Chuyện gì đang xảy ra với Thế giới? - Chuyển động toàn cầu

Nhật Bản khởi đầu năm mới với nhiều thảm kịch

Nhật Bản đang bị sốc sau khởi đầu năm mới tồi tệ. Hôm 1 tháng 1, một trận động đất mạnh 7,6 độ đã tấn công đảo Noto ở phía bắc Honshu, hòn đảo chính của đất nước, khiến ít nhất 48 người thiệt mạng. Ngay hôm sau, một máy bay tuần duyên đang chở hàng tiếp tế đến vùng thảm họa đã va chạm với máy bay chở khách tại sân bay Haneda ở Tokyo. Tất cả 379 người trên máy bay dân dụng đều sống sót, nhưng 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay của lực lượng tuần duyên đã thiệt mạng.

Trận động đất không gây ra sóng thần lớn như lo ngại ban đầu, nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng. Quá trình phục hồi sẽ kéo dài. Trận động đất làm sống lại ký ức về thảm hoạ năm 2011, vốn gây ra sóng thần lớn và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Không có nhà máy hạt nhân nào bị tổn hại trong trận động đất 2024, nhưng những nỗ lực của chính phủ nhằm khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa sau năm 2011 có thể sẽ gặp nhiều phản kháng hơn. Các quan chức cũng sẽ đối mặt với nhiều câu hỏi về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay.

1 Likes

Khi nào Fed mới giảm lãi suất?

Nước Mỹ đã đạt được thành tích kinh tế đáng chú ý trong năm 2023: lạm phát giảm mạnh trong khi tăng trưởng vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số dữ liệu sớm được công bố trong năm 2024 có thể cho thấy sẽ rất khó để lặp lại thành tích này. Các số liệu công bố vào thứ Tư nhiều khả năng sẽ cho thấy lĩnh vực sản xuất đã kết năm một cách khập khiễng. Trong khi đó, thị trường lao động dự kiến tiếp tục nóng, gây áp lực lên lạm phát.

Ngoài ra, vào thứ Tư này Cục Dự trữ Liên bang cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp giữa tháng 12, khi Fed công bố ý định cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, làm thị trường chứng khoán tăng điểm. Điều chưa được trả lời vào thời điểm đó là việc cắt giảm sẽ diễn ra sớm hay muộn. Nếu biên bản tiết lộ Fed sẽ đợi đến nửa cuối năm 2024 mới giảm lãi suất, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn kỳ vọng trong những tháng tới. Năm mới có lẽ sẽ không vui vẻ như năm vừa qua.

1 Likes

Bước sang năm mới, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có kiểm soát được lạm phát?

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất thêm 34 điểm phần trăm kể từ tháng 6. Tuy vậy, lạm phát – hậu quả của các chính sách trước đây của tổng thống Recep Tayyip Erdogan – đang tỏ ra cứng đầu. Giá tiêu dùng trong tháng 11 vẫn cao hơn 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Và dữ liệu công bố vào thứ Tư ​​sẽ cho thấy chúng tiếp tục tăng trong tháng 12.

Như để đổ thêm dầu vào lửa, quyết định tăng lương do chính phủ Erdogan công bố vào tuần trước sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra mức lương tối thiểu khoảng 17.000 lira (572 USD), gấp đôi so với lương tối thiểu của tháng 1 năm ngoái. Ông Erdogan kỳ vọng ngân hàng trung ương kiềm chế được lạm phát trước cuối tháng 3, khi người dân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu bầu thị trưởng và hội đồng thành phố. Nhưng ngân hàng đang mất niềm tin. Hồi tháng 11, họ cho biết lạm phát giá tiêu dùng được dự đoán sẽ đạt đỉnh 75% vào tháng 5, sau đó giảm mạnh.

2 Likes

Mỹ thăm tân Tổng thống Đài Loan

Một phái đoàn gồm các cựu quan chức Mỹ đã đến Đài Loan gặp Lại Thanh Đức, tổng thống đắc cử, và Thái Anh Văn, đương kim tổng thống. Họ cho biết cam kết của Mỹ với Đài Loan là “vững chắc” và ca ngợi tiến trình dân chủ của hòn đảo này. Ông Lại bày tỏ mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ với Mỹ. Chuyến thăm diễn ra khi Nauru, một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau cuộc bầu cử. Thứ trưởng ngoại giao Đài Loan cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng “cưỡng đoạt các quan hệ ngoại giao của Đài Loan” bằng cách tiếp cận Nauru.

Theo Economist

1 Likes

Houthi tấn công tàu của Mỹ trên biển Đỏ

Mỹ cho biết một tên lửa của Houthi đã tấn công một tàu chở hàng của Mỹ ngoài khơi bờ biển phía nam Yemen. Không có ai bị thương. Trước đó hôm thứ Hai, Mỹ đã bắn hạ một tên lửa do Houthi bắn vào tàu Hải quân Mỹ. Tuần trước, Washington cũng đã cho tiến hành không kích vào nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói 13 mục tiêu quân sự của Houthi đã bị phá hủy trong các đòn không kích.

1 Likes

Sản xuất công nghiệp Châu Âu tiếp tục suy yếu

Sản xuất công nghiệp tại khu vực đồng euro giảm 0,3% so với tháng trước trong tháng 11 – đánh dấu mức giảm thứ ba liên tiếp. Sản lượng đã giảm 6,8% so với một năm trước đó, phần lớn vì khó khăn ở Đức và Ý. Nhìn chung, ngành sản xuất suy thoái và ngành dịch vụ tăng trưởng chậm chạp cho thấy khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái trong quý 4 năm 2023.

Theo Economist

1 Likes

Hội đồng Bảo an họp về Trung Đông

Vào thứ Ba, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp về Trung Đông – đặc biệt là về Yemen. Nước này đang trở thành tâm điểm dư luận khi Houthi, một nhóm chiến binh người Yemen do Iran hậu thuẫn, liên tiếp tấn công các tàu dân sự trên Biển Đỏ, gây cản trở cho tuyến đường vận chuyển thương mại quan trọng của thế giới. Cuối tuần trước, Mỹ và Anh đã không kích hàng chục mục tiêu ở Yemen để cố gắng ngăn chặn những cuộc tấn công như vậy. Hôm thứ Hai, Mỹ cho biết Houthi đã tấn công một tàu chở hàng của Mỹ, song tàu này vẫn có thể tiếp tục hành trình.

Houthi đã tích lũy được một kho tên lửa chống hạm trong thập niên qua, nhiều trong số đó là do Iran cung cấp. Mặc dù không kích của phương Tây không phá hủy được kho vũ khí đó, chỉ riêng việc tạo ra được một vết lõm đáng kể trong kho dự trữ cũng có thể buộc nhóm này phải hạn chế đạn dược. Nhờ đó các tàu chiến phương Tây sẽ dễ dàng bảo vệ các tàu dân sự ở Biển Đỏ hơn và giảm bớt áp lực cho hoạt động vận chuyển thương mại.

Theo Economist

1 Likes

Goldman Sachs và Morgan Stanley báo cáo thu nhập Quý 4

Goldman Sachs và Morgan Stanley, những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ, báo cáo thu nhập quý 4 vào thứ Ba. Giới phân tích dự đoán các con số sẽ chỉ ở mức khiêm tốn. Doanh thu giao dịch của cả hai ngân hàng dự kiến sẽ không đổi so với năm trước. Triển vọng của các mảng ngân hàng đầu tư cũng không còn sáng sủa, khi các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với IPO hoặc thực hiện mua bán sáp nhập. Kết quả của hai mảng giao dịch và ngân hàng đầu tư từ các công ty cùng ngành như Citi, Bank of America và JPMorgan Chase, được công bố trước đó hôm 12 tháng 1, đều rất mờ nhạt.

Ít nhất thì trong cuộc họp công bố thu nhập của Morgan Stanley, sự phấn khích của giới quan sát sẽ được đổ dồn vào việc ai đang nói. Các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn đầu tiên về Ted Pick trong vai trò CEO. Hôm 1 tháng 1, ông Pick đã chính thức lên thay James Gorman, người đã biến Morgan Stanley từ một công ty hạng hai trở thành ngôi sao sáng của Phố Wall trong nhiệm kỳ 14 năm của mình. Trước mặt ông Pick là một cái bóng rất lớn của người tiền nhiệm.

1 Likes

Hạ viện Anh bỏ phiếu về dự luật trục xuất người tị nạn sang Rwanda

Tuần này, các nghị sĩ Anh sẽ bỏ phiếu về luật cho phép chính phủ trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda. Vào tháng 11, Tòa Tối cao Anh đã phán quyết rằng chương trình này của chính phủ – đưa những người đến Anh trên các thuyền nhỏ đến Rwanda để thụ lý yêu cầu xin tị nạn – là bất hợp pháp vì nó sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người xin tị nạn. Dự luật An toàn Rwanda mới (hay còn gọi là Dự luật Tị nạn và Nhập cư) tuyên bố Rwanda trên thực tế là một quốc gia an toàn. Nó cũng khép hầu hết các kẽ hỡ tiềm năng để kháng cáo.

Dự luật phải đối mặt với nhiều sửa đổi tại Hạ viện, nơi Đảng Bảo thủ cầm quyền bị chia rẽ về vấn đề. Phe cánh hữu — những người tuyên bố có khoảng 50 người ủng hộ — muốn sửa đổi dự luật để khiến những thách thức pháp lý đối với việc trục xuất trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó nhóm ôn hòa của đảng cho rằng dự luật đã đi quá xa. Để tránh một cuộc nổi loạn lớn, thủ tướng Rishi Sunak sẽ phải hành động thật khéo léo.

Pic này cho về hưu nhé!

1 Likes

1 Likes

Nền kinh tế EU trì trệ trong 3 tháng cuối năm

Nền kinh tế EU cũng như khu vực đồng euro trì trệ trong ba tháng cuối năm 2023. Kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,2% so với một năm trước. Thành tích của riêng nước Đức đặc biệt kém khi giảm 0,3% so với quý trước đó. Tuy vậy, đà giảm của nền kinh tế lớn nhất khối đã được bù đắp bởi tăng trưởng tốt ở Ý và Tây Ban Nha.

1 Likes

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2024, với lý do khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ tài khoá gia tăng ở Trung Quốc, và sức mạnh của một số thị trường mới nổi. Quỹ hiện kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, tăng so với dự đoán 2,9% được đưa ra hồi tháng 10.

1 Likes

Mỹ trừng phạt các công ty khai thác vàng thuộc sở hữu nhà nước Venezuela

Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty khai thác vàng thuộc sở hữu nhà nước của Venezuela , sau khi tòa án cấp cao của nước này giữ nguyên lệnh cấm lãnh đạo phe đối lập tranh cử tổng thống. Mỹ đã nới lỏng các lệnh trừng phạt, bao gồm tạm dừng trừng phạt dầu mỏ từ tháng 10, sau khi tổng thống chuyên quyền của Venezuela đồng ý tổ chức bầu cử công bằng. Nhưng Mỹ cho biết sẽ không gia hạn lệnh tạm dừng trừng phạt, dự kiến kết thúc vào tháng 4, nếu bỏ phiếu công bằng không được tổ chức.

1 Likes
1 Likes

Thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt

Cuối cùng thì thị trường lao động Mỹ cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Các số liệu công bố vào thứ Sáu dự kiến cho thấy kinh tế Mỹ tạo thêm khoảng 185.000 việc làm trong tháng 1, giảm so với 216.000 việc làm của tháng 12. Điều này được dự báo sẽ đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ và tốc độ tăng lương giảm nhẹ, mặc dù đều có thể vẫn mạnh theo tiêu chuẩn thông thường. Đây là xu hướng đáng hoan nghênh, vì nó cho thấy áp lực lạm phát đang giảm dần và do đó mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất.

Điều đáng lo ngại là liệu tốc độ tạo ra việc làm giảm có báo trước điều gì tồi tệ hay không. Các trang báo vẫn đang nhan nhản đưa tin về việc những công ty hàng đầu phải cắt giảm nhân sự, từ Microsoft của ngành công nghệ cho đến UPS của ngành vận chuyển hậu cần. Khảo sát trong ngành dịch vụ chỉ ra khả năng giảm việc làm lớn hơn. Khi lạm phát chậm lại, lãi suất cao sẽ tác động mạnh và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp.

2 Likes

Tàu vũ trụ không người lái của Mỹ sắp đáp xuống Mặt Trăng

Thứ Năm có thể chứng kiến ​​cuộc đổ bộ Mặt trăng đầu tiên được thực hiện bởi một công ty tư nhân. Hôm 15 tháng 2, tên lửa SpaceX Falcon 9 đã đưa Odysseus vào quỹ đạo. Tàu đổ bộ do công ty Intuitive Machines của Mỹ chế tạo sẽ đáp xuống gần cực nam của Mặt Trăng — một khu vực rất được các nhà khoa học quan tâm và chưa từng được tàu vũ trụ ghé thăm trước đây, một phần vì địa hình đầy thách thức của nó.

Intuitive Machines không phải là công ty tư nhân đầu tiên thử hạ cánh lên Mặt Trăng. Những công ty khác đã thử và đều thất bại. Hồi tháng 4 năm 2023, HAKUTO-R do công ty ispace của Nhật Bản phóng lên đã bị rơi. Vào tháng 1, Peregrine, do Astrobiotic của Mỹ sản xuất, đã không thể tới được Mặt trăng vì rò rỉ chất đẩy.

Odysseus mang theo các thiết bị khoa học của NASA và được cơ quan này tài trợ một phần. Kế hoạch này được thiết kế để khuyến khích các công ty phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng. Mục tiêu là giúp họ có đủ năng lực để quay sang hỗ trợ cho những nỗ lực của NASA, bao gồm việc đưa con người trở lại Mặt Trăng

1 Likes

Những ngày ảm đạm của kinh tế Đức

Chính trị Đức đang bị chi phối bởi sự yếu kém của nền kinh tế. Một quốc gia từng là ngôi sao kinh tế của châu Âu giờ đây phải vật lộn với những thay đổi nhân khẩu học, tiến trình phi carbon hoá ngành công nghiệp, và giá năng lượng tăng cao. Trên hết, nước này đang điều chỉnh để thích ứng với sự cạnh tranh địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc, nước mà trước đây Đức vẫn rất thân thiết. Hôm thứ Tư, chính phủ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 xuống chỉ còn 0,2%. Đến thứ Sáu, Chỉ số Môi trường Kinh doanh về tâm lý kinh tế có thể sẽ chỉ làm tăng thêm sự lo lắng của Đức.

