Chứng sỹ săn tin!

Thu hút FDI 4 tháng: Vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tăng mạnh

Trái ngược với xu hướng giảm vốn đăng ký mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong những 4 đầu năm…

Trong khi vốn đăng ký mới giảm 56,3% thì vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần lại tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, mặc dù vốn đăng ký mới giảm mạnh tới 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần lại tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Cụ thể, có 454 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 0,7% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,7 tỷ USD (giảm 56,3% so với cùng kỳ); có 323 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5,29 tỷ USD (tăng 92,5% so với cùng kỳ); và có 1.026 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (bằng 89,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên gần 1,83 tỷ USD (tăng 74,5 so với cùng kỳ).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 667,8 triệu USD và gần 357,5 triệu USD.

Tính đến 20/4, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 35,8% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ.

Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD; Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhất trong 4 tháng năm 2022 (chiếm 18,7% số dự án mới, 33,7% số lượt điều chỉnh và 37,3% số lượt góp vốn mua cổ phần).

Về địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn. Thành phố Hồ Chí Minh vượt lên xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,28 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Về vốn thực hiện, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn bài viết: Thu hút FDI 4 tháng: Vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tăng mạnh - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

Công ty năng lượng khổng lồ của Đức chấp nhận trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp

Nhiều công ty năng lượng khác ở châu Âu được cho là cũng đang chuẩn bị để hành động tương tự Uniper vì lo ngại bị Nga cắt khí đốt như Moscow đã làm đối với hai nước Bulgaria và Ba Lan…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Đức cho biết đang chuẩn bị cho việc thanh toán tiền mua khí đốt Nga qua một hệ thống mà các nhà phê bình cho rằng sẽ làm suy yếu các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu ÂU (EU) áp lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine.

Theo tin từ BBC, công ty Uniper cho biết sẽ trả bằng Euro cho khí đốt mua từ Nga, nhưng số Euro này sẽ được chuyển đổi sang đồng Rúp thông qua một hệ thống do Nga thiết lập. Cách làm này vừa không vi phạm lệnh trừng phạt, vừa đáp ứng yêu cầu của điện Kremlin về việc các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng Rúp.

Nhiều công ty năng lượng khác ở châu Âu được cho là cũng đang chuẩn bị để hành động tương tự Uniper vì lo ngại bị Nga cắt khí đốt như Moscow đã làm đối với hai nước Bulgaria và Ba Lan.

Uniper nói rằng công ty năng lượng khổng lồ này không còn lựa chọn nào khác, nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. “Chúng tôi đang cân nhắc một hình thức thanh toán chuyển đổi, để vừa đảm bảo được lệnh trừng phạt vừa đáp ứng được sắc lệnh của Nga”, một người phát ngôn của công ty này nói với BBC. “Đối với công ty chúng tôi và với nước Đức nói chung, việc sống mà không có khí đốt Nga trong thời gian trước mắt là không thể. Sẽ có những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của chúng tôi”.

Công ty năng lượng lớn nhất của Đức RWE từ chối trả lời BBC khi được hỏi làm thế nào để thanh toán tiền mua khí đốt Nga.

Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sắc lệnh yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt từ nước này bằng đồng Rúp. Đây được xem là một động thái nhằm củng cố tỷ giá đồng Rúp sau khi phương Tây đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga.

Theo sắc lệnh này, các nhà nhập khẩu khí đốt ở châu Âu phải chuyển Euro hoặc USD vào một tài khoản tại Gazprombank, ngân hàng đặt tại Thuỵ Sỹ là một nhánh của công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom. Sau đó, số tiền này sẽ được chuyển đổi thành đồng Rúp và chuyển vào một tài khoản thứ hai ở Nga.

Tuần trước, Uỷ ban châu Âu (EC) nói rằng nếu bên mua khí đốt Nga có thể hoàn tất việc thanh toán bằng đồng Euro và được xác nhận về việc này trước khi số Euro đó được chuyển đổi sang Rúp, thì việc thanh toán đó không bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu có cách diễn giải khác nhau về hướng dẫn của EC. Tuần này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng gây băn khoăn khi nói rằng các công ty năng lượng châu Âu vẫn có thể vi phạm lệnh trừng phạt.

Ngày 28/4, một quan chức EU xác nhận rằng bất kỳ nỗ lực đổi tiền nào sang đồng Rúp ở Nga cũng sẽ là một “sự lách lệnh trừng phạt rõ rành rành” vì giao dịch có liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

“Điều mà chúng tôi không thể chấp nhận là các công ty châu Âu buộc phải mở một tài khoản thứ hai, và ở giữa tài khoản thứ nhất và thứ hai, số tiền Euro đó nằm trong tay của Chính phủ và CBR, và việc thanh toán chỉ hoàn tất khi số tiền đó được chuyển đổi sang Rúp”, vị này nói.

Trước đó, vào hôm thứ Ba tuần này, Ba Lan và Bulgaria từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng Rúp, và Gazporm đã dừng cung cấp khí đốt cho hai nước này. Hai nước đều tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng mua khí đốt từ Gazprom khi hợp đồng hết hạn trong năm nay.

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường trừng phạt Nga. Nước này nói EU nên trừng phạt những nước dùng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt Nga. Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa chỉ rõ Đức, Hungary và Áo là những nước đang phản đối cấm vận khí đốt Nga.

“Chúng tôi cho là sẽ có hậu quả đối với những nước chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng Rúp. Đó sẽ là kết cục đối với họ nếu họ nhượng bộ”, bà Moskwa nói.

Ngoài việc bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, yêu cầu của Nga về thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp còn được cho là nhằm mục đích chia rẽ các nước phương Tây.

Đại đa số, khoảng 97%, hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Gazprom và các công ty EU quy định thanh toán bằng Euro hoặc USD.

Hungary và Slovakia nói sẽ sử dụng phương pháp thanh toán chuyển đổi mà Nga đưa ra. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck hôm thứ Tư tuần này nói “đó là hướng đi mà EU đã vạch ra cho chúng ta”.

“Đó là hướng đi tương thích với trừng phạt. Và theo như tôi được biết, các công ty Đức định làm theo cách này hoàn toàn tuân thủ đúng hợp đồng. Hầu hết các nước EU sẽ làm theo cách này”, ông Habeck phát biểu.

Khoảng 40% khí đốt mà châu Âu tiêu thụ là do Nga cung cấp. Tỷ lệ này cao hơn ở một số nước, nên việc đột ngột bị Nga cắt khí đốt có thể gây ra hệ quả lớn về mặt kinh tế.

“Nhiều công ty châu Âu có thể chấp nhận thanh toán như cách Nga đưa ra, để vừa duy trì được giao dịch, vừa ở trong giới hạn của các biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra”, nhà phân tích Nathan Piper của Investec phát biểu. “Những công ty đó cần khí đốt để cung cấp cho người tiêu dùng, và Đức hiện chưa có một nguồn cung nào khác có thể thay thế khí đốt Nga ở thời điểm này.

Theo tờ Financial Times, công ty năng lượng lớn nhất Áo OMV cũng đang có kế hoạch chấp nhận cơ chế thanh toán mà Nga đưa ra. Hãng Eni của Italy cũng cân nhắc hành động tương tự.

“Chúng tôi đã phân tích yêu cầu của phía Gazprom về có chế thanh toán, trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của EU. Chúng tôi đang tìm ra một giải pháp sao cho tuân thủ được lệnh trừng phạt”, OMV nói với BBC.

Nguồn bài viết: Công ty năng lượng khổng lồ của Đức chấp nhận trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

COVID-19 châu Âu sang giai đoạn mới

TTO - Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh khối này cần tập trung tiêm chủng, xét nghiệm có mục tiêu và không buông lỏng giám sát dịch khi chuyển sang giai đoạn mới.

Hôm 27-4, EU (gồm 27 nước) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 sau khi áp lực với các bệnh viện đã giảm và nhiều nước thành viên dỡ bỏ hạn chế phòng dịch.

"Quản lý bền vững"

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, khi chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang quản lý bền vững hơn dịch COVID-19”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.

Trong hơn hai năm qua, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người EU, gây quá tải hệ thống y tế, buộc nhiều chính phủ phải hạn chế đi lại, đồng thời triển khai nhiều nỗ lực nghiên cứu và hậu cần quy mô lớn để mau chóng phủ vắc xin.

Trong tài liệu phác thảo chiến lược giai đoạn mới, EU kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người chưa tiêm, nhất là trẻ em trước học kỳ mới vào mùa thu, và tiêm mũi tăng cường.

Họ kêu gọi các nước áp dụng càng sớm càng tốt các hệ thống giám sát tích hợp quanh năm đối với các bệnh hô hấp cấp tính (gồm COVID-19, cúm và các bệnh khác). Theo họ, cần đẩy mạnh giám sát các biến thể mới và phòng dịch tái bùng phát.

Tài liệu cũng nói EU “cân nhắc hỗ trợ các dự án nhằm mục tiêu phát triển thuốc kháng virus” và phát triển thế hệ vắc xin mới với kỳ vọng giúp bảo vệ tốt và lâu dài hơn.

Về dài hạn, EC đã vạch ra một số kịch bản diễn biến dịch. Nếu tốt đẹp nhất, COVID-19 sẽ trở nên dễ quản lý, nhưng trong kịch bản u ám, sẽ có những “mùa đông bất trị”, các bệnh viện quá tải thường xuyên hoặc xuất hiện biến thể mới có thể buộc phải áp dụng lại những hạn chế.

Vẫn cảnh giác với COVID-19

Tuy nhiên, cách tiếp cận “bền vững hơn” với COVID-19 không có nghĩa các nước thành viên EU mất cảnh giác với dịch.

Bà Ursula von der Leyen lưu ý: “Chúng ta vẫn phải cảnh giác. Số ca nhiễm còn cao ở EU và vẫn nhiều người đang chết vì COVID-19 trên khắp thế giới. Hơn nữa, các biến thể mới có thể xuất hiện và lây lan nhanh chóng”.

Tuyên bố này tương tự với cảnh báo được Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra vào hôm 26-4. Ông Tedros kêu gọi các nước duy trì giám sát ca nhiễm và cảnh báo việc giảm xét nghiệm có thể khiến thế giới “mù mờ” trước sự tiến hóa của virus và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.

Một số nước thành viên EU đã coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu”. Hồi tháng 1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói COVID-19 nên được coi như bệnh cúm. Thụy Điển đã dừng xét nghiệm diện rộng và dỡ bỏ hạn chế vào tháng 2, Ý chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào hôm 31-3.

Đến nay, hơn 2/3 dân số trưởng thành EU đã tiêm vắc xin, nhưng một số nước vẫn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, dân số của họ vẫn dễ bị tổn thương. Chẳng hạn trong khi 70% dân số Malta đã tiêm mũi tăng cường thì ở Bulgaria chỉ là 10%.

Ngoài ra, bà Stella Kyriakides (ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề y tế) cho biết khoảng 60-80% dân số EU đã mắc COVID-19 và khoảng 10% bị các triệu chứng kéo dài. “Điều này cần phải được đánh giá rất nghiêm túc”, bà Kyriakides nói trước báo giới.

Mỹ "thoát khỏi giai đoạn đại dịch"

Trong khi đó, tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết nước này “giờ đây chắc chắn đã thoát khỏi giai đoạn đại dịch”.

Ông cho rằng Mỹ đang trong “giai đoạn chuyển tiếp” khi mọi người có thể nối lại một số hoạt động xã hội, kinh tế… mà không bị xáo trộn như trước.

Ông Fauci giải thích trên Đài PBS: "Nước Mỹ không còn ghi nhận 900.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, hàng chục ngàn ca nhập viện và hàng ngàn ca tử vong.

Hiện tại, các số liệu đang ở mức thấp. Vì vậy, chúng ta đã thoát khỏi giai đoạn đại dịch". Nhưng ông vẫn kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế và đi tiêm vắc xin.

Nguồn bài viết: COVID-19 châu Âu sang giai đoạn mới - Tuổi Trẻ Online

Chuyên gia: Cơ hội mua cổ phiếu tốt với giá rẻ như hiện tại chỉ đến một, hai lần trong cả năm

Thị trường chứng khoán vừa có hai phiên phục hồi sau chuỗi giảm mạnh lên tới hàng trăm điểm. Tuy nhiên hai bên mua và bán đang tỏ ra không quá nhiệt tình đã đẩy thanh khoản rơi về vùng đáy trong 9 tháng trở lại. Những biến động của chỉ số cũng như giá cổ phiếu vẫn đang khó dự đoán, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là nên chờ thị trường ổn định rồi mới quay lại hay là mua vào cổ phiếu đã giảm mạnh trong thời gian qua?

Trả lời cho câu hỏi này, trong Tọa đàm Chọn Danh mục số 2 với chủ đề “Chế ngự nỗi sợ” được tổ chức bởi Báo Đầu tư Chứng khoán vào chiều 28/4, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam đánh giá đây thực sự là một cơ hội hiếm có.

“Nếu không có nhịp giảm sâu thì sẽ không có cơ hội mua những cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn. Trong một năm, thị trường sẽ chỉ có 1-2 đợt giảm như vậy để nhà đầu tư có cơ hội mua hàng tốt giá rẻ”, ông Ngọc cho hay.

Chia sẻ về nguyên tắc bước vào thị trường, theo ông Ngọc, nhà đầu tư nên dành một phần vốn không quá lớn đối và xem chúng là học phí, đồng nghĩa có thể mất hoàn toàn để rút ra được bài học đầu tư.

Thứ hai, nhà đầu tư không nên sử dụng margin từ đầu, điều này giúp họ hiểu rõ bản chất của thị trường chứng khoán trước khi dùng các dạng đòn bẩy tài chính, margin hoặc sử dụng các sản phẩm phái sinh để mua-bán khi thị trường xuất hiện những xu hướng.

Thứ ba, ông Ngọc cho rằng hầu hết các nhà đầu tư thành công, trong quá trình đầu tư đều có phương pháp cụ thể. Nếu đầu tư ngắn hạn, họ sẽ xác định có ưu điểm và rủi ro gì để khai thác, khi xuất hiện rủi ro thì sẽ không chần chừ và nhanh chóng xử lý. Trong khi đó, những người theo đuổi đầu tư trung và dài hạn thì sẽ xác định đầu tư theo hình thức giá trị và trong vòng bao lâu nhằm đưa ra định hướng và quyết định.

Cuối cùng, vị chuyên gia này chỉ ra bài học mà hầu hết nhà đầu tư cả trung hạn hay “lướt sóng” cần mang theo, chính là cắt lỗ. “Bài học cắt lỗ là bài học khó nhất nhưng sẽ phải học từ đầu. Nhà đầu tư nếu xác định điểm cắt lỗ là 8% thì khi đến mức đó buộc phải cắt, nếu đến 10% sẽ không suy nghĩ nhiều và thực hiện cắt lỗ luôn”, ông Ngọc khuyến nghị,

Vị chuyên gia này cho biết nếu nhà đầu tư có thể nắm vững bốn yếu tố trên thì hoàn toàn đàng hoàng bước vào thị trường chứng khoán mà không phải lo sợ hãi. Việc cần làm khi này chỉ là lựa chọn cổ phiếu tốt, đồng thời quan sát lắng nghe ý kiến của chuyên gia để xây dựng danh mục tốt với mức sinh lời đạt hiệu quả cao.

Tỷ lệ lạm phát ở Đức lên mức cao nhất trong 40 năm qua

Theo Cục Thống kê liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 đã tăng lên mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tác động từ xung đột ở Ukraine khiến giá năng lượng và vật liệu thô tăng mạnh.

image
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại một siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc đứt gãy nguồn cung, đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine đã khiến giá cả các mặt hàng ở Đức tăng mạnh từ nhiều tháng qua.

Trong tháng 4/2022, tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đã tăng 7,4%, mức cao nhất trong 40 năm qua.

Số liệu của Cục Thống kê liên bang Đức ngày 28/4 cho biết tỷ lệ lạm phát tại Đức trong tháng 4 đã tăng lên mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tác động từ xung đột ở Ukraine khiến giá năng lượng và vật liệu thô tăng mạnh.

Mức lạm phát ghi nhận trong tháng 4/2022 là mức cao nhất ở Đức kể từ mùa Thu năm 1981 và tăng hơn 0,1% so với tháng 3/2022. Người tiêu dùng cũng cảm nhận rõ hậu quả khi giá xăng dầu và dầu sưởi tăng cao.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá. Việc nguồn cung bị gián đoạn cùng với hậu quả của đại dịch COVID-19 đã khiến giá cả đều tăng mạnh và xung đột ở Ukraine càng thổi bùng mức lạm phát lên cao.

[Đức cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022]

Từ tháng 3 sang tháng 4/2022, riêng giá tiêu dùng ở Đức đã tăng khoảng 0,8%. Lạm phát cao đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng khi cùng một số tiền nhưng khách hàng chỉ mua được một lượng mặt hàng ít hơn trước.

Chính phủ liên bang Đức hiện đã tung ra hai gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân ở Đức. Trong các dự báo gần đây nhất, các nhà kinh tế không thể đưa ra được một viễn cảnh rõ ràng, song nhìn chung vẫn nhận định trong năm 2022, tỷ lệ lạm phát trung bình ở mức trên 6% ở nền kinh tế Đức. Đây cũng sẽ là mức lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trong năm 2021, giá tiêu dùng ở Đức tăng trung bình hàng năm là 3,1%.

Trước đó ngày 27/4, Chính phủ Đức đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, xuống còn 2,2%, do những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng và tiêu dùng tăng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ./.

Nguồn bài viết: Tỷ lệ lạm phát ở Đức lên mức cao nhất trong 40 năm qua | Kinh tế | Vietnam+ (VietnamPlus)

Gián đoạn sản xuất thêm trầm trọng, ngành công nghiệp chip ‘đã khốn càng thêm khó’

đã khốn càng thêm khó’

Gián đoạn sản xuất thêm trầm trọng, ngành công nghiệp chip 'đã khốn càng thêm khó'

Trung Quốc tiếp tục duy trì Zero Covid và tiếp tục những chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, đe dọa lớn đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như doanh thu của các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới.

Các nhà sản xuất chip hàng đầu là Texas Instruments và SK Hynix đã cảnh báo rằng chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng như các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và gây tổn thất đến doanh thu của họ.

Chính sách Zero Covid của Trung Quốc nhằm chống lại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã khiến nhiều thành phố bị phong tỏa, buộc các nhà máy phải đóng cửa và làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

SK Hynix của Hàn Quốc, nhà sản xuất chip lớn thứ 2 trên thế giới, cho biết việc Trung Quốc ngừng hoạt động các nhà máy là nguy cơ lớn nhất khiến việc sản xuất chip máy tính và điện thoại suy giảm, mặc dù họ dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm khi các nhà sản xuất tung ra các sản phẩm mới vào cuối năm, thời điểm mua sắm tăng mạnh.

“Trên thị trường smartphone, nhu cầu đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở Trung Quốc và các lô hàng chip trong bộ nhớ dự kiến sẽ tăng ở mức một con số vào ban đầu, thấp hơn so với dự kiến đầu năm”, Kevin Noh, Giám đốc Marketing của SK Hynix cho biết.

Nhà sản xuất chip Texas Instrments của Mỹ đã cảnh báo về tình trạng gián đoạn sản xuất và dự báo doanh thu quý hiện tại sẽ thấp hơn ước tính của Phố Wall.
Dave Pahl, người đứng đầu bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại Texas Instruments cho biết: “Rõ ràng là chúng tôi đang đối mặt với sự suy giảm về nhu cầu, đặc biệt là do những hạn chế trong biện pháp phòng chống dịch của Trung Quốc”.

Một số công ty đến từ châu Âu bao gồm Essilor Luxottica, công ty sản xuất kính mắt cho hãng Prada và Versace, chủ sở hữu Gucci Kering cũng đưa ra cảnh báo rằng việc Trung Quốc phong tỏa đang gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của họ

Nguồn bài viết: China lockdowns raise earnings risk for chip firms, automakers, industrials | Reuters

Phó thủ tướng Lê Văn Thành: 'Làm sân bay phải vì cái chung, không được tư lợi”

TTO - Chiều 27-4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tiến độ thi công sân bay quốc tế Long Thành. Tại đây, ông Thành biểu dương các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thi công mặt bằng, nhưng lưu ý phải ‘làm vì cái chung, không tư lợi’.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra hiện trường thi công mặt bằng sân bay - Ảnh: H.MI

Phó thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực, khắc phục khó khăn tổ chức thi công mặt bằng sân bay trong suốt 90 ngày qua. Tuy nhiên, ông lưu ý dự án sân bay Long Thành là ‘dự án trọng điểm của trọng điểm’.

Thời gian còn lại có 4 năm mà công trình rất lớn, kỹ thuật cao, kiến trúc tầm cỡ… nên đòi hỏi phải chất lượng vì sau này là vị thế quốc gia. Việc tổ chức điều hành, thi công đòi hỏi phải khoa học. Có khó khăn phải tháo gỡ kịp thời.

“Ban quản lý dự án phải giám sát chặt chẽ, chú trọng đến chất lượng công trình, kể cả tư vấn, giám sát. Tuyệt đối phải làm vì cái chung. Không tư lợi cá nhân, không giảm bớt khối lượng…” - ông Thành nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng quà, động viên các đơn vị thi công - Ảnh: H.MI

Tại cuộc làm việc, ACV cho biết đến nay nhà thầu đã huy động 1.200 nhân sự triển khai dự án. Đã bố trí hơn 900 thiết bị đào, bốc đất, vận chuyển, đổ đất, san ủi, lu lèn, tưới nước… Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng nên chưa phát huy hết công suất, một số dây chuyền còn hoạt động cầm chừng đợi mặt bằng.

Ông Võ Tấn Đức - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết hiện phần đất giai đoạn 1 tỉnh đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 2.184 ha/2.532 ha. Số diện tích hơn 347 ha còn lại thuộc giai đoạn 1, tỉnh sẽ bàn giao dứt điểm trong tháng 5-2022.

Ông Đức cũng lý giải phần đất giai đoạn 1, địa phương đã nỗ lực bàn giao cuốn chiếu nên không làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Tuy nhiên, còn khoảng 500 hộ chưa bố trí tái định cư nên vài ngày tới huyện Long Thành sẽ tiếp tục đền bù, tổ chức tạm cư cho dân và bàn giao diện tích đất còn lại cho chủ đầu tư.

“Đền bù không xong là không đảm bảo tiến độ cho công trình trọng điểm. Đến 30-6 tỉnh Đồng Nai phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án” - ông Thành nhấn mạnh.

Nguồn bài viết: Phó thủ tướng Lê Văn Thành: 'Làm sân bay phải vì cái chung, không được tư lợi” - Tuổi Trẻ Online

Châu Âu: Loạt công ty lớn tính mở tài khoản đồng ruble để mua khí đốt Nga

VNF) - Một số công ty năng lượng lớn của châu Âu đang chuẩn bị sử dụng một hệ thống thanh toán mới cho khí đốt của Nga theo yêu cầu của Điện Kremlin, điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ làm giảm tác động các lệnh trừng phạt của EU, đe dọa sự thống nhất của khối và cung cấp hàng tỷ USD tiền mặt cho nền kinh tế Nga, theo Financial Times.

Châu Âu: Loạt công ty lớn tính mở tài khoản đồng ruble để mua khí đốt Nga

Loạt công ty lớn của châu Âu tính mở tài khoản đồng ruble để mua khí đốt của Nga.

Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết các nhà phân phối khí đốt ở Đức, Áo, Hungary và Slovakia đang có kế hoạch mở tài khoản bằng đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank ở Thụy Sĩ để đáp ứng yêu cầu của Nga về việc thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng nội tệ của nước này. Trong đó, Uniper có trụ sở tại Düsseldorf (Đức) và OMV có trụ sở tại Vienna (Áo) là hai trong số những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga.

Cũng theo Financial Times, các cuộc đàm phán giữa người mua châu Âu và Gazprom dường như càng được đẩy mạnh khi thời hạn thanh toán sắp đến.

Còn theo Bloomberg, Tập đoàn dầu khí quốc doanh Eni của Italy cũng đang chuẩn bị mở tài khoản bằng đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán mua khí đốt của Nga. Eni hiện đang chờ hướng dẫn từ chính phủ Italy và các nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) về các điều kiện và khả năng sử dụng các tài khoản tại Gazprombank.

Trước đó, hãng tin Reuters ngày 26/4 dẫn thông báo của Gazprom cho biết tập đoàn này đã “đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Bulgargaz (của Bulgaria) và PGNiG (của Ba Lan) do họ không chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble”.

Động thái này của Gazprom đánh dấu lần đầu tiên Moscow nhắm mục tiêu trực tiếp và công khai vào châu Âu bằng vũ khí năng lượng. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ chỉ xuất khẩu khí đốt nếu các “quốc gia không thân thiện” chuyển đổi thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga.

Theo kế hoạch thanh toán của Nga, các nhà nhập khẩu năng lượng phải mở hai tài khoản ngân hàng với Gazprombank, một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản ruble. Tiền bán dầu khí được thanh toán bằng ngoại tệ (USD hoặc euro), sau đó được Gazprombank chuyển đổi vào tài khoản đồng ruble.

Loạt động thái này cho thấy những thách thức đối với EU trong việc duy trì một mặt trận thống nhất chống lại Moscow.

Các quốc gia thành viên và quan chức EU cho biết việc các nước châu Âu chấp thuận thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ dẫn đến việc Nga có thể tiếp cận hàng tỷ USD doanh thu từ khí đốt để hỗ trợ nền kinh tế của mình.

Bản thân Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng thừa nhận rằng Nga đang chống đỡ tốt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Do đó, ông hối thúc EU tăng cường thêm các biện pháp cấm vận mới nhằm thay đổi thực tế này.

Nguồn bài viết: Châu Âu: Loạt công ty lớn tính mở tài khoản đồng ruble để mua khí đốt Nga

ĐỌC NHANH ngày 30-4: Nga lần đầu tuyên bố bắn tên lửa vào Ukraine từ tàu ngầm

TTO - Ngày 29-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã dùng một tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel tại Biển Đen để không kích các mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa hành trình Kalibr, theo Hãng thông tấn Interfax.

ĐỌC NHANH ngày 30-4: Nga lần đầu tuyên bố bắn tên lửa vào Ukraine từ tàu ngầm - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh cho thấy tên lửa hành trình Kalibr đang được đưa lên một tàu ngầm lớp Kilo ở cảng Sevastopol, bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014 - Ảnh: MAXAR

  • Đây là lần đầu tiên Matxcơva tuyên bố sử dụng hạm đội tàu ngầm của nước này để tấn công nước láng giềng.

Thêm vào đó, các hình ảnh vệ tinh do Công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ) công bố rạng sáng 30-4 (giờ Việt Nam) cho thấy tên lửa Kalibr đang được đưa lên một tàu ngầm lớp Kilo ở cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea ở Biển Đen.

  • Ngày 29-4, Nga xác nhận đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa vào thủ đô Kiev. Bộ Quốc phòng Nga cho biết bộ đã triển khai “vũ khí tầm xa, chính xác cao” có khả năng “phá hủy các tòa nhà của Công ty vũ trụ và sản xuất tên lửa Artyom tại Kiev”.

Theo Hãng tin AFP, đây là cuộc không kích đầu tiên của lực lượng Nga tại Kiev trong gần hai tuần qua. Một nhà báo Mỹ cũng đã thiệt mạng trong cuộc không kích này. Vào thời điểm này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đang thăm Kiev và người phát ngôn của ông nói tên lửa đánh xuống mục tiêu ở cách họ chỉ vài kilômet.

ĐỌC NHANH ngày 30-4: Nga lần đầu tuyên bố bắn tên lửa vào Ukraine từ tàu ngầm - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine bên cạnh những gì còn lại của một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga bị rơi gần thủ đô Kiev, Ukraine - Ảnh: REUTERS

  • Ngày 29-4, PGNiG, công ty khí đốt lớn nhất Ba Lan, cho biết sẽ cung cấp khí đốt cho những khách hàng tại các khu vực bị Công ty Novatek Green Energy (Nga) ngừng cung cấp dịch vụ này.

Việc gián đoạn nguồn cung là do Novatek bị dính lệnh trừng phạt của phương Tây. Hãng thông tấn RIA dẫn lời người phát ngôn của Novatek cho biết công ty sẽ nối lại các nguồn cung khí đốt càng sớm càng tốt.

  • Theo Hãng tin AFP, sau gần hai tháng, giao tranh tại thành phố cảng Mariupol đã dừng lại. Tuy nhiên, những tiếng nổ vẫn vang dội tại khu vực Nhà máy thép Azovstal - thành lũy cuối cùng của các lực lượng Ukraine ở thành phố này. Phóng viên AFP đã nghe thấy tiếng pháo kích tại Azovstal trong sáng và chiều 29-4.

Tại khu vực cảng, nhiều tòa nhà hành chính đã bị hư hại nặng, với những bức tường bị cháy và sụp đổ. Các container bị hư hại khiến hàng hóa tràn ra bên ngoài.

  • Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết Nga đang tấn công chiến tuyến ở vùng Donbass phía đông đất nước bằng rocket, pháo, bom cối và máy bay để ngăn binh lính Ukraine tái tập hợp, Hãng tin Reuters đưa tin.

ĐỌC NHANH ngày 30-4: Nga lần đầu tuyên bố bắn tên lửa vào Ukraine từ tàu ngầm - Ảnh 3.

Binh lính Ukraine trong một siêu thị tại thành phố Kramatorsk, vùng Donetsk ngày 28-4 - Ảnh: REUTERS

  • Kiev thừa nhận các lực lượng Nga đã kiểm soát một loạt ngôi làng ở vùng Donbass, theo Hãng tin AFP. Tuy nhiên, quân đội Ukraine cũng đã có những chiến thắng nhỏ dọc chiến tuyến.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói Nga chỉ đạt được những bước tiến “nhỏ” và “không đồng đều” trong nỗ lực bao vây các vị trí đóng quân của lực lượng Ukraine.

Tại vùng Kharkov, Ukraine nói họ đã giành lại quyền kiểm soát làng có vị trí chiến lược quan trọng là Ruska Lozova. Tuy nhiên, thành phố lớn Kharkov thuộc vùng này vẫn đang bị giội rocket.

  • Ngày 29-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga không coi nước này đang chiến tranh với NATO thông qua Ukraine, vì một diễn biến như vậy sẽ làm tăng nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân, theo Hãng tin RIA.

Ông Lavrov cũng đổ lỗi cho Kiev vì những đình trệ trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước, nói Ukraine đã thay đổi lập trường trong đàm phán.

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng bày tỏ sự bi quan về các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

  • Theo Reuters ngày 29-4, Ukraine, được sự ủng hộ của khoảng 38 thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, đã gửi thư cho WHO khu vực để kêu gọi một cuộc họp khẩn về tác động của chiến dịch quân sự của Nga đối với sức khỏe và chăm sóc y tế ở Ukraine.

Lá thư kêu gọi ông Hans Kluge, giám đốc WHO châu Âu, tổ chức một cuộc họp trước ngày 9-5 khi đề cập đến các cuộc tấn công vào các cơ sở y tế tại Ukraine gây gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng, và bày tỏ lo ngại về nguy cơ rò rỉ hóa chất và chất phóng xạ.

Lá thư cũng kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus giải quyết vấn đề nói trên tại một cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới trong tháng 5 tới.

Nguồn bài viết: ĐỌC NHANH ngày 30-4: Nga lần đầu tuyên bố bắn tên lửa vào Ukraine từ tàu ngầm - Tuổi Trẻ Online

Bộ Tài chính sẽ tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá chứng khoán

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/4…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Bộ Tài chính sau khi xảy ra các vụ việc thao túng cổ phiếu và phát hành trái phiếu gần đây ở FLC, Tân Hoàng Minh và Louis Holding, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã chủ động và thường xuyên yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) tăng cường giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt, hai sở giao dịch chứng khoán tăng cường giám sát đối với các cổ phiếu của những tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp; các giao dịch có khối lượng lớn. Với các trường hợp có dấu hiệu bất thường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, tại hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và đến việc phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng lưu ý những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã nêu rõ 6 giải pháp mà Bộ Tài Chính sẽ triển khai thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

“Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và rất sớm sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định của Nghị định 153 về phát hành trái phiếu nghiệp doanh riêng lẻ, bảo đảm những quy định pháp luật về thị trường chứng khoán và trái phiếu phù hợp với điều kiện và yêu cầu điều tiết của thị trường, tránh việc doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư thu lợi nhuận phi pháp”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Thứ hai, Bộ Tài chính sẽ triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo 4 trụ cột. Đó là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cơ sở các nhà đầu tư; tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.

Đối với các tổ chức trung gian, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công ty kiểm toán độc lập, công ty định mức tín nhiệm. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và thị trường.

Thứ ba, Bộ Tài chính sẽ phát triển các nhà đầu tư, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, định chế đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển các nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…

Đồng thời, tăng cường đào tạo và phát triển các nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường chứng khoán; tuyên truyền, tăng cường công tác thông tin chính thống giúp nhận thức về kỹ năng tài chính của các nhà đầu tư.

Thứ tư, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

“Việc này chúng tôi hết sức coi trọng, giám sát từ 3 cấp, đó là Công ty chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng tần suất giám sát thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám sát, cưỡng chế thực thi; kịp thời phát hiện và cưỡng chế rủi ro trên thị trường chứng khoán”, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra các công ty đại chúng và công ty không đại chúng khi huy động vốn; tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng an toàn, công khai và minh bạch.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, đặc biệt sai phạm về công bố thông tin, sai phạm về sử dụng vốn; sai phạm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đồng thời trực tiếp kiểm tra, kiểm toán Báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành doanh nghiệp và cả các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra những sai sót trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Thứ năm, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp công tác giữa các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong công tác điều hành, quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, bảo đảm công khai minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính; qua đó góp phần ổn định kinh vĩ mô.

Thứ sáu, phối hợp cùng các cơ quan thông tấn báo chí, Bộ Tài chính sẽ kịp thời đưa các thông tin chính thống về phát triển thị trường, tình hình doanh nghiệp… giúp thị trường được minh bạch, chính xác. Trên cơ sở đó, đấu tranh với những tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi của các tổ chức, cá nhân.

“Với sự đồng lòng của cơ quan Nhà nước, các định chế trên thị trường và các nhà đầu tư, chúng ta sẽ sớm thiết lập được thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển minh bạch, ổn định, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước”, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Nguồn bài viết: Bộ Tài chính sẽ tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá chứng khoán - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Lợi nhuận Vinamilk lần đầu giảm 2 chữ số kể từ quý III/2014

Doanh thu tăng 5% nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 12%. Giá nguyên liệu tăng cao cùng giá dầu thô tăng là nguyên nhân kiến lợi nhuận Vinamilk giảm.

Vinamilk (HoSE: VNM) công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu tăng 5% lên 13.878 tỷ đồng. Giá vốn tăng 11% khiến lợi nhuận gộp giảm 3% xuống 5.625 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm xuống 40,53%, cùng kỳ năm trước ghi nhận 43,84%.

vnm-quyi-6425-1651310877.png
Đơn vị: tỷ đồng

Doanh thu tài chính tăng 12,5% lên 320 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính đột biến từ 6,4 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết tăng lỗ từ 9 tỷ lên 35 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý tăng nhẹ.

Do vậy, công ty sữa báo cáo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 12% xuống 2.266 tỷ đồng, EPS giảm 11,6% xuống 973 đồng. Lần gần nhất lợi nhuận Vinamilk giảm 2 chữ số là quý III/2014.

vnm-tang-truong-8828-1651310877.png
Đơn vị: %

Công ty lý giải chuỗi cung ứng bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá nguyên vật liệu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Việc giá dầu thô tăng cao cũng làm cho chi phí vận chuyển gia tăng dẫn đến giá vốn hàng bán và nhiều chi phí đầu vào tăng theo.

Để giảm ảnh hưởng tiêu cực trên, công ty đã liên tục đổi mới, đa dạng về chủng loại sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng, điều chỉnh giá bán, dịch chuyển cơ cấu ngành hàng… giúp doanh thu thuần tăng.

Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí hoạt động và sử dung hiệu quả nguồn lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại thời điểm cuối quý, công ty sữa có 52.996 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 337 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 19.832 tỷ đồng, giảm gần 1.200 tỷ đồng.

Nguồn: NDH

Những phát ngôn đáng chú ý mùa đại hội cổ đông: Đủ mọi "hỉ, nộ, ái, ố"

(Tổ Quốc) - Đến hẹn lại lên, quý II hàng năm là thời điểm diễn ra hàng loạt phiên đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp đại chúng. Nhiều cuộc họp diễn ra trong không khí nồng nhiệt, nhưng cũng tại không ít doanh nghiệp, 3 - 4 giờ họp lại là khoảng thời gian để giãi bày…tâm tư của các Chủ tịch.

Có lẽ, mùa đại hội cũng là dịp hiếm hoi trong năm các Chủ tịch công khai xuất hiện để xin lỗi cổ đông, hay bộc bạch ‘‘nhận hàng trăm câu chửi’’ đến bạc tóc, da dày,…Cũng là khi, người ta thấy câu nói ‘‘Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được’’ hiện lên một cách chân thực nhất.

Năm nay, trong bối cảnh cổ phiếu đi xuống, thị trường diễn biến tiêu cực, trước những câu hỏi chất vấn của cổ đông, từ Chủ tịch Coteccons, Haxaco, Trường Thành, Đèo Cả hay cả Techcombank cũng đều đưa ra câu trả lời có phần lắng lo, thậm chí bất bình, mở ra một mùa ĐHĐCĐ với những phát ngôn liên tiếp ‘‘tăng nhiệt’’ thị trường.

Chủ tịch Haxaco: “Những người lướt sóng cổ phiếu là ký sinh trùng chứ không phải cổ đông”

Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng Xanh (Haxaco, MCK: HAX) diễn ra trong kỳ nghỉ lễ 10/3 vừa qua.

Trong đó, một thông tin được nhà đầu tư cùng giới truyền thông thảo luận sôi nổi đó là phát biểu về lướt sóng cổ phiếu của Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng: "Cổ đông nào là những người cùng hướng với công ty trong lúc hoạn nạn, khó khăn, đó mới là cổ đông. Còn cổ đông nào cứ muốn cổ phiếu lên mua 10 bán 50, xong rồi lướt sóng, mang danh nghĩa cổ đông thì hoàn toàn không phải, tôi không định nghĩa đó là cổ đông mà tựa như tay buôn chứng khoán"

Họ đang là ký sinh trùng, bám vào công ty để kiếm lợi, họ không phải là cổ đông. Có những người nắm rất nhiều cổ phiếu nhưng họ đâu đến tham dự Đại hội cổ đông, bởi họ đâu quan tâm năm sau như thế nào mà họ chỉ quan tâm đến việc mai giá cổ phiếu có lên không thì họ bán".

Theo ông Dũng, nhà đầu cơ phải dùng mưu mẹo, dùng lượng tiền rất lớn để đẩy giá cổ phiếu lên sau đó họ bán ra, họ không quan tâm công ty sống hay chết.

Chủ tịch Hạ tầng Đèo Cả: '‘Cổ đông có ý định đầu cơ, đầu tư ngắn hạn nên thoái vốn, nhường chỗ cho các nhà đầu tư trung và dài hạn’'

Ngày 24/4, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) - công ty con của Tập đoàn Đèo Cả - đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Chia sẻ với cổ đông trong bối cảnh TTCK biến động lớn, Chủ tịch HĐQT HHV, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, thời gian qua có một bộ phận nhà đầu tư không đọc báo cáo tài chính, không tìm hiểu kỳ vọng về doanh nghiệp mà vội vàng huy động vốn mua cổ phiếu. Khi thị trường giảm điểm, họ bán tháo, gây tâm lý lo lắng về doanh nghiệp và thị trường.

Chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu giá trị thật trong tương lai, không kỳ vọng tăng giá đột biến trước mắt. Tôi khuyên cổ đông đang suy nghĩ đầu cơ theo thời điểm thì nên thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược gắn bó với công ty trong 5-10 năm”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng bày tỏ, HHV không phải là cổ phiếu có thể tăng giá đột biến, thăng hoa trên thị trường hiện nay như nhiều cổ phiếu khác mà cổ đông cần đầu tư dài hạn. Khi có cơ hội gia tăng giá trị thì doanh nghiệp công bố minh bạch, ưu tiên cho cổ đông nhỏ lẻ trước.

Chủ tịch Coteccons: "1,5 năm qua tôi bạc tóc, da mặt dày hơn nhưng tôi tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm nay"

Trong ĐHĐCD của CTCP Xây dựng Coteccons được tổ chức ngày 25/4, Chủ tịch Coteccons đã gây chú ý khi trực tiếp xin lỗi cổ đông mất 75% tài sản vì cổ phiếu CTD: ‘‘Trước hết tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi vì nhà đầu tư đã có trải nghiệm như vậy. Nếu các anh nhìn vào TTCK thì TTCK không dành cho người lướt ngắn hạn. Chúng ta nên nhìn vào nền tảng của công ty đó và phải có niềm tin vào năng lực, và trong dài hạn nếu có sự kiên trì, bền bỉ thì kết quả sẽ đến trong dài hạn’’.

Tôi đã giữ vị trí này 1,5 năm và đây là ĐHCĐ thứ 2 với quý vị. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn và tôi phân loại thành 2 loại, một số tin nhắn than phiền và một số tin nhắn đe doạ. Tôi thấy rằng 1,5 năm qua dường như da tôi dày hơn hẳn, hình như mặt tôi dày hơn’’ - ông giãi bày tiếp khi được hỏi về diện mạo ‘‘có tuổi’’ hơn so với thời điểm 2 năm trước.

Chủ tịch gỗ Trường Thành: 'Cổ phiếu tăng thì một ngày facebook tôi nhận được khoảng chục lời cảm ơn, cổ phiếu giảm thì nhận về mấy trăm câu chửi’

Sau giai đoạn cổ phiếu TTF tăng nóng lên 18.000 đồng/cp, chạm đỉnh 5 năm thì điều chỉnh về vùng 12.450 đồng/cp khiến nhiều cổ đông nhắn tin trên facebook cá nhân của Chủ tịch Mai Hữu Tín. Điều này khiến ông phải giải bày trước ĐHĐCĐ thường niên mới đây: “Trên facebook tôi, một ngày tôi nhận được khoảng chục lời cảm ơn nếu cổ phiếu tăng, nhưng nếu cổ phiếu giảm thì nhận về mấy trăm câu chửi”.

