LỊCH SỬ TIẾT LỘ GÌ VỀ CÁC ĐỢT GIẢM LÃI SUẤT CỦA FED, NĐT NÊN NẮM GIỮ TÀI SẢN NÀO?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện 7 chu kỳ cắt giảm lãi suất trong 50 năm qua. Trung bình mỗi chu kỳ kéo dài 26 tháng và lãi suất giảm khoảng 6,35 điểm % (ppt).
Visual Capitalist đã hợp tác cùng New York Life Investments thực hiện một infographic để đánh giá tác động của các đợt hạ lãi suất lên nền kinh tế Mỹ và lên các tài sản tài chính khác.
Tóm lược các chu kỳ cắt giảm lãi suất
Lãi suất là một công cụ mạnh mẽ mà ngân hàng trung ương Mỹ có thể sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Thông thường, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái, Fed sẽ phản ứng bằng cách hạ lãi suất. Do đó, mỗi chu kỳ cắt giảm lãi suất trong quá khứ đều diễn ra trong hoặc gần các đợt suy thoái.
Hiểu được tác động của các chu kỳ cắt giảm lãi suất đến nền kinh tế và thị trường tài chính có thể giúp các nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi chính sách tiền tệ trong tương lai.
Phản ứng của nền kinh tế: Lạm phát
Trong các chu kỳ trước, dữ liệu từ Fed cho thấy tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống (giảm trung bình khoảng 3,4 ppt). Phần lớn là do nền kinh tế chững lại trước khi Fed thực sự hạ lãi suất.
Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu đi lên lần nữa và tăng 1,9 ppt một năm sau đợt cắt giảm lãi suất cuối cùng.
Với lãi suất thấp hơn, người tiêu dùng thường chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn, khiến giá hàng hoá và dịch vụ tăng cao hơn. Xu hướng này diễn ra 6 trong 7 chu kỳ cắt giảm lãi suất vừa qua.
Phản ứng của nền kinh tế: Tăng trưởng chi tiêu thực tế của người tiêu dùng
Tăng trưởng chi tiêu thực tế của người tiêu dùng (do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ đo lường) thường phản ứng với các đợt hạ lãi suất nhanh hơn.
Trung bình, tăng trưởng tiêu dùng thường tăng nhẹ trong giai đoạn cắt giảm lãi suất (nhích 0,3 ppt) và tiếp tục tăng tốc trong một năm sau đó (đi lên 1,7 ppt).
Đại dịch COVID-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu là những trường hợp ngoại lệ. Chi tiêu tiếp tục giảm trong các chu kỳ hạ lãi suất nhưng đã tăng trở lại vào một năm sau đó.
Phản ứng của các tài sản đầu tư: cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản
Tỷ suất sinh lời của cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản thường khác nhau trong và sau khi Fed giảm lãi suất.
Cổ phiếu và bất động sản ghi nhận lợi nhuận âm trong giai đoạn cắt giảm lãi suất, trong đó cổ phiếu chịu tác động nặng nề hơn. Ngược lại, trái phiếu kho bạc - vốn là tài sản trú ẩn an toàn - lại tăng giá.
Tuy nhiên, trong các quý trước đợt cắt giảm lãi suất gần đây nhất, cả ba tài sản đều tăng giá. Một năm sau, bất động sản có tỷ suất sinh lời tốt hơn, theo sau là cổ phiếu và trái phiếu.
Triển vọng lãi suất tương lai?
Tại cuộc họp chính sách tháng 9, Fed đã thực hiện đợt hạ lãi suất đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Theo đó, các quan chức đã nhất trí giảm 50 điểm cơ bản (bps) để bảo vệ nền kinh tế và thị trường lao động.
Ngoài các đợt giảm lãi suất khẩn cấp trong đại dịch, lần cuối cùng giới chức Fed giảm 50 bps là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Biểu đồ dot plot - công cụ thể hiện triển vọng lãi suất của các quan chức - cho thấy Fed sẽ giảm chi phí đi vay liên ngân hàng thêm 50 bps vào cuối năm nay và đưa lãi suất chuẩn xuống mức 4,4%.
Sau đó, Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 100 bps trong năm 2025 và 50 bps trong năm 2026 để đưa lãi xuất xuống mức 2,9%. Tóm lại, biểu đồ dot plot cho thấy lãi suất sẽ giảm khoảng 200 bps sau động thái vào tháng 9.
Ngoài ra, các thành viên trong ủy ban hoạch định chính sách của Fed còn dự đoán mức lãi suất trung lập trong dài hạn sẽ ở mức 2,9%. Con số này cao hơn 0,1 điểm % so với ước tính hồi tháng 6.