
  • Toàn cảnh chiến sự trưa 31/03: Quân Ukraine phá vây ở Chernihiv - Bước ngoặt then chốt
  • Nga công khai sale-off dầu thô cho Ấn Độ với mức chiết khấu kỷ lục
  • Biến căng: Facebook lén thuê công ty truyền thông thực hiện ‘chiến dịch toàn quốc’, chuyên nói xấu, dìm TikTok suốt nhiều năm

Úi giồi ôi :))))

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".

Từ ngày 28 đến ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Kết luận của kỳ họp có nội dung liên quan đến xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, Uỷ ban kiểm tra Trung Ương nhận thấy:

Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các đồng chí: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Uỷ Ban Kiểm tra Trung Ương cho rằng những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

1 Likes

Ngày mai sẽ ra sao :rofl::rofl::rofl:

Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương: Ông Vũ Bằng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Thành Long, Lê Hải Trà, Nguyễn Sơn chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực chứng khoán

image

“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Từ ngày 28 đến ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Kết luận của kỳ họp có nội dung liên quan đến xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, Uỷ ban kiểm tra Trung Ương nhận thấy:

Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các đồng chí: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Uỷ Ban Kiểm tra Trung Ương cho rằng những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Nguồn bài viết: Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương: Ông Vũ Bằng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Thành Long, Lê Hải Trà, Nguyễn Sơn chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực chứng khoán

Tới đâu tính tới đó ông ạ :)))

Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu bị cảnh cáo

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và bốn người khác bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo.

Theo thông cáo tối 31/3, tại kỳ họp thứ 13 (ngày 28-31/3), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh cáo Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Ba cá nhân cũng bị cảnh cáo gồm các ông Nguyễn Hùng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu; Nguyễn Phi Hùng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu; Nguyễn Văn Ổn, Đảng ủy viên, Phó cục trưởng Điều tra chống buôn lậu.

Ông Ngô Văn Thụy, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, bị khai trừ khỏi Đảng.

Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh tại cuộc họp báo tháng 7/2020. Ảnh: Anh Tú

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục đảng viên, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong công tác cán bộ; đấu tranh phòng, chống buôn lậu; xử lý vi phạm hành chính, xử lý tang vật; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

Cơ quan kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm nêu trên “đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Hải quan, gây bức xúc trong xã hội”.

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét kết quả giải quyết tố cáo ông Trần Hồng Quảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình. Cơ quan này nhận thấy ông Quảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ.

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo ông Trần Hồng Quảng và Trịnh Xuân Hồng (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Chánh văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình).

Cơ quan Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Xem xét kết quả giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020 còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc; công tác cán bộ và trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những vi phạm; kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo kết quả về cơ quan kiểm tra Trung ương.

Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, kiểm tra công tác tài chính đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có một số vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra.

Nguồn bài viết: Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu bị cảnh cáo - VnExpress

Giảm giá xăng, tăng giá dầu trong một kỳ điều hành đặc biệt

Xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 1.039 đồng/lít. Riêng các loại dầu có mức tăng từ 506 đồng/lít - 1.519 đồng/lít…

Kỳ điều hành đầu tiên giá xăng dầu được áp dụng mức giảm 50% thuế môi trường. Ảnh: Phương Thảo.

0h00 ngày 01/4, liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá các loại xăng dầu. Đây là kỳ điều hành đầu tiên giá mặt hàng này được áp dụng mức giảm 50% thuế môi trường đối với xăng dầu theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít và RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không trích lập.

Đồng thời thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước không chi) và không chi Quỹ BOG xăng dầu đối các mặt hàng xăng dầu khác.

Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92: không cao hơn 27.309 đồng/lít (giảm 1.021 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 866 đồng/lít, nếu thuế môi trường không giảm 1.900 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 1.069 đồng/lít và giá bán sẽ là 29.399 đồng/lít.

Xăng RON95-III: không cao hơn 28.153 đồng/lít (giảm 1.039 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thuế môi trường không giảm 2.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 1.161 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.353 đồng/lít.

Dầu diezen 0.05S: không cao hơn 25.080 đồng/lít (tăng 1.447 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thuế môi trường không giảm 1.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 2.547 đồng/lít và giá bán sẽ là 26.180 đồng/lít.

Dầu hỏa: không cao hơn 23.764 đồng/lít (tăng 1.519 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành) nếu không thực hiện chi Quỹ BOG 500 đồng/lít thì giá sẽ tăng 2.019 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.264 đồng/lít, nếu thuế môi trường không giảm 700 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 2.789 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.534 đồng/lít.

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.929 đồng/kg (tăng 506 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thuế môi trường không giảm 1.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 1.606 đồng/lít và giá bán sẽ là 22.029 đồng/lít.

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.

Lý giải nguyên nhân giảm giá xăng, tăng giá dầu, Liên Bộ cho biết kỳ điều hành lần này, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, thuế bảo vệ môi trường đã được UBTVQH cho phép giảm từ 700-2.000 đồng/lít/kg (tùy loại) nhưng do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ BOG xăng dầu ở mức hợp lý để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.

Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraine tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường, trong khi đó, với những thông tin về tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém lạc quan, cầu xăng dầu có xu hướng giảm trong những ngày gần đây khiến giá xăng dầu trên thị trường thế giới có sự tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/3/2022 và kỳ điều hành ngày 01/4/2022 là: 126,837 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 4,93 USD/thùng, tương đương tăng 4,04% so với kỳ trước); 130,550 USD/thùng xăng RON95 (tăng 4,71 USD/thùng, tương đương tăng 3,74% so với kỳ trước.

Đối với mặt hàng dầu hỏa đã ở mức 140,557 USD/thùng (tăng 20,15 USD/thùng, tương đương tăng 16,73% so với kỳ trước); dầu diezne là 140,727 USD/thùng (tăng 18,39 USD/thùng, tương đương tăng 15,03% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S khoảng 679,128 USD/tấn (tăng 54,04 USD/tấn, tương đương tăng 8,64% so với kỳ trước).

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới 21/3/2022 – 01/4/2022. Nguồn: Bộ Công Thương.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100 -1.500 đồng/lít.

Kỳ điều hành lần này, nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng từ 1.069-2.789 đồng/lít/kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/lít).

Theo Liên Bộ, việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, Quỹ BOG của Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường trong nước khi sản xuất xăng dầu trong nước chưa thật sự ổn định; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Nguồn bài viết: Giảm giá xăng, tăng giá dầu trong một kỳ điều hành đặc biệt - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới