Từ đầu tháng 5 đến nay, thị giá cổ phiếu CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) đã tăng gần 50%, lên mức cao nhất kể từ tháng 08/2022. Phiên sáng nay (25/05), cổ phiếu NTC tăng kịch trần lên mức 165,300 đồng/cp với hiện tượng “trắng” bên bán.
Diễn biến của NTC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều thông tin trái chiều. Về mặt tích cực là, UBND tỉnh Bình Dương ngày 24/05 vừa qua có Quyết định số 1343/QĐ-UBND về việc cho phép NTC thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2) tại TP. Tân Uyên với tổng diện tích hơn 344.3 ha. Thời gian cho thuê đến ngày 13/09/2068.
Trong đó, đất xây dựng nhà máy và kho tàng hơn 254 ha; đất các khu kỹ thuật hơn 7.5 ha; đất công trình hành chính, dịch vụ hơn 3.4 ha; đất cây xanh hơn 36 ha; còn lại là đất giao thông.
Theo phê duyệt, dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2) có quy mô gần 346 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 345 triệu USD. KCN phần mở rộng nằm trên khu đất thuộc Nông trường cao su Hội Nghĩa của thị trấn Uyên Hưng và xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương của CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR).
Hồi tháng 08/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định thu hồi gần 346 ha đất trồng cây cao su nói trên để làm dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2).
Trong báo cáo thường niên năm 2022 của NTC cho biết, kế hoạch phát triển năm 2023, Công ty sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Dương, các ban, ngành có liên quan để dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2) sớm được thuê đất. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án trên ngay sau khi được tỉnh Bình Dương quyết định cho thuê đất.
Ngoài ra, NTC cho biết đang nghiên cứu phát triển mô hình KCN - dịch vụ tiện ích. Đây là mô hình tích hợp liên thông các chức năng KCN, bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn và trung tâm thương mại kết hợp phát triển đô thị đáng sống để thu hút nguồn nhân lực.
Trong sáng nay (25/05), cổ phiếu NTC tăng kịch trần lên mức 165,300 đồng/cp (tăng gần 15%) với hiện tượng “trắng” bên bán.
Trước đó ba ngày, một thông tin không mấy tích cực là việc NTC thông báo nhận quyết định xử phạt từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương, do kê khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), với tổng số tiền phạt và truy thu thuế phải nộp gần 1.8 tỷ đồng. Trong đó, gồm tiền phạt hành chính 286 triệu đồng (mức phạt bằng 20% số thuế kê khai sai), bị truy thu hơn 1.4 tỷ đồng thuế TNDN và tiền chậm nộp khoảng 49 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 16/05.
Theo danh sách cổ đông chốt ngày 15/12/2022, NTC có tổng số cổ phần gần 34 triệu đơn vị, trong đó cổ đông lớn chiếm 73.22%. Các cổ đông lớn của NTC gồm CTCP Cao su Phước Hoà (HOSE: PHR) nắm sở hữu 32.85% vốn; Tập đoàn Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) nắm 20.42% và CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) nắm 19.95%. Đáng chú ý, các cổ phiếu PHR, GVR, và SIP cũng đều bứt phá mạnh trong phiên 25/05, tăng lần lượt 5.3%, 3.1%, 3.7%, tương ứng đạt 45,800 đồng/cp; 16,600 đồng/cp; 104,100 đồng/cp.
Diễn biến NTC và cổ phiếu ba cổ đông lớn từ đầu năm đến nay
Nguồn: VietstockFinace
Điểm lại kết quả kinh doanh của NTC, khép lại quý 1/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 58 tỷ đồng; lãi ròng giảm nhẹ 2%, xuống 80 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/03, quy mô tài sản của NTC hơn 4,120 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận tới 1,116 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 6.2 - 11.5%/năm.
NTC có nợ phải trả gần như đi ngang so với đầu năm, ở mức 3,327 tỷ đồng. Trong đó, có 2,962 tỷ đồng là doanh thu chưa thực hiện dài hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý 1 đạt 350 tỷ đồng.
Ngày 15/06 tới đây, NTC dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại phường Khánh Bình, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nhằm thông qua nhiều nội dung quan trọng, gồm kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phân phối lợi nhuận… Tuy nhiên, hiện Công ty chưa công bố bất kỳ chỉ tiêu tài chính dự kiến nào cho năm 2023.