Từ “kép phụ” thành “kép chính”, Tập đoàn Hoành Sơn đã “tròn vai”?

,

Tập đoàn Hoành Sơn lâu nay đã nổi tiếng là một tay chơi M&A “sành sỏi” với những màn “đổi vai” “thần sầu” tại các doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sở hữu “đất vàng”. Thế nhưng, điều đáng bàn là sau khi thành “kép chính”, Tập đoàn này đã thực sự làm “tròn vai” hay chưa?

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã có báo cáo về việc mua vào thành công hơn 7,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC), qua đó nâng số lượng cổ phiếu SRC nắm giữ lên 14 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,22%. Như vậy, doanh nghiệp này đã chính thức vượt Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) trở thành cổ đông lớn nhất, đồng thời xác lập vị thế “người cầm trịch” trong “cuộc chơi” tại Cao su Sao Vàng.

Đối với giới quan sát, đây có lẽ không phải một diễn biến quá bất ngờ, bởi lẽ, Tập đoàn Hoành Sơn lâu nay đã nổi tiếng với những thương vụ “thâu tóm” các doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sở hữu “đất vàng”. Trong đó, màn “đổi vai” tại Cao su Sao Vàng cũng đã nằm trong dự báo từ lâu.


Tập đoàn Hoành Sơn nổi tiếng với những thương vụ “thâu tóm” các doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sở hữu “đất vàng”

“Đường đi nước bước” tại Cao su Sao Vàng

Mối quan hệ giữa Tập đoàn Hoành Sơn với Cao su Sao Vàng được thiết lập vào năm 2016, ban đầu là với tư cách đối tác triển khai dự án “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn” toạ lạc trên khu đất rộng 6ha có địa chỉ tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Còn nhớ, thời điểm đó, “cái bắt tay” giữa hai doanh nghiệp này từng khiến giới quan sát được một phen xôn xao, bởi lẽ, khu đất nói trên vốn nằm trong “tầm ngắm” của những “đại gia” địa ốc lớn nhất thời bấy giờ. Cần biết, khu đất 231 Nguyễn Trãi vốn là nơi đặt nhà máy Cao su Sao Vàng. Đến giai đoạn 2008 – 2009, khi có chủ trương di dời nhà máy ra ngoại thành, khu đất này được Cao su Sao Vàng “ấp ủ” triển khai thành một dự án bất động sản cao cấp với kỳ vọng tạo ra đối trọng với Royal City phía bên kia đường Nguyễn Trãi. Năm 2011, từng có tin đồn về việc dự án đã “lọt vào mắt xanh” của “thế lực” hùng mạnh nhất lĩnh vực địa ốc lúc bấy giờ - Tập đoàn Vingroup.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, mảnh đất này vẫn không tìm được nơi “trao thân gửi phận”. Năm 2012, mặc dù liên doanh Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP Bất động sản Việt Hưng đã đồng ý chi 720 tỷ đồng hỗ trợ Cao su Sao Vàng di dời nhà máy nhưng cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này lúc bấy giờ là Vinachem lại phản đối, khiến cho thương vụ không thể hoàn tất.

Bốn năm sau đó, năm 2016, bất ngờ xảy ra khi giữa rất nhiều “tên tuổi” đình đám như FLC hay BRG, Cao su Sao Vàng lại lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn, để phát triển dự án trên “đất vàng” trong khi chi phí hỗ trợ di dời nhà máy mà doanh nghiệp này đưa ra chỉ là 435 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với đề xuất của liên doanh Phú Mỹ - Việt Hưng hồi năm 2012.

Sau khi thương vụ trên được “chốt deal”, Cao su Sao Vàng và Hoành Sơn lập ra một công ty liên doanh là Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn để triển khai dự án. Theo kế hoạch, công ty liên doanh này có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng và đến năm 2017 được nâng lên mức 500 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến khi tăng vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của Cao su Sao Vàng tại công ty liên doanh luôn được duy trì ở mức 26%, số còn lại do Hoành Sơn sở hữu.

Theo thỏa thuận, Tập đoàn Hoành Sơn cho Cao su Sao Vàng vay 26 tỷ đồng với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng để góp vốn vào công ty liên doanh. Hết thời hạn vay vốn, Cao su Sao Vàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty liên doanh cho Tập đoàn Hoành Sơn.

Tuy nhiên, quá hạn thỏa thuận 2 năm, Hoành Sơn mới chỉ giải ngân 143,5 tỷ đồng cho Cao su Sao Vàng, còn Cao su Sao Vàng cũng dừng triển khai di dời nhà máy và đến nay vẫn chưa có động thái rút lui tại công ty dự án. Dự án “đất vàng” Nguyễn Trãi theo đó vẫn đang “án binh bất động”.


Nhà máy cao su chưa di dời xong, dự án “đất vàng” Nguyễn Trãi vẫn “án binh bất động”

Đáng chú ý, song song với việc “thâu tóm” dự án “đất vàng” Nguyễn Trãi, Tập đoàn Hoành Sơn cũng liên tục gom mua cổ phiếu SRC, từng bước “đặt chân” vào Cao su Sao Vàng. Tháng 7/2020, Tập đoàn này nắm trong tay 24,54% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn thứ hai của Cao su Sao Vàng, chỉ sau Vinachem. Cùng với đó, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Tập đoàn cũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đây được xem là bước khởi đầu cho những bước tiến sâu hơn của Tập đoàn Hoành Sơn tại Cao su Sao Vàng, cũng là tiền đề cho những diễn biến mới đây.

Màn giành quyền chi phối Cảng Phước An từ tay cổ đông sáng lập

Vừa “thâm nhập” vào khu đất vàng “cao-xà-lá” ở phía Bắc, Tập đoàn Hoành Sơn vừa hoàn tất phi vụ “thâu tóm” siêu dự án Cảng Phước An ở phía Nam từ chính tay cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam, HOSE: PVN).

Cần biết, Cảng Phước An có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 17.571 tỷ đồng và quy mô lên tới 733 ha (183 ha khu cảng và 550 ha khu dịch vụ hậu cần cảng). Nhờ sở hữu vị trí đắc địa bên bờ sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - nơi có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, Cảng Phước An được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước, chiếm 70% lượng hàng container, 50% lượng hàng tổng hợp.


Cảng Phước An được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước

Để thực hiện siêu dự án này, ngày 29/4/2008, Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Công ty Cảng Phước An, UPCoM: PAP) được thành lập với số vốn ban đầu là 440 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông lớn là Petrovietnam góp 350 tỷ đồng và Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) góp 75 tỷ đồng.

Mặc dù ở thời điểm sơ khai, Petrovietnam là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 79,54% nhưng đến năm 2016, sau khi Công ty Cảng Phước An tăng vốn lên mức 900 tỷ đồng, Petrovietnam đã mất quyền chi phối vào tay Hoành Sơn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của Tập đoàn Hoành Sơn đã mua 46 triệu cổ phiếu PAP, qua đó nắm 51,11% vốn điều lệ, thay thế Petrovietnam trở thành công ty mẹ của Công ty Cảng Phước An. Lúc này, “chủ nhân” của Hoành Sơn là doanh nhân Phạm Hoành Sơn cũng ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp khai thác cảng này.

Ngay sau khi ông Sơn nhậm chức, Công ty Cảng Phước An đã ký hợp đồng thi công xây lắp phân kỳ 1 – dự án Cảng Phước An với liên doanh Công ty Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn và Công CP Núi Hồng và tạm ứng 575,5 tỷ đồng. Nên biết, thành viên đứng đầu liên doanh là Nga Sơn (doanh nghiệp liên quan đến vợ ông Phạm Hoành Sơn) và sau khi nghiệm thu, giá trị mà liên doanh này thực hiện trên thực tế chỉ rơi vào khoảng 24 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với khoản tiền ứng trước.

Tiếp đến năm 2018, Công ty Cảng Phước An đã góp 153 tỷ đồng để thành lập Công ty CP BOT Đường vào Cảng Phước An và rồi số vốn này cũng được cho Tập đoàn Hoành Sơn của ông Sơn vay lại.

Dưới thời ông Sơn, bên cạnh việc cho Hoành Sơn “mượn vốn”, Công ty Cảng Phước An cũng liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Cảng Phước An lại không mấy khả quan. Doanh nghiệp này “trắng doanh thu” 6 năm liền còn lợi nhuận thì trồi sụt thất thường.


Dưới ông Phạm Hoành Sơn, kết quả kinh doanh của Công ty Cảng Phước An không có gì nổi bật

Tháng 2/2019, sau khi hoàn tất “game mượn vốn”, Hoành Sơn bất ngờ “sang tay” Công ty Cảng Phước An cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A - công ty con của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.

Đến năm 2021, sau khi Công ty Cảng Phước An tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, ông Phạm Hoành Sơn cũng “nhường ghế” Chủ tịch HĐQT cho ông Nguyễn Thành Đạt - một nhân sự chủ chốt của Tuấn Lộc.

Thấy gì về năng lực của Tập đoàn Hoành Sơn?

Lẽ dĩ nhiên, với những thương vụ M&A đình đám kể trên, “thân thế” của Tập đoàn Hoành Sơn cũng “không phải dạng vừa”. Đây vốn là một trong những doanh nghiệp đình đám tại khu vực miền Trung. Tập đoàn có trụ sở chính tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập ngày 19/1/2001 bởi doanh nhân Phạm Hoành Sơn (hay còn được biết tới với biệt danh Sơn “xay xát”). Ông Sơn hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Tập đoàn, cũng là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.

Xuất phát điểm là một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, sau hơn hai thập kỷ hoạt động, tới nay, Tập đoàn Hoành Sơn đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời… Cùng với đó, quy mô vốn và tài sản cũng ngày một tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Tập đoàn đang ghi nhận ở mức 2.000 tỷ đồng. Còn theo giới thiệu trên website, Hoành Sơn có tổng tài sản lên tới 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu USD.


Phần tự giới thiệu của Hoành Sơn trên website công ty

Cái tên Hoành Sơn bắt đầu nổi lên trên thương trường vào năm 2011, khi doanh nghiệp này tham gia vào các dự án nghìn tỷ tại “sân nhà” Hà Tĩnh như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng (2011), Cảng biển quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng (2015), Dự án Điện Mặt trời Cẩm Xuyên 1.458 tỷ đồng (2019), Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh 2.000 tỷ đồng (2019),…

Gần đây nhất, hồi tháng 10, Tập đoàn Hoành Sơn từng gây chú ý khi muốn thế chân Vinhomes tại Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà có quy mô 149,2 ha với tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Tuy nhiên, động thái này lại vấp phải khá nhiều hoài nghi từ giới quan sát, khi chậm tiến độ là vấn đề được thấy khá nhiều ở các dự án mà Hoành Sơn triển khai.

Nổi bật nhất có thể kể đến một dự án Trung tâm thương mại Trần Phú tại TP Hà Tĩnh. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 30/9/2017 và đưa vào hoạt động sau 24 tháng. Tuy nhiên, không chỉ chậm tiến độ khởi công tới 2 năm mà đến nay, dự án này vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện được phần thô.

Cùng chung cảnh ngộ là dự án Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Mặc dù được cấp giấy phép xây dựng từ tháng 7/2019 nhưng đến nay, dự án này cũng chưa được hoàn thành. Bên cạnh đó còn có dự án Nhà ở xã hội dành cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tại ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng (tên thương mại là Hoành Sơn Complex) - một dự án tại Hà Nội từng khiến người mua nhà phải “đứng ngồi không yên” vì sự chậm trễ trong công tác bàn giao, thi công và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Cũng cần nói thêm, 4 khu “đất vàng” khác mà Hoành Sơn xin thuê lại tại Hà Tĩnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, khu đất trung tâm ngã tư thị xã Hồng Lĩnh được cho là có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích và đã cho doanh nghiệp khác thuê lại. Hiện tại, trên khu đất này là trụ sở Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Còn khu đất tại phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, vốn được biết đến là nơi toạ lạc Dự án Văn phòng làm việc 5 tầng của Hoành Sơn, tới nay vẫn đang là căn nhà 2 tầng được cải tạo lại.

“Nội soi” sức khoẻ tài chính của “đại gia” Hà Tĩnh

Trong giai đoạn 2018 - 2022, sau 4 năm liền mở rộng, bước sang năm thứ năm, năm 2022, quy mô tài sản của Hoành Sơn bất ngờ bị thu hẹp 5%, xuống còn 11.309 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản gần như không thay đổi khi tài sản ngắn hạn vấn chiếm khoảng 2/3 tổng tài sản.


Cơ cấu tài sản của Tập đoàn Hoành Sơn

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hoành Sơn và liên tục tăng trưởng trong 5 năm gần đây. Từ mức 2.873 tỷ đồng ghi nhận năm 2018, bước sang năm 2022, khoản mục này đã tăng gần gấp đôi, lên mức 5.505 tỷ đồng, chiếm quá nửa cơ cấu tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc, hơn 50% tài sản của Hoành Sơn nằm ngoài Tập đoàn.

Đáng chú ý, phần lớn tài sản của “đại gia” Hà Tĩnh lại là nợ. Theo dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn, biến động tăng giảm của khoản mục nợ phải trả luôn cùng chiều với quy mô tài sản. Năm 2021, nợ của Tập đoàn Hoành Sơn lập kỷ lục ở mức 10.539 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới gần 88% cơ cấu nguồn vốn. Bước sang năm 2022, mặc dù nợ phải trả giảm nhẹ 7%, xuống 9.821 tỷ đồng, nhưng vẫn cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu (6,7 lần) và chiếm gần hết tổng nguồn vốn (87%).

Dù vậy, nhìn chung, những đặc điểm nói trên đều được thể hiện rõ trong 5 năm gần đây. Chưa kể, trong giai đoạn 2019 – 2021, toàn bộ nợ phải trả của Hoành Sơn là nợ ngắn hạn, là dấu hiệu cho thấy áp lực trả nợ nặng nề của Tập đoàn này. Mặc dù bước sang năm 2022, nợ ngắn hạn của Hoành Sơn đã giảm mạnh tới 31%, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ, là dấu hiệu cho thấy Tập đoàn này vẫn gặp phải nhiều rủi ro về tài chính.


Cấu trúc nợ của Tập đoàn Hoành Sơn

Về kết quả kinh doanh, trong 5 năm gần nhất, mặc dù doanh thu của Hoành Sơn luôn ở mức nghìn tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ loanh quanh ở mức vài chục, vài trăm tỷ đồng. Điều này khiến cho biên lợi nhuận ròng phần lớn chỉ ở mức dưới 1%, cho thấy sự “loay hoay” của doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí để tối ưu hoá lợi nhuận.

Giai đoạn 2018 – 2019, trong khi doanh thu sụt giảm từ mức 4.315 xuống còn 3.759 tỷ đồng thì lợi nhuận Hoành Sơn đi ngang, ở mức khá “lẹt đẹt” là 13 tỷ đồng. Hai năm sau đó, doanh thu thuần của Tập đoàn này tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mốc 6.000 tỷ, lần lượt đạt 6.399 tỷ đồng vào năm 2020 và 6.716 tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng vì thế mà tăng trưởng bằng lần: năm 2020 lãi 57 tỷ đồng (cao gấp 4,38 lần năm trước); năm 2021 lãi 263 tỷ đồng (cao gấp 4,61 lần năm trước). Dù vậy, chỉ có năm 2021, biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp vượt qua mức 1% và đạt được con số ấn tượng là 3,92%.


Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoành Sơn

Bước sang năm 2022, Tập đoàn Hoành Sơn lại phải chứng kiến sự đi lùi cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần giảm gần 38%, xuống còn 4.172 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 84%, chỉ còn vỏn vẹn 41 tỷ đồng.