Chứng sỹ săn tin!

Egroup của Shark Thủy bị bán giải chấp cổ phiếu IBC, hơn 18% vốn Apax Holdings đã được sang tay trong hơn 1 tháng

image

Sau giao dịch, Egroup còn nắm hơn 13,9 triệu cổ phiếu IBC tương ứng tỷ lệ 16,77% vốn.

Trong thông báo mới nhất, CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (Shark Thủy) vừa báo cáo giao dịch bị bán giải chấp hơn 739 nghìn cổ phiếu Apax Holdings (mã: IBC). Giao dịch được thực hiện bởi Chứng khoán Bảo Việt trong phiên 4/8.

Sau giao dịch, Egroup còn nắm hơn 13,9 triệu cổ phiếu IBC tương ứng tỷ lệ 16,77% vốn.

Đáng nói, ngay sau khi tổ chức này bị bán giải chấp cổ phần, thị giá IBC đã bốc đầu tăng kịch trần hai phiên liên tiếp sau đó lên mức 2.390 đồng/cp.

image

Thống kê từ ngày 28/6 tới hết phiên 4/8/2023, Egroup đã bán ròng tổng cộng 15 triệu cổ phiếu IBC tương ứng 18,04% vốn, con số này cũng bằng đúng lượng BVSC đăng ký bán giải chấp.

Xét từ đầu năm 2023 tới nay, lượng sở hữu của tổ chức liên quan tới Shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm gần 43%, tương ứng gần 36 triệu cổ phiếu. Lượng không nhỏ trong số này bị bán giải chấp bởi các công ty chứng khoán, song song với đó là việc bán ra chủ động của tổ chức này.

Hiện Apax Holdings vẫn chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong văn bản giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch, IBC cho biết, công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề. Ngoài ra, tình hình hoàn thiện báo cáo của công ty con - Công ty CP Anh ngữ Apax đang gặp một số khó khăn do thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính năm 2022.

Apax Holdings đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để hoàn thành báo cáo tài chính năm 2022 trong thời gian sớm nhất. Công ty CP Đầu tư Apax Holdings cam kết sẽ thực hiện công bố thông tin với báo cáo tình chính năm 2022 ngay sau khi phát hành, đồng thời thực hiện công bố thông tin đối với báo cáo thường niên năm 2022 và báo cáo tài chính quý I/2023 theo đúng quy định.

Gần nhất, HoSE tiếp tục có văn bản nhắc nhở IBC về việc chậm nộp Báo cáo tình hình quản trị công ty và Bảng cung cấp thông tin quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023.

Nguồn: Egroup của Shark Thủy bị bán giải chấp cổ phiếu IBC, hơn 18% vốn Apax Holdings đã được sang tay trong hơn 1 tháng

Quỹ ngoại quy mô gần 900 triệu USD vừa có tháng 7 “rực rỡ” nhất kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa thắng được VN-Index

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7, hiệu suất đầu tư của quỹ ngoại này đạt 14,39% cũng thấp hơn so với mức tăng của VN-Index (21,4%) trong cùng thời kỳ.

![Quỹ ngoại quy mô gần 900 triệu USD vừa có tháng 7 “rực rỡ” nhất kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa thắng được VN-Index](https://cafefcdn.com/thumb_w/640/203337114487263232/2023/8/9/avatar1691593602430-16915936027701642848504.png “Quỹ ngoại quy mô gần 900 triệu USD vừa có tháng 7 “rực rỡ” nhất kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa thắng được VN-Index”)

Theo báo cáo tháng 7 mới công bố, Pyn Elite Fund vừa ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp có hiệu suất đầu tư dương, với mức 5,15%. Đây là mức hiệu suất tốt nhất mà quỹ ngoại này đạt được trong tháng 7 kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2013.

Tuy nhiên, mức hiệu suất 5,15% của Pyn Elite Fund vẫn còn thua xa so với mức tăng 9,17% của VN-Index trong tháng 7. Như vậy, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã có 3 tháng liên tiếp không thể chiến thắng thị trường dù có hiệu suất dương.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7, hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund đạt 14,39% cũng thấp hơn so với mức tăng của VN-Index (21,4%) trong cùng thời kỳ.

Trong tháng 7, thị trường chứng khoán giao dịch đầy khởi sắc, VN-Index có lần đầu tiên vượt mốc 1.200 điểm kể từ tháng 9/2022 nhờ sự phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành.

Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3, lãi suất huy động đã giảm 300 điểm cơ bản so với đầu năm, thúc đẩy dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán từ tiền gửi ngân hàng. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 7 đạt 893 triệu USD, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 và thậm chí đạt gần 1 tỷ USD trong tuần cuối cùng của tháng.

Trong bối cảnh đó, danh mục của Pyn Elite Fund cũng chỉ có đúng 2 khoản đầu tư ghi nhận hiệu suất âm trong tháng 7 là VEAM (VEA) và Sacombank (STB). Ngược lại, các cổ phiếu VHM, VRE, ACV, MBB và chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF là những khoản đầu tư có hiệu suất tốt trong tháng vừa qua.

Tính đến cuối tháng 7, Pyn Elite Fund quản lý danh mục có quy mô lên đến 789,6 triệu EUR (~870 triệu USD) và là một trong những quỹ ngoại lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ chiếm đến hơn 85% danh mục trong đó có đến 5 ngân hàng và một chứng chỉ quỹ mô phỏng chỉ số tài chính (SSIAM VNFinLead ETF).

Báo cáo của Pyn Elite Fund cho biết, trong nửa đầu năm 2023, 16 cổ phiếu cốt lõi của quỹ ngoại này có mức tăng trưởng thu nhập trung bình ở mức 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng thu nhập của các công ty niêm yết trên sàn HoSE giảm 10% so với nửa đầu năm 2022. Nền tảng này là một trong những yếu tố khiến Petri Deryng - người đứng đầu Pyn Elite Fund tự tin danh mục của quỹ sẽ hoạt động tốt hơn VN-Index trong nửa cuối năm.

Về vĩ mô, dữ liệu tháng 7 tiếp tục cho thấy những cải thiện đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng âm 1%. FDI đăng ký và giải ngân trong tháng 7 cũng tăng lần lượt 86% và 3,04% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược thành công xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2023.

Trước sự suy yếu của sức mua toàn cầu, xuất khẩu tháng 7 ghi nhận mức giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số trên đã khả quan hơn hiều so với mức giảm 12% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt mức cao nhất mọi thời đại mới là 15,2 tỷ USD so với đầu năm, hỗ trợ dự trữ ngoại hối và tỷ giá hối đoái ổn định.

Đáng chú ý, lạm phát vẫn ở mức cực kỳ thấp (2,06%) tạo cơ hội cho các đợt giảm lãi suất tiếp theo. Theo Pyn Elite Fund, đã có những cuộc đàm phán về việc cắt giảm lãi suất điều hành hơn nữa trong những tháng tới. Trong thư gửi nhà đầu tư vào cuối tháng 7, quỹ ngoại này dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6% vào quý 3, nhờ đó mà tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết sẽ tăng tốc và việc tái phân bổ vốn trở lại thị trường chứng khoán sẽ tiếp diễn.

Nhà đầu tư cần cẩn trọng với cổ phiếu ngành gạo

Các chuyên gia nhận định đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành gạo mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường biến động trong thời gian ngắn.

Nhà đầu tư cần cẩn trọng với cổ phiếu ngành gạo - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu đạt kỷ lục 11 năm, giá lúa tăng từng ngày. Ảnh VNEconomy

Trong phiên 9/8, nhiều mã cổ phiếu ngành gạo đã điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng. Theo đó, VSF sau khi tăng kịch trần trong phiên sáng đã quay đầu giảm sàn trong phiên chiều, kết phiên, cổ phiếu này giảm 15% về mốc 31.800 đồng/CP. Tương tự, AGM cũng giảm hết biên độ về mức 12.600 đồng/CP. Hướng ngược lại chỉ có mã NAF giữ được sắc tím và chốt phiên tại mức 16.350 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngành gạo có dấu hiệu chững lại sau nhiều phiên hứng khởi, tính trong 1 tháng trở lại đây các cổ phiếu nhóm này đã tăng rất mạnh, thậm chí tăng bằng lần. Điển hình như AGM, dù đang bị hạn chế giao dịch nhưng kể từ ngày 24/7 đến nay, AGM đã có 12 phiên tím trần. Thị giá AGM hiện đạt 12.600 đồng/CP, tương ứng tăng hơn 100% sau 1 tháng.

Mã NAF của CTCP Nafoods Group cũng tăng 17% kể từ đầu tháng 7. Còn TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã tăng 40%, lên mức 22.200 đồng/CP - tương đương vùng giá vào tháng 9/2022. Ngoài ra còn phải kể đến LTG của Tập đoàn Lộc Trời với mức tăng hơn 30% lên vùng 39.400 đồng/cổ phiếu.

Trước đà tăng nóng trên, nhiều công ty đã phải giải trình. Theo đó, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo VSF và AGM đều khẳng định không tác động gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường. Theo các đơn vị này, giá cổ phiếu do cung - cầu trên thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp.

Lưu ý rằng, cổ phiếu nhóm gạo nổi sóng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2 không mấy khả quan. Điển hình như TAR báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi lên sàn UPCoM hồi đầu năm 2019.

Theo giải trình, Trung An kinh doanh thua lỗ chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài. Lũy kế nửa đầu năm 2023, dù doanh thu thuần của TAR tăng trưởng 46% đạt 2.513 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt vỏn vẹn 605 triệu đồng, giảm tới gần 99% so với cùng kỳ.

Với AGM, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này trong quý 2 giảm 88% so với cùng kỳ, về còn 162 tỷ đồng còn lỗ sau thuế ở mức 33 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này đẩy số lỗ ròng của AGM sau 6 tháng đầu năm lên gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 6 tỷ đồng.

Về phần mình, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood 2 - VSF), trong quý 2 ghi nhận 6.867 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 125% so với cùng kỳ. Song, công ty chỉ lãi vỏn vẹn 9 tỷ đồng do giá vốn cao và chi phí bào mòn. Còn tính từ đầu năm đến nay, VSF lãi 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tương tự, lợi nhuận trong quý 2 của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX) chỉ ở mức 5 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, AFX lãi gần 10 tỷ đồng trong khi doanh thu hơn 900 tỷ đồng.

Điểm sáng nổi bật nhất của ngành thuộc về Lộc Trời (LTG), ông lớn ngành gạo ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 3.678 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên hết gần 327 tỷ đồng, LTG đã lãi sau thuế gần 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng - Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.

Tiềm ẩn rủi ro

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.

So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhóm cổ phiếu gạo thường bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, mà cụ thể là giá gạo thời gian gần đây tăng rất mạnh. Nguyên nhân là bởi trong bối cảnh ElNino xuất hiện và có khả năng kéo dài sang năm 2024 đe dọa đến nguồn cung lương thực toàn cầu; ngoài ra sau Ấn Độ, đến Nga và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng cấm xuất khẩu gạo, làm giá lương thực tăng vọt.

Do đó, ngành gạo Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng được kỳ vọng hưởng lợi.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định đà tăng của nhóm gạo mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường cũng chỉ mang tính chu kỳ trong thời gian ngắn.

“Cổ phiếu nhóm này hút dòng tiền khi doanh nghiệp “được mùa”, và từ đó đón sóng cổ phiếu. Dù vậy sau giai đoạn này, cổ phiếu lúa gạo sẽ khó hút tiền từ nhà đầu tư vì chỉ số ROE của nhóm này thấp hơn nhiều so với các ngành khác”, ông Minh nói.

Ngoài ra, lúa gạo là ngành kinh doanh nhiều rủi ro, khó đoán trước, phụ thuộc vào thời tiết. Mặt khác, dòng tiền vào nhóm này cũng mang tính đầu cơ bởi có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2023 không tốt song giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh, do đó nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ trước khi xuống tiền.

Ông Nguyễn Thế Minh lưu ý thêm rằng, không phải các doanh nghiệp gạo đều hưởng lợi như nhau khi giá hàng hóa tăng, bởi, nhóm gạo gồm 2 loại: Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu; hai là thương mại. Vị chuyên gia này đánh giá nhóm sản xuất và xuất khẩu có ROE cao hơn, ổn định hơn và rủi ro thấp hơn.

Nguồn: Nhà đầu tư cần cẩn trọng với cổ phiếu ngành gạo

Đợt đại cơ cấu danh mục của MSCI: 32 cổ phiếu Việt Nam được thêm vào rổ Frontier Markets Index, 116 mã vào rổ Small Cap

Đợt đại cơ cấu danh mục của MSCI: 32 cổ phiếu Việt Nam được thêm vào rổ Frontier Markets Index, 116 mã vào rổ Small Cap

Tại ngày 31/7, cổ phiếu của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong cả 2 rổ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets Small Cap Index với tỷ lệ lần lượt là 28,65% và 26,4%.

Trong đợt review tháng 8/2023, MSCI bất ngờ thêm mới 103 cổ phiếu vào danh mục MSCI Frontier Markets Index. Trong đó, cổ phiếu Việt Nam được thêm nhiều nhất với 32 mã.

Nhóm được thêm mới có nhiều cái tên đáng chú ý như DXG, DIG, DGW, DGC, FRT, GEX, HAG, KDH, PDR, VHC, DPM, DCM, PVD, PVS, PVT…. Hầu hết các cổ phiếu này đều được chuyển sang từ MSCI Frontier Markets Small Cap Index.

Chiều ngược lại, MSCI cũng loại 2 cổ phiếu Việt Nam khỏi danh mục MSCI Frontier Markets Index là BVH và SSB bên cạnh một cổ phiếu nước ngoài khác. Như vậy, rổ danh mục MSCI Frontier Markets Index sau kỳ review này có tổng cộng 198 mã.

Tại ngày 31/7, cổ phiếu của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số với tỷ lệ 28,65%. Xếp sau là Morocco và Romania, với tỷ lệ khá tương đồng là 11,54% và 11,2%.

Tại thời điểm này, top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong MSCI Frontier Markets Index có tới 6 mã từ Việt Nam, là HPG, VIC, VHM, VNM, VCB và MSN. Trong đó, HPG chiếm lớn nhất trong số các cổ phiếu Việt Nam với 4,17% và là cái tên có tỷ trọng lớn thứ 2 trong danh mục.

116 cổ phiếu Việt Nam vào MSCI Frontier Markets Small Cap Index

Cùng trong đợt review tháng 8/2023, danh mục của chỉ số MSCI Frontier Markets Small Cap Index cũng đã có biến động mạnh khi có đến 245 mã được thêm mới và 120 mã bị loại. Trong đó, Việt Nam được thêm mới nhiều nhất với 116 mã cổ phiếu nhưng cũng bị loại ra 36 mã. Sau kỳ review, danh mục MSCI Frontier Markets Small Cap Index có tổng cộng 298 mã cổ phiếu.

Nhóm được thêm mới có một số cái tên đáng chú ý như APH, AGG, BAF, BCG, IJC, DBC, DXS, HQC, L14, NKG… Ngược lại, các mã bị loại đa phần được chuyển sang rổ MSCI Frontier Markets Index. Ngoài ra còn một số cái tên khác không được điều chuyển như BWE, THD, VSH, PHR.

Tại ngày 31/7, cổ phiếu của Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số với tỷ lệ 26,4%, tăng 3,49% so với thời điểm cuối tháng 4/2023. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bangladesh (10,67%) và Iceland (10,2%). Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất có 3 mã của Việt Nam, lần lượt là VND (2,11%), KDH (1,49%) và DGC (1,49%).


Các thay đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Lần review tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 14/11/2023 theo giờ CEST (múi giờ UTC +1, giờ châu Âu), tức rạng sáng ngày 15/11/2023 theo giờ Việt Nam.

Nguồn: Đợt đại cơ cấu danh mục của MSCI: 32 cổ phiếu Việt Nam được thêm vào rổ Frontier Markets Index, 116 mã vào rổ Small Cap

Chứng khoán Việt Nam đón thêm một quỹ ETF mô phỏng bộ chỉ số các cổ phiếu “kim cương”

image

ETF BVFVN DIAMOND là quỹ ETF thứ 3 trên thị trường mô phỏng chỉ số VN Diamond Index, do Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt quản lý.

Ngày 11/8/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã chính thức đưa 5.100.000 chứng chỉ quỹ của Quỹ ETF BVFVN DIAMOND (Mã chứng khoán: FUEBFVND) vào giao dịch với tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 51.000.000.000 đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.065,01 đồng với biên độ dao động giá +/-20%.

Đây là ETF (quỹ hoán đổi danh mục) thứ 3 mô phỏng theo chỉ số VN Diamond trên thị trường sau quỹ ETF VFMVN DIAMOND (mã: FUEVFVND) và quỹ ETF MAFM VNDIAMOND (mã: FUEMAVND) nhằm đáp ứng nhu cầu chọn lựa của các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư nước ngoài, kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn bổ sung vào sản phẩm ETF trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Quỹ ETF BVFVN DIAMOND mô phỏng chỉ số VN DIAMOND – chỉ số các cổ phiếu kim cương Việt Nam. Chỉ số VN DIAMOND được HOSE công bố và quản lý, bao gồm tối thiểu là 10 và tối đa là 20 cổ phiếu thành phần. Quỹ ETF BVFVN DIAMOND là quỹ hoán đổi danh mục và không giới hạn về thời gian hoạt động, do Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt quản lý.

Các thành viên lập quỹ kiêm đại lý phân phối gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam. Ngân hàng giám sát là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, đại lý chuyển nhượng là Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Quỹ ETF BVFVN DIAMOND áp dụng chiến lược đầu tư thụ động trên cơ sở mô phỏng chỉ số VN DIAMOND để đạt được mục tiêu đầu tư. Khi danh mục chứng khoán của chỉ số tham chiếu có sự thay đổi, quỹ sẽ thực hiện điều chỉnh danh mục của quỹ để phù hợp với danh mục của chỉ số tham chiếu về cơ cấu và tỉ trọng tài sản. Danh mục đầu tư của quỹ bao gồm các chứng khoán cơ cấu trong danh mục của chỉ số VNDIAMOND và các tài sản khác được quy định cụ thể tại Bản cáo bạch của Quỹ.

Nguồn: Chứng khoán Việt Nam đón thêm một quỹ ETF mô phỏng bộ chỉ số các cổ phiếu "kim cương"

Một quỹ chuyên đầu tư Bluechips của Dragon Capital bất ngờ muốn chuyển hướng sang “ôm” cổ phiếu hưởng cổ tức, danh mục nói không với trái phiếu

image

Mục tiêu của quỹ sẽ chuyển sang đầu tư vào chứng khoán vốn có nguồn thu đều đặn từ lãi và cổ tức thay vì tập trung các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn như cũ.

Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu DC (DC Blue Chip Fund, DCBC) vừa công bố tờ trình đại hội nhà đầu tư, trong đó đáng chú ý là nội dung kế hoạch thay đổi tên quỹ, thay đổi mục tiêu đầu tư, chiến lược đầu tư của quỹ.

Theo đó, DCBC dự kiến chuyển tên thành "Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tập trung Cổ tức DC - DCDE". Mục tiêu của quỹ sẽ chuyển sang đầu tư vào chứng khoán vốn có nguồn thu đều đặn từ lãi và cổ tức thay vì các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn như trước.

Chiến lược mới cũng sẽ tập trung dành 100% tài sản quỹ vào cổ phiếu các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn trong quá khứ hoặc trong thời gian tới tại tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, cơ cấu đầu tư sau khi thay đổi sẽ không đầu tư vào trái phiếu niêm yết, trái phiếu chào bán ra công chúng, trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Nhà đầu tư quỹ DCBC sẽ thực hiện họp đại hội bất thường nhằm thông qua nội dung trên vào ngày 30/8 tới đây.

DCBC là quỹ thành viên thuộc Dragon Capital, giá trị tài sản ròng vào thời điểm 3/8/2023 đạt gần 388 tỷ đồng.

Động thái của DCBC có phần bất ngờ khi hầu hết quỹ đầu tư trên thị trường luôn chọn các Bluechips cho danh mục mình. Nếu chuyển đổi thành công, DCBE sẽ là quỹ tiên phong xây dựng chiến lược đầu tư một cách cụ thể là “săn” cổ phiếu nhằm hưởng cổ tức thay vì sự chênh lệch giá lúc bán so với khi mua. Đây sẽ là lựa chọn mới mẻ cho những nhà đầu tư mong muốn lợi nhuận có tính dài hạn, bền vững và ổn định hơn.

Danh mục của DCBC tại thời điểm cuối tháng 7 đang nắm các cổ phiếu như VCB (tỷ trọng 7,5%), FPT (6,5%), HPG (4,7%), VHM (4,5%), MBB (4,2%),…

[

]

Nguồn: Một quỹ chuyên đầu tư Bluechips của Dragon Capital bất ngờ muốn chuyển hướng sang "ôm" cổ phiếu hưởng cổ tức, danh mục nói không với trái phiếu

Lộ diện liên danh trúng gói thầu 9.000 tỷ của DA Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, có 3 thành viên của Vietur

Giá trúng thầu là 9.034 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 600 ngày kể từ ngày chủ đầu tư phát lệnh khởi công và bàn giao mặt bằng chính thức cho nhà thầu để thi công công trình.

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã CK: ACV) vừa công bố quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 12 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3” thuộc dự án “Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”.

Theo đó, bên trúng thầu là Liên danh Nhà thầu gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp - mã CK: HAN) ; Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã CK: CC1); Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, CTCP Đầu tư xây dựng RICONS, Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.

Giá trúng thầu là 9.034 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 600 ngày kể từ ngày chủ đầu tư phát lệnh khởi công và bàn giao mặt bằng chính thức cho nhà thầu để thi công công trình.

Trong đó, Hancorp, CC1 và Ricons là 3 nhà thầu góp mặt trong liên danh Vietur - 1 trong 3 liên danh tham gia cạnh tranh trong gói thầu 5.10: Thi công xây dựng và lắp đặt thiệt bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 sân bay Long Thành (giai đoạn 1) trị giá 35.000 tỷ đồng.

