Chứng sỹ săn tin!

Cổ đông Singapore muốn mua tiếp 5 triệu cp của Sotrans với giá 52.520 đồng/cp

Trước đó vào tháng 5, công ty logistics đến từ Singapore đã chi gần 1.300 tỷ đồng để mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu của Sotrans, tương đương 24,9% vốn điều lệ.

PSA Cargo Solutions Vietnam Investments Pte. Ltd. vừa thông báo về việc chào mua công khai hơn 5 triệu cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans) với giá 52.520 đồng/cp, cao hơn 12% thị giá cổ phiếu STG chốt phiên 12/10 là 46.800 đồng/cp. Ước tính PSA sẽ chi gần 263 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.

Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp tại Sotrans sẽ tăng lên 24,9% lên 30%.

Giá cổ phiếu STG chốt phiên 12/10 đã tăng khoảng 28% so với đầu năm. (Nguồn: TradingView).

Trước đó, PSA - một doanh nghiệp ngành logistics có địa chỉ tại Singapore đã chi gần 1.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STGhồi tháng 5, chính thức trở thành cổ đông lớn của Sotrans. Ước tính giá bình quân mua vào là 52.520 đồng/cp.

Đây là số cổ phiếu PSA mua từ CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần - cổ đông lớn đã tham gia vào Sotrans từ tháng 9/2015.

Tính đến cuối tháng 6/2023, In Do Trần nắm 68,9% còn PSA sở hữu 24,9% vốn điều lệ của Sotrans.

Theo bản công bố thông tin, tổng tài sản của PSA tại ngày 30/6 hơn 73,1 triệu SGD (1 SGD = 17.852 đồng). Công ty lỗ sau thuế 111.464 SGD trong 6 tháng đầu năm 2023, so với mức lỗ 3.635 SGD của cả năm 2022.

Sau soát xét, 6 tháng đầu năm, Sotrans ghi nhận 839 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 93 tỷ đồng, giảm lần lượt 41% và 28% so với thực hiện nửa đầu năm ngoái. Với kết quả này doanh nghiệp đã thực hiện được 28% kế hoạch doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận năm. Tính đến hết 30/6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sotrans là 1.106 tỷ đồng.

Nguồn bài viết: Cổ đông Singapore muốn mua tiếp 5 triệu cp của Sotrans với giá 52.520 đồng/cp

Quỹ tỷ USD do Dragon Capital quản lý trở lại trạng thái “full cổ phiếu” ngay trước nhịp hồi phục của VN-Index

ại ngày 5/10, lượng tiền mặt trong danh mục ghi nhận còn 9,6 triệu USD, tương ứng 235 tỷ đồng, giảm gần 720 tỷ đồng so với trước đó 1 tuần.

Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý vừa công bố báo cáo cập nhật danh mục đầu tư đến hết ngày 5/10 với tỷ trọng tiền mặt giảm xuống 0,56%, ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của quỹ và gần như hết dư địa giải ngân.

Với quy mô tài sản đạt trên 1,7 tỷ USD, tại ngày 5/10, lượng tiền mặt trong danh mục ghi nhận còn 9,6 triệu USD, tương ứng 235 tỷ đồng, giảm gần 720 tỷ đồng so với trước đó 1 tuần.

Tính đến hết 5/10, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/share) VEIL đạt 8,45 USD, giảm 4% so với tuần trước. Thành quả đầu tư tạm tính từ đầu năm đến thời điểm 5/10 của VEIL giảm xuống 7,64%, thua hiệu suất của VN-Index (8,47%).

Động thái giải ngân trở lại của quỹ VEIL diễn ra ngay trước nhịp hồi phục khá tích cực của VN-Index. Từ ngày 6/10 đến 13/10, VN-Index đã tăng điểm 6 phiên liên tiếp, với mức tăng hơn 35 điểm, qua đó vượt ngưỡng kháng cự 1.150 điểm.

Trước đó, kể từ đầu tháng 9, quỹ VEIL thường xuyên duy trì trạng thái “full cổ phiếu” với tỷ trọng tiền mặt trong danh mục chỉ còn khoảng 0,5% (vùng thấp nhất lịch sử).

VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng sau mùa KQKD quý 3

Trong một báo cáo mới đây, Dragon Capital nhận định các yếu tố vĩ mô nền tảng tại Việt Nam vẫn duy trì ổn định, tuy nhiên áp lực trên thế giới khiến tiền đồng mất giá 3,3% trong quý 3 (xuống gần 24.400 đồng). Dragon Capital cho rằng công cụ phát hành tín phiếu đã được NHNN sử dụng rất nhiều lần, đây không phải dấu hiệu của đảo chiều chính sách mà là hoạt động điều tiết bình thường trên thị trường mở.

Quỹ ngoại điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP tại Việt Nam năm 2023 về mức 5%, trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn 6%-6,5% kể từ năm 2024 khi các hiệp định kinh tế, dòng vốn đầu tư FDI và việc nâng cấp quan hệ ngoại giao gần đây bắt đầu có tác động tích cực vào nền kinh tế.

Về chứng khoán (TTCK) Việt Nam, thị trường trải qua tháng 9 đầy thách thức. Sau khi vươn lên đỉnh 1.245,5 trong tuần đầu tiên, VN-Index bị chốt lời trên diện rộng khi chịu áp lực cả trong nước và quốc tế.

Trong những giai đoạn bị chi phối bởi những tác động vĩ mô, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có sự tương quan mạnh mẽ với thị trường chứng khoán Mỹ. Vậy nên trước những lo ngại về việc chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam khó có thể duy trì lâu dài, các nhà đầu tư trong nước thường ưu tiên giảm thiểu rủi ro.

Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút tiền thông qua việc phát hành trái phiếu và các công ty chứng khoán lớn giảm quy mô cho vay ký quỹ đã góp phần tạo áp lực đến tâm lý của các nhà đầu tư, dẫn đến sự giảm sút của thanh khoản vào giai đoạn cuối tháng.

Mặt khác, với việc Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và điều kiện kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy yếu, Dragon Capital dự đoán sẽ có nhiều biến động cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhóm quỹ ngoại tin rằng chính sách tiền tệ hỗ trợ của Việt Nam sẽ vẫn được duy trì. “Do đó, chúng tôi tin rằng sau khi kết quả kinh doanh Quý 3 được công bố và tình hình thế giới trở nên ổn định, chỉ số VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng bình thường”, báo cáo chỉ rõ.

Nguồn bài viết: Quỹ tỷ USD do Dragon Capital quản lý trở lại trạng thái "full cổ phiếu" ngay trước nhịp hồi phục của VN-Index

Lãi bán niên tăng 5 lần, một công ty chứng khoán muốn chuyển niêm yết sang HOSE

Sau nhịp tăng 115% từ tháng 3 đến đầu tháng 7, cổ phiếu công ty chứng khoán này ngược dòng nhóm chứng khoán, giảm 33% trong 3 tháng gần nhất.

CTCP Chứng khoán DSC (Mã DSC - UPCoM) công bố kết quả việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản lần 2 năm 2023, tất cả 3 nội dung quan trọng đều được ĐHCĐ thông qua.

Vấn đề 1: Thông qua phương án chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2023 - 2024 hoặc thời điểm khác phù hợp với tình hình kinh doanh của công ty.

Vấn đề 2: Tìm kiếm công khai nhà đầu tư chiến lược là các công ty lớn/định chế tài chính lớn/cá nhân trong nước và nước ngoài đảm bảo điều kiện đầu tư tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhà đầu tư được lựa chọn phải có tiềm lực tài chính, uy tín và danh tiếng quốc tế, có thể hỗ trợ DSC trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh; có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của công ty.

Vấn đề 3: Thông qua vốn điều lệ mới là hơn 2.048 tỷ đồng.

Trước đó, Chứng khoán DSC đã phát hành gần 4,9 triệu cổ phiếu ESOP đồng thời chào bán thành công gần 99,96 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp.

