Em có thể sử dụng dữ liệu trên các báo cáo tài chính tính toán hoặc sử dụng sẵn của các trang, các trang có free và có mất phí. Tùy mục đích và số vốn em đầu tư mà có cách tiếp cận.
Tiện thể em hỏi thì anh liệt kê vài điều như sau, còn file định giá ở chủ đề Đốm sáng, các bài khác thì ở các chủ đề anh đã tạo.
Định giá theo PE:
PE có nhiều định dạng, PE cơ sở (4 quý gần nhất), PE forward (PE ước tính năm tương lai), PE thực (đã có kết quả, các năm trước). Tùy theo sử dụng để lấy giá trị phù hợp hoặc trung bình. PE càng nhỏ có nghĩa là hoàn vốn càng nhanh, khi mua cổ phiếu có PE thấp thì càng an toàn. Nhưng nó chỉ đúng ở góc cạnh này, tức phải xem xét trên các yếu tố cấu thành nữa như cổ tức tiền, cổ tức cổ phiếu, nội tại doanh nghiệp hiện tại tương lai,…
Nhưng khi định giá theo PE có những vấn đề:
Liệu E - lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp có phản ánh đúng lợi nhuận thực không hay còn chịu ảnh hưởng của các chính sách kế toán được áp dụng?
Nên sử dụng E của năm tài chính trước, của 12 tháng kinh doanh gần nhất hay của năm tài chính hiện thời?
Liệu hệ số so sánh có phản ánh đúng giá trị thực của toàn ngành hay toàn thị trường mà doanh nghiệp hoạt động?
Liệu hệ số P/E có cần điều chỉnh so với thực tế của doanh nghiệp hay không?
Định giá theo DCF:
Với phương pháp DCF, định giá cổ phiếu thông qua chiết khấu dòng thu nhập, sử dụng giá trị tài sản ròng vào thời điểm niêm yết và lợi nhuận ước tính của doanh nghiệp trong 5 năm để tính giá trị thực. Tuy nhiên, liệu kết quả có thực không khi:
-
Giá trị tài sản ròng hoàn toàn dựa trên giá trị sổ sách, không có liên hệ nhiều với giá trị thị trường của những tài sản này tại thời điểm niêm yết và chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các chính sách kế toán được áp dụng trước đó.
-
Lợi nhuận trong tương lai chỉ là ước tính dựa trên giá định của từng cá nhân.
-
Giá trị sinh lợi của doanh nghiệp từ sau năm thứ 5 hoàn toàn bị quên và không được tính vào giá trị thực, trong khi phần giá trị này là không nhỏ trong toàn bộ giá trị nội tại của một doanh nghiệp…
Định giá theo DDM:
Có thể định giá theo form cơ bản một giai đoạn, hai giai đoạn và ba giai đoạn, tùy theo đầu vào khi check theo form tôi đã đưa ra. Phương pháp này có ưu điểm là dễ tính toán, dễ xác định dòng tiền
Nhược điểm là: Chỉ thực hiện được khi doanh nghiệp trả cổ tức đều. Phương pháp này chỉ xét đến dòng cổ tức nên không phản ánh được giá trị doanh nghiệp. xác định các thông số khác đầu vào khó chính xác.
Định giá theo FCFE:
Cũng như mô hình DDM, nó có giai đoạn cơ bản, hai giai đoạn và ba giai đoạn. Ưu điểm là khắc phục nhược điểm của mô hình DDM, kết quả khá chính xác khi chịu khó tính dựa trên các dữ liệu quá khứ của doanh nghiệp (trung bình). Nhưng nhược điểm của nó là chưa đề cập đến toàn bộ dòng tiền của doanh nghiệp.
Định giá theo FCFF:
Cũng có ba giai đoạn như các phương pháp trên. Ưu điểm là ước lượng đầy đủ các dòng tiền trong doanh nghiệp, có tính toán đến các khoản nợ phải trả, thường khá lớn trong giá trị của doanh nghiệp. Nhược điểm của nó chính là của ưu điểm, vì ta khó xác định các khoản nợ phát sinh nên ước lượng sẽ khó chính xác.
Các phương pháp khác cũng tương tự. Vì vậy, chúng ta có những tham chiếu chứ không phải lấy đó làm mốc và cố định mốc đó. Tỉ trọng từng tham chiếu như thế nào thì phải dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết,… về doanh nghiệp.
Do đó, có công ty chứng khoán cập nhật báo cáo định giá 3 lần / tháng. Mỗi lần nâng lên 10-15% hoặc hơn, tôi không phản kháng được. Họ đâu có sai. Họ áp dụng phương pháp định giá đoàng hoàng cơ mà. Và họ cũng có điều khoản miễn trừ trách nhiệm cơ mà. Kỳ vọng thì ai phản đối là sai được? Có chăng nhà đầu tư phải tự lượng, tự đánh giá, tự chấp nhận rủi ro và cơ hội đầu tư thôi.