“Ghìm cương” lạm phát quanh 4%: Khó nhưng có thể đạt được
Cầu kéo, tiền tệ và đặc biệt là chi phí đẩy cùng với tâm lý kỳ vọng là những yếu tố đang dồn áp lực và thách thức không nhỏ đến mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong năm nay…
Lạm phát tại một số quốc gia 3 tháng đầu năm 2022.
Căng thẳng Nga - Ukraine chưa rõ thời điểm kết thúc, khiến giá xăng dầu, hàng hóa vốn đã làm cả thế giới náo loạn thời gian qua, lại trở nên khó lường hơn bao giờ hết. Bối cảnh như vậy, liệu có nên thay đổi mục tiêu lạm phát 4% để giảm áp lực lên cơ quan quản lý, nhà điều hành chính sách, tâm lý người dân?
CHI PHÍ ĐẨY LÀM LUNG LAY MỤC TIÊU LẠM PHÁT
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý 1/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Đánh giá về rổ chỉ số này, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng tuy cao hơn mức tăng 0,29% của cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn từ 2017-2020.
CPI quý 1/2022 của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu bão giá do xăng dầu. Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, tháng 2 vừa qua chỉ số giá tăng 7,9%, Anh tăng 6,22%, Đức tăng 5,1%, Ý tăng 5,7%. Châu Á chịu ảnh hưởng ít hơn. Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) chỉ số giá chỉ tăng 0,9%, Nhật Bản tăng 0,9% trong khi đó các nước ASEAN như Việt Nam tương đồng với một số nước như Malaysia, Indonesia tăng khoảng 2%, Thái Lan cao hơn, tăng 5,3%.
Đánh giá về chỉ số CPI thời gian tới, theo ông Tiến, cần phải xem xét đến từng nhóm trong rổ tính chỉ số CPI.
Thứ nhất, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trừ giá thịt lợn giảm sâu do thức ăn chăn nuôi tăng, người dân cắt sớm không tái đàn vì càng nuôi càng lỗ.
Thứ hai, Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh quay lại học tập, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực thực phẩm, nhóm này do đó cũng sẽ tác động lên giá tiêu dùng nhiều, vì nhóm hàng ăn chiếm tỷ trọng đến 33,36% trong rổ chỉ số tính CPI. “Tôi đánh giá đây là nguy cơ tác động đến tăng giá tiêu dùng lớn nhất trong thời gian tới”, ông Tiến lưu ý.
Bên cạnh đó, giá sản xuất hàng hóa chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng. Giá nguyên vật liệu toàn cầu đã tăng từ quý 2/2021 nhưng giá sản xuất hàng hóa chúng ta chưa tăng do cầu trong nước yếu. Đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tiếp mà đặc thù Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nguồn cung thế giới đứt gãy nên giá nguyên vật liệu tăng cao.
Về giá xăng dầu, phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc chiến Nga - Ukraine. Giá xăng dầu bình quân năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021 và tác động tất cả các chi phí đầu vào của kinh tế. Từ những nguyên nhân này, chỉ số giá CPI năm 2022 sẽ có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo, mức độ tăng phụ thuộc vào giá thế giới cũng như mức độ điều hành của Chính phủ.
“Chúng ta thấy kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu nguyên, vật liệu tăng cao trong khi nguồn cung hiện tại đang đứt gãy khiến giá hàng hóa quốc tế tháng tới đây tăng mạnh, gây áp lực lạm phát cao ở nhiều nước, kể cả nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, châu Âu là những đối tác lớn của Việt Nam. Do đó, lạm phát 4% có thể đạt được nhưng khẳng định đây là công việc khó. Mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước linh hoạt, với kinh nghiệm những năm trước, cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đối thoại: “Vòng xoáy Lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy” do Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/4. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng kịch bản xấu về năng lượng không thể nào đoán trước được. Chúng ta rất khó có thể kiểm soát do phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng 40% và lạm phát tăng 1,44-2,7%.
Ngoài xăng dầu, chúng ta còn phải tính đến một vấn đề nữa là Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid, do đó, Trung Quốc đã phong tỏa rất nhiều thành phố, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu lớn, làm tăng giá.
Theo kịch bản mô phỏng, nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8 và tháng 9 và cuối năm có thể trên 7%. Điều này rất nguy hiểm ở chỗ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn nữa cho điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023.
“Tôi đang ở TP.HCM và thấy rằng, thị trường đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ nguồn vật liệu của Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn cung rất căng thẳng, giá thì rất khó đoán. Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì tránh được tâm lý kỳ vọng tốt hơn, thể hiện sự linh hoạt với thị trường và giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân”, ông Trung nhấn mạnh.
VẪN CÓ THỂ GIỮ ĐƯỢC 4%
Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát trong khủng hoảng nhiên liệu và nguyên vật liệu cơ bản tác động vào các nước phát triển rất mạnh, nhưng tác động vào các nước châu Á, nhất là những nước đang phát triển, mới nổi, thì lại không nhiều.
Đối với Việt Nam, giá lương thực thực phẩm, dù giá phân bón có tăng, không phải áp lực lớn với Việt Nam bởi chúng ta chủ động được các yếu tố căn bản.
“Trong khoảng 6 yếu tố tác động tới lạm phát thì Việt Nam có 4 yếu tố có lợi và chỉ 2 yếu tố bất lợi. Do đó, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được”, ông Nghĩa nói.
Theo chuyên gia này, các mô hình phân tích hiện tại mới tính tác động của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm trong vài vòng và điều này chưa đủ để bao quát vòng xoáy đằng sau đó. Điều đáng lo ngại là nếu lạm phát chi phí đẩy làm cho chi phí tăng lên và sản xuất bị đình trệ, khiến cung giảm. Tuy nhiên, chỉ số quản trị mua hàng mấy tháng gần đây đang có xu hướng tăng tích cực, cho thấy nguồn cung khó có thể giảm và thậm chí đang tăng khá nhanh, thể hiện rõ ràng trong kết quả kinh doanh quý 1.
Về giá xăng dầu, dự báo mức đỉnh là 140 USD/thùng và không tăng thêm bởi nhiều yếu tố, như: nhu cầu giảm khi mùa đông qua, xung đột Nga - Ukranie đã dịu lại, hành động quyết liệt của các nước OPEC. Nguồn cung xăng dầu thế giới có thể sẽ ổn định, nhiều chuyên gia dự báo giá xăng dầu có thể chỉ nằm trong khoảng 100-110 USD/thùng, không thể cao như hiện nay. Như vậy, giảm bớt được căng thẳng đối với dự trữ xăng dầu toàn cầu.
Đối với an ninh năng lượng, chúng ta nhập siêu xăng dầu năm ngoái khoảng 7 tỷ USD, năm nay dự báo là khoảng 9-10 tỷ USD – con số cũng không phải quá lớn. Nói cách khác, chúng ta có một lượng xăng dầu trong nước để cung ra thị trường để hạn chế bớt được tác động từ bên ngoài. Rất tiếc là nhà máy Nghi Sơn, chiếm 25% lượng cung xăng dầu cả nước, gặp trục trặc vì họ phụ thuộc vào nguyên liệu thành phẩm, nếu không tác động của giá xăng dầu quốc tế tới Việt Nam sẽ không quá lớn. Dẫu vậy, Chính phủ cũng đã có kế hoạch để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh các yếu tố tiêu cực, vị chuyên gia cho rằng tình hình không quá nghiêm trọng bởi có nhiều yếu tố tích cực. Lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may… Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.
Việc kiểm soát cung tiền cũng được triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo. Cách Ngân hàng Trung ương kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo ngại rằng chúng ta sẽ “tứ bề gặp giặc” mà chỉ “một bề” thôi: đó là chi phí đẩy.
“Chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Chúng ta cũng không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy. Tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nguồn bài viết: “Ghìm cương” lạm phát quanh 4%: Khó nhưng có thể đạt được - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới