Nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào “suy thoái có chọn lọc”?
Suy thoái có chọn lọc là gì?
Một “cuộc suy thoái chọn lọc” (Selective recession) đề cập đến một sự suy giảm kinh tế ảnh hưởng nặng nề hơn đến các lĩnh vực, ngành công nghiệp hoặc khu vực cụ thể so với những khu vực khác, thay vì gây ra sự suy giảm kinh tế rộng rãi và đồng đều trên tất cả các lĩnh vực.
Điều này có thể xảy ra do nhiều yếu tố như thay đổi trong hành vi tiêu dùng, tiến bộ công nghệ, thay đổi chính sách, hoặc các điều kiện kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp hơn các ngành khác. Ví dụ, một cuộc suy thoái chọn lọc có thể thấy sự suy giảm đáng kể trong các ngành sản xuất và bán lẻ do chi tiêu tiêu dùng giảm, trong khi các ngành công nghệ và chăm sóc sức khỏe có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ do nhu cầu và đổi mới liên tục.
Nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn “suy thoái có chọn lọc”?
Chênh lệch tài sản giữa các tầng lớp
“Suy thoái có chọn lọc” ở Mỹ hiện nay đang được thể hiện qua sự chia rẽ rõ rệt giữa các tầng lớp thu nhập khác nhau trong xã hội. Các hộ gia đình có thu nhập cao đang tiếp tục tạo ra khối lượng tài sản lớn, trong khi các hộ gia đình thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì mức sống và chi tiêu của mình.
Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy, kể từ năm 2022 đến nay, top 10% người giàu nhất nước Mỹ đã tăng thêm hơn 30.5 nghìn tỷ USD vào khối tài sản của họ. Trong khi đó, 50% người có thu nhập thấp nhất chỉ tăng thêm 1.8 nghìn tỷ USD. Sự khác biệt này chủ yếu là do phần lớn tài sản chứng khoán thuộc về những người giàu có, những người này có khả năng đầu tư lớn vào thị trường tài chính, giúp họ hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường. Trong khi các hộ gia đình thu nhập thấp lại chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ lạm phát, với 65% hộ gia đình có thu nhập dưới 25,000 USD/năm cho biết họ thấy lạm phát “rất căng thẳng” - cao hơn khoảng 23 điểm phần trăm so với các hộ gia đình có thu nhập từ 75,000-100,000 USD.
Ngoài ra, tình trạng bất ổn về tài chính cũng được ghi nhận rõ rệt ở các hộ gia đình trung lưu. Chỉ có chưa đến một nửa số hộ gia đình này đánh giá tình hình tài chính của họ là “tốt” hoặc “rất tốt,” trong khi 68% cho rằng khả năng tiết kiệm của họ là “không tốt” hoặc “rất tệ.” Điều này phản ánh tác động của lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao lên mức sống của các hộ gia đình trung lưu.
Dấu hiệu suy thoái: Chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh
GDP của Mỹ tăng 1.3% trong quý I/2024, dưới mức dự báo 1.6% trước đó, trong khi đạt 4.9% và 3.4% trong quý 3 và 4 năm 2023. Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong đầu năm là chi tiêu cá nhân - tăng 2.0%, thấp hơn so với ước tính trước đó là 2.5%.
Tuy vậy, dự báo của các chuyên gia nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với một cuộc suy thoái dẫn đầu bởi người tiêu dùng (Consumer-led recession). Cụ thể, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, chi tiêu bán lẻ đã giảm 1.3% trong ba tháng qua, tính tới tháng 5/2024, sau khi doanh số bán lẻ thực giảm 4.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2024. Người tiêu dùng cuối cùng đang cố gắng cắt giảm chi tiêu có thể tác động xấu đến nền kinh tế sau một thời gian dài chi tiêu mạnh mẽ đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế những năm qua. Và, sự suy yếu này đang được xem là một “xu hướng” đang hình thành, cho dấu hiệu một cuộc suy thoái tiêu dùng đang hiện hữu.
Xu hướng này càng trở nên rõ rệt hơn khi chỉ số PMI sản xuất của Mỹ giảm xuống còn 48.5 vào tháng 6/2024, ghi nhận giảm trong ba tháng liên tiếp và là lần giảm thứ 19 trong 20 tháng qua. Hơn nữa, hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ cũng suy giảm mạnh vào tháng 6 với PMI Dịch vụ ghi nhận ở mức 48.8, giảm từ mức 53.8 vào tháng trước đó. Sự suy giảm này chủ yếu do chi phí vay cao, hạn chế đầu tư thiết bị của doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng yếu.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao và thị trường lao động chậm chạp, tâm lý người tiêu dùng cũng xấu đi và thậm chí chán nản hơn so với trước đại dịch. Người mua hàng không mở ví một cách dễ dàng khi đang phải đối mặt với những tác động kép từ lạm phát, lãi suất cao và thị trường việc làm hạ nhiệt gần đây.
Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey cho thấy, 55% số người được hỏi cảm thấy “bi quan” hoặc có cảm xúc “trái chiều” về nền kinh tế trong quý II/2024. Và, các nhà tuyển dụg cũng đang tuyển dụng ít hơn so với trước đại dịch. Theo dữ liệu của Bộ Lao động, tỷ lệ tuyển dụng trung bình động trong ba tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch. Điều này cho thấy, mặc dù bề ngoài thị trường lao động có vẻ mạnh mẽ nhưng niềm tin của người tiêu dùng vào triển vọng trong thị trường lao động đã bắt đầu sụt giảm và cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên.
Ngoài ra, 37% người tiêu dùng cũng cho biết họ dự định giảm chi tiêu cho các bữa ăn mang đi và 35% cho biết họ dự định chi tiêu ít hơn tại các nhà hàng phục vụ đồ ăn ngồi. Hơn 30% số người được hỏi cho biết họ dự định chi ít tiền hơn cho các chuyến bay quốc tế và nội địa, trong khi 32% cho biết họ sẽ chi ít hơn cho rượu.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái tiêu dùng, với sự giảm tốc trong chi tiêu và hoạt động sản xuất. Những đợt cắt giảm chi tiêu này có thể giáng một đòn mạnh vào GDP của Mỹ, vốn đã yếu đi sau một vài quý tăng mạnh đáng kể vào năm 2023. Các chuyên gia dự đoán rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trước tháng 5/2025 là 52%. Một số còn nhận định hiện nay hơn một nửa nền kinh tế Mỹ đang trong suy thoái, dựa vào sự chênh lệch thu nhập cá nhân.
Liệu hạ cánh an toàn còn khả thi?
Đối với nền kinh tế Mỹ, việc ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm là hai mục tiêu hàng đầu trong các hoạch định chính sách của Fed. Tuy vào năm 2023, nước này trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi mà thị trường việc làm nóng trở lại hơn bao giờ hết, càng thúc đẩy lạm phát tăng nhanh chóng. Fed lúc đó phải tăng lãi suất liên tục và duy trì ở mức cao kỷ lục trong 23 năm để hạ nhiệt nền kinh tế.
Nhưng đến nay, mặc dù lạm phát đang hạ nhiệt thì tỷ lệ thất nghiệp đang từ từ tăng nhẹ hơn, cùng với đó là việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nói chung.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6/2024 tăng 3% so với năm trước, dưới mức được dự đoán 3.1%, và là tháng đầu tiên ghi nhận giảm so với tháng trước kể từ khi đại dịch bắt đầu; và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) là 2.6%. Trong khi đó, thị trường lao động vẫn đang mạnh nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên 4.1%, so với mức 4% của tháng 5 trước đó và mức 3.7% hồi đầu năm.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, trong cuộc họp gần đây đã cho tín hiệu sắp giảm lãi suất khi bày tỏ lo ngại rằng việc giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường việc làm, và có thể sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, các cuộc tranh luận về việc điều chỉnh lãi suất vẫn đang diễn ra gay gắt. Trong số 19 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), 4 thành viên cho rằng không nên cắt giảm lãi suất trong năm 2024, 7 thành viên dự kiến chỉ có một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và có thể phải chờ đến tháng 12, trong khi 8 thành viên còn lại nghĩ rằng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm tới.
Như vậy, mặc dù có sự chia rẽ trong quan điểm của các thành viên FOMC, khả năng hạ cánh mềm vẫn còn đó, nhưng vẫn phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát và các yếu tố kinh tế khác trong thời gian tới.
Báo cáo của OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ổn định ở mức 3.1% vào năm 2024, bằng với mức của năm 2023, sau đó tăng nhẹ lên 3.2% vào năm 2025. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực, như ở Đông Âu, có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Trong đó, sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng có thể khiến giá dầu vượt 100 USD/thùng, làm tăng lạm phát toàn cầu vào năm 2024 lên gần 1 điểm phần trăm. Hơn nữa, việc tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại, dự đoán đạt 2.6% vào năm 2024 và 1.8% vào năm 2025, cùng với các dấu hiệu “suy thoái kinh tế có chọn lọc” có thể làm gia tăng áp lực lên Fed để điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm tránh một cuộc suy thoái sâu.
Một điểm cần lưu ý nữa là tác động của chính sách tài khóa, như các gói kích thích kinh tế và chi tiêu công, có thể hỗ trợ cho quá trình hạ cánh mềm. Chẳng hạn, gói kích thích kinh tế trị giá 1.5 nghìn tỷ USD được chính phủ thông qua gần đây dự kiến sẽ tạo thêm 1.2 triệu việc làm trong vòng hai năm tới và đóng góp thêm 0.5% vào tăng trưởng GDP. Sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ là yếu tố then chốt để duy trì ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Fed cắt giảm lãi suất có ý nghĩa gì với nền kinh tế thế giới?
Lãi suất cao kéo dài có thể giữ cho đồng đô la Mỹ mạnh hơn so với các loại tiền tệ khác vì triển vọng lãi suất Mỹ cao liên tục khiến việc đầu tư vào chứng khoán Mỹ trở nên hấp dẫn hơn. Với mỗi lần đồng USD tăng giá, mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển - đặc biệt đối với những nước có khoản nợ bằng đô la Mỹ và việc trả nợ trở nên đắt đỏ hơn khi đồng nội tệ của họ suy yếu.
Tuy nhiên, với dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất một lần vào năm 2024, dự kiến vào tháng 9, và bốn lần nữa vào năm 2025. Điều này có thể làm suy yếu đồng đô la. Bằng chứng là mới đây, sau khi chủ tịch Fed cho tín hiệu “mở cửa” với việc hạ lãi suất khi cho rằng sẽ không chờ tới khi lạm phát về con số 2% mới hạ lãi suất tại phiên điều trần tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 10/7/2024, chỉ số DXY đã giảm liền từ mức trên 105 điểm xuống còn 104.
Đối với Việt Nam, việc Fed giảm lãi suất có thể mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, sẽ giúp lãi suất huy động bằng USD giảm, giúp giảm chi phí huy động vốn cho Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khi huy động vốn nước ngoài, đặc biệt là thông qua trái phiếu quốc tế. Đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất cho vay bằng đồng VND và USD. Đồng USD yếu đi cũng sẽ giảm bớt áp lực tỷ giá đối với VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Và, giúp chính sách tiền tệ Việt Nam “dễ thở” hơn khi không áp lực tỷ giá hạ nhiệt và có thể linh động hơn với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, việc giảm lãi suất cũng có thể khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước gia tăng trở lại, thúc đẩy thanh khoản và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn cũng như động lực tăng trưởng cho thị trường vốn.