Chỉ mới mùa thu năm ngoái người ta còn cho rằng nền kinh tế đã chạm đáy, khi giá năng lượng bắt đầu giảm và sự co hẹp ngành chế tạo dường như đã kết thúc. Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và thu nhập thực tế bắt đầu tăng, do mức tăng lương đã vượt qua lạm phát. Tuy vậy, dữ liệu khảo sát hôm thứ Năm cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới cho ngành chế tạo đã giảm. “Âu Châu bệnh phu” có thể còn phải mất một thời gian nữa mới bình phục.

SẢN LƯỢNG CÁC NHÀ MÁY THÉP TRUNG QUỐC TĂNG VÀO ĐẦU THÁNG 2

Sản lượng thép thô của các nhà máy thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (Cisa) đã tăng lên 2.0699 triệu tấn/ngày trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 10/2, tăng 2.64% từ ngày 21 đến ngày 31/1.

Sản lượng tăng 0.38% trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 10/2 so với một năm trước đó.

Các nhà máy thép tăng sản lượng vào đầu tháng 2 với mức lỗ giảm dần từ cuối tháng 1 sau khi giá nguyên liệu giảm. Các nhà máy Trung Quốc báo lỗ 50-100 NDT/tấn vào cuối tháng 1, đạt mức hòa vốn vào đầu tháng 2 với chỉ số quặng sắt phạt bên cảng 62% Fe (PCX) được đánh giá giảm 23 NDT/tấn hoặc 2.2% từ ngày 31/1 xuống 1,007 NDT/tấn vào ngày 9/2. Nhu cầu thép nhìn chung yếu vào đầu tháng 2, mặc dù hầu hết các nhà máy thép đều chốt giá xuất xưởng và các công ty thương mại cũng giữ nguyên giá chào hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 10/2.

Nhu cầu thép không có dấu hiệu phục hồi sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc vào ngày 17/2 và giá thép quay trở lại xu hướng giảm. Những người tham gia thị trường cho biết, các nhà máy có thể giảm sản lượng nhẹ từ cuối tháng 2 do tồn kho thép tăng do nhu cầu tiêu thụ yếu hơn.

Sản lượng gang hàng ngày của Trung Quốc là 1.851 triệu tấn/ngày trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 10/2, giảm 2.13% so với ngày 21-31/1 và tăng 4% so với một năm trước đó.

Sản lượng thép thành phẩm hàng ngày đạt 1.913 triệu tấn/ngày trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 10/2, giảm 2.79% so với ngày 21-31/1 và giảm 1.08% so với một năm trước đó.

Cisa báo cáo tồn kho thép của các thành viên ở mức 15.1 triệu tấn trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 10/2, giảm 23.8% so với ngày 21-31/1 và giảm 16.25% so với một năm trước đó.

Dữ liệu của Cisa bao gồm thông tin từ hơn 100 nhà máy thép lớn nhất đất nước.

Châu Âu tổ chức thượng đỉnh về Ukraine

Giữa những lo ngại về tâm lý mệt mỏi chiến tranh, các nhà lãnh đạo châu Âu và các nước đồng minh sẽ đến cung điện Elysée ở Paris vào thứ Hai để dự hội nghị thượng đỉnh về viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong số những người tham dự có thủ tướng Đức Olaf Scholz và ngoại trưởng Anh David Cameron. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lập luận về một “bước thay đổi” trong việc hỗ trợ Ukraine. Pháp muốn có phối hợp tốt hơn khi cung cấp các loại vũ khí khác nhau của các nước và thảo luận về cách huy động thêm tiền mặt cũng như tăng sản lượng vũ khí. Pháp hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ cho tổng thống Nga Vladimir Putin thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine không hề suy giảm.

Sáng kiến này sẽ được hoan nghênh. Nhưng ông Macron vẫn cần thuyết phục một số người rằng bản thân Pháp đã làm đủ. Trong thỏa thuận quốc phòng song phương gần đây với Ukraine, được ký trong tháng 2, Pháp đã hứa chi 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) trong năm 2024. Con số này tương đương với 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) mà Anh đã cam kết trong thỏa thuận song phương gần đây, nhưng chưa bằng một nửa so với thỏa thuận quốc phòng song phương trị giá 7,1 tỷ euro của Đức với Ukraine.

1 Likes