|MỚI| Ngân hàng 24/7

ACB: Ngân hàng ACB được chấp thuận nâng lên gần 3,9 tỷ cổ phiếu

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã ck: ACB) thay đổi niêm yết chứng khoán. Sau khi thay đổi, số lượng cổ phiếu ACB được lưu hành trên thị trường là 3.884.050.358 cổ phiếu.

Ngân hàng ACB được HOSE chấp thuận thay đổi niêm yết để nâng số cổ phiếu lên gần 3,9 tỷ cổ phiếu.

Ngày 4/7, bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ((HOSE) ký Quyết định sổ 316/QĐ-SGDHCM về việc chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu thay đổi niêm yết chứng khoán.

Theo HOSE, ACB là loại chứng khoán phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước khi thay đổi niêm yết, ACB có 3.377.435.094 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu thay đổi niêm yết là 506.615.264 cổ phiếu.

Kết quả phát hành đợt cổ phiếu sau ngày 2/6 cho thấy, đã có 506.615.264 cổ phiếu đã phân phối, bao gồm 506.593.908 cổ phiếu phân phối cho 58.268 cổ đông theo tỷ lệ và 21.356 cổ phiếu được xử lý theo hình thức cổ phiếu lẻ.

Số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết 3.884.050.358 cổ phiếu (với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ tương đương với số tiền 38.840.503.580.000 đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực là ngày 6/7. Lý do thay đổi niêm yết để phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2022.

Trước đó, như TBTCVN thông tin, ngày 7/6, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đã có công văn số 2503/CV-VPHĐQT.23 gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh để báo cáo kết quả về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2022.

Phía ACB cho biết, trước khi phát hành và lưu hành là 3.377.435.094 cổ phiếu; trong đó, không có cổ phiếu ký quỹ. Với mệnh quá 10.000 đồng/cổ phiếu thì vốn điều lệ của ACB 33.774.350.940.000 đồng.

Trong phương án phát hành, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm 506.615.264 cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền 15%, nghĩa là, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận có thể sừ dụng chia cổ tức năm 2022. Ngày kết thúc đợt phát hành 2/6/2023, dự kiến chuyển giao cổ phiếu trước ngày 30/6/2023.

Ngân hàng ACB cũng lưu ý rằng, cổ phiếu phát hành phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị. Phần lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho Công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB./.

Sau diễn biến sôi động trong tháng 6, cố phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

Cổ phiếu ngành ngân hàng đã trải qua tháng 6 đầy sôi động, khi NHNN hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm 2023, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 chứng kiến mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2023 nhờ các nỗ lực liên tục của cơ quan chức năng trong việc đưa ra các biện pháp tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó gián tiếp kích thích kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Là nhóm trụ cột kéo điểm thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng diễn biến đầy tích cực trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm 2023, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây.

Trong tháng 6, có tới 25/27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường Upcom tăng giá và chỉ 2 mã giảm giá so với cuối tháng 5. Trong đó, nhiều mã vốn hóa lớn bật tăng khá tốt như MBB (11%), VIB (10%), TCB (8%), OCB (8%), STB (8%), SHB (6%), VCB (6%), CTG (5%),…

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 26% so với tháng 5 với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 176 triệu cp/ngày, tương đương giá trị hơn 3.600 tỷ đồng/ngày.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tăng trở lại trong 6 tháng qua nhưng mức định giá vẫn tương đối hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm. Cụ thể, sau khi những khó khăn về BĐS và TPDN dần được tháo gỡ, P/B của ngành đã quay trở lại độ lệch chuẩn -1 bình quân 5 năm, và đây vẫn là vùng giá hợp lí để các nhà đầu tư dần tích luỹ dài hạn đối với nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện thêm một nhịp chỉnh trong ngắn hạn cần được tính đến và NĐT chỉ nên giải ngân khi mặt bằng giá có những mức chiết khấu sâu hơn.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh, KBSV tiếp tục duy trì quan điểm TRUNG LẬP với ngành ngân hàng trong ngắn hạn do bối cảnh hiện tại vẫn chưa thực sự khả quan và các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 sau diễn biến ảm đạm trong những tháng đầu năm dựa trên chính sách hạ lãi suất của NHNN giúp các NHTM điều chỉnh lãi suất cho vay, từ đó thúc đầy cầu tín dụng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn cho vay đang tồn tại các vấn đề (1) nhu cầu vay vốn của các DN chưa cao do triển vọng kinh tế không tích cực, (2) các ngân hàng thận trọng hơn trong việc giải ngân cho khách hàng có rủi ro lớn.

“Do vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch 14% mà NHNN đặt ra”, nhóm phân tích đánh giá.

Thứ hai, KBSV cho rằng chất lượng tài sản của toàn ngành vẫn là vấn đề cần lưu tâm, dù vậy nhóm phân tích kỳ vọng việc NHNN ban hành TT02 sẽ hỗ trợ giảm bớt áp lực gia tăng tỷ lệ nợ xấu cho các ngân hàng, và phần nào giảm chi phí dự phòng trong 2 quý tới.

Thứ ba, tốc độ giảm của NIM được hãm lại sau khi NHNN đã điều chỉnh hạ lãi suất, thậm chí một số ngân hàng sẽ có sự cải thiện về NIM do tốc độ giảm lãi suất cho vay có độ trễ với lãi luất huy động.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng định giá của cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn và kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 nhờ nền kinh tế phục hồi; nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu ngân hàng khi có sự chiết khấu cho mục tiêu đầu tư dài hạn

Nguồn: BVSC

Theo dự báo của BVSC, lợi nhuận của ngành ngân hàng (trong danh sách theo dõi) tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2023 và tăng trưởng khoảng 17,6% trong năm 2024 dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.

Nhóm phân tích cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ trong đó có những chính sách mang tính đi đầu tính ở cả bình diện thế giới như hạ mạnh lãi suất điều hành. Điều này thể hiện quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, nền kinh tế đối mặt cùng lúc với cả thách thức trong nước và quốc tế và vẫn đang ở trong tình trạng khó khăn đòi hỏi cần thêm nhiều chính sách, nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế.

Với những nỗ lực mang tính đi trước thế giới như Chính phủ và NHNN đã thực hiện, BVSC kỳ vọng Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp mới, mạnh mẽ hơn hỗ trợ cho nền kinh tế. Và điều này cũng sẽ mang lại thuận lợi cho ngành ngân hàng như gia tăng tính dụng, giảm áp lực nợ xấu, gia tăng lợi nhuận.

Tựu chung lại, nhóm phân tích đánh giá, ngành ngân hàng đối mặt với những cơn gió ngược nhưng kết quả kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Điểm danh những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý 2/2023

Nhóm ngân hàng dự báo ghi nhận lợi nhuận phân hóa sâu sắc. Những nhà băng có lợi nhuận tăng trưởng dương gồm BID, CTG, HDB, MBB, STB, VCB, VIB…

SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh Quý 2/2023 của 32 doanh nghiệp niêm yết trong đó có 17/32 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm.

Nhóm ngân hàng ghi nhận lợi nhuận phân hóa sâu sắc. Những nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương gồm BID, CTG, HDB, MBB, STB, VCB, VIB.

Cụ thể, SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 lần lượt đạt 6,9% và 4,5% so với đầu năm. Chất lượng tài sản dự báo được kiểm soát quanh mức 1,4%-15% và NIM có thể đi ngang so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn Quý 2/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 7 nghìn tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ.

Với CTG, ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý 2 đạt khoảng 6,2-6,5 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 7-13% so với cùng kỳ. HDB dự kiến lợi nhuận đạt khoảng 2,8-3,1 nghìn tỷ đồng tăng 1-12%, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt trên 10% so với đầu năm.

Trong khi đó, MBB dự báo lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ đạt khoảng 6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng của MBB tiếp tục duy trì mạnh trong Quý 2/2023 so với các ngân hàng khác, ngân hàng cũng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp lần đầu trong tháng 6/2023.

STB được dự báo tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao nhất 53-76% đạt 2-2,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 46-50% kế hoạch đặt ra, nợ nhóm 2 và nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt.

Với VCB, lợi nhuận được dự báo khoảng 10-10,3 nghìn tỷ đồng tăng 38%. Ngân hàng tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới với tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% so với đầu năm, chất lượng tài sản tiếp tục được duy trì.

VIB cũng được duy trì lợi nhuận ở mức 2,8-3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2-9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, ACB, TCB, TPB, VPB bị dự báo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Trong đó, ACB giảm từ 4-10% đạt khoảng 4,4-4,7 nghìn tỷ đồng. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi quanh mức 4,5-5% so với đầu năm trong quý 2 trong khi tăng trưởng huy động có thể thấp hơn một chút đạt mức 4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ thấp hơn mức 1% do ACB ưu tiên trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Với việc tăng trưởng tín dụng tiếp tục xu hướng tích cực, NIM và chất lượng tài sản sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm 2023.

Tại TCB, SSI Research ước tín ghi nhận 5,5-5,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm 20% so với cùng kỳ; TPB lợi nhuận dự kiến đạt 1,6-1,7 nghìn tỷ đồng giảm khoảng 25-21% so với cùng kỳ hoàn thành 40% kế hoạch đặt ra. VPB cũng bị dự báo lợi nhuận giảm chủ yếu do kết quả kinh doanh hợp nhất hoạt động tài chính tiêu dùng trong nước còn nhiều thách thức, trong khi ngân hàng mẹ có thể duy trì lợi nhuân tương đối tốt trong Q2/2023.

HDB thì sao ad ơi, thấy chia cổ tức hot quá

LPB: LPBank sẽ chi thêm 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Với quyết định mới này, trong tháng 7 dự kiến LPBank sẽ chi tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng để mua lại 4 lô trái phiếu vào ngày 14/7, 19/7, 21/7 và 26/7.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HoSE: LPB) ngày 14/7 công bố thông tin về kế hoạch dự kiến mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Theo đó, LPBank sẽ tiến hành mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của mã LPBH2225007 vào ngày 26/7. Lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại trước hạn là 48 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị thanh toán là 1.048 tỷ đồng

Trái phiếu thuộc lô mã LPBH2225007 có kỳ hạn 3 năm, được phát hành vào ngày 26/7/2022.

Ở diễn biến liên quan, theo thông tin ngân hàng công bố trước đó, hôm nay ngày 14/7, ngân hàng sẽ mua lại trước hạn lô trái phiếu mã LPBH2124009 với giá trị gốc 1.000 tỷ đồng. Lãi chưa thanh toán đến ngày mua lại trước hạn là 39 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị mà ngân hàng thanh toán cho lô trái phiếu này là 1.039 tỷ đồng.

Ngày 19/7/2023 tới đây, LPBank sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã LPBH2124011. Lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại trước hạn là 39 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị thanh toán là 1.039 tỷ đồng

Tới ngày 21/7/2023, LPBank cũng dự kiến tiếp tục chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã LPBH2225006, lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại trước hạn là 47 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị thanh toán là 1.047 tỷ đồng.

Như vậy, trong tháng 7, dự kiến LPBank sẽ chi mạnh tay khoảng 4.000 tỷ đồng mua lại 4 lô trái phiếu trước hạn.

Trước đó, trong tháng 6/2023, ngân hàng này cũng đã thực hiện mua lại 2 lô trái phiếu trước hạn. Cụ thể, vào ngày 21/6/2023, ngân hàng này cũng chốt chi 1.000 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu mã LPBH2224002. Ngày 29/6/2023, LPBank đã chi 1.000 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu mã LPBH2224004.

Mặt khác, vào ngày 10/7, LPBank cũng đã thông báo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 2.

Ngân hàng này chào bán tổng cộng gần 32,93 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với 3.293 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hơn 29,4 triệu trái phiếu LPB7Y202203 kỳ hạn 7 năm và gần 3,5 triệu trái phiếu LPB10Y202204 kỳ hạn 10 năm.

Tuy nhiên, kết thúc đợt chào bán, ngân hàng này chỉ phân phối thành công gần 15,56 triệu trái phiếu, tương đương 47,24% lượng chào bán. Tổng số tiền LPBank thu được từ đợt chào bán là gần 1.556 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng thu ròng hơn 1.555 tỷ đồng.

Hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, SHB nâng vốn điều lệ lên gần 36.194 tỷ đồng

Ngày 8/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản số 5247/UBCK-QLCB xác nhận kết quả phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Qua đó, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên gần 36.194 tỷ đồng, vững vàng vị thế TOP 4 NHTMCP tư nhân về vốn điều lệ…

Trước đó, ngày 25/7, SHB đã tiến hành chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Trong quá trình hoạt động, SHB cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ chi trả cổ tức cao và đều đặn nhất trên thị trường.

Việc liên tục nâng vốn điều lệ trong thời gian qua khẳng định năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị điều hành của SHB, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt đáp ứng các lợi ích kỳ vọng của cổ đông.

Đại diện SHB cho biết, việc tăng vốn điều lệ là dấu mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông, giúp Ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, thúc đẩy số hóa để hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất vào năm 2027.

“SHB sẽ tiếp tục dành nguồn lực đầu tư dài hạn vào con người, hệ thống công nghệ và dữ liệu, tập trung phát triển bền vững theo 4 trụ cột chiến lược, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh tăng trưởng an toàn, bền vững đồng thời mang lại sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng và lợi ích cho cổ đông”, đại diện SHB nhấn mạnh.

Tính đến hết quý 2/2023, các chỉ tiêu về quy mô của SHB đạt tăng trưởng tốt. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản SHB đạt 585 nghìn tỷ đồng, tăng 6,21% so với đầu năm, vốn tự có đạt 66 nghìn tỷ đồng. Huy động từ thị trường I của SHB đạt tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng 13,7% so với đầu năm, đạt 462 nghìn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 418 nghìn tỷ đồng.

Các chỉ số về an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế. Từ đầu năm 2023, SHB đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản, có sự đánh giá tuân thủ của một công ty tư vấn quốc tế nhằm bảo đảm phù hợp với những thông lệ tốt và yêu cầu của Ủy ban Basel theo Basel III. Kết quả sẽ được công bố trong quý 3/2023.

Với hoạt động kinh doanh ấn tượng, nửa đầu 2023, SHB đã liên tục được các tổ chức uy tín trong, ngoài nước đánh giá cao, khẳng định tầm vóc thương hiệu, uy tín và vị thế của SHB trên thị trường. Mới đây, Tạp chí HR Asia tiếp tục vinh danh SHB là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á năm 2023”; khẳng định sức hút về môi trường làm việc của một ngân hàng luôn lấy Tâm làm gốc; Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) ghi danh SHB ở 3 hạng mục quan trọng nhất trong năm: Ngân hàng có sáng kiến tài chính tác động xã hội tốt nhất Việt Nam 2023, Hợp tác chiến lược của năm – Hợp tác với IFC và Ngân hàng với giải pháp cho phụ nữ của năm; Tạp chí FinanceAsia vinh danh SHB là “Ngân hàng có tác động ESG tốt nhất Việt Nam”… cùng nhiều giải thưởng uy tín khác.

Với chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện, SHB bước sang tuổi 30 với tâm thế mới và khát vọng lớn. Đó là khát vọng dẫn đầu, kiên định kiến tạo những giá trị tốt đẹp nhất cho Quốc gia, cộng đồng, cổ đông và khách hàng. Lấy Tâm làm gốc để vươn Tầm, SHB sẽ nối tiếp hành trình, quyết liệt hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, sớm trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại Top đầu của khu vực và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của xã hội, của đất nước.

Nguồn bài viết: Hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, SHB nâng vốn điều lệ lên gần 36.194 tỷ đồng - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới