Ngân hàng tuần qua: Xuất hiện lãi suất huy động 10,5%, tỷ giá vẫn kịch trần, lợi nhuận nhiều ‘ông lớn’ tăng mạnh
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng mạnh các loại lãi suất điều hành và giá bán USD tại Sở Giao dịch…
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm %
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2022.
Cụ thể, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Luất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh
Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động. Trong đó, không ít nhà băng đã niêm yết mức lãi suất cao nhất lên mấp mé, thậm chí vượt 9%/năm.
Từ ngày 26/10, SCB đã niêm yết mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng tại sản phẩm Tiền gửi online.
Cũng từ ngày 26/10, CBBank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,9%, dành cho tiền gửi thuộc gói sản phẩm Vạn Phát Lộc, kỳ hạn từ 13 tháng cho đến dưới 24 tháng. Ngân hàng Bản Việt cũng đang áp dụng mức lãi suất 8,9% cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng đối với hình thức tiết kiệm tại quầy.
Ngoài những cái tên kể trên, nhiều ngân hàng cũng đã ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5 - 8,7%/năm như ABBank, Kienlongbank, BacABank, GPBank. Tại một số ngân hàng lớn, lãi suất cao nhất cũng đã vượt trên 8%/năm như MB (8,7%), VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%),…
Xuất hiện mức lãi suất huy động lên tới 10,5%/năm
Theo biểu lãi suất có hiệu lực từ ngày 27/10 dành cho khách hàng cá nhân, Ngân hàng Quốc dân (NCB) áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm cho các khách hàng gửi từ 500 tỷ trở lên. Tuy nhiên, NCB cho biết trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ trước và có sự đồng ý của ngân hàng.
Còn đối với các khoản tiền gửi thông thường, nhà băng này áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 8,95%/năm cho các kỳ hạn 24, 30, 36 và 60 tháng tại sản phẩm Tiết kiệm An Phú theo hình thức gửi tiền online; kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng được hưởng lãi suất 8,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hưởng lãi suất 8,75%.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiếp tục chậm lại
Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 8/2022, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) là hơn 11,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,37% so với cuối năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi chậm lại kể từ đầu quý 3. Trong tháng 7, tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm tới hơn 171 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư có tăng trưởng nhưng không nhiều (tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng). Theo đó, tổng tiền gửi tại hệ thống đã giảm gần 154 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng mạnh giá bán USD
Ngay trong sáng giao dịch đầu tuần 24/10, NHNN đã tăng mạnh giá bán USD tại Sở giao dịch từ 24.380 VND/USD lên 24.870 VND/USD, tức tăng 490 đồng - mức điều chỉnh mạnh nhất trong nhiều năm qua. Đồng thời, Nhà điều hành tiếp tục không niêm yết giá mua vào USD.
Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 NHNN thực hiện nâng giá bán USD và là lần thứ 4 trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Tựu chung từ đầu năm, giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN đã tăng tổng cộng tới 1.720 VND, tương đương mức tăng 7,4%.
Giá bán USD tại nhiều ngân hàng vẫn kịch trần
Sau khi NHNN tăng giá bán USD, tỷ giá tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh. Dù đã được điều chỉnh giảm trong những phiên gần đây theo tỷ giá trung tâm song giá bán USD tại nhiều nhà băng vẫn mấp mé, thậm chí kịch trần ở mức 24.878 VND/USD. So với cuối năm trước, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng hiện tăng gần 2.000 đồng/USD, tương đương 8,5%.
Lợi nhuận nhiều ‘‘ông lớn’’ ngân hàng tăng mạnh
Trong tuần qua, MB đã công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận hợp nhất nhất trước thuế đạt 6.296 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của MB đạt 18.192 tỷ đồng, tăng 53,1%.
Trong quý III, BIDV ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 6.673 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lãi trước thuế của BIDV đạt 17.676 tỷ đồng, tăng 64,7% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lý do chính là ngân hàng đã giảm khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ báo cáo này.
Tương tự, VietinBank cũng báo lãi quý III tăng 35,8% đạt 4.156 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 15.765 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.278 tỷ đồng, gấp 3 lần so với quý 3/2021. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank có lãi trước thuế 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ.