Hòa Phát là doanh nghiệp thép đầu ngành sở hữu chuỗi giá trị hoàn thiện tại Việt Nam.
Năm 2025, Hòa Phát sẽ được thúc đẩy chủ yếu nhờ 3 yếu tố:
Đảm bảo đầu ra nhờ đẩy mạnh đầu tư công, các dự án NOXH, thị trường BĐS ấm lên, và;
Đáp ứng được nhu cầu thép HRC nội địa trong năm 2025 nhờ khai thác dự án Dung Quất.
Biên lợi nhuận cải thiện do giá thép nội địa dự kiến đi ngang và chi phí đầu vào giảm
Trung bình 30 - 40% chi phí xây dựng các dự án ĐTC là liên quan đến thép và Hòa Phát thì chiếm khoảng 40% thị phần thép xây dựng nên việc đẩy mạnh ĐTC sẽ có lợi rất lớn cho HPG.
Trong 9 tháng đầu 2024, sản lượng thép HRC sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu trong nước còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vậy nên khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, sản lượng HRC tiêu thụ của Hòa Phát năm 2025 có thể tăng tới 70%.
Theo VPBankS, sản lượng HRC tiêu thụ của HPG có thể đạt 6 triệu tấn vào năm 2025 và 7 triệu tấn vào năm 2026 so với khoảng 3.5 triệu tấn tại năm 2024.
Ngoài ra, với nhu cầu thép nội địa dự kiến duy trì tích cực và giá các loại quặng sắt, than cốc trên thế giới có thể tiếp tục giảm do triển vọng kém tích cực tại Trung Quốc, biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát có thể cải thiện trong thời gian tới.
Ngày 5/12/2024, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất - công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Buổi lễ có sự tham gia của các đối tác quốc tế hàng đầu như SMS Group, WISDRI và MINMETALS, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống sản xuất của dự án.
Dự án Dung Quất 2 có quy mô 280ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ thép sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép… với công suất 5,6 triệu tấn thép/năm.