Kết thúc đợt chào bán, 2 cổ đông lớn nhất của DSC được ghi nhận là CTCP Đầu tư NTP và ông Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1994) - Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 70 triệu cổ phiếu (34,17%) và gần 73 triệu cổ phiếu (35,64%).

Đán nói trong một động thái gần đây, Tập đoàn Thành Công (TC Group) cũng tiết lộ thông tin rằng Chứng khoán DSC là thành viên của Tập đoàn từ năm 2021.

“Với sự chuyển mình ấn tượng cùng những bước đi mang tầm chiến lược trong thời gian tới, Chứng khoán DSC tiếp tục từng bước khẳng định vị thế là mảnh ghép quan trọng ngành Tài chính – Ngân hàng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành của Tập đoàn Thành Công”, TC Group ghi trên website công ty.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, DSC đạt 194 tỷ đồng doanh thu và 56 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt gấp 2,3 và 5 lần cùng kỳ năm trước

Trên thị trường chứng khoán, sau nhịp tăng 115% từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 7 lên mức 27.000 đồng/cp, DSC ngược dòng thị trường và nhóm cổ phiếu ngành khi liên tục giảm giá trong 3 tháng gần nhất. Mã đóng cửa phiên 13/10 còn 18.100 đồng/cp - giảm 33%.

Nguồn bài viết: Lãi bán niên tăng 5 lần, một công ty chứng khoán muốn chuyển niêm yết sang HOSE

1.600 tỷ đồng trái phiếu của Masan có nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản công bố thông tin về 4 lô trái phiếu MSN120010, MSN120009, MSN120008 và MSN120007 của Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).

Theo đó, toàn bộ 4 lô trái phiếu của MSN đều có khả năng bị HNX hủy bỏ niêm yết do tới thời gian đáo hạn. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tiến hành hủy bỏ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.


Văn bản từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

trái phiếu MSN120010, MSN120009, MSN120008 đều có số lượng là 5 triệu đơn vị với mệnh giá là 100.000 đồng/ trái phiếu. Riêng lô MSN120007 có 1 triệu trái phiếu và mệnh giá tương ứng là 100.000 đồng. Như vậy, nếu 4 lô trái phiếu này bị hủy bỏ, Tập đoàn Masan có thể mất tới 1.600 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSN đang đạt giá trị quanh vùng 72.700 đồng. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu này đã giảm khoảng 25% giá trị, tức 96.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 3/01/2023).

Nửa đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của Masan vẫn khả quan bất chấp môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn. Doanh thu thuần của Masan đạt 37,315 tỷ đồng, tăng 3,6% so với 36,023 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận hoạt động của The CrownX (TCX), nền tảng tích hợp thương mại tiêu dùng của Masan sáp nhập với WinC Commerce (“ WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH), ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nền tảng ổn định của ngành hàng tiêu dùng.

Doanh thu của TCX ghi nhận 26,835 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 13,535 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, tăng lần lượt 3,1% và 7,6% so với cùng kỳ. Doanh thu chưa kể thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của TCX đạt 3.507 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 1.976 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, tăng lần lượt 10,3% và 28,3% so với cùng kỳ 'năm ngoái.

Với doanh thu ấn tượng trên, tất cả các phân khúc sản phẩm và tăng cường mảng kinh doanh thịt chế biến, mảng kinh doanh thịt MEATLife (MML) của Masan ghi nhận doanh thu tăng 70,2% trong nửa đầu năm 2023 và 68,7% trong quý 2 năm 2023 so với cùng kỳ. Doanh thu của MML tăng lên 3.303 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 70,2% so với mức 1.941 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022. So sánh, doanh thu tăng 22,2% trong nửa đầu năm 2023 nhờ doanh số bán hàng cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm MML.

Dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 và đà tăng trưởng hiện tại, Masan dự kiến ​​đạt doanh thu từ 83,5 nghìn tỷ đồng đến 90 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng từ 3 nghìn tỷ đồng đến 4 nghìn tỷ đồng trước khi phân bổ cho cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) vào năm 2023.

Đầu nửa cuối năm 2023, những điểm nổi bật về kinh tế vĩ mô như việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và các chương trình hỗ trợ lợi ích doanh nghiệp sản xuất đã xuất hiện, hứa hẹn mang lại kết quả thương mại tích cực tại cụm doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Masan nói riêng. Với công thức tăng trưởng và nền tảng kinh doanh vững mạnh, đơn vị này sẽ gặt hái những kết quả tích cực khi nhu cầu thị trường phục hồi trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Masan cũng liên tục được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế bình chọn và vinh danh ở các giải thưởng danh giá như:

Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2023 (Giải thưởng Nguồn lao động Châu Á); Top 50 Công ty phát triển bền vững 2023 (Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư); Top 50 doanh nghiệp đại chúng uy tín, hiệu quả 2023 (Báo cáo Việt Nam)…

Nguồn bài viết: 1.600 tỷ đồng trái phiếu của Masan có nguy cơ bị hủy niêm yết

1 Likes

Một công ty chứng khoán bán hết cổ phiếu DIG, MSN, TCB trong quý 3, đem tiền gửi ngân hàng

Sau khi bán bớt hàng loạt cổ phiếu trong quý 3, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của công ty chứng khoán này (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng) đã tăng mạnh thêm 90,5 tỷ đồng so với cuối quý 2 trước đó, lên mức 171 tỷ đồng.

Một công ty chứng khoán bán hết cổ phiếu DIG, MSN, TCB trong quý 3, đem tiền gửi ngân hàng

Chứng khoán LPBank (LVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu hoạt động đạt 25,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 54% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này lãi ròng 11,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 5 tỷ đồng. Kết quả này có được chủ yếu đến từ sự khởi sắc trong nửa đầu năm trong khi quý 3 hoạt động kém hiệu quả.

Sự sụt giảm trong quý 3 chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh. Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 16,5% so với quý 3/2022 xuống mức 21,8 tỷ đồng. Ngược lại, lỗ từ FVTPL lại tăng mạnh hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 13,3 tỷ đồng.

Quý 3 vừa qua, LVS đã bán toàn bộ lượng cổ phiếu MSN trong danh mục FVTPL với giá hợp lý 1,5 tỷ đồng tại cuối quý 2 trước đó. Sau giao dịch này, danh mục FVTPL của công ty chứng khoán này đã không còn một cổ phiếu nào vào thời điểm 30/9.

Bên cạnh đó, LVS cũng thu lãi 21,3 tỷ đồng nhờ bán 2 triệu một cổ phiếu niêm yết với giá 54 tỷ đồng (bình quân 27.028 đồng/cp) trong quý 3. Nhiều khả năng, đây là cổ phiếu DIG nằm dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Ngược lại, LVS đã bán cắt lỗ hai mã còn lại là MSN và TCB thuộc danh mục AFS với khối lượng tổng cộng trên 530.000 đơn vị và ghi lỗ 13,2 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, giá trị hợp lý khoản mục AFS của LVS chỉ còn 35,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 110 tỷ đồng vào cuối quý 2. Khoản mục này bao gồm cổ phiếu POT với giá trị hợp lý 32,3 tỷ đồng và một cổ phiếu chưa niêm yết của CTCP Công nghiệp Cao su Coecco với giá gốc 2,9 tỷ đồng.

Sau khi bán bớt hàng loạt cổ phiếu trong quý vừa qua, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) của LVS (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng) đã tăng mạnh thêm 90,5 tỷ đồng so với cuối quý 2 trước đó, lên mức 171 tỷ đồng.

Nguồn: Một công ty chứng khoán bán hết cổ phiếu DIG, MSN, TCB trong quý 3, đem tiền gửi ngân hàng

PTL tạm hoãn phát hành cổ phiếu riêng lẻ

CTCP Victoria Capital (mã chứng khoán PTL) sẽ tạm hoãn phát hành cổ phiếu riêng lẻ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, Đại hội đồng Cổ đông thường niên CTCP Victory Capital Nghị quyết số 278/NQ-VCG ngày 15/5/2023 của đã thông qua việc thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện tại diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây chưa được thuận lợi, có thể ảnh hưởng đến sự thành công của đợt chào bán. Vì vậy, Hội đồng quản trị Công ty đã ban hành Nghị quyết số 540/NQ-VCG ngày 16/10/2023 về việc hoãn việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của PTL trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ năm 2023 của Báo cáo tài chính riêng giảm hơn 332 triệu đồng so với kết quả hoạt động kinh doanh cùng kỳ năm 2022 do tình hình kinh doanh của Công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn, doanh thu chủ yếu từ hoạt động cho thuê văn phòng và doanh thu hoạt động tài chính. Tuy nhiên doanh thu không bù đắp chi phí nên kết quả kinh doanh kỷ này lỗ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTL đang giao dịch quanh mức 4.790 đồng/cổ phiếu ./.

Nguồn bài viết: PTL tạm hoãn phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Fed nhận định lạm phát Mỹ vẫn còn quá cao

Ngày 19/10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định lạm phát của nước này vẫn ở mức quá cao dù đã giảm gần đây, điều này có thể dẫn đến một đợt tăng lãi suất mới.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị ở New York, ông Powell cho rằng lạm phát vẫn quá cao và những dữ liệu tích cực trong vài tháng qua chỉ là sự khởi đầu của những gì cần thiết để xây dựng niềm tin rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững về mức mục tiêu.

Ông cho biết thêm Fed hiện chưa rõ những dữ liệu tích cực này sẽ duy trì bao lâu hay tình hình lạm phát diễn biến như thế nào trong những quý tới, do đó Fed sẽ đánh giá thận trọng tại cuộc họp về lãi suất sắp tới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những bằng chứng mới về tăng trưởng kinh tế hay thị trường lao động tiếp tục thắt chặt có thể dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Ông Powell cũng khẳng định chính sách tiền tệ của Fed hiện nay đang có hiệu quả giúp giảm áp lực đối với hoạt động kinh tế và lạm phát. Nền kinh tế Mỹ vẫn chống chịu tốt với tỷ lệ lãi suất cao mà không gặp khó khăn.

Những dữ liệu gần đây đã cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ được hỗ trợ nhờ chi tiêu tiêu dùng bền vững, trong khi thị trường lao động vốn thắt chặt cũng đang có dấu hiệu nới lỏng. Mặc dù vậy, ông Powell vẫn cảnh báo rằng “một loạt những bất ổn cả cũ lẫn mới” đang làm phức tạp thêm chính sách tiền tệ. Do đó, quyết định sắp tới của Fed sẽ dựa trên tất cả các dữ liệu, triển vọng và cân bằng rủi ro.

Từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã thực hiện 11 đợt tăng lãi suất, đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong 22 năm, nhằm giảm lạm phát về mức mục tiêu 2% trong dài hạn. Dù lạm phát đã giảm mạnh trong 12 tháng qua nhưng vẫn trên mức mục tiêu. Gần đây, Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, tháng trước, hầu hết các quan chức Fed đều cho rằng cần tiếp tục tăng lãi suất thêm một đợt nữa trong năm nay.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính EY Gregory Daco cho rằng Fed đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng việc cắt giảm lãi suất sẽ chưa diễn ra cho đến tháng 6/2024. Theo công ty dịch vụ tài chính CME Group, các nhà giao dịch dự báo 99% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào ngày 1/11 tới./.

Nguồn bài viết: Fed nhận định lạm phát Mỹ vẫn còn quá cao

Sau 2 năm gồng lỗ, một “đại gia mỏ đá” đã bán hết hơn 2,6 triệu cp HPG

“Đúng người, sai thời điểm”, CTCP Hóa An (mã CP: DHA) đã “đu đỉnh” cổ phiếu HPG ở mức giá hơn 50.000đ/cp từ quý IV năm 2021.

Theo báo cáo mới công bố, doanh thu quý III/2023 của DHA giảm nhẹ 3,26 tỷ đồng, tương ứng hơn 3% so với cùng kỳ do sản lượng bán ra giảm 27.423 m2 đá các loại. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng tới gần 8 tỷ đồng, tương ứng 41,7%, nguyên nhân chính là do hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính.

Trước đó, DHA là một trong những doanh nghiệp có khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG từ cuối năm 2021, đúng giai đoạn giá cổ phiếu HPG đang ở đỉnh.

Trót “đu đỉnh” HPG ở giá hơn 50.000 đ/cp, doanh nghiệp đã miệt mài trung bình giá xuống và cuối cùng đã giải tán hết sau gần 2 năm đầu tư.

Bắt đầu từ BCTC quý IV năm 2021, khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG xuất hiện trên danh mục các khoản đầu tư tài chính của DHA với giá gốc là 15,2 tỷ đồng, số lượng 300.000 cp, tương đương giá vốn bình quân 50.667 đ/cp.

Khoản đầu tư này tại thời điểm 31/12/2021 chịu khoản lỗ 1,3 tỷ đồng so với giá thị trường.

Đến cuối quý I/2022, khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG đã tăng lên 590.000 cp, tương ứng giá trị (gốc) 28,69 tỷ đồng, giá vốn bình quân khi này giảm xuống còn 48.627 đ/cp.

Đến 30/6/2022, giá trị cổ phiếu HPG theo giá gốc ghi nhận trên BCTC đã lên tới 78,15 tỷ đồng, cho thấy DN đã trung bình giá xuống bằng cách mua thêm lượng lớn cổ phiếu HPG trong điều kiện thị giá giảm. Lỗ sổ sách cho cổ phiếu quốc dân khi này lên tới 21,5 tỷ đồng.

DHA vẫn miệt mài mua vào khi thị giá HPG giảm, nâng tổng số cổ phiếu HPG sở hữu lên tới 2,64 triệu cp tại thời điểm 30/9/2022. Giá vốn cho chỗ tài sản này là 80,3 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, mức trích lập dự phòng cho cổ phiếu HPG mà DN đầu tư đã lên tới 32,8 tỷ đồng và Hóa An không tiếp tục mua thêm mà “ngồi im” chờ thị trường phục hồi.

Thị giá HPG hồi phục giúp Hóa An dần lấy lại tiền. Tại ngày 30/6/2023, khoản trích lập dự phòng cho cổ phiếu HPG từ 32,8 tỷ đồng giảm chỉ còn hơn 11 tỷ đồng (giá gốc không thay đổi).

Đến 30/9/3023, theo BCTC công bố, danh mục đầu tư chứng khoán của DHA đã sạch bóng HPG. Như vậy, cuối cùng DN đã bán hết toàn bộ 2,64 triệu cổ phiếu quốc dân và thanh lý khoản đầu tư này.

Giá cổ phiếu HPG từ tháng 5/2020 đến nay

Công ty CP Hóa An được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Khai thác đá và Vật liệu xây dựng Hóa An trực thuộc Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1 (Bộ Xây dựng). Năm 2000, DN bắt đầu cổ phần hóa và hoạt động kinh doanh tiếp tục hiệu quả những năm sau đó.

Giai đoạn 2003 - 2005 trước khi niêm yết trên sàn chứng khoản, Hóa An là một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có những chỉ số sinh lời tích cực.

Tiêu biểu, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trên doanh thu thuần của Hóa An liên tục tăng trưởng từ mức 32,4% trong năm 2003, lên 34,28% trong năm 2004 và đạt 41,41% trong năm 2005. Mức cổ tức phân phối cho cổ đông năm 2003 là 52,78%, năm 2004 là 40% và năm 2005 là 30%.

Ngày 15/04/2004, Cổ phiếu Công ty (DHA) chính thức giao dịch tại Sở GDCK TP.HCM. Vốn điều lệ khi đó là 38,5 tỷ đồng.

Hiện nay, Hóa An trở thành một trong những doanh nghiệp khai thác và chế biến đá hàng đầu phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Năm gần nhất, DN khai thác và tiêu thụ hơn 2,3 triệu m3 đá, ghi nhận tổng doanh thu gần 400 tỷ đồng và 65 tỷ đồng LNTT.

Với hiệu quả kinh doanh tích cực, thường xuyên, tỷ lệ chi trả cổ tức của DN những năm gần đây thường xuyên ở mức từ 30%-50%.

Không chỉ thường xuyên chia cổ tức cao, Hóa An còn là doanh nghiệp có mức thu nhập của người lao động khá cao so với mặt bằng chung. Theo báo cáo thường niên năm 2022, số lượng người lao động tại thời điểm 31/12/2022 của DN là 117 người, mức lương sản phẩm trung bình là 16,3 triệu đồng/người /tháng.

Công ty cũng tự nhân định trong báo cáo thường niên 2022 rằng: Thu nhập người lao động ổn định theo sản lượng tiêu thụ, các chế độ quyền lợi được thực hiện đầy đủ và tương đối tốt.

Nguồn: BC thường niên 2022 DHA

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, DHA đạt doanh thu thuần 265,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 77,8 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản tại thời điểm 30/9/2023 là gần 440 tỷ, trong đó chủ yếu được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu (402 tỷ). Vốn điều lệ của DN hiện tại hơn 151 tỷ đồng.

Nguồn bài viết: Sau 2 năm gồng lỗ, một "đại gia mỏ đá" đã bán hết hơn 2,6 triệu cp HPG

VN-Index tăng sớm, 1 mã VN30 giảm về mức thấp nhất 15 tháng

Sau phiên điều chỉnh trước đó, một số cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng tăng sớm đầu phiên.

9h30:

Sắc xanh trở lại thị trường ngay đầu phiên giao dịch. Việc 21 cổ phiếu VN30 tăng giá giúp VN30-Index tăng sớm 7 điểm và VN-Index tăng hơn 4 điểm, trở lại trên mức 1.095.

Cổ phiếu BCM dẫn đầu chiều giảm với biên độ 2,4% còn 62.100 đồng/cp - tạm tính là mức thấp nhất 15 tháng. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 khi BCM được thêm vào rổ VN30 thay thế cổ phiếu KDH (Nhà Khang Điền).


Sau 8 tháng gia nhập VN30, cổ phiếu Becamex giảm gần 27%

Trở lại với diễn biến thị trường, sắc đỏ của VIC và VCB (cùng 0,6%) cũng là nguyên nhân kìm hãm đà tăng của VN-Index. Ở chiều tăng, SAB, SSI, TCB, GVR đang nhích nhẹ từ 1 - 1,5%.

Một số cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng tăng sớm đầu phiên như HQC, CTD, ITA, CEO, DIG, DXG, DXS,… với biên độ từ 1 - 2%; nhóm chứng khoán Top đầu như VCI, VND, SSI, VIX, SHS cũng tăng với biên độ tương tự.

Thanh khoản thị trường duy trì mức thấp, hơn 800 tỷ đồng được sang tay trên cả 3 sàn lúc 9h30.

Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên 23/10 dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm sau khi một lần nữa vượt qua ngưỡng chủ chốt 5%. Giá dầu thô giảm mạnh sau khi xuất hiện những bước tiến ngoại giao tích cực liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine.

Đóng cửa, Dow Jones giảm 190,87 điểm (-0,58%) còn 32.936,4 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp; S&P 500 giảm 0,17% về mức 4.217. Riêng chỉ số Nasdaq ngược dòng tăng nhẹ 0,27% lên 13.018,3 điểm.

Trong nước, VN-Index kết phiên giảm 14,5 điểm còn mức 1093,5. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, VN-Index đang đối mặt với rủi ro lùi về ngưỡng hỗ trợ sâu hơn quanh 1055 (+/-10) cùng xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Nguồn: VN-Index tăng sớm, 1 mã VN30 giảm về mức thấp nhất 15 tháng

Tasco được chấp thuận niêm yết bổ sung 544 triệu cổ phiếu

Số lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung là gần 544 triệu cổ phiếu, qua đó giúp tổng lượng cổ phiếu niêm yết sau cơ cấu lại doanh nghiệp đạt hơn 892,5 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ đạt 8.925 tỷ đồng.

Sở hữu SVC Holdings đồng nghĩa Tasco hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom. Ảnh: Internet

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào ngày 20/10 đã có Quyết định về việc chấp thuận tiếp tục niêm yết sau cơ cấu lại doanh nghiệp và niêm yết bổ sung đối với cổ phiếu CTCP Tasco (Tasco - HNX: HUT).

Theo đó, số lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung là gần 544 triệu cổ phiếu, qua đó giúp tổng lượng cổ phiếu niêm yết sau cơ cấu lại doanh nghiệp đạt hơn 892,5 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ đạt 8.925 tỷ đồng.

Trước đó hồi cuối tháng 8 vừa qua, Tasco đã phát hành 543,9 cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi cổ phần với 21 cổ đông cá nhân của SVC Holdings, tỷ lệ hoán đổi là 1:1 (1 cổ phần SVC Holdings được hoán đổi bằng 1 cổ phiếu HUT). Số cổ phiếu trên được chuyển giao vào tháng 9.

Điểm đáng chú ý là cả 21 cổ đông kể trên, bên cạnh việc bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm theo quy định của pháp luật, cam kết sẽ hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu HUT trong vòng 5 năm kể từ ngày hoàn thành giao dịch hoán đổi.

Với việc sở hữu thành công SVC Holdings, Tasco sẽ gián tiếp nắm tới 54,08% cổ phần của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) – đơn vị chuyên phân phối ô tô với nhiều thương hiệu như Toyota, Ford, Huyndai, Mitsubishi… và thương hiệu xe sang Volvo, chiếm đến gần 12% thị phần phân phối xe ô tô tại Việt Nam (theo số liệu VAMA năm 2022). Bên cạnh đó, SVC Holdings còn sở hữu nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… điển hình là các dự án như Savico Megamall tại Hà Nội (4,6ha), Trung tâm Thương mại Savico Đà Nẵng (4.739 m2); Trung tâm Thương mại Savico Cần Thơ (2.849 m2); Khu dân cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha); Khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha); Dự án Mercure Sơn Trà (5,76 ha)…

Không những thế, sở hữu SVC Holdings đồng nghĩa Tasco hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom và phát triển thương hiệu ô tô mới (xe sang và xe điện) để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô.

Với hệ sinh thái kể trên, Tasco sẽ trở thành một công ty có quy mô, vị thế lớn, và có năng lực huy động nguồn lực lớn cho các kế hoạch phát triển. Theo số liệu báo cáo năm 2022, giả định nếu hợp nhất số liệu SVC Holding và Tasco thì Tasco sẽ có quy mô doanh thu hợp nhất tương ứng 26.847 tỷ đồng, hợp cộng hơn 38.000 tỷ đồng, hạ tầng VETC với thị phần trên 70% và gần 3 triệu khách hàng, 83 showroom kinh doanh dịch vụ ô tô, trên 8.000 cán bộ công nhân viên và có mặt trên 36 tỉnh thành tại Việt Nam.

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt gần 987.000 tỷ đồng

Tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm 26.208 tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/7/2023…

Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa công bố tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2023. Trong đó đã đưa số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho thấy tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 266.248 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 40.622 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 56.571 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng; dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng khách sạn là 64.211 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê là 132.165 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất là 62.701 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 310.099 tỷ đồng…

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, như điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Cụ thể, ngay những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm giữa bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 2,0% so cuối năm 2022).

Mặt khác, cũng từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước) và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng là hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước còn tiến hành điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có các văn bản về việc cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản góp phần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, như: Văn bản 2931/NHNN-TD chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển…

Riêng chương trình 120.000 tỷ đồng có Văn bản 2308/NHNN-TD quy định rõ nội dung về lãi suất, thời gian ưu đãi để bảo đảm triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; Tổ chức làm việc với tổ chức tín dụng tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng tại địa phương để nắm bắt khả năng cho vay những dự án đã được công bố…

Nguồn: Dư nợ tín dụng bất động sản đạt gần 987.000 tỷ đồng - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

VNZ từ lãi sang lỗ 193 tỷ sau soát xét, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch

CTCP VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2023 với con số lợi nhuận âm nặng 193 tỷ đồng trong khi ở báo cáo tự lập có lãi gần 60 tỷ đồng.

Cụ thể, tại báo cáo soát xét, các chỉ tiêu từ doanh thu đến chi phí tài chính đều không thay đổi so báo cáo tự lập. Trong đó doanh thu thuần 6 tháng ở mức 4.098 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.946 tỷ đồng.

Tuy nhiên, biến động từ khoản mục lỗ liên doanh liên kết, nếu như báo cáo tự lập chỉ âm gần 50 tỷ thì sau soát xét con số lỗ tăng vọt lên 233 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 681 tỷ của báo cáo tự lập lên 751 tỷ đồng, tức tăng 10%.

Do đó, VNG lỗ thuần 185 tỷ đồng ở báo cáo soát xét, trong khi báo cáo tự lập vẫn có lãi thuần 68 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế và các chi phí khác, VNG lỗ ròng gần 194 tỷ đồng sau soát xét, trong khi ở báo cáo tự lập vẫn có lãi ròng gần 60 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của VNG tăng nhẹ 4,6% so đầu năm, lên mức 9.316 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục đầu tư tài chính dài hạn giảm xuống mức 1.274 tỷ đồng (phải dự phòng hơn 49 tỷ đồng). VNG lỗ từ liên doanh liên kết 233 tỷ đồng, trong đó nặng nhất từ Telio với gần 202 tỷ đồng.

Được biết, Telio được thành lập năm 2019 tại Singapore với hoạt động chính là đầu tư. Hiện VNG đang nắm 16,67% vốn tại Telio tại thời điểm cuối tháng 6/2023. Đáng nói, Telio vừa hoàn tất phát hành thêm công cụ tài chính nhằm tăng vốn tuy nhiên VNG không tham gia quá trình này. Theo thỏa thuận cổ đông, VNG có quyền chỉ định 1/6 thành viên HĐQT của Telio kèm các quyền khác, nên có ảnh hưởng đáng kể mặc dù có tỷ lệ sở hữu ít hơn 20%.

Kỳ này, VNG cũng tăng mạnh vay nợ tài chính gần 1.200 tỷ.

Cổ phiếu VNZ cũng vừa bị Sở GDCK Hà Nội đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/10 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên soát xét quá 45 ngày quy định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu VNZ đỏ điểm tại mức 802.000 đồng/cp, ghi nhận mức giảm hơn 7% trong vòng 1 tháng qua.

Nguồn: VNZ từ lãi sang lỗ 193 tỷ sau soát xét, cổ phiếu bị hạn chế giao

Giá phân bón giảm mạnh khiến lãi ròng quý 3 của DCM lao dốc 90%

Giá phân bón giảm mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của DCM trong quý 3 chỉ vỏn vẹn 74 tỷ đồng, lao dốc gần 90% so cùng kỳ.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) ghi nhận doanh thu hợp nhất quý 3/2023 ở mức 3.150 tỷ đồng, giảm gần 9% so cùng kỳ 2022. Giá vốn đặc biệt trở tăng 23% khi chiếm 2.833 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận sau thuế của DCM trong quý 3 chỉ vỏn vẹn 74 tỷ đồng, lao dốc gần 90% so cùng kỳ.

Theo giải trình của DCM, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý 3/2023 tăng hơn 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá bán phân bón giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2022, làm cho doanh thu bán hàng công ty mẹ giảm hơn 9%, trong khi đó giá vốn hàng bán lại tăng hơn 21%.

Thêm vào đó, chi phí bán hàng tăng hơn 35% do công ty đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động bán xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh các điểm sáng đạt được trong quý như sản lượng tiêu thụ tăng, doanh thu hoạt động tài chính thuận lợi, tuy nhiên giá phân bón giảm làm cho lợi nhuận sau thuế của DCM sụt giảm mạnh so cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của DCM giảm 21% so cùng kỳ khi đạt 9.036 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm tới 81% về còn 613 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của DCM tăng nhẹ lên 14.714 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm lần lượt là 2.305 tỷ đồng và 7.512 tỷ đồng. Các khoản phải thu tăng mạnh lên 380 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm 2.418 tỷ đồng.

Nguồn bài viết: Giá phân bón giảm mạnh khiến lãi ròng quý 3 của DCM lao dốc 90%

Warren Buffett ‘xả’ một loạt cổ phiếu ngân hàng lớn ngay trước khi nhóm này ‘kéo nhau’ lao dốc

Việc Warren Buffett bán hàng loạt cổ phiếu ngân hàng dường như là một quyết định đúng đắn, trước thời điểm Phố Wall gặp nhiều khó khăn trong năm nay.

Kể từ đầu năm 2020, Berkshire Hathaway đã giảm cổ phần trong một loạt các nhà băng. Trong khi đó, cổ phiếu của các ngân hàng này đều rơi vào đợt bán tháo mạnh trong năm nay, bao gồm: Wells Fargo, BNY Mellon, Goldman Sachs, M&T Bank, US Bank và PNC Financial. JPMorgan, tăng 5%, là một trường hợp ngoại lệ, song cũng ghi nhận thành tích kém S&P 500 (tăng 9%).

Báo cáo tài chính quý II của Berkshire cho thấy vốn hoá của các cổ phiếu ngân hàng, tài chính và bảo hiểm mà tập đoàn nắm giữ là 67 tỷ USD vào cuối tháng 6, khi giá trị ban đầu (cost base) là 24 tỷ USD.

Lĩnh vực này trong danh mục đầu tư chứng khoán của Berkshire có tổng trị giá 102 tỷ USD và cost base là 40 tỷ USD vào cuối năm 2019. Hơn nữa, nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng 19% trong danh mục của tập đoàn vào tháng 6, giảm tức mức 41% trước đó, cho thấy Berkshire đã cắt giảm mạnh trong giai đoạn này.

Hồi tháng 4, Buffett giải thích rằng, ông không hài lòng với một số ngân hàng vì họ đã “thổi phồng” lợi nhuận và “đánh lạc hướng” nhà đầu tư bằng cách định giá tài sản theo chi phí thay vì giá thị trường. Ông cũng chỉ trích họ mắc một lỗi cơ bản đó là không khớp tài sản và nợ. Ví dụ, họ nhận tiền gửi của khách hàng - khoản có thể được rút ra ngay lập tức, và sau đó sử dụng để mua trái phiếu dài hạn.

Chủ tịch của Berkshire cho hay: “Tôi cho rằng các ngân hàng có thể gặp nhiều rắc rối vì những việc họ đã làm. Tôi không thích cách ngành này kinh doanh như trước đây nữa.”

Buffett cũng chỉ ra rằng, ông bán cổ phiếu Wells Fargo - công ty từng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của Berskhire, vì các ông chủ của ngân hàng dính líu đến những bê bối mà chưa bị trừng phạt thích đáng. Ông cũng thận trọng, không nhắc đến bất kỳ ngân hàng cụ thể nào liên quan đến hành vi sai trái.

Cổ phiếu các ngân hàng Mỹ đã sụt giảm trong năm nay vì nhiều nguyên nhân. Nhà đầu tư lo ngại về những vấn đề của các ngân hàng khu vực hồi tháng 3 sẽ lặp lại, khi 3 nhà băng phá sản do những khoản lỗ chưa thực hiện trên danh mục trái phiếu, khiến khách hàng ồ ạt rút tiền gửi.

Ngoài ra, thị trường cũng lo ngại về việc các ngân hàng nhỏ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thương mại. Lĩnh vực này vốn phụ thuộc nhiều vào nợ, chứng kiến giá trị bất động sản lao dốc do chi phí đi vay tăng cao và xu hướng làm việc từ xa bùng nổ. Hơn nữa, bất động sản thương mại cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề tín dụng, khi các nhà cho vay đang dần né tránh.

Chưa dừng ở đó, một số chuyên gia cảnh báo rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng mạnh, nợ công cao chưa từng có, những mâu thuẫn ở nước ngoài và các thách thức khác có thể khiến ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Dẫu vậy, Buffett vẫn chưa hoàn toàn thoái vốn khỏi các ngân hàng và vẫn chịu ảnh hưởng phần nào bởi đợt sụt giảm trong năm nay. Bank of America vẫn là cổ phiếu có tỷ trọng lớn thứ 2 trong danh mục của Berkshire sau Apple. Cổ phiếu ngân hàng này giảm 23% từ tháng 1 đến nay. Berkshire cũng sở hữu cổ phiếu của các ngân hàng khác như Citigroup và Jefferies, cũng như các nhà cung cấp thẻ tín dụng như American Express và Capital One.

Dự kiến, Berkshire sẽ công bố báo cáo tài chính quý III cùng cập nhật về danh mục đầu tư chứng khoán vào giữa tháng 11. Những con số này sẽ cho thấy đà sụt giảm của cổ phiếu ngành ngân hàng ảnh hưởng thế nào đến tập đoàn, và liệu Buffett có thực hiện thương vụ nào trong lĩnh vực này trong quý trước hay không.

Nguồn bài viết: Warren Buffett ‘xả’ một loạt cổ phiếu ngân hàng lớn ngay trước khi nhóm này ‘kéo nhau’ lao dốc

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thay đổi lời khai, đổ lỗi cho em gái

Khi bị khởi tố bổ sung thêm tội, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đột ngột thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, đổ lỗi cho em gái và những người khác.

Theo kết luận điều tra, ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán. Ông Quyết là người sáng lập Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và 50 công ty liên quan khác.

Cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng, ông Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế (Kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng những người liên quan thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng; thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Cụ thể, từ 25/6/2017- 10/1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo em gái mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán. Trong đó, 141 tài khoản mở tại Công ty CP chứng khoán BOS, 359 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác.

Ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Hoàng Hà)

Để thực hiện việc thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo bà Trịnh Thị Thúy Nga (Phó TGĐ Công ty CP chứng khoán BOS) cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản của ông Quyết mở tại Công ty BOS, sau đó chỉ đạo cấp dưới điều hành Công ty BOS ban hành Nghị quyết của HĐQT “ủy quyền cho Nga phê duyệt cấp hạn mức khách hàng khống để giao dịch chứng khoán hằng ngày cho 141 tài khoản chứng khoán của nhóm Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS”.

Theo đó, tại Công ty BOS, giao bà Nga chỉ đạo người khác thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho nhóm 79/141 tài khoản do bà Huế quản lý, sử dụng với tổng giá trị hạn mức khống là hơn 170.598 tỷ đồng.

Bà Huế đã sử dụng 79/141 tài khoản đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng 2.850.120.160 cổ phiếu, tương đương hơn 46.980 tỷ đồng.

Sau khi đặt lệnh mua, bà Huế tiếp tục hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau, hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã cổ phiếu để thực hiện hành vi thao túng. Trong đó, đã khớp lệnh mua 463.375.070 cổ phiếu với tổng giá trị là hơn 11.855 tỷ đồng, thiếu hơn 11.651 tỷ đồng.

Sau khi tạo cung cầu giả đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC (AMD, HAI, GAB, ART) và FLC, khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp anh trai thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Về số tiền này, ông Quyết dùng để mua cổ phần Công ty CP Hàng không Tre Việt; mua cổ phần Công ty CP FLC Travel; mua cổ phần của Công ty CP Nông dược HAI; trả nợ, chuyển vào các tài khoản chứng khoán và chi tiêu cá nhân.

CQĐT còn làm rõ, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại… quay vòng nhiều lần để 5 lần tăng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phần.

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, ông Quyết chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và sau đó được chấp thuận.

Từ tháng 9/2016- 3/2022, ông Quyết giao cho em gái sử dụng tài khoản của mình và 40 tài khoản mà bà Huế nhờ người khác đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu của Công ty CP xây dựng Faros trên sàn chứng khoán.

Ông Quyết đã chỉ đạo bà Huế bán 391.155.480 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống thu được hơn 4.818 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Thay đổi lời khai, đổ lỗi cho người khác

Theo kết luận điều tra, ban đầu ông Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo bà Huế và đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Khi CQĐT khởi tố bổ sung về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quyết thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đổ lỗi cho em gái và những người khác.

Tuy nhiên CQĐT cho rằng, hành vi của ông Quyết đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa là người thực hiện tội phạm.

Theo CQĐT, dù ông Quyết phạm tội lần đầu, là chủ doanh nghiệp, tạo được nhiều việc làm cho người lao động nhưng đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường chứng khoán và nền kinh tế, gây bức xúc cho xã hội.

CQĐT cũng cho rằng, cựu Chủ tịch FLC đã lôi kéo, tác động những người thân trong gia đình, bạn bè thực hiện hành vi phạm tội.

Mặc khác, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội đã rõ nhưng bị can Quyết vẫn ngoan cố không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, CQĐT cho rằng cần phải xử lý bị can bằng một bản án nghiêm khắc trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Nguồn bài viết: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thay đổi lời khai, đổ lỗi cho em gái

Mỹ: Lạm phát tiếp tục tăng mạnh

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 9, tương đương với mức tăng của tháng 8.

Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở thành phố Foster, bang California (Mỹ), ngày 13/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/10, lạm phát cơ bản của nước này đã tăng mạnh trong tháng 9, song nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp chính sách tới.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 9, tương đương với mức tăng của tháng 8. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PCE đã tăng 3,4% trong tháng 9, phù hợp với mức tăng của tháng 8.
Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, PCE cốt lõi tăng 0,3% trong tháng 9, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái PCE cốt lõi đã tăng 3,7% trong tháng 9, mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm và theo sau mức tăng 3,8% của tháng 8.
Một lĩnh vực quan tâm khác của các nhà hoạch định chính sách là giá cả ở lĩnh vực dịch vụ, đã tăng 0,5% trong tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Fed theo dõi chỉ số giá PCE cho mục tiêu lạm phát 2%. Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp chính sách tới sau khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt gần đây và tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Theo CME Group, thị trường tài chính đang dự báo gần 100% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp từ 31/10-1/11.

Nguồn bài viết: Mỹ: Lạm phát tiếp tục tăng mạnh

Ngược chiều ngành phân bón, quý 3/2023, Bình Điền (BFC) báo lãi gấp hơn 13 lần cùng kỳ

Lũy kế 9 tháng, Phân bón Bình Điền mang về 6.385 tỷ đồng doanh thu, 112 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 4,5% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC) vừa công bố BCTC ngày 28/10 với kết quả lãi ròng 80,7 tỷ đồng, gấp 13,5 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức đỉnh mà BFC từng đạt được trong quý 4/2021. Theo đó, EPS của DN tăng từ 96 đồng lên 1.272 đồng.

Cụ thể về các chỉ tiêu tài chính, trong quý vừa qua Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu 2.720 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn với mức 12,7% lên 2.370 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng 85% lên 339 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính gấp 2,2 lần lên 8,4 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu tài chính lại giảm từ 39,3 tỷ đồng về còn 25,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng. Nhờ lợi nhuận gộp tăng, Phân bón Bình Điền đã báo lãi gấp hơn 13 lần quý 3/2022.

Trong quý vừa qua nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón đều ghi nhận lợi nhuận giảm. Hai ông lớn là Đạm Phú Mỹ (DPM) hay Đạm Cà Mau (DCM) còn ghi nhận lãi giảm trên 90%.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, Phân bón Bình Điền ghi nhận kết quả kinh doanh giảm. Cụ thể, công ty này mang về 6.385 tỷ đồng doanh thu, 112 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 4,5% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của công ty đạt 3.747 tỷ đồng, giảm 500 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, lượng hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, ở mức 1.667 tỷ đồng, giảm 666 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn là 892,6 tỷ đồng và doanh nghiệp phải trích lập 41,4 tỷ đồng cho các khoản phải thu.

Nợ vay tài chính của doanh nghiệp ở mức gần 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu đạt 1.263 tỷ đồng, ít hơn nợ vay tài chính.

Nguồn: Ngược chiều ngành phân bón, quý 3/2023, Bình Điền (BFC) báo lãi gấp hơn 13 lần cùng kỳ

1,1 tỷ cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) hiện hữu nguy cơ hủy niêm yết trên HOSE

2 năm sau lần “chết hụt” đầu tiên (năm 2020), cổ phiếu HNG của HAGL Agrico lại đối diện với nguy cơ hủy niêm yết. Sau 10 quý lỗ liên tiếp, đột biến kinh doanh nào sẽ xuất hiện trong quý cuối năm?

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã HNG - HOSE) vừa đón nhận thêm quý lỗ thứ 10 liên tiếp dù mức lỗ đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ. Nhưng lỗ thì vẫn cứ là lỗ, không thể khác được!

Doanh thu quý 3 của HAGL Agrico giảm còn 160 tỷ đồng trong đó các mảng chủ lực như bán trái cây, bán mủ cao su đều giảm mạnh. Như thường lệ, tình trạng kinh doanh dưới giá vốn tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện kinh doanh thua lỗ.

Quý 3, HNG báo lỗ sau thuế hợp nhất 199 tỷ đồng - giảm 52% YoY. Dù vậy, con số ghi nhận vẫn cao hơn mức lỗ 112 tỷ và 135 tỷ của 2 quý trước đó.

Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp nhà Chủ tịch Trần Bá Dương đạt tổng doanh thu 438 tỷ đồng, lỗ sau thuế âm 446 tỷ, lần lượt giảm 21% và 59% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ lũy kế tăng lên mức 7.450 tỷ.

Với kết quả này, dù vẫn còn cách xa kế hoạch doanh thu 1.282 tỷ đồng song so với mục tiêu lỗ sau thuế 2.316 tỷ, kết quả ghi nhận sau 3 quý của HAGL Agrico là tương đối tích cực.

Điều đáng quan tâm nhất lúc này là tương lai của hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG đang niêm yết trên sàn HOSE. Quý 4 tới đây dù chỉ báo lỗ bất kỳ con số này, án hủy niêm yết trên HOSE vào đầu năm tới sẽ là điều chắc.

HAGL Agrico đã kinh doanh thua lỗ 4/5 năm gần nhất (ngoại trừ khoản lãi bất ngờ gần 21 tỷ đồng năm 2020). Riêng năm 2019, công ty thậm chí lỗ sau thuế tới 2.444 tỷ đồng. Chính khoản lợi nhuận “bé hạt tiêu” năm 2020 đã giúp cổ phiếu HNG thoát cửa rời sàn (tránh được năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp).

Năm đó, phải nhờ đến khoản doanh thu tài chính đột biến gần 966 tỷ đồng (945 tỷ thu từ chuyển nhượng khoản đầu tư) trong quý 4 mới giúp công ty thoát nạn.

Quý 4 tới đây, HAGL Agrico cần đạt tối thiểu khoản lợi nhuận 446 tỷ đồng để đủ điều kiện giữ cổ phiếu ở lại sàn HOSE. Được biết lần gần nhất doanh nghiệp đạt mức lãi trên ngưỡng này đã từ quý 2/2017 (lơi nhuận sau thuế 1.003 tỷ đồng). Khi ấy, HNG vẫn còn nằm trong vòng tay của ông Đoàn Nguyên Đức và Tập đoàn HAGL (Mã HAG).

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của công ty nhà Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương đạt 14.144 tỷ đồng - tăng 1.500 tỷ so với đầu năm trong đó lượng tiền mặt ở mức 16,5 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng từ 9.635 tỷ lên mức 11.245 tỷ đồng (gấp 3,9 lần vốn chủ sở hữu) trong đó vay nợ tài chính hơn 7.800 tỷ.

Vay nợ lớn khiến công ty phải chi tới 244 tỷ đồng chi phí lãi vay sau 9 tháng - tăng 34% so với cùng kỳ.

HNG cũng đang có khoản chi phí phải trả (phần lớn là chi phí lãi vay) ở mức 1.166 tỷ đồng - tăng gần 300 tỷ so với thời điểm đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNG kết phiên 27/10 tại mức 3.610 đồng/cp - giảm 76% sau tròn 4 năm.

Nguồn bài viết: 1,1 tỷ cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) hiện hữu nguy cơ hủy niêm yết trên HOSE

Ông Trịnh Văn Quyết và hai em gái ‘lái’ cổ phiếu thế nào?

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái sử dụng 500 tài khoản chứng khoán để thao túng giá 5 cổ phiếu nhóm FLC, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Hai em gái của ông Trịnh Văn Quyết và nguồn tiền ảo từ Chứng khoán BOS

Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái, nhân viên Ban Kế toán FLC) liên hệ với 45 cá nhân quan hệ họ hàng với gia đình, người thân mở 20 công ty và 500 tài khoản giao dịch tại 43 công ty chứng khoán.

Trong đó, 141 tài khoản chứng khoán được mở tại Chứng khoán BOS. Các tài khoản còn lại được mở tại các công ty chứng khoán như VNDirect, Tân Việt, Phú Hưng, Mirae Asset (Việt Nam), Bảo Việt, Sài Gòn - Hà Nội… Thông tin từ Bộ Công an, 500 tài khoản này do bà Huế quản lý, sử dụng.

Không chỉ mở lượng lớn tài khoản cho bà Huế, Chứng khoán BOS (Mã: ART) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tiền để ông Quyết thao túng giá cổ phiếu. Theo tìm hiểu, BOS là tổ chức liên quan chặt chẽ với hệ sinh thái của Tập đoàn FLC, tên gọi cũ là Chứng khoán FLC. Công ty chứng khoán này là nơi ông Trịnh Văn Quyết từng làm chủ tịch Hội đồng Quản trị, người đại diện pháp luật.

Trong khi bà Huế quản lý và sử dụng 500 tài khoản chứng khoán, vai trò điều phối dòng tiền được trợ lực bởi em gái thứ hai là bà Trịnh Thị Thúy Nga. Bà Nga là Phó Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS.

Theo kết luận điều tra, đầu phiên giao dịch hàng ngày, bà Huế nhắn tin/gọi điện cho bà Nga thông báo các số tài khoản thiếu tiền, cần được cấp hạn mức để đặt lệnh mua theo chỉ đạo của ông Quyết.

Sau đó, nhóm nhân viên Phòng dịch vụ chứng khoán của BOS cấp hạn mức mua khống cho các tài khoản đang thiếu tiền của Huế bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản trị “BOS Floor Trading”, điều số tiền vào nhóm tài khoản được Nga cung cấp và yêu cầu.

Bằng cách tạo hạn mức ảo, nhóm tài khoản chứng khoán bà Huế quản lý vẫn phản ánh số dư thực có, đủ tiền để đặt lệnh mua.

Cáo buộc của Bộ Công an, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, bà Nga chỉ đạo nhóm nhân viên của Chứng khoán BOS thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức ảo (chưa có tiền) cho 79 trên tổng số 141 tài khoản do bà Huế quản lý.

