Tình hình hiện nay- Cập nhật tin

SHB: Sắp huy động 5.000 tỷ đồng qua trái phiếu

Ngày 23/9, HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã quyết định triển khai phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2024.

Theo đó, SHB sẽ phát hành 2 đợt trái phiếu, trong đó đợt 1 dự kiến chào bán trong quý 4/2024 với mệnh giá 2.500 tỷ đồng, còn đợt 2 sẽ thực hiện trong quý 4/2024 hoặc quý 1/2025 cũng ở mức 2.500 tỷ đồng. Tổng khối lượng chào bán là 5.000 tỷ đồng.
Thời gian phân phối mỗi đợt dự kiến tối thiểu 20 ngày và tối đa 90 ngày theo quy định.
SHB dự kiến tiền thu được từ 2 đợt phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn, phục vụ nhu cầu cho vay khách hàng trong năm 2024 và các năm tiếp theo đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; Xây dựng; Vận tải kho bãi; Kinh doanh bất động sản.
shb-sap-huy-dong-5000-ty-dong-qua-trai-phieu

Theo SHB, số tiền thực tế phân bổ cho các lĩnh vực, ngành nghề cho vay và thời gian giải ngân cho các lĩnh vực, ngành nghề sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo thực tế hoạt động, nhu cầu vay vốn của khách hàng và tiến độ cho vay nền kinh tế của SHB.

HĐQT giao Tổng giám đốc toàn quyền quyết định số tiền và thời gian giải ngân thực tế từng đợt phát hành đối với ngành nghề kinh doanh phụ thuộc vào thời gian và khối lượng trái phiếu phát hành thành công thực tế từng đợt.
Về phương án trả nợ vốn, SHB dự kiến sử dụng nguồn tiền thu được từ các khoản khách hàng thanh toán lãi, gốc của các khoản giải ngân/cho vay dự kiến bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu để thanh toán lãi, gốc trái phiếu cho các nhà đầu tư với điều kiện việc thanh toán không dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm của SHB bị lỗ.

1 Likes

DBC: Dabaco Thanh Hóa hủy hoại hơn 4.000m2 đất lâm nghiệp, gây vi phạm về đất đai và môi trường

Mới đây, UBND huyện Thạch Thành đã lập 2 biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa về việc vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa đã hủy hoại hơn 4.000m2.

Ngày 6/9/2024, Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết: “Thạch Thành (Thanh Hóa): Ai đào xới hàng nghìn mét vuông đất lâm nghiệp?” phản ánh về việc nhiều diện tích đất lâm nghiệp giáp ranh với dự án xây dựng khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa đã bị đào xới nham nhở chưa rõ múc đích.

Ngày 16/9/2024, UBND huyện Thạch Thành có Văn bản số 3512/UBND-TNMT gửi Báo điện tử Xây dựng phản hồi thông tin bài: “Thạch Thành (Thanh Hóa): Ai đào xới hàng nghìn mét vuông đất lâm nghiệp?” với nội dung: Qua kiểm tra đã xác định, ngoài khu vực thực hiện dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa, có 2 vị trí đất lâm nghiệp thuộc khoảnh 5 tiểu khu 321, trên địa giới hành chính xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành do UBND xã Thạch Tượng quản lý. Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa đã trồng một số cây lâm nghiệp như keo, dổi rừng với tổng diện tích khoảng 11.800m2. Trong đó, diện tích đào múc thành rãnh khoảng 4.021m2, diện tích đất san gạt để trồng cây khoảng 7.779m2. Trước khi thực hiện, Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa đã có Văn bản số 20/CVDABACO ngày 04/6/2024 gửi UBND xã Thạch Tượng để xin trồng rừng trên đất lâm nghiệp, sau khi trồng sẽ bàn giao lại cho xã quản lý, sau này Công ty không đòi hỏi quyền lợi, không khai thác số cây trồng trên. Ngày 11/6/2024, UBND xã Thạch Tượng đã có Văn bản số 46/CV-UBND về việc thống nhất cho Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa được trồng cây lâm nghiệp; trước khi trồng cây, khu vực này là đất trống, có một số dây leo, bụi rậm, do khu vực này là khu vực lòng chảo, thường xuyên bị ngập nước nên Công ty đã đào một số rãnh chứa nước (tổng diện tích 4.021m2) để tránh ngập úng cho cây trồng, thời điểm đào rãnh, trồng cây được thực hiện từ ngày 25/7/2024 đến ngày 05/8/2024.

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra xác minh, ghi nhận trong các rãnh chứa nước có lưu chứa nước thải đã qua xử lý từ hoạt động chăn nuôi dùng để tưới cây (nước thải đã qua xử lý theo giấy phép môi trường đã cấp đạt tiêu chuẩn để tưới cây theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Hiện tại, Công ty đã dỡ bỏ đường ống dẫn nước, tuy nhiên việc lưu giữ nước thải tại các rãnh nước bên ngoài khuôn viên trang trại là không tuân thủ theo đúng giấy phép môi trường đã cấp.

Từ những nội dung trên UBND huyện Thạch Thành cho rằng, nội dung Báo điện tử Xây dựng phản ánh gần khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm của Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa hàng nghìn m2 bị đào xới nham nhở là có cơ sở.

Qua đó, ngày 12/9/2024, UBND huyện Thạch Thành đã lập 2 biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa về việc vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai và vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

UBND huyện Thạch Thành cũng khẳng định: Trong thời gian tới, UBND huyện Thạch Thành tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa sử dụng đất theo đúng diện tích được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 1/9/2021; thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định. Đồng thời, giao UBND xã Thạch Tượng quản lý chặt chẽ quỹ đất do UBND xã quản lý; thường xuyên theo dõi, kiểm tra bảo vệ rừng tại khu vực trên; kịp thời xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

1 Likes

Một người bạn muốn trả khoản nợ 250 triệu USD thay bà Trương Mỹ Lan

Một người bạn tại nước ngoài mong muốn trả nợ thay 250 triệu USD liên quan tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai, Hà Nội và cho bà Lan vay thêm 130 triệu USD để khắc phục hậu quả.

Chiều 24-9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Liên quan đến tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai (Hà Nội), bị cáo Lan cho biết, đây là tòa nhà đẹp nhất Hà Nội có giá 1 tỉ USD. Trước đó, bị cáo nhờ bạn của mình vay nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD để mua.

Hiện tòa nhà này đã có người trả giá 330 triệu USD nhưng nếu bán đi, sau khi trả nợ chỉ còn khoảng 2.000 tỉ đồng. Bị cáo Lan đang mong muốn tìm nhà đầu tư trả mức giá cao hơn để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại phần xét hỏi, luật sư (LS) Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho một số bị cáo đồng phạm của bà Lan) cho biết, đối với tài sản này, có một người bạn của bà Lan tại Mỹ đã liên hệ với LS với mong muốn trả khoản vay 250 triệu USD (chưa gồm lãi) tại ngân hàng nước ngoài và nộp thêm 130 triệu USD để khắc phục cho bị hại.

Ban đầu, bà Lan cho biết không thể trả lời ngay, và cần phải bàn bạc lại. Sau khi nghe LS giải thích không phải mua bán, số tiền 130 triệu USD là vay mượn để khắc phục cho các bị hại thì bà Lan đã đồng ý và gửi lời cảm ơn tới người bạn này.

Đối với Dự án 6A tại huyện Bình Chánh có diện tích 26 ha, tại phần xét hỏi, bà Lan có mong muốn hy sinh dự án này và bán rẻ 10.000 - 20.000 tỉ đồng cũng bán, chỉ cần có tiền khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại tòa, LS cho biết người bạn trên của bà Lan có mong muốn nộp thay bà Lan một số tiền nhất định để khắc phục hậu quả với điều kiện giao cho người này quản lý dự án này. Đối với việc mua bán, chuyển nhượng dự án trên hay không thì sau này hai bên sẽ trao đổi, thương lượng với nhau.

Đối với yêu cầu này, bà Lan cho biết, luôn mong muốn khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án. “Chỉ cần người đó có tiền thật và muốn làm dự án còn giá trị bao nhiêu thì tôi không quan tâm” - bị cáo Lan nói.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đã gửi lời cảm ơn những người bạn, dù bà rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn quan tâm tới bà và gia đình. Bà Lan nói người bạn này cứ đi tham khảo giá trên thị trường, nếu được thì thỏa thuận sau.

Trong giai đoạn hai của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, có giá trị là 30.869 tỉ đồng của hơn 35.000 bị hại.

Bị cáo Lan và đồng phạm bị cáo buộc hành vi “rửa” 445.747 tỉ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng) qua biên giới.

1 Likes

GS Đặng Hùng Võ: Từ 2009 đến nay, trung bình cứ 10 năm giá bất động sản tăng gấp đôi, chưa bao giờ có tình trạng xuống giá

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, thị trường xuất hiện một số chiêu trò kích giá ảo khác khiến giá bất động sản còn tiếp tục tăng cao.

Ảnh minh họa

Trước diễn biến giá bất động sản liên tục tăng nóng như hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, giá tăng của bất động sản là sự tăng “ảo” chứ không có giá trị vật chất thật để đảm bảo giá trị tăng đó có ý nghĩa. Nguy hại hơn, điều này được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.

Từ góc độ quan sát của vị giáo sư, rất nhiều người lao vào đầu tư bất động sản do tỷ suất lợi nhuận vô cùng hấp dẫn, cao hơn rất nhiều so với các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác (chỉ khoảng 10%). Cụ thể, theo tính toán của ông, giai đoạn 1990 - 1992: bất động sản tăng 10 lần; 2000 - 2002: tăng 10 lần; 2007 - 2008: tăng 3 lần. Riêng từ năm 2009 đến nay, cứ 10 năm giá bất động sản lại tăng gấp đôi. Có thời kỳ đứng giá chứ chưa bao giờ có tình trạng xuống giá bất động sản xảy ra.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cảnh báo, hiện nay thị trường còn xuất hiện một số chiêu trò kích giá bất động sản để nhằm mục đích tăng giá trục lợi. Trong đó, lợi dụng trả giá rất cao trong các phiên đấu giá đất chỉ là một cách.

Bên cạnh đó, nguồn cung quá thấp so với cầu có khả năng chi trả cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá nhà tăng quá cao như hiện nay.

GS Võ đề cập đến tỷ số giá nhà ở trung bình/mức thu nhập trung bình (theo năm) và so sánh tại một số quốc gia trên thế giới. Ví dụ, tại các nước Âu Mỹ, tỷ số này từ 2 - 4 lần; ở các nước chậm phát triển hơn thì tỷ số này là khoảng trên dưới 10 lần.

Đáng chú ý, tỷ số này ở Việt Nam 10 năm trước đã lên tới mức 25, thậm chí là 30 lần trong vài năm gần đây. Như vậy, nếu một người có thể tiết kiệm được 1/4 thu nhập hàng tháng thì cũng phải mất 100 đến 120 năm mới mua được nhà tại Việt Nam, GS Võ nhấn mạnh.

“Rõ ràng, thị trường bất động sản hiện nay không phục vụ cho đại đa số người dân mà chỉ chủ yếu dành cho nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh bất động sản. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, đến một lúc nào đó giá trị thật sẽ không còn chỗ đứng. Những người đầu tư vào bất động sản sẽ mua bán giá ảo với nhau”, vị giáo sư cho hay.

Bàn về vấn đề nhà ở xã hội, GS Võ cho rằng đây không phải giải pháp cho toàn thị trường bất động sản nói chung mà chỉ là giải pháp dành cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhà ở xã hội vẫn còn dè dặt, trong khi nguồn cung đang gần như tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại, có giá cao hơn nhà ở xã hội.

Do đó, từ kinh nghiệm quản lý thị trường bất động sản các nước trên thế giới, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị cần phải xây dựng và hình thành được sắc thuế bất động sản phù hợp. Cần đánh thuế cao đối với trường hợp sử dụng nhà đất có diện tích lớn hơn mức phù hợp trong cuộc sống. Nếu không quyết đoán trong cải cách thuế bất động sản thì giá nhà còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và đời sống của người dân.

1 Likes

Một quỹ đầu tư của Mỹ chuẩn bị rót gần 1 tỷ usd mua cổ phiếu VinFast (VFS)

Trong năm 2024 - 2025, Vietcap ước tính VinFast cần 20.900 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản. Ban lãnh đạo công ty cho biết nguồn vốn được thu xếp từ thương vụ bán cổ phiếu VFS và 1 tỷ USD do tỷ phú Phạm Nhật Vượng tài trợ.

Mới đây, Chứng khoán Vietcap cho biết đã tham dự cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 của VinFast (Nasdaq: VFS) tổ chức vào ngày 20/9.

Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu 357 triệu USD, tăng 33% so với quý liền trước và 9% so với cùng kỳ năm 2023. Lỗ gộp 224 triệu USD, biên lợi nhuận gộp âm 62,7%, nguyên nhân chủ yếu do dự phòng giảm giá trị tài sản ở mức 104 triệu USD.

VinFast đã bàn giao 13.172 xe điện, tăng 44% so với quý I/2024 và 43% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng xe được giao đạt 22.348 xe, đánh dấu mức tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo VinFast duy trì kế hoạch bàn giao 80.000 ô tô điện trong năm 2024, với thị trường Việt Nam làm trọng tâm.


Ảnh minh họa

Tính đến ngày 30/6, VinFast vay khoảng 71.300 tỷ đồng (khoảng 2,9 tỷ USD), giảm 4% so với ngày đầu năm, bao gồm khoản vay chuyển đổi từ các bên cho vay thứ ba. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1,9 tỷ USD và nợ vay dài hạn là 915 triệu USD. Công ty còn tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt là 2.400 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết, nhu cầu xây dựng cơ bản sắp tới sẽ thấp hơn kế hoạch công bố hồi tháng 4 là 1 - 1,5 tỷ USD. Việc này được Vietcap đánh giá là phù hợp khi công ty trì hoãn thời điểm hoạt động nhà máy tại Mỹ và đẩy nhanh tiến độ 2 cơ sở CKD tại Ấn Độ và Indonesia (150 - 200 triệu USD/nhà máy). Vietcap ước tính, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản của VinFast trong năm 2024 - 2025 là 20.900 tỷ đồng/năm.

VinFast huy động vốn ở đâu?

Theo Vietcap, ban lãnh đạo VinFast cho biết rằng 2 nguồn huy động vốn chính dự kiến tại tháng 6/2024 bao gồm (1) thỏa thuận phát hành vốn cổ phần trị giá 968 triệu USD với Yorkville; (2) các khoản tài trợ dự kiến 1 tỷ USD đến từ chủ tịch của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đối với nghĩa vụ nợ vay đến hạn trong nửa cuối năm 2024, công ty đã có thỏa thuận với tái cấp vốn với các bên cho vay.

Được biết, tháng 10/2023, VinFast đã ký kết thỏa thuận với quỹ YA II PN (Yorkville) về việc mua cổ phiếu VFS. Yorkville Advisors là quỹ quản lý đầu tư của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết. Tiêu chí đầu tư của Yorkville tập trung vào đội ngũ quản lý, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và các chỉ số giao dịch chứng khoán. VinFast có quyền phát hành lên tới 1 tỷ USD cổ phiếu phổ thông VFS cho Yorkville, và yêu cầu quỹ mua vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn 36 tháng của thỏa thuận.

Khoản tài trợ 1 tỷ USD được tỷ phú Phạm Nhật Vượng cam kết giải ngân trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Vingroup.

1 Likes

Trung Quốc tung gói giải cứu thị trường bất động sản lớn chưa từng thấy, chính thức nới lỏng hạn chế mua căn nhà thứ hai

150 triệu người ở Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, chi phí lãi suất trung bình hằng năm của họ sẽ giảm khoảng 150 tỷ nhân dân tệ.

Theo một số chuyên gia kinh tế, giải cứu bất động sản là con đường tốt nhất để đưa kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng và tăng trưởng 5% trong năm nay - mục tiêu được Chính phủ đề ra. Họ cho rằng Bắc Kinh cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ thị trường bất động sản.

Thay đổi tư duy

“Cần có sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy thì mới có thể phá vỡ vòng xoáy giảm phát. Bắc Kinh cũng cần nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn để không làm GDP danh nghĩa sụt giảm”, Raymond Yeung, Kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục của Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ) nhận định.

Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đã làm “bốc hơi” khoảng 18 nghìn tỷ USD khỏi tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc.

Đây là thách thức lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Cuộc khủng hoảng này đã lấy đi 18 triệu việc làm, kéo niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của nhiều sản phẩm như thép đi xuống.

Tuy nhiên, 4 tháng sau khi Bắc Kinh công bố nỗ lực lớn nhất nhằm hồi sinh thị trường bất động sản, tốc độ giải ngân của các chương trình, bao gồm chương trình hỗ trợ vốn 300 tỷ nhân dân tệ (42,5 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) để giải phóng nhà ế trên thị trường vẫn diễn ra chậm chạp.

Theo các nhà phân tích, để xử lý lượng bất động sản tồn kho trên thị trường, chương trình nói trên thiếu khoảng 1-5 nghìn tỷ nhân dân tệ nữa.

Đó là chưa tính tới việc chương trình này kém hấp dẫn với các chính quyền địa phương. Hồi tháng 5, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi hơn 200 thành phố mua nhà ế trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, 3 tháng đã trôi qua, chỉ có 29 địa phương hưởng ứng lời kêu gọi này.

Trung Quốc đã từ chối một đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc sử dụng gần 1 nghìn tỷ USD từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ hoàn tất nhà xây dở trên thị trường với quy mô lớn. Đề xuất này được cho là rủi ro và quá tốn kém.

screenshot-2024-09-24-140953.png

Giải cứu bất động sản là con đường tốt nhất để đưa kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng và tăng trưởng 5% trong năm nay

Bất động sản có thể tiếp tục “điêu đứng” trong vài năm tới?

Nếu không có một đợt kích thích hiệu quả, GDP thực của kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 4,8% trong năm nay – theo dự báo bình quân của một số nhà kinh tế tham gia khảo sát.

Đây là mức thấp trong khoảng mục tiêu do Bắc Kinh đặt ra. Tuy nhiên, tăng trưởng danh nghĩa – chỉ số tính tới cả tác động của tình trạng giá cả giảm – được dự báo sẽ thấp hơn nhiều, ở mức 4,25%.

Cuộc khảo sát cho thấy, nếu không hỗ trợ thị trường bất động sản, các biện pháp hỗ trợ sẽ kém hiệu quả hơn trong việc kích thích nền kinh tế. Trong khi đó, khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài từ 2-5 năm nữa, 8 nhà kinh tế tham gia khảo sát nhận định.

Phía Trung Quốc đang cân nhắc nhiều biện pháp khác nhau để vực dậy thị trường bất động sản, bao gồm việc cho phép chính quyền địa phương mua nhà ế bằng nguồn tiền huy động được qua phát hành trái phiếu đặc biệt, giảm lãi suất với các khoản vay thế chấp chưa thanh toán và bỏ một số quy định hạn chế với người mua nhà.

Giá nhà tháng 8 tại Trung Quốc tiếp tục giảm 0,73% so với tháng 7, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2014. Điều này cho thấy các gói giải cứu không thể ngăn được đà suy giảm của thị trường.

Trong khi đó, đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục sụt giảm ở mức 2 con số. Ngoài ra, tiêu dùng cũng giảm mạnh hơn dự báo, trong khi hoạt động sản xuất đang trải qua giai đoạn sụt giảm dài nhất kể từ năm 2021.

Gói giải cứu bất động sản lớn chưa từng thấy

Trong bối cảnh nỗi lo bao trùm thị trường, theo thông tin mới nhất, Trung Quốc đã công bố gói giải cứu lớn nhất từ trước đến nay để vực dậy thị trường bất động sản.

Cụ thể, phát biểu tại buổi họp báo ngày 24/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng cho biết nước này sẽ giảm chi phí đi vay đối với số nợ vay thế chấp mua nhà trị giá 5.300 tỷ USD và nới lỏng hạn chế đối với những người mua căn nhà thứ hai. Được biết, tỷ lệ trả trước khi mua căn nhà thứ hai sẽ giảm từ 25% xuống còn 15%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng

Theo đó, có 150 triệu người ở Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, chi phí lãi suất trung bình hằng năm của họ sẽ giảm khoảng 150 tỷ nhân dân tệ.

Các động thái này diễn ra khi các nhà kinh tế tại ngân hàng UBS, JPMorgan và Bank of America dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

1 Likes

Vietcombank (VCB) bị ‘lừa’ hơn 600 tỷ đồng, chưa bắt được chủ mưu

Nhóm công ty gia đình tại An Giang bị cáo buộc lập hồ sơ khống, lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của Vietcombank (VCB), 19 bị cáo đã ra tòa, hai người vẫn đang bỏ trốn.

Ngày 24/9, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang tiến hành xét xử 19 bị cáo liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) chi nhánh An Giang.

Các bị cáo bao gồm Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Việt An), Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Minh), Trương Minh Giàu (Giám đốc Công ty Minh Giàu), Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang), Lưu Bá Phúc (Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) cùng nhiều kế toán của các công ty liên quan, bị truy tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Ngô Văn Thu (tổng giám đốc Công ty Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (giám đốc Công ty Bình Minh), nguồn: Internet

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Agibasa An Giang được thành lập năm 2004 và đổi tên thành CTCP Việt An vào năm 2007, do Lưu Bách Thảo làm Tổng Giám đốc.

Từ năm 2005-2011, Thảo đã thành lập “nhóm công ty gia đình” bao gồm các công ty như Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu, và các công ty khác. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cá tra đông lạnh và khai thác thủy sản.

Từ năm 2010 đến 2014, các công ty này đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng với Vietcombank An Giang. Để được rút vốn, Thảo và Thu đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ và chứng từ giả, như hợp đồng mua bán cá tra, hóa đơn khống, và các giao dịch không có thật. Tổng cộng có 100 bộ hồ sơ rút vốn vay với số liệu giả mạo, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 600 tỷ đồng.

Bị cáo Lưu Bách Thảo được xác định là chủ mưu, cầm đầu vụ lừa đảo này. Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã khai nhận hành vi lập hồ sơ giả mạo nhằm rút tiền khi công ty không còn khả năng kinh doanh và cạn kiệt vốn vay.

Tại phiên tòa, các bị cáo Hùng, Thu và nhiều bị cáo khác thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng cho biết chỉ làm theo chỉ đạo của Thảo và không có hưởng lợi từ việc này.

Hiện, hai bị cáo Lưu Bách Thảo và Trang (nguyên Kế toán Công ty Minh Giàu) vẫn đang trốn ở nước ngoài.

Ngoài ra, còn 27 cá nhân khác liên quan đã khai nhận có tham gia lập chứng từ khống, tuy nhiên cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở để xử lý họ, và việc điều tra vẫn đang tiếp tục.

1 Likes

Giá vàng hôm nay 25/9/2024 tăng ‘điên cuồng’, vàng nhẫn lập kỷ lục 83 triệu

Giá vàng hôm nay 25/9/2024 trên thế giới tăng không ngừng, tiếp tục lập đỉnh cao mới trên 2.662 USD/ounce. Trong nước, vàng nhẫn tăng một mạch lên 83 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng miếng SJC giữ ở 83,5 triệu đồng.

Diễn biến giá vàng hôm nay cho thấy vàng nhẫn trong nước sáng nay tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh theo giá vàng thế giới.

Đến lúc 10h50’, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tăng giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 lên mức 82-83 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn trơn trong nước.

Đầu giờ sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ lên mức 80,8-82,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với mức đóng cửa hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 81,45-82,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 850 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với kết phiên hôm qua. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn trơn trong nước.

Mở cửa phiên giao dịch 25/9, giá vàng 9999 của SJC không đổi so với kết phiên giao dịch hôm qua, ỏ mức 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng 9999 được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cập nhật lúc 8h38’ và giá vàng 9999 được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết lúc 8h50’ như sau:

Mua vào Bán ra
SJC TP.HCM 81.500.000 đồng/lượng 83.500.000 đồng/lượng
Doji Hà Nội 81.500.000 đồng/lượng 83.500.000 đồng/lượng
Doji TP.HCM 81.500.000 đồng/lượng 83.500.000 đồng/lượng

Bảng giá vàng SJC và Doji cập nhật đầu giờ sáng 25/9

Tỷ giá trung tâm ngày 25/9/2024 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.134 đồng/USD, giảm 12 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Giá USD ở các ngân hàng thương mại sáng nay (25/9) được niêm yết phổ biến ở mức 24.350 đồng/USD (mua vào) và 24.720 đồng/USD (bán ra).

Đến 9h12’ hôm nay (ngày 25/9, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.662,3 USD/ounce, tăng 28,3 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.687,3 USD/ounce.

Sáng 25/9, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 80 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, giá vàng miếng 9999 trong nước được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tại Hà Nội và TPHCM niêm yết ở mức 81,5-83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng so với phiên liền trước.

Giá vàng nhẫn trong nước hôm 24/9 tiếp tục lập đỉnh cao lịch sử mới, lên khoảng 80,6 triệu đồng/lượng (mua) và 81,65 triệu đồng/lượng (bán).

Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 80-81,3 triệu đồng/lượng (mua - bán). Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 80,6-81,65 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Tới 20h ngày 24/9 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới ở mức 2.634 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.656 USD/ounce.

Như vậy, so với đỉnh cao lịch sử 2.638 USD/ounce ghi nhận vào chiều 24/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm chút ít.

Giá vàng thế giới leo thang, vàng nhẫn trong nước hướng tới 82 triệu đồng/lượng. Ảnh: Nguyễn Huế

Giá vàng thế giới đêm 24/9 cao hơn khoảng 27,7% (571 USD/ounce) so với đầu năm 2024. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 79,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 24/9.

Giá vàng thế giới tăng không ngừng nghỉ trước triển vọng đồng USD đi xuống và căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn tiếp tục lên đỉnh cao lịch sử mới.

Vàng tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD giảm thêm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, từ mức 5,25-5,5%/năm xuống 4,75-5%/năm và dự kiến sẽ có thêm hai đợt giảm nữa, tổng cộng 0,5-0,75 điểm phần % trong những tháng còn lại của năm 2024.

Trong năm 2025 và năm 2026, Fed sẽ tiếp tục cắt giảm và lãi suất có thể về mức khoảng 3%.

Đồng USD được dự báo sẽ giảm giá dài hạn.

Dù vậy, mức giảm của USD chưa nhiều do nhiều quốc gia khác cũng đã và đang giảm lãi suất, bơm tiền ra nền kinh tế.

Hơn thế, kinh tế Mỹ vẫn khá tích cực, không có dấu hiệu rơi vào một cuộc suy thoái.

Vàng tăng giá còn do căng thẳng leo thang giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li Băng. “Thùng thuốc súng” Trung Đông cận kề với một cuộc chiến tranh khốc liệt trên diện rộng, nguy cơ thành một cuộc chiến toàn khu vực.

Dự báo giá vàng

Điều mà giới quan sát lo ngại là Trung Đông sẽ trở nên hỗn loạn trong một thời gian dài. Xung đột lần này có thể thay đổi toàn bộ cục diện khu vực này.

Nhiều dự báo cho rằng, căng thẳng tại Trung Đông có thể sẽ kéo dài, lan rộng và khốc liệt. Giá vàng sẽ hưởng lợi từ những bất ổn như vậy.

Mặc dù đã tăng rất mạnh, khoảng 28% kể từ đầu năm nhưng vàng được dự báo sẽ tiếp tục leo thang và lập đỉnh cao mới từ nay đến cuối năm và cả năm 2025. Vàng có khả năng lên mức 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay và sẽ lên 3.000 USD/ounce trong nửa đầu năm sau.

Vàng được dự báo tăng giá không chỉ vì đồng USD suy yếu và căng thẳng địa chính trị gia tăng mà còn do sức cầu đến từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Thị trường vàng sắp vào mùa cao điểm khi lễ Giáng sinh và mùa cưới tại châu Á sắp tới.

1 Likes

Vincom Retail sắp ghi nhận 230 tỷ đồng doanh thu từ shophouse, thu hồi 2.350 tỷ đồng cho vay VinBus và VinFast

Vincom Retail trong 6 tháng đầu năm 2024 báo doanh thu bán shophouse đã tăng mạnh 272% so với cùng kỳ lên 744 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích mới đây của CTCK VNDIRECT về CTCP Vincom Retail (mã chứng khoán VRE), thông tin cho biết hoạt động bán shophouse sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh thu của công ty trong nửa cuối 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán shophouse đã tăng mạnh 272% so với cùng kỳ lên 744 tỷ đồng.

Vincom Retail đã đặt cọc để mua ba dự án shophouse tại Quảng
Ninh, Hải Phòng và Nha Trang từ Vinhomes, Vingroup, và Winwonders Nha Trang.

Hai dự án tại Quảng Ninh (Vinhomes Golden Avenue) và Hải Phòng (Vinhomes Royal Island) dự kiến sẽ được mở bán vào đầu năm 2025 và sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho giai đoạn 2025-2026.

Trong khi đó, dự án tại Nha Trang không đạt tiến độ như mong đợi, dẫn đến việc công ty dừng đầu tư. Vincom Retail sẽ thu hồi khoản tiền đặt cọc trị giá 1.335,6 tỷ đồng trong vòng sáu tháng, cùng với một khoản tiền phạt.

Tại cuối Q2/2024, ban lãnh đạo Vincom Retail cho biết công ty có tổng doanh số bán shophouse chưa ghi nhận là 230 tỷ đồng, dự kiến sẽ ghi nhận trong nửa cuối năm.

VNDIRECT cũng cho biết, Vincom Retail dự kiến thu hồi 2.350 tỷ đồng cho vay các bên liên quan vào tháng 9/2024.

Cụ thể, tại cuối tháng 6/2024, Vincom Retail có 2.350 tỷ đồng khoản phải thu từ các bên liên quan. Khoản phải thu từ VinFast là 1.900 tỷ đồng và từ Vinbus là 450 tỷ đồng, với lãi suất 12% mỗi năm. Các khoản vay này sẽ đáo hạn vào tháng 9 và số tiền dự kiến sẽ được thu hồi vào cuối quý 3/2024.

Trong khi đó, tại lĩnh vực đem lại kinh doanh chính cho Vincom Retail, các trung tâm thương mại (TTTM) mới sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ nửa cuối năm 2024.

Vào tháng 6/2024, công ty đã mở 3 TTTM mới, bao gồm Vincom Mega Mall (VMM) Grand Park (TP.HCM), VCP Điện Biên Phủ, VCP Hà Giang, và khai trương lại VCP 3/2 (TP.HCM).

VCP Điện Biên Phủ, VCP Hà Giang, và VMM Grand Park sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho thuê cả quý từ Q3/2024 trở đi. VCP Bắc Giang sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho thuê từ Q4. Ngoài ra, Vincom Retail dự kiến sẽ khai trương Vincom Plaza (VCP) Đông Hà Quảng Trị vào tháng 11/24.

Vincom Retail hiện là doanh nghiệp cho thuê mặt bằng bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, sở hữu 87 trung tâm thương mại với tổng diện tích sàn bán lẻ vượt 1,83 triệu m2 (tính đến tháng 8/2024).

1 Likes

Loạt cổ phiếu thép Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim,… bất ngờ bùng nổ sau quyết định quan trọng của Trung Quốc

Dòng tiền ồ ạt chảy mạnh đẩy cổ phiếu thép bật tăng mạnh, trong đó “anh cả” HPG bứt phá 1,55%, bộ đôi HSG và NKG cũng lần lượt tăng 2,98% và 2,61%.

Bất chấp thị trường giằng co, nhóm cổ phiếu thép lại đua nhau tăng bốc đầu từ khi mở cửa. Dòng tiền ồ ạt chảy mạnh đẩy cổ phiếu thép bật tăng mạnh, trong đó “anh cả” HPG bứt phá 1,55%, bộ đôi HSG và NKG cũng lần lượt tăng 2,98% và 2,61%. Các cổ phiếu khác cũng tăng tốc với TIS (+8,96%), TVN (+3,45%), SMC (+47%),…

Bước nhảy vọt của cổ phiếu thép xuất hiện sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch tung ra gói kích thích tiền tệ lớn và quan trọng nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid để ngăn chặn sự lao dốc không phanh của thị trường nhà ở.

Gói kích thích này bao gồm giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm 20 – 30 điểm đối với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR), cùng với một loạt lãi suất khác. Ngoài ra, PBOC cũng công bố gói hỗ trợ thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng, bao gồm giảm chi phí vay lên tới 5.300 tỷ USD cho các khoản thế chấp và nới lỏng các quy định về việc mua ngôi nhà thứ hai.

Đây vẫn được coi là tín hiệu tốt giúp vực dậy niềm tin của người dân, qua đó giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và sớm lấy lại đà tăng trưởng. Động thái này khiến giá thép thanh tương lai tăng vọt lên trên 3.130 CNY/tấn (phiên 24/9), mức cao nhất trong ba tuần qua.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS cũng dự báo tích cực về triển vọng giá thép trong thời gian tới. Nguồn cung dư thừa và nhu cầu thấp là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng giảm giá thép Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm, song áp lực có thể được giảm bớt kể từ quý 4 nhờ cắt giảm sản lượng tại nước này.

Trong nước, tiềm năng của ngành thép đến từ triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã thúc đẩy sự phục hồi của thép xây dựng. Theo CBRE, nguồn cung căn hộ tại HN và HCM sẽ tăng lần lượt 30% svck và 20% svck. Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng 12% svck với giá trị khoảng 638 nghìn tỷ đồng khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế.

MBS dự báo giá thép xây dựng và HRC Việt Nam sẽ có mức hồi phục tích cực kể từ Quý 4/2024 khi áp lực từ Trung Quốc được giảm bớt. Do đó, theo ước tính giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD/tấn (+4%) và HRC giảm 7% so với cùng kỳ xuống 556 USD/tấn do áp lực từ thép Trung Quốc trong 6T24.

Tính đến thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép 8 tháng đầu năm tăng 16%, trong đó tiêu thụ thép trong nước tăng 19% và xuất khẩu tăng 8%.

Chứng khoán BVSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép trong 2 quý cuối năm sẽ tiếp tục duy trì mức tăng hai chữ số so với cùng kỳ nhờ những chương trình thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ dần có hiệu quả và việc xây dựng lại các công trình sau bão lũ.

Thêm vào đó, KBSV nhận định khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất thép nội địa sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán để đảm bảo sản lượng tiêu thụ.

1 Likes

Thông tư 68 dọn đường để chứng khoán Việt Nam bước vào cuộc chơi lớn

Việc sửa đổi Thông tư 68 là bước tiến rất quan trọng gỡ “nút thắt” để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường thị trường chứng khoán theo tiêu chí của FTSE Russell.

Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính vừa ban hành đã bổ sung quy định về “Giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài tổ chức”.

Thông tư quy định, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài tổ chức.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

Đây là bước tiến rất quan trọng để gỡ “nút thắt” để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường thị trường chứng khoán theo tiêu chí của FTSE Russell.

Thị trường Việt Nam sẽ chào đón thêm các nhà đầu tư nước ngoài mới, và dòng vốn ngoại có thể gia tăng khoảng 30% trong tương lai, qua đó làm gia tăng đáng kể thanh khoản hàng ngày của thị trường - Ảnh: ASEAN Securities

Bước tiến quan trọng hướng đến nâng hạng thị trường

Advertisement - Quảng Cáo

X

Nói về bước tiến mới này, từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Hoàng Hải, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), nhấn mạnh: “Thông tư 68 là bước đầu tiên trong việc hướng tới mục tiêu nâng hạng, vì việc nâng hạng của thị trường chứng khoán không phụ thuộc vào các văn bản pháp quy mà phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam.

Do đó, hiệu quả triển khai còn phụ thuộc nhiều vào các công ty chứng khoán, tổ chức khác trong cung cấp dịch vụ, cũng như các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng quản trị công ty”

Từ góc độ doanh nghiệp niêm yết, đại diện của tập đoàn PAN cũng thể hiện quan điểm lạc quan về những tác động từ thông tư 68 đến thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp trên hai sàn chứng khoán.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN cho rằng: “Điểm dễ thấy đó là khi dòng vốn ngoại vào nhiều hơn, cải thiện về thanh khoản khi khối lượng giao dịch tăng, làm cho việc mua bán cổ phiếu trở nên dễ dàng hơn. Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài làm tăng nhu cầu mua cổ phiếu, dẫn đến cải thiện định giá và giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường của doanh nghiệp được cải thiện”.

“Cũng từ đó, doanh nghiệp có thể tận dụng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài để phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu, qua đó huy động vốn cho mở rộng kinh doanh và đầu tư vào các dự án mới”, Giám đốc Tài chính tập đoàn PAN nhấn mạnh.

Ngoài ra các tác động rất quan trọng khác khi có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: nâng cao tiêu chuẩn quản trị, tiếp cận công nghệ mới, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông và nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường vốn, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế ở nhiều khía cạnh kinh doanh khác.

Tất nhiên những điểm tích cực trên sẽ đi kèm đồng thời với rủi ro liên quan tới biến động mạnh của thị trường, áp lực cạnh tranh hay các rủi ro liên quan tới tỷ giá, pháp lý…

Từ góc độ một doanh nghiệp lớn của ngành nông nghiệp, ông Tuấn tin rằng với nền sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu tương đối so với thế giới, việc dòng vốn nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn tại Việt Nam sẽ giúp lĩnh vực nông nghiệp cải thiện được nhiều điểm yếu quan trọng bao gồm: công nghệ và phương thức sản xuất hiện đại, ví dụ như các phương thức tổ chức quản lý sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ; cơ giới hóa hiện đại trong sản xuất (máy gieo, drone phun thuốc) và thu hoạch bảo quản – cho tới các ứng dụng, chuyển giao trong lĩnh vực giống cây trồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN - Ảnh: PAN

Đồng thời vốn ngoại vào nhiều hơn cũng giúp thu hút vốn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp). Khi dòng vốn mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn thì tạo cơ hội và điều kiện tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận, huy động vốn để đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu suất.

Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu cao liên quan tới hoạt động phát triển bền vững về môi trường, xã hội và quản trị. Có vốn doanh nghiệp nước ngoài là rất quan trọng để nâng cao nhận thức và thực hành phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khi đây là lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên và phát thải CO2 lớn cũng như liên quan tới sinh kế và nhiều vấn đề an sinh xã hội.

Vốn ngoại có thể gia tăng thêm đến 30%

Các công ty chứng khoán là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thông tư 68 mới có hiệu lực. Không những phải gia tăng năng lực tài chính để có thể hỗ trợ cho nhà đầu tư ngoại trong trường hợp họ chưa có đủ tiền mà bản thân các công ty chứng khoán phải củng cố rất mạnh hoạt động thẩm định, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Ông Phạm Chiêu Văn - Trưởng phòng Giao dịch khối Khách hàng tổ chức, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng việc ban hành thông tư 68 là hoàn toàn cần thiết bởi trước đây, nhà đầu tư nước ngoài thường gặp khó khăn trong hai trường hợp

Thứ nhất, do tính chất của việc chuyển tiền liên ngân hàng (wire transfer) từ quốc tế đến Việt Nam và việc hoán đổi ngoại tệ (currency exchange) cần thời gian.

Thứ hai, nhà đầu tư không được phép sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán với các giao dịch bán nên nhà đầu tư nước ngoài đối mặt với rủi ro lỡ mất cơ hội đầu tư vì nguồn tiền về không kịp, nhất là trong các giai đoạn thị trường biến động mạnh có thể “lướt sóng” để tối ưu hóa lợi nhuận. Việc quy định mới được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc này và tăng cường hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài.

Dự báo lộ trình nâng hạng của chứng khoán Việt Nam - Nguồn: CTCK Mirae Asset

Việc thay đổi quy định này sẽ giúp cho hoạt động đầu tư của các tổ chức nước ngoài được thuận tiện hơn. Ngoài ra nó cũng là một trong những điều kiện để nâng hạng cho thị trường Việt Nam.

“Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi và thị trường Việt Nam được nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ chào đón thêm các nhà đầu tư nước ngoài mới, và dòng vốn ngoại có thể gia tăng khoảng 30% trong tương lai, qua đó làm gia tăng đáng kể thanh khoản hàng ngày của thị trường”, Trưởng phòng Giao dịch khối Khách hàng tổ chức, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Nhận định về diễn biến tiếp theo sau khi “điểm nghẽn” quan trọng này được giải quyết, bà Nguyễn Hoài Thu, giám đốc khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital, nói: Sau khi đã có quy định pháp lý và quy trình triển khai cho phép nhà đầu tư nước ngoài tổ chức mua chứng khoán mà không cần có sẵn 100% tiền mặt, FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu không có trở ngại gì cho việc giao dịch của các NĐT, FTSE Russell mới có thể ra quyết định chính thức về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng theo chia sẻ của bà Thu, nhiều công ty chứng khoán đã chuẩn bị gần như sẵn sàng quy trình giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài tổ chức. Tuy nhiên, cần đảm bảo quy trình này được thực hiện trôi chảy trong thực tế, không có trục trặc hay ảnh hưởng gì đến giao dịch của các nhà đầu tư. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng cần chuẩn bị đủ nguồn vốn đầy đủ để ứng vốn cho giao dịch của nhà đầu tư. Việc kiểm soát rủi ro đối với các công ty chứng khoán cũng rất quan trọng để tránh việc nhà đầu tư nước ngoài tổ chức mua chứng khoán nhưng sau đó không thanh toán được.

1 Likes

Nhà ở xã hội gần 10 năm tại Hà Nội được rao bán với giá hơn 4 tỷ đồng/căn

Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở bình dân và nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, nguồn cung tại các thành phố lớn lại ngày càng thu hẹp. Thay vào đó, giỏ hàng trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm thuộc phân khúc trung và cao cấp. Điều này đã dẫn đến việc giá nhà ở xã hội, dù đã qua sử dụng nhiều năm cũng tăng lên đáng kể.

Theo khảo sát trên Batdongsan.com.vn, giá một căn hộ tại dự án Rice City Linh Đàm, đã bàn giao từ năm 2015, hiện đã chạm mức gần 60 triệu đồng/m2, tương đương 4,14 tỷ đồng cho căn hộ có diện tích 70m2. Không chỉ riêng Rice City, giá bán thứ cấp của nhiều dự án nhà ở xã hội khác tại Hà Nội cũng tăng mạnh, nhiều nơi vượt mốc 40 triệu đồng/m2.

Căn hộ Rice City Linh Đàm có giá hơn 4 tỷ đồng. Nguồn: Batdongsan.com.vn

Thực tế cho thấy, vào cuối năm 2017, các căn hộ tại dự án nhà ở xã hội 987 Tam Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) có giá khoảng 14,2 triệu đồng/m2, trong khi các căn hộ thương mại cùng dự án được bán với giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Hiện nay, sau 7 năm, giá bán các căn nhà ở xã hội và căn hộ thương mại tại dự án này đã tăng lên mức 50-53 triệu đồng/m2, gấp gần 3 lần so với giá ban đầu.

Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), một căn hộ diện tích gần 58m2 cũng đang được rao bán với giá trên 2,9 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, nguồn cung căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM ngày càng khan hiếm. Do đó, không chỉ các căn hộ mới mà cả những căn hộ cũ cũng liên tục tăng giá. Những dự án nhà ở xã hội trước đây có giá khá thấp, nay cũng đã tăng mạnh, tiệm cận giá các căn hộ bình dân trên thị trường hiện nay.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)cho biết, cơ cấu nguồn cung hiện nay đang thiên về các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phục vụ mục đích đầu tư, đầu cơ. Sự mất cân đối kéo dài này đã khiến giá nhà ở liên tục tăng cao, bao gồm cả nhà ở xã hội.

>> Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: Trở ngại lớn nhất hiện nay là quy định về lợi nhuận 10% cho các dự án nhà ở xã hội

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 40 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, trong đó có 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 870.000m2 sàn, tương đương hơn 12.000 căn hộ. Bên cạnh đó, còn 22 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2025, cung cấp thêm khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp khoảng 5.300 căn hộ.

Nguồn cung nhà ở xã hội ngày khan hiếm. Ảnh minh họa

Nguồn cung nhà ở xã hội ngày khan hiếm. Ảnh minh họa

Dù nhà ở xã hội hiện chiếm tới 80% nhu cầu của người dân, nhưng nguồn cung lại rất thiếu và chưa thể đáp ứng được nhu cầu này.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ người dân có thu nhập thấp, thành phố đang tiếp tục rà soát quỹ đất và đề xuất các phương án xây dựng mới. Đồng thời, Hà Nội cũng đang điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế công đoàn, phục vụ nhu cầu nhà ở của người lao động và công nhân.

Trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và chuyển đổi các tòa nhà bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.

1 Likes

Chung cư sốt nóng, môi giới cọc căn chung cư 5 tỷ, trong vòng 1 tháng tìm khách bán chênh thành 6-7 tỷ đồng

Đây là một ví dụ Bộ Xây dựng nêu ra tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về một số hoạt động của môi giới tác động đến giá bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo số 5333 gửi Văn phòng Chính phủ về việc phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản.

Theo đó, Bộ cho rằng, một số chủ đầu tư dự án bất động sản tận dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bất động sản cao, với mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn so với mức trung bình của các dự án bất động sản.

Đặc biệt, trong trường hợp tại một khu vực chỉ có rất ít, thậm chí duy nhất một dự án mở bán trong khi nhu cầu và số lượng người đăng ký mua nhiều thì chủ đầu tư có thể nâng giá bán (do không có cạnh tranh và giá tham chiếu) để thu lợi.

Bên cạnh đó, một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản nhiễu loạn thông tin thị trường để thổi giá, tạo giá ảo… và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.

Bộ Xây dựng nêu ra tại báo cáo, cơ bản chủ đầu tư các dự án nhà ở dành trung bình khoảng 3% giá bán trả cho bên sàn giao dịch, môi giới bán hàng. Tuy nhiên, bên sàn giao dịch, môi giới thường lựa theo tình hình thị trường để cộng thêm giá khi giao dịch với khách hàng. Các dự án có ít sản phẩm mà nhiều khách hàng quan tâm thường người mua phải trả thêm tiền so với giá trong hợp đồng đồng ký kết với chủ đầu tư gọi là tiền chênh.

Số tiền chênh này không cố định mà tùy thuộc vào sức nóng của thị trường, của dự án và thỏa thuận của bên môi giới với khách hàng, có thể ở mức 5% giá bán, thậm chí 10% hoặc 20%.

Ví dụ, một dự án nhà ở thấp tầng ở Hưng Yên, các căn bán ra với giá khoảng 7-8 tỷ đồng/căn thì khách hàng phải trả tiền chênh trung bình khoảng 750 triệu tương đương 10%; nhưng khi dự án hạ nhiệt thì tiền chênh này cũng giảm xuống khoảng 250 triệu đồng thậm chí nhiều sàn chấp nhận bán không có tiền chênh.

Giao dịch bất động sản nhà ở, đất ở tại thị trường thứ cấp cũng bị đẩy giá do hoạt động môi giới, trung gian. Thông thường, bên bán phải chi 1% giá bán cho bên môi giới. Tuy nhiên, khi thị trường sốt nóng, môi giới thường cộng thêm tiền chênh để giao dịch với khách hàng. Một căn chung cư giá bán khoảng 5 tỷ đồng, môi giới có thể gửi giá khoảng 200-300 triệu đồng tương đương 5%; một căn nhà liền kề giá khoảng 10 tỷ, môi giới có thể gửi giá khoảng 500 triệu đồng tương đương 5% giá bán.

Trong giai đoạn sốt nóng của thị trường, nhiều môi giới còn sử dụng cách đặt cọc để mua nhà ở, đất ở của người bán rồi tăng giá 10-15% và giao bán cho người khác. Ví dụ, căn hộ chung cư có giá bán 5 tỷ, bên môi giới đặt cọc 1 tỷ để mua và thỏa thuận thanh toán trong 1 tháng, trong vòng 1 tháng này, bên môi giới sẽ kiếm khách để bán chênh thành 6-7 tỷ.

Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp cho thấy, chính các hoạt động này của một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân môi giới bất động sản cũng là một phần nguyên nhân làm tăng giá bất động sản trong thời gian qua.

Trước đà tăng giá của bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế…

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản…

Công ty chứng khoán lớn hàng đầu Trung Quốc muốn giới thiệu khách hàng, đối tác đầu tư vào TTCK Việt Nam

Huatai Securities (Trung Quốc) muốn chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống giao dịch, hệ thống IT, và giải pháp an toàn giao dịch cho các công ty tại Việt Nam. Doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và sẽ giới thiệu đối tác đến đầu tư.

Ngày 25/9, tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Chủ tịch UBCKNN - Vũ Thị Chân Phương đã tiếp ông Zhou Yi - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Huatai (Huatai Securities), Trung Quốc, cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của công ty. Tham dự buổi tiếp đoàn công tác, về phía UBCKNN có lãnh đạo Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, Văn phòng và Vụ Hợp tác Quốc tế.

Huatai Securities là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc. Huatai Securities thuộc nhóm công ty đầu tiên được thành lập cùng với sự ra đời của thị trường, được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải (2010), sàn chứng khoán Hồng Kông (2015) và sàn giao dịch chứng khoán London (2019). Mới đây, công ty đã được cấp phép hoạt động tại thị trường Mỹ.

Huatai Securities đã hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại các thị trường khác nhau. Hoạt động của Huatai Securities trải dài trên nhiều thị trường lớn, bao gồm Singapore, Hồng Kông, Anh Quốc và châu Âu.


Hình ảnh tại buổi làm việc

Theo ông Zhou Yi, thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường mở, có nhiều tiềm năng đầu tư và là thị trường trọng điểm trong thời gian tới đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các khách hàng của Huatai Securities.

“Huatai Securities mong muốn được đóng góp một phần cho sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam; trong thời gian tới, Huatai Securities sẵn sàng giới thiệu, hỗ trợ, tư vấn cho nhiều khách hàng, đối tác của mình đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam” - Tổng Giám đốc Huatai Securities nhấn mạnh.

Với những kinh nghiệm phát triển của Huatai Securities tại thị trường Trung Quốc cũng như thị trường quốc tế, ông Zhou Yi tin tưởng rằng công ty có thể chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống giao dịch, hệ thống IT, và giải pháp an toàn giao dịch cho các công ty tại Việt Nam.

Đại diện Huatai Securities cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài gần đây của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tại Việt Nam, trong đó có việc ban hành văn bản nới lỏng quy định về pre-funding. Ông hy vọng rằng trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, công ty sẽ nhận được nhiều thông tin và sự hỗ trợ từ UBCKNN.

Chủ tịch UBCKNN - Vũ Thị Chân Phương cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã được hình thành và phát triển hơn 20 năm với những bước tiến vượt bậc; hiện đã có đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chuyên biệt, và thị trường phái sinh.

UBCKNN luôn chú trọng vào công tác hoàn thiện khung pháp lý. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan đã và đang được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các nguyên tắc của IOSCO, thông lệ quốc tế, cũng như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc.

Nhiều văn bản quy định về quản trị rủi ro đã được ban hành, trong đó có quản trị bền vững theo tiêu chuẩn của OECD. Thông tin cần được minh bạch, với yêu cầu công bố báo cáo tài chính và báo cáo quản trị công ty đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 quy định về việc bỏ yêu cầu prefunding, và quy định này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các thành viên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế.

Bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định, UBCKNN luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách cho các tổ chức nước ngoài trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Số tài khoản lừa đảo giảm 72% sau triển khai xác thực sinh trắc học

Số vụ việc lừa đảo chuyển tiền sau ngày 1/7 chỉ còn 700 vụ, số tài khoản liên quan đến lừa đảo, gian lận chỉ còn 682 tài khoản, giảm lần lượt 50% và 72% so với trước khi bắt buộc xác thực sinh trắc học.

Tại họp báo công bố sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024 sáng 26/9, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, đến giữa tháng 9/2024, có khoảng 38 triệu tài khoản ngân hàng được thu thập dữ liệu sinh trắc học, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử.

Hầu hết khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày đều đã đăng ký thông tin sinh trắc học để kiểm tra, xác thực lại tính chính chủ của chủ tài khoản khi thực hiện giao dịch, theo yêu cầu tại Quyết định 2345 của NHNN.

Ông Tuấn khẳng định lại mục tiêu của Quyết định 2345 là đảm bảo tài khoản phải chính chủ khi thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài khoản, liên quan đến thẻ, liên quan đến ví. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo chuyển tiền vào các tài khoản không chính chủ được các đối tượng thuê, mua, mượn của người khác.

Đã có 38 triệu tài khoản được thu thập dữ liệu sinh trắc học. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau hai tháng triển khai, số lượng giao dịch bình quân khoảng trên 25 triệu giao dịch/ngày. So với số giao dịch trung bình của thời điểm trước 1/7/2024, số lượng giao dịch gần như không thay đổi.

“Quyết định 2345 đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực khi số vụ gian lận sau ngày 1/7 chỉ còn 700 vụ việc, giảm 50%; số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận được sử dụng chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình của 7 tháng đầu năm”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Kết quả trên cho thấy tác động hết sức tích cực, trong đó Quyết định 2345, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo trong thanh toán.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán bày tỏ hy vọng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các trung gian thanh toán tiếp tục thu thập dữ liệu sinh trắc học và kiểm tra dữ liệu về sinh trắc học được lưu tại CCCD gắn chip.

