BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ III VÀ 9 THÁNG NĂM 2021
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.
GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,27%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những khó khăn , thách thức , ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
a) Nông nghiệp
Nhờ thời tiết thuận lợi và chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống nên năng suất lúa đông xuân của cả nước năm nay đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2020, sản lượng đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn.
Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.577,4 nghìn ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.040,9 nghìn ha, bằng 99%, các địa phương phía Nam đạt 536,5 nghìn ha, bằng 101,4%. Diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng; chuyển sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản hoặc không sản xuất do thiếu lao động, hiệu quả sản xuất thấp.
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.954 nghìn ha, tăng 8,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước. Tính đến ngày 15/9/2021, các địa phương đã thu hoạch được 1.643,8 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 84,1% diện tích gieo cấy và bằng 101,5% cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa hè thu cả nước ước tính đạt 56,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2020; sản lượng đạt 11,03 triệu tấn, tăng 282,7 nghìn tấn.
Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 599,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn trổ đều và bắt đầu cho thu hoạch.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Ước tính đến cuối tháng 9/2021 đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020; đàn trâu giảm 3,7%; đàn bò tăng 1,1%; đàn gia cầm tăng 1%. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 1.058,7 nghìn tấn, giảm 0,3%); sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 86,6 nghìn tấn, giảm 0,4% (quý III đạt 25,6 nghìn tấn, giảm 1,3%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4% (quý III đạt 101,4 nghìn tấn, giảm 1,6%); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3% (quý III đạt 470,5 nghìn tấn, tăng 2,8%); sản lượng sữa bò tươi đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11% (quý III đạt 295,5 nghìn tấn, tăng 10,5%); sản lượng trứng gia cầm đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3% (quý III đạt 4,4 tỷ quả, tăng 2,8%).
Tính đến ngày 20/9/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng còn ở Thái Nguyên; dịch cúm gia cầm còn ở Lạng Sơn; dịch tả lợn châu Phi còn ở 35 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 31 địa phương chưa qua 21 ngày.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung quý III/2021 của cả nước ước tính đạt 65,8 nghìn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 18,5 triệu cây, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.643,6 nghìn m3, tăng 2,0%; sản lượng củi khai thác đạt 4,4 triệu ste, giảm 2,7%. Tính chung 9 tháng năm 2021, ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 176,2 nghìn ha, tăng 2,8 % so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 65,1 triệu cây, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12.589,2 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 14,3 triệu ste, giảm 0,9%.
Diện tích rừng bị thiệt hại[1] quý III/2021 là 942,4 ha, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 1.748,2 ha rừng bị thiệt hại, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.020,2 ha, tăng 54,6%; diện tích rừng bị chặt, phá là 728 ha, tăng 8,3%.
c )Thủy sản
Sản lượng thủy sản quý III/2021 ước tính đạt 2.281,4 nghìn tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.377,3 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.320,1 nghìn tấn, giảm 1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.057,2 nghìn tấn, tăng 0,7%.
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong quý III/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 3,24%); ngành khai khoáng giảm 7,17% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 17,6%).
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 3 0 / 9 /20 21 tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1% (cùng kỳ năm trước là 75,6%).
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng Chín có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%[2].
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 với 73,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp [3]
Trong tháng 9/2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 08/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 16 tỷ đồng, tăng 35,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 117,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Cũng trong tháng Chín, có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,2% so với tháng trước và giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020; có 2.509 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,1% và giảm 38,8%; có 606 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 25,4% và giảm 65,1%.
Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 cho thấy: Có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.
5. Hoạt động dịch vụ
Trong tháng Chín, nhiều địa phương nới lỏng dần giãn cách xã hội từ áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg xuống Chỉ thị số 15/CT-TTg nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước. Riêng khách quốc tế đến nước ta [4] vẫn giảm do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín năm 2021 ước tính đạt 308,8 nghìn tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước; quý III đạt 915,7 nghìn tỷ đồng, giảm 28,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).
Vận tải hành khách tháng Chín ước tính đạt 80,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 70,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 2,4 tỷ lượt khách.km, giảm 79,2%; quý III năm nay ước tính đạt 247,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 69,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 7,8 tỷ lượt khách.km, giảm 78,1%. Tính chung 9 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.018,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 29,6%) và luân chuyển 82,7 tỷ lượt khách.km, giảm 30,9% (cùng kỳ năm trước giảm 35,2%). Vận tải hàng hóa tháng Chín ước tính đạt 114,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 24,3 tỷ tấn.km, giảm 15,9%; quý III năm nay ước tính đạt 319,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 70,5 tỷ tấn.km, giảm 14,6%. Tính chung 9 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 1.195 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,3%) và luân chuyển 242,8 tỷ tấn.km, giảm 0,3% (cùng kỳ năm trước giảm 8,2%).
Doanh thu hoạt động viễn thông quý III/2021 ước tính đạt 76 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3%). Tính chung 9 tháng năm 2021, doanh thu đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 2,1%).
Khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.
6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.
Tính đến thời điểm 20/9/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,58%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.
Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.
7. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 697,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.868,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 459,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng vốn và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.100,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% và tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 308,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% và giảm 3,4%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam[5] tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 422,1 triệu USD[6], gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước[7]. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,3 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
8 . Thu, chi ngân sách Nhà nước
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2021. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt 1.034,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm (thu ngân sách Trung ương bằng 73,6%; thu ngân sách địa phương bằng 81,1%), trong đó thu nội địa đạt 836,2 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8%; thu từ dầu thô 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 118%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 170 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, trong đó: Chi thường xuyên đạt 689,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,5%; chi đầu tư phát triển 202,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%; chi trả nợ lãi 77,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6%.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a) Xuất nhập khẩu hàng hóa [8]
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng Chín giảm 2% so với tháng Tám. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 5 3,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%[9].
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 8/2021 đạt 27,23 tỷ USD, cao hơn 1,03 tỷ USD so với số ước tính. Ước tính tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý III/2021 ước tính đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay (tăng 7% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%. Trong 9 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,66 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 214 tỷ USD, tăng 19,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 17,6%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,2%. Hàn Quốc đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 8/2021 đạt 27,34 tỷ USD, thấp hơn 162 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng Chín, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý III/2021 ước tính đạt 84,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,5% so với quý II năm nay (tăng 11,8% so với quí I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%. Trong 9 tháng năm 2021 có 36 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 227,65 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15 tỷ USD, tăng 22,4% và chiếm 6,2%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 40,2 tỷ USD, tăng 21,6%. Thị trường ASEAN đạt 30,7 tỷ USD, tăng 41,2%. Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 19%. Hoa Kỳ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tám nhập siêu 110 triệu USD[10]; 8 tháng nhập siêu 2,63 tỷ USD; tháng Chín ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD[11] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 872 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II giảm 16,9%; quý I giảm 80,6%). Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,9% (quý II tăng 20,3%; quý I giảm 3,4%).
Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 2,66 tỷ USD, giảm 59,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 107 triệu USD (chiếm 4% tổng kim ngạch), giảm 96,6%; dịch vụ vận tải đạt 266 triệu USD (chiếm 10%), giảm 72,1%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 14,35 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 7,4 tỷ USD (chiếm 51,2% tổng kim ngạch), tăng 32,9%; dịch vụ du lịch đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 18,7%), giảm 24,1%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng năm 2021 là 11,69 tỷ USD.
10. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 2,06%; CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 [12]. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.
CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý III/2021, CPI tăng 0,93% so với quý trước và tăng 2,51% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 9/2021 giữ ổn định so với tháng trước; giảm 1,64% so với tháng 12/2020 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.
11. Một số tình hình xã hội
a) Lao động và việc làm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước [13], tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020 [14].
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2021 ước tính là 47,5 triệu người, bao gồm 14,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 30,6% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 15,8 triệu người, chiếm 33,3%; khu vực dịch vụ 17,2 triệu người, chiếm 36,1%. Tính chung 9 tháng năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,1 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,4%; khu vực dịch vụ là 18,8 triệu người, giảm 2,3%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%; quý III là 3,43%), trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng là 2,91% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,72%), trong đó khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%.Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III ước tính là 4,39%. Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.