Đất Hiếm- Tham vọng Chiến lược của Việt Nam
Tài nguyên đất hiếm
Đất hiếm là một loại khoáng sản, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính… không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió.
Phân bổ trữ lượng đất hiếm đã tìm thấy trên thế giới (cập nhật 2023)
Ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Đất hiếm tại Việt Nam
Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng…
Vị trí mỏ Đông Pao
Đối với khoáng sản đất hiếm, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp (sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO từ 95% trở lên, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO).
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Giai đoạn từ năm 2031- 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.
Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái). Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Về khai thác:
Giai đoạn đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Trong giai đoạn 2031-2050 sẽ duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác giai đoạn này dự kiến khoảng hơn 2,1 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Về chế biến
Giai đoạn đến năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.
Để chế biến tổng các ôxit đất hiếm (TREO) sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện- chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000- 60.000 tấn/năm.
Còn với đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách- chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ, đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000- 60.000 tấn/năm.
Trong giai đoạn 2031-2050, căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các ôxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000- 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000- 80.000 tấn/năm.
Với kim loại đất hiếm, đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500- 10.000 tấn/năm.
Lợi ích kinh tế của đất hiếm với Việt Nam
Thị trường kim loại đất hiếm toàn cầu năm 2022 trị giá khoảng 10 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là 8% để đạt tổng doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2035.
Nếu phát triển thành công ngành đất hiếm để chiếm 10% thị trường toàn cầu vào 2035, Việt Nam có thể tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận tiềm năng có thể thấp hơn đáng kể nếu tính đến tất cả chi phí sản xuất.
Với những lợi ích kinh tế tương đối khiêm tốn này, cộng với việc thiếu công nghệ phù hợp và những lo ngại về tác động môi trường. Vậy tại sao Việt Nam cần quan tâm đến việc khai thác đất hiếm?
Nếu chỉ xét đến lợi ích kinh tế thì việc khai thác đất hiếm không trực tiếp mang lại nhiều giá trị. Nhưng ở tầm Vĩ mô thì khai thác đất hiếm mang tham vọng có tính chiến lược đối với Việt Nam trong tương lai.
=> Những nỗ lực phát triển ngành đất hiếm của Việt Nam có thể được lý giải tốt hơn bằng những lợi ích chiến lược mà Việt Nam kỳ vọng đạt được trong tương lai, đặc biệt là tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam đối với các cường quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng nóng.
Cuộc chiến đất hiếm Mỹ- Trung mang tính Chiến lược
Vị thế của Trung Quốc
Trung Quốc hiện chiếm 63% sản lượng khai thác đất hiếm, 85% năng lực chế biến đất hiếm và 92% sản lượng nam châm đất hiếm của thế giới. Tháng 7 năm nay, Trung Quốc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng chất gallium và germanium. Số liệu tháng 8 cho thấy Trung Quốc đã hoàn toàn không xuất khẩu gallium và germanium. Lý do được đưa ra hồi năm 2010 là để bảo vệ môi trường. Nhưng nó không hợp lý! Vì Trung Quốc vẫn không ngừng khai thác hay chế biến đất hiếm, mà chỉ ngừng xuất khẩu những nguyên liệu trung gian.
=> Quyết định trên của Trung Quốc khả năng cao là nhằm trả đũa việc Mỹ hạn chế bán công nghệ cho Trung Quốc và cấm vận các công ty công nghệ của quốc gia này trong cuộc chiến tranh Thương mại.
Nổ lực của Mỹ
Các oxit đất hiếm cũng như các hợp kim và nam châm đất hiếm mà Trung Quốc kiểm soát là những thành phần quan trọng trong các ngành công nghiệp thiết yếu như điện tử, xe điện và tua-bin gió và cũng rất cần thiết cho việc sản xuất các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa, radar và máy bay tàng hình. Mỹ hiện nhập khoảng 74% lượng đất hiếm từ Trung Quốc.
=> Dẫn đến sự phụ thuộc của phía Mỹ và các đồng minh vào hoạt động xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, sự phụ thuộc này mang tính rủi ro rất cao trong bối cảnh quan hệ 2 bên trở nên căng thẳng.
Trong bối cảnh như vậy, những năm gần đây, Mỹ đẩy mạnh việc hợp tác phát triển chuỗi cung ứng về khai thác, sản xuất đất hiếm cũng như sản xuất linh kiện bán dẫn. Đồng thời, Washington cũng tăng cường tự chủ về khai thác và xử lý đất hiếm.
Tầm quan trọng chiến lược của đất hiếm đối với Việt Nam
Nhằm tránh khỏi sự lệ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc, Washington và các đồng minh tất yếu phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm. Bên cạnh việc khôi phục các mỏ đất hiếm của mình, họ cũng tăng cường hợp tác với các quốc gia có trữ lượng đất hiếm cao. Việt Nam sẽ lựa chọn lý tưởng để phát triển nguồn cung thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc khi Việt Nam vẫn giữ quan điểm tương đối trung lập về các mối quan hệ ngoại giao.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9, hai bên đã ký kêt một Bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ Việt Nam định lượng tài nguyên đất hiếm và phát triển tiềm năng kinh tế của loại tài nguyên này.
=> Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc đảm bảo an ninh khoáng sản và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị đấu giá các mỏ đất hiếm của mình, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam phát triển ngành này.
Tham khảo
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về đất hiếm - nguyên liệu chiến lược sản xuất chất bán dẫn
Rare Earths Reserves: Top 8 Countries (Updated 2023)
Rare Earth Metals Market revenue to reach USD 20 Billion by 2035, says Research Nester
Hoa Kỳ muốn mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Đề xuất hướng phát triển cho ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam
Cuộc chiến đất hiếm Mỹ - Trung
Don’t Worry About China’s Gallium and Germanium Export Bans
Khởi động kế hoạch khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam