Chứng sỹ săn tin!

Đơn vị liên quan đến Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến muốn mua 10 triệu cổ phiếu Tân Tạo (ITA)

CTCP Đại học Tân Tạo vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Phương thức giao dịch là thỏa thuận, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/12 đến ngày 12/1/2023.

Hiện đơn vị này đang là cổ đông lớn của ITA với tỷ lệ sở hữu đạt 13,54%, tương ứng hơn 127 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, Đại học Tân Tạo sẽ nâng sở hữu tại ITA lên 14,61%.

Về người có liên quan, bà Đặng Thị Hoàng Yến (a.k.a Maya Dangelas), Chủ tịch ITA là thành viên sáng lập Đại học Tân Tạo. Bà Nguyễn Thị Hoa, Kế toán trưởng ITA là Phó Tổng Giám đốc Đại học Tân Tạo. Được biết, Chủ tịch Yến đang sở hữu 5,79% vốn điều lệ của ITA.

Tạm chiếu theo thị giá hiện tại của ITA (4.540 đồng/cp), ước tính tổng trị giá thương vụ trên đạt 40,5 tỷ đồng.

Mới đây, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) đã có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) về việc đã khắc phục những nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào cảnh cáo, đề nghị HOSE xem xét đưa công ty ra khỏi diện này theo quy định.

Theo đó, ITA cho biết doanh nghiệp đã báo cáo và khắc phục hoàn toàn tình trạng chứng khoán bị cảnh cáo trong quý 3, trong quý 4 không phát sinh lỗi vi phạm và không phải khắc phục.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài việc đã khắc phục hết những nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào cảnh báo, ITA đã thực hiện đúng những quy định về công bố thông tin và thực hiện đầy đủ những thông tin yêu cầu của HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Do vậy, ITA đề nghị HOSE xem xét để đưa công ty ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.

Nguồn bài viết: Đơn vị liên quan đến Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến muốn mua 10 triệu cổ phiếu Tân Tạo (ITA)

1 Likes

Nỗi lo suy thoái khiến chứng khoán Mỹ đỏ rực, giá dầu “bốc hơi” 2%

Dow Jones mất hơn 760 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9, trong bối cảnh những tia hy vọng về một cuộc hồi phục cuối năm của thị trường đang bị “vùi dập”…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/12), sau khi số liệu thống kê mới cho thấy doanh thu bán lẻ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 11, làm dấy lên mối lo rằng những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Dưới áp lực của lãi suất tăng và đồng USD lên giá, dầu thô cũng mất giá hơn 2% sau mấy phiên tăng mạnh liên tiếp.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 764,13 điểm, tương đương giảm 2,25%, còn 33.202,22 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 9, trong bối cảnh những tia hy vọng về một cuộc hồi phục cuối năm của thị trường đang bị “vùi dập”.

Chỉ số S&P 500 mất 2,49% điểm số, còn 3.895,75 điểm, nâng tổng mức giảm từ đầu tháng tới nay lên 4,5%.

Chỉ số Nasdaq sụt 3,23%, còn 10.810,53 điểm. Năm 2022 là một năm “thảm hại” đối với cổ phiếu công nghệ, thể hiện qua mức giảm gàn 31% của Nasdaq từ đầu năm tới nay.

Bán tháo diễn ra trên diện rộng, với chỉ 14 cổ phiếu trong S&P 500 chốt phiên trong trạng thái tăng. Hầu hết các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đều giảm mạnh, với Apple và Alphabet cùng giảm hơn 4%; trong khi Amazon và Microsoft sụt hơn 3%. Cổ phiếu Netflixt giảm 8,6% sau khi có thông tin nói rằng công ty truyền nội dung trực tuyến này đang đề nghị hoàn tiền cho khách hàng quảng cáo vì không đạt mục tiêu về lượng người xem.

Số liệu bán lẻ gây thất vọng là một dấu hiệu cho thấy rằng lạm phát cao đang gây ra tổn thất cho người tiêu dùng Mỹ. Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này giảm 0,6% trong tháng 11. Mức giảm này lớn hơn dự báo giảm mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Nhà đầu tư ở Phố Wall bắt đầu bán tháo cổ phiếu vào hôm thứ Tư tuần này, sau khi Fed có động thái tăng lãi suất mới nhất của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 3. Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và nói rằng lãi suất sẽ đạt cực đại ở mức 5,1%, một con số cao hơn so với đưa ra trong lần dự báo trước. Sau đợt tăng 0,5 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư, lãi suất quỹ liên bang của Fed tăng lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.

“Phản ứng của thị trường chứng khoán cho thấy nhà đầu tư đang tính tới một cuộc suy thoái kinh tế, cho rằng sẽ không có chuyện nền kinh tế hạ cánh mềm. Cuộc tranh luận giữa Fed và thị trường vẫn đang diễn ra, với ưu thế nghiêng về phía thị trường, mà thị trường thì tin rằng sự giảm tốc của nền kinh tế không phải là vấn đề tạm thời và Fed có thể sẽ buộc phải thay đổi lập trường chính sách tiền tệ trước năm 2024”, chiến lược gia trưởng toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.

Sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu thô Brent giao sau ở London giảm 1,69 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 81,01 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York giảm 1,77 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 75,51 USD/thùng.

“Giá dầu chịu áp lực giảm mạnh trong phiên này, vì sự cứng rắn mà Fed thể hiện hôm thứ Tư làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, kéo đồng USD tăng giá, và đẩy giá hàng hoá cơ bản sụt giảm”, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets phát biểu.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm với mức tăng gần 0,8%, đạt 104,6 điểm.

Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cùng tăng lãi suất vào ngày thứ Năm, với bước nhảy được cả hai áp dụng là 0,5 điểm phần trăm.

Sức ép giảm giá dầu phiên này còn đến từ dữ liệu gây lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục “hụt hơi” trong tháng 11 khi sản lượng của các nhà máy suy giảm và doanh thu bán lẻ tiếp tục đi xuống, với mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng. Trung Quốc gần đây đã nới Zero Covid nhưng được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu nới lỏng vì số ca nhiễm có thể tăng mạnh.

“Số liệu gây thất vọng về bán lẻ và ngành sản xuất của Trung Quốc đã khiến giá dầu mất đi một phần lực hỗ trợ có được gần đây từ kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại”, các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định trong một báo cáo.

Dầu còn giảm giá do đường ông dẫn dầu Keystone nối giữa Canada và Mỹ hoạt động trở lại sau 1 tuần phải đóng cửa để khắc phục sự cố rò rỉ.

Nguồn bài viết: Nỗi lo suy thoái khiến chứng khoán Mỹ đỏ rực, giá dầu “bốc hơi” 2% - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

Làm ăn khấm khá những tháng cuối năm, Vinafood II ước chuyển từ lỗ nặng sang lãi ròng 88 tỷ

Vừa qua, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan trong bối cảnh ngành nông nghiệp toàn cầu đối diện với đầy thách thức.
Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, đại diện Vinafood II cho biết trong năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhất là xung đột ở Ukraina, tiềm ẩn nhiều rủi ro, áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, đồng USD tăng giá… Tong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, thời tiết ngày càng cực đoan hơn đã tác động ảnh hưởng lớn đến kinh tế cả nước nói chung và hoạt động kinh doanh của Vinafood II nói riêng.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận những điểm sáng trong những tháng cuối năm 2022.

Sản lượng gạo mua vào toàn Tổng công ty ước đạt 1,14 triệu tấn, tăng 27% so với kế hoạch năm (trong đó, khối Công ty mẹ ước đạt 749.000 tấn, tăng 43,2% so với kế hoạch); sản lượng gạo bán ra ước đạt 1,132 triệu tấn, tăng 26,5% so với kế hoạch 2022 và 15% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 429,9 triệu USD, đạt 120% kế hoạch và tăng 9,25% so với năm trước.

Cả năm, Vinafood II ước đạt doanh thu 17.794 tỷ đồng, đạt 113,22% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 88 tỷ đồng, đạt 100,68% kế hoạch, so với cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 298,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vinafood II xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 tổng hợp toàn Tổng công ty với những chỉ tiêu: Mua vào quy gạo 906.520 tấn, bán ra quy gạo 901.515 tấn (xuất khẩu 671.500 tấn, nội địa 230.015 tấn); Kim ngạch xuất khẩu 334,1 triệu USD, thu về 15.325 tỷ đồng.

