Quất Mạnh Vào

Chào các bạn,

Tôi là Quách Mạnh Hào. Mọi người hay gọi Quất Mạnh Vào do câu chuyện quá khứ. Hiện tại thì không gắn với CTCK nào mà chỉ nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp. Để tránh các hiểu nhầm về xung đột lợi ích nếu có, tôi đã làm cố vấn chiến lược tái cấu trúc cho CTCP Tập đoàn FIT và Tập đoàn Trí Việt (TVC, TVB) như đã từng công khai trên FB trước đây. Tôi cũng thỉnh thoảng viết bài về cách nhìn và hiểu thị trường. TTCK đã cho tôi quá nhiều niềm vui và nỗi buồn.

Khi đưa cả nhà định cư tại Anh, tôi đã ra đi với hai bàn tay trắng cùng rất nhiều lời đồn đoán khác nhau. Nhưng tựu trung lại, tôi cám ơn TTCK Việt nam đã cho tôi những gì hôm nay để tôi trưởng thành hơn. Học từ thất bại bao giờ cũng là một điều tốt. Bởi vậy, tôi muốn trả lại cho thị trường bằng những kiến thức và kinh nghiệm đã có - như một cách trả lại cho đời những gì tôi có được.

Bài viết sau đây là bài viết mới nhất. Tôi lấy tên group trên FB của tôi là Quất Mạnh Vào để nhắc nhở mình rằng mọi vinh quang đều có thể lụi tàn, nhưng làm giàu kiến thức cho cộng đồng có thể là mãi mãi.

Cám ơn Đức (lỗi cũ ta về) đã mời anh vào Diễn đàn. Chúc anh chị em vui vẻ cuối tuần và thành công trong đầu tư.

Bài 3: Hiểu sự luân chuyển của dòng tiền

Gắn liền với các lý thuyết về chu kỳ kinh tế, chu kỳ tâm lý và chu kỳ thị trường là lý thuyết về sự phản ứng của các lớp cổ phiếu trong mỗi chu kỳ thị trường. Nói một cách dân dã thì đó chính là sự luân chuyển của dòng tiền qua các lớp cổ phiếu.

Nguyên lý

Khi dòng tiền vào thị trường mạnh, phần lớn các cổ phiếu đều tăng nhưng độ mạnh yếu khác nhau, thời điểm cũng khác nhau, dẫn tới thị trường luôn tăng điểm với KLGD tăng dần. Điều này là do dòng tiền liên tục tìm kiếm các cơ hội mới trong khi vẫn nắm giữ các cơ hội cũ.

Còn khi dòng tiền đã chững lại, các cổ phiếu tăng sớm sẽ được thay thế bởi các cổ phiếu tăng muộn dẫn tới chỉ số không còn tăng mạnh hoặc giảm cùng với KLGD không tăng. Điều này là do dòng tiền lúc này vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới nhưng bằng cách bán đi các cơ hội cũ.

Phần lớn các lý thuyết về sự luân chuyển của dòng tiền viết trong sách hoặc trên mạng đều có cách tiếp cận chuẩn mực truyền thống là dựa vào sự nhạy cảm của ngành nghề và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp theo chu kỳ kinh tế. Điều này là hợp lý bởi các lý thuyết này được hình thành tại các thị trường phát triển do nhà đầu tư tổ chức dẫn dắn.

Còn ở thị trường Việt nam, theo quan sát của tôi những lý thuyết đó cần có sự điều chỉnh phù hợp với đặc điểm thị trường do nhà đầu tư cá nhân dẫn dắt. Sự khác biệt cơ bản giữa một thị trường do nhà đầu tư tổ chức dẫn dắt và do nhà đầu tư cá nhân dẫn dắt nằm ở mức độ tác động của các yếu tố kinh tế và yếu tố tâm lý trong việc ra quyết định. Khi yếu tố tâm lý dẫn dắt nhiều hơn, các quyết định chủ yếu dựa trên các thông tin mang tính cảm nhận tốt xấu.

Luân chuyển dòng tiền

Từ lúc thị trường bắt đầu tăng cho đến đỉnh, theo chu kỳ tâm lý, nhà đầu tư sẽ thường bắt đầu bằng những lựa chọn an toàn và có cân nhắc cho đến các lựa chọn rủi ro và ít cân nhắc. Còn theo chu kỳ kinh tế, các lớp cổ phiếu thuộc nhóm nhạy cảm với tăng trưởng, chủ yếu là lãi suất, sẽ được lựa chọn trước cho đến các lớp cổ phiếu ít nhạy cảm và lớp cổ phiếu thuộc nhóm ngành luôn cần bất kể kinh tế kinh tế thế nào.

Sự kết hợp giữa yếu tố tâm lý và kinh tế tại thị trường Việt nam trong giai đoạn bắt đầu của chu kỳ tăng trưởng thường sẽ chứng kiến dòng tiền lựa chọn lớp cổ phiếu có đặc điểm quan trọng truyền thống như danh tiếng quản trị tốt, vốn hóa lớn và nhóm ngành liên quan tới tài chính và bất động sản. Lựa chọn này dựa trên sự đảm bảo an toàn và sự cảm nhận kỳ vọng (tôi nhấn mạnh là cảm nhận chứ không hẳn phân tích) về việc lớp cổ phiếu này sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế.

Khi thị trường càng tăng, do hiệu ứng của dòng tiền mạnh, phần lớn các lớp cổ phiếu sẽ bắt đầu chuyển động tăng điểm. Lúc này, cách tiếp cận an toàn sẽ dần thay thế bởi cách tiếp cận rủi ro hơn và việc lựa chọn các lớp cổ phiếu theo ngành nghề không còn rõ ràng nữa. Dòng tiền sẽ tìm đến các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn, không có điều tiếng xấu về quản trị, và các cổ phiếu có thông tin tốt. Do cổ phiếu ở lớp số 1 được giữ trong khi cổ phiếu lớp thứ 2 được mua, thị trường sẽ tăng điểm rất mạnh trong giai đoạn này.

Chúng ta sẽ không thể biết điểm số sẽ tăng đến đâu vì không bao giờ đo được dòng tiền vào nhiều như thế nào. Nhưng khi thị trường càng gần tới đỉnh điểm, các cổ phiếu ở lớp số 1 sẽ dần bị bán trong khi các cổ phiếu ở lớp số 2 và 3 vấn sẽ được mua. Thị trường lúc này thường chứng kiến sự tăng điểm diện rộng của lớp cổ phiếu số 3 – những cổ phiếu có điều tiếng hoặc cổ phiếu nhỏ đến rất nhỏ. Sự luân chuyển của dòng tiền lúc này sẽ dấn tới việc thị trường chững lại và giá trị giao dịch không tăng hoặc giảm.

Chính ở lúc này thị trường có sự xáo động tâm lý nhiều nhất. Sự giẳng co giữa lý trí (rời cuộc chơi) và trái tim (tiếp tục cuộc chơi) cũng gần giống sự giằng co tâm lý trong câu hỏi cuối cùng của “Ai là triệu phú?”. Cố thêm một lần nữa có thể thành triệu phú, nhưng cũng có thể sẽ về mức thấp hơn nhiều. Nhưng điều thú vị của thị trường chứng khoán nằm ở chỗ, trong khi trò chơi “Ai là triệu phú” có mức tối đa cố định, thì thị trường chứng khoán lại không có mức này. Trong trò chơi “Ai là triệu phú” người ta cũng thường liều hơn vì xuất phát điểm của họ không có đồng nào.

Trong những lúc như vậy, như là một cách chờ đợi dấu hiệu từ dòng tiền, thị trường thường sẽ một lần nữa quay lại với sự lựa chọn an toàn với hy vọng trái tim sẽ đúng, đồng thời nếu lý trí có sai thì nó cũng an toàn hơn bình thường. Chúng ta sẽ chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu an toàn hơn (lớp số 2 và 1) – sau khi bị bán – nhưng thường thì chỉ là một nhóm và chỉ một phần tiền là quay trở lại. Sự trở lại này đôi khi làm xảy ra bẫy tăng (bull trap) như dân tình vẫn hay nói. Nếu giá trị giao dịch thị trường không tăng, dòng tiền mới không vào nữa, thì dần dần dòng tiền hiện có cũng sẽ rời khỏi thị trường.

Điều quan trọng cần nhận biết là dòng tiền mới bao giờ cũng bao gồm dòng tiền vay do hiệu ứng đầu cơ tối ưu. Bởi vậy, những người làm tại các CTCK và ngân hàng có thông tin về hạn mức margin và điều này thường là quan trọng để cân nhắc triển vọng dòng tiền mới.

Tôi hy vọng bài viết sẽ có ích cho các bạn theo nghĩa cách nhìn của một người nghiên cứu để hiểu thị trường. Hiểu thị trường và hiểu chính mình là quan trọng để ra quyết định đúng. Chúc cuối tuần vui vẻ, tuần mới giao dịch thành công và tôi rất muốn tin thị trường vượt qua chướng ngại vật.

127 Likes

cảm ơn sếp, 2 năm làm việc với sếp giúp em tiến bộ rất nhiều, bài viết rất hay ạ, em đã bảo ae copy lại cho vào Tàng kinh các rồi ạ

17 Likes

Admin gửi lời chào tới bác Quách Mạnh Hào, 1 người có 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán và rất nổi tiếng trên thị trường đã tham gia vào cộng đồng F247 .

WELLCOME bác ! :heart: :heart:

21 Likes

Xin chào ông bạn,lâu lắm mới thấy tái xuất

1 Likes

Cán ơn Bác QMH một người có trải nghiệm thực tế với sự thăng trầm TTCK VN đã chia sẻ

2 Likes

em chào bác tiến sĩ ạ

2 Likes

Diễn đàn có sự đóng góp của các bác có kinh nghiệm và kiến thức uyên bác sẽ ngày càng giúp các nđt nâng cao đc kiến thức :slight_smile:

2 Likes

bác quách mạnh hào lập nick thực tế Ad nên cho bác ý Tích Xanh để nhận biết !

ở f247 đăng nhặp bằng cả facebook nên sẽ có nhiều người đăng nhập bằng nick thật và người thật nên cần cho tích xanh Ad ah

3 Likes

hình như DƯƠNG VĂN CHUNG là đệ tử của bác Quách Mạnh Hào ah

6 Likes

mình ko biết,chỉ biết mình toàn làm ngược lại những gì Chung nói mới tồn tain ở cái tt này

3 Likes

Càng biết nhiều càng sợ

Mà càng sợ Thì càng lên

Ai hiểu được cái này thì thắng

4 Likes

Đẳng cấp :+1: :+1: :smiley:

Tôi vừa viết bài này. Cũng chua trau chuốt, với góc nhìn vui cho các bạn nếu hữu ích.
Chúc mọi điều tốt lành!

Bài 4: Hiểu và dùng phân tích cơ bản

(Bài này viết chủ yếu cho người không chuyên kinh tế, tài chính)

Trong đầu tư chứng khoán, có hai trường phái phân tích truyền thống là cơ bản và kỹ thuật. Phân tích cơ bản sử dụng kiến thức kinh tế và tài chính doanh nghiệp rồi đưa vào mô hình định giả đế tìm ra giá trị cổ phiếu, từ đó so sánh với giá thị trường để ra quyết định. Phân tích kỹ thuật sử dụng đồ thị và các chỉ số để tìm ra giá mua vào và giá bán ra phù hợp. Trong khi phân tích cơ bản đòi hỏi hiểu sâu về doanh nghiệp, phân tích kỹ thuật có thể áp dụng cho bất cứ tài sàn nào có giao dịch.

Hầu hết các sách dạy về đầu tư đều là phân tích cơ bản. Họ sẽ nói rằng bạn cần phải có cách tiếp cập trên xuống, hoặc dưới lên, nhưng tựu trung lại, cuối cùng bạn sẽ ngồi mày mò tính toán cho một cổ phiếu cụ thể. Nó rất mất thời gian. Và nó cũng không phải là việc dễ dàng, ngay cả đối với chính doanh nghiệp đó, huống hồ bạn là người ngoài. Rút cục, bạn sẽ chẳng bao giờ có một câu trả lời đúng.

Hãy tưởng tượng ngay cả phương pháp đơn giản nhất là so sánh chỉ số PE, bạn cũng sẽ thấy là việc ước lượng EPS trong tương lai gần là một việc vô cùng khó. Vậy thì những phương pháp phức tạp như chiết khấu dòng tiền thì bạn sẽ còn cảm thấy bế tắc thế nào khi bạn phải ước lượng dòng tiền cho một tương lai xa 5, 10 năm và sau đó. Những thứ đó lại chỉ có thể làm được khi bạn cần hiểu về kinh tế, về ngành, thị trường, về lãnh đạo, mô hình kinh doanh, đạo đức này kia… Nói cách khác, bạn không thể làm được. Doanh nghiệp cũng không thể làm được. Vậy tại sao bạn lại dùng nó?

Tôi đã cho sinh viên làm rất nhiều bài định giá, vừa là bài học, vừa là để dùng cho quỹ đầu tư sinh viên. Một điều tôi luôn yêu cầu sinh viên làm là: đối với mô hình định giá mà các em đang sử dụng, hãy thử cho từng biến số thay đổi, rồi các biến số cùng thay đổi, xem kết quả định giá thế nào. Kết cục là kết quả thay đổi rất nhiều đến mức nó chẳng có ý nghĩa gì vì khoảng giá quá lớn.

Nói cách khác, khi bạn chỉ là một người thợ số liệu, kết quả mà bạn có được thực ra chỉ là một phỏng đoán hoang đường, nó phụ thuộc vào tâm trạng của bạn. Khi phấn khích, bạn thường có xu hướng phóng đại con số, còn khi lo lắng bạn lại thường bi quan quá mức. Vậy tức là định giá của bạn đã phụ thuộc tâm lý thị trường rồi. Ngay kể cả khi bạn là người có kinh nghiệm hơn, thậm chí là một người trong ngành, trong chính doanh nghiệp bạn định giá, thì bạn cũng thường gặp vấn đề tâm lý này, mặc dù khoảng phỏng đoán của bạn có thể sẽ hẹp hơn.

Nói như vậy để thấy rằng trên thị trường, tất cả chúng ta là người ngoài cuộc và chỉ là thợ số liệu. Nhưng thật may, vì tất cả chúng ta đều như vậy, nên nó lại có điểm chung. Đó là chúng ta thường tin vào những gì đơn giản nhất, dễ nhìn nhất. Đó chính là lý do tại sao mà chỉ số PE với EPS trong quá khứ được sử dụng rộng rãi, mặc dù nó không nói nhiều về tương lai nhưng nó lại so sánh được ở hiện tại. Đó cũng là lý do tại sao mà các bản tin ngắn gọn viết về doanh nghiệp lại thu hút hơn là các mô hình dòng tiền phức tạp.

Nhưng cái gì cũng có tình hai mặt. EPS và PE có thể làm đẹp bằng các thủ thuật kế toán lợi nhuận trong kỳ, chẳng hạn thông qua việc bán tài sản. Các bản tin về doanh nghiệp cũng có thể đưa những thông tin không đáng tin hoặc không thể kiểm chứng. Bởi vậy, bạn cần một chút kiến thức kế toán để tìm hiểu EPS đến từ các hoạt động thường xuyên. Còn các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) bài bản và nghiêm túc để thông tin được tin dùng.

Nói dông dài như vậy nhưng cuối cùng tôi trở lại câu hỏi “vậy tại sao bạn dùng phân tích cở bản?”. Theo quan sát của tôi, sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư giao dịch chứng khoán là dùng kết quả phân tích cơ bản như một con số đứng im. Nghĩa là, họ chỉ so sánh giá hiện tại của một cổ phiếu với kết quả định giá để ra quyết định. Những câu khuyến nghị truyền thống kiểu như “chúng tôi khuyến cáo mua cổ phiếu x ở mức giá y với giá mục tiêu z trong khoảng thời gian t” thực ra là vô nghĩa đối với người giao dịch bởi vì bạn thường ra vào theo chu kỳ thị trường. Tôi thậm chí không mấy khi để ý tới kết quả định giá, nhưng tôi lại đọc rất kỹ các thông tin và giả định được đưa ra bởi nó cho tôi cảm nhận và thông tin về doanh nghiệp. Tất nhiên, nếu bạn nói rằng bạn nắm giữ dài hạn thì tôi không đề cập.