Hancorp là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, hiện nay Bộ đang nắm 98,83% vốn điều lệ của Tổng công ty. Theo giới thiệu, Hancorp đã thi công hàng nghìn công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên mọi miền đất nước và các công trình ở nước ngoài. Một số công trình có thể kể đến như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Nhà hát lớn TP Hà Nội, Khách sạn quốc tế Hồ Tây, …

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 , doanh thu thuần Tổng công ty giảm 29% xuống 901 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỷ đồng so với cùng kỳ.

CC1 là doanh nghiệp xây dựng có thế mạnh trong các công trình năng lượng và công trình hạ tầng giao thông với việc CC1 gần như đã chiếm lĩnh được toàn bộ thị phần thi công tác công trình năng lượng của Chính phủ khu vực phía Nam Việt Nam và thi công hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông tầm cỡ. Bên cạnh đó, CC1 cũng thực hiện thi công nhà cao tầng và các công trình công nghiệp, nhà ở đô thị, bệnh viện, trường học … 6 tháng đầu năm 2023, CC1 ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 18,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5,8 tỷ đồng.

Ricons là doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương. Về tình hình kinh doanh quý 2 của Ricons, công ty doanh thu thuần hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% và lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, 3 doanh nghiệp còn lại có 2 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng và Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12).

Nguồn: Lộ diện liên danh trúng gói thầu 9.000 tỷ của DA Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, có 3 thành viên của Vietur

Giá chạy trước, cổ phiếu nhóm bán lẻ còn hấp dẫn?

Là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm, song nghịch lý là các doanh nghiệp bán lẻ lại có kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm giảm mạnh so với các nhóm ngành khác.

Ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, mà tiêu biểu là nhóm ngành bán lẻ.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng trong quý II/2023 chưa cải thiện khi doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng chậm lại (tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước) so với quý I/2023 (tăng 11,4%). Mức tăng của quý II/2023 thấp hơn CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2016-2019 là 11,8%, do thu nhập của người dẫn vẫn chưa phục hồi khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa có chuyển nhiều chuyển biến tích cực: tình hình xuất nhập khẩu, đơn hàng mới,…

Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng năm 2023 đạt 3,29% duy trì đà tăng 3 năm liên tiếp và vượt mức trước đại dịch 2,64% (6 tháng năm 2019) do chịu tác động bởi các yếu tố từ tăng chi phí đầu vào do tác động Elnino (nhóm gạo, thịt lợn,…), nhu cầu phục hồi (nhóm giao thông, điện,…). Cộng hưởng vào đó là áp lực từ cạnh tranh và lãi vay tăng khiến kết quả kinh doanh quý II/2023 của nhiều số doanh nghiệp bán lẻ niêm yết ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận nhiều hơn thị trường.

Số liệu từ CTCP Chứng khoán VNDirect chỉ ra doanh thu thuần nhóm bán lẻ trong quý II/2023 giảm 10,5%, còn lãi ròng giảm đến gần 80%.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý II/2023, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - HoSE: FRT) ghi nhận lỗ sau thuế 215 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết, mặc dù doanh thu thuần tăng 15,4% lên 7.170 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.924 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,6% nhưng lỗ ròng 213 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 216 tỷ đồng.


FRT ghi nhận lỗ sau thuế 215 tỷ đồng trong quý II/2023, mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. Ảnh: Trọng Hiếu

Tăng trưởng doanh thu của FRT là nhờ hệ thống nhà thuốc Long Châu, với doanh thu tăng 72% lên 6.899 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chuỗi FPT Shop ghi nhận doanh thu giảm 19% xuống 8.118 tỷ đồng; lỗ ròng 318 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 186 tỷ đồng.

FRT cho biết KQKD lỗ là do cầu hàng hóa trong quý I và quý II/2023 giảm mạnh bởi tác động tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô: Xuất nhập khẩu giảm, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng… ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người dân, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng có giá trị cao như hàng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giá bán của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm 2023.

Tương tự, CTCP Thế giới di động (HoSE: MWG) cũng ghi nhận doanh thu quý II giảm 14% so với cùng kỳ, còn 29.464 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17,4 tỷ đồng, giảm đến 98%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của công ty ở mức 56.570 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 38,7 tỷ đồng, giảm tới 98%.

Giải trình về việc lợi nhuận quý II giảm, MWG cho biết do sức mua của các mặt hàng điện thoại, điện máy nói chung suy yếu kể từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm nay (ngoại trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ). Công ty đã tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, góp phần tăng doanh thu 8% so với quý I và chỉ còn giảm 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý II vẫn sụt giảm so với quý I và cùng kỳ 2022.

Công ty CP Thế giới số (Digiworld - HoSE: DGW) cũng rơi vào tình trạng ảm đạm khi doanh thu thuần quý II/2023 ghi nhận đạt 4.596 tỷ đồng, giảm 6%, lãi ròng 87 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của DGW ước đạt 8.556 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, lần lượt giảm 28,2% và 51,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, mảng điện thoại vốn là mảng quan trọng, đóng góp phần lớn doanh thu cho DGW thì chỉ đạt 2.190 tỷ đồng doanh thu trong quý II, giảm 19%. Mảng thiết bị văn phòng đem lại doanh thu 730 tỷ đồng, giảm 17% do các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu.

Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO – HoSE: PET) cũng không phải ngoại lệ khi lãi ròng quý II/2023 giảm 77,6% so với cùng kỳ, xuống 3,3 tỷ đồng dù doanh thu thuần tăng 30,2%, lên 4.503 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của PET ước đạt 8.749 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, giảm 58,4% so với cùng kỳ.

PET lý giải lợi nhuận giảm trong kỳ do nhu cầu của thị trường sụt giảm nên các sản phẩm trên toàn thị trường đồng loạt giảm giá. Điều này làm cho biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong kỳ.

Triển vọng nào cho cổ phiếu bán lẻ?

Dù KQKD suy giảm mạnh, song điều bất ngờ là giá cổ phiếu nhóm bán lẻ lại diễn biến rất tích cực. Tính từ đầu năm đến nay (tại phiên 11/8), 4/4 mã đều tăng điểm mạnh gồm PET (+73,46%), DGW (+41,05%), FRT (+26,9%), MWG (+25,43%).

Theo quan điểm của BSC, diễn biến tích cực của giá cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ trong quý II/2023 nhằm phản ánh: Kỳ vọng của giới đầu tư về KQKD nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ sẽ phục hồi khả quan vào cuối năm 2023 -2024; kỳ vọng biến tích cực theo hướng “tập trung hoá” và “hiệu quả” trong trung hạn.

BSC cho rằng KQKD nhóm bán lẻ trong nửa cuối năm 2023 sẽ cải thiện so với nửa đầu năm 2023, và những cổ phiếu có câu chuyện vẫn được kỳ vọng có diễn biến giá cổ phiếu tốt hơn thị trường trong trung hạn.

Ở góc nhìn của ACBS, công ty chứng khoán này nhìn nhận triển vọng ngành bán lẻ sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài chính….

Ngoài ra, mô hình dân số đông và đang tăng trưởng kéo theo nhu cầu các sản phẩm thiết yếu vẫn được chú trọng, trong khi tầng lớp trung lưu mở rộng có thể hỗ trợ tăng trưởng cho nhóm hàng xa xỉ như hàng công nghệ thông tin. Nhìn chung, về dài hạn, nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung, ngành hàng công nghệ thông tin nói riêng.

Nguồn bài viết: Giá chạy trước, cổ phiếu nhóm bán lẻ còn hấp dẫn?