Tổng số tiền cấp khống cho các tài khoản 170.598 tỷ đồng, được dùng để đặt 15.128 lệnh mua tổng khối lượng 2,85 tỷ cổ phiếu của 5 mã thuộc nhóm FLC (AMD, HAI, GAB, ART, FLC) có giá trị 46.980 tỷ đồng. Lượng lớn lệnh trên không được khớp. Lượng cổ phiếu khớp mua hơn 463,3 triệu cp có tổng giá trị 11.855 tỷ đồng, trong khi tiền thực có chỉ hơn 204 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC. Nguồn: FLC.

Hé lộ nhóm viber và cách cân tiền hàng chục nghìn tỷ đồng

Số tiền thiếu gần 11.652 tỷ đồng được bà Nga, bà Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc BOS), bà Quách Thị Xuân Thu (Kế toán trưởng BOS trong giai đoạn tháng 9/2018 – tháng 9/2020), bà Trần Thị Lan (Kế toán trưởng BOS từ tháng 9/2020 đến khi bị khởi tố) thực hiện thanh toán bù trừ qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Về quy trình, cuối ngày giao dịch, nhân viên Chứng khoán BOS tổng hợp kết quả mua chứng khoán thiếu tiền trong nhóm tài khoản của bà Huế và chuyển cho kế toán trưởng. Sau đó, bà Thu hoặc Lan sẽ tổng hợp và nhắn tin lên nhóm chat trên ứng dụng viber có tên “BOS – Phòng kế toán và DVKH” do bà Nga lập ra.

Nhóm chat Viber này ngoài trưởng nhóm Trịnh Thị Thúy Nga còn có các lãnh đạo khác của BOS gồm bà Hương Trần Kiều Dung (Chủ tịch), ông Chu Tiến Vượng (Phó Chủ tịch), bà Nguyễn Quỳnh Anh (CEO) và một số cá nhân khác.

Về phương án thanh toán bù trừ qua VSD, bà Thu và bà Lan ký 300 ủy nhiệm chi trình Tổng Giám đốc (bà Nguyễn Quỳnh Anh) và Phó Tổng Giám đốc (bà Trịnh Thị Thúy Nga) với tổng tiền duyệt chuyển 24.636 tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng của BOS vào tài khoản thanh toán bù trừ được mở tại BIDV Hà Thành để VSD tự động trích tiền thanh toán. Giá trị thanh toán thay gần 9.904 tỷ đồng trên tổng số gần 11.652 tỷ đồng nêu trên.

Với hành vi trên, tháng 2/2021, Chứng khoán BOS từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt với hành vi vi phạm “cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định”.

5 cổ phiếu nhóm FLC bị thao túng giá thế nào?

Phương thức thao túng giá được “đội lái” FLC thực hiện với nhiều kỹ thuật. Theo kết luận điều tra, từ ngày 26/5/2017 cho đến ngày 10/01/2022, bà Trịnh Thị Minh Huế dùng 190/500 tài khoản mở tại 18 công ty chứng khoán và 83 tài khoản ngân hàng để liên tục mua bán cùng loại cổ phiếu; khớp lệnh nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán khối lượng lớn để chi phối giá đóng cửa, mở cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy nhằm tạo cung cầu giả.

Trong 562 phiên giao dịch, bà Huế thực hiện hàng chục nghìn lệnh mua, đồng thời hủy hàng nghìn lệnh. Ở chiều bán, em gái cựu chủ tịch FLC đặt gần 12.000 lệnh bán với khối lượng khớp bán hơn 1,3 tỷ cp, đồng thời hủy 942 lệnh bán (84,3 triệu cp).

Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp thu lợi bất chính 723,3 tỷ đồng”, theo kết luận điều tra.

Về thời gian, AMD là mã có thời gian thao túng ngắn nhất, dài nhất là FLC.

Từ ngày 23/9/2020 đến ngày 10/1/2022, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tăng giá 593,4% từ 3.050 đồng/cp lên 21.150 đồng/cp. Bà Huế sử dụng 96/500 tài khoản tham gia 283/327 phiên giao dịch để mua bán, tạo cung cầu ảo. Nhóm tài khoản đã tham gia 207 phiên xác định giá đóng cửa (ATC). Với kỹ thuật kê lệnh ảo, chỉ ¼ số phiên ATC có khối lượng khớp của “đội lái” chiếm trên 25% tổng khối lượng khớp của toàn thị trường.

Kết quả chỉ đạo thao túng giá cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thu lợi bất chính hơn 397,3 tỷ đồng.

Món lợi bất chính lớn thứ hai đến từ thao túng giá cổ phiếu HAI của Nông được HAI phát sinh với số gần 239 tỷ đồng. Trong thời gian từ 26/6/2017 đến 9/2/2018, giá cổ phiếu HAI tăng 459% từ 3.780 đồng/cp lên 22.500 đồng/cp. Một mã chứng khoán khác cũng tăng bằng lần là ART (330%) nhưng thu lợi ít hơn (44,6 tỷ đồng).

Cổ phiếu GAB của Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC tăng giá mạnh nhất trong thời gian bị thao túng giá, song phát sinh số lợi thấp nhất với hơn 3,4 tỷ đồng.

Thông tin được Bộ Công an đưa ra, số tiền hơn 723 tỷ đồng thu lợi từ thao túng giá 5 cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết dùng để gửi tiết kiệm (100 tỷ đồng), trả nợ (73,65 tỷ đồng), mua cổ phần Bamboo Airways (83,8 tỷ đồng), chuyển cho vợ (bà Lê Thị Ngọc Diệp) (36 tỷ đồng), sửa chữa biệt thự (7,8 tỷ đồng)… Số tiền còn lại được dùng để mua bán chứng khoán, sử dụng vào hoạt động khác của FLC và các công ty liên quan.

Với hành vi của ông Trịnh Văn Quyết, Bộ Công an kết luận “có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán; sáng lập Tập đoàn FLC, Chứng khoán BOS và 50 công ty khác”.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo FLC đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, thu lợi bất chính đặc biệt lớn và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, ông Quyết đã lôi kéo, tác động những người thân trong gia đình và bạn bè thực hiện hành vi phạm tội.

Ban đầu ông Trịnh Văn Quyết đã thành khẩn khai báo về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, song khi biết bị cơ quan điều tra khởi tố bổ sung tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cựu chủ tịch FLC đã thay đổi lời khai, đổ lỗi cho em gái và những người khác.

Kết luận của Bộ Công an nêu: "Khi bị bắt, dù các chứng cứ chứng minh đã rõ nhưng ông Quyết vẫn ngoan cố không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đổ lỗi cho em gái và người khác thực hiện hành vi phạm tội”.

Nguồn bài viết: Ông Trịnh Văn Quyết và hai em gái ‘lái’ cổ phiếu thế nào?

Loạt cổ phiếu bị HOSE nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2023

(TBTCO) - Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có thông báo nhắc nhở một loạt doanh nghiệp niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2023, như: DAG, IBC, SJF, VHC. Đây là các doanh nghiệp quá thời hạn phải công bố báo cáo tài chính quý, nhưng chưa công bố theo quy định pháp luật.

Thông tin từ HOSE cho biết, căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

HOSE nhắc nhở và đề nghị DAG, IBC, SJF,VHC khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.

“Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý…”.

Loạt cổ phiếu bị HOSE nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2023
Nhiều cổ phiếu bị HOSE nhắc nhở nộp báo cáo tài chính quý III/2023. Ảnh: Minh họa.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp báo cáo, HOSE vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính quý III/2023 của các công ty gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã Ck: DAG), Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã Ck: IBC) và Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (mã Ck: SJF), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã Ck: VHC).

Do đó, HOSE nhắc nhở và đề nghị các công ty trên khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định./.

Nguồn bài viết: Loạt cổ phiếu bị HOSE nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2023 | Thời báo Tài chính Việt Nam