Trở lại năm 2021, doanh nghiệp này từng ghi nhận 9 quý lỗ ròng liên tiếp. Sang đến 3 quý đầu năm 2022, mặc dù doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 10.836 tỷ đồng nhưng Vinafood II thu về hơn 5,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa so với số lỗ gần 248 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Vinafood II là 7.434,8 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng hơn 67% lên 2.192 tỷ đồng, chủ yếu mức tăng đến từ chỉ số thành phẩm và nguyên liệu, vật liệu.

Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của Vinafood II ở mức 4.997 tỷ đồng, tăng 23% so với số đầu kỳ; trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 73%, tương đương 3.653 tỷ đồng. Cụ thể, các khoản vay ngắn hạn tính đến ngày 30/9 là 2.673 tỷ đồng, tăng 41% so với số đầu kỳ.

Ngoài ra, công ty đang còn khoản nợ xấu hơn 615 tỷ đồng tại một loạt doanh nghiệp, giá trị có thể thu hồi chỉ còn 119 triệu đồng. Hiện, công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ xấu này.

Nguồn vốn của chủ sở hữu đến tháng 9 là 2.437 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Có mặt tại sự kiện,ông Đỗ Hữu Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có những chỉ đạo Phương hướng 2023 cho Vinafood II. Ông Huy nhận định thị trường nông sản thế giới dự báo có nhiều biến động, khó khăn, thách thức. Theo đó, Phó Chủ tịch đề nghị Tổng công ty cần tập trung thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban trong thời gian qua về việc tăng cường công tác quản lý vốn, tài sản đầu tư tại doanh nghiệp.
Tại một diễn biến khác, vào đầu tháng 9, Vinafood II đã thực hiện chuyển nhượng hơn 5,5 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) thông qua hình thức đấu giá công khai với mục đích thoái toàn bộ vốn của Vinafood II tại AFX.

Tuy nhiên, Vinafood II chỉ đấu giá thành công 76,6% cổ phiếu của mình tại AFX, thu về gần 110 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá, Vinafood II đã giảm tỷ lệ sở hữu tại AFX xuống còn 4,8%, đồng nghĩa với việc không còn là cổ đông lớn tại AFX.

2 Likes

Căng thế nhỉ các bác :upside_down_face:

Hủy gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng xây dựng sân bay quốc tế Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa bàn hành quyết định hủy một gói thầu trị giá hơn 35.233 tỷ đồng tại dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV vừa ký quyết định phê duyệt hủy gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” thuộc dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Lý do huỷ thầu được đại diện ACV cho biết là do tất cả các hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu.

“Theo quy trình gói thầu này sẽ được tổ chức đấu thầu lại và ít nhất phải mất thêm 45 ngày. Sau khi đấu thầu chọn được nhà thầu sẽ xác định rõ tiến độ của gói thầu”, đại diện ACV cho biết.

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT chủ trì và tổ chức triển khai giám sát, rà soát hoạt động đấu thầu của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; trong đó có gói thầu “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” thuộc Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng.

Gói thầu số 5.10, có thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Theo Bộ KH-ĐT, ACV với tư cách là người quyết định đầu tư, người có thẩm quyền của dự án chịu trách nhiệm quyết định và chỉ đạo việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với gói thầu nêu trên.

Được biết, khi ACV tổ chức hội nghị tiền đấu thầu đã thu hút gần 10 nhà thầu đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu ( 8/11/2022) chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Nguồn bài viết: Hủy gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng xây dựng sân bay quốc tế Long Thành

1 Likes

Giám đốc quốc gia ADB: Dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam

ADB đã điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% và có thể đạt mức 8% trong năm 2022…

ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023”.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào có thể tác động tới các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.

Các ý kiến cũng dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt năm 2023 và trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi nhưng yếu đi, cùng với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao, giá dầu tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao.

Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh nhiều kết quả của kinh tế Việt Nam như xuất khẩu bùng nổ với mức tăng xuất khẩu 13% trong 11 tháng đầu năm, giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm, tiêu dùng nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ, du lịch nội địa đạt gần 100 triệu lượt trong gần 11 tháng.

Hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực giúp tăng trưởng Việt Nam tăng 8,8% trong 3 quý đầu của năm 2022. Sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và giá xuất khẩu tăng, giúp thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022. Giải ngân FDI tăng 7,8%, ước đạt 7,7 tỷ USD là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm…

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022; đồng thời, hiện không có nhiều lo ngại về hệ thống tài chính nói chung, song có những rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.

Ông cho biết ADB điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% và có thể đạt mức 8% trong năm 2022.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những “cơn gió ngược” đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu. Những “cơn gió ngược” này khiến chuyên gia ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 6,7% xuống 6,3%.

“Với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân băng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính”, đại diện ADB khuyến nghị, đồng thời cảnh báo Việt Nam nên cảnh giác lạm phát trong năm 2023.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng, với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những “cơn gió ngược trong năm 2023”.

“Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam”, ông nói.

Nguồn bài viết: Giám đốc quốc gia ADB: Dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

WB: Lạm phát cơ bản và toàn phần của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng

Thời gian tới, WB cho rằng điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước của Việt Nam…

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2022. Trong đó, cơ quan này đặc biệt nhấn mạnh về việc lạm phát của Việt Nam đang tăng nhanh.

Cụ thể, WB cho biết, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích nhẹ từ 4,3% trong tháng 10 lên 4,4% trong tháng 11. Lạm phát cơ bản, nghĩa là không gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý (y tế và giáo dục), tiếp tục tăng từ 4,5% trong tháng 10 lên 4,8% trong tháng 11, đạt kỷ lục mới.

Theo đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ cũng giảm từ 20,7% trong tháng 10 (so cùng kỳ) xuống 17,5% trong tháng 11 (so cùng kỳ), tốc độ tăng giảm liên tục trong ba tháng qua. Bên cạnh lý do giảm phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm thấp liên quan đến giãn cách Covid-19 trong quý 3/2021 đang yếu dần, tốc độ phục hồi tiêu dùng trong 3 quý đầu năm có vẻ cũng đang giảm xuống. Mặc dù du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, nhưng số lượt khách du lịch vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Báo cáo cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5,3% trong tháng 11 (so cùng kỳ) so với 6,3% trong tháng 10 (so cùng kỳ), là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tăng trưởng giảm đà phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm cao.

Thực tế, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi từ mức -1,8% trong tháng 10/2021 (so cùng kỳ) lên 8,2% trong tháng 11/2021 (so cùng kỳ) khi quốc gia mở cửa lại sau giai đoạn giãn cách Covid-19 kéo dài. Ngoài ra, sức cầu bên ngoài yếu đi cũng là một yếu tố đóng góp quan trọng, khi nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chủ lực đã và đang suy giảm.

Tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 09/2022, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo chế biến lần đầu tiên bị trượt về vùng suy giảm (dưới 50 điểm) kể từ tháng 10/2021, giảm từ 50,6 trong tháng 10/2022 xuống còn 47,4 trong tháng 11. Điều này cho thấy điều kiện sản xuất kinh doanh trong tháng 11 đã xấu đi so với các tháng trước đó.

Thông tin đáng chú ý, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, xuất nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 8,4% và 7,2% trong tháng 11/2022.

Trong đó, xuất khẩu giảm đồng loạt, một phần do sức cầu bên ngoài yếu đi nhưng cũng do hiệu ứng xuất phát điểm cao so với tốc độ tăng ngoại lệ vào tháng 11/2021 nhờ nền kinh tế được mở cửa lại sau nhiều tháng giãn cách.

Mặt khác, do xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu chủ lực đều giảm mạnh so với năm trước đó, ngoại trừ kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu tăng 61,7% trong tháng 11/2022.

WB đánh giá, áp lực đối với đồng tiền của Việt Nam đã được nới bớt. Đồng tiền của Việt Nam tăng giá nhẹ trong tháng 11 (0,8%) so với mức giảm giá cộng dồn 9,1% kể từ cuối năm 2021. Đồng tiền tăng giá chủ yếu do đồng USD yếu đi trên thị trường quốc tế.

Thực chất, tất cả các đồng tiền lớn và đồng tiền của các quốc gia láng giềng của Việt Nam đều giảm so với đồng USD trong tháng 11/2022. Theo WB, việc Ngân hàng Nhà nước nâng các mức lãi suất chính sách chính thêm 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10/2022 cũng góp phần nới nhẹ áp lực đối với đồng nội tệ.

Cân đối ngân sách trong tháng 11 đạt 1,4 tỷ USD bội thu sau khi giảm nhẹ về mức bội chi trong tháng 9 và bội thu nhẹ ở mức 0,2 tỷ USD trong tháng 10. Tổng thu tăng 5,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi giảm 6,7% (so cùng kỳ) trong tháng 10. Tổng chi cũng tăng cao hơn, tháng 11 tăng 17,0% so với 11,8% của tháng trước (so cùng kỳ).

Đến cuối tháng 11/2022, tổng thu đã cao hơn 16,1% so với dự toán thu còn tổng chi bằng 76,2% dự toán chi (cao hơn một điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), dẫn đến bội thu 12,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022.

Chi phí vay nợ tăng cao phản ánh điều kiện huy động tài chính trong nước bị thắt chặt khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất để ổn định đồng nội tệ so với đồng USD trong tháng 9 và tháng 10.

Với các dữ liệu trên, WB cho rằng cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Nhu cầu bên ngoài yếu đi gây ảnh hưởng đến xuất khẩu, trong khi tiêu dùng hậu Covid-19 dường như cũng phục hồi chậm lại.

“Điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Đồng USD yếu đi trong tháng 11 giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá”, báo cáo nhấn mạnh.

Nguồn bài viết: WB: Lạm phát cơ bản và toàn phần của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

Kết luận điều tra về nguồn tiền chuyển cho chủ tịch Louis Holdings thao túng chứng khoán

TTO - Cơ quan điều tra xác định số tiền ngàn tỉ mà nhóm chủ tịch Louis Holdings dùng để thao túng chứng khoán với 2 mã cổ phiếu chủ yếu từ Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho vay dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán.

Kết luận điều tra về nguồn tiền chuyển cho chủ tịch Louis Holdings thao túng chứng khoán - Ảnh 1.

Hai bị can Đỗ Thành Nhân (trái) và Đỗ Đức Nam - Ảnh: Bộ CA

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa đề nghị truy tố ông Đỗ Thành Nhân - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings và Đỗ Đức Nam - tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (mã TVB), cùng sáu bị can về tội thao túng thị trường chứng khoán.

So với kết luận lần trước, C03 đề nghị truy tố thêm ba bị can, trong đó có Phạm Thanh Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC), đồng thời là chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt.

Cấp hạn mức "vượt rào"

Ngoài làm rõ hành vi “thổi giá” cổ phiếu, C03 cũng xác định nguồn tiền được “bơm” cho nhóm của ông Đỗ Thành Nhân để thao túng chứng khoán.

Theo đó, để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với hai mã cổ phiếu BII và TGG, Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam sử dụng nguồn tiền của Công ty Quản lý tài sản Trí Việt cho vay dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán.

Đáng chú ý, vốn điều lệ của TVC là 1.186 tỉ đồng, song công ty này đã cấp nguồn tiền cho các công ty và cá nhân trong nhóm của Đỗ Thành Nhân để mua, bán các mã chứng khoán với tổng số tiền vượt cả vốn điều lệ.

Cụ thể, năm 2021 Công ty Quản lý tài sản Trí Việt đã giải ngân cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay hơn 1.213 tỉ đồng để mua bán nhiều mã chứng khoán, trong đó đã cho vay hơn 784 tỉ để mua hai mã cổ phiếu BII và TGG.

Kết luận điều tra về nguồn tiền chuyển cho chủ tịch Louis Holdings thao túng chứng khoán - Ảnh 2.

Cơ quan điều tra thực hiện khám xét trụ sở Trí Việt tối 20-4-2022 liên quan hành vi thao túng chứng khoán - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Nhân đã dùng hơn 14 tỉ đồng thu lời bất chính từ việc thao túng chứng khoán để trả lãi cho TVC theo các hợp đồng hợp tác đầu tư.

“Nguồn tiền để nhóm Đỗ Thành Nhân thực hiện mua bán, khớp lệnh các mã BII, TGG chủ yếu là nguồn cho vay của Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt do Đỗ Đức Nam và hội đồng thẩm định quản trị rủi ro phê duyệt, giải ngân và nguồn tiền quay vòng, luân chuyển giữa các tài khoản ngân hàng cá nhân trong nhóm Đỗ Thành Nhân sau khi bán mua các mã cổ phiếu BII và TGG…”, kết luận điều tra nêu.

Ngoài ra, khi các tài khoản chứng khoán của nhóm ông Đỗ Thành Nhân không còn hạn mức vay tiền, bị can Lê Thị Thu Hương - phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt - còn đề nghị phòng quản trị rủi ro của công ty “đề xuất cấp thêm hạn mức cho vay tiền”.

Biết việc thao túng nhưng “lách luật” cho vay

Qua quá trình điều tra, bị can Nam thừa nhận có bàn bạc, thỏa thuận với ông Nhân về phương án, cách thức giao dịch, mua bán đẩy giá hai cổ phiếu BII và TGG. Ông Nam cũng là người lo nguồn tiền cho ông Nhân vay tại Công ty Quản lý tài sản Trí Việt.

Bị can Nam còn khai đã báo cáo bị can Tùng về việc cho vay đối với nhóm Đỗ Thành Nhân để thao túng hai mã BII và TGG.

C03 xác định Phạm Thanh Tùng là người ban hành chủ trương sử dụng công ty tài chính cho khách hàng vay mua bán, giao dịch các mã chứng khoán không thuộc danh mục được các công ty chứng khoán cho vay margin, trong đó có mã BII và TGG.

Việc cho vay được “lách luật” dưới dạng cho khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bên thứ ba là Công ty Quản lý tài sản Trí Việt để mua bán, giao dịch các mã chứng khoán.

Ông Phạm Thanh Tùng - chủ tịch Chứng khoán Trí Việt - Ảnh: TVB

Tại cơ quan điều tra, ông Tùng khai không được Nam báo cáo thông tin nào liên quan đến nhóm Đỗ Thành Nhân và không biết nhóm này thực hiện hành vi thao túng chứng khoán đối với hai mã BII và TGG.

Năm 2021, do dịch COVID-19 nên hội đồng quản trị Trí Việt không thực hiện việc giám sát, chỉ đạo hằng ngày theo quy định. Cuối năm có cuộc họp hội đồng quản trị với tổng giám đốc nhưng cũng không phát hiện có vi phạm gì, không phát hiện kịp thời hành vi thao túng các mã BII và TGG.

Tuy nhiên, C03 cho rằng căn cứ kết quả điều tra đến nay xác định Phạm Thanh Tùng là người biết và chỉ đạo việc TVC cho các khách hàng, trong đó có nhóm ông Đỗ Thành Nhân, vay vốn để thực hiện việc mua bán, giao dịch hai mã cổ phiếu BII, TGG.

“Tùng biết thông tin báo chí nói về việc thao túng cổ phiếu Louis mã BII và TGG tại Trí Việt vào khoảng tháng 7-2021 nhưng vẫn để mặc việc thao túng, làm giá và vẫn tiếp tục sử dụng TVC cho nhóm tài khoản chứng khoán của Đỗ Thành Nhân vay tiền”, kết luận nêu.

C03 cáo buộc nếu không có được sự đồng ý, phê duyệt của Phạm Thanh Tùng thì Đỗ Đức Nam, Đỗ Thành Nhân không thể có nguồn tiền để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Từ đó ông Nhân thu lợi bất chính hơn 154 tỉ đồng và Công ty Quản lý tài sản Trí Việt do Phạm Thanh Tùng làm chủ tịch đã thu lợi bất chính hơn 14 tỉ đồng tiền lãi vay.

“Bị can Tùng chưa thành khẩn khai báo, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, cần xử lý nghiêm khắc trong quá trình truy tố, xét xử, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, kết luận điều tra nêu.

Nguồn bài viết: Kết luận điều tra về nguồn tiền chuyển cho chủ tịch Louis Holdings thao túng chứng khoán - Tuổi Trẻ Online

2 Likes

Cổ phiếu VCS bật tăng mạnh từ đáy, Vicostone muốn mua lại 4,8 triệu cổ phiếu quỹ

## Kết phiên 16/12, cổ phiếu này dừng ở mức 52.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% chỉ sau một tháng những vẫn giảm 55% so với đỉnh 116.100 đồng/cp (ngày 30/03). Tạm tính theo mức giá này, lô cổ phiếu VCS muốn mua lại có giá trị khoảng 250 tỷ đồng.

