Tình hình hiện nay- Cập nhật tin

LPBank tính vụ lớn: Sẵn tiền gần 10.000 tỷ mua tối đa 5% vốn FPT

Theo LPBank, việc đầu tư vào cổ phiếu FPT - được đánh giá là có tỷ suất sinh lời hấp dẫn - sẽ giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HoSE LPB) đã bổ sung tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường. Cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 22/9 tới, tại LPB Tower, số 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cụ thể, nhà băng này đã bổ sung thêm tờ trình phương án góp vốn, mua cổ phần của Công ty CP FPT. Tại tờ trình, HĐQT LPBank đề xuất mua tối đa 5% vốn điều lệ của FPT tại thời điểm triển khai, thực hiện giao dịch mua cổ phần. Tổng giá trị đầu tư không vượt quá tỷ lệ đầu tư được phép theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch đầu tư cổ phiếu FPT của LPBank

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024, 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Tờ trình của LPBank nêu rõ, quyết định đầu tư căn cứ theo Điều 67 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Điều 27 của Điều lệ LPBank, ĐHĐCĐ có quyền quyết định phương án góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

Được biết, FPT hiện có vốn điều lệ 14.604 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, nếu mua tối đa 5% vốn cổ phần của FPT, LPBank sẽ sở hữu khoảng 73 triệu cổ phiếu FPT.

Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu FPT là 135.000 đồng/cp, nhà băng này sẽ phải bỏ ra khoảng 9.855 tỷ đồng.

Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu FPT là 135.000 đồng/cp, LPBank sẽ phải chi khoảng 9.855 tỷ đồng cho 5% vốn cổ phần của FPT

Lý giải quyết định đầu tư vào FPT, LPBank cho biết, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, ngân hàng muốn đầu tư vào cổ phiếu niêm yết nhằm giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông. Qua đánh giá, HĐQT LPBank nhận thấy cổ phiếu FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn.

Theo ngân hàng này, FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. Công ty ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào Al, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển.

Cùng với đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít mã cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định qua các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30.

Chủ tịch hãng Yamaha Motor bị con gái đâm dao ngay tại nhà

image

Ông Yoshihiro Hidaka, chủ tịch hãng sản xuất xe máy Nhật Bản Yamaha Motor, bị con gái dùng dao đâm tại nhà riêng ở thành phố Iwata, Shizuoka, lúc 3h sáng 16/9.

Sở Cảnh sát tỉnh Shizuoka đã bắt giữ cô con gái 33 tuổi của ông Yoshihiro Hidaka là Hana, hiện đang thất nghiệp, vì nghi ngờ cố ý giết người. Sở vẫn chưa tiết lộ liệu người phụ nữ này có thừa nhận các cáo buộc hay không.

Hana bị cáo buộc đã cố ý giết cha mình, 61 tuổi, bằng cách dùng một con dao nhà bếp cắt vào cánh tay trái của ông.

Theo Sở Cảnh sát tỉnh Shizuoka, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường sau khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ Hana, người nói rằng cô bị cha mình đánh.

Chủ tịch hãng Yamaha Motor bị con gái đâm dao ngay tại nhà - Ảnh 1.

Hãng sản xuất xe máy Yamaha Motor cho biết họ sẽ không bình luận về vụ việc (Ảnh: JIJI)

Ông Hidaka sinh năm 1963, tốt nghiệp Đại học Nagoya chuyên ngành luật và gia nhập Yamaha Motor năm 1987. Hiện ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện của hãng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA).

Hãng sản xuất xe máy hàng đầu của Nhật Bản Yamaha Motor cho biết họ sẽ không bình luận về vụ việc vì đây là vấn đề riêng tư và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Bất ngờ một doanh nhân 9X mua 39 căn hộ chỉ trong 1 ngày

Được biết, đây là Tổng Giám đốc của một công ty vừa phát hành thành công trái phiếu.

Theo Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp luật, ngày 12/9 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt cùng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc đã phát hành tổng cộng 5.400 tỷ đồng trái phiếu.

Trước đó vài ngày, cả hai công ty này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Phát triển Thành Phố Xanh thỏa thuận về việc phân chia lợi nhuận từ dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (gọi tắt là Vũ Yên Hải Phòng) tại phường Đông Hải 1, quận Hải An và xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Bất ngờ một doanh nhân 9X mua 39 căn hộ của Vinhomes chỉ trong 1 ngày

Bất ngờ một doanh nhân 9X mua 39 căn hộ chỉ trong 1 ngày

Liên quan đến dự án Vũ Yên Hải Phòng, theo thông tin tìm hiểu, ông Nguyễn Phi Long - Tổng Giám đốc Bất động sản Trường Lộc đã thực hiện các giao dịch mua bán số lượng lớn căn hộ tại dự án này.

>> Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sẽ có thêm khu công nghiệp 111ha

Cụ thể, vào ngày 5/7/2024, ông Nguyễn Phi Long và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Kiều đã ký hợp đồng mua cùng lúc 26 căn nhà tại Vũ Yên Hải Phòng.

Cũng trong ngày 5/7, vợ chồng ông Long tiếp tục ký hợp đồng mua 13 căn nhà ở riêng lẻ thuộc Dự án số 1 - Khu đô thị trung tâm TP. Thanh Hóa.

Như vậy, chỉ trong ngày 5/7/2024, cặp vợ chồng này đã mua tổng cộng 39 căn nhà tại hai dự án.

Ngoài ra, vào cuối tháng 12/2022, vợ chồng ông Long cũng đã mua khoảng 70 căn nhà tại dự án Khu đô thị Đại An, tỉnh Hưng Yên.

Được biết, ông Nguyễn Phi Long - sinh năm 1991 trú tại Hà Nội, là người sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài vai trò Tổng Giám đốc Bất động sản Trường Lộc, ông còn nắm giữ 3% cổ phần công ty này, tương đương 226 tỷ đồng vốn góp.

Ngoài ra, ông Long sở hữu 51% cổ phần của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hưng Nghĩa, công ty nắm giữ 49% cổ phần Bất động sản Trường Lộc, tương đương với vốn góp 1.610 tỷ đồng.

Sự thật bất ngờ: Doanh nghiệp chỉ còn 3 người, tất cả đều là lãnh đạo, cổ phiếu bật tăng phi mã 1.200%

Pha bứt tốc của cổ phiếu sàn HNX đẩy P/E của mã vọt lên mức 5.900 lần. Nửa đầu năm 2024, doanh thu công ty này chỉ chưa đầy 1 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ đầu tháng 4/2024 đến nay chứng kiến đà tăng hàng chục lần của cổ phiếu CTP (CTCP Minh Khang Capital Trading Public), hiện đang niêm yết trên sàn HNX.

Từ mức giá chỉ hơn 3.000 đồng/cp (tương đương giá một cốc trà đá), chuỗi lên điểm với nhiều phiên kịch trần giúp CTP chạm mức 42.700 đồng trong phiên 13/9, tương ứng tăng 1.160%. Trong cùng thời điểm, khối lượng giao dịch nhiều phiên thậm chí đạt từ 0,5-1 triệu đơn vị.

Trong 4 phiên giao dịch gần nhất, dù chịu áp lực điều chỉnh, giá cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao, 37.000 đồng/cp - gấp 3 lần giá trị sổ sách; chỉ số P/E vọt lên mức gần 5.900 lần.


Diễn biến giá cổ phiếu CTP

Cùng với động thái tăng giá, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Thành và Tổng Giám đốc Lê Minh Tuấn cũng miệt mài thoái vốn. Từ đầu năm đến nay, ông Thành đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,76% vốn xuống còn 6,61%.

Theo thông báo mới nhất, ngày 9/9, ông Tuấn vừa bán xong toàn bộ 200.300 cổ phiếu CTP, giảm sở hữu về 0. Ông Thành cũng đã bán ra toàn bộ hơn 800.000 cổ phiếu trong thời gian từ 9-13/9, thu về hàng chục tỷ đồng.

CTCP Minh Khang Capital Trading Public, tiền thân là CTCP Cà phê Thương Phú, thành lập năm 2010 với vốn 3 tỷ đồng, ban đầu tập trung vào sản xuất và chế biến cà phê. Đến cuối năm 2019, công ty thoái vốn khỏi CTCP Nansan Việt Nam, chuyển hướng phát triển đa ngành, bao gồm đầu tư bất động sản và kinh doanh vật liệu xây dựng.

Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 121 tỷ đồng, doanh thu 4 năm gần nhất dao động từ 70-120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức tượng trưng từ vài chục triệu đồng đến 1 tỷ.

Trong nửa đầu năm 2024, công ty báo doanh thu 709 triệu đồng và lỗ ròng 178 triệu đồng, các chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đều ở mức âm.

Tại thời điểm cuối quý II, Minh Khang Capital Trading Public có tổng tài sản 153 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Tài sản chính bao gồm 76% khoản phải thu ngắn hạn và 22% hàng tồn kho. Công ty đang tạm ứng 37 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT để đầu tư dự án Zen Garden Village tại Tiền Giang. Dự kiến khoản này sẽ được hoàn trả từ quý III đến hết quý IV/2024.


Kết quả kinh doanh của Minh Khang 4 năm gần nhất

Cổ phiếu tăng nóng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Minh Khang sụt giảm nghiêm trọng.

Vấn đề khác đến từ những “lùm xùm” khi 8 thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát xin từ nhiệm trước thềm đại hội cổ đông với lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, chỉ có 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban Kiểm soát được phê duyệt cho nghỉ. HĐQT hiện còn Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành và Phó Chủ tịch Trần Công Thành. Ông Lê Minh Tuấn hiện đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 cũng cho thấy Minh Khang chỉ còn 3 nhân viên. Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành đã giảm sở hữu từ 23,76% xuống 6,61% và tiếp tục đăng ký bán hết cổ phần.

Vụ Vạn Thịnh Phát: ‘Trợ thủ tài chính’ của Trương Mỹ Lan tiết lộ kỹ thuật xử lý dòng tiền

Phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) ngày 20/9, các bị cáo tham gia vào chủ trương phát hành trái phiếu của 3 công ty An Đông, Quang Thuận và Sunny World cho lời khai.

Ngày 20/9, phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) tiếp tục với phần xét hỏi nhóm các bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành 25 lô trái phiếu.

Là người được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo này khai có tham gia vào các cuộc họp để quyết định chủ trương phát hành trái phiếu của 3 công ty gồm: An Đông, Quang Thuận và Sunny World. Trước khi phát hành trái phiếu, 3 công ty đều được HĐQT của các công ty này ra nghị quyết thông qua.

Theo Báo Pháp luật TP. HCM, bị cáo Phương cho biết theo quy định khi các lô trái phiếu được phát hành, muốn thành công thì phải có đơn vị mua sơ cấp. Nếu khi phát hành mà không có ai mua sơ cấp thì các lô trái phiếu đó cũng bị hủy nên các công ty nội bộ trong hệ thống Vạn Thịnh Phát sẽ đứng ra mua để đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công.

Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Trợ thủ tài chính' của Trương Mỹ Lan tiết lộ kỹ thuật xử lý dòng tiền
Bị cáo Hồ Bửu Phương

Về dòng tiền chuyển qua lại giữa các công ty, cá nhân để mua các lô trái phiếu, bị cáo này khai việc hứa chuyển nhượng cổ phần giữa các tổ chức, cá nhân với nhau chỉ là một trong các kỹ thuật để xử lý dòng tiền (có thể là cho mượn, cho vay, hứa chuyển nhượng…). Đây là cách để lấy tiền ra từ đơn vị này chuyển qua đơn vị khác.

“Bị cáo không phụ trách phát hành trái phiếu bán cho người dân, tiền thu về, sử dụng vào mục đích gì thì bị cáo không biết, không được hưởng lợi. Bị cáo chỉ sử dụng kiến thức chuyên môn của mình (về tài chính) để đảm bảo phát hành thành công các lô trái phiếu. Đến bây giờ bị cáo vẫn không nghĩ là số lượng người mua trái phiếu lại nhiều đến như vậy”, bị cáo Phương khai.

Tương tự Phương, bị cáo Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, cũng thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo này thừa nhận bản thân phụ trách nhóm các công ty thuộc Peninsula gồm có khoảng 600 công ty, chủ trương thành lập các công ty nhận lệnh từ Nguyễn Phương Hồng và Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng (Tổng/Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB). Sau khi nhận chỉ đạo, bị cáo Phương Anh giao cho nhân viên cấp dưới tìm người để thành lập công ty phục vụ cho quá trình giải quỹ.

Về việc phát hành các lô trái phiếu, bị cáo Phương Anh khai dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu, sau khi được chuyển qua chuyển lại và chảy về Peninsula thì bị cáo sẽ phụ trách việc giải quỹ, chuyển tiền từ Peninsula cho các cá nhân khác sử dụng vào các mục đích khác nhau.

1 Likes

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam

Ngày 17/9, Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco (Aramco) tại Văn phòng giao dịch Hà Nội.

Aramco là Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Aramco đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021.

Tại buổi làm việc, Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa đầu tư trực tiếp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh chia sẻ về vị thế dẫn đầu thị trường của Petrolimex trong khâu phân phối xăng dầu hạ nguồn với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật quy mô, hiện đại và đồng bộ nhất trong các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.

Với lợi thế khác biệt là hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước, lên tới 5.500 cửa hàng xăng dầu (trong đó có 2.800 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu, quản lý trực tiếp), chiếm gần 50% thị phần phân phối xăng dầu nội địa, lãnh đạo Petrolimex đề nghị Aramco nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu; sản xuất, phân phối các sản phẩm hóa dầu như: khí hóa lỏng, gas, dầu mỡ nhờn; bảo hiểm…

Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải nhấn mạnh Tập đoàn là đơn vị kinh doanh xăng dầu hạ nguồn duy nhất ở Việt Nam sở hữu kho ngoại quan là Vân Phong (VPT) có hạ tầng cơ sở chất lượng và nằm ở vị trí đắc địa. Lãnh đạo Petrolimex đề nghị Aramco có thể lựa chọn kho ngoại quan Vân Phong là cửa ngõ khi xúc tiến các hoạt động thương mại xăng dầu tại Việt Nam. Petrolimex sẵn sàng hợp tác với Aramco trong việc tạo nguồn xăng dầu.

Phó Chủ tịch phụ trách Bán lẻ Ziyad Juraifani bày tỏ tin tưởng rằng, với thế mạnh của Aramco và Petrolimex, sự hợp tác chiến lược, bài bản giữa hai tập đoàn trong tương lai sẽ tạo nên những lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Việt Nam.

1 Likes

quá tinh vi

2 Likes

Vụ Xuyên Việt Oil: Ông Lê Đức Thọ bị thu giữ 97 miếng vàng, 134 sổ tiết kiệm, 440.000 USD…

Ông Lê Đức Thọ đã tự nguyện nộp lại 2,2 tỷ đồng và xin phép sử dụng số tiền bị tạm giữ để khắc phục hậu quả liên quan đến vụ Xuyên Việt Oil.

Ngày 18/9/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chính thức ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can liên quan đến vụ án kinh tế nghiêm trọng tại Công ty Xuyên Việt Oil. Vụ án này liên quan đến nhiều hành vi vi phạm như vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, nhận và đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Đáng chú ý, trong số các bị can có những gương mặt có tầm ảnh hưởng lớn, bao gồm ông Lê Đức Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và bà Mai Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil.

Ông Lê Đức Thọ, từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), sau đó được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã bị truy tố với các tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi”. Cáo trạng cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, ông Thọ đã nhận tổng cộng 600.000 USD tiền hối lộ từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Xuyên Việt Oil.

Số tiền này được chuyển nhằm mục đích giúp đỡ Công ty Xuyên Việt Oil trong việc xin cấp hạn mức tín dụng, cũng như kéo dài thời gian duy trì các khoản vay tại Vietinbank. Đặc biệt, khi đảm nhiệm vai trò Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Thọ còn yêu cầu bà Hạnh thành lập công ty con tại địa phương để tăng thu ngân sách cho tỉnh, đổi lại việc hỗ trợ các dự án đầu tư bất động sản, cảng biển và du lịch tại Bến Tre.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh - một nhân vật quan trọng trong ngành xăng dầu, bị cáo buộc đưa hối lộ và gây thất thoát tài sản Nhà nước với con số lên tới 1.463 tỷ đồng. Bà Hạnh đã nhiều lần tiếp xúc và trao đổi với ông Lê Đức Thọ, nhằm thúc đẩy quá trình vay vốn và các dự án của công ty bà.


Bị can Mai Thị Hồng Hạnh và Lê Đức Thọ

Theo cáo trạng, bà Hạnh không chỉ đưa hối lộ bằng tiền mặt mà còn thông qua các món quà có giá trị cao như bộ gậy golf Honma trị giá 1,1 tỷ đồng và đồng hồ Patek Philippe trị giá 421.000 USD. Bên cạnh đó, bà còn mua tặng ông Thọ chiếc xe Mercedes Benz - S450 Luxury trị giá 6,7 tỷ đồng.

Một trong những hành vi vi phạm đáng chú ý của Mai Thị Hồng Hạnh là việc bà đã sử dụng sai mục đích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và không nộp đầy đủ tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước, gây thất thoát hơn 1.400 tỷ đồng.

Quá trình điều tra đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất minh trong các giao dịch tài chính giữa bà Hạnh và ông Thọ. Các giao dịch này không chỉ liên quan đến việc vay vốn mà còn có sự can thiệp của ông Thọ trong việc giảm phí, tăng hạn mức tín dụng cho công ty của bà Hạnh.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan an ninh đã thu giữ một số lượng lớn tài sản từ ông Lê Đức Thọ bao gồm: 97 miếng kim loại màu vàng; 134 sổ tiết kiệm; 440.000 USD, 1 xe ô tô Mercedes Benz, các đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn đắt tiền, hơn 1,7 tỷ đồng tiền mặt và nhiều tài sản khác.

Ông Thọ đã tự nguyện nộp lại 2,2 tỷ đồng và xin phép sử dụng số tiền bị tạm giữ để khắc phục hậu quả. Vụ án Xuyên Việt Oil với hàng loạt sai phạm và số tiền thất thoát khổng lồ đã gây chấn động dư luận, đặc biệt với sự dính líu của những nhân vật cấp cao.

1 Likes

Một ngân hàng hạ hạn mức rút tiền tối đa chỉ còn 10 triệu/ngày

Trước đó, ngân hàng này cũng điều chỉnh hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh Napas xuống chỉ còn 10 triệu đồng/ngày.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đưa ra thông báo về việc điều chỉnh hạn mức rút tiền qua thẻ thanh toán cá nhân.

Theo đó, tất cả thẻ thanh toán (bao gồm cả nội địa và quốc tế) chỉ được phép rút tối đa 10 triệu đồng/thẻ/ngày từ 19/9/2024.

Cụ thể, hạn mức rút tiền mặt từng lần tại máy ATM là 5 triệu đồng/lần. Số lần giao dịch rút tiền mặt đối với dòng thẻ ghi nợ nội địa SCB Napas, VISA S-Digital và Mastercard Standard là 30 lần/ngày, đối với thẻ Visa beYOU là 10 lần/ngày.

Ngoài điều chỉnh hạn mức giao dịch rút tiền từ thẻ thanh toán SCB, trước đó, SCB đã liên tục điều chỉnh hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 247 dành cho khách hàng cá nhân.

Trước đó, ngày 15/8, SCB đã giảm hạn mức từ tối đa từ 200 triệu đồng/lần/ngày xuống 100 triệu đồng/lần/ngày. Sau đó, ngày 23/8, ngân hàng tiếp tục giảm xuống còn 50 triệu đồng/lần. Tiếp đó, ngày 19/9, SCB giảm hạn mức chuyển tiền nhanh Napas 247 xuống còn 10 triệu đồng/ngày.

Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, dịch vụ chuyển nhanh Napas 247 cho phép khách hàng chuyển tiền với hạn mức tối đa dưới 500 triệu đồng/giao dịch.

Hiện tại, phần lớn ngân hàng đều đang áp dụng hạn mức giao dịch đối đa đối với chuyển tiền nhanh Napas 247 là 499 triệu đồng trên kênh ngân hàng số. Phạm vi áp dụng bao gồm chuyển tiền nhanh qua tài khoản và chuyển tiền nhanh qua thẻ.

1 Likes

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup (VIC) đăng ký làm 500.000 căn nhà ở xã hội

Chủ tịch Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng bày tỏ quan điểm nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.

Sáng ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Hội nghị, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng, đóng góp vào chiến lược phát triển đất nước.

Đối với vấn đề an sinh xã hội, Vingroup đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc đơn giản hóa và rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) bằng cách áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án.


Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Hiện nay, nhiều dự án NOXH vẫn gặp khó khăn do thủ tục chậm trễ, gây lãng phí thời gian và chi phí. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, mặc dù Vingroup đã đăng ký xây dựng 500.000 căn NOXH, nhưng tiến độ còn chậm do vướng mắc về thủ tục.

Chủ tịch Vingroup cũng chỉ ra hạn chế lớn nhất hiện nay đối với NOXH liên quan đến nội dung về 10% lợi nhuận. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể thực hiện được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.

Về tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, Vingroup đề xuất nâng cấp các tiêu chuẩn hiện hành, không chỉ phục vụ cho người có thu nhập thấp mà còn mở rộng cho cả những người chưa giàu, nhằm tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.

Các tiện ích như hầm để xe, khu vui chơi cho trẻ em và các tiện ích cho người cao tuổi cần được xem xét để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài. Đặc biệt, Vingroup đề xuất đổi tên “nhà ở xã hội” thành “nhà ở Chính phủ” nhằm giảm định kiến và tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị dành riêng một phần NOXH cho cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội và công an, nhằm nâng cao an sinh xã hội.

Bên cạnh đề xuất về an sinh xã hội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn đưa ra các đề xuất về vấn đề đào tạo và phát triển công nghiệp. Trong vấn đề đào tạo, ông Vượng cho biết Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa.

Song song, ông Vượng cũng đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Chủ tịch Vingroup cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Nếu đẩy mạnh việc này, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

1 Likes

Giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng quá nhanh trong khi nền kinh tế không hấp thụ và theo kịp khiến nhiều mã tăng 2 năm liên tiếp và có định giá rất cao như FPT frt lpb idc mwg… nếu thị trường không giảm 30% từ vùng này thì sẽ rất khó có một sóng up trên lớn vào năm sau khi mà cổ phiếu ở vùng rất cao

1 Likes

Theo tôi thì vào mua tầm này bị muộn coi như mình ăn đủ chu kỳ 2 năm giờ ở vùng cao đỉnh nhìn nhận để mà kéo cố lên nữa cũng không được xa, có chăng Cố gắng kéo một số cổ làm ăn kém chất lượng để in giấy phát hành cho nhỏ lẻ ôm vào vì giờ toàn tin tốt giá đã phản ánh hết vào kỳ vọng

1 Likes

Theo tôi thì hiện tại ai có hàng thì cầm tiếp

Còn muốn mua mới thì 1 là vượt 1300 2 là điều chỉnh về lại

Chứ mua mới ở giai đoạn này lơ lửng quá

Vào thì rủi ro hơn lợi nhuận

Tập đoàn Đèo Cả muốn “bắt tay” với đối tác Trung Quốc cho dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD

Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã gặp gỡ nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Tập đoàn Đèo Cả hiện đang nghiên cứu đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và các dự án metro (tàu điện) nội đô kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Chiều ngày 20/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án đường sắt tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết nối hai quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.


Toàn cảnh buổi làm việc

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả, đã phát biểu về xu hướng phát triển giao thông đường sắt và các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một mạng lưới hạ tầng đường sắt đồng bộ. Ông Hoàng nhấn mạnh rằng Tập đoàn Đèo Cả đang tích cực nghiên cứu và đầu tư vào hạ tầng đường sắt, đặc biệt là các dự án metro và đường sắt đô thị để kết nối các địa phương Đông Nam Bộ.

Ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi không chỉ quan tâm đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mà còn đang xem xét việc đầu tư vào các dự án metro nội đô. Đường sắt đô thị là một lĩnh vực mới tại Việt Nam với nhiều triển vọng, và chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực này”.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.541 km, sẽ nối liền 20 tỉnh thành, có vận tốc thiết kế đạt 350 km/h và tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 70 tỷ USD. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2035. Bộ Chính trị Việt Nam đã chính thức thống nhất chủ trương đầu tư cho dự án này, đánh dấu một bước quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.

Ông Trương Hướng Dương, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc, đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với việc đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam. Ông Trương cho biết rằng Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với bốn công ty xây dựng đường sắt cao tốc hàng đầu tại Trung Quốc, với tổng chiều dài đường sắt lên đến 40.000 km và doanh số 150 tỷ USD trên các thị trường quốc tế.

“Chúng tôi rất muốn hợp tác với các doanh nghiệp có kinh nghiệm và nguồn lực mạnh như Đèo Cả để cùng nhau triển khai dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng và năng lực của Đèo Cả trong việc thực hiện dự án này”, ông Trương khẳng định.

Ông Hồ Minh Hoàng cũng đã nêu rõ rằng mặc dù các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhưng cần lưu ý các bài học kinh nghiệm từ các dự án metro và đường sắt đô thị trước đây tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng các bên cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong quá khứ để đảm bảo hợp tác hiệu quả và thành công trong tương lai.

“Chúng tôi luôn đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên hàng đầu, không để các nhóm lợi ích chi phối hoạt động hợp tác”, ông Hoàng khẳng định.

Trong buổi làm việc, ngoài việc thảo luận về dự án đường sắt cao tốc, hai bên cũng đã bàn luận về khả năng đầu tư vào các tuyến cao tốc đường bộ và các công trình hạ tầng phụ trợ. Ông Trương bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về các ý tưởng xây dựng khu logistics và cảng cạn, kết nối với các tuyến cao tốc để tối ưu hóa hệ thống vận tải.

Dự kiến, vào tháng 10/2024, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc sẽ tổ chức một chương trình làm việc tại Trung Quốc. Chương trình này sẽ giúp Tập đoàn Đèo Cả kết nối với các đơn vị đầu tư tài chính, tư vấn hạ tầng giao thông uy tín và các nhà thầu đường sắt chuyên nghiệp của Trung Quốc, mở ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ trong tương lai.

Hòa Phát (HPG): Tỷ phú Trần Đình Long sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt 70 tỷ USD

Chủ tịch Trần Đình Long của Hòa Phát (HPG) cùng đại diện các doanh nghiệp đã tham dự cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, đóng góp ý kiến và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ, thảo luận với các doanh nghiệp lớn về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện các doanh nghiệp lớn như VinGroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, SunGroup, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico…

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Đình Long đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế. Đặc biệt, ông Long nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Ông bày tỏ sự sẵn sàng của Hòa Phát trong việc tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.


Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định sẵn sàng tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Trần Đình Long đã chia sẻ tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2. Dõi theo hành trình triển khai dự án, Dung Quất 2 đã hoàn thành hơn nửa chặng đường với nhiều hạng mục quan trọng đang dần được hoàn thiện. Đây cũng là thời điểm mà Hòa Phát bắt đầu triển khai nghiên cứu và sản xuất những thanh ray đầu tiên để phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Việc tham gia vào dự án này không chỉ khẳng định vị thế của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép chất lượng cao mà còn mở ra tiềm năng kinh tế lớn. Nếu trúng thầu cung cấp thép cho dự án, Hòa Phát dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời góp phần vào việc phát triển hạ tầng chiến lược quốc gia.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km với tốc độ vận chuyển lên đến 350 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến dao động trong 65-70 tỷ USD. Toàn tuyến sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, khởi đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Việc xây dựng tuyến đường sắt này không chỉ tăng cường kết nối các vùng miền và các cực tăng trưởng mà còn tạo ra động lực lan tỏa, mở rộng không gian phát triển kinh tế mới. Tuyến đường cũng góp phần vào việc tái cấu trúc các đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng ‘bơm’ hơn 400.000 tỷ đồng lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng sau bão số 3

Đến nay đã có 32 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới với tổng số 405.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Theo thống kê của các ngân hàng thương mại (NHTM), số lượng khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 của mỗi đơn vị đã lên đến hàng trăm, thậm chí có nhà băng lên đến hàng nghìn khách hàng.

Thống kê sơ bộ của Vietcombank cho thấy, ước có gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng, với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. VietinBank có hơn 400 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với dư nợ khoảng 40.000 tỷ đồng, gần 1.000 khách hàng cá nhân với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 20.000 tỷ đồng. BIDV cũng xác định hơn 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại 40 chi nhánh, với dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng và con số thiệt hại dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng.


32 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới với tổng số 405.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Các NHTM tư nhân cũng thống kê sơ bộ có hàng nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Như tại Sacombank, số dư nợ bị thiệt hại của các khách hàng là 30.750 tỷ đồng; SHB có 251 khách hàng bị ảnh hưởng; TPBank có hơn 100 khách hàng doanh nghiệp và 26.000 khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng…

Thống đốc cho biết, ngay sau khi bão số 3 đi qua, NHNN đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

“Đến nay đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng số 405.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua”, Thống đốc thông tin.

Mới nhất, BIDV công bố giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay hiện hữu, và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng cho các khoản vay mới. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Tương tự, VietinBank cũng dành gói hỗ trợ quy mô đến 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất với mức giảm lên đến 2%/năm, áp dụng đến hết năm 2024.

HDBank dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường từ 1-2% để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Theo đánh giá của các ngân hàng, gói tín dụng mới này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho hàng triệu khách hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống, phục hồi sau cơn bão số 3.

Vàng nhẫn vượt mốc 81 triệu đồng, cơn sốt lịch sử hay dấu hiệu bất thường?

Đây là ngày thứ ba liên tiếp vàng nhẫn trơn tăng mạnh theo diễn biến thế giới và cũng là mức giá đắt nhất lịch sử.

Sáng 23/9, các thương hiệu kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh mạnh giá vàng nhẫn trơn 24K, có nơi vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp vàng nhẫn trơn tăng mạnh theo diễn biến thế giới và cũng là lần đầu tiên vàng nhẫn ghi nhận mức giá cao kỷ lục này.

Giá vàng nhẫn vượt mốc 81 triệu đồng/lượng

Cụ thể, tại DOJI, giá vàng nhẫn tròn trơn được điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên mức 79,95 - 81,1 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên vàng nhẫn ghi nhận mức giá cao kỷ lục này.

Tại SJC, giá vàng nhẫn cũng tăng vọt 500.000 đồng/lượng, lên mức 79,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng nhẫn được niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 79,95 - 81,1 triệu đồng, tăng 500.000 đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu cũng nâng giá vàng nhẫn lên gần 80 - 81,1 triệu.


Biểu đồ giá vàng SJC gần đây

Với đà tăng liên tiếp, hiện tại chênh lệch giữa giá nhẫn trơn và vàng miếng được thu hẹp đáng kể. Theo đó, giá vàng nhẫn chỉ còn thấp hơn 900.000 đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn liên tục tăng trong 2 tuần qua theo giá vàng thế giới. Trong vòng 1 tuần qua, giá vàng nhẫn tăng hơn 4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC sáng nay vẫn đi ngang, giá bán ra thị trường 82 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm, vàng nhẫn tăng khoảng 18,2 triệu đồng/ lượng, tương đương mức tăng gần 30%, ghi nhận mức sinh lời vượt trội so với nhiều kênh đầu tư khác. Hiệu suất sinh lời của vàng miếng thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 8%, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách.

Giá vàng đắt nhất lịch sử, bình thường hay bất thường?

Một chuyên gia đã chia sẻ với VietnamFinance rằng, việc giá vàng nhẫn liên tục tăng nóng và vượt mốc 81 triệu đồng/lượng không phải là điều bất thường. Theo ông, “giá vàng nhẫn luôn theo sát giá vàng thế giới. Việc giá vàng nhẫn trong nước có xu hướng tăng trở lại chủ yếu nhờ vào động thái tăng mạnh của giá vàng thế giới trong những ngày gần đây”.

Ông cũng nhận định rằng, giá vàng thế giới đang nhận được nhiều hỗ trợ, nhất là quyết định hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu. “Trong ngắn hạn, giá vàng thế giới vẫn đang được hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều yếu tố, kéo theo giá vàng nhẫn trong nước có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tôi cho rằng 81 triệu đồng/lượng vẫn chưa là mức giá cao nhất của vàng nhẫn”, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng với quyết định “bỏ tiền vào vàng” trong thời điểm hiện nay. “Giá vàng thế giới đang ở vùng giá cao và có thể sẽ gặp những pha điều chỉnh mạnh trước áp lực chốt lời. Nhà đầu tư cần cẩn trọng, không nên ‘all-in’ vào vàng nhẫn mà nên đa dạng hóa danh mục đầu tư để tránh những rủi ro không đáng có”, ông khuyến nghị.

Các chuyên gia cho rằng, nếu vàng nhẫn lên cao và thay thế vàng miếng SJC thì đó là hiện tượng rất đáng quan tâm, nên đưa vào quản lý như vàng miếng chứ không để bán tự do như hiện nay.

Dự báo giá vàng thời gian tới

Diễn biến giá vàng trở thành tâm điểm trong tuần giao dịch mới và nhiều người mong đợi đà tăng có thể tiếp diễn.

Tuần này, thị trường sẽ chờ đón loạt dữ liệu quan trọng bao gồm chỉ số S&P Flash PMI, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, doanh số bán nhà mới và GDP quý III. Nhưng dữ kiện quan trọng hơn nằm ở Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 8, thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại sàn giao dịch Fo.rex, cho biết vẫn lạc quan về giá vàng. Mặc dù có thể xuất hiện pullback (đợt điều chỉnh giá ngắn hạn ngược lại xu hướng thị trường), người mua vẫn đang trong tâm lý rất hào hứng với kênh tài sản này. Do đó, chuyên gia giữ lập trường rằng vàng sẽ tăng giá vào tuần này.

Adam Button, người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại For.exlive, cho rằng sự suy yếu của USD là động lực chính cho vàng ngay lúc này. Nếu đồng USD Mỹ yếu đi do nền kinh tế thế giới đang mạnh lên, ví dụ như Trung Quốc, chúng ta đang bắt đầu chu kỳ tăng trưởng toàn cầu và vàng sẽ có dấu hiệu tích cực. Mặt khác, nếu xuất hiện một cuộc suy thoái và Fed đang cắt giảm lãi suất nhanh để đối phó, vàng vẫn hưởng lợi vì được xem như kênh trú ẩn an toàn.

Button cho biết, ông đang cố gắng tìm kiếm điểm yếu của vàng, nhưng hiện tại chỉ thấy những gam màu tươi sáng. Nếu nhìn lại từ năm ngoái đến nay, kim loại quý đã vượt qua mọi bài kiểm tra khó nhằn. Ngay cả trong 6 tháng qua khi Trung Quốc đã ngừng mua vàng và USD mạnh lên, nó vẫn không bị ảnh hưởng quá lớn. Vàng cũng trụ được khi chứng khoán và tiền số bật lên. Do đó, theo Button, giá vàng lên 2.750 USD hay 3.000 USD cũng là kịch bản có thể xuất hiện.