Chủ tịch Mai Hữu Tín tuyên bố thêm: “tôi đầu tư TTF là xác định mua vào chứ không bán”.

Ông Tín cũng dành gần 4 tiếng đồng hồ để chia sẻ với cổ đông hướng đi cụ thể sắp tới của TTF. Mục tiêu tham vọng của ông Tín là vực dậy và làm hồi sinh TTF, phát triển hơn với vốn hóa thị trường sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2030. Ông nói, mình không nhìn bảng điện mỗi ngày: “Tôi chỉ làm việc và nhìn vào mục tiêu xa hơn”.

Nguồn bài viết: Những phát ngôn đáng chú ý mùa đại hội cổ đông: Đủ mọi "hỉ, nộ, ái, ố"

Địa phương nào đạt tỷ trọng xuất khẩu ấn tượng nhất 2021?

Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Trong đó nổi bật là thống kê kết quả xuất nhập khẩu của những tỉnh TOP đầu và các địa phương nằm ở vị trí “cuối bảng” của cả nước.

Địa phương nào đạt tỷ trọng xuất khẩu ấn tượng nhất 2021? - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,310 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 - Ảnh minh họa

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 vừa được công bố, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,310 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.

10 tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu gồm: TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ.

Nổi bật trong số này, dù xếp ở vị trí thứ 10 (tăng 3 bậc so với năm 2020), nhưng Phú Thọ lại là địa phương có tỉ trọng xuất khẩu tăng cao nhất, tăng 91,5% so với năm 2020 với giá trị 8,2 tỷ USD.

Trong khi đó, mặc dù vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước, với xuất khẩu đạt 44,902 tỷ USD, nhưng TPHCM chỉ đạt tỉ trọng tăng 1,2% so với năm 2020. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8 (tụt 1 bậc so với năm 2020, xếp sau Bắc Giang), đạt 15,5 tỷ USD, và cũng chỉ tăng 2,2% so với năm 2020.

10 tỉnh có tỉ trọng xuất nhập khẩu thấp nhất cả nước (tính từ trên xuống dưới) bao gồm: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Trong đó, Điện Biên là tỉnh có tỉ trọng xuất khẩu thấp nhất cả nước chỉ đạt 15,702 triệu USD, tăng trưởng âm lên tới 60,3%, tụt 3 bậc so với năm 2020.

Đáng chú ý, trong các tỉnh nằm cuối “bảng xếp hạng” có Bắc Kạn chỉ đạt 41,248 triệu USD, nhưng lại có tỷ trọng tăng trưởng đạt tới 276,6% so với năm 2020, tăng 3 bậc theo thứ hạng.

Qua những con số này có thể thấy, cả nước trong năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt tỷ trọng xuất khẩu tăng 19% nhờ sự nỗ lực, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, sự tham mưu kịp thời của các bộ, ngành và của các địa phương khi ứng phó, thích ứng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

Còn TPHCM và Hà Nội, dù vẫn là những thành phố có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, nhưng tỷ trọng tăng trưởng không cao bởi trong năm qua đây là 2 trong số những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19.

Nguồn bài viết: Địa phương nào đạt tỷ trọng xuất khẩu ấn tượng nhất 2021?

TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ đối với nhà ở cho công nhân, người lao động thuê

Tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đến ngày 20/4 đạt 135.366 tỷ đồng, hoàn thành 38,45% dự toán. Ngành hải quan cũng tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành…

Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang thực hiện kiểm tra sau thông quan 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề đã giao.

Thông tin về một số kết quả công tác nổi bật của Tổng cục Hải quan 4 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 20/4, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 135.366 tỷ đồng, bằng 38,45% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh và đạt 36,58% chỉ tiêu phấn đấu Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao.

Theo đó, ngành hải quan triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đồng thời, thường xuyên đồng hành, giải đáp, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế…cho cộng đồng doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu ngân sách nhà nước của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, ngành hải quan tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa…

Kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan như hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu…

Ngoài ra, chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến công tác kiểm tra sau thông quan, ngành hải quan tập trung xác định các yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, chú trọng các vấn đề rủi ro tiềm ẩn gắn với từng giai đoạn, hoàn thiện để kết thúc, tổng hợp, đánh giá về chuyên đề hạt điều.

Tiếp tục triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mở rộng sang thị trường Ấn Độ và nghiên cứu, đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Châu Âu về 2 lĩnh vực gian lận xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý doanh nghiệp ưu tiên gắn với đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp ưu tiên, phù hợp với định hướng xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong giai đoạn tới…

Nguồn bài viết: https://vneconomy.vn/bon-thang-dau-nam-nganh-hai-quan-thu-ngan-sach-tren-135-000-ty-dong.htm

Việt - Nhật tăng hợp tác ở mọi khía cạnh chiến lược

TTO - Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho thấy hai nước đang tập trung hợp tác ở mọi khía cạnh chiến lược, trên cả phương diện song phương và đa phương.

Việt - Nhật tăng hợp tác ở mọi khía cạnh chiến lược - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trao nhau cái ôm nồng ấm sau khi kết thúc cuộc họp báo sáng 1-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (giai đoạn 2011 - 2015), nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, đại sứ Đoàn Xuân Hưng.

** Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida?*

Tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida đến Việt Nam rất thành công, dù diễn ra trong thời gian ngắn, chưa đầy một ngày. Chương trình chuyến thăm dày đặc, các cuộc trao đổi là thực chất, tin cậy, chân thành, thiết thực.

Chúng ta có thể thấy hai thủ tướng đã trao đổi mọi vấn đề liên quan đến hợp tác của hai bên, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, an ninh - quốc phòng và các vấn đề quốc tế. Hai nhà lãnh đạo đã có sự thống nhất rất cao về các vấn đề này, cụ thể hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 11-2021.

Cần lưu ý rằng chuyến thăm của ông Kishida diễn ra chỉ 6 tháng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản. Khi gặp lại lần này, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều thỏa thuận thực chất, và đều nói rằng hợp tác đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Có thể nói, đây là một món quà rất có ý nghĩa mà Nhật dành cho Việt Nam khi chúng ta đang kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Hai thủ tướng đã bàn thảo hợp tác với nhau trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả”. Tôi tin rằng các dự án sẽ đi vào phát triển thực chất thời gian tới.

Là đại sứ trong giai đoạn nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược sâu rộng và luôn đau đáu về mối quan hệ tin cậy và hợp tác tầm cao giữa hai nước, tôi rất vui mừng về kết quả của chuyến thăm này.

** Ông hài lòng nhất về các khía cạnh hợp tác nào?*

Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là hai thủ tướng nhấn mạnh đến việc tăng cường triển khai các dự án hạ tầng chiến lược của hai nước. Đó là các dự án mà Việt Nam đang rất quan tâm: như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm ở TP.HCM…

Đây là các dự án hạ tầng mang tính xương sống cho nền kinh tế của Việt Nam. Các vị lãnh đạo hai nước cũng thảo luận kết nối hai nền kinh tế và gắn kết phát triển ở khu vực, là các vấn đề mang tầm chiến lược.

Thứ hai là, trong tình hình hậu COVID, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là câu chuyện rất lớn, nếu nước nào phát triển nhanh lĩnh vực này sẽ có những thuận lợi lớn cho sự phát triển trong tương lai. Nhật là nước có thế mạnh về vấn đề này và đã cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Việt - Nhật tăng hợp tác ở mọi khía cạnh chiến lược - Ảnh 2.

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng - Ảnh: NVCC

Thứ ba là câu chuyện chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu để gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến phát triển của nhiều nước. Nhật Bản cũng cam kết hợp tác với Việt Nam ở lĩnh vực thực sự chiến lược này.

Thứ tư, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của cả hai nước thời gian tới.

Thứ năm, việc đàm phán về xuất nhập khẩu từng loại quả giữa hai bên thường diễn ra nhiều năm. Trước đây mới có quả thanh long của Việt Nam được nhập vào Nhật Bản, gần đây thêm xoài, vải. Sắp tới sẽ có thêm nhãn được xuất sang Nhật. Phía bạn cũng cân nhắc nhập thêm các loại quả khác của Việt Nam.

Tôi thấy vui mừng vì tiến độ đàm phán đã nhanh lên, thời gian đàm phán rút ngắn. Hợp tác này hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao, vào được thị trường Nhật, là thị trường khó tính, thì sau đó Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác và xuất khẩu sang nhiều nước khác. Lĩnh vực này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu ra thế giới.

Thứ sáu, biến đổi khí hậu là vấn đề Việt Nam quan tâm và là câu chuyện lớn trong hợp tác quốc tế. Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ thông qua các dự án ODA.

Tất cả các lĩnh vực kể trên đều nằm trong chương trình nghị sự của Việt Nam. Có thể nói chưa thấy có đối tác nào khác của Việt Nam có quy mô hợp tác rộng và sâu như Nhật Bản. Trong các dự án lớn và chiến lược của Việt Nam đều có dấu ấn tham gia của Nhật Bản.

Các thỏa thuận lần này cho thấy tuy tình hình khu vực và quốc tế có các khó khăn, tuy có dịch bệnh nhưng với cách làm phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở thúc đẩy các chiến lược phát triển như nghị quyết của Đại hội XIII đã đề ra.

Tôi muốn nhấn mạnh đến lòng tin, sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước đang ở mức rất cao. Điều đó đảm bảo cho các thỏa thuận sẽ được triển khai thực chất, bài bản, hiệu quả.

Việt - Nhật tăng hợp tác ở mọi khía cạnh chiến lược - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trò chuyện với nhau khi di chuyển từ Phủ Chủ tịch đến Trụ sở Chính phủ để bắt đầu cuộc hội đàm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

** Vấn đề Biển Đông nói riêng và các vấn đề đa phương sẽ được thúc đẩy hợp tác thế nào, thưa ông?*

Câu chuyện Biển Đông vốn đã rất phức tạp. Những năm gần đây ngày càng nhiều nước ở bên ngoài khu vực bày tỏ quan tâm nhiều hơn, hiểu và chia sẻ mối quan ngại chính đáng của Việt Nam.

Các nước này có cùng quan điểm với Việt Nam là đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Điều đó tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp tục bày tỏ quan điểm, bảo vệ chủ quyền và biển đảo của mình.

Về hợp tác đa phương, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược này.

Tôi cho rằng việc Việt Nam hợp tác với các nước không nhằm chống lại một nước nào, mà là tranh thủ được sự đồng tình của bạn bè quốc tế trong các vấn đề chúng ta quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Ở quy mô khu vực, việc thăm Việt Nam, trong ba nước Đông Nam Á lần này, ông Kishida, người có nhiều năm là ngoại trưởng Nhật Bản, cho thấy Việt Nam có tầm quan trọng lớn trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc hai thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản bàn về vấn đề xung đột ở Ukraine cho thấy hai bên không né tránh các vấn đề nhạy cảm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau.

Hai bên bày tỏ quan tâm về đề cao luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước và vấn đề nhân đạo. Đó là cách xử lý rất chân thành giữa hai người bạn. Xung đột ở Ukraine là câu chuyện quốc tế rất lớn, không phải của riêng Ukraine và Nga.

Nguồn bài viết: Việt - Nhật tăng hợp tác ở mọi khía cạnh chiến lược - Tuổi Trẻ Online

2 Likes

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón: Có doanh nghiệp xuất khẩu thu 2.200 tỷ trong quý 1 năm nay, tăng tới 450%

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón: Có doanh nghiệp xuất khẩu thu 2.200 tỷ trong quý 1 năm nay, tăng tới 450%
Phân ure của Đạm Cà Mau được xuất khẩu mạnh trong quý 1 năm nay

Các doanh nghiệp trên sàn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Bình Điền, DAP Vinachem…đều đang là những nhà xuất khẩu phân bón lớn. Có doanh nghiệp xuất khẩu ure gần 2.200 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ. Nếu quyết định áp thuế được thông qua có thể tác động tới giá phân bón xuất khẩu của các doanh nghiệp này.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian gần đây, cơ quan này nhận được kiến nghị của một số cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón trong bối cảnh giá cả mặt hàng phân bón tăng cao.

Do đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.

Còn riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.

Đồng thời, do mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón được quy định cụ thể tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản được sử dụng như hiện hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ bãi bỏ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122.

Hàng triệu tấn phân bón xuất khẩu bị ảnh hưởng nếu áp thuế xuất khẩu 5%

Tính đến nay, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,2 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4 triệu tấn/năm.

Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn phân bón, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2 triệu tấn.

Về xuất khẩu, năm 2021, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn phân bón, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá tăng 41,2% so với năm 2020. Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Nga là nước xuất khẩu 7 triệu tấn ure năm 2021, chiếm 18% lượng cung của toàn cầu. Điều này khiến giá phân bón tăng vọt, xuất khẩu cũng tăng đột biến theo. Giá phân bón trên thế giới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Dự báo, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20 - 40% trong quý 2/2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 3 tháng đầu năm 2022 lên tới 291 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước… còn thống kê của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, tăng 42,2% so với cùng kỳ, thu về 306,97 triệu USD, tăng 198,5%.

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón: Có doanh nghiệp xuất khẩu thu 2.200 tỷ trong quý 1 năm nay, tăng tới 450% - Ảnh 1.
Nguồn Tổng cục Hải quan

Doanh nghiệp phân bón trên sàn xuất khẩu lớn có thể bị ảnh hưởng

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án như đề xuất sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng sẽ giảm bớt thủ tục hành chính do việc doanh nghiệp và cơ quan hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đưa ra quan điểm, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ phân bón xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp trên sàn có kết quả kinh doanh đột biến từ việc giá phân bón tăng cao cùng lượng xuất khẩu tăng mạnh. Song, nếu quyết định áp thuế được thông qua, các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Là một nhà xuất khẩu phân bón lớn bậc nhất, quý 1/2022, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) cho biết, doanh thu công ty đạt 4.074 tỷ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu bán ure là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng - cao gấp 5,5 lần quý 1/2021.

Công ty cho biết, trong bối cảnh giá phân bón đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nên công ty tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt. Công ty ước xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn ure sang các trường tiềm năng của châu Á, châu Mỹ.

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón: Có doanh nghiệp xuất khẩu thu 2.200 tỷ trong quý 1 năm nay, tăng tới 450% - Ảnh 2.

DCM có doanh thu xuất khẩu phân bón rất lớn trong quý 1

Trúng thầu xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn ure trong quý 1/2022 với giá bán cao ngất ngưởng, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) đạt doanh thu 5.829 tỷ đồng, tăng 200% so với vùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của DPM lên tới 48,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng – gấp 12 lần so với số lãi 179 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2021. Như vậy, chỉ sau quý 1/2022, Đạm Phú Mỹ thực hiện gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Năm 2022, mặc dù DPM chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn giảm 16,7% so với năm trước nhưng ngay nửa đầu tháng 1, công ty đã trúng thầu xuất khẩu hơn 100.000 tấn.

Công ty cổ phần DAP Vinachem (mã: DDV) cũng tăng mạnh doanh thu xuất khẩu gấp 2 lần lên tới 559 tỷ đồng trong quý 1/2022 trong khi doanh thu nội địa giảm hơn 60 tỷ về 304 tỷ đồng. Nhờ vậy quý 1, công ty đạt doanh số 863 tỷ đồng, tăng 37% và lợi nhuận sau thuế 136 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ đạt 602.750 tấn. Công ty duy trì và phát triển vững chắc các thị trường chiến lược, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đặc biệt là Campuchia và Lào cùng một số nước trong khu vực.

Nguồn bài viết: Bộ Tài chính đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón: Có doanh nghiệp xuất khẩu thu 2.200 tỷ trong quý 1 năm nay, tăng tới 450%

Doanh nghiệp lo đứt nguồn cung nguyên phụ liệu

Làn sóng tái bùng phát dịch ở Trung Quốc khiến các ngành sản xuất hàng điện tử, lắp máy, da giày, dệt may… gặp những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp này hiện đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, các đơn hàng đình trệ…

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu do tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như biến động dịch bệnh tại Trung Quốc khiến các ngành công nghiệp, từ những nhà sản xuất ôtô đến các công ty công nghệ, đang gặp khó. Các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải bị chậm lại, thiếu xe container…, các quy tắc nghiêm ngặt của Trung Quốc để chống dịch khiến các doanh nghiệp Việt phụ thuộc lớn vào thị trường này gặp gián đoạn ở cả chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu.

NHỮNG TÁC ĐỘNG KHÔNG NHỎ

“Ảnh hưởng nghiêm trọng”, đó là nhấn mạnh của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), khi nói về tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc. “Các đối tác phía Trung Quốc cho biết bên đó đang thiếu container rỗng để chuyển hàng về, cộng với nguồn cung khan hiếm do nhà máy tạm dừng hoạt động vì Covid-19. Không có nguyên phụ liệu để sản xuất nên tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp đang bị chậm lại”, bà Xuân giải thích.

Còn bà Tôn Nữ Cát Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty T.Y (TP.HCM), cho biết hiện các doanh nghiệp may mặc đang có đơn hàng tăng do một số nhà mua hàng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, song không phải không có lo lắng. “Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành hàng dệt may xuất khẩu. Họ ngưng sản xuất để chống Covid-19, đồng nghĩa với chuỗi cung ứng toàn cầu lại tiếp tục bị đứt gãy. Nếu tìm được nguồn hàng mua khác thì đơn giá đầu vào cũng cao hơn nhiều nên lợi thu về không bù với công sức bỏ ra”.

Chuyên làm hàng may gia công cho các thị trường lớn, Tổng công ty Cổ phần May Đáp Cầu nhập tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc theo chỉ định của bạn hàng. Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Công ty cho hay nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải nên cả tháng nay hàng về rất chậm hoặc không về. “Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi đang đàm phán lại thời gian giao hàng nhưng cũng không thể lùi chậm lại quá, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro về thanh toán”, ông Thăng nói.

Không có nguyên phụ liệu để sản xuất nên tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp đang bị chậm lại.

Không riêng gì ngành da giày hay dệt may mà các công ty trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng chịu tác động không nhỏ. Công ty Cổ phần Metect (Hưng Yên) hiện đang có một đơn hàng inox đặc chủng nhập từ Trung Quốc bị trễ hạn giao hàng đã nửa tháng. Nguyên nhân do đối tác cung cấp nguyên phụ liệu thông báo nhà máy đang phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Trong khi đó, đa số đơn hàng của công ty đã ứng tiền nên trong thời gian ngắn rất khó để đổi nhà cung cấp khác. “Nếu không nhập được nguyên phụ liệu về sản xuất thì đơn hàng của công ty sẽ không giao kịp tiến độ, khách hàng có thể hủy hợp đồng”, lãnh đạo Metect cho hay.

Đại diện các doanh nghiệp trong ngành cao su - nhựa cho biết phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt mà gần như toàn cầu, bởi Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất cho ngành lớn nhất hiện nay. Nếu buộc phải thay đổi nguồn cung, thì việc chuyển sang nhập từ Mỹ hay châu Âu cũng khả thi nhưng khi đó giá sẽ cao hơn rất nhiều và phải có sự đồng ý của nhà đặt hàng. Điều này khiến các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn khi tái khôi phục sản xuất.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hào, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Thái Việt Trung, doanh nghiệp chuyên vận chuyển nguyên liệu cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam, cho hay do vận chuyển bằng đường bộ gián đoạn, việc thông quan tại các cửa khẩu gặp khó khăn nên có thời điểm để đáp ứng nhu cầu sản xuất, có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã phải thuê nhiều chuyến bay riêng để vận chuyển linh kiện, thiết bị. “Điều này làm doanh nghiệp tăng chi phí rất lớn, trong khi những doanh nghiệp vận tải như chúng tôi lại thiếu việc làm trầm trọng”, ông Hào nói.

CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG CÓ CHIẾN LƯỢC PHÙ HỢP

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận Trung Quốc hiện vẫn là thị trường cung cấp chính nguyên phụ liệu cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp vừa nhập khẩu về để sản xuất, vừa để xuất khẩu sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, theo phần lớn các doanh nghiệp, việc thay thế nguồn cung nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Thái Lan, Hàn Quốc thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã được các doanh nghiệp tính đến, “nhưng chỉ có các thương hiệu lớn mới làm được điều này vì chi phí sẽ tăng cao”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường có vai trò quan trọng đối với cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta. Theo số liệu thống kê năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Về nhập khẩu, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ta với kim ngạch năm 2021 ghi nhận ở mức 109,9 tỷ USD. Đặc biệt đây cũng là thị trường cung cấp lớn đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất.

Việc giao nhận hàng hóa bị chậm đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị gián đoạn. Bộ Công Thương cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp cập nhật những thay đổi về chính sách đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng đầu mối thông tin tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Đồng thời, vì chủ trương của nước bạn là “Zero Covid” nên doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành hàng dệt may xuất khẩu.

Ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ Công Thương sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Về phía các doanh nghiệp, trước mắt, vừa phải cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa đảm bảo tiến độ giao hàng. Một số doanh nghiệp cũng đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Nguồn bài viết: Doanh nghiệp lo đứt nguồn cung nguyên phụ liệu - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2023

TTO - Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km với tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỉ đồng, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2023 - Ảnh 1.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến cắt ngang đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Đồ họa: TTO

Đó là nội dung tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) của Chính phủ vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng ký trình Quốc hội.

Theo đề xuất của Chính phủ, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại thành phố Biên Hòa; điểm cuối tại thành phố Bà Rịa. Tuyến cao tốc này dài khoảng 53,7km, được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe (giải phóng mặt bằng quy mô 6 - 8 làn xe như quy hoạch) theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 17.837 tỉ đồng từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Chính phủ đề xuất chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia thành 3 dự án thành phần:

Dự án thành phần 1 (từ km 0 đến km 16) dài khoảng 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.240 tỉ đồng.

Dự án thành phần 2 (từ km 16 đến km 34+200, trong đó đoạn km 16+800 đến km 29+400 đi trùng với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) dài khoảng 18,2km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.407 tỉ đồng.

Dự án thành phần 3 (từ km 34+200 đến km 53+700) dài khoảng 19,5km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.190 tỉ đồng.

Chính phủ cho biết theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế đặc thù phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện và Quốc hội giao Thủ tướng xem xét quyết định việc phân cấp cho các địa phương. Việc phân chia dự án thành 3 dự án thành phần bảo đảm điều kiện vận hành độc lập.

Khi phân cấp cho các cơ quan chủ quản thực hiện, để bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất trong quá trình triển khai, Thủ tướng sẽ giao Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình trọng điểm chỉ đạo triển khai thực hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở; đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời, là cơ quan chủ trì tổng hợp trình điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có) và tổng hợp báo cáo Quốc hội hằng năm về tình hình thực hiện đầu tư.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án.

Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Nguồn bài viết: Chính phủ đề xuất Quốc hội cho khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2023 - Tuổi Trẻ Online

Giá cá tra xuất khẩu qua Mỹ đạt mức cao kỷ lục 4,5 USD/kg

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra trung bình xuất sang thị trường Mỹ tăng mạnh và đạt mức cao nhất 4,5 USD/kg.

Mức giá này vượt đỉnh của năm 2019. Sản phẩm chủ yếu xuất đi Mỹ trong thời gian này chủ yếu là phile cá tra đông lạnh cỡ lớn và thị trường đang thiếu hụt sản phẩm cỡ nhỏ.

Cá tra xuất khẩu tăng do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung cá nguyên liệu khan hiếm đẩy giá cả đầu vào tăng. Bên cạnh đó là chi phí vận chuyển tăng cũng là yếu tố góp phần làm tăng giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, ngoài thị trường Mỹ, giá bán sản phẩm cá tra tăng đều ở tất cả thị trường.

Giá cá tra xuất khẩu qua Mỹ đạt mức cao kỷ lục 4,5 USD/kg - Ảnh 1.

Giá cá tra xuất khẩu qua Mỹ đạt mức cao kỷ lục 4,5 USD/kg. Nguồn ảnh: Internet.

Thị trường EU giá cá dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg, các thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.

Tại thị trường Trung Quốc giá cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4 - 3,25 USD/kg, cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg.

VASEP dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý 2/2022. Hiện nay, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg.

So với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021. Dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long giảm gần 23% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn bài viết: Giá cá tra xuất khẩu qua Mỹ đạt mức cao kỷ lục 4,5 USD/kg - DNTT online

Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt hơn 242 tỷ USD

4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,4%; nhập khẩu tăng 15,7%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 4/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,45 tỷ USD, giảm 2,9% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 20,1%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,4%; nhập khẩu tăng 15,7%.

Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt hơn 242 tỷ USD - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 65,45 tỷ USD. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 4/2022 ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,77 tỷ USD, giảm 4,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2022 tăng 25%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 26,6%.

Tính chung 4 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 32,19 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,02 tỷ USD, giảm 5,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,17 tỷ USD, tăng 0,6%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 tăng 15,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%.

Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD, tiếp sau là Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD, thị trường châu Âu (EU) đạt 10,4 tỷ USD. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 18 tỷ USD; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,2 tỷ USD; thị trường ASEAN là 5,8 tỷ USD…

Nguồn bài viết: Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt hơn 242 tỷ USD - DNTT online