Tin thế giới 17-10: Giao tranh khốc liệt ở đông Ukraine; OPEC thanh minh về cắt giảm dầu
TTO - Giao tranh dữ dội ở nhiều khu vực tại Ukraine; OPEC bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng dầu; Anh cam kết giành lại niềm tin vào nền kinh tế; Iran cáo buộc tổng thống Mỹ kích động hỗn loạn… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 17-10.
Một tòa nhà công ở Donetsk, miền đông Ukraine, bị hư hại trong đợt tấn công ngày 16-10 - Ảnh: REUTERS
- Giao tranh dữ dội khắp Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình giao tranh đang căng thẳng ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở miền đông nước này vào ngày 16-10. Theo quân đội Kiev, Nga cũng đang cho di tản ở vùng Kherson. Một số cuộc tấn công xảy ra ở Zaporizhzhia, Odessa, Nikolayev, Poltava và một số vùng ở miền tây Ukraine.
Trong khi đó, Nga nói rằng tiếp tục tấn công các cơ sở quân sự và năng lượng của Ukraine trong 24 giờ. Các cuộc tấn công phá hủy năm kho đạn dược ở Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như đánh trúng 42 đơn vị pháo binh, nhân lực và thiết bị quân sự tại 141 khu vực.
*** Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kéo dài “Sáng kiến ngũ cốc”**. Ngày 16-10, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov gặp Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar để thảo luận khả năng tiếp tục triển khai sáng kiến này.
Liên Hiệp Quốc (LHQ), Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thực hiện sáng kiến. “Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine là một đảm bảo chính cho sự ổn định của thế giới”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh.
Ngày 22-7, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. Đến nay đã có 7,7 triệu tấn nông sản của Ukraine được xuất khẩu.
- Châu Âu bàn giá trần khí đốt. Hãng tin Reuters dẫn một số tài liệu cho biết các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến gặp vào cuối tuần này để thảo luận giá trần khí đốt sau nhiều tuần chia rẽ. Giá năng lượng tại châu Âu tăng chóng mặt sau khi Nga, một nhà cung cấp khí đốt quan trọng, cắt giảm mạnh nguồn cung.
Kho khí đốt Astora ở Đức, một trong những kho lớn nhất ở Tây Âu - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, một số nước như Đức lo ngại việc áp giá trần sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt và khó kiếm nguồn cung. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực vào ngày 18-10.
- OPEC giải thích cắt giảm sản xuất dầu là để “đón đầu”. Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) Haitham al-Ghais ngày 16-10 cho biết nhóm này cùng với các nhà sản xuất khác (gọi là OPEC+) đã đưa ra các quyết định hoàn toàn mang tính kỹ thuật và việc cắt giảm sản lượng dầu là một biện pháp “đón đầu” nhằm ổn định thị trường.
Ông Ghais nói rằng một loạt tuyên bố từ các quốc gia sản xuất ủng hộ quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày đưa ra ngày 5-10 cho thấy biện pháp này có hiệu quả. Dù vậy, ông cho biết nhóm có thể điều chỉnh quyết định tùy theo tình hình thị trường.
“Các thỏa thuận của OPEC+ luôn linh hoạt… các bộ trưởng luôn sẵn sàng đáp máy bay đến Vienna”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Ghais.
Việc cắt giảm cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, nước dẫn đầu OPEC+, khi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phản ứng “có phương pháp”, bao gồm khả năng xem xét lại hỗ trợ an ninh cho Saudi Arabia.
- Tân bộ trưởng tài chính Anh cam kết giành lại niềm tin vào nền kinh tế. “Điều tôi sẽ làm là cho các thị trường, thế giới thấy chúng tôi có thể làm rõ từng xu trong kế hoạch chi tiêu và thuế của chúng tôi”, Bộ trưởng Jeremy Hunt nói trên Đài BBC ngày 16-10.
Các nhà đầu tư đã bán ra ồ ạt trái phiếu Anh từ cuối tháng 9-2022 sau khi nước này cắt giảm một loạt thuế mà không đưa ra được các dự báo kinh tế độc lập.
Tình hình diễn ra trong bối cảnh Anh đang lao vào khủng hoảng do lạm phát và có thể phải tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay, làm tăng sức ép lên Thủ tướng Liz Truss. Cuối tuần qua đã có nhiều thông tin về việc Đảng Bảo thủ cầm quyền muốn thay bà Truss.
- Iran cáo buộc tổng thống Mỹ “kích động hỗn loạn” trong biểu tình. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi chỉ trích việc người đồng cấp Mỹ Joe Biden ủng hộ các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Ông Raisi cáo buộc những tuyên bố của ông Biden đã kích động hỗn loạn, khủng bố và phá hoại ở Iran.
Người biểu tình tham gia phản đối cái chết của Mahsa Amini ở Tây Ban Nha ngày 15-10 - Ảnh: REUTERS
Iran dậy sóng với các cuộc biểu tình trước cái chết của cô Amini sau khi bị bắt vì vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục dành cho phụ nữ của Iran. “Chúng tôi sát cánh cùng công dân, những người phụ nữ dũng cảm ở Iran”, ông Biden phát biểu vào cuối tuần trước.
Hồi đầu tháng này, Mỹ cũng đã trừng phạt một số quan chức, cảnh sát Iran liên quan đến trấn áp biểu tình.
- Thêm 1,2 tỉ USD nhằm xóa sổ bệnh bại liệt. Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates cam kết đầu tư 1,2 tỉ USD để giúp xóa sổ bệnh bại liệt. “Việc xóa sổ bệnh bại liệt đang trong tầm tay”, Hãng tin Reuters dẫn lời tỉ phú Bill Gates, đồng chủ tịch của quỹ, ngày 16-10.
Số tiền này sẽ được quyên góp cho Sáng kiến Xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI), một sáng kiến do chính phủ các quốc gia đứng đầu nhằm mục đích chấm dứt căn bệnh này vào năm 2026.
Bệnh bại liệt là một bệnh rất dễ lây lan do vi rút xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và làm tổn thương các tế bào trong tủy sống và não. Căn bệnh này có thể gây tử vong, và những người sống sót thường bị liệt hoặc bị teo xoắn tứ chi. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới năm tuổi nhưng có thể tấn công bất kỳ ai không được tiêm ngừa.
Nguồn bài viết: Tin thế giới 17-10: Giao tranh khốc liệt ở đông Ukraine; OPEC thanh minh về cắt giảm dầu - Tuổi Trẻ Online