Nhưng phân tích cơ bản không phải là vô nghĩa, nó phụ thuộc cách bạn dùng. Tôi luôn quan tâm tới các chu kỳ kinh tê, thị trường và tâm lý; quan tâm tới sự luân chuyển của dòng tiền và nhận thấy rằng tại mỗi giai đoạn của thị trường luôn có một lớp cổ phiếu được tìm kiếm, và trong mỗi lớp cổ phiếu, thị trường lại tìm cổ phiếu an toàn hơn. Điều này có nghĩa là nếu bạn dùng phân tích cơ bản để xếp hạng cổ phiếu trong cùng một lớp thì có thể sẽ hữu ích hơn.

Giả sử nếu định giá so với giá thị trường (không cần phải cao hơn) của cổ phiếu A là tốt so vơi B, thì A nên được chọn trước trong cùng lớp cổ phiếu. (Bạn nên đọc lại 3 bài trước bài này để hiểu về nội dung này). Việc xếp hạng này sẽ tốt hơn nếu do bạn tự định giá (vì nó cùng một kiểu rủi ro) hoặc nếu bạn không có thời gian, bạn nên sử dụng ít nhất là cùng một nguồn (ví dụ cùng 1 cty chứng khoán). So sánh 2 cổ phiếu từ 2 nguồn khác nhau thường rất ít có ý nghĩa.

Như vậy, nếu bạn là một người không có thời gian, không chuyên hoặc không phải dân kinh tế, bạn hoàn toàn có thể dùng phân tích cơ bản theo cách của mình. Những điều đơn giản, nhiều người biết, thường có tác động nhiều hơn là những gì phức tạp. Phân tích cơ bản tưởng chừng là phức tạp, nhưng thực ra nó lại đơn giản để dùng trong thực chiến hàng ngày. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý khỏe (Bài 1), một cách nhận diện chu kỳ thị trường (Bài 2), một danh sách cổ phiếu theo từng lớp được xếp hạng (Bài 3 và 4), bạn sẽ trở nên tự tin hơn với quyết định của mình.

Chúc các bạn làm chủ quyết định của mình và thành công trong giao dịch!

54 Likes

Bài phân tích quá hay bác

Hay quá,hy vọng bác có thêm nhiều bài chia sẻ nữa

Bài tôi vừa viết đưa lên FB Quất Mạnh Vào. Cuối tuần mới có thời gian rảnh nên lâu lâu mới viết. Hy vọng có ích cho các bạn.

Bài 5: Hiểu và sử dụng phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật là nhánh còn lại trong hai cách tiếp cận phân tích chứng khoán. Thực ra còn một nhánh nữa là phân tích định lượng dựa trên thuật toán tối ưu nhưng vì nó không liên quan tới yếu tố tâm lý con người nên tôi sẽ không trình bày. Nếu bạn còn nhớ thì có lẽ Chứng khoán Thăng Long ngày xưa là một trong số các công ty đi đầu trong việc phát triển các bản tin thị trường sử dụng phân tích kỹ thuật. Tôi hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho các bạn.

Hiểu khái niệm và giả định

Phân tích kỹ thuật là việc sử dụng đồ thị giá và KLGD để phân tích hành vi thị trường. Hầu hết các trang tài chính đều cung cấp các thông tin phục vụ phân tích cơ bản và hệ thống đồ thị phục vụ phân tích kỹ thuật. Nhiều người cho rằng phân tích kỹ thuật không đáng tin và không nên dùng vì nó hoàn toàn không liên quan gì tới yếu tố nội tại của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tôi không nghĩ vậy. Tôi nhận thấy rằng mặc dù đồ thị giá và lượng không cho thấy các yếu tố nội tại, nhưng nó lại là tổng hòa của mọi hành vi thị trường. Nói cách khác, dù bạn là ai, nghĩ gì, thì cuối cùng tổng hợp mọi yếu tố đó được thể hiện hành vi mua bán, tức là giá và khối lượng giao dịch. Như tôi đã từng đề cập trong một bài về thỏ và cáo về hành vi, điều luôn đúng với bạn sẽ là đừng nghe những gì thị trường nói mà hãy nhìn những gì thị trường làm.

Để hiểu tại sao phân tích kỹ thuật lại quan trọng, các lý thuyết hàn lâm cho rằng giá và lượng là kết quả cuối cùng của mọi thông tin hiện có trên thị trường. Vì lý do này, những người đi theo phân tích kỹ thuật có xu hướng xem nhẹ phân tích cơ bản bởi họ nghĩ rằng mọi thứ đều đã phản ánh vào giá và lượng.

Nhưng phân tích kỹ thuật không có nghĩa là bạn cần phải biết mọi thứ về nó. Quan điểm của tôi là càng đơn giản, càng dễ dùng càng tốt. Nhưng bạn đừng chỉ nhìn vào các chỉ số và hay mô hình kỹ thuật như nhìn một bức tranh, mà hãy cố gắng vận dụng một chút kiến thức về kinh tế học (chu kỳ, cung cầu), một chút kiến thức về tâm lý, một chút kiến thức về phân tích cơ bản (doanh nghiệp) để thành công.

Chỉ cần hiểu 2 điều

Các sách và khóa đạo tạo phân tích kỹ thuật thường sẽ lần lượt dạy cho bạn các mẫu hình đồ thị và các chỉ số kỹ thuật khác nhau, nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy rằng thực ra chỉ có hai điều quan trọng với bạn. Điều thứ nhất là hiểu thế nào “hỗ trợ” và “kháng cự”. Điều thứ hai là hiểu thế nào là “quá mua” và “quá bán”.

Mức “hỗ trợ” (mức giá thấp gần nhất) và “kháng cự” (mức giá cao gần nhất) quan trọng bởi vì tâm lý con người thường dè dặt trước các ngưỡng giá mới. Khi bạn đã xác định một xu thế là tăng hay giảm (dựa vào kiến thức chu kỳ), hỗ trợ và kháng cự chính là đường xu hướng. Khi sử dụng kháng cự và hỗ trợ, bận cần sử dụng kiến thức tâm lý (Bài 1) để hiểu nó. Khi mức giá tiệm cận mức giá cũ gần nhất nhưng lại giảm trước khi đạt được nó, bận cần hiểu rằng đó là vì nhiều người sợ không thể đạt được. Ngược lại, khi giá giảm về mức giá cũ nhưng chưa xuống tới đó đã tăng lại thì cần hiểu rằng nhiều người không nghĩ sẽ giảm quá mức đó. Nghĩa là, bạn cần nhìn nhận “hỗ trợ” và “kháng cự” giống như một nỗi ám ảnh trong tâm lý con người, thay vì là đường thẳng.

Các chỉ số kỹ thuật có rất nhiều, nhưng về cơ bản nó chỉ để phản ánh rằng thị trường đang “quá mua” hay “quá bán”. Quá mua tức là mua nhiều hơn bình thường. Quá bán tức là bán nhiều hơn bình thường. Không có gì đặc biệt. Quá mua thường gắn liền với kháng cự và quá bán bao giờ cũng gắn liền với hỗ trợ và bởi vậy các chỉ số kỹ thuật gần như dịch chuyển tương tự đồ thị giá và nó giúp để hiểu ám ảnh tâm lý. Do vậy, theo tôi bạn đừng xa đà vào việc tìm hiểu nhiều chỉ số kỹ thuật, chỉ cần hiểu 1-2 chỉ số dễ hiểu nhất, dần dần tạo ra nguyên tắc sử dụng cho bạn.