Ngày 14/12 vừa qua, Công ty CP Vicostone (HNX: VCS) công bố nghị quyết HĐQT thông qua nội dung xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án mua lại cổ phiếu của công ty, giảm vốn điều lệ. Thời gian lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản từ ngày 14 - 28/12/2022.

Cổ phiếu VCS bật tăng mạnh từ đáy, Vicostone muốn mua lại 4,8 triệu cổ phiếu quỹ

Theo đó, tổng số lượng dự kiến mua lại 4,8 triệu cổ phiếu VCS. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến trong quý 1/2023.

VCS cho biết việc mua lại cổ phiếu nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư trước diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc quỹ khác, cụ thể ủy quyền cho HĐQT công ty quyết định.

Trong quá khứ, VCS đã nhiều lần mua cổ phiếu quỹ sau đó thực hiện chia thưởng lại cho cổ đông.

Cụ thể, cuối tháng 1/2021, VCS thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện phân phối toàn bộ gần 4.8 triệu cp quỹ đang nắm giữ với tỷ lệ 3.09:100. Số cổ phiếu quỹ này được Công ty gom mua lại vào hồi tháng 4/2020.

Trước đó, năm 2016, Công ty cũng dùng 10,6 triệu cổ phiếu quỹ để chia thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:24.99. Đến năm 2019, Công ty tiếp tục chia thưởng toàn bộ 3,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:2.04.

Tuy nhiên, theo Luật Chứng khoán 2019 hiệu lực từ 01/01/2021, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bắt buộc phải hủy số lượng cổ phiếu quỹ đã mua, giảm vốn điều lệ. Do đó, VCS sẽ không thể lặp lại thói quen chia cổ phiếu quỹ lại cho cổ đông như trước kia.

Thông tin mua vào cổ phiếu quỹ được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu VCS vừa có nhịp hồi mạnh từ đáy thấp nhất năm vào ngày 15/11 (37.200 đồng/cp).

Kết phiên 16/12, cổ phiếu này dừng ở mức 52.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% chỉ sau một tháng những vẫn giảm 55% so với đỉnh 116.100 đồng/cp (ngày 30/03). Tạm tính theo mức giá này, lô cổ phiếu VCS muốn mua lại có giá trị khoảng 250 tỷ đồng.


Diễn biến giá cổ phiếu VCS thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Về tình hình kinh doanh, Vicostone công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt mức thấp nhất kể từ quý 3/2018 trong khi lợi nhuận sau thuế về đáy kể từ mức 176 tỷ đồng hồi quý 1/2017 (đáy 18 quý).

Trong báo cáo tài chính vừa công bố, ông lớn ngành khai thác - chế biến khoảng sản (đá) này ghi nhận doanh thu đạt 1095 tỷ đồng doanh thu - giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng mạnh hơn cùng kỳ nên biên lãi gộp thu về chỉ ở mức 31,4% - giảm so với con số 36,5% YoY - tương ứng lợi nhuận gộp đạt 344 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty thu về 16 tỷ đồng doanh thu tài chính - tăng 3,8 tỷ so với quý 3 năm ngoái. Đồng pha, chi phí tài chính cũng tăng tới 54% lên 48,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chỉ phí quản lý doanh nghiệp của VCS lần lượt ghi nhận các mức 65 tỷ và 14,5 tỷ đồng.

Sau cùng, Vicostone báo lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ - giảm sâu tới gần 59% so với quý 3/2021 đồng thời thấp hơn 46% so với mức ghi nhận trong quý liên trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Vicostone ghi nhận doanh thu tổng đạt 4.436 tỷ đồng - giảm 800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 - tướng ứng 53% kế hoạch doanh thu cả năm. Công ty thu về 942 tỷ đồng lãi sau thuế - giảm gần 28% so với cùng thời điểm. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế giảm về mức 1.119 tỷ - tương ứng 46% kế hoạch lãi cả năm.

Vicostone sẽ còn “gặp khó”?

Phía doanh nghiệp cho biết, năm 2022, thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất.

Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng trong lĩnh vực nội thất bị thiếu hụt, giá cước vận tải tăng cao,… đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản nói chung; việc tiêu thụ sản phẩm vì điều này cũng bị chậm lại.

Với nguồn doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Lạm phát gia tăng trên toàn cầu đang làm xói mòn thu nhập thực tế và mức sống của các hộ gia đình đồng thời làm giảm tiêu dùng. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá giảm do không nằm trong nhóm hàng hóa thiết yếu.

Đại diện Vicostone nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu của Vicostone sẽ tiếp tục gặp khó khăn và trở ngại trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái; các hoạt động xuất khẩu tiếp tục gặp thách thức không chỉ gây tác động xấu trong việc thực hiện chỉ tiêu kinh doanh 2022 của Vicostone mà còn ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh công ty năm 2023.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của VCS ghi nhận mức 7.061 tỷ đồng bao gồm 1.032 tỷ đồng tiền mặt và tương đương, 2093 tỷ đồng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn. Đặc biệt, tồn kho của công ty tăng tới 680 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 2.670 tỷ - chiếm tới gần 38% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty ở mức 1.915 tỷ đồng - vẫn trong mức ổn định trong đó vay nợ tài chính hơn 1.540 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 80%). Vốn chủ sở hữu tăng lên 5.146 tỷ trong đó có gần 3.440 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của VCS ghi nhận mức 7.061 tỷ đồng bao gồm 1.032 tỷ đồng tiền mặt và tương đương, 2093 tỷ đồng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn. Đặc biệt, tồn kho của công ty tăng tới 680 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 2.670 tỷ - chiếm tới gần 38% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty ở mức 1.915 tỷ đồng - vẫn trong mức ổn định trong đó vay nợ tài chính hơn 1.540 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 80%). Vốn chủ sở hữu tăng lên 5.146 tỷ trong đó có gần 3.440 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

1 Likes

Đấu thầu lại gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xác nhận đã có thông báo hủy kết quả gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thông tin này đã được thông báo rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia.

Chú thích ảnh

Thi công cọc khoan nhồi móng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh minh họa: Công Phong/TTXVN

Liên quan đến sự việc, các đơn vị dự thầu được đề nghị đến văn phòng ACV để nhận lại hồ sơ đề xuất tài chính và giải tỏa bảo đảm dự thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu. Thời điểm đấu thầu lại sẽ được công bố lại sau.

Gói thầu 5.10 có giá trị hơn 35.233 tỷ đồng bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3, các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất trong tất cả các gói thầu của công trình nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Trước đó, gói thầu này được đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ cuối tháng 9 đến lần gia hạn cuối cùng để đóng thầu vào cuối tháng 11/2022. Thời gian quy định thực hiện hợp đồng gói thầu trong 990 ngày kể từ ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ACV, căn cứ tại khoản 1, Điều 17 của Luật đấu thầu thì tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nên phải hủy thầu để đấu thầu lại từ đầu.

Đại diện lãnh đạo ACV cũng cho biết, sẽ cập nhật lại các điều kiện mời thầu và tổ chức đấu thầu lại trong tháng 12 này.

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 đến 2025.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần; trong đó, Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư).

Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 - các công trình khác sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì lựa chọn.

Nguồn bài viết: Đấu thầu lại gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga sân bay Long Thành | baotintuc.vn

1 Likes

Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn còn kéo dài

Khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ 9% doanh nghiệp cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới…

Các chuyên gia tham dự hội thảo.

Thông tin được đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội thảo chuyên đề 4: “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, sáng 17/12.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi. Một số tín hiệu khả quan là trong 11 tháng năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 909.000 lao động, tăng 30,4% về số doanh nghiệp, và tăng 15,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo cho nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Theo báo cáo khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.

“Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1 năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động”, bà Lan Anh nhận định.

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, VCCI kiến nghị cần ổn định kinh tế vĩ mô, có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.

Cùng với đó, cần xem xét, thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, hướng dẫn và giám sát các địa phương trong xúc tiến đầu tư và phê duyệt các dự án FDI.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa; chính sách hỗ trợ tín dụng; an sinh xã hội (hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quỹ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cũng như tăng cường hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động…); trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Song song đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại để duy trì việc làm cho người lao động, linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo các phương án đào tạo được thực hiện phù hợp với nhu cầu vị trí làm việc của doanh nghiệp; cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động có cơ hội tham gia.

Hơn hết, cần điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo thị trường lao động an ninh, linh hoạt và hiệu quả hơn; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.

Đặc biệt, cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi, bởi như vậy doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu hút và “giữ chân”được người lao động gắn bó lâu dài, tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. „Có thể coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp“, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh thêm rằng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế…

Mặc khác, cần phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hóa các gói dich vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro…

Nguốn bài viết: Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn còn kéo dài - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

TS. Cấn Văn Lực: Không nên dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản

Đây là kiến nghị được Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đưa ra tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 chiều 17/12…

Ông Cấn Văn Lực phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Việt Tuấn

Tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia kiế nghị 3 nhóm giải pháp trong ngắn hạn.

Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.

“Theo quan điểm của tôi là không dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản. Vì đây là câu chuyện của thị trường, Nhà nước chỉ tạo cơ chế, còn nhà đầu tư chia sẻ, doanh nghiệp cũng phải chịu rủi ro”, ông Lực phát biểu.

Nhóm giải pháp thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế.

Ông Lực kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Trung ương tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

Theo chuyên gia này, cần đảm bảo 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.

“Trong năm qua, vốn đầu tư của tư nhân tăng trưởng rất thấp, chỉ khoảng 10%, trong khi vốn đầu tư nhà nước lại tăng mạnh”, ông Lực phân tích.

Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khởi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.

Nhóm giải pháp thứ ba là đảm bảo thanh khoản của thị trường, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

“Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng”, ông Lực đề xuất.

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

“Đây là các chỉ thị rất quyết liệt, đúng và trúng, cần được tích cực thực hiện”, ông Lực lưu ý.

Trong trung và dài hạn, ông Lực khuyến nghị 6 chữ dành cho thị trường bất động sản. Đó là Minh bạch, Thị trường và Chuyên nghiệp.

Nguồn bài viết: TS. Cấn Văn Lực: Không nên dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

Phó Tổng Giám đốc Thép Nam Kim (NKG) “khó mua” cổ phiếu công ty

Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch, thị giá NKG đã tăng gần 56% lên 14.100 đồng/cổ phiếu với nhiều phiên tăng kịch trần. So với đáy, cổ phiếu này thậm chí đã tăng gần gấp đôi tuy nhiên vẫn còn thấp hơn 69% so với đỉnh đạt được cuối tháng 10 năm ngoái.

Mới đây, Bà Trần Ngọc Diệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim (Mã: NKG) thông báo đã mua 1 triệu cổ phiếu NKG trong thời gian từ 18/11 đến 16/12, bằng một nửa số cổ phiếu đăng ký mua.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh. Lý do bà Diệu không mua hết số đã đăng ký là “diễn biến thị trường không thuận lợi”.

Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch, thị giá NKG đã tăng gần 56% lên 14.100 đồng/cổ phiếu với nhiều phiên tăng kịch trần. So với đáy, cổ phiếu này thậm chí đã tăng gần gấp đôi tuy nhiên vẫn còn thấp hơn 69% so với đỉnh đạt được cuối tháng 10 năm ngoái. Ước tính theo giá đóng cửa phiên 16/12, bà Trần Ngọc Diệu có thể đã chi khoảng 14 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Ở một diễn biến khác, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Nam Kim vừa mua vào 3 triệu cổ phiếu đăng ký để nâng sở hữu từ 12,83% lên 14,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 23/5 đến 1/6.

Hiện tại, vốn hóa NKG đạt 3.712 tỷ đồng, thấp hơn 55% so với ngày đầu năm nhưng đã tăng 90,5% so với đáy hồi giữa tháng 11.


Diễn biến giá cổ phiếu NKG thời gian gần đây (Nguồn: Internet)

Về kết quả kinh doanh, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 4.424 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp lên đến 1.296 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Thép Nam Kim lỗ ròng gần 419 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế gần 607 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 18.771 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,2% và 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2022, NKG đặt kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 18,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Thép Nam Kim tăng 3% so với đầu năm lên 15.860,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 8.837,8 tỷ đồng, chiếm 55,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.620,1 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng tài sản.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 50,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.941,3 tỷ đồng lên 5.761 tỷ đồng và chiếm 36,3% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, Công ty đang có dư nợ vay 2.385,5 tỷ đồng bằng đồng USD, tăng mạnh so với đầu năm chỉ dư nợ 585,5 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 1.262,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.130,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 164,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.729,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Triển vọng nào cho Thép Nam Kim?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Nhu cầu tại thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm xuống 1,6%, từ mức 2,1% vào năm 2022.

Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào thị trường bất động sản hơn so với thép xây dựng, do tỷ trọng từ kênh dân dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung.

Giá thép có thể ổn định nhờ diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc. Giá thép trung bình tại Trung Quốc gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10. Điều này đến từ sự hỗ trợ của chính phủ nước này đối với thị trường bất động sản và lượng thép tồn kho của Trung Quốc giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng ba. Tuy nhiên, giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể hơn từ mức do nhu cầu toàn cầu còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn và mức dư cung cao ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.

Với Thép Nam Kim, SSI dự kiến sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 18,4% so với cùng kỳ xuống 884 nghìn tấn vào năm 2022 và giảm 13,7% so với cùng kỳ xuống 763 nghìn tấn vào năm 2023. Sản lượng xuất khẩu có thể giảm lần lượt 31% và 22% YoY vào năm 2022 và 2023, lần lượt xuống còn 497 nghìn tấn và 387,5 nghìn tấn.

Mặt khác, sản lượng tiêu thụ của thị trường nội địa có thể tăng 6,5% so với cùng kỳ vào năm 2022 trước khi giảm 3% xuống 376 nghìn tấn vào năm 2023. Ước tính giá bán bình quân của công ty có thể giảm 5% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023, so với mức giảm lần lượt 4% và 25% của giá HRC bình quân trong các giai đoạn này.

Theo đó, dự báo NKG sẽ đạt doanh thu 21,9 nghìn tỷ đồng giảm 22,2% so với cùng kỳ vào năm 2022 và 15 nghìn tỷ đồng giảm 31,3% so với cùng kỳ vào năm 2023. Lợi nhuận ròng của công ty dự kiến giảm xuống mức thấp là 8 tỷ đồng giảm 99,6% so với cùng kỳ vào năm 2022 và phục hồi lên 126 tỷ đồng vào năm 2023.

Cổ phiếu HSG đang giao dịch ở mức P/E và P/B dự phóng năm 2023 lần lượt là 12,9x và 0,5x, trong khi các chỉ số này của NKG là 19,3x và 0,4x. SSI duy trì khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 1 năm lần lượt là 10.100 đồng và 9.600 đồng đối với HSG và NKG, dựa trên P/E và P/B mục tiêu lần lượt là 7,5x và 0,65x đối với HSG và 7,0x và 0,5x đối với NKG.

Hệ số P/B năm 2023 gần mức thấp lịch sử là 0,4x đối với HSG và 0,3x đối với NKG. Mặc dù sự phục hồi của giá thép trung bình tại Trung Quốc là chất xúc tác tích cực trong ngắn hạn, nhưng SSI tin rằng khả năng lợi nhuận âm trong quý tới có thể tiếp tục khiến giá cổ phiếu biến động trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, có thể sẽ có nhiều cơ hội giao dịch hơn trong nửa cuối năm tới, khi lợi nhuận ổn định trong nửa cuối năm 2023 và đạt mức tăng trưởng dương từ mức cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2022.

Nguồn bài viết: Phó Tổng Giám đốc Thép Nam Kim (NKG) "khó mua" cổ phiếu công ty

1 Likes

Kịch bản ‘thổi phồng’ cổ phiếu họ Louis của ông Đỗ Thành Nhân

Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings, bị cáo buộc đã cùng Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt lên kịch bản thao túng hai mã chứng khoán BII và TGG.

Ngày 14/12, ông Nhân cùng Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo khoản 2 điều 211 Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng tội danh, C03 đề nghị truy tố 6 khác gồm: Đỗ Đức Nam (Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thu Hương (Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt), Vũ Ngọc Long (cựu Tổng giám đốc Louis Holding), Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) và Ngô Ngọc Vũ (Tổng giám đốc Công ty CP Louis Capital).

Theo kết luận điều tra bổ sung, năm 2020, ông Nhân mua lại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, một doanh nghiệp có nguy cơ bị huỷ niêm yết mã chứng khoán. Sau khi mua về, ông Nhân đổi tên Bảo Thư thành Công ty Louis Land (mã cổ phiếu là BII) hoạt động chính là đầu tư bất động sản nhưng chưa có dự án nào.

Ông Nhân sau đó thâu tóm thêm Công ty Đầu tư và Xây dựng Trường Giang, đổi tên thành Công ty Louis Capital (mã cổ phiếu TGG).

Ông Đỗ Thành Nhân. Ảnh: Louis Holdings

Ông Đỗ Thành Nhân. Ảnh: Louis Holdings

Theo cáo buộc, khi có hai mã cổ phiếu này, ông Nhân bàn với Nam tìm cách thao túng.

Với cổ phiếu BII, tháng 1/2021, ông Nhân mở tài khoản chứng khoán để mua thử gần 100.000 cổ phiếu với giá 1.000 đồng/cổ phiếu, sau đó bán giá gấp đôi. Thấy có lãi, ông Nhân thống nhất với Nam và nhờ người thân mở nhiều tài khoản chứng khoán để mua toàn bộ 10 triệu cổ phiếu BII với giá cao nhất là 6.500 đồng/cổ phiếu.

Khi sở hữu số lượng lớn cổ phiếu BII, từ tháng 2/2021, ông Nhân và Nam dùng 17 tài khoản chứng khoán khác nhau để liên tục mua bán, khớp lệnh chéo. Từ đó giá BII được đẩy lên 11.200 đồng.

Tháng 8/2021 ông Nhân lập nhóm trên mạng xã hội mang tên Louis Family với hơn 10.000 thành viên. Ông Nhân thường xuyên đăng bài viết với các khẩu hiệu như “đặt lệnh hôm nay, lưu lại ngày mai”, “đến cuối năm BII không tăng lên 3x, TGG không được 4x, mọi người cứ chửi thoải mái”.

Những lời kêu gọi này đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đẩy giá BII liên tục có các phiên tăng trần và lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu, gấp 10 lần thời điểm nhóm ông Nhân mua vào.

Khi giá BII lập đỉnh cũng là lúc nhóm của ông Nhân và Nam bán chốt lời. Từ thời điểm mua vào đến khi bán ra, trong 10 tháng, nhóm ông Nhân bị cáo buộc thu lời hơn 64 tỷ đồng từ mã BII.

Với cổ phiếu TGG, từ tháng 2 đến 6/2021, nhóm ông Nhân liên tục dùng nhiều tài khoản khác nhau mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu TGG với giá 1.800 đồng/cổ phiếu. Nguồn tiền để mua vào vẫn là vay của Trí Việt để xoay vòng.

Khi có số lượng lớn TGG trong tay, ông Nhân lại hô hào thu hút nhà đầu tư. Sau nhiều phiên tăng trần liên tiếp, TGG lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu - gấp 37 lần thời điểm ông Nhân mua vào.

Khi vừa lập đỉnh là các phiên TGG giảm sàn liên tục do mất thanh khoản, khối lượng giao dịch ít nên rớt về giá 10.550 đồng/cổ phiếu. Lúc TGG liên tục “nằm sàn”, nhóm của ông Nhân đã kịp chốt lời, thu lợi bất chính hơn 92 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.

C03 kết luận, trong 10 tháng đầu năm 2021, nhóm của ông Nhân và Nam đã thu lời bất chính hơn 154 tỷ đồng từ việc thao túng hai mã cổ phiếu BII và TGG. Tiền bán cổ phiếu, ông Nhân chỉ đạo cấp dưới nhận, chuyển vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau. Cuối tháng, cấp dưới của ông Nhân đưa các chứng từ cho người đứng tên mở tài khoản hộ ký xác nhận hợp thức thủ tục hồ sơ.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt. Ảnh: Chứng khoán Trí Việt

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt. Ảnh: Chứng khoán Trí Việt

Theo C03, ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG. Ông Nam cũng nhận đã bàn bạc với ông Nhân về phương án, cách thức giao dịch để đẩy giá cổ phiếu BII và TGG lên cao, thu lời bất chính. Ông Nam khai còn được ông Nhân đưa 500 triệu đồng tiền lãi ngoài hợp đồng vay tiền mua bán giá cổ phiếu.

Ông Nam và Nhân còn sử dụng tên người môi giới chứng khoán quản lý “nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân” để thu phí hoa hồng bất hợp pháp. Từ đó, ông Nam bị cáo buộc thu lợi bất chính gần 1,7 tỷ đồng.

Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng bị xác định là người giám sát, chỉ đạo công việc hàng ngày của Chứng khoán Trí Việt và Công ty quản lý tài sản Trí Việt. Nếu không có sự đồng ý của Tùng thì Nhân và Nam không thể có nguồn tiền để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Riêng công ty quản lý tài sản Trí Việt của Tùng đã thu lợi bất chính hơn 14 tỷ đồng.

Ông Tùng bị C03 đánh giá chưa thành khẩn khai báo, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, cần phải xử lý nghiêm.

Nguồn bài viết: Kịch bản 'thổi phồng' cổ phiếu họ Louis của ông Đỗ Thành Nhân - VnExpress

1 Likes

Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp

TTO - Thanh tra Chính phủ cho biết đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VGP

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023.

Đã ban hành kết luận thanh tra mua kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Y tế, TP.HCM và Hà Nội

Theo đó, trong năm, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.

Toàn ngành đã triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả thanh tra. Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra tại Bộ Y tế, TP.HCM và Hà Nội. Đã ban hành kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh. Thanh tra công tác quản lý nhà nước về xăng dầu…

Hiện Thanh tra Chính phủ đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ triển khai bốn đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra.

Cạnh đó tham mưu, giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa.

Đồng thời giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng, trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Về kết quả thanh tra, toàn ngành đã triển khai 6.306 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế 53.512 tỉ đồng, 8.241ha đất.

Trong đó kiến nghị thu hồi 16.396 tỉ đồng và 147ha đất, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 37.117 tỉ đồng, 8.094ha đất.

Ban hành 105.265 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.593 tỉ đồng, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 320 vụ, 199 đối tượng.

Trong đó Thanh tra Chính phủ ban hành 13 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 1.643 tỉ đồng, 7,5ha đất; kiến nghị thu hồi 716 tỉ đồng và 3,1ha đất.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 927 tỉ đồng và 4,4ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân; đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 vụ việc.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.089 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 60,3%), 10,2ha đất. Xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân. Chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng…

Phát hiện 70 vụ việc, 60 người liên quan tham nhũng

Về phòng ngừa tham nhũng, đã tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp.

Trong đó kiểm tra tại 14.162 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 137 đơn vị vi phạm…

Tiến hành 5.564 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 244 vụ việc vi phạm, 360 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 147,3 tỉ đồng. Chuyển đổi vị trí công tác đối với 39.978 cán bộ, công chức, viên chức…

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, đã phát hiện 70 vụ việc, 60 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 33 vụ, 16 người.

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 32 người. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 11 vụ, 12 người liên quan đến tham nhũng…

Nguồn bài viết: Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Tuổi Trẻ Online

1 Likes

Chứng khoán SSI muốn phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP cho lãnh đạo

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng thêm 100 tỷ đồng lên mức 14.990 tỷ.

CTCP Chứng khoán SSI (Mã SSI - HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thông qua triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP và quy chế phát hành.

Theo thông báo, SSI sẽ phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu với giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng phát hành là thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt của SSI và công ty con.

Thời gian thực hiện trong quý 4/2022 đến hết năm 2023.

50% tổng lượng phát hành sẽ được phép chuyển nhượng sau 2 năm và phần còn lại sẽ được phép chuyển nhượng sau 3 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng thêm 100 tỷ đồng lên mức 14.990 tỷ.

Trên thị trường, cổ phiếu SSI kết phiên 19/12/2022 đứng giá 20.500 đồng - cao hơn 105% so với giá chào bán dự tính. Đáng nói trong phiên, có thời điểm cố phiếu này tăng lên mức 21.850 đồng thị giá. Thậm chí đến trước phiên ATC, cổ phiếu này vẫn tăng nhẹ lên mức 21.000 đồng. Tuy nhiên, lệnh bán gần 2,7 triệu đơn vị tại giá tham chiếu đã lấy đi sắc xanh của cổ phiếu đầu ngành chứng khoán.

Thanh khoản cuối phiên này đạt hơn 41,7 triệu cổ phiếu - cao thứ 2 trong lịch sử giao dịch của mã kể từ năm 2007 (phiên 3/12/2021 khớp lệnh hơn 44,9 triệu đơn vị).

Sau khoảng 3 tháng hồi mạnh từ mức thấp nhất phiên 16/11/2022 (13.050 đồng) - đáy kể từ tháng 10/2020 - tương ứng mức tăng 59,4%, cổ phiếu SSI bắt đầu diễn biến giằng co quanh vùng giá 20.000 đồng trong 2 tuần trở lại đây. Mã hiện vẫn chưa thể bứt mạnh khỏi đường MA100 (ngưỡng 19.800 đồng) - đặc biệt là sau mẫu nến rút chân trong phiên hôm nay.

Nguồn bài viết: Chứng khoán SSI muốn phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP cho lãnh đạo

1 Likes

Tổng giám đốc ANV không mua cổ phiếu đã đăng ký

Trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục bị giảm, Tổng giám đốc CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch vị lãnh đạo này báo cáo không mua cổ phiếu nào do diễn biến thị trường không thuận lợi.

Theo đó, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc ANV đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu ANV để nâng sở hữu từ 56,3% lên 57,86% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 đến 20/12.

Hết thời gian giao dịch, ông Doãn Tới báo cáo đã không mua cổ phiếu nào trong tổng đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi.

Về diễn biến giá cổ phiếu ANV giảm sâu 73,8% từ vùng giá đỉnh 61.560 đồng, ghi nhận phiên 17/6 về còn 16.100 đồng/cổ phiếu trong ngày 15/11. Dù đã hồi phục nhưng tính tới ngày 19/12, cổ phiếu ANV đang giao dịch vùng 25.550 đồng/cổ phiếu, vẫn mất gần 59% giá trị từ vùng đỉnh.

Trong bối cảnh đó, ông Doãn Chí Thiên - con ruột Tổng Giám đốc ANV Doãn Tới, đã thoái gần 5 triệu cổ phiếu ANV trong giai đoạn từ ngày 23/09-18/10. Đây cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán và cổ phiếu ANV “đổ đèo”. Sau giao dịch, ông Thiên vẫn còn nắm gần 4.1 triệu cổ phiếu ANV, tương đương mức sở hữu 3.1%. Trong 6 tháng qua, vị Trợ lý Tổng Giám đốc đã bán ra 8 triệu cổ phiếu ANV.

Cách đây không lâu, ông Đỗ Lập Nghiệp - Chủ tịch Nam Việt, cũng đã bán ra 450.000 cổ phiếu ANV và chỉ còn sở hữu 0.01% tại doanh nghiệp kinh doanh cá tra này.

Tổng giám đốc ANV không mua cổ phiếu đã đăng ký

Đáng chú ý, mới đây Hội đồng quản trị Nam Việt thông báo thay đổi kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt từ ngày 1/12/2022 sang ngày 27/4/2023, tức trễ gần 5 tháng. Lý do được đưa ra do tình hình tài chính cuối năm gặp khó khăn, chuẩn bị không kịp nguồn tiền thanh toán.

Trước đó, ngày 1/11 Nam Việt đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền. Tỷ lệ chi trả 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Với hơn 127,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Nam Việt sẽ cần khoảng 127,1 tỷ đồng để trả cổ tức.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 3.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 567 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và tăng 662% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, Nam Việt đã thực hiện được lần lượt 76% và 65% chỉ tiêu sau 9 tháng. Tại thời điểm cuối quý 3, lượng tiền và tương đương tiền của ANV chỉ là gần 52,5 tỷ đồng.

1 Likes

Khối ngoại bất ngờ tăng tốc mua ròng 1.900 tỷ đồng, tập trung “gom” VPD, HPG, STB

Ngoài thỏa thuận đột biến trên VPD, các cổ phiếu HPG, STB cũng được khối ngoại mua ròng hàng trăm tỷ đồng.

Khối ngoại bất ngờ tăng tốc mua ròng 1.900 tỷ đồng, tập trung "gom" VPD, HPG, STB

Tâm lý bi quan bao trùm khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ ngay đầu phiên. Lực bán ồ ạt khiến thị trường có thời điểm mất hơn 28 điểm và lùi sát mốc 1.010 điểm. Áp lực giảm dần vào cuối phiến giúp VN-Index phần nào thu hẹp đà giảm.

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,27 điểm (-1,47%) xuống 1.023 điểm. HNX-Index giảm 4,71 điểm xuống 207 điểm và UPCoM-Index giảm 1,08 điểm xuống 71,03 điểm.

Thanh khoản trên HoSE tăng 9% so với phiên hôm trước đạt mức 17.456 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khối ngoại vẫn là điểm sáng khi họ mua ròng đột biến 1.901 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trên HoSE, khối ngoại mua ròng 1.852 tỷ đồng.

Tại chiều mua, VPD được mua ròng nhiều nhất với giá trị 781 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch lên đến 26,6 triệu đơn vị, tương đương 25% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của VPD. HPG xếp tiếp theo danh sách mua ròng mạnh trên HoSE với 123 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng STB và SHB với giá trị lần lượt 120 tỷ đồng và 91 tỷ đồng.

Ngược lại, VRE và VHC chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị lần lượt là 16 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng còn có FUEVFVND (5 tỷ đồng), BID (5 tỷ đồng) và NLG (4,8 tỷ).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng gần 39 tỷ đồng.

IDC được khối ngoại mua ròng mạnh với 26,5 tỷ đồng, ngoài ra dòng vốn ngoại còn tìm tới PVS, CEO, HUT,… với giá trị mua ròng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Ngược lại, tại chiều bán, VCS, THD, MBS… bị bán ròng từ chục triệu đồng đến vài tỷ đồng trên HNX.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng hơn 10,6 tỷ đồng

Cụ thể, cổ phiếu MCH hôm nay được khối ngoại mua ròng 3,4 tỷ đồng, tương tự, VEA, MPC, ACV, BSR cũng đồng loạt được mua ròng mỗi cổ phiếu đều trên 1 tỷ đồng.

Ngược chiều, VTP hôm nay bị khối ngoại bán ròng khoảng 1,8 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại LTG, PAT, CSI,…

Nguồn bài viết: Khối ngoại bất ngờ tăng tốc mua ròng 1.900 tỷ đồng, tập trung "gom" VPD, HPG, STB

2 Likes

KIDO (KDC) sẽ bán 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho tập đoàn đa quốc gia

(ĐTCK) Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO (KDC) cho biết, KIDO đã đàm phán và ký kết biên bản ghi nhớ với một tập đoàn quốc tế lớn, là công ty đa quốc gia.

Đối tác có thể mang lại giá trị thông qua việc hợp tác sản xuất và xuất khẩu sản phẩm KIDO đi các nước. Ngược lại, KIDO cũng có thể tiêu thụ sản phẩm của họ qua hệ thống phân phối hiện nay của Tập đoàn.

Thông tin này được ông Nguyên chia sẻ trong ĐHCĐ bất thường diễn ra sáng nay (20/12).

Theo đó, KIDO sẽ bán 22,5 triệu cổ phiếu cho tập đoàn này và đây sẽ là hợp tác lâu dài cùng KIDO.

Sau khi bán xong 22,5 triệu cổ phiếu quỹ, Kido cũng sẽ tiến hành mua lại 10 triệu cổ phiếu KDC nhằm đưa giá cổ phiếu trở về giá trị thực. Lượng cổ phiếu này tương đương 3,57% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện trong năm 2023 sau khi đã bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ và UBCKNN thông báo đã nhận được đầy đủ tài liệu.

Đại hội cũng thông qua tờ trình chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 50% (mỗi cổ phiếu nhận 5.000 đồng), ước tính KDC sẽ chi ra hơn 1.336 tỷ đồng cho cổ tức.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh thời gian tới, ông Nguyên cho biết, KIDO sẽ tách ra theo 4 nhóm ngành bao gồm: Dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước mắm (và các loại nước chấm). Đồng thời, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh liên kết liên doanh với công ty đa quốc gia.

Theo đó, trong năm 2023, KIDO cũng sẽ tách các công ty thành viên thành các công ty độc lập để dễ kết nối với các công ty đa quốc gia.

