I.TỔNG QUAN VỀ DOANH NGHIỆP
Tên đầy đủ: CÔNG TY CỔ PHẦN HÓA CHẤT CƠ BẢN MIỀN NAM
Mã chứng khoán: CSV
Sàn niêm yết: HOSE
Ngành nghề kinh doanh: HÓA CHẤT
1. Lịch sử hình thành:
- Ngày 21/07/1976, thành lập công ty theo Quyết định số 240/HC của Tổng Cục Hóa Chất.
- Năm 1993, đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất xút theo công nghệ màng trao đổi ion với công suất khởi điểm 6.500 tấn xút 100%/năm.
- Năm 2009, thành lập Nhà Máy Hóa Chất Tân Bình 2 với 2 dây chuyền sản xuất axit sunfuric và muối nhôm sunfat (phèn nhôm).
- Ngày 01/01/2014, cổ phần hóa với tên gọi CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam với vốn điều lệ là 442 tỷ đồng.
- Tháng 03/2015, chính thức được niêm yết và giao dịch trên sàn HSX, với mã cổ phiếu CSV.
2. Cơ cấu cổ đông
Cơ cấu cổ đông của CSV khá cô đặc, trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu 65% cổ phần và là cổ đông có quyền chi phối. Hai cổ đông tổ chức khác bao gồm Vietnam Investment Ltd sở hữu 4,87% và quỹ ngoại America LLC sở hữu 3,85%.
Theo quyết định số 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025, theo đó Vinachem sẽ tiếp tục nắm giữ 65% cổ phần của CSV đến hết năm 2025.
Cơ cấu cổ đông của CSV tính đến 1/7/2024 - Nguồn cafef.vn
- Cơ cấu doanh nghiệp
4. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Hoạt động kinh doanh chính của CSV là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa chất cơ bản, được chia thành 3 nhóm sau:
-
Hóa chất xút – clo chiếm khoảng ~51% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2018 - 2023 bao gồm:
(1) xút (NaOH) được ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất alumin, sản xuất bột giấy, dệt nhuộm,…
(2) các sản phẩm hóa chất gốc clo như HCl, Cl2, PAC, javel,…, được ứng dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp như sản xuất thép, xà phòng & chất tẩy rửa, xử lý nước, trong công nghiệp thực phẩm,… -
Hóa chất gốc phốt pho chiếm khoảng ~24% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2018 - 2023 bao gồm:
(1) phốt pho vàng (P4), đây là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, phân bón, chất diệt cỏ,…
(2) axit photphoric nhiệt (TPA), được ứng dụng trong ngành sản xuất mía đường, nước ngọt, làm sạch bề mặt,… -
Hóa chất gốc lưu huỳnh chiếm khoảng ~8% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2018 - 2023 bao gồm:
(1) axit sunfuric (H2SO4) được ứng dụng trong sản xuất ắc quy, phân bón, công nghiệp thực phẩm
(2) phèn nhôm có công dụng chủ yếu trong công nghiệp giấy nhuộm và xử lý nước.
II.BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH
- Lợi nhuận kế toán trước thuế quý 3/2024 tăng 34.864 triệu đồng (tương ứng tăng 54,48%), và lợi nhuận sau thuế quý 3/2024 tăng 27.657 triệu đồng (tương ứng tăng 54,14%) so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chính: Doanh thu thuần bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ quý 3/2024 tăng 100.041 triệu đồng (tỷ lệ tăng 24,54%), nguyên nhân chủ yếu do:
- Tại công ty mẹ: Doanh thu tiêu thụ tăng 69.968 triệu đồng (tăng 22,45%) do sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính tăng như: NaOH tăng 29%, HCl tăng 49%, Clor lỏng tăng 25%, H2SO4 tăng 105%, Javel tăng 16%, PAC tăng 29%; và giá bán bình quân các sản phẩm chính tăng nhẹ: NaOH tăng 10%, H2SO4 tăng 12%, Javel tăng 8%.
- Tại công ty con: Doanh thu tiêu thụ tăng 30.073 triệu đồng (tăng 31,29%) do sản lượng tiêu thụ sản phẩm chính tăng như: phốt pho vàng tăng 80% và giá bán bình quân phốt pho vàng tăng nhẹ (tăng 3%).
- Chi phí giá vốn hàng bán tăng 50.616 triệu đồng (tỷ lệ tăng 16,07%), chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tăng như trên.
- Doanh thu hoạt động tài chính so với cùng kỳ năm trước giảm 2.569 triệu đồng (giảm 25,48%), do chủ yếu trong kỳ lãi tiền gửi giảm.
- Chi phí tài chính tăng 53 triệu đồng (tăng 6,14%).
- Chi phí bán hàng tăng 9.701 triệu đồng (tăng 44,99%), chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tăng như trên.
- Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2.840 triệu đồng (tăng 17,28%).
III. TRIỂN VỌNG KINH DOANH
1. Triển vọng kinh doanh hóa chất xút – clo
1.1. Triển vọng ngắn hạn: tiêu thụ cải thiện nhờ đà phục hồi của lĩnh vực công nghiệp
-
Kỳ vọng tiêu thụ tiếp tục khả quan nhờ đà phục hồi của lĩnh vực công nghiệp trong nước được duy trì trong năm 2025. Tình hình tiêu thụ các sản phẩm hóa chất của CSV sẽ tiếp tục cải thiện nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam duy trì đà hồi phục. Theo báo cáo chỉ số PMI tháng 11 của Việt Nam do S&P Global công bố, chỉ số PMI tháng 11 của ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,8 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp sau khi suy giảm do bão Yagi trong tháng 9. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng của các nhà sản xuất đều tăng mạnh, cho thấy lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang diễn biến khá tích cực.
-
Trong quý 3/2024 giá bán bình quân các sản phẩm chính tăng: NaOH tăng 10%, H2SO4 tăng 12%, Javel tăng 8% do nhu cầu tiêu thụ phục hồi do lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cải thiện thể ở chỉ số PMI sản xuất chính thức của NBS Trung Quốc đã tăng lên 50,3 vào tháng 11 năm 2024 từ mức 50,1 vào tháng 10, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 4.
1.2. Triển vọng dài hạn: Hưởng lợi từ nguồn cung xút của Việt Nam dự kiến tiếp tục thiếu hụt
-
Tiêu thụ xút dự báo khả quan nhờ thiếu hụt nguồn cung xút trong nước và sản phẩm xút của CSV cạnh tranh hơn so với xút nhập khẩu. Dự báo sản lượng tiêu thụ xút của CSV trong giai đoạn 2025 – 2030F sẽ tăng trưởng với CAGR = 4,6%/năm, đạt 35.000 tấn vào năm 2030 nhờ:
(1) nguồn cung xút trong nước thiếu hụt,
(2) nhu cầu tiêu thụ xút được dự báo tăng trưởng khoảng 10% trong giai đoạn 2025 – 2030,
(3) sản phẩm xút của CSV có lợi thế cạnh tranh hơn so với xút nhập khẩu. -
Nguồn cung xút trong nước thiếu hụt phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện tổng công suất sản xuất xút trong nước ước đạt ~200.000 tấn/năm, chỉ đáp ứng được khoảng ~55% nhu cầu xút nội địa. Do đó, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 100.000 tấn xút (chủ yếu từ Trung Quốc) để bù đắp lượng thiếu hụt trong nước.
-
Theo dự báo của các chuyên gia nhu cầu xút trong nước sẽ tăng trưởng khoảng ~10%/năm trong giai đoạn 2025 – 2030, dựa trên mức tăng trưởng bình quân của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 9,7% trong giai đoạn 2018 – 2023. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ xút còn được hỗ trợ bởi tiềm năng mở rộng sản xuất alumin tại Việt Nam. Theo kế hoạch triển khai các dự án boxit – alumin của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đến năm 2030 công suất alumin của TKV dự kiến sẽ được nâng lên 2 triệu tấn/năm, nhu cầu xút để sản xuất lượng alumin trên ước tính khoảng ~320 nghìn tấn (tương đương với nhu cầu xút cả nước hiện tại).
-
Sản phẩm xút của CSV có lợi thế cạnh tranh hơn so với xút nhập khẩu nhờ:
(1) chi phí sản xuất thấp nhờ giá điện công nghiệp thấp hơn,
(2) vị trí địa lý thuận lợi, gần các khách hàng tiêu thụ giúp giảm chi phí vận chuyển,
(3) sản phẩm xút nhập khẩu là xút rắn có giá thành cao và khó sử dụng hơn so với xút dạng lỏng của CSV,
(4) sản phẩm xút trong nước được bảo hộ với thuế nhập khẩu từ 5 - 20%. -
Để giải quyết tình trạng dư thừa clo trong quá trình sản xuất xút, CSV đã đẩy mạnh tiêu thụ clo bằng cách:
(1) chuyển đổi cơ cấu sản phẩm clo để phù hợp với nhu cầu của thị trường
(2) sản xuất các sản phẩm gốc clo mới để gia tăng năng lực sản xuất.
2. Triển vọng kinh doanh hóa chất phốt pho
-
Nhu cầu tiêu thụ phục hồi nhờ sự phục hồi của lĩnh vực bán dẫn. Dự báo sản lượng tiêu thụ phốt pho vàng trong năm 2024 của CSV sẽ đạt 4.115 tấn (+15% yoy), chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi của lĩnh vực bán dẫn. Theo Tổ chức Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS), thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng +13,1% yoy. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực bộ nhớ, được dự báo có mức tăng trưởng 40% yoy vào năm 2024.
-
Tại Trung Quốc - thị trường tham chiếu chính, giá phốt pho vàng trung bình trong quý 3/2024 đã tăng 13% so với mức đáy hồi tháng 6/2024. Bình quân giá phốt pho vàng trong tháng 10 - tháng 11/2024 tiếp tục tăng thêm 2% so với mức bình quân của quý 3/2024. Qua đó, tác động tích cực đến triển vọng kinh doanh của CSV trong thời gian tới.
Thông tin bổ sung:
CSV sẽ di dời ba nhà máy Đồng Nai, Biên Hòa và Tân Bình 2 nằm trong KCN Biên Hòa 1 sang về KCN Nhơn Trạch 6.
- Hiện nay, công ty đã đóng đủ tiền thuê đất tại KCN Nhơn Trạch 6 và đang đẩy nhanh quá trình di dời nhà máy. Tuy nhiên, dự án đang gặp phải 1 số vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch do đó việc di dời vẫn chưa được tiến hành. Để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh sự sụt giảm sản lượng đột ngột, CSV sẽ di dời các dây chuyền theo 3 giai đoạn, ban lãnh đạo dự kiến việc di dời sẽ hoàn tất vào năm 2030:
- Giai đoạn 1: Di dời dây chuyền sản xuất xút - clo công suất 20.000 tấn xút/năm và Nhà máy Hóa chất Đồng Nai.
- Giai đoạn 2: Di dời dời dây chuyền sản xuất xút - clo công suất 15.000 tấn xút/năm.
- Giai đoạn 3: Di dời dời dây chuyền sản xuất xút - clo công suất 15.000 tấn xút/năm, Nhà máy Hoá chất Tân Bình 2 và các dây chuyền sản xuất còn lại của Nhà máy Hoá chất Biên Hoà.
-
Tổng mức đầu tư cho việc di dời của dự án theo chia sẻ của CSV là khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó cơ cấu vốn là 30% vốn tự có và 70% vốn vay. Công ty sẽ nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại KCN Biên Hòa 1, tuy nhiên tỉnh Đồng Nai hiện vẫn chưa công bố giá trị khoản bồi thường. Việc di dời nhà máy của CSV sẽ được tiến hành trong giai đoạn 2025 – 2030F.
-
CSV đang tiến hành di dời nhà máy Biên Hòa sang KCN Nhơn Trạch 6 và mở rộng công suất tại Nhơn Trạch thêm 50.000 tấn NaOH/năm, tương đương 50% công suất hiện tại. Dự án này không chỉ tăng năng lực sản xuất mà còn mang lại lợi nhuận bất thường từ bồi thường di dời, khoảng 100-200 tỷ đồng.