Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội hay rào cản cho dòng vốn FDI vào việt nam

, , , ,

THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU: CƠ HỘI HAY RÀO CẢN CHO DÒNG VỐN FDI VÀO VIỆT NAM

Dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 12 tháng 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2022. Trong 36,6 tỷ USD vốn đăng ký tính đến 20/12/2023, số đăng ký mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng 62,2%. Số dự án mới cũng đạt 3.188, tăng 56,6%. Đây là thành tích ấn tượng nhất từ trước đến nay và đã giúp Việt Nam giữ vị thế top đầu của khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Malaysia.

Với những số liệu khả quan cùng những lời hứa hẹn, cam kết đầu tư từ các ông lón trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, NVIDIA… Việt Nam đã và đang cho thấy mình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Nối tiếp dòng chảy đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên ngoài những điểm sáng tích cực, việc thu hút dòng vốn FDI cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong năm 2024 và vấn đế cần quan tâm chính là việc giữ chân dòng vốn FDI khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, hiện đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Những điều kiện và ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như ưu đãi về thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ khi tính doanh thu chịu thuế (trong vòng 5 năm); hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh hay những ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất khác… chính là một trong các lợi thế tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài của Viêt Nam trong những năm qua.

Tuy nhiên, với việc chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, câu chuyện giờ đây đã hoàn toàn khác, lợi thế về thuế suất hấp dẫn của Việt Nam sẽ không còn nữa. Theo đó thì các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất đều phải đóng thuế 15% cho Việt Nam, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương.

Nhìn chung, thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia cũng như làm giảm tình trạng các tập đoàn, công ty lớn rót vốn sang các quốc gia khác có lãi suất thấp để tránh thuế suất cao tại quốc gia mẹ.

RÀO CẢN LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN

Rõ ràng, công cụ quan trọng trong thu hút dòng vốn FDI tại Việt Nam đã mất, ưu đãi thuế giờ đây không còn là tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn, Việt Nam sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước không áp dụng

Các ưu đãi thuế của Việt Nam trước đây đã giúp cho thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp FDI chỉ là 12,3%, thậm chí một số tập đoàn lớn chỉ chịu mức thuế là 2,75%-5,95%. Và vì vậy, các doanh nghiệp FDI sẽ nhận thấy rằng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam sẽ khiến họ phải trả thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể là nếu thuế suất họ đang phải chịu tại nước đầu tư thấp hơn 15% thì buộc sẽ phải nộp bổ sung phần chênh lệch so với mức thuế 15%. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tăng chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp này.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, đáng chú ý là ảnh hưởng của nó có thể lan rộng đến cả những doanh nghiệp FDI nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp này thuộc chuỗi sản xuất và kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia lớn. Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, khoảng 120 tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam, với hơn 1000 doanh nghiệp liên quan, dự kiến cũng sẽ gặp phải ảnh hưởng trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến quyền lợi đánh thuế của Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 và nếu Việt Nam không sớm nội luật hoá để áp dụng thì sẽ bị thiệt thòi, không giành được quyền chủ động đánh thuế.

Hiện, đã hơn 20 ngày kể từ khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào thực tiễn, nhưng Nghị định hướng dẫn thực hiện, các cơ chế ưu đãi vẫn chưa được ban hành. Các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ còn chần chừ vì điều này và nếu để lâu có thể làm nản lòng nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc sớm ban hành Nghị quyết đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Nhìn chung vấn đề sửa đổi cho đồng nhất trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là vấn đề thời gian.

CƠ HỘI VẪN TỒN TẠI?

Tuy nhiên không phải tự nhiên mà Việt Nam lại chấp nhận áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nếu không được lợi gì bởi lẽ thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.

Chắc chắn, việc áp dụng chính sách thuế này sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như tăng nguồn thu NSNN từ phần thu thuế bổ sung (lên đến hàng trăm tỷ đồng); giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Ngoài ra, để tiếp tục thu hút và giữ chân các “đại bàng”, đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI khi những chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng, và các giải pháp thay thế mới được áp dụng.Với chiến lược trọng tâm là thu hút FDI gắn với kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ chuyển dịch từ việc ưu đãi thuế sang việc tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các chính sách khác ngoài thuế. Điều này sẽ tạo ra 1 môi trường đầu tư chuyên nghiệp bền vững, mang đến lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư và đặc biệt là ít rủi ro.

Cơ hội thì luôn sẵn có, quan trọng là Việt Nam sẽ nắm bắt như thế nào? Ngoài ưu đãi về thuế suất, chúng ta hiện vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhờ: Nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng nhưng chi phí thấp, cần cù, chịu khó, sáng tạo; là nguồn tài nguyên lớn phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao; môi trường chính trị ,an ninh ổn định, vị trí thuận lợi gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của châu Á và cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư phát triển… Việt Nam còn có tiềm lực về đất hiếm, là nguyên vật liệu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vi mạch và điện tử -1 lĩnh vực mang tính dẫn dắt trong xu hướng phát triển tương lai.

Nếu biết phát huy những điều đó cùng với việc kịp thời rà soát, điều chỉnh phù hợp các luật liên quan (đặc biệt là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…) để tạo nên môi trường đầu tư chất lượng thì Việt Nam mới có thể tiếp tục duy trì được dòng vốn FDI trong sân chơi mới mang tên “Thuế tối thiểu toàn cầu”.

3 Likes

CẦN LẬP QUỸ ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN THU THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU
Đây là kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối với quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC), tại báo cáo Quý I/2024 của trường về một số chủ đề quan trọng của nền kinh tế trong thời gian qua.
Chúng ta biết rằng hiện tại quá trình nội luật hóa quy định trong Nghị quyết 107/2023/QH15 (về áp thuế tối thiểu toàn cầu) vẫn đang được diễn ra và chắc chắn việc sửa đổi lại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để ghi nhận các ưu đãi cần có bổ sung nhằm khuyến khích đầu tư, gồm các ưu đãi qua thuế TNDN, và các biện pháp phi thuế là điều được đặc biệt quan tâm.

Trước tình hình đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất hai kiến nghị sau khi thuế TTTC được áp dụng từ ngày 1/1/2024:
Thứ nhất, đánh giá toàn diện và sâu sắc về việc thực hiện thuế TTTC và tác động đến dòng vốn FDI, Chính phủ cần có những nghiên cứu chuyên sâu về việc này.
Thứ hai, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế TTTC. Đối với Việt Nam, việc tham gia triển khai thuế TTTC góp phần tăng cường hội nhập quốc tế nói chung. Cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng, góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đây là một yếu tố tích cực của việc áp dụng thuế TTTC mà phần bài viết trên đã đề cập.

Nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp FDI khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc (7/3/2024), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ với gần 300 doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam rằng hiện Bộ đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp FDI, khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm nay.

Trước các doanh nghiệp Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay chính sách thuế sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, gồm các nhà đầu tư Hàn Quốc.Theo ông Kim Yong Jae, Ủy viên thường trực Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC), tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt khoảng 90 tỷ USD. Hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Việt Nam, với 9.863 dự án.
Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới được các công ty tổ chức tài chính Hàn Quốc rót vốn, với 46 doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Có lẽ chính nhờ thông tin này mà trong phiên thứ 6 cuối tuần vừa rồi (8/3) -các cổ phiếu BĐS KCN vẫn giữ được mức xanh khá tốt so với phần còn lại của thị trường.