[Phân tích HPG trong chuỗi giá trị ngành thép]
Ở bài viết lần trước, em đã phân tích bức tranh toàn cảnh của HPG từ quá khứ đến hiện tại cùng những kỳ vọng về tương lai của cổ phiếu này khi chu kỳ ngành phục hồi và nhà máy Dung Quất 2 được hoàn thành.
Xem thêm: HPG - Siêu cổ hay nỗi thất vọng chu kỳ mới?
Để đón đầu uptrend tiếp theo của ngành thép nói chung và HPG nói riêng thì bên cạnh các yếu tố vĩ mô mà em đã phân tích ở bài viết trước, mọi người cũng cần phải hiểu về các yếu tố cơ bản của HPG. Bài viết sau đây của em sẽ đề cập tới các khía cạnh cơ bản của HPG dựa trên việc phân tích chuỗi giá trị ngành thép.
1. Vận động chuỗi giá trị ngành thép giai đoạn 2018 - 2022
- Một điểm rất thú vị trong biểu đồ trên chính là tín hiệu chu kỳ mới bắt đầu với sự gia tăng giá thép, sau đó là giá các nguyên vật liệu đầu vào tăng. Chúng ta có thể thấy giá nguyên vật liệu thường phản ánh chậm hơn giá thép khi nhìn vào vận động giá nguyên vật liệu và giá sản phẩm đầu ra giai đoạn 2017 - 2022. Điều này đã được em lý giải trong bài viết về Hiệu ứng roi da, khi nhà sản xuất thép thấy được giá thép và nhu cầu gia tăng, họ đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng tồn kho cùng nguyên vật liệu để chiếm lĩnh thị trường. Việc họ tăng cường nhập nguyên vật liệu đầu vào là động lực để giá nguyên vật liệu tăng ngay sau đà tăng của giá thép.
Xem thêm: Hiệu ứng roi da - Bí quyết đầu tư thành công cổ phiếu chu kỳ - #2 bởi TaoLaOngTrum
-
Ngược lại, chu kỳ ngành thép có thể đạt đỉnh nếu giá nguyên vật liệu neo cao trong khi giá thép không thể tăng được tiếp. Khi đó, biên lợi nhuận của các công ty ngành thép bắt đầu suy yếu và KQKD xấu xí sẽ dần lộ rõ nếu giá thép tiếp tục giảm.
-
Có thể thấy những biến động trong giá hàng hóa đầu ra và giá NVL nhập vào sẽ tác động trực tiếp tới LN của HPG nên em sẽ trình bày bức tranh toàn cảnh về đầu ra và đầu vào ngành thép của HPG ở phần sau.
2. Bức tranh toàn cảnh của HPG trong đầu vào ngành thép
- Công nghệ lò BOF giúp HPG có lợi thế cạnh tranh về giá và chất lượng, đồng thời đáp ứng đủ khả năng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Sự vượt trội của lò BOF so với lò EAF thể hiện qua bảng sau:
- Tuy nhiên, cơ cấu nguyên vật liệu của lò BOF có phần phức tạp hơn so với lò EAF khi sử dụng hai loại nguyên vật liệu chính là Quặng sắt và Than cốc, ngoài ra còn nhiều các loại chi phí khác như Thép phế, Điện và Đá vôi. Cơ cấu chi phí các loại nguyên vật liệu này được trình bày dưới bảng sau, lưu ý rằng đây chỉ là ước tính sơ bộ, không thể phản ánh hết tình hình chi phí nguyên vật liệu ở hiện tại:
-
Để sản xuất một tấn thép thô, lò BOF cần 1,700kg quặng sắt, 780kg than cốc, 270kg đá vôi và 125kg thép phế. Do vậy với công suất 8.5 triệu tấn thép thô hiện tại, Hòa Phát sẽ phải nhập gần 14 triệu tấn quặng/ năm (20 triệu tấn/ năm khi Dung Quất 2 vận hành vào 2024) và 7 triệu tấn than luyện cốc. Với lượng lớn NVL cần nhập khẩu như thế này thì HPG quản lý chuỗi cung ứng NVL như thế nào?
-
Về phía quặng sắt (chiếm ~30% chi phí), HPG đang sử dụng tinh quặng sắt hàm lượng trên 63% Fe, nên hiện tại HPG phải nhập khẩu 70% số quặng sắt, do đó mà lợi nhuận và giá cổ phiếu bị tác động lớn bởi giá quặng sắt thế giới.
-
Các bác cần lưu ý các tin tức liên quan tới các nhà sản xuất quặng sắt lớn trên thế giới bao gồm có VALE (Brazil), Mount Gisbon (Úc), Rio Tinto (khu mỏ tại Tây Ban Nha) và Fortescue (Úc). Ngoài ra, các tin tức về thời tiết tại cảng Hedland (Úc) - nơi chung chuyển quặng sắt lớn nhất thế giới cũng rất đáng để tâm,
-
Gần đây, HPG đã mua lại mỏ quặng sắt trữ lượng 320 triệu tấn ở Úc, với công suất khai thác 4 triệu tấn/năm thì HPG có thể tự chủ khoảng 30% nhu cầu quặng sắt khi mỏ đi vào khai thác. Các động thái tự chủ nguồn cung quặng sắt của HPG có thể giúp BLNG cải thiện và điều này cũng rất đáng để kỳ vọng
-
Về phía than cốc (chiếm ~40% chi phí), nên giá than cốc thế giới cũng tác động lớn đến lợi nhuận và giá cổ phiếu HPG. HPG chủ yếu phải nhập khẩu than mỡ của Úc và New Zealand do nguồn cung trong nước không phù hợp với nhu cầu luyện kim.
-
Một điểm đáng lưu ý mà phần đông mọi người mắc lỗi đó là chúng ta thường nhầm giữa giá than nhiệt Newcastle (phục vụ nhiệt điện) với giá than cốc (dùng trong ngành thép), vốn có vận động tương đối khác nhau.
- Về thép phế liệu (~10% chi phí), lò BOF chỉ cần 125kg thép phế liệu để sản xuất 1 tấn thép thô, chủ yếu được nhập từ Mỹ, Nhật và Châu Âu.
- Như vậy, với việc hai đầu vào quan trọng đều phải nhập khẩu thì có thể nói tỷ giá là yếu tố tác động cực kỳ lớn đến HPG. Do vậy các bác cũng cần quan sát chú ý thêm các sự kiện liên quan tới tỷ giá VND/USD.
3. Bức tranh toàn cảnh về sản phẩm đầu ra
-
Về thép xây dựng, HPG có công suất thiết kế khoảng 450,000 tấn/ tháng, BLNG của sản phẩm này khá tốt khoảng 25% trong điều kiện bình thường. Cần lưu ý rằng đại lý có xu hướng tích trữ hàng tồn kho khi giá thép xây dựng tăng, tạo nên tính chu kỳ của ngành.
-
Trong quá trình downtrend của ngành như thời điểm vừa rồi, HPG do có lợi thế quy mô, có chi phí sản xuất thấp nhờ sử dụng lò BOF nên có thể giảm giá bán nhằm ép giá đối thủ dùng lò điện.
-
Khi nói về thép xây dựng, chúng ta không thể không kể đến Trung Quốc - công xưởng thép của thế giới. Với sản lượng chiếm hơn 50% sản lượng thép xây dựng toàn cầu, phạm vi ảnh hưởng của thép Trung Quốc lan rộng khắp toàn thế giới và thị trường thép Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
-
Nhìn vào chart dưới đây chúng ta có thể thấy thép thanh Việt Nam có tương quan lớn khoảng 80% so với thép Trung Quốc và thường thấp giá hơn. Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay giá thép Việt Nam đang cao hơn so với Trung Quốc, đồng thời độ tương quan giảm đáng kể chỉ còn 62.5%. Nguyên nhân là do thuế tự vệ của Việt nam và chính sách hủy hoàn thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc tạo ra rào cản lưu thông thép từ Trung Quốc về Việt Nam, vì vậy chúng ta chưa cần lo lắng về rủi ro thép Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Ngoài ra, do độ tương quan giá thép giữa hai nước giảm nên em nhận định giá thép trong nước chưa chắc đã biến động mạnh theo giá thép Trung Quốc.
Tuy nhiên từ đầu 2022 đến nay giá thép Việt Nam đang cao hơn Trung Quốc.
-
Về sản phẩm phôi thép, do chỉ là sản phẩm trung gian sản xuất các loại thép khác nên chi phí sản xuất thấp hơn ~700,000 đồng/ tấn so với thép xây dựng, LNR thu về ở mức 3-9%. Trong giai đoạn tồn kho nhiều và giá thép xây dựng giảm như thời gian vừa qua, với sự linh hoạt của phôi thép thì HPG có thể đẩy mạnh bán sản phẩm này nhằm giải quyết hàng tồn kho và thu về dòng tiền.
-
Về sản phẩm HRC, so với thép xây dựng chi phí HRC cao hơn khoảng 200 ngàn đến 500 ngàn đồng/tấn, giai đoạn cao điểm thì giá bán HRC cao hơn nhiều thép xây dựng và BLNG lên tới 45-50%. Tuy nhiên, giai đoạn thấp điểm như hiện tại, giá HRC có thể thấp hơn giá thép xây dựng, BLN cũng vì thế mà sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
-
Mỗi năm nhu cầu trong nước về sản phẩm HRC là 12 - 13 triệu tấn (tăng 10% hàng năm) trong khi công suất toàn ngành chỉ có 10 triệu tấn (bởi Formosa và HPG). Như vậy với dư địa tăng trưởng nhu cầu và công suất sản xuất đến từ Dung Quất 2 thì mảng HRC cũng rất có triển vọng giai đoạn 2023 - 2024, khi nhà máy hoàn thành mà không gặp trở ngại bởi rủi ro dư cung.
-
Về sản phẩm tôn mạ và ống thép, vốn là hai thành phẩm được tạo ra từ HRc, với việc tiêu thụ khoảng 40% HRC HPG tự sản xuất thì hai sản phẩm này ước tính tận dụng được thêm 16.5% - 18.5% BLNG. Với sự mở rộng của Dung Quất 2, em đánh giá đây sẽ là mảng được hưởng lợi trực tiếp.
-
Bên cạnh đó, dư địa tăng trưởng đối với hai sản phẩm này là vẫn còn. Với việc HPG chưa khai thác hết thị trường tôn mạ phía Nam (chiếm 63% tiêu thụ cả nước năm 2021) thì mảng sản xuất tôn em đánh giá là vẫn còn dư địa tăng trưởng.
4. Tổng kết
-
Bài viết đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về vị trí của HPG trong chuỗi cung ứng ngành thép, em hy vọng rằng các bác có thể hiểu hơn chuỗi giá trị ngành thép để từ đó ra quyết định đầu tư sáng suốt đối với không chỉ HPG mà còn những cổ phiếu thép khác.
-
Bài viết tiếp theo sẽ tiếp tục đi sâu phân tích các dự án của HPG và bóc tách một số số liệu tài chính để các bác có thể hiểu sâu hơn về HPG. Rất mong nhận được sự ủng hộ và góp ý của mọi người.
Các bác có thể theo dõi phân tích phiên bản video, ở đây em sẽ trình bày chuyên sâu và cụ thể hơn nữa: Phân tích Cổ phiếu HPG - Thấy gì từ chuỗi giá trị ngành thép? - YouTube