Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đợt 2, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào 30/11/2024. Nội dung thay đổi chủ yếu để mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ.
Ngày 14/11/2024, tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần vừa có thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Nhận định về triển vọng ngành điện sau khi Quốc hội dự kiến thông qua Luật Điện lực ngày 30/11 tới đây, Luật điện lực (sửa đổi) 2024 sẽ đảm bảo việc thực thi theo tiến độ Quy hoạch Điện VIII gần nhất là 2030, do đó, các nhóm nguồn điện có tốc độ dự kiến tăng nhanh nhất là điện khí chủ yếu điện khí LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng) và năng lượng tái tạo chủ yếu điện gió, tiếp theo là thủy điện → Đây là 3 nhóm nguồn điện hưởng lợi nhất.
Một số điểm lợi cho các dự án điện sau khi Luật Điện lực được phê duyệt có thể kể đến:
(1) Phê duyệt khung pháp lý cho giá bán lẻ điện hai thành phần, giúp phản ánh chính xác hơn chi phí sản xuất điện tại Việt Nam và hỗ trợ tăng giá bán lẻ điện, gián tiếp mang lại lợi ích dài hạn cho tất cả các nhà máy điện;
(2) Khung pháp lý để triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA);
(3) Triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế.
Luật Điện lực mới giúp giải quyết các nút thắt cho các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu điện gió và điện khí chủ yếu LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng), trong đó có khung pháp lý cho năng lượng tái tạo, giúp cơ chế giá mới được triển khai vào năm 2025, chính sách phát triển và vận hành, quy định về BOT dự án, cho phép ký kết sản lượng hợp đồng tối thiểu cho LNG và điện gió ngoài khơi nhằm đảm bảo lợi nhuận ổn định. Như vậy, các doanh nghiệp được hưởng lợi sau sự thay đổi luật Điện lực có thể kể đến như:
- Điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG): POW, GAS
- Điện gió: PC1, HDG, TV2, GEX, REE, BCG, GEG, PVS
Nhóm thủy điện sẽ có công suất lắp đặt tăng ít hơn đến 2030 nhưng kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhất về giá bán nhờ phê duyệt khung pháp lý cho giá bán lẻ điện hai thành phần và xu hướng tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; do giá thủy điện hiện đang thấp nhất và đã không tăng nhiều năm. (REE, HDG, DPG, TTA….)
Cuối cùng là các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng điện hưởng lợi khi phân cấp quyết định chủ trương đầu tư đến UBND cấp tỉnh đối với dự án lưới điện và cho phép tư nhân hóa các đường dây truyền tải từ 220kV trở xuống, sẽ giúp đẩy mạnh hạ tầng điện. (PC1, TV2)