Phần 2. Ứng dụng tính chu kỳ vào việc lựa chọn các ngành đầu tư
Ở phần trước, chúng ta đã phân tích tại sao am hiểu tính chu kỳ của nền kinh tế lại quan trọng trong quá trình đầu tư. Tính chu kỳ cũng trả lời câu hỏi của nhiều nhà đầu tư rằng tại sao VN-Index cứ quanh quẩn mãi 1200 điểm dù năm 2007 TTCK đã tiệm cận được mốc này rồi. Các nhóm dẫn dắt chính của TTCK Việt Nam đều là những ngành có tính chu kỳ rất mạnh như nhóm tài chính, bất động sản & thép, trong khi đó ở TTCK Mỹ nhóm ngành dẫn dắt chủ yếu là nhóm công nghệ đại diện cho tính tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Bài viết hôm nay sẽ nối tiếp phần (1) để đi vào việc ứng dụng chu kỳ để lựa chọn các nhóm ngành đầu tư phù hợp trong các pha khác nhau của chu kỳ kinh tế.
Chiến lược đầu tư từ đáy suy thoái chuyển sang phục hồi:
- Ở giai đoạn này, AD xây dựng danh mục đầu tư dựa trên đặc điểm chủ đạo là lãi suất duy trì ổn định và ở mức thấp. Những ngành nhạy với lãi suất & thâm dụng vốn sẽ là những nhóm hưởng lợi trực tiếp khi hiệu ứng lãi suất rẻ bắt đầu. Tuy nhiên, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tác động đến các nhóm ngành với độ trễ khác nhau. Chính vì vậy, sự tăng trưởng của các nhóm ngành sẽ có độ lệch pha với nhau. Sau đây là sắp xếp theo mức độ ưu tiên về thời gian để đầu tư để anh em NĐT tham khảo:
(1) Nhóm ngành tài chính (chứng khoán và ngân hàng): đây là nhóm doanh nghiệp việc kinh doanh vốn và cực kỳ nhạy với lãi suất, lãi suất rẻ hơn giúp chi phí đầu giảm xuống và kích thích nhu cầu vay vốn của người đi vay, doanh nghiệp & nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư tăng nhanh => lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm tài chính tăng trưởng mạnh. Nhóm tài chính thường tăng trưởng gắn liền với sự tăng trưởng VN-Index khi đây chính là chỉ báo tương lai của nền kinh tế. Dẫn chứng cụ thể là từ Q4.2023 → hết Q1.2024 nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh và kéo chỉ số VN-Index chính là ngân hàng và chứng khoán. Cách đánh giá sự tăng trưởng của nhóm ngành này đó là kỳ vọng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao (đối với ngân hàng) và dòng tiền đầu tư đổ vào TTCK mạnh (đối với công ty chứng khoán).
Diễn biến giá cổ phiếu nhóm tài chính (Nguồn: Wichart)
(2) Nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ, thương mại & dịch vụ: đây là nhóm ngành ưu tiên tiếp theo trong giai đoạn kinh tế phục hồi khi sức khỏe nền kinh tế dần được khôi phục, đặc điểm của nhóm này là việc sử dụng tỷ lệ nợ ngắn hạn cao, lãi suất thấp cùng với sức cầu nền kinh tế phục hồi mạnh sẽ giúp doanh nghiệp ngành bán lẻ cải thiện được biên lợi nhuận. Dịch vụ cũng phục hồi mạnh mẽ khi thu nhập nền kinh tế được cải thiện. Thực tế đã chứng minh sức mạnh của các nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn Q1 & Q2.2024 vừa rồi khi các động sản xuất dần khôi phục kéo theo nhu cầu tiêu thụ cũng tăng theo. Cách đánh giá sự tăng trưởng của nhóm ngành này là kiểm soát chi phí đầu vào, doanh số bán hàng phục hồi và tồn kho tăng cao…
(Nguồn: Wichart)
(3) Nhóm ngành sản xuất công nghiệp & tài nguyên cơ bản (thép, tôn mạ, phân bón - hóa chất): so với 02 nhóm ngành trên, nhóm ngành sản xuất sẽ phản ứng chậm hơn với lãi suất rẻ bởi chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp này thường dài hơn. Cách đánh giá sự tăng trưởng của nhóm ngành sẽ dựa vào nhu cầu tiêu thụ phục hồi, xuất khẩu phục hồi & tồn kho nguyên vật liệu giá rẻ ở mức cao.
Thứ tự ưu tiên (1), (2) và (3) là các nhóm có sức bật mẽ nhất khi kinh tế phục hồi (Nguồn: FIDT)
(4) Nhóm ngành xuất - nhập khẩu: Đây cũng là nhóm ngành phục hồi cực kỳ mạnh mẽ khi kinh tế phục hồi. Tuy nhiên chu kỳ nhóm ngành này thường ngắn và tăng mạnh mẽ ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm giá xuất khẩu và sản lượng hàng hóa xuất khẩu.
(5) Nhóm ngành xây dựng và bất động sản: đây thường là lựa chọn của phần lớn và ưa thích của nhà đầu tư vì độ biên độ giao động mạnh. Nhóm này cũng sẽ hưởng lợi từ việc lãi suất rẻ khiến giảm thiểu các chi phí lãi vay, nhu cầu mua bán BĐS để ở và đầu tư cũng tăng theo khi thu nhập nền kinh tế gia tăng. Đây cũng là một nhóm ngành nên quan tâm trong giai đoạn nền kinh tế chuyển sang pha tăng trưởng khi ngày 01/07 vừa qua có nhiều bộ luật liên quan đến BĐS được thông qua góp phần hỗ trợ ngành BĐS phục hồi.
Chiến lược đầu tư từ giai đoạn tăng trưởng đến đạt đỉnh:
- Đặc điểm của giai đoạn này là nền kinh tế đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và duy trì liên tục, tốc độ tăng trưởng cũng chậm hơn so với giai đoạn phục hồi. Khi câu chuyện tăng trưởng của các nhóm ngành chủ chốt không còn quá nổi bật. Đây sẽ là giai đoạn phân bổ vào các nhóm ngành mang tính cơ bản và thiết yếu nhiều hơn và vẫn nắm giữ một phần tỷ trọng danh mục của nhóm ngành trước đó để đảm bảo tính an toàn cho danh mục đầu tư. Thứ tự ưu tiên:
(1) Nhóm ngành năng lượng (điện, xăng, dầu khí): Khi các nhóm ngành khác đã tăng quá nhiều vì những câu chuyện kỳ vọng tăng trưởng, nhóm cổ phiếu năng lượng thường bị “lãng quên” nên còn thấp so với mặt bằng chung.
(2) Nhóm ngành thiết yếu (thực phẩm, dược phẩm, nước) hoặc các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, cổ tức đều đặn.
Khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy thoái:
Đây là giai đoạn chuyển sang chế độ phòng thủ khi các tín hiệu vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn và có dấu hiệu bảo hòa. Việc nên làm là giữ tỷ trọng vừa phải hoặc phân bổ qua các kênh gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua vàng,…
Luân chuyển giữa các nhóm ngành:
AD thường ví von câu chuyện đầu tư luân chuyển theo nhóm ngành giống như việc một người nông dân sẽ lựa chọn cây trồng gì dựa trên những kinh nghiệm về mùa vụ, thời tiết và giá cả của loại cây trồng sắp tới ra sao để đưa ra quyết định. Trong đầu tư cổ phiếu cũng tương tự như vậy, việc quan trọng nhất vẫn là ra quyết định hợp lý và đúng thời điểm. Việc am hiểu chu kỳ cũng như thứ tự và đặc điểm của các nhóm ngành này phản ứng như thế nào với sự thay đổi lãi suất và các yếu tố vĩ mô sẽ giúp ích anh em rất nhiều. Việc lựa chọn cổ phiếu nghịch chu kỳ cũng giống như chọn loại cây trồng không phù hợp với thời tiết, mùa vụ hay giá cả sẽ khiến năng suất kém hiệu quả.
Sự luân chuyển các nhóm ngành trong các pha nền kinh tế (Nguồn: Fidelity, Reseach)
Đầu chu kỳ tăng kinh tế sẽ là thời điểm hợp lý để chúng ta phân bổ tài sản vào các nhóm ngành cực kỳ nhạy với lãi suất. Tiếp theo là nhóm sản xuất và tài nguyên cơ bản để phục vụ nền kinh tế khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu phục hồi. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, nhà đầu tư cần biết luân chuyển dòng tiền đầu tư từ nhóm ngành này qua nhóm ngành kia sau khi xác định các ngành hoặc lĩnh vực đang chọn có thể có vị thế tốt cho các giai đoạn hiện tại và tương lai của chu kỳ kinh doanh. Tùy thuộc vào giai đoạn của chu kỳ kinh doanh—đầu, giữa, cuối hoặc suy thoái—một số ngành nhất định sẽ được kỳ vọng hoạt động tốt hơn các ngành khác. Yếu tố này giúp sinh ra dòng tiền đầu tư thông minh vào cổ phiếu đó khiến khối lượng giao dịch tăng liên tục, đây cũng là một chỉ báo tham khảo để xác định kỳ vọng của một nhóm ngành.
=> Chung quy lại, có hai thứ mà nhà đầu tư khi hiểu rõ về tính chu kỳ đó là các dấu hiệu nhận biết sự chuyển pha trong một chu kỳ và từng giai đoạn đó những nhóm ngành nào sẽ nổi trội hơn những nhóm còn lại. Điều này giúp anh em nhà đầu tư định vị được một doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt trong xuyên suốt chu kỳ.
Chúc anh em đầu tư thành công!