Dragon Capital: Thông tin tích cực phản ánh đáng kể, định giá trường tăng lên mức trung bình 5 năm

image

Những thông tin tích cực liên quan lợi nhuận của các doanh nghiệp đã được phản ảnh vào thị trường, dẫn đến việc định giá TTM PE 80 doanh nghiệp hàng đầu của Dragon Capital tăng lên mức 12,8 lần, bằng với mức trung bình 5 năm.

VN-Index tăng 8,8% trong tháng 7, cao hơn gần gấp đôi mức tăng trưởng của tháng 6 với khối lượng giao dịch bình quân phiên cao nhất trong hơn một năm trở lại đây khi các nhà đầu tư cá nhân đã trở lại thị trường. Thanh khoản vượt 1 tỷ USD cùng với mức trung bình tháng tăng 8% lên mức 776 triệu USD mỗi ngày đã cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư.

Niềm tin trên thị trường đã quay trở lại

Trong báo cáo mới công bố, Dragon Capital cho rằng niềm tin của nhà đầu tư dần phục hồi có thể bắt nguồn từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà trong tháng 7, giải ngân đầu tư công đạt mức 6,9%, hoàn thành vượt xa con số đạt được trong cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Dragon Capital nhận thấy có một sự gia tăng đáng kể trong lượng tiền gửi và số dư ký quỹ của các nhà đầu tư cá nhân tại các công ty chứng khoán, điều này thể hiện niềm tin trên thị trường đã quay trở lại.

Thị trường tháng 7 cũng chứng kiến sự xoay chuyển giữa các nhóm ngành, khi sự quan tâm chuyển từ chứng khoán và bất động sản sang bán lẻ. Các doanh nghiệp này từ vị thế bám đuổi đã hưởng lợi khi dòng tiền được cải thiện, phù hợp với đà tăng của thị trường. Sau một thời gian im ắng, phân khúc bán lẻ đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 7 khi có mức tăng đến 20,4%.

Định giá thị trường tăng lên mức trung bình 5 năm

Những thông tin tích cực liên quan lợi nhuận của các doanh nghiệp đã được phản ảnh vào thị trường, dẫn đến việc định giá TTM PE 80 doanh nghiệp hàng đầu của Dragon Capital tăng lên mức 12,8 lần, bằng với mức trung bình 5 năm. Nghiên cứu sâu hơn về những cổ phiếu này cùng kết quả kinh doanh quý 2 đã cho thấy một bức tranh về sự hồi phục nhẹ của nền kinh tế.

Dragon Capital quan sát thấy rằng đây là quý thứ 2 liên tiếp có sự tăng trưởng lợi nhuận so với các quý trước, mặc dù lợi nhuận ròng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã tăng 9% so với quý trước. Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò trụ cột cho thị trường, chiếm 59% tổng lợi nhuận từ đầu năm đến nay, duy trì sự ổn định so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò trụ cột cho thị trường, chiếm 59% tổng lợi nhuận từ đầu năm đến nay, duy trì sự ổn định so với cùng kỳ năm trước. Các ngành bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán và công nghệ thông tin cũng có mức tăng trưởng nổi bật khi chiếm 1/5 tổng lợi nhuận toàn thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành năng lượng, nguyên liệu, hóa chất và bản lẻ lại có sự sụt giảm trong quý này. Dự báo cho quý 3 sẽ mở rộng ra động lực tích cực cho sự phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm 2023.

Dù vậy, sự gia tăng định giá P/E đã phản ánh kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về sự phục hồi kinh tế, cộng hưởng bởi sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô trong năm nay. Hiện tại, Dragon Capital cho rằng sự chú ý sẽ hướng về phía các doanh nghiệp, với những nền tảng đã được thiết lập, cần có động thái kinh doanh phù hợp, tạo ra lợi nhuận đủ để đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.

Nguồn bài viết: Dragon Capital: Thông tin tích cực phản ánh đáng kể, định giá trường tăng lên mức trung bình 5 năm

Phó Chủ tịch một công ty chứng khoán muốn mua gần 4% công ty, dự chi 140 tỷ đồng

image

Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với khoản lãi gần trăm tỷ trong quý 2, thị giá cổ phiếu tăng 58% sau khoảng hai tháng.

Theo thông báo mới nhất, bà Đinh Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Thiên Việt (mã: TVS) đã đăng ký mua vào gần 6 triệu cổ phiếu TVS theo phương thức thỏa thuận. Thời gian thực hiện dự kiến 17/8 – 15/9/2023.

Nếu thành công, lượng cổ phần sở hữu của bà Hoa tại TVS sẽ tăng từ 7,5 triệu đơn vị, tỷ lệ 4,97% lên gần 13,4 triệu đơn vị, tỷ lệ 8,84%. Tạm tính theo giá chốt phiên 14/8 trên sàn của TVS là 23.800 đồng/cp, ước tính bà Hoa phải chi khoản tiền gần 140 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.

Động thái của bà Hoa ghi nhận trong bối cảnh cổ phiếu TVS đang đi ngang sau quãng tăng tốt cuối tháng 5 – tháng 7/2023. Thị giá leo nhanh từ vùng 16.x đồng/cp lên mức 25.300 đồng/cp, tương ứng tăng 58% sau khoảng hai tháng.

Phó Chủ tịch một công ty chứng khoán muốn mua gần 4% công ty, dự chi 140 tỷ đồng - Ảnh 1.

Về công ty, Chứng khoán Thiên Việt vừa bổ nhiệm thêm một Phó Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Hồng Hải (sinh năm 1974). Ông Hải còn là Thành viên HĐQT TVS và không nắm giữ cổ phiếu nào.

Tình hình kinh doanh của TVS trong quý 2 vừa qua ghi nhận khởi sắc. Doanh thu tăng gấp đôi lên 205 tỷ đồng và LNST chuyển từ lỗ 57 tỷ đồng cùng kỳ năm trước sang lãi lớn 99 tỷ đồng trong quý 2 năm nay. Theo TVS, biến động tích cực của thị trường giúp hoạt động tự doanh và môi giới của công ty tăng trưởng tốt.

Nguồn: Phó Chủ tịch một công ty chứng khoán muốn mua gần 4% công ty, dự chi 140 tỷ đồng

Cổ đông Đạm Phú Mỹ sắp bỏ túi gần 1.200 tỷ đồng tiền cổ tức

Cổ đông Đạm Phú Mỹ sắp bỏ túi gần 1.200 tỷ đồng tiền cổ tức

DPM đã thống nhất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 70%, công ty đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40% bằng tiền trong tháng 2 vừa qua.

Ngày 23/8 tới đây, Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2022. Tỷ lệ chi trả là 30% tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 3.000 đồng/cp.

Với hơn 391 triệu cổ phần đang lưu hành, Đạm Phú Mỹ dự kiến chi 1.173 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Thời gian thanh toán vào 31/8/2023.

Trước đó, DPM đã thống nhất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 70%, công ty đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40% bằng tiền trong tháng 2 vừa qua.

Trên thị trường, cổ phiếu DPM chốt phiên 14/8 đạt 41.400 đồng/cp.

Về tình hình kinh doanh , quý 2/2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu ghi nhận 3.707 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 101 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 92% so với thực hiện năm trước. Đây cũng là khoản lãi thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý 4/2020.

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam, lợi nhuận trong quý 2/2023 của DPM được cho đã tạo đáy và nhiều khả năng kết quả kinh doanh trong quý 3 và quý 4 sẽ cải thiện rõ rệt. DPM cho biết đã tiêu thụ hết phần tồn kho giá cao trong 6 tháng đầu năm 2023. DPM sẽ giảm thiểu áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong 6 tháng cuối năm 2023.

Công ty kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện đáng kể. Theo hợp đồng khí năm 2023, PVN đồng ý cho DPM lấy tối đa 30% lượng khí đầu vào từ Bạch Hổ, Rồng Đồi Mồi. Đến thời điểm hiện tại, DPM hầu như chưa được lấy khí từ những mỏ này. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt điện phần nào đã được giải quyết. DPM kỳ vọng nguồn khí trong thời gian tới sẽ có giá hấp dẫn hơn.

Công suất tối đa của các nhà máy phân bón tại Việt Nam đang vào khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi cầu ở mức khoảng 2,2 triệu tấn/năm. Mảng Urea của DPM vẫn chạy vượt công suất và dự kiến DPM không có nhu cầu tăng công suất nhà máy do cung nội địa đã vượt cầu.

Nguồn: Cổ đông Đạm Phú Mỹ sắp bỏ túi gần 1.200 tỷ đồng tiền cổ tức

Tiền vào chứng khoán tăng đột biến

Tiền vào chứng khoán tăng đột biến

Thị trường hôm nay (17/8) bất ngờ giao dịch sôi động. Khối lượng cổ phiếu trao tay đạt hơn 1,1 tỷ đơn vị, với giá trị hơn 26.800 tỷ đồng.

Giao dịch thị trường hôm nay được đánh giá rất sôi động khi có tới hơn 1,1 tỷ cổ phiếu trao tay nhưng chỉ số không thể bứt lên do nhóm Bluechips gần như ít biến động. Nhóm bất động sản và ngân hàng đồng loạt nhuốm sắc đỏ khiến thị trường liên tục giằng co ở ngay dưới tham chiếu cho đến sụt giảm ở kết phiên. Trong đó, DIG giảm 2,5%, HQC giảm 3,1%, DXG giảm 2,4%, DXS giảm 3,4%, TCB giảm 1,7%, STB giảm 1,7%, VPB giảm 1,1%…

Đáng chú ý, LDG giảm sàn ngay từ đầu phiên cho thấy thị trường phản ứng trước thông tin Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bán chui 2,6 triệu cổ phiếu. Mới hôm qua mã này còn vươn lên mức giá cao nhất trong vòng một năm, hơn 6.500 đồng/cổ phiếu. Nhưng hôm nay sóng bán tháo đã nhấn chìm LDG khi kết phiên mã này trắng bên mua với dư sàn hơn 25 triệu cổ phiếu.

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) cho biết, sẽ thực hiện loại bỏ đối với giao dịch bán số cổ phiếu LDG trên của ông Nguyễn Khánh Hưng.

Giao dịch nổi bật nhất của thị trường phải kể đến nhóm cổ phiếu chứng khoán . Trong đó, SSI là mã tích cực nhất khi tăng 3,8% và có khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường với hơn 59 triệu cổ phiếu trao tay. Cùng đó, VND tăng 0,9%, HPX tăng 1%. SBS tăng 1,1%… Giá trị giao dịch của nhóm này cũng đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số cổ phiếu riêng lẻ khác thu hút dòng tiền và tăng tốt như TNT tăng trần lên 6.190 đồng/cổ phiếu, MHC tăng trần, TEG tăng 3,5%, GEX tăng 3,3% với khối lượng khớp lệnh đứng thứ tư trên sàn với hơn 42 triệu đơn vị. Đỡ thị trường tránh giảm sâu còn nhờ động lực từ HPG, VND, SSI, CTG, VNM…

Kết thúc giao dịch, VN-Index giảm 9,78 điểm xuống còn 1.233 điểm, HNX-Index giảm 2,59 điểm xuống còn 249.97 điểm, Upcom giảm 0,97 điểm xuống còn 92,7 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 311 mã giảm, 104 mã tăng. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 26.800 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng CTG, HPG, SSI, VIC… trong khi đó bán mạnh VPB, PVS, SHB…

Nguồn: Tiền vào chứng khoán tăng đột biến

1 Likes

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Loạt mã ngược dòng tăng hàng chục phần trăm bất chấp thị trường chung biến động mạnh

image

VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch biến động mạnh với tâm điểm là mức giảm điểm mạnh trong phiên thứ sáu cuối tuần (18/8), xóa sạch thành quả tăng điểm của 3 tuần liền trước. Kết phiên cuối tuần, VN-Index giảm sâu hơn 55 điểm (tương đương 4,5%) để lùi về mốc 1.177 điểm.

Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất có mức tăng thu hẹp so với tuần trước, cao nhất là 39% và thấp nhất là 8%. Cổ phiếu tăng mạnh nhất HOSE là PIT của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (PITCO) khi ghi nhận chuỗi tăng kịch trần 12 phiên liên tiếp lên mức 11.800 đồng/cp.

Giải trình về đà tăng “nóng” của cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giá cổ phiếu tăng là do cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư nằm ngoài kiểm soát công ty và công ty không có sự tác động đến giá giao dịch.

Theo giới thiệu, CTCP Xuất Nhập khẩu Petrolimex tiền thân là Công ty Xuất Nhập khẩu Petrolimex được thành lập từ năm 1999 theo quyết định của Bộ Công Thương. Năm 2004, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và cổ đông nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ công ty.

Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 11%. Đáng chú ý, áp lực chốt lời tiếp tục xuất hiện tại một số cổ phiếu đã có đà tăng nóng trước đó như SJC, EVG, QCG,LEC,…

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng từ 14-54%. Những mã tăng điểm chủ yếu là cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao.

Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều cổ phiếu cũng ghi nhận mức giảm từ 11% - 22% trên HNX. Một số mã tiêu biểu là VC7 (-18%), DDG (-16%), TAR (-11%),…

Trên UPCOM, biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 31%-98% trong tuần qua.

“Quán quân” tăng giá trên UPCOM tuần này tiếp tục gọi tên EPC của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pốk. Sau 5 phiên tăng tăng trần, EPC đã tăng đến 98% giá trị.

Nhìn rộng hơn, cổ phiếu này đã có 8 phiên nhuộm sắc tím bất chấp thị trường chung sóng gió. Theo đó, thị giá EPC cũng đã tăng gấp gần 3 lần sau hơn 1 tuần lên 17.800 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh cao đạt được hồi cuối năm ngoái. Thanh khoản của mã này khá èo uột với vài trăm cổ phiếu, riêng phiên 18/8 khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 nghìn đơn vị.

Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 21% - 40%. Tuy nhiên, những cổ phiếu này chủ yếu là mã nhỏ, không được nhiều người quan tâm.

Nguồn: Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Loạt mã ngược dòng tăng hàng chục phần trăm bất chấp thị trường chung biến động mạnh

Dragon Capital: Không dễ để VN-Index có đợt điều chỉnh lớn hơn 12%, nhà đầu tư rời bỏ thị trường sớm thường phải trả giá cao hơn khi quay trở lại

image

Theo Dragon Capital, nhà đầu tư sớm rời bỏ thị trường trong giai đoạn giảm sâu thường quay lại với mức giá cao hơn khi thị trường hồi phục.

Thị trường chứng khoán ngày 18/8 đã có sự sụt giảm đột ngột và kết thúc phiên tại mốc 1.177,99 điểm (giảm 55,49 điểm). Tốc độ giảm của VN-Index trong phiên giao dịch này khiến giới đầu tư tỏ ra khá hoang mang và đặt ra nhiều dấu hỏi.

Trong bản tin cập nhật về tình hình thị trường, Dragon Capital chỉ ra một số thông tin gần đây có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Thứ nhất, việc nhiều nhà đầu tư e sợ biến động về tỷ giá gần đây sẽ làm ảnh hưởng tới chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam thời gian tới.