Ông Nguyên cho biết, cách làm này nhằm tạo điều kiện cho chiến lược liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia theo từng mảng. Chẳng hạn công ty đa quốc gia chuyên về mảng dầu ăn sẽ hợp tác với công ty chuyên về dầu ăn của Kido, qua đó, tạo điều kiện để các tập đoàn đa quốc gia có thể kết nối thị trường trong nước và đi ra thị trường quốc tế.

“Tăng cường liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm của Kido sẽ được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn. Sang năm, tình hình giá nguyên vật liệu ổn định thì hiệu quả lợi nhuận sẽ tăng cao”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, Công ty không gặp khó khăn về tài chính, nhờ có nguồn thặng dư từ việc thoái vốn ở một số công ty thành viên trong tập đoàn và bán được cổ phiếu quỹ.

Chia sẻ về kết quả 11 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Kido cho biết, doanh thu thuần Tập đoàn đạt gần 11.500 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch, trong đó, ngành dầu ăn chiếm 80% doanh thu, ngành lạnh 16% và ngành khác 3%.

Theo nghiên cứu của AC Nielsen thì thị phần của Tường An là 26%, xếp thứ hai thị trường. Với ngành kem, Kido đang nắm 44,5% thị phần ở Việt Nam, theo số liệu mới nhất của EuroMonitor.

Theo bà Liễu, sau đại dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã đẩy giá hàng hóa biến động mạnh, trong đó có dầu cọ (nguyên liệu đầu vào để sản xuất dầu ăn). Từ mức giá 1.181 USD/tấn, giá dầu cọ đã tăng một mạch lên đỉnh điểm 1.777 USD/tấn vào tháng 3/2022. Nhưng chỉ trong 6 tháng sau đó, giá giảm về 909 USD/tấn. Biến động mạnh của giá nguyên liệu đầu vào gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh dầu ăn của Kido.

Nguồn bài viết: KIDO (KDC) sẽ bán 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho tập đoàn đa quốc gia | Tin nhanh chứng khoán

1 Likes

Đề xuất tăng tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư lên mức 18%, hút 900.000 tỷ đồng phát triển đường bộ

Cục Đường bộ đề xuất 6 giải pháp đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, kiến nghị điều chỉnh tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu để thu hút nhà đầu tư khoảng 15-18% tùy thuộc vùng, miền; cho phép ngân hàng cho vay vượt khung với dự án trọng điểm…

Định hướng đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.

Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét một số chính sách, giải pháp tạo sự hấp dẫn cho các dự án giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

CẦN 900.000 TỶ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG BỘ

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết để thực hiện quy hoạch, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; môi trường, khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển…

Trong đó, giải pháp huy động và phân bố vốn đầu tư là quan trọng và đưa ra mục tiêu tập trung kêu gọi mọi nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông hàng năm đạt 3,5 - 4,5% GDP.

Trước đó, theo thống kê, tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt khoảng 2,18% GDP.

Theo Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, với nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng, trong đó cho các dự án đường bộ cao tốc khoảng 728.000 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 400.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 328.000 tỷ đồng, đã bao gồm vốn cho các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2021 - 2025.

Do đó, "việc kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết và cần có cơ chế, các giải pháp đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

6 GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ HÚT VỐN

Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi rà soát, ngoài các giải pháp đã nêu, Cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét một số chính sách, giải pháp đột phá nhằm huy động nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian tới.

Thứ nhất, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận không cao, thời gian hoàn vốn kéo dài. Do đó, Cục này đề nghị xem xét một số chính sách, giải pháp tạo sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thứ hai, để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể huy động rộng rãi mọi nguồn vốn trong xã hội khi thực hiện dự án, Cục Đường bộ kiến nghị xem xét cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt khung quy định của Ngân hàng Nhà nước, đối với các dự án trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng thời, cho phép nhà đầu tư huy động vốn từ các quỹ như hưu trí, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… để đa dạng nguồn vốn. Bên cạnh đó, cho phép nhà đầu tư phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài…

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận với các tổ chức tín dụng nước ngoài vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP

Thứ ba, để nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, định hướng đầu tư cho mạng lưới đường bộ, Cục Đường bộ kiến nghị xem xét ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị cho phép kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương đầu tư cho các địa phương có điều kiện về nguồn lực tham gia đầu tư cao tốc, quốc lộ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thứ tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Đẩy nhanh lộ trình thực hiện quy hoạch khi có đủ nguồn lực. Trường hợp huy động được nguồn lực, cho phép triển khai sớm hơn đối với các dự án đã có trong quy hoạch, không phụ thuộc thời kỳ quy hoạch.

Huy động, sử dùng vốn viện trợ để lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi đối với các dự án kêu gọi đầu tư để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.

Thứ năm, phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cục Đường bộ kiến nghị: “Giao địa phương là cơ quan chủ quản để đầu tư các tuyến đường bộ quan trọng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, để địa phương tổ chức thực hiện đầu tư, khơi dậy tính chủ động, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong đầu tư, phát triển đường bộ cao tốc từ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, kiểm soát nguồn vật liệu, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng”.

Thứ sáu, hoàn thiện thể chế, chính sách đột phá trong đó ban hành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó giao cho địa phương được tham gia đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn; phân quyền địa phương quản lý hạ tầng giao thông đô thị.

Điều chỉnh Luật Ngân sách nhà nước theo hướng mở rộng phạm vi thu – chi ngân sách địa phương tạo điều kiện để địa phương có nguồn lực đầu tư, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, nhằm linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương.

Nguồn bài viết: Đề xuất tăng tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư lên mức 18%, hút 900.000 tỷ đồng phát triển đường bộ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

1 Likes

TIP: Giảm tỷ lệ tạm ứng cổ tức năm 2022

Tín Nghĩa (TIP) đã giảm tỷ lệ tạm ứng cổ tức năm 2022 từ 10%/cp xuống 8%/cp sau khi nhận công văn của HOSE về việc số lợi nhuận ròng 9 tháng 2022 không đủ để thực hiện tạm ứng theo kế hoạch cũ.

Hội đồng quản trị CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã chứng khoán: TIP) vừa thông qua nghị quyết hủy thông báo chốt danh sách cổ đông ngày 13/12 để tạm ứng cổ tức bằng tiền để lập lại hồ sơ theo quy định.

HĐQT cũng quyết định lập lại hồ sơ mới với ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 30/12, tỷ lệ thực hiện 8%/cổ phiếu và ngày thanh toán vào ngày 16/1/2023.

Tỷ lệ thực hiện này tương đương mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 800 đồng. Với hơn 65 triệu cổ phiếu TIP đang lưu hành, công ty dự kiến phải chi khoảng hơn 52 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này.

Con số này đã giảm so với khoản dự chi hơn 65 tỷ đồng của Tín Nghĩa theo kế hoạch cũ (tỷ lệ 10%/cổ phiếu). Ngoài ra, ngày chốt danh sách cổ đông và ngày dự kiến thanh toán đều không đổi so với kế hoạch cũ.

Đợt điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh công ty vừa nhận được công văn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) về kế hoạch tạm ứng cổ tức 10%/cp nói trên.

Cụ thể, HOSE cho biết số lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2022 của Tín Nghĩa không đủ để thực hiện tạm ứng cổ tức theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời đề nghị công ty xem xét thực hiện theo đúng quy định hiện hành, thực hiện đính chính, công bố thông tin ra thị trường.

Nói thêm về tình hình kinh doanh của Tín Nghĩa trong ba quý đầu năm, tính riêng quý III, doanh thu thuần đạt 99,2 tỷ đồng, tăng 236% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ CTCP Tín Khải (công ty con) phát sinh khoản doanh thu chuyển nhượng hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (53,5 tỷ đồng) và ghi nhận doanh thu bàn giao nhà thô từ CTCP Bất động sản Thống Nhất.

Qua đó, công ty báo lãi sau thuế 40,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này ở mức 6,8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 176 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 58,6 tỷ đồng, giảm 12%.

Lượng tiền mặt tại thời điểm cuối quý III của Tín Nghĩa chiếm hơn 62,5% tổng tài sản công ty, tăng 107% so với đầu năm lên 1.244 tỷ đồng, phần lớn do tăng khoản tiền gửi ngân hàng.

Nguồn bài viết: Tín Nghĩa (TIP) giảm tỷ lệ tạm ứng cổ tức năm 2022

1 Likes