Nhưng cả mẫu hình kỹ thuật cũng như chỉ số kỹ thuật nói chung mới chỉ thể hiện sự ám ảnh tâm lý, bạn cần nhìn vào khối lượng giao dịch bởi vì khối lượng thể hiện hành vi. Tại những điểm ám ảnh tâm lý quan trọng, khối lượng giao dịch lớn bao giờ cũng là biểu hiện của việc “tâm lý chuyển thành hành động”. Không gì có thế giấu được qua khối lượng giao dịch, tất nhiên trừ khi các giao dịch ảo (trao tay) được sử dụng để giả tạo hành vi. Tuy nhiên, với những cổ phiếu phổ biến và diện rộng cả thị trường, việc giả tạo hành vi là khó.

Sử dụng

Để minh họa cho quan điểm về việc bạn chỉ nên hiểu những gì đơn giản nhất thay vì xa đà vào học quá nhiều về phân tích kỹ thuật chuyên sâu, bạn sẽ thấy rằng chu kỳ thị trường (Bài 2) khi kết hợp với luân chuyển dòng tiền (Bài 3) và tâm lý thị trường (Bài 1) thường sẽ tạo ra những gì giống như lý thuyết sóng Elliot (5 bước khi tăng, và 3 bước giảm). Nó thực chất chỉ là 3 lớp cổ phiếu thay phiên nhau kéo dòng tiền trong một chu kỳ tăng và sau đó là sự phản ứng do tâm lý níu kéo tạo ra. Lúc níu kéo này người ta cũng hay dùng các cụm từ như “tăng giả - bulltrap” là vì tâm lý chưa chấp nhận của nhưng người nghĩ khác hành vi chung của thị trường. Hay các mẫu hình hai đỉnh, hai đáy … thực tế chỉ là sự cân nhắc tại đỉnh và đáy dựa trên kháng cự và hỗ trợ. Hoặc các mẫu hình như lá cờ bay hay phễu hay gì gì đó… thực chất chỉ là phản ánh kháng cự/hỗ trợ và sự ám ảnh tâm lý.

Với quan điểm tổng thể như vậy, tôi tin rằng phân tích kỹ thuật nếu dùng tốt, tạo ra được nguyên tắc, sẽ giúp bạn nhận diện thời điểm vào ra thị trường. Nhưng tôi không khuyên bạn chỉ dùng phân tích kỹ thuật mà quên đi cơ bản, bởi phân tích cơ bản giống như một sự bảo hiểm cho nhận định sai của bạn vậy. Và trên hết, khi bạn đã bán mà giá có tăng, hay khi bạn đã mua mà giá có giảm, đừng tiếc. Bởi nếu bạn thực sự hiểu sự vận đồng của thị trường, chờ đợi chính là sự đầu tư.

Tôi kết thúc bài này ở đây mặc dù quả thực còn có rất nhiều thứ có thể viết nhưng cũng không muốn bài quá dài bạn ngại đọc. Tôi chúc bạn chuẩn bị cho mình một tâm lý khỏe (Bài 1), một cách nhận diện chu kỳ thị trường (Bài 2), một danh sách cổ phiếu theo từng lớp (Bài 3) và xếp hạng nó (Bài 4) và sử dụng phân tích kỹ thuật để vào – ra (Bài 5). Như thế là bạn đã có thể tự tin để bước vào thị trường chứng khoán rồi, đặc biệt là những người mới. Các bạn có thể chia sẻ các bài của tôi thoải mái – nhưng ghi nguồn “Quất Mạnh Vào” nhé :blush:. Tôi mong rằng nếu có điều kiện thuận lợi tôi sẽ diễn giải trực tiếp cả 5 bài cho các bạn quan tâm qua một buổi nói chuyện.

39 Likes

bác quách hào lượng view lớn quá :sweat_smile:

3 Likes

Cám ơn onlyU9 - mình giờ đi chia sẻ kiến thức và hy vọng nó có ích thôi :slight_smile:

6 Likes

Em là Fo rất cảm ơn TS đã mở mắt cho em và thiên Hạ hiểu sâu về TTCK

3 Likes