Sau giai đoạn hồi phục tương đối khả quan, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán đã ảm đạm hơn rõ rệt. Tổng lợi nhuận ngành thép (chưa bao gồm Pomina) trong quý 3 chỉ vào khoảng 2.600 tỷ đồng. Con số này có thể còn thấp hơn nếu Pomina (doanh nghiệp đã lỗ triền miên 9 quý liên tiếp) công bố BCTC. Quý 3 xuất hiện nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ, bất ngờ nhất là trường hợp của Hoa Sen Group. Không có doanh nghiệp thép nào lãi trên trăm tỷ, ngoại trừ Hòa Phát vẫn giữ phong độ.
Các khoản lỗ xuất hiện trên nhiều doanh nghiệp, bất ngờ nhất là trường hợp của Hoa Sen Group (HSG). Hoa Sen lỗ sau thuế 186 tỷ đồng trong quý cuối cùng niên độ 2023-24, trong khi cùng kỳ niên độ trước có lãi 438 tỷ đồng. Ngay quý 2 trước đó, doanh nghiệp này vẫn còn lãi sau thuế 273 tỷ đồng. Khoản lỗ nặng thứ hai trong ngành đến thời điểm hiện tại thuộc về VNSteel (TVN) với lợi nhuận sau thuế âm 124 tỷ đồng. Số lỗ được thu hẹp so với cùng kỳ (lỗ 172 tỷ) nhưng tệ hơn nhiều so với mức lãi 130 tỷ đồng đạt được trong quý 2 trước đó. Một số cái tên khác cũng lỗ nặng có thể kể đến như Thép Tiến Lên (TLH) , Tisco (TIS) , SMC ,…
Hòa Phát (HPG) là cái tên hiếm hoi trong ngành thép giữ được phong độ với lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng trong quý 3. Con số này gấp rưỡi cùng kỳ 2023 nhưng thấp hơn gần 9% so với quý 2 trước đó. Ngoài Hòa Phát, không có doanh nghiệp thép nào trên sàn chứng khoán lãi ròng trên trăm tỷ trong quý vừa qua.
Ma trận chống bán phá giá
Tại họp báo thường kỳ quý III diễn ra chiều ngày 23/10, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tình hình nhập khẩu thép tăng mạnh trong thời gian qua có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trong nước, ngành sản xuất thép cán nóng (HRC) hiện có 2 doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn/năm, được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác với tỷ lệ 50:50.
Do đó, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ để xác định ngành sản xuất trong nước chịu tác động từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công thương xem xét áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước.
Trong thời gian chờ đợi quyết định quan trọng của Bộ Công thương, ngành thép Việt Nam đã đón nhận nhiều tin không vui đến từ các thị trường nước ngoài. Mới nhất vào đầu tháng 10, Cục Ngoại thương Thái Lan (Cơ quan điều tra) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó vào ngày 25/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam. Trong tháng 8, thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Việt Nam đã rơi vào danh sách điều tra chống bán phá giá của Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) và Ủy ban châu Âu (EC).