Chứng sỹ săn tin!

Ông Biden tính dỡ thuế quan Mỹ-Trung thời ông Trump để kéo lạm phát xuống

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo lạm phát mới nhất, với con số được dự báo trên ngưỡng 8%. Việc nới hoặc dỡ toàn bộ thuế quan Mỹ-Trung là một trong số ít những lựa chọn lúc này…

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu ngày 10/5 - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông có thể dỡ bỏ một số thuế quan áp lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc từ thời người tiền nhiệm Donald Trump, nhằm giúp kiểm soát sự tăng giá của hàng hoá tiêu dùng tại Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo lạm phát mới nhất, với con số được dự báo trên ngưỡng 8%.

Trong một bài phát biểu từ Washington vào ngày 10/5, ông Biden cho biết Nhà Trắng đang rà soát các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hoá Trung Quốc từ thời ông Trump. Việc áp thuế quan này đã góp phần đẩy tăng giá vô số hàng hoá tiêu dùng ở Mỹ, từ tã giấy trẻ em cho tới quần áo và đồ gia dụng. Ông Biden cũng nói Chính phủ Mỹ có thể dỡ tất cả những thuế quan này.

“Chúng tôi đang tính xem cách nào mang lại hiệu quả tích cực nhất”, ông Biden nói và cho biết thêm rằng việc dỡ thuế quan đang được bàn bạc.

Không lâu sau khi lên cầm quyền, ông Trump đã mạnh tay áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông coi thuế quan như một biện pháp để “xử lý” những hành vi thương mại của Trung Quốc mà Mỹ cho là bất bình đẳng, thông qua đó củng cố sức mạnh cho hàng hoá Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ và cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Trung vốn luôn trong tình trạng thâm hụt khổng lồ.

Giới chuyên gia không có một quan điểm đồng nhất nào về việc nếu Mỹ dỡ thuế quan thời ông Trump đối với hàng hoá Trung Quốc thì lạm phát ở Mỹ sẽ giảm được bao nhiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc nới hoặc dỡ toàn bộ thuế quan Mỹ-Trung là một trong số ít những lựa chọn giữa lúc Nhà Trắng sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể để “hạ nhiệt” giá tiêu dùng.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nhắc lại rằng đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine là những nguyên nhân đẩy giá cả ở Mỹ tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980.

“Tôi muốn mọi người Mỹ biết rằng tôi đang xem xét vấn đề lạm phát một cách rất nghiêm túc. Nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là trận đại dịch cả thế kỷ mới có một lần này. Đại dịch đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu, khiến cho chuỗi cung ứng và nhu cầu bị xáo trộn mạnh”, ông nói. “Và năm nay, chúng ta có một nguyên nhân lạm phát thứ hai nữa, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine”.

Do ảnh hưởng của chiến tranh, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ hiện đã tăng khoảng 30 USD/thùng so với đầu năm, giá lúa mỳ và giá ngô tăng tương ứng 40% và 30%.

Giới chuyên gia kinh tế nói rằng sự kết hợp giữa đại dịch, nhất là việc Trung Quốc phong toả để chống đợt bùng dịch gần đây, và chiến tranh Nga-Ukraine là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ cuối năm 1981. Số liệu CPI tháng 4 sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, với mức tăng được giới phân tích dự báo là 8,1%.

Tuyên bố trên của ông Biden là nỗ lực mới nhất của chính quyền ông nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng Nhà Trắng đang tìm kiếm mọi giải pháp có thể để kiềm chế giá cả. Hàng chục cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Mỹ giờ đây tin rằng lạm phát là vấn đề chính mà nước Mỹ đang phải đối mặt và là một mối đe doạ đối với sự phục hồi kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở mức thấp, chỉ 3,6% trong tháng 4, nhưng giá xăng và giá thực phẩm tăng đang tiếp tục bào mòn thu nhập của người dân và gây tâm lý bất bình trong dân chúng. Những tuần gần đây, ông Biden đã có nhiều phát biểu nhằm xoa dịu nỗi bất bình này.

Tuần trước, ông Biden nói về việc thâm hụt ngân sách liên bang đã giảm nhiều trong tài khoá này - một sự dịch chuyển tích cực so với điều mà ông cho là chi tiêu bừa bãi thời người tiền nhiệm đến từ Đảng Cộng hoà. Ông nhấn mạnh rằng đây là một bước tiến tới trách nhiệm tài khoá và ổn định giá cả.

Trong khi đó, phe Cộng hoà lập luận rằng phần lớn lạm phát chính là kết quả của chính sách kinh tế tham vọng quá mức của Đảng Dân chủ, bao gồm hàng tỷ USD bơm ra nền kinh tế trong thời gian đại dịch căng thẳng, cũng như gói đầu tư hạ tầng khổng lồ mà ông Biden ký thành luật vào năm 2021. Sự chỉ trích này đặt ra một thách thức chính trị cho Đảng Dân chủ của ông Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay, cuộc bỏ phiếu mà đảng này có thể để mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay những người Cộng hoà.

Về phần mình, ông Biden đáp trả sự công kích này bằng cách nhấn mạnh những nỗ lực của chính quyền ông trong việc giảm giá thuốc kê đơn và tăng thuế đối với tầng lớp siêu giàu.

“Kế hoạch của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội là gì? Họ không muốn giải quyết vấn đề lạm phát bằng cách giảm chi phí cho các bạn. Họ muốn giải quyết chuyện đó bằng cách tăng thuế và giảm thu nhập của các bạn”, ông Biden nói ngày 10/5. “Kế hoạch của họ thực chất sẽ chỉ khiến các gia đình lao động nghèo đi mà thôi”.

Nguồn bài viết: Ông Biden tính dỡ thuế quan Mỹ-Trung thời ông Trump để kéo lạm phát xuống - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi mời các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam, ưu đãi miễn tiền thuê đất, thuê nhà xưởng 10-15 năm

Ông Vượng cho biết, Vingroup muốn đảm bảo nguồn cung chip, bởi khi đó việc phát triển mảng xe điện sẽ diễn ra rất nhanh. “Thế giới bây giờ chỉ thiếu xe chứ không thừa xe”, ông Vượng khẳng định.

Ngày 11/5, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Tại đại hội, phần lớn câu hỏi của các cổ đông đều liên quan đến câu chuyện của VinFast, như tình hình sản xuất, kinh doanh, nhà máy pin, tái chế pin… Các câu hỏi này đều được đích thân Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trả lời.

Về sản xuất kinh doanh, ông Vượng cho biết, nhà máy ở Mỹ được thiết kế với công suất 150.000 xe/năm. Trong năm 2022, kế hoạch là 17.000 xe và phần đặt hàng tại Mỹ đã là 4.000 xe. Đến năm 2026, kế hoạch bán hàng lên tới 750.000 xe, như vậy khi đó ước tính sẽ có 600.000 xe được sản xuất từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Công nghiệp phụ trợ

Diện tích dự án Vũng Áng của Vingroup hiện nay là 1.500 hecta. Theo Chủ tịch Vingroup, trong tương lai diện tích này còn có thể mở rộng hơn nữa, dành cho VinFast, VinES, nhưng phần lớn sẽ dành cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho ô tô. “Chúng tôi muốn phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho ô tô”, ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.

Ngoài ra, không chỉ ở Vũng Áng mà các khu bất động sản công nghiệp khác của Vingroup đều sẽ hướng đến mời gọi nhà đầu tư sản xuất linh kiện, trước tiên là ưu tiên cho xe điện, sau đó mới cho các phần khác.

Hiện nay mức độ nội địa hóa của VinFast đã đạt khoảng 60% và trong tương lai sẽ tiến tới khoảng 80% nội địa hóa theo các tiêu chuẩn công bố bây giờ.

Thiếu hụt nguyên vật liệu

Ông Phạm Nhật Vượng cho biết, hiện nay việc thiếu hụt nguyên vật liệu, nắp vỏ, dung môi… chưa phải là vấn đề khi quy mô sản xuất 100.000-200.000 xe/năm. Tuy nhiên, trong tương lai khi quy mô sản xuất tăng lên thì nguyên vật liệu sẽ trở thành vấn đề lớn.

Ngoài Lithium, là nguyên liệu để sản xuất ra pin, cả nikel, coban và những thứ như graphite cũng rất thiếu. Vingroup đã lập danh sách 6 nhóm linh kiện, nguyên vật liệu cell pin và bắt đầu nghiên cứu để có những dự trữ chiến lược lâu dài.

Chúng tôi sẽ phải tìm các mối, hợp tác liên hệ để giải quyết từ nguồn nguyên vật liệu thô, hợp tác với những công ty khai thác mỏ, đặt mua với số lượng lớn, với kế hoạch dài hạn. Đây là mối quan tâm rât lớn của Vingroup thời điểm hiện tại.

Mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam

Chủ tịch Vingroup nhận định, với VinFast, lúc này đang là thời cơ vàng để có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng thương hiệu, tạo dựng vị thế và Vingroup đang rất quyết liệt ngày đêm, giải quyết tìm kiếm từng linh kiện, từng nguồn cung.

“Bây giờ cái gì cũng thiếu, như cái xe VF e34 chỉ thiếu 1 con tem thì cũng ko xuất xưởng được. Một chiếc xe có 4.000 cụm linh kiện, 40.000 linh kiện, chỉ thiếu 1 con ốc 1 con vít là không xuất được xe. Đây là thách thức rất lớn”, ông Vượng nói.

Một phần hàng của VinFast phải nhập từ Trung Quốc bởi đây là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, khi Thượng Hải đóng cửa, và các nhà máy sản xuất chip trên thế giới đóng cửa, đã dẫn tới tình trạng nguồn cung chip bị ngắt.

Để giải quyết vấn đề này, Vingroup đang thúc đẩy rất mạnh mẽ chiến lược nội địa hóa linh kiện. “Chúng tôi đang mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam. Vingroup thậm chí có những ưu đãi rất lớn cho họ: miễn thuê đất, miễn tiền thuê nhà xưởng 10-15 năm để họ có thể đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất. Lúc đó chúng ta sẽ giải được bài toán nguồn cung, và khi đảm bảo nguồn cung chúng ta sẽ phát triển rất nhanh. Thế giới bây giờ chỉ thiếu xe, chứ không thừa xe. Nếu chúng ta có xe sẽ bán được rất nhanh, và chúng tôi sẽ rất quyết liệt thúc đẩy câu chuyện này”, ông Phạm Nhật Vượng nói.

Nguồn bài viết: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi mời các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam, ưu đãi miễn tiền thuê đất, thuê nhà xưởng 10-15 năm

Bắt cựu giám đốc CDC Hậu Giang và 2 trưởng khoa do sai phạm liên quan Việt Á

TTO - Sáng nay 11-5, Công an tỉnh Hậu Giang thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Lành - cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hậu Giang - cùng hai thuộc cấp.

Bắt cựu giám đốc CDC Hậu Giang và 2 trưởng khoa do sai phạm liên quan Việt Á - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lành - cựu giám đốc CDC Hậu Giang - ký vào biên bản khám xét - Ảnh: T.P.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt bị can, lệnh tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Văn Lành - cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang (CDC Hậu Giang) - vì hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hai thuộc cấp là trưởng khoa của đơn vị này là Huỳnh Thị Hồng Đoan và Hà Tấn Bình Đẳng cũng bị bắt.

Ông Lành, bà Đoan và ông Đẳng bị bắt do vi phạm đối với các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 liên quan Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Theo quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Lành, từ năm 2020-2021, ông Lành đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc CDC Hậu Giang thực hiện hồ sơ, thủ tục hợp thức nhằm để cho Công ty Việt Á trúng thầu các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hậu Giang.

Trong khi đó, giai đoạn 2020-2021, ông Hà Tấn Bình Đẳng thông qua việc tham mưu, đề xuất, dự trù mua kit xét nghiệm, hoàn thiện về mặt hồ sơ, thủ tục để hợp thức cho Công ty Việt Á trúng thầu các gói thầu mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm COVID-19.

Bà Huỳnh Thị Hồng Đoan đã thực hiện hồ sơ, thủ tục hợp thức nhằm để cho Công ty Việt Á trúng thầu các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19.

Công an đang khám xét nơi làm việc của ông Lành tại địa chỉ số 613 đường Trần Hưng Đạo, P.3, TP Vị Thanh.

Trước đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Đảng ủy bộ phận CDC Hậu Giang, cách chức tất cả chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Văn Lành.

Cách chức tất cả chức vụ trong Đảng với bà Huỳnh Thị Hồng Đoan - bí thư chi bộ 2, trưởng khoa dược - vật tư y tế và ông Hà Tấn Bình Đẳng - bí thư chi bộ 5, trưởng khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng CDC Hậu Giang.

Về mặt chính quyền, ông Lành, ông Đẳng và bà Đoan cũng bị cách chức.

Bắt cựu giám đốc CDC Hậu Giang và 2 trưởng khoa do sai phạm liên quan Việt Á - Ảnh 2.
Công an khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Văn Lành - Ảnh: CACC

Nguồn bài viết: Bắt cựu giám đốc CDC Hậu Giang và 2 trưởng khoa do sai phạm liên quan Việt Á - Tuổi Trẻ Online

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều quỹ lớn cũng lỗ “chỏng vó” từ đầu năm 2022

Thị trường quá khó, nhiều quỹ lớn tiếp tục thua lỗ nặng trong tháng 4, sau khi đã lỗ liên tiếp 2 tháng trước đó, dẫn đến hiệu suất đầu tư kém suốt từ đầu năm 2022…

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Áp lực từ bên ngoài với thị trường quá lớn khiến chỉ số sụt giảm mạnh từ đầu năm bất chấp tăng trưởng nội địa được dự báo khả quan. Vn-Index kể từ đầu năm đã giảm 19% từ vùng đỉnh lịch sử đạt được 1.531 xuống mức thấp nhất vào phiên giao dịch hôm qua cá biệt có lúc chỉ số lùi về vùng 1.240 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Thị trường bị bán tháo gần đây đến từ một số nguyên nhân sau (1) tâm lí thị trường tiêu cực sau khi một số lãnh đạo tập đoàn lớn vướng vòng lao lý; (2) thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng; (3) áp lực giải chấp “margin” lớn đã ảnh hướng xấu đến thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.

Trong tháng 4 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 12,0% so với tháng trước xuống 27.957 tỷ đồng. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh những ngày đầu tháng 5 với giá trị trung bình mỗi phiên chỉ còn khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với tháng 4.

Khó khăn, nhiều quỹ lớn sau khi thua lỗ nặng trong tháng 2 tháng 3 tiếp tục âm nặng trong tháng 4 vừa qua đưa hiệu suất kém suốt từ đầu năm 2022 đến nay.

Cụ thể, Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), một trong những quỹ ETF lâu đời và lớn nhất thị trường Việt Nam với danh mục 546 triệu USD đã ghi nhận hiệu suất danh mục âm 23,92% kể từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại. Con số này tính đến thời điểm cuối tháng 3 chỉ dừng lại ở mức 11,84%.

Trong khi đó, một quỹ thuộc Dragon Capital là Vietnam Equity Fund (VEF) ghi nhận hiệu suất âm 10,61% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Trước đó, tháng 2 quỹ này có mức tăng trưởng dương 3,11% nhưng bước sang tháng 3, quỹ này lại quay đầu âm 0,58%. Tính từ đầu năm đến nay, Vietnam Equity Fund âm 9,12% tăng mạnh so với mức âm 0,51% vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua.

Top 10 danh mục đầu tư của VEF hiện gồm MWG, MBB, VND, VPB, FPT, HPG, DXG, NLG, DGC, KBC, trong đó Ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất 31,42%. Ngoại trừ DGC có mức tăng trưởng khá thì hầu hết các cổ phiếu còn lại đều sụt giảm mạnh lên đến 30-50% từ đỉnh khiến hiệu suất quỹ này sụt giảm theo.

Tính từ đầu năm đến nay, Vietnam Equity Fund âm 9,12% tăng mạnh so với mức âm 0,51% vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua.

Quỹ ngoại Lumen Vietnam Fund cũng đã có một tháng 4 đầy rẫy khó khăn chủ yếu do đà sụt giảm mạnh của cổ phiếu nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Lĩnh vực công nghiệp và Năng lượng. Kết thúc tháng, quỹ này âm 10% đây là mức sụt giảm kỷ lục trong các tháng 4 kể từ năm 2012 đến nay và là mức sụt giảm chỉ đứng sau 13% trong tháng 4 của năm 2019. Tính từ đầu năm đến nay hiệu suất quỹ này âm 6%.

Trước đó, Pyn Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng có báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 4/2022 với kết quả tệ chưa từng có trong lịch sử tháng 4 kể từ năm 2013…

Hiệu suất của quỹ đã giảm 10,2%, chủ yếu do VHM, CTG, TPB và MBB. Trong đó, CTG giảm 14,5% mạnh nhất, NLG giảm 16,3% và TPB giảm 16,3%. Nếu so với các tháng 4 kể từ khi hoạt động tại Việt Nam năm 2013, đây là tháng có hiệu suất thấp nhất, trong khi đó tháng 4/2020 hiệu suất của quỹ này tăng 17,91% cao kỷ lục, tháng 4/2021 là 0,65%.

Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của Pyn Elite Fund giảm 11,73%. Các cổ phiếu lớn trong danh mục của quỹ vẫn gồm: VHM, CTG, VRE, VEA, MBB, TPB, ACV, HDB, SCS, KDH.

Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của Pyn Elite Fund giảm 11,73%.

Hoạt động tích cực nhất có lẽ là các quỹ của VinaCapital. Tính từ đầu năm đến ngày 25/4/2022, trong khi chỉ số VN-Index giảm 12,5%, hai quỹ đầu tư cổ phiếu VEOF và VESAF của VinaCapital chỉ giảm 2,6% và 2,8%, quỹ cân bằng VIBF giảm 0,9%.

Mặc dù hiệu suất âm nặng nhưng về dài hạn, hầu hết các quỹ vẫn đánh giá triển vọng tốt cho chứng khoán Việt Nam. Lemun Vietnam Fund và Pyn Elite Fund đều bày tỏ lạc quan vào thị trường Việt Nam. Quỹ này cho rằng, các phản ứng thái quá của thị trường tạo ra nhiều cơ hội hơn là đe doạ. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.

VinaCapital tiếp tục cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Quỹ này tự tin thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm 2022. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg.

Song song với việc đánh giá cao chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài gồm các quỹ ngoại cũng đã quay đầu mua ròng 3.439 tỷ đồng trong tháng 4 (tại ngày 25/04/2022), so với mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3.

Nguồn: Vneconomy

Họp ĐHCĐ Vinhomes: Mở bán 4 dự án, làm nhà ở xã hội từ 300 triệu đồng mỗi căn

Năm nay, Vinhomes dự kiến mở bán 4 dự án gồm Vinhomes Ocean Park 2, Đại An, Đan Phượng và Cổ Loa.Công ty lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội và bán với giá từ 300 triệu/căn, phấn đấu hoàn thành 500.000 căn trong 5 năm tới.

Sáng nay (12/5), Vinhomes tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2022.

HĐQT trình cổ đông mục tiêu doanh thu năm nay đạt 75.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 12 % và 23% so với thực hiện năm trước. Các dự án mở mới sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu.

Theo ông Lê Tiến Công, kế toán trưởng của Vinhomes, kế hoạch này là hoàn toàn khả thi vì sau khi mở bán dự án Vinhomes Ocean Park 2, công ty nhận thấy nhu cầu sản phẩm thấp tầng vẫn còn rất lớn. Động lực năm nay đến từ doanh số chưa ghi nhận trong quý I là 57.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các sản phẩm thấp tầng bàn giao nhanh chóng cũng là lợi thế của Vinhomes. Công ty đang tiếp tục thương thảo các dự án và bán buôn theo lô lớn.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, tổng doanh thu đạt 84.986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38.950 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 36% so với thực hiện năm trước.

Với kết quả trên, HĐQT cũng chốt mức cổ tức cho năm 2021 là 20% bằng tiền mặt, tương ứng tổng giá trị 8.700 tỷ đồng và sẽ thực hiện trong quý III và IV năm nay. Ông Lê Tiến Công cho rằng công ty luôn đảm bảo chi trả mức cạnh tranh trên thị trường. Mức chi trả cổ tức tiền mặt năm nay cao hơn so với năm trước. Vinhomes đang triển khai nhiều dự án lớn trong tương lai nên cần đảm bảo nguồn vốn cho các dự án mới để có thể đi xa, đi nhanh trong tương lai.

z3408138492027-79a1006b5953e37-4000-9762
Họp đại hội cổ đông Vinhomes ngày 12/5. Ảnh: Việt Hưng

Các dự án mới của Vinhomes

Theo ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, dự kiến năm nay công ty sẽ mở bán 4 dự án bao gồm Vinhomes Ocean Park 2, Đại An (Hưng Yên), Đan Phượng và Cổ Loa (Hà Nội). Đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 đã được mở bán từ ngày 30/4. Các dự án còn lại sẽ mở bán trong những tháng cuối năm.

Vinhomes còn có dự án biển Hạ Long Xanh (Quảng Ninh), đại dự án Cần Giờ (TP HCM) và nhiều dự án sắp triển khai tại Khánh Hòa, Đà Nẵng. Trong đó, dự án Cần Giờ đang tiến hành các thủ tục về quy hoạch và làm việc với các đối tác san lấp, lấn biển. Đây sẽ là kế hoạch dài hơi của công ty.

Với mảng bất động sản khu công nghiệp, đây là chiến lược lâu dài của Vinhomes. Trong 10 năm, công ty phấn đấu cho thuê và bán với 3.000 ha và sẽ đóng góp thường xuyên vào doanh thu. Mảng này có thể đóng góp 8 - 10% giá trị trong dài hạn. Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến tiến độ mảng này và công ty đang triển khai các bước tiếp theo.

Kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, bán với giá từ 300 triệu/căn

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT cho biết một trong những định hướng chiến lược mới của Vinhomes trong thời gian tới là tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp tại các tỉnh thành trên cả nước. Trong vòng 5 năm tới, Vinhomes phấn đấu hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội trên cả nước với tổng diện tích từ 50 đến 60 ha mỗi dự án. Mức giá bán dự kiến chỉ từ 300 triệu đồng đến 950 triệu đồng/căn.

Thương hiệu của dòng sản phẩm nhà ở xã hội được lựa chọn chính thức mang tên Happy Home. Các dự án này sẽ tọa lạc tại các vùng ven tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Trước mắt, Vinhomes sẽ triển khai dự án tại Hà Nội, TP HCM.

Giá nguyên vật liệu tăng và siết tín dụng không ảnh hưởng đến Vinhomes

Lãnh đạo Vinhomes nhận định giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến chi phí xây dựng các dự án. Tuy nhiên, công ty đã triển khai các biện pháp để khắc phục. Vinhomes đã làm việc với các nhà cung ứng và các nhà cung cấp để có chi phí tối ưu nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư vào các sản phẩm để gia tăng giá trị trong mắt khách hàng.

Một vấn đề khác ảnh hưởng tới thị trường bất động sản là siết tín dụng. Lãnh đạo công ty khẳng định sẽ không bị ảnh hưởng do năm nay chủ yếu mở bán các sản phẩm thấp tầng, hướng tới các khách hàng trung lưu - nhóm đối tượng có sự nhạy cảm với lãi suất thấp hơn và có tài chính tốt, có lịch sử giao dịch tốt với ngân hàng, đáp ứng đủ điều kiện tín dụng.

Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua các tờ trình.
Nguồn: NDH

2 Likes

300 triệu/căn có nước tranh nhau mà mua à :))) mà chắc cũng chả mua được

Thủ tướng: Để hoàn thành mục tiêu phát triển quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình, phải có bạn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính bài phát biểu trong chuyến thăm Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ngày 11/5 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính bài phát biểu trong chuyến thăm Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ngày 11/5 - Ảnh: VGP

Chiều ngày 11/5 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Washington, Mỹ, trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS).

Trong bài phát biểu với chủ đề “Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến quan hệ hai nước Việt Nam - Mỹ đã phát triển vượt bậc sau gần 3 thập niên bình thường hoá quan hệ.

Ông nhấn mạnh, mối quan hệ đó đã “đơm hoa kết trái” với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới. Hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Mỹ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Mỹ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập. Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.

Với mong muốn nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, Thủ tướng chia sẻ về ba nội dung lớn.

Một là, cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay.

Hai là, vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay.

Ba là, chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

KHÔNG QUỐC GIA ĐƠN LẺ NÀO CÓ THỂ GIẢI QUYẾT MỌI VẤN ĐỀ

Theo Thủ tướng, bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới, song đang đứng trước thời điểm có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Toàn cầu hoá, liên kết kinh tế quốc tế, kinh tế thế giới đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là với những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và các chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế, và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chỉ cách đây một vài năm, ít ai có thể ngờ rằng, trên 6 triệu người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 và cũng ít ai có thể hình dung ra xung đột ngay giữa lòng châu Âu, gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu.

“Có thể nói thế giới về tổng thể là hoà bình - về cục bộ vẫn có chiến tranh; về tổng thể là hoà hoãn - về cục bộ vẫn có căng thẳng; về tổng thể là ổn định - về cục bộ vẫn có xung đột. Vì vậy, nguy cơ chiến tranh, bất ổn chính trị tăng, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro. Trong khi cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên Hợp Quốc.

“Chúng ta cần nhận thức đầy đủ cả những cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với hoà bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó, mặt thách thức khó khăn dường như đang nổi lên nhiều hơn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hợp tác để xử lý hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng khẳng định, hoà bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Cùng với đó, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hoà bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời làm rõ thêm một số vấn đề của Chủ tịch, Giám đốc điều hành CSIS- Ảnh: VGP

“Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, ví dụ như phòng chống đại dịch Covid-19, ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên…”, Thủ tướng phát biểu.

Cũng theo Thủ tướng, tất cả các quốc gia, dân tộc đều mong một thế giới tốt đẹp hơn, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của mỗi người dân. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển, mọi quan hệ hợp tác, đối tác trong hội nhập quốc tế đều hướng đến con người.

KHÔNG THỂ THIẾU LÒNG TIN VÀ SỰ CHÂN THÀNH

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Theo ông, chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.

“Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình”, ông nói. “Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn của các quốc gia”.

Thủ tướng trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ và lãnh đạo CSIS - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ và lãnh đạo CSIS - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông nhấn mạnh, đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia cũng như trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

“Trước những biến động phức tạp, khó lường trên toàn cầu, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và có trách nhiệm, không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì. Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả”, Thủ tướng nói.

KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM GẮN VỚI KHÁT VỌNG CẢ KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Về nội dung thứ ba, Thủ tướng khẳng định, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.

“Điều quan trọng là khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới. Tôi mong muốn Mỹ và các đối tác quan tâm sâu sắc, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa khát vọng tầm nhìn chiến lược đó một cách chân thành và hiệu quả. Đồng thời, điều này sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn giữa Việt Nam với Mỹ và các nước khác”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch, Giám đốc điều hành CSIS thảo luận- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch, Giám đốc điều hành CSIS thảo luận- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chia sẻ và khẳng định những quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.

Thứ hai, giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“Giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng. Giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại. Giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình. Giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.

Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Đề cập tới tình hình ở Ukraine, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Dù còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội và là một nước đang phát triển, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao trong ứng phó với biển đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Các đại biểu hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ, lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS- Ảnh: VGP

Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với trên 60 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

“Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn”, Thủ tướng nêu rõ. “Việt Nam và Mỹ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau”.

Với việc Mỹ và nhiều quốc gia đang hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển đầy khát vọng, hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, giao lưu nhân dân… và trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.

Cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới - đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Nguồn bài viết: Thủ tướng: Để hoàn thành mục tiêu phát triển quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình, phải có bạn - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Mặc chiến tranh, Rúp Nga là đồng tiền tăng mạnh nhất thế giới

Thành công của Nga trong việc điều hành thị trường tiền tệ được đánh giá là vượt trội hơn nhiều quốc gia khác như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ…

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images

Đồng Rúp Nga tiếp tục đà tăng giá trong phiên giao dịch ngày 11/5 khi thị trường chứng khoán Moscow mở cửa trở lại sau hai ngày nghỉ lễ.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá đồng Rúp tăng hơn 11% so với đồng USD trên thị trường Moscow. Theo đó, đây là tiền tệ tăng giá mạnh nhất trong số 31 tiền tệ lớn được theo dõi và vượt qua đồng Real của Brazil (tăng 9% so với USD từ đầu năm). Trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng Rúp thậm chí tăng mạnh hơn, khoảng 12%

Diễn biến tăng giá của đồng nội tệ Nga diễn ra sau khi Moscow áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát vốn để bảo vệ đồng nội tệ sau khi hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Cùng với biện pháp kiểm soát vốn, Moscow cũng yêu cầu các khách hàng châu Âu mua khí đốt của nước này phải thanh toán bằng đồng Rúp. Ngoài ra, Moscow cũng đóng băng tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu các công ty Nga chuyển đổi ngoại tệ sang nội tệ.

Thành công của Điện Kremlin trong việc điều hành thị trường tiền tệ được đánh giá là vượt trội hơn nhiều quốc gia khác như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ - nơi cũng thực hiện biện pháp kiểm soát vốn tương tự. Không những không thành công, hai quốc gia này nhận về kết quả thảm họa khi tỷ giá đồng Peso và Lira - vốn đã ở mức thấp trong lịch sử - gần như không thể phục hồi.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát vốn đồng nghĩa rằng nhà đầu tư không thể đưa lợi nhuận từ việc đồng Rúp tăng giá ra khỏi nước Nga.

Một số nhà chiến lược đánh giá diễn biến tăng giá đồng nội tệ của Nga là không ổn định bởi nhiều cửa hàng giao dịch tiền tệ đã dừng sử dụng tỷ giá đồng Rúp trong nước do có sự chênh lệch lớn với tỷ giá trên thị trường quốc tế. Hôm 20/4, Hiệp hội Thương mại Các thị trường mới nổi (EMTA) đã khuyến nghị các nhà giao dịch sử dụng tỷ giá từ WM/Refinitiv để thanh toán một số hợp đồng phái sinh từ ngày 6/6 tới.

Hồi cuối tháng 2, trong những ngày đầu tiên của chiến tranh Nga-Ukraine, sự sụp đổ của đồng Rúp Nga được coi như một biểu tượng cho việc nền kinh tế Nga bị cô lập khỏi thế giới. Lúc “cơn bão” trừng phạt của phương Tây bắt đầu trút xuống Nga, đồng Rúp đã rớt giá xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử khi 121,5 Rúp đổi 1 USD.

Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng Rúp hiện tại khiến nhiều người bất ngờ. Nguyên nhân chính cho việc này là đồng Rúp vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu của thế giới đối với dầu thô và khí đốt Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt.

Theo ước tính của Bloomberg Economics, ngay cả khi Nga tiếp tục bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu, nước này vẫn thu về gần 321 tỷ USD xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021.

Nguồn bài viết: Mặc chiến tranh, Rúp Nga là đồng tiền tăng mạnh nhất thế giới - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Nhận định của WHO về zero Covid khiến Trung Quốc “nổi cáu”

Trung Quốc ngày 11/5 phản bác điều mà nước này gọi là những bình luận “vô trách nhiệm” của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - người trước đó miêu tả chiến lược zero Covid của Trung Quốc là “không bền vững”…

Thượng Hải đang phong toả để chống Covid - Ảnh: Reuters.

Zero Covid (không Covid), chính sách chống dịch hà khắc của Trung Quốc, đang đặt hàng trăm triệu người ở hàng chục thành phố của nước này trong tình trạng hạn chế đi lại ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, phong toả nghiêm ngặt nhất được áp dụng ở Thượng Hải, gây ra những thiệt hại to lớn về mặt kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn lan rộng toàn cầu.

Ngày 11/5, giới chức Thượng Hải – thành phố đến nay đã bước sang tuần phong toả thứ 6 – nói rằng một nửa thành phố đã đạt tới trạng thái “không Covid” nhưng các hạn chế vẫn được duy trì.

Phương pháp chống dịch của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với phần lớn thế giới, vì nhiều quốc gia khác đã chọn sống chung với virus Sars-CoV2.

Trong bình luận hiếm hoi về chính sách của một quốc gia cụ thể, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 10/5 nói rằng chính sách zero Covid của Trung Quốc là không bền vững và giờ là lúc nước này nên thay đổi cách chống dịch.

Đánh giá này của ông Tedros không được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin và bị kiểm duyệt trên truyền thông xã hội của nước này. Phản ứng chính thức của Bắc Kinh được đưa ra tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng là cá nhân liên quan có thể nhìn nhận khách quan và hợp lý về chính sách chống Covid của Trung Quốc và hiểu đúng về thực tế, thay vì đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”, người phát ngôn Zhao Lijian của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại họp báo.

Tuần trước, lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo những người ai phê bình chính sách zero Covid. Nhà chức trách nói rằng chính sách này “đặt sinh mạng lên trên hết”.

Để bảo vệ cách chống dịch của mình, Trung Quốc đã đề cập đến hàng triệu ca tử vong do Covid-19 ở các quốc gia khác. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, kể từ khi Covid xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nước này đến nay mới có hơn 5.000 ca tử vong vì căn bệnh này, ít hơn nhiều so với con số gần 1 triệu ca ở Mỹ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung Quốc và Mỹ kết luận rằng Trung Quốc có nguy cơ chứng kiến hơn 1,5 triệu ca tử vong do Covid-19 nếu từ bỏ chính sách chống dịch hiện nay mà không có các biện pháp phòng ngừa khác như đẩy mạnh tiêm vaccine và phổ biến thuốc đặc trị. Hiện tại, mới chỉ có khoảng một nửa số người trên 80 tuổi ở Trung Quốc tiêm vaccine ngừa Covid-19.

“Sự việc này cho thấy Bắc Kinh không khoan nhượng với bất kỳ ai thách thức chính sách zero Covid”, nhà nghiên cứu truyền thông Trung Quốc Fang Kecheng thuộc Đại học Trung Hoa Hồng Kông nhận định về việc truyền thông xã hội Trung Quốc kiểm duyệt phát biểu nói trên của người đứng đầu WHO.

Dữ liệu mới nhất cho thấy Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, ngày 10/5 không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào bên ngoài các khu vực bị phong toả nghiêm ngặt nhất - lần đầu tiên kể từ hôm 1/5. Một nửa trong số 16 quận của thành phố đã đạt tới trạng thái “không Covid” vì không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 3 ngày. Giới chức thành phố hy vọng sẽ xoá bỏ hoàn toàn số ca nhiễm mới và bắt đầu nới các hạn chế từ cuối tháng này.

Tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh và một số lượng lớn người lao động phải làm việc ở nhà vì thành phố đang triển khai nhiều hạn chế để chống đợt bùng dịch với 56 ca nhiễm mới trong ngày 10/5.

Phong toả ở Thượng Hải đã thử thách khả năng của các nhà sản xuất trong việc duy trì hoạt động trong bối cảnh các biện pháp nghiêm ngặt được triển khai để chống Covid. Tuần này, nhà máy tại Thượng Hải của hãng xe điện Mỹ Tesla hoạt động ở mức thấp hơn nhiều so với công suất vì không có đủ linh kiện. Trong tháng 4, doanh số ô tô của Trung Quốc giảm 47,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở biên giới Trung Quốc. Một số bệnh viện lớn nhất ở Mỹ cho biết đang ở trong tình trạng khan hiếm những sản phẩm cần thiết cho việc chụp CT, X quang… do hoạt động sản xuất các sản phẩm này ở Thượng Hải bị cắt giảm.

Nguồn bài viết: Nhận định của WHO về zero Covid khiến Trung Quốc “nổi cáu” - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Đến “bà hoàng” cổ phiếu Cathie Wood cũng đang hứng thua lỗ

Chiến lược lựa chọn cổ phiếu của bà Wood - tập trung vào những công ty sáng tạo đột phá – đã trở thành “nạn nhân” của cuộc bán tháo cổ phiếu công nghệ thời gian gần đây ở Phố Wall…

Nhà quản lý quỹ Cathie Wood - Ảnh: Bloomberg.

Mức lợi nhuận khổng lồ đưa Cathie Wood trở thành một trong những nhà quản lý quỹ chủ động (active fund) nổi tiếng nhất thế giới đang “bốc hơi” với tốc độ nhanh chóng, khi nhiều cổ phiếu mà bà ưa chuộng mất giá không phanh. Danh tiếng của bà Wood vì thế cũng sứt mẻ phần nào.

Theo hãng tin Bloomberg, sau nhiều năm vượt trội so với thị trường, quỹ chủ lực ARK Innovation ETF của bà Wood đã mất hoàn toàn ưu thế trước đó so với chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.

Chiến lược lựa chọn cổ phiếu của bà Wood - tập trung vào những công ty sáng tạo đột phá – đã trở thành “nạn nhân” của cuộc bán tháo cổ phiếu công nghệ thời gian gần đây ở Phố Wall, khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi những cổ phiếu tăng trưởng có mức định giá cao trong bối cảnh lạm phát cao ngất ngưởng và lãi suất tăng lên.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tuần này, ARK Innovation giảm 10% trong khi S&P 500 giảm 3,2%. Điều này có nghĩa là tổng lợi nhuận kể từ khi quỹ ra đời vào năm 2014 giảm còn khoảng 122% - theo dữ liệu của Bloomberg. Mức lãi này thấp hơn mức tăng 128% của S&P 500 trong cùng khoảng thời gian.

Sự thay đổi tâm lý của thị trường đối với cổ phiếu công nghệ đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” đối với bà Wood, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ ARK Investment Management LLC.

Lãi suất tăng lên gây sức ép suy giảm định giá cổ phiếu, trong khi những mối lo về tăng trưởng kinh tế làm yếu đi sức hấp dẫn của những cổ phiếu có tính đầu cơ cao, từ đó đặt những công ty đặc cược vào các công nghệ mới vào một thế đặc biệt rủi ro. So với mức đỉnh thiết lập vào năm ngoái, ARK Innovation hiện đã giảm 70%.

Tuy nhiên, bà Wood vẫn có được sự trung thành đáng kể của nhà đầu tư. Dù đã lỗ hơn 50% trong năm 2022, ARK Innovation vẫn hút vốn ròng từ đầu năm. Tính đến cuối tuần trước, lượng vốn ròng mà quỹ ETF này thu hút được từ đầu năm là 41 triệu USD.

Bên cạnh đó, không phải quỹ nào của bà Wood cũng để mất ưu thế. Một quỹ nhỏ hơn có tên ARK Next Generation Internet ETF đã duy trì ưu thế so với S&P 500 kể từ khi thành lập, dù quỹ này cũng đã giảm so với mức đỉnh.

Về phần mình, bà Wood vẫn giữ vững chiến lược đầu tư vào cổ phiếu công nghệ, bất chấp những mất mát gần đây. Trong những dòng tweet gần đây, bà nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc dịch chuyển công nghệ lớn nhất trong lịch sử, qua đó nhấn mạnh tiềm năng của những công ty như Zoom Video Communications hay Microsoft.

Nguồn bài viết: Đến “bà hoàng” cổ phiếu Cathie Wood cũng đang hứng thua lỗ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

ĐHĐCĐ Gelex: Việc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng luật, CEO Nguyễn Văn Tuấn cam kết mua 10 triệu cổ phiếu để đầu tư lâu dài

ĐHĐCĐ Gelex: Việc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng luật, CEO Nguyễn Văn Tuấn cam kết mua 10 triệu cổ phiếu để đầu tư lâu dài

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, “Hiện tại cổ đông của Gelex là 56.000 cổ đông, một số lượng rất lớn, mã cổ phiếu rất đại chúng. HĐQT và ban điều hành chúng tôi nỗ lực hết sức khi có những tin đồn thất thiệt, chúng tôi công bố thông tin trên website, chúng tôi làm việc với cơ quan báo chí để đưa ra những thông tin chính thống và bản thân tôi đã đăng kí mua 10 triệu để đầu tư lâu dài với các cổ đông khác.”

Ngày 12/5/2022, Đại hội cổ đông của Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) đã được tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến. Năm 2021 mặc dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi Covid song nhờ hợp nhất Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera), Gelex đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.578 tỷ đồng, tăng 59,2% so với năm 2020, LNTT hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng, vượt kế hoạch 60% và tăng trưởng gần 72% so với năm 2020.

Tại đại hội Gelex đã thông qua kế hoạch năm 2022 là đạt 36.000 tỷ đồng doanh thu và 2.618 tỷ đồng LNTT hợp nhất, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021. Tập đoàn tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A.

ĐHĐCĐ Gelex: Việc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng luật, CEO Nguyễn Văn Tuấn cam kết mua 10 triệu cổ phiếu để đầu tư lâu dài - Ảnh 1.

Gelex sẽ tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết với cổ phần Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở Tập đoàn mẹ vẫn nắm tỷ lệ chi phối (Gelex Electric đã giao dịch trên Upcom vào 8/3/2022).

Với lĩnh vực hạ tầng, năm 2022 Gelex sẽ phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư như: Cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW), Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió ĐakLak (200MW), Điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án khác.

Năm 2022, Gelex dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng sạch như thuỷ điện, điện sinh khối…

Với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch: Tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý 4/2024.

Với mảng BĐS khu công nghiệp: Tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai, chuẩn bị đầu tư gần 1900 ha các khu công nghiệp mới. Khảo sát, nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoảng 4.300 ha khu công nghiệp/Tổ hợp KCN, dịch vụ, đô thị mới tại các địa phương có vị trị có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Gelex dự kiến chi gần 426 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 5% vốn điều lệ để trả cổ tức tiền mặt năm 2021. Theo đó, mỗi nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu GEX sẽ được nhận 500 đồng. Mục tiêu cổ tức năm 2022 là 15%.

Xét theo đơn từ nhiệm ngày 20/4/2022 của ông Võ Anh Linh – thành viên HĐQT, Đại hội đã thông qua miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Võ Anh Linh và bầu bổ sung ông Lê Bá Thọ làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Thảo luận tại Đại hội:

Công ty có kế hoạch đầu tư trong năm 2022 như thế nào?

Kế hoạch đầu tư của công ty khoảng 11.391 tỷ, trong đó khối thiết bị điện sẽ đầu tư 528 tỷ, khối hạ tầng không kể Viglacera thì tổng đầu tư sẽ là 4.607, riêng Viglacera đầu tư 4.713 tỷ, dự án BĐS Trần Nguyên Hãn 1.542 tỷ.

Dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá tồn kho tăng mạnh. Công ty giải thích lý do và khả năng thu hồi các khoản này?

Năm 2021, Gelex đã chi phối được VGC và hợp nhất VGC do VGC là doanh nghiệp lớn, quy mô tài sản lớn, doanh thu lớn nên nợ phải thu của năm 2021 so với năm 2020 khác biệt. Về khả năng thu hồi, do các quy định trích lập nên phải trích lập và việc trích lập không có nghĩa là mất các khoản này, các khoản này có thể thu hồi nhanh hoặc chậm nhưng không nghĩa mất hết.

Quy trình phát hành trái phiếu và mua lại các doanh nghiệp nhà nước?

Về quy trình phát hành trái phiếu, chúng tôi phát hành cho các định chế tài chính rất lớn nên chúng tôi tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu. Về mua lại doanh nghiệp nhà nước, khi nào chính phủ có các chủ trương thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi đã tham gia đấu giá, chào mua công khai, thỏa thuận trên sàn giao dịch chứng khoán theo đúng luật chứng khoán. Chúng tôi là những doanh nghiệp lớn của Việt Nam do người Việt Nam sở hữu, chúng tôi đang sở hữu và phát triển những thương hiệu rất tốt hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực khu công nghiệp và VLXD.

Về việc M&A DN nhà nước
Về việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng luật chứng khoán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp đầu tư nắm giữ cổ phần tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera) được GELEX và các đơn vị thành viên triển khai từ năm 2019 đến 2021.

Trước khi tham gia đấu giá cổ phiếu VGC thuộc sở hữu của Bộ Xây dựng tại đợt đấu giá tháng 03/2019, GELEX và các đơn vị sở hữu 9,8% vốn điều lệ Viglacera. Tại đợt đấu giá này, Bộ xây dựng triển khai đấu giá 80.579.262 cổ phần VGC. Sau khi trúng đấu giá 64 triệu cổ phiếu VGC (trên tổng số 69 triệu cổ phiếu bán được tại đợt đấu giá), GELEX và các đơn vị nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,96% vốn điều lệ VGC. Tháng 10/2020, GELEX thực hiện chào mua công khai, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Viglacera 46,06%. Từ tháng 03 - 04/2021, tập đoàn thực hiện giao dịch trên thị trường với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài qua sàn giao dịch chứng khoán, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,21% tại đơn vị này.

Triển vọng của công ty trong thời gian tới, giá cổ phiếu giảm 50% ban lãnh đạo có chủ trương hỗ trợ cho cổ phiếu không?

Về triển vọng công ty, HĐQT và ban điều hành sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch đề ra. Còn về cổ phiếu, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, “Hiện tại cổ đông của Gelex là 56.000 cổ đông, một số lượng rất lớn, mã cổ phiếu rất đại chúng. HĐQT và ban điều hành chúng tôi nỗ lực hết sức khi có những tin đồn thất thiệt, chúng tôi công bố thông tin trên website, chúng tôi làm việc với cơ quan báo chí để đưa ra những thông tin chính thống và bản thân tôi đã đăng kí mua 10 triệu để đầu tư lâu dài với các cổ đông khác.”

Vốn tài trợ cho các dự án điện năng lượng tái tạo?

Hiện nay các dự án GEX dự kiến tập trung triển khai có quy mô rất lớn. Tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD theo tính toán của chúng tôi đối với riêng các dự án điện gió.

Gần đây tôi thấy báo chí đăng nợ của Gelex tăng khủng, Công ty giải thích tại sao nợ lại tăng khủng? Công ty nói rõ chi tiết nợ của Gelex?

Về con số tuyệt đối, giá trị nợ tăng, cụ thể tại 31/12/2020, nợ khoảng 19.000 tỷ, tại 31/12/2021 là 41.000 tỷ, tăng khoảng 22.000 tỷ, do một số nguyên nhân:

  • Do hợp nhất VGC, giá trị nợ hợp nhất vào hệ thống khoảng 13.000 tỷ;

  • Năm vừa rồi Gelex hoàn thành 2 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng mức đầu tư trước thuế khoảng trên 5.000 tỷ, trong đó giá trị nợ khoảng 3.200 tỷ. Khoản vay này huy động từ ngân hàng LBBW của Đức và ngân hàng BIDV, việc huy động được khoản vay này đã thể hiện năng lực và uy tín của Gelex trong việc phát triển, triển khai và thực hiện đầu tư 140 MW và vận hành theo giá FIT của chính phủ.

  • 3.000 tỷ tăng đến từ chủ trương của HĐQT cho tái cấu trúc khoản vay, để huy động được nguồn vốn dài hơn, lãi suất hợp lý hơn để phục vụ các hoạt động đầu tư trong năm 2022.

Việc tăng này song hành với chất lượng các khoản nợ. Các hệ số nợ của Gelex và Gexlex Electric đã được thể hiện trên báo cáo tài chính công bố. Riêng Gelex hạ tầng chưa niêm yết thì nợ còn 2.200 tỷ trên vốn chủ sở hữu 7.900 tỷ, tuy giá trị tuyệt đối tăng nhưng song hành với quy mô tăng của tổng tài sản. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của tập đoàn chỉ khoảng hơn 1, Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản chỉ xấp xỉ là 0.65. Đây là những hệ số nợ rất tốt khi so sánh với các doanh nghiệp hằng đầu như Massan, Hòa Phát, REE,… Chất lượng nợ của VGC cũng rất tốt, trong 13.000 tỷ của VGC có khoảng 6.500 tỷ là doanh thu chưa thực hiện, ứng trước khách hàng. Như vậy nợ của VGC chỉ còn lại khoảng 5.000 tỷ, trong khi vốn điều lệ của VGC là 4.480 tỷ, hệ số nợ phải trả/Vốn chủ của VGC thấp chỉ khoảng 0.6 lần và hệ số nợ/Tổng tài sản chỉ khoảng 0.2 lần, nợ thuần của VGC mẹ chỉ khoảng 1.066 tỷ đồng, so với tổng tài sản thì hệ số này rất thấp. Như vậy mặc dù VGC đóng góp 13.000 tỷ giá trị tuyệt đối vào nợ tập đoàn nhưng tình hình tài chính của Tập đoàn còn mạnh hơn.

Gelex có kế hoạch gì cho việc giảm các khoản nợ xuống không?

Các chỉ số nợ của tập đoàn tại 31/12/2021: Hệ số nợ thuần/EBITDA chỉ là 1.8 lần, đối với các định chế tài chính khi cho vay là tối đa khoảng 3.5 lần, như vậy hệ số nợ thuần/EBITDA của tập đoàn rất tốt. Hệ số tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn chỉ là 1.3 lần, tổng nợ/vốn chủ sở hữu chỉ quanh khoảng 1 => các hệ số này rất tốt, thậm chí còn cao hơn một số doanh nghiệp lớn khác. Hệ số của Gelex rất an toàn, các khoản vay có chi phí hợp lý, đồng thời Gelex có kế hoạch tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới nên HĐQT sẽ vẫn duy trì các khoản nợ này phục vụ cho kế hoạch kinh doanh, trừ các khoản trái phiếu đến hạn, các khoản trái chủ đề nghị mua lại trước hạn theo yêu cầu thì Gelex sẵn sàng giảm.

Nguồn bài viết: ĐHĐCĐ Gelex: Việc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng luật, CEO Nguyễn Văn Tuấn cam kết mua 10 triệu cổ phiếu để đầu tư lâu dài

Sóng gió bủa vây thị trường, duy nhất một cổ phiếu vốn hóa tỷ USD vẫn âm thầm vượt đỉnh

Sau nhịp điều chỉnh mạnh hồi giữa tháng 4, REE đã hồi phục nhanh chóng để lấy lại những gì đã mất, thậm chí còn bứt phá vượt đỉnh lên mức 92.600 đồng/cổ phiếu. Ngay cả khi giảm hơn 6% phiên 12/5, thị giá cổ phiếu này vẫn còn cao hơn gần 7% so với đầu tháng 4.

Cơn bão bán tháo tài sản rủi ro cao vẫn đang càn quét thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. 2 phiên liên tiếp ngược dòng hồi phục vẫn chưa thể xua tan bầu không khí ảm đạm trên thị trường. VN-Index tiếp tục quay đầu giảm 63 điểm phiên 12/5 về mức 1.238 điểm, vốn hoá HoSE theo đó “bốc hơi” 249.000 tỷ đồng.

Tính từ vùng đỉnh hồi đầu tháng 4, VN-Index đã mất hơn 285 điểm (-19%) kéo theo hầu hết các cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí mất hơn nửa thị giá. Không chỉ nhóm đầu cơ, các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng bị bán mạnh. Dù vậy, vẫn có một vài điểm sáng ngược dòng trong đó nổi bật nhất là REE của Cơ điện lạnh (REE Corp) – cổ phiếu vốn hóa tỷ USD duy nhất không hề hấn gì giữa vòng xoáy bán tháo.

Thực tế, cổ phiếu này cũng bị bán mạnh sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 4 và có thời điểm đã rớt khỏi nhóm vốn hóa tỷ USD. Tuy nhiên, REE đã hồi phục nhanh chóng theo hình chữ “V” để lấy lại những gì đã mất, thậm chí còn bứt phá vượt đỉnh lên mức 92.600 đồng/cổ phiếu, vốn hóa theo đó lập kỷ lục 28.600 tỷ đồng. Ngay cả khi giảm hơn 6% phiên vừa qua, thị giá REE vẫn còn cao hơn gần 7% so với đầu tháng 4.

Không chỉ tăng giá mạnh, REE còn hút tiền đáng nể khi liên tục duy trì thanh khoản cao trong bối cảnh thị trường chung giao dịch ảm đạm. Ngoài ra, REE còn nằm trong rổ “kim cương” VNDiamond – thỏi nam châm hút vốn ngoại với tỷ trọng khá cao trên 8,3%. Từ đầu tháng 4, DCVFM VNDiamond ETF là quỹ ETF hút vốn mạnh thứ 2 thị trường với 943 tỷ đồng. Dòng vốn đổ vào quỹ có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư Thái Lan.

Một yếu tố quan trọng khiến REE hấp dẫn thời gian qua đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. Trong quý đầu năm, REE ghi nhận doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, REE lãi sau thuế hơn 955 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cổ phiếu này còn được hỗ trợ tích cực bởi thông tin chia cổ tức. Cụ thể vào ngày 18/5 tới đây, REE sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 100:15 tương ứng dự kiến phát hành gần 46,4 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 464 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành trên, vốn điều lệ của REE sẽ tăng lên hơn 3.564 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư có tính phòng thủ cao

REE hiện có một danh mục đầu tư dày đặc dịch vụ tiện ích (điện, nước) với tổng mức đầu tư theo ước tính đạt 14.792 tỷ đồng. Danh mục này đã đem lại mức lợi suất cổ tức khoảng 9,1% và đóng góp 62% cho tỷ trọng tổng lợi nhuận trong năm 2021.

Sóng gió bủa vây thị trường, duy nhất một cổ phiếu vốn hóa tỷ USD vẫn âm thầm vượt đỉnh - Ảnh 2.

REE đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tiện ích (điện & nước) từ năm 2010. Hiện tại, công ty đạt tổng công suất 2.635MW, trong đó tổng công suất do REE sở hữu đạt 1.005MW vào năm 2021, trải rộng cho ba loại năng lượng khác nhau, bao gồm thủy điện (524MW), nhiệt điện than (292MW) và năng lượng tái tạo (189MW).

Bên cạnh đó, REE cũng đã liên tục mở rộng danh mục đầu tư vào phân khúc nước với 9 công ty liên kết, tổng giá trị đầu tư tăng trưởng kép 23% từ 831 tỷ đồng trong 2016 lên 2.059 tỷ đồng vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2016-2021, ROE danh mục đầu tư của REE luôn duy trì ở mức trên 15%, mặc dù có mức giảm khiêm tốn kể từ năm 2018 khi công ty mở rộng đầu tư vào dự án mới và tăng cường tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết, đặc biệt là trong mảng điện và nước.

VNDirect đánh giá đây vẫn là mức hiệu quả đầu tư ổn định, đặc biệt khi tỷ trọng mảng phòng thủ chiếm ưu thế. Hai mảng này sẽ là trọng tâm đầu tư chính của REE trong năm tới, trong đó REE có kế hoạch tiếp tục mở rộng danh mục năng lượng tái tạo. Còn mảng nước, REE sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các công ty xử lý nước thải để gia tăng chuỗi giá trị của danh mục.

Sóng gió bủa vây thị trường, duy nhất một cổ phiếu vốn hóa tỷ USD vẫn âm thầm vượt đỉnh - Ảnh 3.

Mảng nước của REE có ROE khá ổn định, cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành ở cả hai chuỗi giá trị, xử lý nước và cấp nước. Trong đó, mảng xử lý và cấp nước có ROE ước tính vào khoảng 15,7% và 14,0%, chỉ thấp hơn hai công ty ở tỉnh Bình Dương là BWE (17,1%) và TDW (18,0%) - khu vực có giá nước trung bình cao hơn nhiều do tập trung nhiều khu công nghiệp.

Hướng tới tăng trưởng bền vững

VNDirect cho rằng REE đang hưởng lợi từ tăng trưởng ổn định nhu cầu các dịch vụ tiện ích của Việt Nam trong các năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng mạnh sau hai năm tăng trưởng khiêm tốn từ 2020-21 khi nền kinh tế Việt Nam trở lại trạng thái tăng trưởng bình thường. Miền Bắc được dự báo có nguy cơ thiếu điện trong những thời điện phụ tải cao trong mùa nắng nóng, và gần đây nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trên 3.000MW đã thiếu hụt.

Sóng gió bủa vây thị trường, duy nhất một cổ phiếu vốn hóa tỷ USD vẫn âm thầm vượt đỉnh - Ảnh 4.

Theo kịch bản cơ sở, dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực (PDP8) ước tính tốc độ tiêu thụ điện năng tăng trưởng kép hàng năm là 8,9% trong giai đoạn 2021-2030, và VNDirect cho rằng đây là động lực để ngành điện tiếp tục phát triển cùng với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi nhanh trong những năm tới.

Trong năm 2022, REE sẽ tiếp tục phát triển thêm 200MW điện NLTT, trong đó 100MWp là các dự án điện mặt trời trên mái nhà, bao gồm M&A các nhà đã vận hành, cũng như tiến hành đi thuê mái nhà để phát triển các dự án mới. Hơn nữa, công ty có kế hoạch nâng tổng công suất năng lượng mặt trời mái nhà lên 500MWp vào năm 2024-2025.

VNDirect đánh giá việc tập trung phát triển điện mặt trời trên mái nhà là một lựa chọn đúng đắn, do LCOE và chi phí đầu tư (15- 20 tỷ đồng/MW) khá rẻ và đang giảm dần qua các năm nhờ yếu tố quy mô kinh tế lớn do hiện tại phát triển NLTT đang là xu hướng toàn cầu. CTCK này dự báo sản lượng và doanh thu riêng mảng NLTT năm 2022 có thể tăng trưởng lần lượt 56% và 66% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 178 triệu kWh và 350 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến 192 tỷ đồng.

Sóng gió bủa vây thị trường, duy nhất một cổ phiếu vốn hóa tỷ USD vẫn âm thầm vượt đỉnh - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, ba nhà máy điện gió mới sẽ đóng góp đáng kể cho lợi nhuận ròng mảng điện từ năm 2022. VNDirect dự báo sản lượng điện gió có thể đạt khoảng 80% công suất thiết kế lên 328 triệu kWh, giúp doanh thu tăng 144% lên gần 694 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng theo đó sẽ đạt 272 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ.

VNDirect cũng kỳ vọng mảng thủy điện của REE sẽ vẫn được hưởng lợi cho đến cuối tháng 4/2022 và bắt đầu bước ra khỏi tình trạng điều kiện thời tiết lý tưởng, dẫn đến một mức sản lượng kỳ vọng sẽ thấp hơn. Sản lượng nhóm thủy điện của REE dự báo sẽ giảm 23% so với cùng kỳ xuống còn 2.760 triệu kWh vào năm 2022.

Theo đánh giá của VNDirect, các dự án thủy điện sắp tới như Thác Bà 2 và Vĩnh Sơn 2&3 sẽ là tiềm năng tăng giá của REE trong dài hạn. Mặt khác, REE đang có kế hoạch thoái nốt khoản đầu tư còn lại tại QTP vào năm 2022, giảm danh mục đầu tư nhiệt điện xuống còn 2 công ty và quyết định sẽ không đầu tư thêm vào điện than trong tương lai.

Đối với mảng nước của REE, VNDirect đánh giá tăng trưởng có thể chậm lại từ năm 2022 sau khi các công ty xử lý nước đạt công suất tối đa. Lợi nhuận ròng mảng nước sẽ tăng lần lượt 9%/8% so với cùng kỳ trong năm 2022-23 lên 333 tỷ đồng và 359 tỷ đồng với giả định công suất tối đa cho các công ty xử lý nước từ năm 2023.

Nguồn bài viết: Sóng gió bủa vây thị trường, duy nhất một cổ phiếu vốn hóa tỷ USD vẫn âm thầm vượt đỉnh

Xuất khẩu gạo sang EU tăng gấp 4 lần nhờ Hiệp định EVFTA

Xuất khẩu gạo sang EU 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Riêng quý 1, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng gần 4 lần về lượng và 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ 2021. Kết quả có được là nhờ tận dụng có hiệu quả “tấm vé" thông hành từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo đánh giá mới đây từ Bộ Công thương, thời gian qua xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU đã có kết quả khởi sắc. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.

Xuất khẩu gạo sang EU trong 4 tháng đầu năm nay đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Trong quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 22.500 tấn gạo sang thị trường này, thu về gần 18 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu gạo sang EU tăng gấp 4 lần nhờ Hiệp định EVFTA - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong khối EU, Italy đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu tăng 26 lần so với cùng kỳ. Một số thị trường chủ lực khác là Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển…

Trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong quý I/2022, xuống 470 USD/tấn, thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU lại ghi nhận mức tăng 9%, đạt 760 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình ngành gạo là do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…

“Kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh” - đại diện Bộ Công thương đánh giá.

Năm 2021, việc thực thi EVFTA đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU, với sản lượng đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về kim ngạch so với năm 2020. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm 10 - 20 USD/tấn.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Về triển vọng thị trường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đưa ra dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

Nguồn bài viết: Xuất khẩu gạo sang EU tăng gấp 4 lần nhờ Hiệp định EVFTA - DNTT online

Thông điệp nóng từ Uỷ ban chứng khoán gửi nhà đầu tư khi cổ phiếu rớt thảm

Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để bàn thảo các giải pháp giúp thị trường vượt qua khó khăn. Cơ quan quản lý đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

“Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước.

Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả” – đại diện Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nhuốm sắc đỏ và xanh lơ, thanh khoản èo uột, nhà đầu tư tâm lý chán nản.

Nói về việc thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,…

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.

Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn.

Song song với đó, rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư” – lãnh đạo UBCKNN thông tin thêm.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

“Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra” – lãnh đạo UBCKNN nói.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư, để gia tăng nền tảng kiến thức tài chính, chứng khoán, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và chuyên nghiệp hơn.

Nguồn bài viết: Thông điệp nóng từ Uỷ ban chứng khoán gửi nhà đầu tư khi cổ phiếu rớt thảm

3 Likes

Đọc xong lú thật sự luôn ấy =)))

Đường Vành đai 4 Thủ đô: Làm rõ kế hoạch bố trí vốn với tiến độ triển khai

Cùng với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chiều nay (12.5).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: QH

Quan ngại phát hành trái phiếu cho địa phương vay đầu tư cao tốc

Với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, theo tờ trình số 126, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án. Dự kiến thời gian thực hiện dự án cơ bản hoàn thành năm 2025.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có dự án đầu tư công áp dụng theo Luật Đầu tư công. Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chưa có quy định việc áp dụng kết hợp các hình thức đầu tư nêu tại tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỉ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỉ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án.

Một số ý kiến đề nghị đối với các tuyến đường song hành phải được xem xét đồng thời với quy hoạch đô thị dọc theo toàn tuyến. Việc này nhằm bảo đảm phù hợp với việc phát triển các đô thị và các quy hoạch khác đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ vai trò, chức năng của đường song hành là đường đô thị.

Tiếp đó, ông Thanh cũng có phân tích về đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm cả nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường dự án.

Ông Thanh cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Chính phủ không được phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại. Mặc dù, theo tính toán việc phát hành trái phiếu Chính phủ để cho các địa phương vay lại chưa dẫn đến dư nợ công vượt mức trần cho phép.

Tuy nhiên, mức phát hành thêm này sẽ làm tăng mức vay nợ của Chính phủ ngoài phạm vi đã được Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách.

Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ phát hành có kỳ hạn dài và phải trả lãi hàng năm, trong khi đó, nguồn khai thác quỹ đất phụ thuộc vào hiệu quả triển khai dự án và thị trường. Trường hợp dự án bị kéo dài, phương án tài chính không bảo đảm sẽ không có nguồn để trả nợ gốc, lãi vay. Vì vậy, một số ý kiến quan ngại đối với đề xuất nêu trên.

Thời hạn cơ bản hoàn thành vào năm 2025 có khả thi?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu giải trình rõ kế hoạch bố trí vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

“Công tác chuẩn bị đã hết nửa năm 2022, chỉ còn 3,5 năm thôi, thì thời hạn cơ bản hoàn thành vào năm 2025 có khả thi không” - Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý thêm hiện còn nhiều dự án lớn khác đang triển khai, trong khi thời hạn của gói kích thích kinh tế chỉ còn có 2 năm…

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không nên áp dụng cơ chế chính sách đặc thù một cách tràn lan, vì như thế sẽ làm biến dạng môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế về phát hành trái phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Tại sao địa phương không làm mà đề xuất Chính phủ phát hành, trong khi luật đã cho phép?”.

Nguồn bài viết: Đường Vành đai 4 Thủ đô: Làm rõ kế hoạch bố trí vốn với tiến độ triển khai

ĐỌC NHANH ngày 13-5: Nga muốn tránh đụng độ trực tiếp với NATO

TTO - Nga cho biết sẽ phản ứng nếu có bên nào can thiệp vào tình hình ở Ukraine dù khẳng định muốn tránh kịch bản ‘đụng độ trực tiếp với NATO’. Liên minh châu Âu chuẩn bị xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine vào tuần sau.

ĐỌC NHANH ngày 13-5: Nga muốn tránh đụng độ trực tiếp với NATO - Ảnh 1.

Một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Mariupol, Ukraine, ngày 12-5 - Ảnh: REUTERS

  • Ngày 13-5, Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi ngừng việc không kích trường học ở Ukraine. “Hàng trăm trường học khắp nước này bị nã pháo, không kích và các vũ khí nổ khác tại những khu vực đông dân”, ông Omar Abdi - phó giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) - phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức ngày 12-5.

Trong khi đó, nói về các cáo buộc bạo lực đối với trẻ em tại Ukraine, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng những cáo buộc này là “vô lý” và phía Kiev không đưa ra bằng chứng nào. “Hôm nay, chúng tôi một lần nữa nghe thấy những lời cáo buộc từ một số đồng nghiệp đối với quân đội Nga về các hành vi bạo lực đối với trẻ em", Đài Russia Today dẫn lời ông Nebenzia.

  • Điện Kremlin cho biết Nga muốn tránh kịch bản đụng độ trực tiếp với NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), tuy nhiên cảnh báo Matxcơva sẽ phản ứng nếu có bên nào can thiệp vào Ukraine và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại nước này.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 11-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đưa ra nhận định Nga không muốn đối đầu NATO về mặt quân sự.

Về đàm phán với Ukraine, Điện Kremlin nói không có gì tiến triển và tiến trình đàm phán đang diễn ra “chậm chạp và không hiệu quả”.

  • Ngày 12-5, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine vào tháng sau.

Còn phó đại sứ Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyanskiy, nói quan điểm của Nga về việc Ukraine gia nhập EU đã thay đổi và hiện tại cũng tương tự quan điểm đối với việc Kiev tham gia NATO.

“[Tại cuộc hội đàm ở Istanbul] Chúng tôi không lo lắng về tình hình nhưng nó đã thay đổi sau tuyên bố của [đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU] Josep Borrell rằng cuộc chiến này nên được phân thắng bại trên chiến trường”, ông Polyanskiy giải thích về thay đổi trong cách nhìn của Nga.

ĐỌC NHANH ngày 13-5: Nga muốn tránh đụng độ trực tiếp với NATO - Ảnh 2.

Người dân trên đường phố ở thủ đô Kiev của Ukraine ngày 12-5 - Ảnh: REUTERS

  • Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính hơn 6 triệu người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga bắt đầu, trong đó hơn 90% là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, trong Ukraine, khoảng 8 triệu người mất nhà cửa.

  • Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ chính quyền Ukraine ở Odessa nói các lực lượng nước này đã đánh trúng một tàu hậu cần của hải quân Nga gần Đảo Rắn trên Biển Đen. Trong khi đó, phía Nga cho biết đã phá hủy 1 máy bay không người lái và 3 tên lửa của Ukraine tại khu vực Đảo Rắn.

  • Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuyên bố chính phủ nước này sẽ chính thức đề xuất gia nhập NATO vào ngày 15-5 và quốc hội bỏ phiếu vào ngày tiếp theo, theo Đài CNN. Các nước châu Âu như Đức, Pháp và Mỹ ủng hộ quyết định của Helsinki trong khi Điện Kremlin cho biết việc Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn là mối đe dọa đối với Nga.

Nguồn bài viết: ĐỌC NHANH ngày 13-5: Nga muốn tránh đụng độ trực tiếp với NATO - Tuổi Trẻ Online

Triều Tiên ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19

Triều Tiên cho biết cả nước ghi nhận hàng trăm nghìn trường hợp có triệu chứng sốt và 6 người đã chết, trong đó một người nhiễm biến chủng Omicron.

“Những trường hợp bị sốt không rõ nguyên nhân đã bùng phát trên toàn quốc từ cuối tháng 4. Chỉ riêng trong ngày 12/5, khoảng 18.000 người bị sốt được ghi nhận trên cả nước”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin.

KCNA cũng nói rằng 6 người bị sốt đã tử vong, trong đó có một trường hợp dương tính với biến chủng Omicron. Hiện chưa rõ các ca tử vong còn lại có phải do Covid-19 hay không.

Thông tin xuất hiện một ngày sau khi Triều Tiên xác nhận ca Covid-19 đầu tiên và áp dụng các biện pháp hiện chế nghiêm ngặt.

Khoảng 350.000 người có triệu chứng sốt kể từ cuối tháng 4, trong đó hơn 162.000 người đã được điều trị và 187.000 người đang được cách ly, điều trị. KCNA không nói rõ bao nhiêu trường hợp dương tính với nCoV.

KCNA cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm trụ sở phòng chống dịch khẩn cấp của nhà nước để kiểm tra tình hình và biện pháp phản ứng với “đợt lây lan Covid-19 trên toàn quốc”. Ông Kim Jong-un nói rằng quá trình lây lan của các trường hợp bị sốt, chủ yếu ở Bình Nhưỡng, cho thấy “có điểm yếu trong hệ thống phòng chống dịch mà chúng ta đã thiết lập”.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên về ứng phó dịch Covid-19 hôm 12/5. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên về ứng phó dịch Covid-19 hôm 12/5. Ảnh: Reuters.

Theo ông, tích cực cách ly và điều trị những người bị sốt là ưu tiên hàng đầu, đồng thời kêu gọi đưa ra các phương pháp và chiến thuật điều trị khoa học “nhanh như chớp”, cũng như tăng cường các biện pháp cung cấp thuốc.

“Đây là thách thức lớn nhất và là nhiệm vụ tối cao mà đảng chúng ta phải đối mặt để đảo ngược cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trong thời gian sớm nhất”, KCNA nhấn mạnh.

Trong bản tin khác, KCNA cho biết các cơ quan y tế đang nỗ lực thiết lập các hệ thống xét nghiệm, điều trị và tăng cường khử trùng.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua chủ trì cuộc họp Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố khởi động hệ thống kiểm soát phong tỏa “với mức độ khẩn cấp tối đa”.

Ông Kim Jong-un yêu cầu siết chặt kiểm soát biên giới, kêu gọi người dân chung tay ngăn chặn đà lây nhiễm virus. Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên cũng yêu cầu các bộ ban ngành nghiêm túc thực thi hướng dẫn từ Bộ chỉ huy Ứng phó Khẩn cấp Quốc gia, trong đó có phân chia hoạt động của các đơn vị sản xuất và kinh doanh để ngăn nguy cơ lây nhiễm.

Triều Tiên gọi chiến dịch chống Covid-19 là vấn đề “sinh tử quốc gia”, đóng biên và hạn chế nghiêm ngặt giao thương từ tháng 1/2020 để tự bảo vệ mình trước đại dịch, bất chấp sức ép lên nền kinh tế vốn kiệt quệ vì các lệnh trừng phạt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối năm ngoái thông báo vận chuyển vật tư y tế thiết yếu phòng chống Covid-19 “nhằm mục đích dự trữ chiến lược” cho Triều Tiên qua cảng Đại Liên ở Trung Quốc. Triều Tiên đã nhiều lần từ chối đề xuất viện trợ vaccine từ WHO, Trung Quốc và Nga.

Các chuyên gia nói rằng với 25 triệu dân chưa được tiêm vaccine Covid-19 cùng cơ sở hạ tầng y tế hạn chế, Triều Tiên sẽ phải vật lộn để đối phó với đợt bùng phát lớn. Đợt bùng phát cũng có thể làm trầm trọng thêm tình hình lương thực vốn đã khó khăn của đất nước vì lệnh phong tỏa sẽ cản trở “cuộc chiến toàn lực” chống hạn hán và huy động lao động.

Nguồn bài viết: Triều Tiên ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 - VnExpress

1 Likes

Bán xe điện phong cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Câu chuyện IPO của Vinfast mục đích chính không phải là để huy động được 1-2 tỷ đô mà đó là câu chuyện marketing, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế

Được kỳ vọng sẽ “vẽ” nên đường vươn ra thế giới, hiện thực hóa giấc mơ Mỹ của người Việt, xe điện Vinfast được nhiều người biết đến và bùng nổ bởi màn ra mắt vô cùng thành công bằng những kế hoạch marketing bài bản và truyền thông mạnh trên mọi mặt trận.

Không khó để thấy, VinFast đã rất thành công khi sử dụng chiến lược marketing tích hợp, nghĩa là không sử dụng một công cụ duy nhất mà sử dụng nhiều công cụ cộng hưởng cùng một lúc. Các hoạt động quảng bá của VinFast luôn có sự mạch lạc và bài bản về mọi mặt.

’'Chúng tôi đi thuyết phục từng người một"

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa được tổ chức ngày 11/5 vừa qua, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã trả lời rất nhiều thông tin liên quan đến Vinfast trước chất vấn của cổ đông. Đáng chú ý trong số đó là cách marketing của thương hiệu xe điện đang trên đường Mỹ tiến này.

Về mặt marketing, chúng tôi chọn chiến lược marketing trực tiếp. Bây giờ chúng ta đưa lên phim ảnh, quảng cáo suốt ngày không ai nghe, không ai tin, chúng tôi phải tích cực đi các triển lãm, tích cực cho người tiêu dùng tiềm năng trải nghiệm xe để họ thấy rõ ràng chất lượng, đẳng cấp. Chúng tôi phải chứng minh, thuyết phục từng người một” - ông Vượng nói.

Bán xe điện phong cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Quảng cáo trên phim ảnh suốt ngày không ai tin, chúng tôi phải tích cực đi triển lãm để thuyết phục từng khách hàng - Ảnh 1.

Thực tế, đúng với một tên tuổi ‘‘nói là làm’’, Vinfast hiếm khi xuất hiện trên phim ảnh hay các sản phẩm media thông thường mà chỉ tập trung quảng bá sản phẩm tại hàng loạt triển lãm trong và ngoài nước, lần lượt từ Paris Motor Show 2018, Los Angeles Auto Show, đến Mobile World Congress 2022,… Đó là cách Vinfast tăng độ nhận diện của sản phẩm khi mà khách hàng có thể tận tay, tận mắt trải nghiệm sản phẩm.

Mục đích chính của niêm yết cổ phiếu là để…marketing

Đối với nhiều doanh nghiệp, việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là để có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, nhưng với ông Phạm Nhật Vượng, đó không phải mục đích chính khi Vinfast có dự định IPO.

''Câu chuyện IPO của Vinfast mục đích chính không phải là để huy động được 1, 2 tỷ đô mà đó là câu chuyện marketing, câu chuyện khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Nếu như IPO mà có giá không tốt, hoặc có quy mô không tốt thì chúng tôi sẽ không làm, chúng tôi sẵn sàng lùi lại, lúc nào thị trường tốt chúng tôi sẽ làm" - Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh trong ĐHĐCĐ mới đây.

Bán xe điện phong cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Quảng cáo trên phim ảnh suốt ngày không ai tin, chúng tôi phải tích cực đi triển lãm để thuyết phục từng khách hàng - Ảnh 2.

Theo ông, trường hợp nhiều công ty xe điện trước đây sau khi IPO không giữ được các cam kết, không xuất được xe, không bán được theo kế hoạch đã tạo ra khó khăn cho các startup khác như Vinfast. Vậy nên Vinfast cần chứng minh với nhà đầu tư việc giữ được cam kết. Khi đó, bất chấp thị trường diễn biến như thế nào Vinfast cũng sẽ niêm yết được và giữ được giá tăng trưởng.

Mời Influencer thuộc hạng "đẳng cấp’’ thế giới

Tại lễ ra mắt ở Paris Motor Show 2018, VinFast đã mời cựu danh thủ bóng đá người Anh David Beckham, Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hoàng Thùy và người mẫu Trần Quang Đại… góp mặt.

Trong đó, việc mời ngôi sao người Anh David Beckham tới dự sự kiện là một trong những minh chứng cho độ chịu chơi và chịu chi của Vingroup, giúp Vinfast thu về danh tiếng khủng cho thương hiệu của mình. Ngoài ra ở Việt Nam, Vinfast còn sở hữu dàn KOLs hùng hậu để thường xuyên quảng bá ở các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bán xe điện phong cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Quảng cáo trên phim ảnh suốt ngày không ai tin, chúng tôi phải tích cực đi triển lãm để thuyết phục từng khách hàng - Ảnh 3.

Đánh thức ''lòng tự tôn dân tộc"

Vinfast rất thông minh khi đưa “lòng tự hào dân tộc” của người Việt được đẩy lên cao nhất, đánh vào tâm lý ‘‘người Việt dùng hàng Việt’’.

Vinfast hướng đến mục tiêu tạo ra một thương hiệu ô tô quốc gia đầu tiên mà chưa có một “ông lớn” nào dám bước chân vào. Đồng thời, mở ra một cơ hội cho người Việt sở hữu ô tô ở mức giá hợp lý hơn so với hiện tại khi nó được sản xuất tại chính quê nhà. Cuối cùng, VinFast đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người Việt.

Bán xe điện phong cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Quảng cáo trên phim ảnh suốt ngày không ai tin, chúng tôi phải tích cực đi triển lãm để thuyết phục từng khách hàng - Ảnh 4.

Nhìn chung, VinFast không quá “dục tốc bất đạt” trong việc ra mắt xe này đến thị trường mà đã có một cơ sở dữ liệu khách hàng đủ lớn trong rất nhiều lĩnh vực, để có thể bán mọi sản phẩm cho số khách hàng này và tin chắc là bán chạy bằng những chiến dịch marketing độc đáo và bùng nổ nhất.

Cũng trong ĐHĐCĐ mới đây, song song với các chiến lược marketing, ông Vượng khẳng định, chiến lược về xe của VinFast có 3 thứ. Thứ nhất là sản phẩm tốt, chất lượng xe tốt, thứ hai là giá hợp lý và cuối cùng là hướng đến dịch vụ hậu mãi thật tốt.

Mục tiêu của Vinfast là sẽ bán 750.000 xe tại Mỹ vào năm 2026, trong đó 600.000 xe sẽ được nhập khẩu từ Việt Nam.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế

Cổ phiếu nhỏ tiếp tục rớt thảm, vốn nội chống đỡ ở blue-chips

Vốn ngoại đột ngột bán mạnh ở các mã trong rổ VN30, tổng giá trị xả lên tới 1.006,5 tỷ đồng, tương đương hơn 26% tổng giao dịch của rổ này. Tuy vậy VN30 vẫn là nhóm giảm nhẹ nhất thị trường và một số cổ phiếu vốn hóa trung bình vẫn ngược dòng…

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lác đác có vài mã xanh.

Vốn ngoại đột ngột bán mạnh ở các mã trong rổ VN30, tổng giá trị xả lên tới 1.006,5 tỷ đồng, tương đương hơn 26% tổng giao dịch của rổ này. Tuy vậy VN30 vẫn là nhóm giảm nhẹ nhất thị trường và một số cổ phiếu vốn hóa trung bình vẫn ngược dòng.

Áp lực bán tiếp trong sáng nay là điều có thể đoán trước, vì lượng hàng bắt đáy hôm 10/5 vừa qua đã lỗ tương đối nhiều. Nhà đầu tư ngắn hạn sẽ phải canh cơ hội để xử lý, trước khi mức lỗ gia tăng. Đà giảm do đó kéo dài trọn phiên.

VN-Index đầu ngày lình xình dưới tham chiếu với biên độ hẹp, nhưng càng về sau càng giảm nhiều. Độ rộng toàn thời gian của chỉ số là cực hẹp, chứng tỏ áp lực giảm giá đã thể hiện trên cổ phiếu từ sớm. VN-Index lao dốc nhiều hơn là do sức ép từ nhóm blue-chips.

Chỉ số VN30-Index trong nửa đầu phiên sáng bất ngờ thể hiện sức mạnh đáng chú ý. Trong khi VN-Index càng lúc càng giảm sâu thì VN30-Index lại có những nỗ lực vượt tham chiếu. Phải đến tầm 10h45 chỉ số này mới tụt trở lại dưới tham chiếu và chốt phiên sáng giảm 1,17%.

Lực bán của khối ngoại tại rổ VN30 cũng là một bất ngờ lớn. Riêng các cổ phiếu blue-chips trong nhóm này đã bị rút ròng 583,8 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 571,5 tỷ đồng sáng nay là yếu tố “cân” vị thế giao dịch chung của khối ngoại tại HoSE, thành vẫn mua ròng 23,1 tỷ đồng. Tuy nhiên hàng loạt cổ phiếu bị xả cực lớn: HPG -201,4 tỷ ròng, VHM -91,9 tỷ, VCB -47,4 tỷ, NVL -60,7 tỷ, VIC -52,4 tỷ, STB -47,8 tỷ, SAB -33 tỷ, GAS -31,6 tỷ, MSN -25,5 tỷ…

Lực bán này hầu hết là tăng trong nửa sau của phiên sáng, dẫn tới áp lực gia tăng và đẩy giá nhiều cổ phiếu quay đầu giảm sâu. VN30 hiện chỉ có 7 mã tăng/23 mã giảm, trong đó STB giảm sàn mất thanh khoản. Lượng bán từ khối ngoại chiếm khoảng 23% khối lượng giao dịch của mã này. Ngoài ra 17 mã ở VN30 cũng đang giảm trên 1%, với 7 mã giảm hơn 3% ngoài STB. Những mã như VIC, VHM, GAS, VCB bị khối ngoại xả chiếm tới 50-60% thanh khoản.

Vn30-Index thể hiện sự chống đỡ khá tốt từ lực cầu trong nước trước áp lực bán lớn của khối ngoại, thanh khoản tăng rất nhanh.

Tuy vậy nhóm blue-chips cũng không đến mức bị bán tháo hoảng loạn. STB giảm sàn là cá biệt. Những cổ phiếu còn lại vẫn đang được nhà đầu tư trong nước chống đỡ ở vùng giá thấp và có thanh khoản. Các mã ngược dòng đáng chú ý có PNJ tăng 3,17%, FPT tăng 1,78%, ACB tăng 1,69%, VNM tăng 1,5%, VJC tăng 1,12%. Các mã tăng hầu như không có bóng dáng bán ra từ khối ngoại, nhưng mua cũng không đáng kể.

Thanh khoản gia tăng khá ấn tượng ở nhóm VN30 cũng cho thấy đang có dòng tiền bắt đáy tốt hơn, nhất là khi khối ngoại xả lớn. Tổng giá trị khớp lệnh của rổ này phiên sáng đạt 3.813,2 tỷ đồng, tăng 89% so với sáng hôm qua và chiếm 43% tổng khớp sàn HoSE. Đây là thị phần trong phiên sáng cao nhất kể từ đầu tháng 2/2022.

Độ rộng chung của HoSE lúc kết phiên sáng chỉ có 57 mã tăng/394 mã giảm, trong đó 33 mã giảm sàn, 172 mã tăng từ 3% trở lên, 50 mã giảm trên 2% và 50 mã giảm trên 1%. Nói tóm lại là mức độ thiệt hại của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng. Hiện nhóm Midcap đang rơi tới 4,27%, Smallcap giảm 3,86%.

Thanh khoản chung của hai sàn niêm yết buổi sáng tăng khoảng 64% so với sáng hôm qua, đạt 9.785,5 tỷ đồng.

VN-Index giảm sâu nhất sáng nay đã xuống mức 1.208,83 điểm. Mốc 1.200 điểm vẫn được coi là “cứ điểm” cuối cùng về tâm lý. Khảng cách thực ra rất nhỏ vì phiên sáng chỉ số mới giảm 28,36 điểm, trong khi những phiên lao dốc 30-50 điểm gần đây xảy ra không hiếm. Thanh khoản tăng cho thấy áp lực cắt lỗ đang mạnh dần lên và việc khối ngoại bán ròng mạnh ở cổ phiếu là nhân tố mới.

Nguồn bài viết: Cổ phiếu nhỏ tiếp tục rớt thảm, vốn nội chống đỡ ở blue-chips - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes