TP.HCM: Hàng trăm dự án bất động sản kêu mãi vẫn… chưa được cứu
(ĐTCK) TP.HCM đang có 116 dự án bất động sản bị ách tắc từ lâu do vướng thủ tục pháp lý, dù các cuộc họp bàn cách giải cứu cũng phải lên đến… vài chục.
Một dự án thi công dang dở ở TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng
Doanh nghiệp liên tục kêu cứu
Từ nhiều năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn (Anh Tuấn Group) liên tục gửi đơn thư tới UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính… xin phép được đóng tiền sử dụng đất để tiếp tục triển khai dự án Khu dân cư phường Phú Thuận, quận 7.
Dự án này quy mô 4,5 ha, có nguồn gốc đất do Anh Tuấn Group tự nhận chuyển nhượng là đất hỗn hợp, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở… từ năm 2015, thủ tục pháp lý duy nhất còn bị vướng là chưa được phê duyệt thuế sử dụng đất, cho dù Công ty đã nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường từ ngày 27/12/2017.
“Dù đất sạch, các thủ tục cơ bản hoàn tất, nhưng bước cuối cùng là đóng tiền sử dụng đất để được cấp phép xây dựng lại bị tắc, khiến chúng tôi muốn làm tiếp cũng không được, muốn bán lại dự án cho đối tác khác cũng không xong. Việc dự án bị treo suốt hơn 7 năm qua đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn vì hiện nay chúng tôi chỉ trông chờ vào mỗi dự án này để có nguồn tiền trả lương nhân viên, duy trì hoạt động”, một vị lãnh đạo Anh Tuấn Group nói.
Tương tự là trường hợp của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (Công ty BMC), chủ đầu tư dự án Khu phức hợp chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng thương mại dịch vụ số 787 Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Dự án có diện tích hơn 32.340 m2, nguồn gốc đất do Nhà nước quản lý, được Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM đồng ý sắp xếp, xử lý theo phương án cho chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án từ năm 2009. Tới năm 2017, dự án được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt giá đất, Công ty BMC không nhận được hướng dẫn, thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính từ các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến không có cơ sở nộp và quyết định này hết hiệu lực. Mặt khác, hồ sơ pháp lý dự án phải rà soát lại do chuyển tiếp từ Nghị định số 167/2017/NĐ-CP sang Nghị định số 67/2021/NĐ-CP cũng ảnh hưởng tới tiến độ triển khai.
Đại diện Công ty BMC cho hay, doanh nghiệp đã kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, sau đó cho chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường theo phương án xử lý, sắp xếp đã được các bộ, ngành liên quan thống nhất trước đó.
“Trong trường hợp vẫn còn vướng mắc, chúng tôi đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp do Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách vào cuộc, xem xét cho doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện dự án, tránh để chậm trễ kéo dài”, vị đại diện này cho hay.
Cũng liên quan tới tiền sử dụng đất, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, hiện Tập đoàn có 13 dự án (tương đương 8.791 căn hộ) chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp sổ hồng do vướng ở khâu này. Theo ông Dũng, doanh nghiệp thường phải mất ít nhất 3 năm, thậm chí lâu hơn mới nộp được tiền sử dụng đất. Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới việc triển khai dự án.
“Nhiều dự án của Hưng Thịnh chưa thể cấp sổ hồng cho người mua nhà là do sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định tiền sử dụng đất, cho dù doanh nghiệp rất muốn đóng. Hệ lụy là không chỉ quyền lợi người mua nhà bị ảnh hưởng, mà doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng nề cả về tài chính lẫn uy tín thương hiệu khi chịu tiếng bội tín với khách hàng, vướng các tranh chấp, kiện tụng không đáng có…”, ông Dũng nói.
Còn Công ty TNHH AA VinaCapital (VinaCapital) kêu cứu cho dự án được xây dựng trên lô đất số C7A-01, Khu đô thị mới Nam TP.HCM (phường Tân Phú, quận 7). Đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, Công ty đã hoàn thành 90% các thủ tục liên quan, chỉ chờ khâu cuối cùng là cấp phép xây dựng để triển khai dự án, nhưng thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư gặp vướng mắc nhiều năm nay.
Dự án sẽ không thể triển khai nếu vướng tiền sử dụng đất. Ảnh: Việt Dũng
Sở, ngành… "đá việc"
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), với vai trò là đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp thành viên, HoREA đã nhiều lần gửi văn bản tổng hợp từ 68 doanh nghiệp và 2 đại diện cá nhân đến UBND TP.HCM, trong đó nêu hàng loạt vướng mắc của 116 dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố hiện nay, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ.
“Chính những điểm nghẽn pháp lý đã khiến hàng trăm dự án tại TP.HCM cũng như trên cả nước triển khai chậm hoặc không thể triển khai, dẫn đến làm gia tăng chi phí, đẩy giá nhà lên quá cao so với thu nhập của người dân…”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây về tiến độ giải quyết những vướng mắc pháp lý dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận, các sở, ban ngành liên quan còn chậm trễ trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua, Sở được UBND Thành phố giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Cục Thuế TP.HCM, Thanh tra TP.HCM… tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết vướng mắc của các dự án nhà ở trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ có Cục Thuế TP.HCM báo cáo tiến độ giải quyết, một số đơn vị có số lượng hồ sơ tồn đọng lớn vẫn chưa có báo cáo.
Ông Khiết cho biết, vướng mắc phát sinh ở tất cả các sở, ngành và quận, huyện, trong đó phổ biến nhất là vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất… và hầu hết đều thuộc thẩm quyền tham mưu, giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo ông Khiết, trong quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các sở, ngành khác về tiến độ thực hiện. Điều này dẫn đến việc Sở Xây dựng hay Sở Tư pháp khi rà soát để báo cáo UBND Thành phố không có ý kiến của các đơn vị chuyên ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Chỉ đạo 167 (Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất công).
Để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.
Nguồn bài viết: TP.HCM: Hàng trăm dự án bất động sản kêu mãi vẫn... chưa được cứu