Tình hình hiện nay- Cập nhật tin

Giá chung cư Hà Nội tăng sốc, hàng chục nghìn người rủ nhau dừng mua

Chỉ sau 1 tháng, giá căn hộ chung cư Hà Nội tăng tới vài trăm triệu đồng, nhiều người ngỡ ngàng, bức xúc nên đã lập hội nhóm rủ nhau dừng mua, chờ giá hạ nhiệt.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhóm “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” thu hút hơn 69.000 thành viên tham gia. Theo lời giới thiệu, những người thành lập nhóm chia sẻ: “Sau một thời gian vô cùng mệt mỏi vì tìm mua nhà ở Hà Nội đầu năm 2024, mình đã quyết định dừng lại và không quan tâm nữa. Không phải không tha thiết muốn mua nhưng giá nhà đất, chung cư cứ tăng theo ngày với mức không tưởng, tăng đến 30 - 50% trong vòng 6 tháng.

Tiền kiếm được cũng chẳng dễ dàng gì, sản phẩm nhận được không còn xứng đáng với mức giá đòi hỏi, chẳng việc gì phải cố mua. Chúng tôi không cần mua rẻ, chỉ muốn mua đúng giá trị thật”.

Giá căn hộ chung cư Hà Nội tăng sốc khiến nhiều người ngỡ ngàng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Nhiều người cũng đồng tình, chia sẻ câu chuyện của mình khi đi tìm mua căn hộ chung cư ở Hà Nội và bị “sốc” khi giá tăng phi mã.

Tài khoản Nhật Huy cho biết, thời điểm đầu tháng 3, anh tìm mua căn hộ chung cư tại dự án EcoGreen Nguyễn Xiển. Thời điểm đó, anh được giới thiệu một căn hộ tầng thấp, được thiết kế 3 phòng ngủ với giá 3,9 tỷ đồng. Do chưa ưng ý vì căn hộ ở tầng thấp, đồng thời đang đợi bán mảnh đất ở quê để lấy tiền mua nên anh Huy chưa quyết định mua căn hộ này.

Đến tháng 7, anh Huy quay lại để hỏi mua thì giá căn hộ đã bất ngờ được rao bán với giá 4,65 tỷ đồng (tăng 750 triệu đồng so với 3 tháng trước đó). Lên các diễn đàn rao bán nhà để tìm hiểu, anh Huy cũng bất ngờ khi giá các căn hộ chung cư tại dự án này đều đã tăng tới hàng trăm triệu đồng so với thời điểm anh tìm mua vài tháng trước.

“Với số vốn ban đầu tích cóp được 2,8 tỷ đồng, mua căn hộ trên với giá 3,9 tỷ thì chỉ cần vay ngân hàng 30% là có thể mua được. Bây giờ cứ mỗi tháng căn hộ dạng này lại tăng hàng trăm triệu thì thật sự bất lực, cứ thế này, người lao động tỉnh lẻ lên Hà Nội không thể mua nổi nhà”, anh Huy chia sẻ.

Trong khi đó, anh Phạm Đức Hải (quê Hải Dương) cho biết, bản thân vừa vỡ kế hoạch mua nhà do chủ căn hộ bùng cọc, bán cho người khác với giá cao hơn.

“Thời điểm tháng 7, tôi tìm mua căn hộ chung cư thuộc một dự án tại quận Hà Đông. Lúc này, tôi và chủ nhà đã chốt giá căn hộ là 4,9 tỷ đồng, tôi làm hợp đồng đặt cọc 100 triệu đồng cho chủ nhà. Tuy nhiên, khi chưa đến ngày dồn tiền, bàn giao căn hộ, tôi lại được chủ nhà thông báo trả lại cọc không bán nữa”, anh Hải nói.

Tìm hiểu ra, anh Hải mới ngỡ ngàng khi chính căn hộ mình vừa mua “hụt" đã được chủ nhà bán cho người khác với giá 6,2 tỷ đồng. Chỉ ít ngày, giá căn hộ đã chênh tới 1,3 tỷ đồng.

“Mặt bằng chung căn hộ chung cư tại Hà Nội dao động trên dưới 5 tỷ đồng. Giờ có tiền cũng khó mua được nhà, đã đặt cọc rồi vẫn bị bùng mất. Tôi thật sự lạc trong mê cung giá chung cư tại Hà Nội”, anh Hải bức xúc.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát thì trong quý II giá rao bán một số dự án căn hộ chung cư trên thị trường có sự tăng giá cao, từ 20% đến 33%. Để mua căn hộ có giá bán biến động tăng chậm hơn thì người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm nhưng giá bán cũng không dưới 3 tỷ, dao động ở mức 3,2 - 4,5 tỷ đồng/căn hộ có thiết kế từ 2 đến 3 phòng ngủ.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Sắp lắp xong Dây chuyền thép HRC tại dự án Dung Quất 2

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, khi Dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á.


Toàn cảnh Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

Cuối tuần vừa qua, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Cùng đi có Ban Tổng giám đốc Tập đoàn, Ban giám đốc Thép Hòa Phát Dung Quất và các đối tác là bạn hàng thân thiết của Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực thép.

Báo cáo tiến độ triển khai dự án, ông Mai Văn Hà - Giám đốc Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, hiện tại Dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ Phân kỳ 1 và 50% Phân kỳ 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) vào giữa tháng 9/2024, sau đó công ty sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị.

Theo tiến độ hiện nay, Phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm 2024 và đi vào khai thác thương mại từ đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4 năm 2025.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Mạnh Tuấn kiểm tra đốc thúc tiến độ Dự án Hòa Phát Dung Quất 2.

Thị sát tại công trường dự án, ông Trần Đình Long ghi nhận sự nỗ lực của ban lãnh đạo Thép Hòa Phát Dung Quất và các nhà thầu. Đồng thời, yêu cầu công ty tập trung tối đa nhân lực, vật lực cùng với các nhà thầu, nhà cung cấp để đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ và chất lượng đã đề ra.

Với tổng công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng tổng công suất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và dòng thép chất lượng cao. Qua đó, lọt TOP 30 hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2025, giúp củng cố lợi thế về quy mô, tiến tới giảm được giá thành sản xuất hơn nữa.

Bên cạnh đó, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, thiết kế Dự án Dung Quất 2 sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với Dự án Dung Quất 1. Trong đó, thể tích lò cao tại dự án Dung Quất 2 là 2.500 m3, gấp đôi thể tích lò của Dự án Dung Quất 1, giúp: tốc độ trao đổi nguyên liệu cao hơn, tiêu thụ năng lượng thấp hơn, vận hành ổn định hơn do đó tạo ra thành phẩm có chất lượng cao hơn, đồng nhất hơn.

Đặc biệt, dự án sẽ có mức phát thải CO2 thấp hơn, giúp đáp ứng các yêu cầu môi trường ngày càng nghiêm ngặt trong sản xuất thép.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: Tập đoàn Hoà Phát (HPG) trong thế “lưỡng đầu thọ địch” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dự án Dung Quất 2 được xem là “bước ngoặt” quan trọng giúp Tập đoàn Hòa Phát tập trung phát triển các sản phẩm HRC chất lượng cao, phục vụ sản xuất công nghiệp, thay vì phụ thuộc vào mảng thép xây dựng vốn có tính chu kỳ gắn với diễn biến thị trường bất động sản.

Tập đoàn Hòa Phát cho biết các sản phẩm HRC của Dự án Dung Quất 2 sẽ được ứng dụng để sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép, thép HRC cho sản xuất vỏ container cường độ cao, kháng thời tiết…

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hòa Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát cạnh tranh hơn về giá cả.

Dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Tập đoàn Hoà Phát tăng thêm 4 - 5 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD hiện tại.

Nhìn chung thì HPG chắc sắp bay rồi đấy, anh em vào lẹ còn kịp

Cổ phiếu của ông trùm bất động sản tại Hải Phòng bị siết cho vay margin

Cổ phiếu TCH của Tài chính Hoàng Huy - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản Hải Phòng đã bị Chứng khoán BSC giảm tỷ lệ cho vay margin từ 50% xuống 40%.

Nguyên nhân của nhịp giảm này được cho là đến từ thông tin lan truyền trên mạng về hoạt động thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Tài chính Hoàng Huy. Sau thông tin này, cổ phiếu TCH lâm vào cảnh bị bán tháo mạnh với hàng triệu đơn vị bị chất sàn trong phiên ngày 8/8.

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng về hoạt động thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, cơ quan này cho biết đây chỉ là hoạt động kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp niêm yết. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bày tỏ sự bất ngờ khi văn bản này bị chụp cắt và lan truyền trên các hội nhóm, khiến nhiều người hiểu lầm rằng doanh nghiệp đang gặp phải sự cố.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhấn mạnh sẽ có văn bản chấn chỉnh, gửi đến công ty chứng khoán có cá nhân đã lan truyền ảnh chụp, cắt ghép công văn trên, đây không phải lần đầu tiên các văn bản nội bộ gửi đến công ty chứng khoán bị lan truyền trên mạng xã hội.

Trở lại với TCH, sau nhiều phiên biến động mạnh, tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu này có đà phục hồi hơn 10% lên vùng giá 18.550 đồng/cổ phiếu (kết phiên 20/8).


Diễn biến giá cổ phiếu TCH từ đầu năm 2024 đến nay

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 1 của niên độ tài chính từ ngày 1/4/2024 đến 31/3/2025, TCH ghi nhận doanh thu gần 830 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng hơn ba lần, đạt 351 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận ròng đạt 229 tỷ đồng, tăng gần 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

TCH cho biết, doanh thu bán hàng được đóng góp chính từ các hoạt động kinh doanh ô tô và hoạt động kinh doanh bất động sản đến từ bàn giao các sản phẩm tới khách hàng vẫn được duy trì ổn định và tăng trưởng.


Kêt quả kinh doanh TCH (Biểu đồ: Kinhtechungkhoan.vn)

Tính đến cuối quý 1 niên độ 2024 - 2025, tổng tài sản của Tài chính Hoàng Huy đạt 15.091 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu niên độ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn nửa về còn 237 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 45% lên 2.146 tỷ đồng, tất cả đều là tiền gửi có kỳ hạn.

Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của công ty là 9.862 tỷ đồng hàng tồn kho, với 7.998 tỷ đồng là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tập trung ở các dự án Hoàng Huy New City (1.052 tỷ đồng), Hoàng Huy Green River (1.643 tỷ đồng), dự án Hoàng Huy Commerce (311 tỷ đồng), và dự án Đỗ Mười (4.953 tỷ đồng).

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6, Tài chính Hoàng Huy không còn ghi nhận dư nợ vay. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 12.656 tỷ đồng, bao gồm 1.261 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.


Biểu đồ cân đối kế toán của TCH

Chứng khoán Vietcap (VCI) trong một báo cáo gần đây cho rằng, một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ sự đi lên của thị trường bất động sản Thủy Nguyên là Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH). TCH cũng đang triển khai 3 dự án bất động sản nhà ở tại huyện Thủy Nguyên, bao gồm khu đô thị Đỗ Mười, Hoàng Huy New City và Hoàng Huy Green River.

Các dự án này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với TCH, chuyển đổi từ một đơn vị phát triển các dự án vừa và nhỏ dưới 5 ha thành một đơn vị phát triển các dự án lớn hơn lên đến 49,6 ha. Ngoài dự án Hoàng Huy New City đã hoàn thành xây dựng, quỹ đất còn lại sẽ được phát triển trong giai đoạn 2024 - 2028, theo kế hoạch của ban lãnh đạo. Vietcap kỳ vọng, việc chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành một thành phố mới có thể hỗ trợ cho việc hấp thụ các dự án sắp tới của TCH.

Bên cạnh đó, quỹ đất của hai dự án - Hoàng Huy New City và Hoàng Huy Green River - được TCH sở hữu với chi phí ưu đãi thông qua các hợp đồng BT với UBND TP. Hải Phòng. Theo đó, kỳ vọng hai dự án này sẽ tiếp tục mang lại biên lợi nhuận gộp hấp dẫn trên 40%, phù hợp với các dự án trước đây của TCH được phát triển trên quỹ đất theo hợp đồng BT.

Sắp rà soát 100% người livestream bán hàng
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livestream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok… trên địa bàn.

Trong văn bản gửi cục thuế các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok… Từ đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro. Họ sẽ phối hợp chặt với các cơ quan chức năng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.

Cục thuế các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với nhau nếu cơ quan thuế tại địa phương khác đề nghị rà soát tổ chức, cá nhân có thu nhập cao qua bán hàng livestream.

Ngành thuế sẽ rà soát 100% người livestream bán hàng

Trước đó, vào đầu thàng 6, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TCT, yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục thuế doanh nghiệp lớn triển khai hiệu quả, đồng bộ, toàn diện về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng, hóa đơn điện tử…

Cụ thể, các đơn vị được yêu cầu triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing); cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm…

Theo quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livetream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân.

Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

cổ phiếu bán lẻ bứt phá ngoạn mục: FRT, PNJ cùng phá đỉnh lịch sử, MWG lên cao nhất gần 2 năm

image

Đi cùng đà khởi sắc của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng tranh thủ tăng tốc trong phiên 21/8. Hàng loạt cổ phiếu như PET (Petrosetco), PSD (Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí), DGW (Digiworld), MWG (Thế giới di động), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) đồng thuận tăng tốt.

Thậm chí, cổ phiếu FRT của FPT Retail tăng “rực rỡ” 6,82%, có thời điểm kịch trần, qua đó tiến lên mức 188.000 đồng/cp. Đây đồng thời là mức giá cao kỷ lục của FRT kể từ khi niêm yết trên sàn. Tương tự, cổ phiếu PNJ tiếp tục leo lên đỉnh lịch sử 108.400 đồng/cp với mức tăng nhẹ 0,4%. Đáng nói, cổ phiếu này vừa lập đỉnh phiên trước đó. Bên cạnh đó, thị giá MWG kết phiên tại 69.800 đồng/cp, đánh dấu mốc cao nhất 23 tháng kể từ tháng 9/2022.

Dòng tiền ồ ạt chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bán lẻ giúp nhóm này ghi nhận mức tăng ấn tượng hàng chục % so với hồi đầu năm. Cụ thể, MWG và FRT bật tăng mạnh lần lượt 63% và gần 80% kể từ đầu năm. Khiêm tốn hơn, PNJ, MSN,… chứng kiến mức tăng từ 15%-30% từ đầu năm, vượt trội hơn thị trường chung.

Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ ngành bán lẻ “vực dậy” sau giai đoạn khó khăn trước đó. Từ đầu năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, có thể kể đến như cải cách tiền lương, giảm thuế VAT…

Các biện pháp trên giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023, ước đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng. Mức độ tăng trưởng có xu hướng tăng theo từng tháng phần nào cho thấy sức mua trong nền kinh tế đang có sự hồi phục tích cực dù tốc độ còn khá khiêm tốn.

Nửa đầu năm 2024, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng Việt Nam liên tục có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường trong nước có thể kể đến như thương vụ Bain Capital đầu tư vào MSN, CDH Investments đầu tư vào BHX (công ty con của MWG), nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng mở rộng cửa hàng tại Việt Nam như UNIQLO, MUJI, Starbucks.

Nhờ đó, tình hình kết quả kinh doanh nửa đầu năm của nhiều doanh nghiệp trong ngành trở nên khả quan hơn. Bách Hóa Xanh (BHX) chính thức có lãi và chuỗi điện máy tăng trưởng cao giúp MWG có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm tăng 5.200% và gần hoàn thành kế hoạch cả năm. Tương tự, FRT với động lực từ chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng có 2 quý liên tiếp báo lãi, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 109 tỷ, khả quan hơn nhiều số lỗ 213 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Lợi nhuận nửa đầu năm của PNJ cũng cao kỷ lục.

"Ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng tiền lớn trong tương lai"

Thêm nữa, triển vọng kinh doanh của nhóm bán lẻ, hàng tiêu dùng còn được đánh giá tích cực trong thời gian tới.

Trong nửa cuối năm, ngành bán lẻ được kỳ kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và mức nền thấp từ năm trước. Fed đang tiến gần đến thời điểm cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt áp lực lên tỷ giá, tạo ra dư địa để SBV duy trì chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng. Điều này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, phục hồi sức mua trong nước.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết 2024 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nền kinh tế hồi phục được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tâm lý tiêu dùng lạc quan sẽ giúp kích thích chi tiêu trong môi trường lãi suất thấp.

Theo KBSV, các chuỗi bán lẻ tạp hoá hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại, với những lợi thế về chất lượng, dịch vụ. Tương tự, xu hướng trong tương lai các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ vượt trội so với các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ lợi thế quy mô, dịch vụ, chất lượng sản phẩm đảm bảo.

Với ngành hàng bán lẻ ICT, KBSV kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như (1) Chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; (2) Dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.

Với ngành hàng bán lẻ trang sức, nhóm phân tích kỳ vọng với những quyết tâm hạ nhiệt thị trường vàng của Chính phủ và NHNN sẽ giúp giá vàng giảm và ổn định trong thời gian tới.

Với triển vọng lạc quan, KBSV đánh giá, ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng tiền lớn trong tương lai. Về dài hạn, thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO lớn của các công ty bán lẻ lớn trong nước như MSN IPO The CrownX, FRT IPO Long Châu hay MWG IPO BHX, EraBlue.

