Khi có một người bạn, người thân, hay một người đồng nghiệp mới bước chân vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi sẽ không ngần ngại giới thiệu với họ những cổ phiếu “quốc dân” như SSI, VNM, FPT hay … HPG. Đây là những cổ phiếu dường như rất quen thuộc, dễ nhận biết. Đâu đó trên TV, báo đài hay mạng xã hội bất cứ người Việt nào cũng đã ít nhiều nghe qua 1 lần.
Nhưng với những nhà đầu tư đồng hành cùng thị trường một thời gian, có thể dễ nhận thấy HPG đang khá lép vế trước những cổ phiếu khác trong giai đoạn này. Chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ? Liệu HPG có còn là cổ phiếu “quốc dân” hay chỉ còn là gã khồng lồ hết thời ? cùng tìm hiểu nhé!
Chân dung HPG - Tập đoàn Hòa Phát
Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001). Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là Công ty mẹ cùng các Công ty thành viên và Công ty liên kết. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Ông Trần Đình Long (người cười tươi nhất) cùng các thành viên hội đồng quản trị.
Không chỉ là một tập đoàn kinh tế tư nhân đa nghành nghề với doanh thu hàng trăm triệu đô la năm, mà Hòa Phát còn được đánh giá cao bởi sự mạnh dạn trong đầu tư sản xuất, xây dựng và phát triển các mặt hàng mới. Một trong những điểm mạnh và cũng là nhân tố quan trọng mang lại sự thành công cho Tập đoàn Hòa Phát ngày hôm nay là kinh nghiệm điều hành và sự đoàn kết của ban lãnh đạo Tập đoàn cũng như tất cả công ty thành viên trong Tập đoàn.
Từ giai đoạn hoàng kim đến bên kia sườn đồi của HPG
Chúng ta có thể thấy, từ cuối tháng 3 năm 2020 đến tháng 10 năm 2021, HPG tăng trưởng một cách chóng mặt từ giá ~7.000 ở vùng đáy cho đến khi tạo đỉnh vào ngày 18/10/2021 với mức giá ~45.000. Tỉ lệ tăng trưởng là hơn 500% trong vòng 18 tháng, một con số đáng kinh ngạc phải không nào?
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành thép Việt Nam tăng trưởng 195% so với cùng kỳ năm 2020, vượt trội với các ngành như chứng khoán 92.3%, ngân hàng 34.6%. HPG đã đưa bao nhiêu cổ đông “lên đỉnh” với mức lợi nhuận siêu khủng, được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân” hay “cổ phiếu cho mọi nhà”. Lý do vì sao ngành thép nói chung và HPG nói riêng có sự tăng trưởng thần kì như vậy?
-
Ngành thép được hưởng lợi khi giá thép liên tục tăng suốt từ 2020 - 2021
-
Với hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam được EU miễn áp phí Carbon cho thép nhập khẩu đến hết năm 2025.
-
Nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do. Những hiệp định quan trọng cho phép Việt Nam xuất khẩu với mức thuế thấp. Hơn nữa thép xuất khẩu cũng không cần vỏ Containes, giảm chi phí vận tải thép tốt hơn.
-
Trung Quốc, nền kinh tế sở hữu 50% nguồn cung thép trên thế giới loay hoay vì đại dịch covid, bên cạnh đó căng thẳng Mỹ - Trung leo thang ảnh hưởng rất lớn tới quốc gia này.
-
Từ tháng 5 2021, ngành thép xuất khẩu của Việt Nam giảm được sự cạnh tranh từ đối thủ nặng ký Trung Quốc khi nước này phải cắt bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu 13% cho 23 mặt hàng thép. Được đà tiến tới, các doanh nghiệp ngành thép đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này cũng như các thị trường lớn như Mỹ, EU.
-
Chi phí sản xuất thép ở Việt Nam thấp hơn ở thị trường Mỹ và EU. Lò EAF có giá thành sản xuất cao hơn 15-20% so với lò BOF của Việt Nam. HRC giữa EU và Việt Nam giá khá cao khoảng 300-500$/ tấn nên biên lãi gộp các nhà xuất khẩu Việt Nam tốt hơn khoảng 19-22%
lò BOF của Hòa Phát -
Chính phủ Việt Nam cũng như các nước trên thế giới quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công sau đại dịch. Nhu cầu thép trên toàn cầu tăng cao.
Là nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với quy mô 8 triệu tấn thép thô một năm, cùng với đó là hàng loạt yếu tố hỗ trợ ngành thép. Thiên thời - địa lợi nhân hòa, HPG cùng ngành thép Việt Nam đã có những sự tăng trưởng thần kì trong 2 năm từ 2020-2021
Doanh thu của HPG 4 năm gần nhất.
Tuy nhiên bữa tiệc nào cũng phải đến lúc nghỉ ngơi, HPG cũng đã trượt đốc sau khi đạt đỉnh vào ngày 18/10/2021. Sau đợt hồi phục từ tháng 1- tháng 3 2022, cổ phiếu HPG đã giảm mạnh về vùng giá 20 vào ngày 21/6/2022.
Tại cuộc họp hội đồng thường niên vào ngày 24/5/2022, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã bị chất vấn gay gắt về kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp cùng thông điệp không mấy lạc quan cho hoạt động kinh doanh sắp tới.
“Quý vị hãy đợi đến quý II-III, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hòa Phát thê thảm thế nào và cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước” ông Trần Đình Long phát biểu trong buổi họp.
Phát biểu này tạo ra cú sốc đối với nhà đầu tư, khiến cổ đông HPG ngồi trên đống lửa. Lực bán HPG càng ngày càng quyết liệt hơn. Vào phiên 21/6/2022, cổ phiếu HPG của Hòa Phát rơi về vùng giá 20.700 đồng, mức thấp nhất trong 18 tháng. Thị giá của HPG giảm 1/2 kể từ khi giá đạt đỉnh hồi tháng 10/2021. Vốn hóa của HPG bốc hơi 130.000 tỷ đồng (~5.6 tỷ USD) từ vùng đỉnh xuống còn quanh 121.000 tỷ đồng như hiện tại (~ 5.2 tỷ USD). HPG ngậm ngùi rời khỏi top 10 mã chứng khoán có vốn hóa cao nhất thị trường Việt Nam.
Trong 6T2022, tổng sản lượng của HPG đạt 4.2 triệu tấn thép (+1.9% CK). Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 793,756 tấn (+70% CK). Sản lượng xuất khẩu của thép xây dựng và phôi thép đạt 2.3 triệu tấn (+23.4% CK).Trong 2Q22, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 37,714 tỷ (+6% CK) nhưng do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong bối cảnh giá bán hạ liên tục, dẫn đến lợi nhuận ròng 2Q22 chỉ đạt 4,023 tỷ (-59% CK). Tính cho cả 1H22, doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG lần lượt đạt 82,118 tỷ (+24% CK) và 12,229 tỷ (-27% CK)
Chuyện gì đã xảy ra với HPG vậy?
Chúng ta cùng nói đến định nghĩa Cyclical Stock (cổ phiếu chu kỳ).
Phải khẳng định rằng, HPG là một cổ phiếu mang tính chất chu kỳ. Đây là đặc điểm rất rõ ở các ngành sản xuất, sau giai đoạn thị trường bùng nổ thường sẽ đến giai đoạn thoái trào, sau đó là giai đoạn phục hồi.
Ngành thép thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đã có dấu hiệu “bên kia sườn đồi” từ tháng 10/2021. Lý do vì sao ư?
Cùng nhìn vào giá thép qua các năm
Sau khi tạo đỉnh vào ngày 8/10/2021, giá thép trên thế giới có xu hướng giảm mạnh, đây cùng đồng thời là giai đoạn đi xuống của của cổ phiếu HPG.
Sau 3 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi, giá thép lại lao đao vì đủ loại nguyên nhân, tiêu biểu như sau:
-
Giá nguyên vật liệu tăng mạnh sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, quan trọng nhất là giá than coke (nguyên liệu sản xuất thép) tăng từ 100-200 USD/tấn
-
Chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm, trong khi nước này chiếm 60% sản lượng tiêu thụ của thế giới.
-
Không chỉ giá bán đi xuống mà nhu cầu trong nước cũng không có tín hiệu tích cực. Các dự án đầu tư công được cho là “cứu cánh” của ngành thép nhưng tốc độ giải ngân lại siêu chậm. 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt khoảng 30% kế hoạch.
-
Ngoài những yếu tố vĩ mô kinh tế thì yếu tố khí hậu cũng tác động tới ngành thép khi Việt Nam đang rơi vào mùa mưa từ tháng 7 - tháng 9, đây cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép. Thời tiết mưa nhiều sẽ ảnh hưởng tới các công trình xây dựng, xây ít hơn đồng nghĩa với việc mua thép ít hơn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản rất khó hồi phụ trong năm nay khi lượng dự án nhà ở thương mại ở Hà Nội và Tp HCM giảm lần lượt trên 30% - 60%
Khó khăn chồng chất khó khăn, HPG liên tục con số hàng tồn kho lên, liệu thép và HPG sẽ đi về đâu trong nửa cuối năm đây?
Một góc nhìn khả quan hơn với HPG trong tương lai
Gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm, nhưng tuy nhiên nửa cuối năm cũng có những triển vọng tích cực mà chúng ta nên quan tâm.
Đầu tiên đó chính là giá nguyên vật liệu đã tạo đỉnh vào tháng 6. Điều này được kiểm chứng khi CPI Mỹ tháng 7 công bố vào ngày 10/8 vừa qua là 8.5, thấp hơn con số 9.1 của tháng 6 và thấp hơn dự báo của các chuyên gia.
CPI Mỹ qua từng tháng
Giá quặng sắt, than cốc có dấu hiệu giảm sâu
Giá quặng sắt đã có lúc về USD 99/tấn, qua đó
trực tiếp giảm áp lực về chi phí đầu vào cho doanh
nghiệp. Tuy nhiên, có thể tác động tích cực này chỉ thể hiện vào quý 4/2022 khi các công ty thép đã bán hầu hết lượng hàng tồn kho giá cao trong nửa đầu năm 2022.
Thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2022 dưới tác động từ chiến tranh Nga - Ukraina vì hiện tại ngành thép của Ukraine bị mất phần lớn sản lượng, Nga và Belarus phải chịu cấm vận. Việc thiếu hụt nguồn cùng giúp các công ty thép Việt Nam hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt là từ thị trường châu Âu.
Mua hay không mua, giá mục tiêu
Ở thời điểm hiện tại, đầu tư HPG hay không cần phải cân nhắc rất kĩ khi nhiều yếu tố đang đè nặng nên ngành thép cũng như doanh nghiệp HPG.
Tuy nhiên với định giá ở thời điểm hiện tại, cá nhân mình nghĩ đây là một mức giá hấp dẫn để nhà đầu tư có thể tham khảo (đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn) vì triển vọng trong năm tới chắc chắn sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm nay.
Đối với những nhà đầu tư ngắn hạn - trader thì mình thấy nhóm thép đang khá tích cực trong giai đoạn này, HPG cũng đã có 1-2 phiên tăng trần từ đầu tháng 8 với khối lượng giao dịch vượt trội. Đường MA20 cũng đang có dấu hiệu chuẩn bị cắt lên đường MA50 nên chúng ta có thể thêm HPG vào watch list, lựa chọn điểm phù hợp để entry.
Bên cạnh đó thì HPG là một công ty có cơ cấu tài chính lành mạnh, chiến lược mở rộng sản xuất rõ ràng. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng HPG với giá mục tiêu trong ngắn hạn là 26.000 và dài hạn là 32.000 đồng.
Lời kết
Bài viết này mang tính chất chủ quan dựa trên research của mình. Mọi người có thể đóng góp thêm ý kiến ở phần comment nhé.
Thanks for reading.
Quach Thai.