Nhiều vướng mắc khiến hơn 280.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn “mắc kẹt” cuối năm
Do số vốn kế hoạch của năm 2022 còn phải giải ngân cuối năm khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng, chương trình phục hồi và gói lãi suất triển khai chậm chạp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang khẩn trương khắc phục những hạn chế, tháo gỡ vướng mắc để phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn.
Chiều ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình và phát biểu làm rõ vấn đề về giải ngân đầu tư công và tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 được nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.
ƯU TIÊN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG, ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG TRỌNG ĐIỂM
Về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết tình hình kinh tế xã hội 10 tháng qua tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng 16,2% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,1%.
Lý giải về mức thu ngân sách tăng cao so với dự toán và cùng kỳ, Thủ tướng cho hay khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 vào quý 3 năm 2021, bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng âm, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước.
Vì vậy, “việc xây dựng dự toán chi, thu ngân sách nhà nước năm 2022 ở mức thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia”, Thủ tướng lưu ý.
Tuy nhiên, nhờ Việt Nam chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; từ quý 4/2021 đến nay, kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại tạo cơ sở tăng thu ngân sách nhà nước.
Mặt khác, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ đạo quyết liệt tăng cường quản lý thu, chống thất thu; cùng với giá dầu thô, thu tiền sử dụng đất tăng khá, dẫn đến thu ngân sách nhà nước 10 tháng vượt 3,7% dự toán cả năm 2022.
Điều cần lưu ý là năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp; vì vậy, việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.
Thủ tướng cho biết năm 2023 sẽ ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.
GIẢI NGÂN CHƯA ĐẠT YÊU CẦU
Với giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tình hình giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu, số vốn chưa giải ngân còn khá lớn, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn rất chậm.
Cụ thể, trong thực hiện giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng cho biết ước giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/10 đạt 297,8/580 nghìn tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối là 40,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 15,7% so với số giải ngân cùng kỳ năm 2021).
Cùng với đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành ở một số địa phương .
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù.
Cùng với đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.
Chỉ rõ nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm trễ, Thủ tướng cho rằng: “Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan chưa sát với thực tế. Quy trình thủ tục còn mất nhiều thời gian, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, người đứng đầu e ngại trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, nghiêm minh”.
Chính phủ đang khắc phục những hạn chế, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.
Nói thêm về chiến lược về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nước ta có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục.
“Riêng về hạ tầng giao thông, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã dự kiến bố trí ngân sách đầu tư khoảng 470.000 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với nhiệm kỳ trước”, Thủ tướng nêu rõ.
Hiện nay, với các giải pháp, cơ chế được Quốc hội cho phép, các cơ quan đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng. Cùng với nguồn lực nhà nước, giải pháp rất quan trọng là huy động nguồn lực xã hội bằng phương thức hợp tác công-tư (PPP), các cơ quan đang tổng kết về nghiên cứu thêm về nội dung này.
Nguồn bài viết: Nhiều vướng mắc khiến hơn 280.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn "mắc kẹt" cuối năm - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới