Thêm ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023
Trước đó, đã có 3 ngân hàng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 là VPBank, ACB và VIB.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) thông báo chốt danh sách cổ đông vào 17/1/2023 để lấy ý kiến về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023. Thời gian thực hiện lấy kiến là từ ngày 31/1 – 12/2/2023.
Trước đó, TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.
Tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 36%, đạt 8.200 tỷ đồng. Như vậy, dù tăng trường khá tốt song ngân hàng này vẫn chưa đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2022.
TPBank là ngân hàng mới nhất công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm dành nguồn lực củng cổ nền tảng vốn và hỗ trợ khách hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, VPBank, ACB và VIB cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.
Với kết quả kinh doanh tích cực, lãnh đạo VIB cho biết sau khi kết thúc năm tài chính 2022, ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phương án này được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.
“Con số 35% này có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022”, đại diện VIB chia sẻ.
Cuối buổi đại hội cổ đông năm 2022, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: “Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm”.
Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.
Tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023), bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.
Dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của 12 ngân hàng: Hai ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm
## Theo ước tính của SSI Research, phần lớn ngân hàng đều ước tính tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý IV/2022, có hai ngân hàng ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm là MB và OCB.
Theo báo cáo phân tích mới nhất của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố, các chuyên gia phân tích ước tính phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng dương trong quý IV/2022.
Đối với Ngân hàng TMCP Đâu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 5.400 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 88-90% so với cùng kỳ nhờ chất lượng tài sản được kiểm soát và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng lên. Tăng trưởng tín dụng và huy động dự kiến lần lượt đạt 12,7% và 9% vào cuối năm.
Năm 2023, do dư nợ cho vay của BIDV đối với cả lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều ở mức thấp, SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế ngân hàng tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG), chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận cả năm đạt 21.200 - 21.400 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, riêng quý IV/2022 lợi trước thuế đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tính đến 30/11/2022 lần lượt là 10,7% và 5,1% so với đầu năm.
Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VietinBank dự kiến đạt 24.400 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
SSI Research cũng dự báo rằng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ, tính riêng quý IV đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh này được thúc đẩy bởi mức NIM tiếp tục được cải thiện nhờ tăng trưởng tín dụng vượt tăng trưởng huy động (19% so với 9%) và chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ảnh: Vietcombank)
Đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – Mã: VIB), SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ do áp lực gia tăng đối với chi phí vốn và tỷ trọng cho vay mua nhà cao. Năm 2022 lợi nhuận trước thuế có thể đạt 10.600 tỷ đồng, vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đề ra.
Với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – Mã: ACB), lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 có thể đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ, mang lại lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 khoảng 17.000 tỷ đồng. tăng 41,9% so với cùng kỳ. Trong quý IV, các chuyên gia cho rằng ACB có thể hạ lãi suất cho vay để tận dụng hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ, do dó NIM sẽ giảm so với quý III.
Trong năm 2023, SSI Research dự báo ACB sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 15% so với cùng kỳ, với NIM là 4,05%, giảm 0,2 điểm % so với cùng kỳ và ROE là 23,7%, giảm 2,7 điểm %.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB – Mã: MSB), lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 ước tính đạt 1.200-1.300 tỷ đồng nhờ NHNN nâng hạn mức tín dụng hơn 6% vào đầu tháng 12, giúp MSB đạt mức tăng trưởng tín dụng 16,5% vào năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trong quý IV tăng so với quý III dưới tác động của việc lãi suất tăng cao.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế ngân hàng ước tính đạt 6.150 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 90% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra với NIM là 4,3% tăng 0,64% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể tăng lên 1,75% trong quý IV và 1,8% trong năm 2023 do đó chi phí dự phòng cũng sẽ tăng lên.
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB), SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV đạt hơn 1.800 tỷ đồng tăng 63,5% so với cùng kỳ, giúp zSacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm đạt hơn 6.300 tỷ đồng. Theo đó, việc xử lý các khoản nợ tồn đọng sẽ là động lực chính để ngân hàng tăng lợi nhuận cốt lõi.
Năm 2023, chuyên gia kỳ vọng Sacombank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 11.500 tỷ đồng với NIM là 4,48%, tăng 0,95 điểm % so với cùng kỳ. ROE tăng từ 13,9% lên 22%.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB), trong quý IV, tăng trưởng sẽ duy trì ở mức cao tại ngân hàng mẹ (60-70% so với cùng kỳ) do tín dụng có thể tăng tốc vào cuối năm và tiến sát hạn mức tín dụng 30% do NHNN cấp. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế ước tính đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ.
Năm 2023, các chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 13% so với mức lợi nhuận năm 2022 (khi ngân hàng nhận được khoản phí bancassurance trả trước).
Còn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB), NIM có thể tăng nhẹ trong quý IV so với quý III do NHNN tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Các chuyên gia cho rằng TPBank đã duy trì được thanh khoản ở mức hợp lý nên không tăng mạnh lãi suất huy động như các ngân hàng cùng quy mô khác.
Tuy nhiên, theo ước tính của SSI Research, có ba ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm jtrong quý IV/2022. Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – Mã: HDB), chuyên gia ước tính rằng ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra với lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, riêng quý IV được dự báo không đổi so với cùng kỳ.
Năm 2023. HDBank được dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 9.250 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ với NIM giảm nhẹ (đạt 4,32% giảm 0,03 điểm % và ROE là 21,1%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã: MBB) là ngân hàng tiếp theo SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý IV, đạt 4.500 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, Năm 2022, MB ghi nhận 22.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36% so với cùng kỳ.
Năm 2023, chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 26.000 tỷ đồng tăng 15,65 so với cùng kỳ, tương đương với ROE là 24,6%.
Cuối cùng, đối với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã: OCB), lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 dự kiến sẽ giảm đáng kể 22,8% so với cùng kỳ xuống còn 1.350 tỷ đồng, chủ yếu do gặp bất lợi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong năm 2022 cũng như giảm thu nhập phí thuần.
Năm 2023, SSI Research dự báo OCB sẽ đạt 4.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,6% so với cùng kỳ với ROE là 13,3%.
Khối ngân hàng thương mại quốc doanh cập nhật kết quả kinh doanh năm 2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá. BIDV có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lên tới trên 70% so với năm 2021.
Big 4 ngân hàng báo lãi lớn năm 2022. Ảnh: Internet.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Nguyễn Thị Phượng cho biết, ngân hàng đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra với mức lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 40% so với năm trước.
Với kết quả này, Agribank cùng hai ngân hàng có vốn nhà nước khác là BIDV, VietinBank đều ghi nhận mức lợi nhuận tiệm cận ngưỡng một tỷ USD.
BIDV là ngân hàng quốc doanh có mức bứt phá mạnh nhất với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2021, vượt 13% kế hoạch năm.
BIDV tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021.
VietinBank là ngân hàng quốc doanh có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất trong nhóm năm 2022, với lơi nhuận riêng lẻ ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Đại diện VietinBank cho biết, điểm đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2022 là kết quả thu hồi nợ xử lý rủi ro với kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.
Quán quân lợi nhuận năm nay vẫn thuộc về Vietcombank với mức lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% đạt khoảng 36.770 tỷ đồng.
Vietcombank vẫn chiếm lợi thế lớn khi tỷ lệ CASA duy trì mức cao, khoảng 34% tổng huy động vốn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết (chiếm 70% tổng tài sản, 71% dư nợ và 68% tiền gửi khách hàng của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến ngày 30/9/2022) cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm 2022, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, trong đó 7 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, dù có mức tăng trưởng khá tốt nhưng nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận một phần dựa vào giảm trích lập dự phòng rủi ro và đa số các ngân hàng vẫn chưa đạt tới 75-80% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, đại diện một số ngân hàng, nếu tính riêng quý IV/2022, lợi nhuận của ngân hàng đi ngang do hạn chế về room tín dụng, lãi suất huy động tăng cao và cả áp lực trích lập dự phòng quý cuối năm.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, từ quý III/2022, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng không như kỳ vọng. Có 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2022, nhưng mức độ cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước đó.
Về lợi nhuận trước thuế năm 2022, có 87% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và và 3,7% nhận định đi ngang.
Ngày 13/01/2023, HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) vừa thông qua nghị quyết rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu KLB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) do diễn biến thị trường chưa thuận lợi cho việc niêm yết và lợi ích của cổ đông.
HĐQT sẽ báo cáo ĐHĐCĐ tại phiên họp gần nhất về nội dung này và trình cổ đông việc tiếp tục niêm yết cổ phiếu vào thời điểm thị trường thuận lợi, tích cực hơn.
Tháng 12/2021, KienlongBank đưa ra kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và đổi tên thành KSBank nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận do chưa đảm bảo tuân thủ quy định.
Đến tháng 8/2022, HOSE thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của KienlongBank với khối lượng 365.3 triệu cp. Ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết là 03/08/2022.
Trên sàn UPCoM, kết phiên 13/01, giá cổ phiếu KLB dừng ở mức 12,200 đồng/cp, xấp xỉ đầu năm và giảm gần 70% giá trị so với mức đỉnh tháng 3/2022 (39,900 đồng/cp).
Lộ diện 3 ứng viên vào HĐQT Eximbank: Bamboo Capital dự kiến có thêm 1 ghế, đại diện công ty BĐS, chứng khoán góp mặt
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) bao gồm ba thành viên.
Bà Lê Thị Mai Loan , sinh năm 1982, có bằng Cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Quản trị Paris. Bà hiện đang là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang - công ty có nhiều quan hệ với Bamboo Capital (một tập đoàn giàu tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo).
Trước đây, bà Lê Thị Mai Loan cũng đảm nhiệm cương vị là Chủ tịch thường trực tại Tracodi Tracodi Trading & Consulting; đồng thời là cựu Thành viên BKS của Bamboo Capital và Phó Chủ tịch thường trực Công ty CP BCG Land. Cả BCG Land và Tracodi vốn là thành viên thuộc Bamboo Capital. Bà Loan mới chỉ thôi các chức vụ tại BCG Land và Tracodi từ tháng 9/2022.
Trước đó, Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam cũng xuất hiện tại đại hội cổ đông bất thường của Eximbank. Tháng 5/2022, Eximbank cũng công bố hợp tác chiến lược với AAA - công ty bảo hiểm thuộc Bamboo Capital.
Hiện trong HĐQT Eximbank cũng có một đại diện của nhóm Bamboo Capital là ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital (BCG).
Thành viên thứ hai dự kiến được bầu vào HĐQT Eximbank là ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1982), trình độ Cử nhân Ngân Hàng - Tài Chính, Đại học Kinh tế Quốc Dân. Ông Dũng hiện giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Mỹ và Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Filmore.
Ông Dũng cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như Phó Giám đốc khối Doanh Nghiệp lớn Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Giám đốc Quản lý Khách hàng Doanh nghiệp (SRM) Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam,…
Bên cạnh 2 ứng viên nêu trên, Eximbank cũng dự kiến bầu ông Trần Anh Thắng vào ghế Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ VII (2020 – 2025).
Ông Thắng sinh năm 1984, có bằng Cử nhân Tài Chính và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học Latrobe. Ông Thắng đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Amber Capital Holdings và CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước; đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Được biết, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày hôm nay (16/1) tại TP. Hồ Chí Minh để bầu bổ sung thành viên HĐQT và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội.
Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được đưa ra sau khi 2 thành viên HĐQT của Eximbank liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Trước đó, nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB. Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cp EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty Cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).
Ngoài 2 nhân sự trên, hồi tháng 9, ông Võ Quang Hiển cũng không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9.
Mới đây, Eximbank cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình cổ đông thông qua. Trong đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.
SMBC đã thoái vốn tại Eximbank?
Trong dòng chảy thông tin liên quan đến Eximbank, phiên giao dịch cuối tuần trước (13/1) ghi nhận hơn 134 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị giao dịch lên tới 3.421 tỷ đồng, trong đó, phần lớn các cổ phiếu EIB được giao dịch ở mức giá 25.500 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản EIB tăng vọt nhờ hoạt động sang tay của khối ngoại cho khối nội. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB, giá trị gần 3.420 tỷ đồng.
Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank trước phiên giao dịch ở mức 18,95% thì nhiều khả năng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông nước ngoài nắm giữ 15% tại ngân hàng này đã thoái vốn trong phiên cuối tuần vừa qua.
Trước đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
NHNN ngày 18/10/2022 cũng đã có văn bản “chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank”
Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều thông tin cho biết, SMBC đã thoái vốn toàn bộ vốn tại Eximbank trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa bị đình chỉ giao dịch chứng khoán do mua chui cổ phiếu của ngân hàng này.
Cụ thể, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ ngày 10.10 – 19.10.2022, Công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu mua tổng cộng 10.325.800 cổ phiếu ACB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (tương ứng 103.258.000.000 đồng mệnh giá) nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính số tiền lên tới 3 tỷ đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 4 tháng đối với Công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, tính từ ngày 11.1.2023.
Dữ liệu tại thời điểm 26.10.2022 cho thấy, Ban chấp hàng Công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu sở hữu hơn 41,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,24%, là cổ đông lớn thứ 4 của ngân hàng này.
Cận Tết Nguyên đán, gửi tiền ngân hàng nào được hưởng lãi suất cao nhất?
(ĐTCK) Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các doanh nghiệp phần lớn cũng đã chi trả lương tháng thứ 13 hoặc thưởng Tết cho cán bộ nhân viên. Dù ít hay nhiều, mỗi người lao động đều đã có kế hoạch chi tiêu cho mình dịp Tết này, đồng thời cũng muốn chọn ngân hàng có lãi suất cao để gửi tiết kiệm.
Nhà băng nào đang niêm yết lãi suất cao
Bảo Anh, nhân viên marketting tại một công ty công nghệ ở Hà Nội cho biết, hôm thứ Sáu, ngày 13/1 vừa qua, công ty cô đã chi tháng lương thứ 13 và thưởng thêm 1 tháng lương cho toàn bộ nhân sự có thâm niên 12 tháng trở lên.
Sau khi nhận “ting ting” về tài khoản, cô đã lên kế hoạch mua sắm các vật dụng cho dịp Tết và một vài “bộ cánh” mới để diện Tết và cũng dành tiền mua quà về cho gia đình. Cô còn nhờ bạn làm ở ngân hàng đổi cho chút tiền mới để lì xì.
Bảo Anh cũng cho biết thêm, do được nhận cùng một lúc tới 2 tháng lương nên dịp Tết này cô có chút dư giả muốn gửi tiết kiệm để dành dụm. Qua theo dõi trên mạng xã hội và đọc báo thì thấy lãi suất ngân hàng hiện tại đang rất cao nên Bảo Anh có ý định gửi phần còn lại tiền thưởng vào ngân hàng để qua năm mới có “vốn dắt lưng”.
Qua tham khảo trên website của một số ngân hàng, Bảo Anh nhận thấy mức lãi suất cao nhất hiện nay được các nhà băng áp dụng mức tối đa 9,5%/năm, song phải gửi kỳ hạn dài.
Cụ thể, SCB hiện đang có lãi suất cao nhất ghi nhận ở mức 9,95%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, không kèm yêu cầu về hạn mức tiền gửi.
Mức lãi suất cao thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng kỳ này là 9,5%/năm đang được triển khai tại DongA Bank, LienVietPostBank, BacA Bank, HDBank, Techcombank và Saigonbank.
Nhưng mỗi ngân hàng sẽ áp dụng tại kỳ hạn và có các điều kiện đi kèm khác nhau. VPBank và VietBank cùng có lãi suất khá cao nhất là 9,3%/năm. Còn tại OceanBank và MSB đang cùng huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất là 9,1%/năm.
Tuy nhiên, với mức lãi suất 9,3-9,5%/năm nói trên được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn dài ngày từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, Bảo Anh và một số khách hàng khác chỉ muốn gửi kỳ hạn khoảng 6 – 9 tháng trở xuống.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống đều được các ngân hàng áp mức kịch trần 6%/năm và thấp hơn chút đỉnh ở khối ngân hàng có vốn nhà nước.
Còn với kỳ hạn tiền gửi từ 6-9 tháng được một số ngân hàng, trong đó phải kể đến là ở một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ niêm yết mức lãi suất cao từ 8-9%/năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng Bản Việt lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 8,6%/năm. Còn tại VietA Bank lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng được niêm yết ở mức 8,6-8,7%/năm. Đáng chú ý, tại Vietbank, lãi suất kỳ hạn 7-10 tháng còn cao hơn khi niêm yết mức 9,3%/năm.
Xu hướng giảm dần từ quý II/2023
VCBS dự báo, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm nay, sau đó sẽ dần hạ nhiệt nửa cuối năm.
VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%. Như vậy, áp lực tăng lên của mặt bằng lãi suất vẫn còn.
Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.
VNDirect cũng đưa ra nhận định, đà tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023.
Vì thế, VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 2-3% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm. Lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023.
Đồng thời, Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp lãi suất tiền gửi có thể giảm nhẹ.
Tình hình đầu quý III/2023 sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ cuối quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần về cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đã dự báo về lãi suất, đồng thời nhận định 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn 2022.
Mặc dù biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động, song năm 2023, lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.
Đồng thời, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng.
Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, với áp lực lãi vay hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Vì thế, trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 1 - 1,5% theo yêu cầu, song trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm trong nửa đầu năm nay.
Còn các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Để ổn định mặt bằng huy động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, song chỉ mới một vài ngân hàng đưa mức lãi suất tiền gửi về 9,5%, vì áp lực thanh khoản cuối năm.
Thế nhưng, tại một số ngân hàng, dù đang niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5%, song nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, hoặc có thể đáp ứng được một số điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online, là khách hàng thuộc diện ưu tiên…, thì người gửi tiền còn nhận được cộng lãi suất, đó là chưa kể lãi suất theo thỏa thuận “ngầm” giữa ngân hàng và khách hàng gửi tiền lớn. Do đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thực tế hiện ghi nhận vẫn là hơn 12-13%/năm.
Chỉ thị của Thống đốc NHNN đầu năm 2023: Kiểm soát chặt lãi suất tiền gửi, khuyến khích các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu
Ngày 17/01, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
Chỉ thị xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2023, bao gồm:
Một là , điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hai là , kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là , triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD; trong đó tập trung chỉ đạo TCTD tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD.
Bốn là , thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Năm là , tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các quy định trong hoạt động ngân hàng.
Sáu là , cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bảy là , tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án của Ngành đã ban hành.
Trên cơ sở các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát trên, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN Trung ương tham mưu cho Thống đốc, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, Thống đốc yêu cầu điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh ; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,… Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng và các chỉ tiêu kế hoạch được giao; Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2023 bám sát các giải pháp điều hành CSTT, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN.
CácTCTD tiếptục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường .
Ngoài ra, các ngân hàng cần thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; Thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, NHNN về: (i) lãi suất, phí cho vay, trong đó kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; (ii) các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các tỷ lệ về an toàn vốn và khả năng thanh khoản. Kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; (iii) các quy định về kiểm soát nội bộ tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro có thể phát sinh, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá, khối ngoại gom mạnh nhóm ‘Big3’
Đóng cửa phiên 18/1, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20/27 mã tăng giá. Khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng với tâm điểm tập trung vào CTG, BID và VCB.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng trong phiên giao dịch 18/1 và là động lực chính dẫn dắt đà tăng thị trường.
Đóng cửa, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20/27 mã tăng giá, chỉ 2 mã giảm và 5 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, hai mã giao dịch trên thị trường UPCoM là NAB và SGB dẫn đầu mức tăng toàn ngành khi xanh lần lượt 3,3% và 3,1%.
Bên sàn HOSE, TPB của TPBank có diễn biến giá tốt nhất khi tăng 2,6% lên mức 23.600 đồng, với thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 10 triệu đơn vị. Trong phiên hôm qua, cổ phiếu TPB cũng gây chú ý với thanh khoản đột biến đạt hơn 13 triệu cổ phiếu, gấp 4 lần mức bình quân của 5 phiên liền trước.
Trước đó, TPBank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Các chỉ số sinh lời như ROE đạt 21,48%, ROA đạt 2%, thuộc top hiệu quả trong hệ thống
Phiên hôm nay cũng ghi nhận nhiều mã ngân hàng tăng giá 1 – 2% như BVB và PGB (+1,9%), BAB (+1,5%), VAB (+1,3%), HDB và ABB (+1,2%).
Trong đó, HDB là mã giao dịch tích cực nhất trong phiên sáng khi có lúc xanh gần 2,9% đạt 17.750 đồng/cp. Dù hạ nhiệt sau đó, HDB vẫn lọt vào Top8 mã tăng giá mạnh nhất nhóm ngân hàng. Đây cũng là phiên tăng giá thứ tư liên tiếp của cổ phiếu này với tổng tỷ suất sinh lời 5,1%, qua đó tiếp tục duy trì kênh tăng giá từ giữa tháng 11 đến nay.
Theo thông tin được chia sẻ tại Hội nghị triển khai kinh doanh 2023, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2022 tốt nhất từ trước đến nay, với tổng tài sản vượt mốc 400.000 tỷ đồng, đồng thời lần đầu tiên gia nhập “câu lạc bộ” lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi thế room tăng trưởng tín dụng cao, HDBank cũng được kỳ vọng có nhiều thuận lợi để đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2023.
Ở chiều ngược lại, OCB và EIB là hai mã ngân hàng hiếm hoi đóng cửa phiên trong sắc đỏ, giảm lần lượt 0,6% và 0,2%. Năm mã đứng giá tham chiếu gồm có KLB, NVB, SHB, VIB và VBB.
Thanh khoản khớp lệnh nhóm ngân hàng phiên hôm nay có xu hướng giảm so với phiên 17/1, nhưng vẫn ở mức khá so với bình quân các phiên trước. Trong đó, VPB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với gần 19,7 triệu cổ phiếu, giá trị gần 386 tỷ đồng. Đứng kế sau lần lượt là SHB (16,4 triệu cp), TPB (10,1 triệu cp), MBB (9,9 triệu cp), STB (8,5 triệu cp), LPB (6,7 triệu cp),…
Giao dịch thỏa thuận diễn ra sôi động tại TCB và VPB, với lần lượt 6,9 triệu cp và 6,6 triệu cp được sang tay theo phương thức này.
Về khối ngoại, nhóm này tiếp tục mua ròng mạnh tại nhiều mã ngân hàng như CTG (43,8 tỷ đồng), BID (29 tỷ đồng), VCB (16,3 tỷ đồng), HDB (8,3 tỷ đồng) … Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sang tay nội khối hơn 5,2 triệu cổ phiếu TCB, giá trị 152 tỷ đồng.
Một ngân hàng lãi gấp ba lần năm trước, đâu là động lực chính?
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng trưởng đột biến đạt hơn 3.707 tỷ đồng, gấp gần ba lần năm trước.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB), lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng trưởng bất ngờ cả trong quý IV (tăng 122%) và cả năm (tăng 194% so với năm trước).
Trong quý cuối năm thu nhập từ các mảng chính của Eximbank đều tăng trưởng cao, thu nhập lãi thuần tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước mang về 1.435 tỷ đồng, lãi thuần từ mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 33,7% và 97,8%.
Mặc dù vậy, chi phí hoạt động tăng cao hơn 77% đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm hơn 11%. Tuy nhiên, việc cắt giảm mạnh hơn 77% chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ đã kéo lợi nhuận tăng lên gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.707 tỷ đồng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước (1.260 tỷ đồng năm 2021).
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Eximbank tăng 11,6% đạt 185.298 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 13,8% đạt 130.506 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại Eximbank tăng trưởng hơn 8% đạt 148.814 tỷ đồng.
Số dư nợ nhóm 3 đến nhóm 5 của ngân hàng tăng 4,4% lên 2.347 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại giảm từ 1,96% cuối năm 2021 về 1,8%.
Cuối năm 2022, Eximbank tiếp tục ghi nhận nhiều biến động về nhân sự cấp cao khicác cổ đông nhóm Thành Công và SMBC chính thức rút chân khỏi hội đồng quản trị.
Hai thành viên HĐQTđại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thành Công là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) có đơn từ nhiệm vào ngày 24/10/2022 vì lý do cá nhân.
Ngân hàng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên vào HĐQT ngày 16/1 nhưng bất thành do không đủ túc số, đại hội lần hai dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 2.
Hiện tại, HĐQT của ngân hàng bao gồm 6 thành viên (kể cả hai thành viên của nhóm Thành Công), trong đó bà Lương Thị Cẩm Tú là Chủ tịch.
Ngân hàng cũng đã công bố ba ứng viên được đề cử vào HĐQT. Trong đó,Bamboo Capital dự kiến có thêm một ghế làbà Lê Thị Mai Loan, hiện là Chủ tịch thường trực tại Tracodi Trading & Consulting; đồng thời là cựu Thành viên BKS của Bamboo Capital và Phó Chủ tịch thường trực CTCP BCG Land.
Hai thành viên còn lại làông Phạm Quang Dũng, hiện giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Mỹ và Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Filmore vàông Trần Anh ThắngChủ tịch HĐQT của CTCP Amber Capital Holdings và CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước; đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực. Theo đó, vốn điều lệ của Vietcombank hiện thấp nhất trong số các NHTM Nhà nước, thấp hơn một số NHTM cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.
Nếu không được tăng vốn thì ngân hàng khó có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước; đồng thời cũng không đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 – 3 ngân hàng thương mại nằm trong Top100 ngân hàng lớn nhất (về tài sản) trong khu vực Châu Á”, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vietcombank đánh giá việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phủ hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là khá thách thức. Do đó việc thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang tiếp tục xúc tiến.
Ngoài ra, giải pháp phát hành trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó khăn do đối mặt với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng và gây áp lực gia tăng chi phí vốn của Vietcombank.
Với vai trò là NHTM lớn góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đặc biệt là có đủ nguồn lực tích cực tham gia phương án tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank cho biết rất cần bổ sung vốn để trở thành NHTM Nhà nước có vốn điều lệ lớn nhất thị trường, giữ vững vai trò dẫn dắt ngành ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng cho biết, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Vietcombank như: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém;…
Trước đó, Vietcombank đã ban hành nghị quyết về việc phê duyệt dự thảo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 30/1/2023.
Trong đó, Vietcombank dự kiến bầu bổ sung một Thành viên HĐQT vào thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2018-2023. Ứng viên bầu bổ sung vào chức danh này là ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank.
Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974, có bằng cử nhân Kinh tế Ngoại Thương, Đại học Ngoại Thương và cử nhân Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Vietcombank như Phó TGĐ phụ trách Khối Bán buôn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp Trụ sở chính, Giám đốc chi nhánh Tây Hồ,…
Bên cạnh việc bầu bổ sung Thành viên HĐQT, Vietcombank cũng dự kiến trình kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và trình cổ đông phương án tăng vốn năm 2023.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá FED có thể sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
VTV.vn - Những diễn biến tích cực từ tình hình lạm phát tại Mỹ đang được xem là cơ sở để giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ sớm dừng tăng lãi suất trong thời gian tới, theo Reuters.
Một trong những tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm thay đổi chính sách đó là chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát thường được cơ quan này sử dụng chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua.
Hiện thị trường đang dự báo lãi suất tham chiếu của FED sẽ lên mức 4,5 - 4,75% sau phiên họp tuần này.
Nhiều nhà đầu tư cũng đánh giá FED có thể sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, trước khi dừng đợt tăng lãi suất kỷ lục hiện nay.
Hai năm qua, FED liên tục nâng lãi để hạ nhiệt lãi suất hiện cao nhất 4 thập kỷ, cố gắng đưa chỉ số này về mục tiêu 2%. “FED có thể giảm tốc nâng lãi suất vào tuần sau khi lạm phát đã hạ nhiệt”, Jeffrey Roach, kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho hay.
Nhiều số liệu khác cũng khớp với dự báo này. Khảo sát hôm 27/1 của Đại học Michigan chỉ ra dự báo lạm phát tiêu dùng tại Mỹ trong năm tới đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, với 3,9%.
Các nhà hoạch định chính sách của FED ra tín hiệu lãi suất có thể tăng thêm chút nữa, lên hơn 5%. Họ cũng cảnh báo không giảm lãi suất năm nay để đảm bảo chiến thắng cuộc chiến chống lạm phát.
Tuy nhiên, sau báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy tiêu dùng giảm, giới đầu tư đặt cược FED bắt đầu giảm lãi sớm nhất là từ tháng 9. Tiêu dùng hiện đóng góp hơn 2/3 hoạt động kinh tế tại Mỹ. Vì vậy, các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, cùng với việc sản xuất bắt đầu đi xuống, sẽ làm tăng rủi ro suy thoái trong nửa đầu năm nay.
Paul Ashworth, kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ tại Capital Economics, cho biết: “Khi lãi suất cao gây sức ép lớn lên nhu cầu, chúng tôi dự báo lạm phát lõi sẽ tiếp tục hạ nhiệt năm nay. Điều này sẽ thuyết phục FED bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2023”.
Sacombank (STB): lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm 2022
## Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.
Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 142%.
Năm qua, hoạt động chính mang về 17.147 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Mảng hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khả quan với 5.194 tỷ và 1.062 tỷ đồng lãi, tăng lần lượt 20% và 44%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến 501% lên 2.745 tỷ đồng.
Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.
Chi phí hoạt động trong năm qua của Sacombank tăng khoảng 12%, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tăng 149% (tương đương mức trích dự phòng 3.288 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.
Đáng chú ý, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.
Trước đó, Sacombank thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, nhưng chất lượng tài sản lúc đó xuống dốc mạnh. Tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2016 lên gần 97.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong 5 năm qua, lãnh đạo Sacombank xử lý nợ xấu khá quyết liệt và năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng, ghi nhận kết quả khả quan triển khai Đề án Tái cơ cấu sau sáp nhập.
Lũy kế 5 năm qua (2017 - 2021), Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể. Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47 % so với thời điểm cuối năm 2016.
Nhà băng này cũng đã trích 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án đến cuối năm 2021, từ đó mức lũy kế tăng lên 20.287 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của Đề án.
Đề án cho phép Sacombank tái cấu trúc trong 10 năm, nhưng chỉ sau hơn 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa. Với tốc độ này, dự kiến năm 2023, Ngân hàng sẽ hoàn thành tái cấu trúc.
Mới đây, theo Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), đại diện của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn đã có báo cáo về thay đổi sở hữu tại Sacombank (STB). Theo đó, ngày 5/12/2022, Dragon Capital đã mua tổng cộng 5,11 triệu cổ phiếu STB thông qua các quỹ thành viên.
Trong đó, DC Developing Markets Strategies Public mua thêm nhiều cổ phiếu nhất với 3,01 triệu đơn vị, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Sacombank từ mức 0,2116% lên mức 0,3713%.
Hai quỹ khác là Vietnam Enterprise Investments Limited và Wareham Group Limited cũng mua thêm lần lượt 2,5 triệu và 500.000 cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng lên mức 0,5304% và 0,0721%.
Mặt khác, quỹ Hanoi Investments Holdings Limited bán ra 500.000 triệu cổ phiếu STB, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank xuống còn 0,8516%. Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] và Norges Bank cũng bán lần lượt 100.000 triệu cổ phiếu và 300.000 triệu cổ phiếu STB.
Sau các giao dịch trên, tổng số cổ phiếu mà Dragon Capital sở hữu tại Sacombank tăng lên hơn 99 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ là 5,25% vốn điều lệ ngân hàng.
Các ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm
## Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ECB, BoE đều sẽ họp chính sách trong tuần này, dự kiến tuần này sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Đồng bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các ngân hàng trung ương hàng đầu dự kiến tuần này sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại đợt phục hồi của thị trường trái phiếu trong tháng này đánh giá thấp bằng chứng về lạm phát kéo dài.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều sẽ họp chính sách trong tuần này. Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007, thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, BoE và ECB được cho là sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ mùa Thu năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản.
Theo tờ Financial Times, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực tăng giá vẫn dai dẳng trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất nhanh trên toàn cầu và khoảng cách giữa kỳ vọng của nhà đầu tư và dữ liệu kinh tế đang ngày càng lớn.
Các biện pháp thị trường về lạm phát cho thấy các nhà giao dịch hiện kỳ vọng lạm phát cuối cùng sẽ giảm xuống gần với mục tiêu 2% của Fed và ECB. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá vẫn ở mức 6,5% tại Mỹ và 9,2% tại Khu vực đồng euro. Lạm phát cơ bản - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dao động mạnh và được các ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ, vẫn cao.
Các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp tại hầu hết các nền kinh tế tiên tiến cho rằng lạm phát sẽ vẫn cao hơn mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong trung hạn bất chấp những đợt giảm gần đây. Kỳ vọng lạm phát được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ bởi chúng gắn với yêu cầu về tiền lương, khiến lạm phát tăng cao hơn.
Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Citigroup (Mỹ), Nathan Sheets, cho biết kỳ vọng lạm phát cao có thể kích hoạt các điều kiện lạm phát và mối quan tâm của các ngân hàng trung ương là đảm bảo rằng kỳ vọng lạm phát không tăng quá cao.
Nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại công ty Capital Economics (Anh), Jennifer McKeown, cũng nhận định kỳ vọng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và cao hơn mức phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của các ngân hàng lớn.
Các nhà kinh tế nhận định nếu các ngân hàng trung ương giữ lãi suất cao trong thời gian dài hoặc tăng lãi suất nhiều hơn mức kỳ vọng của các nhà đầu tư, đà phục hồi của thị trường trái phiếu có thể bị phá vỡ.
Giá trái phiếu đã nhanh chóng hồi phục kể từ đầu năm sau đợt bán tháo lịch sử vào năm ngoái khi thị trường đặt cược vào tốc độ tăng lãi suất chậm lại, và thậm chí còn ngược lại trong trường hợp của Fed. Giờ đây, một số nhà đầu tư tỏ ra ngờ vực.
Trưởng bộ phận tín dụng đầu tư tại công ty thị trường vốn DoubleLine Capital (Mỹ), Monica Erickson, cho rằng sẽ rất khó để Fed giảm lạm phát xuống mức 2% mà không để kinh tế rơi vào suy thoái, trong khi Trưởng bộ phận nợ cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo (Mỹ), Maureen O’Connor, nhận định thị trường tín dụng đang được định giá trên cơ sở không suy thoái, trái ngược với dự báo của các nhà kinh tế./.
VIB: Chi hơn 2.100 tỷ tạm ứng cổ tức tiền mặt vào ngày 3/3
Với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 là 8.400 tỷ, ngân hàng có thể chia cổ tức tiền mặt lên đến hơn 28%.
HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – Mã: VIB) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Cụ thể, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng gần 2.108 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức dự kiến ngày 3/3/2023.
Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối, gồm lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là 1.542,67 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mới đây, VIB đã công bố Nghị quyết ĐHCĐ, trong đó, dựa trên dự phóng lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 là 8.400 tỷ, ngân hàng có thể chia cổ tức tiền mặt lên đến hơn 28%.
Trong khi đó, kết thúc năm 2022, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế của VIB đạt 8.461 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với năm 2021. Lợi nhuận chưa phân phối ở mức hơn 9.030 tỷ đồng, tăng 30% so với hồi đầu năm.
Trước đó, thực hiện hướng dẫn của NHNN, các ngân hàng, trong đó có VIB đã không chia cổ tức tiền mặt trong 3 năm 2020-2022. Thay vào đó, VIB đã chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trong với tỷ lệ 20% trong năm 2020, 40% trong năm 2021 và 35% trong năm 2022, chưa kể ESOP và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.
Trên thị trường, cổ phiếu ngân hàng VIB đã có chuỗi hồi phục tích cực trong tháng 1/2023 với mức tăng gần 24% từ mức giá 19.000 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 30/12/2022). Đồng thời, thanh khoản của VIB cũng tăng mạnh, với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt 4,5 triệu đơn vị/phiên.
Nhu cầu vay nóng gia tăng, NHNN tiếp tục bơm mạnh thanh khoản cho hệ thống ngân hàng
NHNN đã có phiên bơm thanh khoản thứ tư liên tiếp cho hệ thống ngân hàng, với lượng hỗ trợ ròng lên tới gần 36.700 tỷ đồng.
Phiên giao dịch đầu tháng 2 chứng kiến hoạt động bơm thanh khoản mạnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, trong phiên hôm qua (1/2), Nhà điều hành đã thực hiện mua kỳ hạn (OMO) gần 24.000 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ 13 thành viên thị trường, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng. Đồng thời, có gần 25.000 tỷ đồng tín phiếu do NHNN phát hành trước Tết đáo hạn, qua đó trả lại hệ thống ngân hàng số tiền tương ứng. Ở chiều ngược lại, chỉ có 12.326 tỷ đồng các hợp đồng mua giấy tờ có giá đáo hạn, tương ứng lượng tiền NHNN hút về.
Tính chung, NHNN đã bơm ròng 36.674 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tháng 2.
Trước đó, cơ quan này cũng liên tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong 3 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, chủ yếu nhờ lượng tín phiếu phát hành trước Tết đáo hạn. Qua đó, đưa tổng lượng tiền NHNN bơm ròng trong tháng 01/2023 lên gần 122 nghìn tỷ đồng, cao hơn quy mô hút ròng 92,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 12 năm ngoái.
Một điểm đáng chú ý là nhu cầu vay cầm cố giấy tờ có giá của các ngân hàng có xu hướng tăng trong những phiên gần đây, khi số thành viên cần hỗ trợ thanh khoản tăng từ 5 trong phiên 27/1 lên 13 thành viên trong phên 1/2. Trước diễn biến đó, NHNN cũng đã tạm dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền về trong 4 phiên vừa qua. Dù vậy, NHNN đã không còn hỗ trợ thanh khoản OMO với kỳ hạn dài 91 ngày như tháng 12/2022 mà chỉ tập trung ở các kỳ hạn 7 - 14 ngày.
Mặt khác, lãi suất VND liên ngân hàng liên tục tăng trong những phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, phản ánh nhu cầu thanh khoản gia tăng của hệ thống.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 31/1, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 90% khối giao dịch) đã tăng lên 6,23%/năm, từ mức 6,13% trong phiên 27/1 và 6,09% ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết.
Trong một diễn biến khác, Fed vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % và đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy NHTW sắp kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ khiến NHNN khó có thể duy trì thanh khoản hệ thống ở trạng thái quá dồi dào và lãi suất liên ngân hàng ít khả năng hạ nhiệt trong thời gian tới.
Theo Chứng khoán Vietcombank, một trong những mục tiêu quan trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%.
Do đó, đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, VCBS cho rằng để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.
Chỉ với 72 triệu đồng, VNZ tăng 4.2 ngàn tỷ đồng vốn hóa sau 2 phiên
Phiên giao dịch 02/02, lần nữa cổ phiếu VNZ có lệnh khớp ở mức giá trần, qua đó nâng vốn hóa Doanh nghiệp lên hơn 11 ngàn tỷ đồng. Nhưng, vấn đề đáng nói nằm ở số lượng cổ phiếu được khớp trong phiên.
Lại là câu chuyện “độc lạ” ở CTCP VNG (UPCoM: VNZ).
Phiên 02/02/2023, VNZ tiếp tục có lệnh giao dịch được khớp ở mức giá trần, diễn ra vào lúc 9h42 phút sáng, và kết phiên với giá 386,400 đồng/cp. Số lượng khớp lệnh là 100 cp, với giá trị giao dịch khoảng 38.6 triệu đồng!
Lại thêm 100 cp VNZ được khớp lệnh trong ngày 02/02
Trước đó, ngày 01/02, VNZ đã trải qua phiên giao dịch có lệnh khớp đầu tiên kể từ khi chính thức lên sàn UPCoM vào ngày 05/01/2023. Cũng với số lượng 100 cp ở mức giá trần - tương ứng biên độ tăng giá lên tới 40%, do trước đó VNZ chưa từng có giao dịch, giá trị thương vụ khoảng 33.6 triệu đồng.
Với hơn 28.7 triệu cp đang lưu hành, vốn hóa của VNZ tại ngày 02/02 hơn 11.1 ngàn tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 2 ngày, với hơn 72.2 triệu đồng được chi ra, vốn hóa của VNG đã tăng “bốc đầu” với mức chênh lệch lên tới 4.2 ngàn tỷ đồng.
Với việc vốn hóa tăng lên, các cổ đông lớn của VNZ chứng kiến giá trị tài sản tăng mạnh. VNZ đang có tỷ lệ sở hữu cô đặc với trên 83% vốn do các cổ đông lớn và một thành viên ban lãnh đạo nắm giữ. Trong đó, nhà đồng sáng lập Lê Hồng Minh - người đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty từ ngày 01/01/2023 - đang nắm 12.3% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương ứng 3.53 triệu cp. Chiếu theo thị giá VNZ ngày 02/02, giá trị tài sản của ông Minh tại đây hơn 1.36 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 516 tỷ đồng so với thời điểm trước ngày 01/02/2023.
Tương tự, VNG Limited - cổ đông ngoại duy nhất của VNZ có trụ sở tại Cayman Islands - đang nắm 61.12% cổ phần lưu hành, tương đương 17.56 triệu cp. Giá trị tài sản của VNG Limited tại ngày 02/02 gần 6.8 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4.2 ngàn tỷ đồng trước đó 3 ngày.
Nhiều ngân hàng lỗ từ hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán
Năm 2022, trong khi thu từ lãi và dịch vụ tăng thì lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng bởi thị trường diễn biến bất lợi.
Thua lỗ từ chứng khoán đầu tư
Thị trường chứng khoán đã có những khoảng thời gian giao dịch tiêu cực vào năm 2022 khiến danh mục đầu tư của hàng loạt tổ chức “bốc hơi”. Không riêng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất sử dụng một phần vốn để đầu tư ngoài hoạt động lõi cũng thua lỗ đậm trong năm qua, nhất là 2 quý cuối năm 2022.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ghi nhận lợi nhuận năm qua đạt 7.828 tỷ đồng trước thuế, tăng 30% so với cùng kỳ, song không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 8.200 tỷ đồng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư lại giảm 70%.
Năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản.
Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 1.702 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và không hoàn thành kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng). Trong đó, nguồn thu chính của ngân hàng - thu nhập lãi thuần tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 3.735 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng lần lượt 62% và 300% so với năm 2021. Mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư lỗ lần lượt 57 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đều lãi hơn 200 tỷ đồng.
Không chỉ với các nhà băng trên, thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho thấy, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần năm qua giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.
Theo báo cáo hợp nhất quý vừa công bố, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo lãi trước thuế năm 2022 hơn 17,114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước, nhờ tăng thu nhập khác và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 22% (3,526 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 20% (1,048 tỷ đồng).
Hoạt động khác thu được khoản lãi gần 990 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Tuy nhiên, mảng chứng khoán đầu tư của ACB giảm đến 92%, chỉ thu được hơn 20 tỷ đồng.
SHB công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 9.659 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước. Tuy nhiên, theo xu hướng chung hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm so với cùng kỳ.
Trong quý IV/2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 38,8% lên 14.809 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng không đáng kể 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh khác lại ghi nhận sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79%, xuống còn 4 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 47%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4%. Mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lỗ 1,9 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế trong quý ghi nhận tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước, mang về 5.349 tỷ đồng. Phần lớn các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm.
Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 23,6% đạt 12.847 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 53% mang về hơn 1.785 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.129 tỷ đồng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó các mảng còn lại (chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu nhập) như mua bán đầu tư kinh doanh chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và các hoạt động kinh doanh khác của Vietinbank lại ghi nhận sụt giảm hơn 36% trong năm 2022 (với mảng chứng khoán đầu tư).
Mảng chứng khoán đầu tư trong quý IV/2022 của BIDV cũng ghi nhận mức giảm hơn 74% khi chỉ ghi nhận hơn 141 tỷ đồng, nhưng cả năm ghi nhận tăng 24,7%.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Trong báo cáo “Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023” mới đây, nhóm phân tích FiinRatings thuộc Fiingroup cho biết lãi suất tăng, biến động tỷ giá, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các ngân hàng.
Theo đó, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản.
Cụ thể, nền lãi suất tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ trong những tháng cuối năm tăng mạnh lên tới 5,2% so với mức lợi suất khoảng 2,2% vào tháng 1/2022. Vì vậy, trái phiếu chính phủ hạch toán theo giá thị trường do các ngân hàng nắm giữ cũng sụt giảm về giá trị. Tỷ trọng trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng giảm từ mức 7,2% cuối năm 2021 xuống mức 6,3% cuối quý III năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2022, VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 32,7% và 56,7% so với đầu năm, khiến danh mục cổ phiếu nắm giữ của các ngân hàng và các công ty con được hợp nhất trên báo cáo tài chính của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Lợi nhuận tăng gần 3 lần, Eximbank lần đầu chia cổ tức sau 1 thập kỷ
## Năm 2022, lãi trước thuế của Eximbank đạt hơn 3.707 tỷ đồng gấp gần 3 lần năm trước, ngân hàng cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 20% kể từ sau năm 2014.
Mới đây, ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa có Nghị quyết quan trọng về việc thông qua ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận 20 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức là 20/2/2023.
Với hơn 1,22 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021.
Trước đó, Eximbank đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 2.459 tỷ đồng, lên mức 14.814 tỷ đồng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn sau hơn một thập kỷ khi vốn điều lệ đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Eximbank, tính riêng quý cuối năm, Eximbank đã ghi nhận 1.438 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng tới 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngân hàng cho biết mức tăng cao của thu nhập lãi thuần chủ yếu đến từ dư nợ cho vay bình quân quý IV/2022 tăng so với cùng kỳ, đồng thời, Eximbank cũng thu được một số khoản lãi từ xử lý nợ xấu giai đoạn này.
Các khoản thu ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh. Theo đó, lãi thuần từ mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 33,7% và 97,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, thu từ góp vốn mua cổ phần và hoạt động khác lại ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của ngân hàng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng cao hơn 77% và tăng cao hơn mức tăng doanh thu khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm hơn 11%. Tuy nhiên, nhờ việc cắt giảm mạnh hơn 77% chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ đã kéo lợi nhuận tăng lên gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, đạt 528 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt hơn 3.707 tỷ đồng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, tăng 208%.
Năm 2022, Eximbank đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch tăng 127%, tương đương 2.500 tỷ đồng. Như vậy, sau khi kết thúc năm, nhà băng này đã hoàn thành vượt kế hoạch 48%.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Eximbank mở rộng 12% so với đầu năm, lên mức 185.045 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14%, ghi nhận hơn 130.505 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN tăng 64%, đạt 5.584 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 tăng nhẹ 4% so với đầu năm, lên mức 2.347 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đều sụt giảm, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,96% đầu năm xuống còn 1,8%.
VNPost được chấp thuận thoái hơn 140,5 triệu cổ phần tại LienVietPostBank
## Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) về đề nghị chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn tại ngân hàng này.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank về việc chuyển nhượng 140.501.644 cổ phần của LienVietPostBank do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu.
LienVietPostBank có trách nhiệm phối hợp với VNPost thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định pháp luật. Tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ của LPB về sở hữu cổ phần và chuyển nhượng cổ phần của cổ đông; bao gồm tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan.
Trường hợp phát sinh bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của LPB hoặc bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài, LienVietPostBank có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung), Thông tư 50/2018 (đã sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 38/2014.
NHNN chấp thuận cho VNPost thoái 140,5 triệu cổ phần LienVietPostBank. LPB.
Bên cạnh đó, LienVietPostBank phối hợp chặt chẽ với VNPost triển khai thực hiện chuyển nhượng cổ phần của VNPost tại LPB theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm 2(b) Thông báo số 316 ngày 6/9/2019 của Văn phòng Chính phủ. Xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần; trong đó có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LienVietPostBank (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện), đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật…
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chuyển nhượng, LienVietPostBank có văn bản báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phần và các nội dung quy định.
Trước đó, ngày 18/11/2022, NHNN đã có văn bản văn bản 8177/NHNN – TTGSNH chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank về việc chuyển nhượng gần 122,2 triệu cổ phần LPB (10,15% vốn ngân hàng) do VNPost sở hữu.
Sau đó, LienVietPostBank đã phát hành hơn 225,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 100:15 (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Sau khi nhận cổ tức, số lượng cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu tăng từ gần 122,2 triệu lên hơn 140,5 triệu đơn vị.
Hồi đầu năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LienVietPostBank nhưng không thành công. Chỉ 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua thành công 800 cổ phiếu LPB do VNPost chào bán với giá đấu bình quân 29.483 đồng/cp. Trong đợt đấu giá này, VNPost muốn bán 122,2 triệu cp LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng/cp, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô cổ phần.
Năm 2022, LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm.
Tính đến 31/1/2022, tổng tài sản của ngân hàng tăng 13,3% so với đầu năm lên hơn 327.700 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng đến 12,1%, đạt 230.637 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng gần 53,6%. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 19,8% so với đầu năm, đạt gần 216.000 tỷ đồng.
LienVietPostBank chốt ngày tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2023
LienVietPostBank vừa công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cho cổ đông đề cử ứng viên bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 và tham dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/2/2023.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4 tại Hà Nội thay vì trong TP HCM như những năm gần đây.
Cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Thụy (hay bầu Thuỵ) chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank từ ngày 9/12 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (SN 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Bầu Thuỵ chính thức gia nhập HĐQT LienVietPostBank với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT vào tháng 5/2021. Có thời điểm ước tính số cổ phiếu mà bầu Thuỵ và nhóm Thaiholdings sở hữu có thể lên tới hơn 70 triệu cổ phiếu LPB.
Theo báo cáo quản trị năm 2022 của LienVietPostBank, tính đến cuối năm 2022, ông Thuỵ nắm giữ hơn 47 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ sở hữu trên 2,76%.