Cổ phiếu ‘nhà phân phối bất động sản số 1 Việt Nam’ chìm sâu dưới giá trị sổ sách

Từ mức lợi nhuận kỷ lục 1.136 tỷ đồng năm 2020, tình hình kinh doanh của Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) đã lao dốc trong ba năm sau đó. Kinh doanh đi xuống khiến cổ phiếu DXS mất đà phục hồi.

Kể từ khoản lãi sau thuế 1.136 tỷ đồng năm 2020, lợi nhuận của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Mã DXS - HoSE) đã giảm mạnh trong ba năm qua. Dấu ấn trong giai đoạn 2021-2023 là mức doanh thu kỷ lục gần 4.330 tỷ đồng năm 2021 và khoản lỗ sau thuế 160 tỷ đồng năm 2023.


Kết quả kinh doanh của Dat Xanh Services giai đoạn 2020-2023

Giống như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trên sàn chứng khoán, Đất Xanh Services đã trải qua giai đoạn kinh doanh hoàng kim trước khi toàn ngành đối mặt với khủng hoảng trái phiếu năm 2022, kéo theo nhiều vấn đề về huy động vốn, pháp lý và triển khai dự án.

Tình hình kinh doanh của công ty có phần cải thiện trong nửa đầu năm 2024 với doanh thu đạt 1.237 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, các kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh cao cách đây hai năm.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của DXS đạt hơn 15.300 tỷ đồng, trong đó hơn 4.100 tỷ đồng là giá trị hàng tồn kho, chủ yếu là bất động sản. Tín hiệu tích cực là công ty đã ghi nhận gần 450 tỷ đồng khoản người mua trả trước ngắn hạn.

Đất Xanh Services hiện vay nợ gần 2.100 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ 0,25 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 0,7 lần. Dù có dấu hiệu khởi sắc và gặp ít áp lực tài chính, tuy nhiên cổ phiếu DXS vẫn chưa thể bứt phá.

Cùng quy mô vốn với bộ đôi doanh nghiệp nhóm Hoàng Huy là TCH và HHS, cùng vị thế cổ phiếu penny cách đây một năm, trong khi TCH đã bứt phá hàng trăm % và vượt mốc 20.x đồng hồi tháng 7 vừa qua, cổ phiếu DXS vẫn chìm dưới mệnh giá trong hai năm gần nhất.


Diễn biến giá cổ phiếu DXS và TCH từ giữa tháng 11/2022 tới nay

Lần cuối cùng cổ phiếu DXS còn giao dịch trên mức 10.000 đồng/cp đã từ thời điểm cuối tháng 9/2022. Đây cũng là mức giá tương đương giá trị sổ sách của Đất Xanh Services (10.341 đồng/cp).

Dữ liệu từ Chứng khoán TCBS cho thấy, đến cuối quý II/2024, DXS có EPS âm 71 đồng/cp, chỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) đều âm 0,7% và 0,3%.\

Kết phiên 21/8, cổ phiếu DXS giảm 2,2% về mức 6.120 đồng/cp, thanh khoản thấp chỉ đạt 1,5 triệu đơn vị.


Nguồn: Ảnh chụp màn hình Website Đất Xanh Services

Với danh tiếng là “nhà phân phối bất động sản số 1 Việt Nam”, bán ra hơn 30.000 sản phẩm mỗi năm và cơ cấu tổ chức gồm hơn 60 công ty thành viên và trên 10.000 nhân sự, việc cổ phiếu DXS hiện giao dịch dưới giá trị thực đang khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Theo đó, khả năng Đất Xanh Services có trở lại quỹ đạo tăng trưởng hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

“Sau 5 ngày, căn chung cư rao bán 5,1 tỷ đã tăng thêm 800 triệu đồng, kiếm tiền đâu để mua nhà!”

Sau gần 2 tháng chung cư giảm nhiệt, đến tháng 7, mức độ quan tâm và giá chung cư lại tăng sốc. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới phân khúc chung cư Hà Nội trong tháng 7 tăng 13% so với tháng 6. Lượng tin đăng cũng tăng 4%.

Chị Thoa (35 tuổi) bắt đầu tìm mua chung cư từ đầu tháng 5 năm nay. Khi đó, sau khi thị trường chung cư tăng phi mã vào những tháng đầu năm thì đã giảm nhiệt. Thấy có nhiều thông tin đăng rao bán chủ nhà giảm 200-300 triệu đồng/căn. Chị Thoa cũng chồng lao đi khắp nơi tìm xem nhà.

“Ngày nào, cả hai vợ chồng tôi cũng hẹn môi giới đi xem. Nhưng thực sự khó tìm được căn nào ưng ý vì nguồn hàng không có nhiều, chủ yếu là những căn ở các dự án đã đi vào sử dụng đến cả hơn chục năm. Có nhiều căn đã được sửa lại nhưng thiết kế cũ, không hợp lý với công năng sử dụng hiện nay. Đó là chưa kể giá vẫn rất cao, chủ chỉ giảm 200-300 triệu đồng trên cái mức kỳ vọng của chủ. Do đó, tâm lý của vợ chồng tôi không vội - vừa tìm vừa chờ xem thế nào”, chị Thoa chia sẻ.

Chị Thoa than: “Tôi không ngờ rằng sức nóng của chung cư lại quay trở lại nhanh như thế. Giá rao bán tăng sốc. Khi mà, đầu tuần, tôi vừa hỏi một căn chung cư đang rao bán với giá 5,1 tỷ đồng nằm trên đường Nguyễn Trãi và hẹn môi giới cuối tuần cả hai vợ chồng đi xem. Thế nhưng, đến thứ 6, môi giới báo lại căn chung cư đó chủ đã rao bán 5,9 tỷ đồng, tức tăng 800 triệu đông chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 ngày. Vợ chồng tôi nghe xong mà ngã ngửa, làm gì cho kịp với tốc độ tăng giá nhà như vậy”.

Không riêng gì chị Thoa, đa số người mua nhà với mục đích an cư đang đau đầu với việc: “Có nên mua nhà lúc này hay tiếp tục chờ đợi”.

Chia sẻ về quan điểm mua nhà hay chờ đợi lúc này, anh Hùng (32 tuổi) cho rằng: “Mua nhà chờ đợi là thua. Nếu đủ tài chính, tìm được căn ưng ý hãy mạnh tay xuống dù có thể đắt hơn căn khác 100-200 triệu đồng. Bởi dù muốn dù không, giá nhà trung tâm vẫn cứ tăng đều đều qua các năm. Có thể, sau khi tăng sốc, có giai đoạn giá nhà đi xuống hoặc đi ngang nhưng đó chỉ là ngắn hạn còn dài hạn giá nhà vẫn tăng”.

Chị Mai có quan điểm rằng: “Mỗi một thời kỳ bất động sản sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, thời thấp điểm giá cũng chỉ đi ngang chứ không hạ. Do đó, nếu đã có đủ tài chính trong tay hãy cứ mạnh dạn mua để ở”.

Còn chị Quỳnh cho rằng: “Chờ đợi giảm giá thì là bàn lùi thôi, thử đi tìm kiếm nhà xem có dễ không, có nhà để mua không thì sẽ hiểu. Giá nhà tăng là do lệch pha cung cầu, nguồn cung khan hiếm… những vấn đề này có thể giải quyết ngắn hạn không mà chời giá giảm? Nếu muốn mua để ở và có tiền để đầu tư mà thấy dự án tốt thì nên mua luôn, đừng chờ đợi”.

Dù quyết định mua hay chờ đợi thì trong bối cảnh giá chung cư tăng bất thường trong hơn hai tháng trở lại đây, người mua cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, không nên vội vàng. Bởi, bên cạnh các nguyên nhân cũ là cung khan hiếm, cung mới giá quá cao kéo mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục bị đẩy lên thì còn có yếu tố đầu cơ, làm giá của giới đầu tư.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5% đến 6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực và vị trí. Giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com cho rằng, trong thời gian tới, giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục nhích lên do nguồn cung vẫn khan hiếm. Các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở có hiệu lực sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nguồn cung nhưng cần một khoảng thời gian nhất định để “ngấm” thị trường. Do đó, trong ngắn hạn, giá chung cư Hà Nội chưa thể giảm ngay.

Còn bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, giá chung chư Hà Nội sẽ dần ổn định thời gian tới. Thị trường nhà ở Hà Nội dự kiến sẽ bước vào một “chu kì mới” bởi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 vừa qua. Khi các luật có hiệu lực sớm, nhiều vấn đề của thị trường sẽ được giải quyết và các tác động sẽ diễn ra nhanh hơn, trong đó có vấn đề nguồn cung. Khi nguồn cung hạn chế, lựa chọn của người dân giảm, dẫn đến giá cả không ổn định và có xu hướng tăng. Việc giải quyết vấn đề nguồn cung hạn chế sẽ là một tác động tích cực cho thị trường chung.

“Giá của chung cư Hà Nội đang ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư và tính thanh khoản của thị trường. Khi các văn bản hướng dẫn dần được ban hành đầy đủ, giá cả được dự báo sẽ trở nên ổn định, lợi ích của người dân được đảm bảo hơn”, bà Hằng nhấn mạnh.

Dạ em cảm ơn Ad ạ

Bác có bài về điện không ạ

Ông lớn ngành thép từng ‘chung mâm’ với Hòa Phát và Hoa Sen chìm trong thua lỗ, chờ ngày thanh lý nhà máy

Thép Pomina rơi vào tình trạng “ngồi im” cũng lỗ đậm, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là tìm được nhà đầu tư sẵn sàng mua lại 2 nhà máy để có tiền trả nợ vay.

CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 46,3 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 279,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 47,8 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 504,1 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn của Pomina xuất phát từ việc doanh thu bán hàng chỉ bằng 50% giá vốn, dẫn đến công ty không thể mở rộng sản xuất. Đồng thời, việc “ngồi im” cũng phải chịu chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp lớn.

Pomina hiện đang sở hữu 3 nhà máy: Pomina 1 được xây dựng năm 2002, công suất 300.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 525 tỷ đồng; Pomina 2 được xây dựng năm 2005, công suất 600.000 tấn/năm, với quy mô vốn 1.100 tỷ đồng; và Pomina 3, được xây dựng năm 2009 trên khu đất 46 ha tại KCN Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm. Hiện tại, công ty đang tạm dừng hoạt động tại nhà máy Pomina 1 và 3.

Từng “chung mâm” với Hòa Phát nhưng giờ phải thanh lý tài sản


Nguồn: Tổng hợp (đơn vị: tỷ đồng)

Pomina được thành lập vào năm 1999. Trong 11 năm đầu, công ty liên tục đưa vào hoạt động 3 nhà máy thép với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, chiếm lĩnh một phần lớn thị trường thép nội địa. Năm 2011, khi nhà máy Pomina 3 đi vào hoạt động, công ty nắm giữ 16,6% thị phần thép xây dựng, giữ vị trí hàng đầu trên thị trường.

Năm 2009, doanh thu của Pomina đạt 7.541 tỷ đồng, gần ngang bằng với Hòa Phát (8.244 tỷ đồng) và gấp hơn 2 lần Hoa Sen. Tuy nhiên, “đường dài mới biết ngựa hay”, trong khi Hòa Phát và Hoa Sen liên tục tăng trưởng, doanh thu của Pomina lại chững lại. Sau đại dịch Covid-19, Pomina lần lượt lỗ sau thuế 1.079 tỷ đồng vào năm 2022 và 928 tỷ đồng vào năm 2023.

Tính đến ngày 30/6/2024, khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính riêng của Pomina là 1.769 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 1.093 tỷ đồng. Công ty đang gánh khoản nợ vay lên tới 4.343 tỷ đồng, trong khi tiền mặt chỉ còn 7,9 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Pomina là 8.356 tỷ đồng, phần lớn dồn vào tài sản dài hạn, bao gồm tài sản cố định và chi phí xây dựng dở dang dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3, với tổng giá trị 5.723 tỷ đồng. Dự án này đã tạo ra “cú trượt chân” của doanh nghiệp khi dành hơn 50% tài sản, chủ yếu từ vốn vay, để thực hiện trong bối cảnh thị trường thép đang gặp khó khăn.

Ông lớn ngành thép từng 'chung mâm' với Hòa Phát và vượt Hoa Sen chìm trong thua lỗ, chờ ngày thanh lý nhà máy
Thương hiệu vang bóng 1 thời chìm trong thua lỗ

Để tự cứu mình, Pomina lên kế hoạch bán hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, chỉ giữ lại nhà máy Pomina 2 tại KCN Phú Mỹ. Công ty ước tính giá trị của hai nhà máy này nằm trong khoảng 6.000 - 6.800 tỷ đồng, và dự định góp 900 - 1.000 tỷ đồng để thành lập một công ty mới cùng với đối tác khác. Số tiền còn lại, khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng, sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng và các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp chưa công bố danh tính đối tác quan tâm. Ngày 8/8, công ty thông báo đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei (Nhật Bản) vào cuối tháng 7/2024 để cung cấp đủ nguyên vật liệu, nhằm giúp Pomina 2 vận hành tối đa công suất vào tháng 9/2024.

Ngoài ra, Pomina cũng đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư “bí mật” với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025, đón đầu xu hướng đầu tư công và sự phục hồi mạnh mẽ của các dự án bất động sản.

Liên danh Đèo Cả - Sơn Hải vuột mất gói thầu 6.300 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành vì ‘330.000 đồng tiền phí’

ACV loại hồ sơ của liên danh Đèo Cả - Sơn Hải trong gói thầu 4.7 trị giá 6.300 tỷ đồng do một thành viên bị tạm ngưng số hiệu trên mạng đấu thầu quốc gia.

Gói thầu 4.7 có giá trị 6.300 tỷ đồng, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách và các công trình khác của Dự án thành phần 3, thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đang được ACV mời thầu.

Hai liên danh tham gia dự thầu, liên danh 1 gồm 8 nhà thầu, đứng đầu liên danh là Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Xây dựng Đèo Cả, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV); CTCP Lizen (LCG); Tổng công ty Thăng Long; Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long; Công ty TNHH Hòa Hiệp; và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (viết tắt là Liên danh Đèo Cả).

Liên danh 2 gồm 6 nhà thầu, đứng đầu là Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Vinaconex (VCG); CTCP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam; CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G); và CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

Ngày 13/8, ACV thông báo liên danh Đèo Cả bị loại vì không đáp ứng điều kiện về tư cách hợp lệ của hồ sơ mời thầu gói thầu số 4.7. Lý do là thành viên liên danh Đèo Cả, Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long, bị tạm ngưng số hiệu trên mạng đấu thầu quốc gia là vn2800177056 từ ngày 30/6.

Liên danh Đèo Cả đã có 2 văn bản kiến nghị đến ACV đề nghị tiếp tục được xem xét về kỹ thuật, tuy nhiên, phía ACV không chấp thuận và khẳng định liên danh Đèo Cả đã phạm luật nên buộc bị loại khỏi cuộc đấu thầu.

Tiền Phong dẫn lời từ một chuyên gia trong ngành, lỗi mà thành viên của liên danh Đèo Cả vấp phải trong trường hợp này có thể nói là rất ngớ ngẩn. Các nhà thầu phải đóng phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hàng năm là 330.000 đồng. Rất có thể, thành viên này đã quên đóng phí và bị tạm ngưng từ 30/6 mà không biết. Lỗi này vẫn thường gặp ở rất nhiều nhà thầu thời gian qua.

Chuyên gia: Sắp tới, giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội sẽ tăng “đột biến”, thị trường thứ cấp tiếp tục tăng khoảng 5-10%

Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn và phát triển bất động sản SGO Homes đã đưa ra một vài dự báo về thị trường căn hộ chung cư trong thời gian sắp tới.

Diễn biến thị trường chung cư trong quý 2

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2024 của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp số liệu từ 60/63 Sở Xây dựng các địa phương, có tổng 150.876 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, có 25.885 giao dịch tại căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, giảm 28% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ. Phần lớn là nằm tại phân khúc đất nền với 124.991 giao dịch, tăng 28% so với quý trước và tăng 86% so cùng kỳ.

Về giá giao dịch, giá chung cư tăng trung bình từ 5-6,5% trong quý 2 tại Hà Nội. Theo Bộ Xây dựng đánh giá, giá bán chung cư tăng nóng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn, đồng thời có dấu hiệu chững lại vào cuối quý 2 do giá đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi.

Tại Hà Nội, trong quý 2 giá rao bán một số dự án căn hộ chung cư có sự tăng cao, như tại các khu đô thị Royal City tăng 33%; The Pride 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32%, Vinhomes West Point tăng 28%. Một số khu đô thị đã cũ như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá chung cư cũng tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên tăng 20%…

Bộ Xây dựng cho rằng, với giá tăng nóng như vậy, để muốn mua căn hộ có giá bán biến động tăng chậm hơn, người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm như dự án Bình Minh Garden Đức Giang; Le Grand Jardin Sài Đồng… nhưng giá bán nhưng nơi này cũng không dưới 3 tỷ đồng (ở mức từ 3,2-4,5 tỷ đồng/căn hộ từ 2-3 phòng ngủ).

Với thị trường thứ cấp, giá rao bán tại một số dự án có mức độ tăng giá bình quân cao như 249A Thụy Khuê (Tây Hồ) tăng 12% (55,8 triệu đồng/m2); D’. El Dorado II (Tây Hồ) tăng gần 10% (80,6 triệu đồng/m2); Vinata Tower (Cầu Giấy) tăng 10% (hơn 53 triệu đồng/m2); Vinhomes D’Capitale (Cầu Giấy) tăng 14% (hơn 74 triệu đồng/m2), Thống Nhất Complex (Thanh Xuân) tăng 12,5% (gần 60 triệu đồng/m2), Eco Lake View (Hoàng Mai) tăng 13,5% (hơn 48 triệu đồng/m2)…

Dự báo giá chung cư tiếp tục leo thang

Hầu hết các chuyên gia bất động sản đều cho rằng, giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Theo như ông Nguyễn Quốc Anh, giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục nhích lên do nguồn cung vẫn khan hiếm. Các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở có hiệu lực sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nguồn cung nhưng cần một khoảng thời gian nhất định để “ngấm” thị trường. Do đó, trong ngắn hạn, giá chung cư Hà Nội chưa thể giảm ngay.

Còn theo ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes dự báo giá chung cư sơ cấp thời gian tới sẽ tăng “đột biến” hơn. Bởi theo vị chuyên gia nắm bắt, ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội, sắp tới sẽ có dự án dự kiến được mở bán với mức giá lên tới trên 200 triệu đồng/m2. Mặt bằng chung những dự án ở phía trong vành đai 2 sẽ có mức giá từ 140 triệu đồng/m2 trở lên.

Còn tại thị trường thứ cấp, trong tình trạng nguồn cung khan hiếm như hiện nay thì giá vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến, tăng khoảng 5-10%, ông Chung dự báo.

Còn theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cũng dự báo, giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục đi lên. Giai đoạn 2024-2026, bà An kỳ vọng, mỗi năm Hà Nội sẽ có thêm khoảng 20.000 sản phẩm chung cư, nhà ở gắn liền với đất, khá dồi dào, đủ đáp ứng một phần nhu cầu ở thật, đầu tư trên thị trường. .

NÓNG! Kiểm tra toàn bộ các cuộc đấu giá đất tại huyện Hoài Đức và huyện Thanh Oai thời gian qua

Việc kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai và Hoài Đức nhằm kịp thời phát hiện, xử lý đối với các vi phạm pháp luật nếu có.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 huyện ngoại thành là Thanh Oai và Hoài Đức.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua trên địa bàn TP. Hà Nội có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Việc này có thể gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, và thị trường nhà ở, bất động sản.

Khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thời gian qua. Ảnh: Báo Pháp Luật TP. HCM

Khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thời gian qua. Ảnh: Báo Pháp Luật TP. HCM

Trước tình hình đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành liên quan gồm Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Thanh tra thành phố và Công an thành phố tiến hành rà soát quy trình, thủ tục, quy chế đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 huyện trên thời gian qua. Mục đích kiểm tra là phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật (nếu có), đồng thời báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/8.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải báo cáo UBND TP. Hà Nội để chỉ đạo các biện pháp nhằm đảm bảo quy trình đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, thời hạn hoàn thành trước ngày 27/8.

>> Tiếp nối ‘cơn sốt’, huyện rộng nhất Hà Nội tiếp tục đấu giá đất với khởi điểm từ 22 triệu đồng/m2

Các cuộc đấu giá này còn thu hút lượng người tham gia lớn bất thường. Ảnh: Internet

Các cuộc đấu giá này còn thu hút lượng người tham gia lớn bất thường. Ảnh: Internet

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại Hà Nội nóng lên với thông tin về 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai. Tại Thanh Oai, mức trúng đấu giá vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, trong khi tại Hoài Đức, giá trúng đạt 133 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất trung bình tại các khu vực trên từ 40-60 triệu đồng/m2.

Ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho biết đang phối hợp với Công an thành phố để xác minh và làm rõ việc liên kết, thao túng giá đất của một số đối tượng liên quan.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tính hợp pháp, công khai, minh bạch. Đồng thời, cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi và gây nhiễu loạn thị trường.

Diễn biến mới nhất vụ liên danh Đèo Cả bị ACV đánh trượt gói thầu hơn 6.300 tỷ, dự án sân bay Long Thành
Liên danh Đèo Cả đã gửi văn bản đến Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ việc bị ACV đánh trượt Gói thầu 4.7 (hơn 6.300 tỷ đồng) thuộc dự án sân bay Long Thành, với lý do “không đúng”.


Một góc công trường thi công dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1

Liên danh Đèo Cả, trong đó có Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) và Lizen (LCG) cùng các đối tác khác, vừa lên tiếng phản đối việc bị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) loại khỏi vòng kỹ thuật của Gói thầu 4.7 thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Lý do khiến liên danh trên bị loại liên quan đến thành viên Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng Hoàng Long, bị tạm ngưng trên hệ thống từ ngày 30/6/2024.

Ngày 22/8, theo thông tin từ báo Tiền phong, đại diện liên danh Đèo Cả cho biết, tại thời điểm đánh giá hồ sơ thầu, tài khoản đấu thầu của Hoàng Long vẫn hoạt động bình thường và chưa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 4.7. Liên danh Đèo Cả cho rằng, việc ACV loại họ là không hợp lý và đã gửi văn bản khiếu nại đến Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để yêu cầu làm rõ vấn đề.

Trước đó, ngày 15/8, Cục Quản lý Đấu thầu đã phản hồi, nêu rõ rằng một nhà thầu đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật Đấu thầu thì vẫn được coi là hợp lệ khi tham dự thầu, ngay cả khi không áp dụng đấu thầu qua mạng. Cục khẳng định rằng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về việc nhà thầu không được trong trạng thái tạm ngừng là không phù hợp với quy định.

Liên danh Đèo Cả đã gửi ba văn bản kiến nghị đến ACV yêu cầu xem xét lại quyết định. Tuy nhiên, ACV từ chối và khẳng định rằng liên danh Đèo Cả đã vi phạm quy định, dù giá dự thầu của họ thấp hơn khoảng 416 tỷ đồng so với liên danh ACC, “đối thủ” chính trong gói thầu này.

Được biết, Gói thầu 4.7 nhằm chọn nhà thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách và các công trình khác tại sân bay Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu có giá trị hơn 6.300 tỷ đồng, được tổ chức đấu thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ và không qua mạng đấu thầu quốc gia.

Hai liên danh lớn tham gia gói thầu này là:

  • Liên danh Đèo Cả: Gồm 8 nhà thầu, đứng đầu là CTCP Tập đoàn Đèo Cả cùng các công ty liên quan: CTCP Xây dựng Đèo Cả, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV), CTCP Lizen (LCG), Tổng CTCP Thăng Long, Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng Hoàng Long, Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

  • Liên danh ACC: Gồm 6 nhà thầu, đứng đầu là Tổng Công ty Xây dựng Công trình hàng không ACC cùng các công ty liên quan: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam, CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) và CTCP Xây dựng Công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

1 Likes

Ngắn và trung hạn AD view thế nào?

Nếu mà có tin là bắt đầu gom gom dần được rồi đúng không bác, mấy mã năng tăng chắc kinh lắm đây

Em cũng ké để xem quan điểm của AD

Vui như cổ đông Vinamilk, giá cổ phiếu tăng vọt lại dồn dập nhận cổ tức tiền mặt “khủng”

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM) vừa thông báo sẽ chi trả 2 đợt cổ tức bằng tiền mặt liên tiếp với tổng tỷ lệ là 24,5%.

Vinamilk vừa ghi nhận mức doanh thu theo quý cao nhất lịch sử hoạt động trong quý 2/2024.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) vừa cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/9 tới đây để trả cổ tức đợt cuối năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 9,5% và tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 cũng bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.

Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức là 24,5% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu VNM sẽ được nhận 2.450 đồng cổ tức. Cổ tức dự kiến sẽ được thanh toán vào ngày 24/10/2024.

Với 2,09 tỷ cổ phiếu lưu hành, Vinamilk dự kiến sẽ chi tổng cộng hơn 5.120 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.

Như vậy, sau khi hoàn tất đợt chi trả tới đây, tổng tỷ lệ cổ tức cổ đông Vinamilk nhận về trong năm 2023 sẽ là 38,5%, đúng theo phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.

Đối với kế hoạch chia cổ tức năm 2024, Vinamilk dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ 38,5%, tương đương mức cổ tức của năm 2023. Vinamilk là doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn, tỷ lệ 30-50% mỗi năm.

Xét về kết quả kinh doanh, trong quý 2 vừa qua, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.656 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý 3/2021, trở thành quý có doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của công ty.

Trong đó, thị trường nước ngoài đem về cho Vinamilk khoản doanh thu 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,5% tổng doanh thu trong quý 2/2024.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VNM của Vinamilk từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Kết quả, Vinamilk ghi nhận lãi sau thuế 2.696 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp, công ty duy trì mức tăng trưởng trên 15%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.903 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 19% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Phản ứng với loạt thông tin tích cực, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VN đã có nhịp hồi phục kéo dài từ cuối tháng 7/2024 đến nay. Kết phiên giao dịch 22/8, thị giá cổ phiếu VNM đạt 74.200 đồng/cp, tăng gần 15% sau một tháng.

Qua đó, vốn hoá của Vinamilk vượt mốc 155.000 tỷ đồng, giúp công ty quay lại Top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn HoSE. Dù vậy, mức vốn hóa hiện tại vẫn còn kém xa thời kỳ hoàng kim hồi cuối năm 2017, giai đoạn Vinamilk còn là cái tên giá trị nhất thị trường.

Đáng chú ý, cổ phiếu VNM là cổ phiếu hiếm hoi trên thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua ròng mạnh trong thời gian gần đây, đi ngược xu thế bán ròng trên toàn thị trường. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 33 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng giá trị gần 2.400 tỷ đồng.

Yêu cầu Bộ CA rà soát hình sự 154 dự án điện mặt trời, xuất hiện nhiều dự án của các doanh nghiệp có tiếng trên thị trường

Đối với các dự án điện mặt trời không vi phạm pháp luật hình sự hoặc có thể khắc phục sai phạm, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần đề xuất xử lý để tránh lãng phí tài sản.
image

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị trực tuyến về việc cập nhật Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an rà soát kỹ 154 dự án điện mặt trời vi phạm, phân tích và phân loại theo tiêu chí vi phạm. Đối với các dự án không vi phạm pháp luật hình sự hoặc có thể khắc phục sai phạm, cần đề xuất xử lý để tránh lãng phí tài sản.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an để rà soát các dự án, phân loại những dự án vướng mắc pháp lý và đề xuất xử lý theo quy định pháp luật. Các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần rà soát thông tin và khắc phục vi phạm cho các dự án điện gió.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương để rà soát các dự án điện mặt trời, điện gió, và các nguồn năng lượng khác, đảm bảo các dự án đáp ứng tiêu chí và quy mô đã phân bổ.

Kết luận thanh tra ngày 25/12/2023 chỉ rõ việc bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII không có cơ sở pháp lý và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Ở diễn biến khác, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin về 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời để phục vụ điều tra. Trong số này, một số dự án của các doanh nghiệp có tiếng trên thị trường cũng góp mặt như Trung Nam Group, TTC Group, Điện Gia Lai (GEG), Tân Hoàn Cầu Group, BIM group, Cơ điện Lạnh (REE)…

4 dự án thuộc hệ sinh thái TTC Group, do “vua"Vua mía đường” Đặng Văn Thành làm Chủ tịch. Cụ thể, nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) và Tân Phú Đông 2 (50 MW) do CTCP Năng lượng Điện gió Tiền Giang đầu tư.