CTCP Tập đoàn Hòa Phát HSX:HPG
Nói về Hòa Phát thì có viết dài như cái bài văn mẫu của các bác năm xưa luyện thi đại học cũng không hết được. Trong bài viết này em sẽ chỉ tập trung vào 4 vấn đề sau:
- Kết quả kinh doanh
- Câu chuyện thị phần
- Đóng góp của nhà máy Dung Quất
- Động lực tăng trưởng trong tương lai gần
I/ Kết quả kinh doanh: Cú chuyển mình cực mạnh khởi đầu từ Q4.2019
Trên biểu đồ có thể thấy rõ, HPG đã có cú chuyển mình cực mạnh từ Q4 2019
Trong Q4/2020, Doanh thu và Lợi nhuận quý 4 của Tập đoàn Hòa Phát đạt lần lượt là 25,778 tỉ đồng, và 4,660 tỉ đồng đạt mức tăng trưởng đáng kể là 43% trong khi lợi nhuận ròng tăng vọt +142% so với cùng kỳ
Lũy kế cả năm 2020, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty đạt lần lượt là 91,3 nghìn tỷ đồng (+43% so với cùng kỳ) và 13,5 nghìn tỷ đồng (+78% so với cùng kỳ).
Đi song song với KQKD các chỉ số và hiệu suất đầu tư của HPG cũng tăng theo:
Theo tiêu chí CANSLIM của Wiliam O’Neil, một doanh nghiệp được coi là tốt khi đạt chỉ số ROE tối thiểu là 15%. Và chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) yêu cầu doanh nghiệp đạt mức tối thiểu là 7,5%.
=> HPG đã và đang trở lại đáp ứng đủ 2 tiêu chí này
*/Khi ROE tăng đều và ổn định tức là doanh nghiệp làm ăn tốt, sử dụng nguồn vốn hiệu quả và cổ phiếu của doanh nghiệp được đánh giá rất cao.
**/ ROIC = (Thu nhập ròng - cổ tức) / (nợ + vốn chủ sở hữu)
=> Giá trị ROIC cao hơn chi phí vốn cho biết công ty đó mạnh và đang phát triển, trong khi ROIC thấp hơn chi phí vốn cho thấy một mô hình kinh doanh không bền vững.
Tỷ suất lợi nhuận ròng tăng mạnh nhờ công suất hoạt động cao và xu hướng tăng giá thép
Điều này là do:
(1) gia tăng công suất hoạt động ở tất cả các lò giúp giảm chi phí cố định trên mỗi sản phẩm;
(2) gia tăng sản lượng HRC (sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn)
(3) giá thép tăng. Giá thép xây dựng tăng khoảng 28% trong 3 tháng cuối năm 2020 theo đà tăng giá thép trên thế giới, cũng như giá nguyên liệu tăng (đặc biệt quặng sắt và thép phế liệu, lần lượt tăng 37% và 57%) do nguồn cung quặng sắt bị gián đoạn, cũng như việc Trung Quốc quay trở lại nhập khẩu thép phế liệu.
II/ Câu chuyện thị phần: “Chén thánh” của doanh nghiệp sản xuất và bán hàng.
Thị phần của HPG đối với thép xây dựng tăng mạnh mẽ tính từ 2019 đạt 32,5% trong năm 2020, tăng từ 26% trong năm 2019.
Điều này chủ yếu được thúc đẩy nhờ thị trường miền Nam, cũng như xuất khẩu
Thật ra nếu xem xét thị phần trong khoảng 40%-50% của các công ty hàng đầu thị trường ở các nước khác như Posco ở Hàn Quốc và Nippon ở Nhật Bản thì thị phần của HPG vẫn còn dư địa để tăng thêm
III/ Đóng góp từ Nhà máy Dung Quất:
Con số không biết nói dối, chỉ cần nhìn vào sự tương quan giữa 2 biểu đồ Tài sản và KQKD này của HPG đã có thể thấy rõ đóng góp của Nhà máy Dung Quất cho HPG là như thế nào:
Tại thời điểm Q3 2019 trên biểu đồ tài sản, cụ thể là tại khoản mục “ Tài sản dở dang dài hạn” - mà ở đây cụ thể chính là khoản đầu tư vào Nhà máy Dung Quất – đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, Khoản tài sản này dần chuyển sang trở thành “Tài sản cố định” cho HPG khiến cục tài sản cố định của HPG tăng chóng mặt
Tương ứng với đó, kết quả kinh doanh của HPG đã phản ánh ngay lập tức đóng góp này khi cả doanh thu vào lợi nhuận ngay khi vừa bắt đầu xìu xuống, không còn tăng trưởng tại Q2 – Q3 2019 thì ngay lập tức ngóc đầu tăng trở lại ngay sau Q4 2019 – Chỉ 1 Quý sau khi Dung Quất chính thức đi vào hoạt động
Tính đến thời điểm BCTC Q42020, với đóng góp từ nhà máy Dung Quất. Hoạt động kinh doanh của HPG đã có những thành tựu ấn tượng khi sản lượng sản xuất thép cao kỷ lục – tất cả các lò đều đạt công suất tối đa:
- Về thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ của HPG trong Q4/2020 đạt 913 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kỳ.
• Về phôi thép, sản lượng tiêu thụ phôi thép đạt 370 nghìn tấn, tăng 168%. Tuy nhiên, so với Q3/2020, sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng và phôi thép lần lượt giảm 6% và 29% so với quý 3. Điều này có thể là do việc phân bổ tỷ trọng sản lượng sản xuất HRC cao hơn, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với thép xây dựng và phôi thép.
• Về thép HRC, sản lượng sản xuất của HPG đạt khoảng 470 nghìn tấn trong Q4/2020, cao
gấp đôi so với quý trước.
• Về thép thô, tổng sản lượng sản xuất của thép thô trong quý ước tính đạt mức cao kỷ lục
là 1,8 triệu tấn, tăng 70,5% so với cùng kỳ nhờ lò cao thứ 2 và thứ 3 của Dung Quất bắt
đầu đi vào hoạt động lần lượt vào tháng 11/2019 và tháng 8/2020. Lũy kế cả năm 2020, sản lượng sản xuất thép thô của HPG đạt 5,8 triệu tấn, cao gấp đôi so với năm trước
IV/ Các yếu tố tác động tới triển vọng kinh doanh của HPG trong thời gian tới:
Tiêu thụ thép thành phẩm tăng nhẹ trong tháng 1 trong khi HRC chứng kiến đợt tăng mạnh.
Mặc dù tăng trưởng sản lượng thép xây dựng không mấy khả quan trong tháng đầu năm, nhưng tiêu thụ HRC lại tăng đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 670.000 tấn, tăng 67% so với cùng kỳ, trong đó, HRC tăng trưởng mạnh nhất, đạt 252.000 tấn, tăng 48% so với tháng 12/2020.
Lò cao thứ 4 của Dung Quất đã đi vào hoạt động:
Lò cao cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động từ tháng 1/2021, nâng công suất sản xuất thép thô của HPG lên khoảng 8 triệu tấn/năm. Công suất thép HRC là 3,5 triệu tấn và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa trong vòng hai năm tới. Đồng thời, sản lượng thép thô theo tháng đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là cơ sở để Hòa Phát đẩy mạnh sản xuất và cung cấp HRC cho thị trường trong nước.
Kế hoạch mở rộng công suất thép:
HPG đang lên kế hoạch mở rộng dự án Khu liên hợp Dung Quất với công suất 5 triệu tấn, trong đó 3 triệu tấn là HRC. Theo ban lãnh đạo, dự án có thể khởi công vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động trong năm 2025.
Dự báo giá quặng sắt & HRC sẽ tăng 10% do thiếu hụt nguồn cung:
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc bị ảnh hưởng không nhỏ khi làn sóng dịch bệnh mới tại tỉnh Hà Bắc – vốn đóng góp hơn 20% tổng sản lượng cho quốc gia này – khiến các hoạt động giao thông vận tải với tỉnh này bị hạn chế.
Các chuyên gia trong ngành dự báo giá quặng sắt và HRC sẽ tăng thêm 10% trong ngắn hạn trong bối cảnh nguồn cung bị sụt giảm trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm thép vẫn gia tăng khi các nước liên tục công bố kế hoạch tăng đầu tư công từ năm 2021.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trên cơ sở dịch bệnh kiểm soát tốt hơn, (ii) kỳ vọng kinh tế vĩ mô phục hồi, (iii) chính sách đẩy mạnh đầu tư công, và (iv) nhu cầu đầu tư nhà xưởng, Khu công nghiệp tăng nhờ thu hút FDI gia tăng.
Chính điều này sẽ thúc đẩy ngành thép sản xuất trong nước tăng trưởng hơn nữa trong năm 2021.
[!] Thêm 1 điểm sáng khá thú vị tác động tới lợi nhuận HPG trong thời gian tới đó chính là môi trường lãi suất thấp
Có thể thấy, Tỷ lệ nợ vay / tổng tài sản của HPG duy trì ổn định ở mức an toàn. Tuy nhiên, với quy mô tổng tài sản cực lớn, tổng nợ của HPG cũng lớn không kém
Với việc nợ của HPG chủ yếu là nợ ngắn hạn, vậy hiển nhiên trong môi trường lãi suất thấp và các chính sách của chính phủ đang hỗ trợ cực mạnh vốn vay cho DN hồi phục trở lại sau đại dịch thì HPG sẽ được lợi không hề nhỏ và tác động tích cực đến lợi nhuận của DN
V/ Đồ thị kỹ thuật
Trend giảm ngắn hạn theo thị trường chung cùng áp lực bán lớn từ khối ngoại thời gian gần đây đang là áp lực đề nặng lên quá trình tăng giá của HPG.
Một cú hích đục thủng trend giảm ngắn hạn cũng là điểm break nền giá ngắn trước đó sẽ là động lực kỹ thuật cho HPG phi mạnh.
Target:
- Trung hạn 49
- Dài hạn: =]] CP tăng trưởng như HPG thì quên target dài hạn đi. còn tăng trưởng là còn ôm được, đặt ra target làm gì rồi lại thay đổi.