Đây là các nội dung đã được quy định tại Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, và Thông tư 40 quy định về hoạt động trung gian thanh toán.

Theo đó, từ 1/1/2025, các khách hàng cá nhân chưa được các TCTD, các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học sẽ chỉ có thể chuyển tiền trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng.

“Mốc thời gian trên sắp đến, các TCTD và trung gian thanh toán đang khẩn trương thúc đẩy việc này,” ông Tuấn lưu ý.

Ông Phạm Anh Tuấn thông tin, tháng 10 tới, NHNN sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 35 về an ninh, an toàn trong giao dịch trực tuyến. Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 2345 và có giá trị pháp lý nâng tầm tuân thủ lên mức cao hơn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, không phải mọi giao dịch đều phải xác thực sinh trắc học. Nhưng điều kiện để thực hiện các giao dịch trên phương tiện điện tử cũng góp phần giúp các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán kiểm tra lại kho dữ liệu, đảm bảo khách hàng được cung cấp dịch vụ trên môi trường điện tử phải được đảm bảo chính chủ.

“Chúng tôi cũng muốn chuyển thông điệp đến người dân là bất kỳ thời điểm nào khách hàng cũng có thể yêu cầu ngân hàng kiểm tra, đăng ký xác thực sinh trắc học. Việc này đảm bảo quyền lợi của chính khách hàng, góp phần hạn chế tình trạng gian lận, lừa đảo trong thanh toán”.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan ‘xin nhận hết tội cho anh em’

Theo bà Trương Mỹ Lan, đối tác nước ngoài cho vay tiền là nhờ quan hệ của bà, không muốn đòi hỏi thêm giấy tờ nên thủ tục chuyển/nhận tiền thiếu nhiều loại.

Ngày 26/9, phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan trong thời gian từ 2012-2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về thì giao cho Trịnh Quang Công cùng với Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) xử lý.

Những người này lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty ma do các cá nhân thuộc Tập đoàn VTP quản lý, điều hành).

Tổng số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỷ USD tương đương 106.700 tỷ đồng. Trong đó chuyển đi 1,5 tỷ USD và nhận tiền từ nước ngoài về 3 tỷ USD.

“Xin HĐXX xem xét cho những anh em là lãnh đạo ngân hàng SCB, Nguyễn Phương Anh đã phê duyệt các lệnh chuyển, nhận tiền dù không đủ hồ sơ, vì người ta cho mình vay tiền mà mình còn đòi hỏi thêm giấy tờ. Những anh em này đã cố gắng và nỗ lực xử lý, gỡ vướng để tiền được chuyển về Việt Nam. Trong tội này bị cáo xin nhận toàn bộ trách nhiệm và nhận hết tội cho anh em” - bị cáo Lan nói.

Ngoài ra, bị cáo Lan cũng khẳng định, những công ty thực hiện chuyển và nhận tiền không liên quan gì đến Vạn Thịnh Phát.


Bị cáo Trương Mỹ Lan xin nhận hết tội cho các bị cáo khác trong tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Lan khai, bằng quan hệ và uy tín cá nhân, đã thuyết phục các đối tác nước ngoài cho vay tiền để thực hiện các dự án ở Việt Nam. Các đối tác cho vay tiền này không đòi hỏi điều kiện hay thủ tục gì mà sẵn sàng cho bị cáo vay tiền trong thời gian ngắn (3 tháng, 6 tháng).

Bà Lan trình bày, đối tác chịu cho vay tiền là mừng, nếu sử dụng sai mục đích thì sẽ bị đòi lại, nên bị cáo không nghĩ các hợp đồng vay tiền là các hợp đồng khống, hợp đồng giả cách.

Để tiền được chuyển về Việt Nam thì trải qua quá trình kiểm soát rất khắt khe từ phía cơ quan Nhà nước. Do vậy, quá trình làm thủ tục nhận tiền có thiếu sót một vài văn bản như: Văn bản xác nhận của Công ty tại Việt Nam về việc Công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; Chứng nhận Hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện Công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty tại Việt Nam và Công ty nước ngoài; Chứng từ thể hiện Công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam cho giao dịch chuyển…

Biến tại An Phát Holdings (APH) trước ĐHCĐ bất thường: Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương quyết bán sạch cổ phiếu và nộp đơn từ nhiệm, hàng loạt lãnh đạo cũng tranh thủ “xả hàng”

image

An Phát Holdings xuất hiện nhiều biến động lớn nơi thượng tầng diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2024.

Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (mã APH) vừa thông báo đã bán 6,67 triệu cổ phiếu APH trên tổng số 11,87 triệu đơn vị đăng ký trước đó. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 6/9 đến 24/9/2024. Nguyên nhân không bán hết là do thị trường không thuận lợi.

Sau giao dịch trên, ông Dương đã giảm sở hữu từ 11,87 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,87%) xuống còn 5,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,13%). Ngay sau đó, ông Dương đã đăng ký bán nốt toàn bộ số cổ phiếu này. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh/thoả thuận trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 30/10/2024 .

Ông Phạm Ánh Dương bắt đầu làm việc tại An Phát Holdings từ năm 2002 với chức vụ Giám đốc Công ty TNHH Anh Hai Duy (nay là CTCP Nhựa An Phát Xanh - một công ty con của An Phát Holdings). Đến tháng 3/2017, ông Dương chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings và tiếp tục đảm nhiệm vị trí này trong nhiệm kỳ 2022-2027.

Cùng với việc đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu APH đang nắm giữ, ông Phạm Ánh Dương cũng đã gửi đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, đồng thời từ nhiệm thành viên HĐQT của An Phát Holdings. Theo đó, ông Dương cho biết vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cũng về công tác nhân sự, An Phát Holdings mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Lê Thăng Long từ ngày 25/9/2024 theo nguyện vọng cá nhân của lãnh đạo này. Ông Long được bầu làm Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT An Phát Holdings vào năm 2021. Từ tháng 6/2022 đến nay, ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Nhựa An Phát Xanh.

Ngoài ông Dương, nhiều lãnh đạo An Phát Holdings cũng đã bán ra lượng lớn cổ phiếu thời gian qua. Cụ thể, ông Phạm Đỗ Huy Cường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bán ra 750.000 cổ phiếu; bà Trần Thị Thoản – Phó TGĐ phụ trách sản xuất bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu đang nắm giữ; bà Nguyễn Thị Tiện – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Phó TGĐ bán 750.000 cổ phiếu; bà Hoà Thị Thu Hà – Phó Giám đốc phụ trách tài chính cũng bán ra 500.000 cổ phiếu.

Đáng chú ý, biến động mạnh nơi thượng tầng diễn ra trong bối cảnh An Phát Holdings chuẩn bị tổ chức Đại hội bất thường năm 2024. Tập đoàn này dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi ngành nghề kinh doanh; sửa đổi, bổ sung điều lệ và các nội dung khác trong Đại hội sắp tới. Nội dung chi tiết sẽ được công ty công bố trong những ngày tới đây.

Trên thị trường, cổ phiếu APH đã giảm hơn 40% kể từ đầu tháng 6 đến nay qua đó rơi xuống gần vùng đáy lịch sử. Hiện, thị giá APH đang dừng ở mức 6.440 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường còn chưa đến 1.600 tỷ trong khi vốn điều lệ là hơn 2.400 tỷ đồng. Ước tính, ông Dương đã thu về khoảng 40 tỷ từ giao dịch trên và có thể thu thêm 30 tỷ đồng nữa nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.

Biến tại An Phát Holdings (APH) trước ĐHCĐ bất thường: Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương quyết bán sạch cổ phiếu và nộp đơn từ nhiệm, hàng loạt lãnh đạo cũng tranh thủ “xả hàng”- Ảnh 1.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của An Phát Holdings đạt 6.640 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng tới 438%, đạt 242 tỷ đồng. Năm nay, An Phát Holdings đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 314 tỷ đồng, tăng 43% so với mức thực hiện năm 2023. Như vậy, công ty đã hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

‘Đại bàng’ Foxconn rót 12.500 tỷ mở rộng sản xuất Macbook, iPad ‘made in Vietnam’, một địa phương được gọi tên

Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải báo cáo được gửi bởi Fukang Technology, thành viên của Tập đoàn Foxconn về việc đề xuất cấp giấy phép môi trường giai đoạn 2 cho hệ thống xử lý khí thải tại dây chuyền sản xuất iPad và Macbook.

Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường giai đoạn 2 cho hệ thống xử lý khí thải tại dây chuyền sản xuất iPad và Macbook ở nhà máy thuộc tỉnh Bắc Giang. Theo đó, đề xuất này được gửi bởi Fukang Technology, thành viên của Tập đoàn Foxconn.

Foxconn được biết đến là đối tác gia công hàng đầu cho gã khổng lồ công nghệ Apple. Thời gian qua, tập đoàn đến từ Đài Loan liên tục công bố kế hoạch đầu tư vào các địa phương ở Việt Nam.

Báo cáo cho biết, một số dây chuyền lắp ráp iPad và Macbook đã hoàn thành. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý khí thải vẫn cần lắp đặt thêm. Việc lắp đặt các hạng mục mới được thực hiện theo yêu cầu bảo vệ môi trường từ đối tác Apple và cần phải được cơ quan chức năng cấp phép.

Dự án Nhà máy Fukang Technology đặt tại KCN Quang Châu (Bắc Giang) có tổng vốn đầu tư hơn 12.507 tỷ đồng và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 1/2021. Nhà máy có công suất lắp ráp và gia công khoảng 16,1 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm.

Hồi tháng 2, dự án đã nhận được giấy phép sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay và bo mạch chủ. Nguyên liệu sản xuất cho các sản phẩm này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi các nguyên liệu xuất xứ từ Việt Nam bao gồm ốc vít, ống kính trước…

Foxconn bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2007 thông qua dự án xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Đến nay, Foxconn đã có nhà máy tại các Khu công nghiệp Quế Võ, Đại Đồng - Hoàn Sơn, VSIP tại Bắc Ninh; Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu tại Bắc Giang và Đông Mai tại Quảng Ninh.

Vào tháng 6, trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Brand Cheng, CEO của Foxconn Industrial Internet, cho biết Foxconn đã có nhà máy tại 5 tỉnh thành của Việt Nam với 80.000 nhân viên và tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.

Hoàng Hà Mobile lãi chưa đầy 500 triệu dù doanh thu gần 5.000 tỷ

Hoàng Hà Mobile nổi tiếng với slogan “Nếu những gì chúng tôi không có, nghĩa là bạn không cần”.

Hoàng Hà Mobile, một trong những thương hiệu lớn trên thị trường bán lẻ thiết bị di động và sản phẩm công nghệ, vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu gần 4.860 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, mặc dù có doanh thu lớn, công ty lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế rất khiêm tốn và đối mặt với khoản nợ phải trả gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thương mại Hoàng Hà, hay Hoàng Hà Mobile nổi tiếng với khẩu hiệu “Nếu những gì chúng tôi không có, nghĩa là bạn không cần”, Hoàng Hà Mobile được biết tới là đơn vị cung cấp các sản phẩm điện thoại chính hãng với mức giá rẻ hơn đối thủ.

Được thành lập năm 1996 tại Hà Nội, bắt đầu từ năm 2004, công ty trở thành nhà phân phối điện thoại di động chính hãng và hợp tác với các thương hiệu lớn như Samsung, OPPO, Nokia, Huawei. Trong khi nhiều hệ thống lớn như FPT Shop và Thế Giới Di Động chủ yếu kinh doanh hàng chính hãng, Hoàng Hà Mobile chọn cách kết hợp bán cả hàng chính hãng và hàng “xách tay,” đặc biệt là các dòng sản phẩm iPhone.

Thương hiệu này đã có những bước tiến mạnh mẽ từ năm 2019 khi hợp tác với MobiFone để mở rộng chuỗi cửa hàng, đạt hơn 60 chi nhánh và phủ khắp 30 tỉnh thành. Đến năm 2020, công ty trở thành nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam. Đến năm 2023, mạng lưới bán lẻ của Hoàng Hà Mobile đã mở rộng đến 128 chi nhánh trên toàn quốc.

Theo thống kê của Reputa, Hoàng Hà Mobile nằm trong top 5 các thương hiệu Cửa hàng Điện tử, điện lạnh, viễn thông phổ biến trên MXH năm 2023 cùng với các ông lớn như Điện máy xanh hay FPT Shop.


Top 5 các thương hiệu Cửa hàng Điện tử, điện lạnh, viễn thông phổ biến trên MXH năm 2023. Nguồn: Reputa

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của công ty lại không như kỳ vọng. Số liệu từ VietnamFinance cho thấy, doanh thu năm 2023 của Hoàng Hà Mobile đạt hơn 4.861 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt hơn 445 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 4,58 tỷ đồng của năm 2022. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh thậm chí âm 4,9 tỷ đồng trong năm 2023, cho thấy hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Hoàng Hà Mobile đạt khoảng 1.326 tỷ đồng, nhưng phần lớn đến từ nợ ngắn hạn, với con số lên tới 1.315 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty đã tăng 31,4% so với đầu năm, đạt hơn 1.194 tỷ đồng, trong đó nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng lên hơn 370 tỷ đồng. Điều này khiến Hoàng Hà Mobile phải chi ra hơn 24,1 tỷ đồng để trả lãi vay trong năm 2023. Trong khi đó, năm 2022 khoản lãi này 14,4 tỷ đồng và năm 2021 chỉ rơi vào khoảng 7 tỷ đồng.

>> NXB Giáo dục Việt Nam báo lãi kỷ lục giữa ‘bão’ bê bối nhận hối lộ của cựu Chủ tịch

Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Hoàng Hà Mobile là hơn 131,6 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty đã gấp hơn 9 lần, một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay để duy trì hoạt động.

Từ đầu quý II/2023, dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, xu hướng ‘‘thắt chặt hầu bao’’ của người tiêu dùng đã tác động đến rất nhiều ngành hàng, sức mua đối với ngành hàng công nghệ cũng giảm mạnh. Để kích cầu doanh số, các chuỗi bán lẻ đã liên tục giảm giá sản phẩm, tạo nên cuộc chiến giá rẻ vô cùng “khốc liệt”. Có thể nói, ông lớn Thế giới Di động (MWG) đã khơi mào cho cuộc chiến về giá nhằm giành giật thị trường. Nhưng hiện tại cho thấy, chiến lược này dã mang lại không ít đau thương cho chính bên khởi xướng và cả những doanh nghiệp cùng ngành, trong đó có Hoàng Hà Mobile.


Một cửa hàng của Hoàng Hà Mobile

Trong nửa cuối năm, ngành bán lẻ được kỳ kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và mức nền thấp từ năm trước. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết 2024 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nền kinh tế hồi phục được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tâm lý tiêu dùng lạc quan sẽ giúp kích thích chi tiêu trong môi trường lãi suất thấp.

Với ngành hàng bán lẻ ICT, KBSV kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như Chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; Dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.

Ai đã chi gần 300 tỷ đồng mua 17% cổ phần một công ty chứng khoán?

Trước giao dịch, tổ chức này không nắm bất kỳ cổ phiếu nào.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (mã VFS) thông báo giao dịch của Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hòa An - tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HĐQT.

Theo thông báo, Đầu tư Tài chính Hòa An báo cáo đã hoàn tất mua vào 20,5 triệu cổ phiếu VFS từ ngày 16/9 đến 24/9/2024, qua đó nâng lượng cổ phiếu VFS nắm giữ lên 20,5 triệu đơn vị (tương ứng tỷ lệ 17,08% vốn), chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của công ty chứng khoán này. Trước giao dịch, tổ chức này không nắm bất kỳ cổ phiếu VFS nào.

Về mối liên hệ, Đầu tư Tài chính Hòa An là tổ chức liên quan tới Chủ tịch HĐQT VFS Nghiêm Phương Nhi. Bà Nghiêm Phương Nhi vừa được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VFS hồi tháng 4 năm nay. Tại Đầu tư Tài chính Hòa An, bà Nhi cũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, bà Nhi còn là Chủ tịch HĐQT Amber Capital.

Hiện, thị giá VFS đang giao dịch ở mức 13.500 đồng/cp, giảm 30% so với vùng giá hồi đầu năm. Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu VFS bất ngờ tăng đột biến, kết phiên sáng 27/9, đã có gần 6 triệu đơn vị được “sang tay”.

Tạm tính theo mức giá kết phiên trung bình giai đoạn 16-24/9, ước tính Tài chính Hòa An đã phải chi khoảng 279 tỷ đồng để nâng sở hữu.

Ai đã chi gần 300 tỷ đồng mua 17% cổ phần một công ty chứng khoán?- Ảnh 1.

Trong một diễn biến liên quan, hồi đầu tháng 8 UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Chứng khoán Nhất Việt với tổng số tiền là 325 triệu đồng.

Trong đó, phạt 187,5 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do vi phạm quy định về hạn chế cho vay.

Cụ thể: trong năm 2022 và năm 2023, Công ty đã thực hiện giải ngân ứng trước tiền bán cho các ông/bà là người nội bộ và người liên quan của người nội bộ của Công ty.

Ngoài ra, VFS còn bị xử phạt 137,5 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do cho khách hàng rút tiền vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của các khách hàng. Cụ thể: trong năm 2023, công ty đã cho 04 khách hàng rút tiền vượt quá

Về tình hình kinh doanh, quý II/2024, VFS ghi nhận doanh thu hoạt động 50 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tổng chi phí cao hơn doanh thu khiến lãi ròng giảm gần 19% về dưới 30 tỷ đồng, song vẫn là số lãi cao nhất 4 quý qua.

Tính chung 6 tháng, lãi ròng của VFS đạt 57 tỷ đồng, mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước đến nay và tăng gần 30% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lãi 124 tỷ đồng năm 2024, Chứng khoán Nhất Việt thực hiện được 46% trong 6 tháng.