Thứ hai, quỹ ngoại cũng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục nhiều phiên dẫn đến tâm lý e ngại về sự điều chỉnh mạnh.

Thứ ba, động thái giảm margin tại một công ty chứng khoán lớn trong những ngày gần đây có thể kích hoạt một đợt bán chốt lời trên diện rộng của nhà đầu tư.

Lợi nhuận doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, VN-Index không dễ điều chỉnh hơn 12%
Theo đánh giá của Dragon Capital, liên quan tới chính sách vĩ mô, thông điệp từ SBV cũng như Chính phủ rất rõ ràng: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng tăng. Đồng thời, trong giai đoạn Trung Quốc có dấu hiệu giảm phát, lạm phát Việt Nam ở mức thấp, những biến động nhẹ và ngắn hạn về tỷ giá sẽ khó có khả năng ảnh hưởng lên xu hướng của chính sách tiền tệ Việt Nam.

Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, quý 1/2023 có thể là quý có kết quả kém nhất, và xu hướng đang trong chiều hướng tích cực. Chu kỳ lợi nhuận một số ngành đang vào khu vực đáy, do đó xét theo tiêu chí P/E có thể sẽ không phản ánh hết được về định giá doanh nghiệp.

Về thị trường, bối cảnh hiện tại đang diễn ra trên nền chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá sau nhiều năm không đầu tư đang bắt đầu trở mình mạnh mẽ, và lợi nhuận doanh nghiệp đang trên đà phục hồi. Theo số liệu quá khứ, không dễ để thị trường có những đợt chỉnh lớn hơn mức 12% . Ngay cả trong tháng 7/2021, khi Việt Nam phải đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế, thị trường giảm không quá 13%.

Do đó, Dragon Capital khuyến nghị nhà đầu tư không nên đoán đáy của thị trường. “Lịch sử của những đợt sụt giảm với lý do tương tự trong quá khứ đã cho thấy nhà đầu tư rời bỏ thị trường sớm giai đoạn này thường quay lại với mức giá cao hơn sau khi thị trường hồi phục”, Dragon Capital nêu rõ quan điểm.

Một số sự kiện quốc tế tác động đến chứng khoán Việt Nam

Đối với các sự kiện trên thị trường quốc tế có thể gây tác động tới chứng khoán Việt Nam, quỹ ngoại chỉ ra sự thận trọng của Fed về lãi suất và lạm phát trong biên bản cuộc họp tháng 7/2023. Tiếp sau Moody’s, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đã cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của hàng chục ngân hàng Mỹ. Trái phiếu 10 năm của Mỹ chạm 4,3%. Chính những điều này làm cho S&P 500 rớt gần 5% trong 3 tuần qua.

Theo Dragon Capital, một điểm không thể phủ nhận là Fed đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt. Dựa trên số liệu quá khứ, khi bước vào đoạn cuối của chu kỳ này, thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh vừa phải từ 7-10% để phản ánh hai rủi ro, một là có suy thoái và hai là nếu không có suy thoái thì lãi suất cao sẽ duy trì bao lâu.

Không những vậy, việc giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng được cho là một nhân tố rủi ro đối với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế láng giềng tại châu Á của Trung Quốc.

Trước đó vào quý 1/2023, giai đoạn Fed liên tục tăng lãi suất, tiền trợ giúp Covid cho người dân bắt đầu hết, hầu hết nhà đầu tư và các nhà kinh tế học đều kỳ vọng suy thoái sẽ diễn ra với nền kinh tế Mỹ. Đây có lẽ là sự kỳ vọng lâu nhất, được nhiều người tin nhất, nhưng lại không diễn ra như mong đợi. Thị trường nhà ở, thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế, và lợi nhuận của S&P 500 đều tăng vượt kỳ vọng. Thêm vào đó lạm phát lại trở nên tốt hơn dự tính. Đó là nguyên nhân của sự vững chắc và tăng trưởng của S&P 500 trong vài tháng qua.

Nguồn bài viết: Dragon Capital: Không dễ để VN-Index có đợt điều chỉnh lớn hơn 12%, nhà đầu tư rời bỏ thị trường sớm thường phải trả giá cao hơn khi quay trở lại

Khoản nợ gần 600 tỷ đồng của HAGL tại Eximbank “đang được đàm phán mua lại”

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai không công bố cụ thể phương thức bán nợ cũng như tổ chức đàm phán mua lại khoản nợ này


Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ với cổ đông về tình hình kinh doanh của công ty.

Nội dung chính:

  • - Công ty dự kiến cuối 2024 cơ bản sẽ hết nợ, khoản nợ với Eximbank đang được đàm phán mua lại.
  • - Hoàng Anh Gia Lai sẽ không mạo hiểm vay vốn đầu tư như trước.
  • - Hoàng Anh Gia Lai lạc quan về triển vọng kinh doanh 2023 với 3 ngành kinh doanh chính: sầu riêng, chuối, nuôi heo.

Chiều 20/8/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) đã tổ chức cuộc gặp gỡ với cổ đông để cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh. Đây là cuộc gặp gỡ chia sẻ, không phải là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Khoản vay với Eximbank đang được đàm phán mua lại

Người đứng đầu công ty, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho biết hiện khoản nợ của công ty trị giá 587 tỷ đồng (gốc và lãi) tại Eximbank đang được một tổ chức đàm phán mua lại. Ông Đức không nêu cụ thể phương án bán nợ cũng như tổ chức đang đàm phán.

Đây là các khoản nợ được công ty vay từ năm 2014. Tính đến cuối năm 2022, có 279 tỷ đồng đáo hạn nhưng chưa được HAGL thanh toán. Vấn đề chậm thanh toán khoản nợ đến hạn này đã được kiểm toán báo cáo tài chính đưa ý kiến nhấn mạnh. Tuy nhiên sau đó nửa năm, việc thanh toán vẫn chưa được thực hiện, số dư nợ vay của HAGL tại Eximbank vẫn gần như giữ nguyên.

Các khoản nợ vay của HAGL tiếp tục là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm. Đặc biệt trong tình hình chi phí lãi vay quý II/2023 của công ty lên tới 266 tỷ đồng, trong khi khoản lãi gộp từ các hoạt động kinh doanh chính trong kỳ chỉ đạt 186 tỷ đồng.

Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của HAGL, tổng nợ vay của công ty tính đến giữa năm 2023 là 8.085 tỷ đồng. Giá trị nợ vay của HAGL đã giảm đi đáng kể sau thời kỳ “đỉnh cao” năm 2015, sau một loạt biện pháp hoán đổi nợ, bán tài sản…


Nếu khoản nợ vay tại Eximbank được đàm phán mua lại thành công như lời ông Đức nói, số dư nợ vay của công ty tại thời điểm giữa năm 2023 sẽ giảm xuống còn gần 7.500 tỷ đồng.

Về khoản lãi vay phải trả tích lũy tới 4.657 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2023, ông Đức cho biết BIDV đã đồng ý việc HAGL sẽ tập trung thanh toán các khoản nợ gốc, khoản lãi sẽ được đàm phán sau. “Giữa HAGL và BIDV có thỏa thuận riêng, từ rất lâu rồi” - ông Đức nhấn mạnh.

Hiện công ty chỉ nợ lãi trái phiếu, còn lãi các khoản vay khác vẫn được thanh toán đầy đủ, đúng hạn. Ông Đức tự tin, bằng nhiều biện pháp thanh toán nợ nần, về cơ bản đến cuối năm 2024 công ty sẽ hết nợ. Ông đồng thời hứa “sẽ không huy động vốn lớn nữa”, mà dùng nguồn tiền thu được từ hoạt động kinh doanh để tái đầu tư.

“Một con hai cây”

Trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo là ba ngành kinh doanh chính mà HAGL sẽ theo đuổi lâu dài.

Để đi đến quyết định này, HAGL đã trải qua nhiều thăng trầm với nhiều ngành kinh doanh khác nhau cùng những thành công, thất bại. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, HAGL bắt đầu với cao su, mía đường, rồi đến cọ dầu.

Khi chuyển hướng sang mảng trái cây, chanh dây được công ty kỳ vọng tăng trưởng, nhưng cũng nhanh chóng dừng lại do tuổi đời của cây chanh ngắn và giá thành cây giống cao, lại dễ sâu bệnh. Bên cạnh chanh dây, công ty cũng thử nghiệm với hàng loạt trái cây khác và từng mang lại một số kết quả tích cực. Có thể kể đến ớt, thanh long, mít, xoài…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, HAGL đã từng thử nghiệm với bò thịt. Khi mô hình nuôi heo ăn chuối thành công, công ty cũng thử nghiệm nuôi gà ăn chuối. Tuy nhiên, sau một thời gian, heo vẫn là lựa chọn duy nhất của HAGL nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội.

Ông Đoàn Nguyên Đức tự tin bản thân là chuyên gia về chuối sau thời gian dài lăn lộn với loại trái cây này. Ngoài ra, ông cũng mời hai chuyên gia khác về sầu riêng (ông Lã Cảnh Cường) và chăn nuôi heo (Trần Văn Dai) để hỗ trợ công ty quản lý hai ngành kinh doanh còn lại.

Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch từ tháng 7/2022. HAGL đã chuẩn bị 1.000 ha sầu riêng từ trước đó, trong đó 700 ha có độ tuổi cây từ 4 - 5 năm, tức là từ cuối 2024 có thể cho trái ổn định.

Hiện HAGL đã thu hoạch lứa trái bói sầu riêng đầu tiên. Công ty cũng vừa trồng thêm 200 ha sầu riêng, nâng diện tích loại trái cây đắt đỏ này lên 1.200 ha.


Ông Lã Cảnh Cường đang bổ những trái sầu riêng chín cây đầu tiên của HAGL mời cổ đông
Sầu riêng của HAGL thuộc giống Monthong - là giống có xuất xứ Thái Lan với cơm dẻo, ngọt đậm và hạt lép. Hướng tới thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, nơi mới chỉ 1% dân số được ăn sầu riêng vì đắt đỏ (như lời ông Đức nói) - hương vị của monthong phù hợp với sở thích ăn ngọt, cũng như nhu cầu làm các loại bánh của người dân nước này.

Ông Đức cùng với các chuyên gia sầu riêng và chăn nuôi heo đưa ra nhiều thông số về giá vốn và các kịch bản giá trên thị trường, đảm bảo các lĩnh vực kinh doanh hiện tại của công ty “không thể lỗ”, thậm chí lãi lớn.

Nguồn: Khoản nợ gần 600 tỷ đồng của HAGL tại Eximbank “đang được đàm phán mua lại”

Hệ thống KRX sắp đi vào hoạt động

image

Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch HoSE nhấn mạnh Bộ Tài chính chỉ đạo quyết tâm “go live” vào cuối năm, nếu các thành viên thị trường, công ty chứng khoán không sẵn sàng thì sẽ có biện pháp xử lý.

Vào chiều ngày 21/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã tổ chức cuộc họp với các thành viên thị trường về kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin KRX.

Theo thông tin từ HoSE, về quy trình, dự án sẽ chuẩn bị “go-live” vào ngày 11/12/2023; và sau đó sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2023.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch HoSE cho biết tỷ lệ kiểm thử ở các thành viên thị trường còn thấp, mới có 25/76 công ty chứng khoán hoàn thành kiểm thử 100% chức năng. Tương tự tại HNX, VSD, việc này gây lo ngại cho các đơn vị tổ chức kiểm thử.

Hiện, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đang làm việc với HoSE và HNX để chỉnh sửa pháp lý nhằm phù hợp với thời gian triển khai hệ thống mới. Hệ thống bước đầu sẽ “go live” với các tính năng cơ bản và triển khai từ từ các tính năng mới.

Bà Hà nhấn mạnh, Bộ Tài chính chỉ đạo quyết tâm “go live” vào cuối năm, nếu các thành viên thị trường, công ty chứng khoán (CTCK) không sẵn sàng thì sẽ có biện pháp xử lý.

Hệ thống KRX một khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như: Giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)… Qua đó, tạo tiền đề cho việc tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán, cũng như thu hút các nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước tham gia.

Nguồn bài viết: Hệ thống KRX sắp đi vào hoạt động

1 Likes

Con gái chủ tịch Hồ Hùng Anh muốn mua hơn 82 triệu cổ phiếu Techcombank, giá trị 2.700 tỷ đồng

image
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Nếu thực hiện thành công, con gái tỷ phú Hồ Hùng Anh sẽ lọt vào Top 40 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam dù mới ngoài 20 tuổi, với khối tài sản ước tính vào khoảng 3.500 tỷ đồng.

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về giao dịch của người liên quan người nội bộ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - TCB).

Cụ thể, bà Hồ Thuỷ Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank đăng ký mua 82.186.100 cổ phiếu TCB để phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian từ ngày 25/8 đến 19/9/2023 theo phương thức khớp lệnh trên sàn và thoả thuận.

Nếu thành công, con gái Chủ tịch Hồ Hùng Anh sẽ nâng lượng cổ phiếu TCB nắm giữ từ mức 22,47 triệu lên 104,66 triệu đơn vị, tương đương 2,9757% vốn của Techcombank.

Trước đó, bà Hồ Thuỷ Anh đã mua vào hơn 22,47 triệu cổ phiếu TCB theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ ngày 12/7 đến 16/7/2021. Ước tính, bà Thủy Anh khi đó đã phải chi khoảng trên 1.100 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.

Được biết, ông Hồ Hùng Anh có 2 người con gái: Hồ Thủy Anh, Hồ Minh Anh và 1 người con trai là Hồ Anh Minh.

Hiện gia đình Chủ tịch Techcombank đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của ngân hàng. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 1,12%. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hùng Anh sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hùng Anh cũng sở hữu hơn 174 triệu cp. Ngoài ra, con trai ông là Hồ Anh Minh cũng đang nắm giữ gần 138 triệu cp; bà Nguyễn Hương Liên, em dâu sở hữu hơn 69,6 triệu cp.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TCB đang được giao dịch ở mức 33.000 đồng/cp. Ước tính theo vùng giá hiện nay, bà Hồ Thuỷ Anh sẽ phải chi ra số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu đăng ký.

Nếu thực hiện thành công, con gái đại gia Hồ Hùng Anh sẽ lọt vào Top 40 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam dù mới ngoài 20 tuổi, với khối tài sản ước tính vào khoảng 3.500 tỷ đồng, ngang ngửa với các doanh nhân kỳ cựu như Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng hay Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân.

Nguồn bài viết: Con gái chủ tịch Hồ Hùng Anh muốn mua hơn 82 triệu cổ phiếu Techcombank, giá trị khoảng 2.700 tỷ đồng

Mua gắt thế :smiling_face_with_tear:

sao nguoi ta nhieu tien qua. Nghe cac dai gia xai tien ma em thay choang qua​:rofl::rofl::rofl::rofl::rofl::rofl:

neu mua nhieu vay thi gia se tang vai cham